intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ý niệm cương thường, tiền tài trong tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

7
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Qua các biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ từ cứ liệu ca dao Nam Bộ, bài viết "Ý niệm cương thường, tiền tài trong tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ" phân tích, làm rõ các biểu hiện của ý niệm “cương thường” và ý niệm “tiền tài” để hiểu thêm về cách tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ý niệm cương thường, tiền tài trong tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ

  1. Ý NIỆM CƯƠNG THƯỜNG, TIỀN TÀI TRONG TƯ DUY, VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT NAM BỘ (Qua cứ liệu ca dao Nam Bộ) TS. Đào Duy Tùng57, TS. Lê Việt Đoàn2, Ngô Bảo Tín3 TÓM TẮT “Cương thường” là ý niệm trừu tượng và khó hiểu được tri nhận trên cơ sở ý niệm “thực thể” (hình dáng, trọng lượng) có tính cụ thể và dễ hiểu hơn. Ý niệm “thực thể” (hình dáng, trọng lượng) được biểu hiện ở hai thuộc tính có tính lưỡng cực và lưỡng trị, có sắc thái đánh giá tích cực - tiêu cực. Trong đó, các biểu hiện của ý niệm “cương thường” được tri nhận qua thuộc tính “tròn, toàn vẹn” hay “trọng, nặng”, có nghĩa tích cực; trái lại, các thuộc tính “không tròn, thiếu” hay “khinh, nhẹ”, có nghĩa tiêu cực. Ý niệm “tiền tài” tuy có tính cụ thể nhưng đặt trong quan hệ đối sánh với “cương thường” thì “tiền tài” được tri nhận qua ý niệm “trọng lượng”, “sự vận động” và có sắc thái đánh giá tiêu cực. Qua các biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ từ cứ liệu ca dao Nam Bộ, bài viết phân tích, làm rõ các biểu hiện của ý niệm “cương thường” và ý niệm “tiền tài” để hiểu thêm về cách tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ. Từ khóa: ca dao Nam Bộ, cương thường, tiền tài, tư duy, ý niệm, văn hóa. ABSTRACT The concepts of “three bonds and five constants” and “money” in the Thinking and Culture of Southern Vietnamese People (Based on the Data of Folk Verses in the Southern Vietnam) “Three bonds and five constants” is an abstract and complex concept that is perceived based on the concept of “entity” (shape, weight), which is more concrete and easier to understand. The concept of “entity” (shape, weight) is manifested through two attributes with bipolarity and duality, having positive and negative evaluation nuances. In which the manifestations of the concept of “three bonds and five constants” are perceived through the attributes of “round, complete” or “heavy, weighty,” which have positive meanings; on the contrary, the attributes of “not round, lacking” or “light, weightless”, have negative meanings. The concept of “money”, although concrete, when placed in a comparative relationship with “three bonds and five constants”, is perceived through the concepts of “weight”, “movement”, and has negative evaluation nuances. Through metaphorical language expressions from the corpus of folk verses in the Southern Vietnam, the article analyzes and clarifies the manifestations of the concepts of “three bonds and five constants” and “money” to gain a deeper understanding of the way of thinking and culture of the Southern Vietnamese people. 57() (2)Khoa KHXH&NV, Đại học Cần Thơ. (3) Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 251
  2. Keywords: Southern Vietnam’s folk verses, three bonds and five constants, money, thinking, concept, culture. 1. Dẫn nhập 1.1. G. Lakoff và M. Johnson cho rằng “chúng ta sống bằng ý niệm” (concepts we live by) (Lakoff - Johnson, 1980: 3). Ý niệm chi phối cách chúng ta trải nghiệm thế giới, cách chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta hành động và cách chúng ta liên hệ với người khác (Lakoff - Johnson 1980: 3; Kövecses, 2002: 63). Do đó, hệ thống ý niệm đóng một vai trò trung tâm trong việc minh định thực tại. G. Lakoff và M. Johnson cho rằng: “Nếu chúng tôi đúng trong việc đề xuất rằng hệ thống ý niệm của chúng ta phần lớn là có tính ẩn dụ, vậy thì cách chúng ta suy nghĩ, điều chúng ta trải nghiệm và làm hàng ngày thực sự là một vấn đề của ẩn dụ” (Lakoff - Johnson, 1980: 3); và “bản chất của ẩn dụ là hiểu và trải nghiệm một loại sự vật trên cơ sở một loại sự vật khác” “Lakoff - Johnson, 1980: 5). Dựa trên cơ sở ngôn ngữ, G. Lakoff và M. Johnson cho rằng hầu hết hệ thống ý niệm thông thường của chúng ta về bản chất là có tính ẩn dụ và được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm của chúng ta. Nghĩa là, các ý niệm có cơ sở ở sự tương tác thường xuyên giữa chúng ta với môi trường vật chất và văn hóa của chúng ta. Trên cơ sở đó, các ý niệm về đối tượng không dựa trên tính chất khách quan, thuộc tính cố hữu của đối tượng, mà dựa trên các thuộc tính tương tác. 1.2. Ý niệm “cương thường”, “tiền tài” là những ý niệm không thể thiếu trong cuộc sống, nói cách khác, chúng ta sống bằng những ý niệm có tính văn hóa này vì chúng đã kiến tạo các quy chuẩn đạo đức, ứng xử, hoạt động của chúng ta. Trong tư duy, văn hóa Nam Bộ nói riêng, văn hóa của người Việt nói chung, cặp ý niệm “cương thường”, “tiền tài” thường được hiểu một cách ẩn dụ trên cơ sở ý niệm thực thể (hình dáng, trọng lượng), sự vận động. Trong đó, ý niệm thực thể (hình dáng, trọng lượng) thể hiện ở thuộc tính tròn, trọn, vuông, vuông tròn, nguyên vẹn, toàn vẹn,… mang nghĩa đánh giá tích cực (positive evaluation); trái lại, thể hiện ở thuộc tính không tròn, thiếu,… mang nghĩa đánh giá tiêu cực (negative evaluation). Trong tương quan “cương thường” (biểu hiện ở “nghĩa”, “nhân nghĩa”) - “tiền tài”, thì “cương thường” được hiểu trên cơ sở ý niệm trọng lượng, sự vận động, biểu hiện ở thuộc tính trọng (nặng), vững chắc (không đổi dời), có nghĩa tích cực; “tiền tài” được hiểu trên cơ sở ý niệm trọng lượng, sự vận động, biểu hiện ở thuộc tính đổi dời, không trọng (nhẹ, khinh), có nghĩa tiêu cực. Từ cứ liệu ca dao Nam Bộ, bài viết phân tích ý niệm “cương thường”, “tiền tài” thể hiện qua các biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ để góp phần hiểu hơn tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ. 2. Khái quát về ý niệm, ý niệm “cương thường”, “tiền tài” trong Nho gia và trong cách hiểu của người Việt 2.1. Ý niệm có quan hệ mật thiết với phạm trù. Theo các quan điểm trước đây thì “phạm trù được định nghĩa là một tập hợp của các đặc tính chung khách quan của các thành viên và chỉ những thành viên trong phạm trù mới có những đặc trưng đó, có biên giới rõ ràng” (Phương, 2011: 71). Hiện nay, các nhà tri nhận luận không hoàn toàn đồng ý với định nghĩa này. Bởi lẽ, “tuy có những phạm trù phù hợp với mô hình phạm trù cổ điển, nhưng đa phần các phạm trù được xây dựng xoay quanh điển dạng, là cấu trúc dạng phức xạ với ranh giới 252
  3. mơ hồ mang tính thân tộc, bởi thuộc tính của các thành viên không hoàn toàn bắt nguồn từ sự vật khách quan mà có liên hệ đến cấu trúc tri nhận và lý giải, ví dụ sơ đồ gestalt, ý tưởng, ẩn dụ, hoán dụ....” (Phương, 2011: 71). Như vậy, các phạm trù dựa trên nền tảng là cấu trúc tri nhận của con người chứ không phải là sự đối ứng trực tiếp với thế giới bên ngoài. “Các ý niệm được hình thành trên cơ sở đó không thể được định nghĩa bằng mối quan hệ trực tiếp với thế giới khách quan mà dựa trên tri giác, khả năng vận động cơ thể và năng lực tri nhận của con người. Vì vậy, ý nghĩa của các ký hiệu ngôn ngữ đại diện cho một phạm trù tri nhận và một phạm trù ngữ nghĩa có mối quan hệ tương hỗ với nhau, vì thế nó mang tính chất động và khả biến.” (Phương, 2011: 72) 2.2. “Tam cương ngũ thường” (三纲五常) và “tam tòng tứ đức” (三从四德) vốn là những khái niệm nằm trong hệ thống văn hóa Nho gia, giúp con người có được sự tu tâm dưỡng tính, đặt ra những nguyên tắc cơ bản của cuộc sống, duy trì sự vận hành xã hội ổn định, phát triển. (观心, 2011) Tam cương (三纲) là chỉ về “quân vi thần cương” (君为臣纲), “phụ vi tử cương” (父 为子纲), “phu vi thê cương” (夫为妻纲). Ba nguyên tắc này là nền tảng của đạo đức con người, và chúng cũng là ý thức chung của các xã hội chính thống trên khắp thế giới, được thể hiện trong tất cả các cấp độ của xã hội Trung Quốc và phương Tây. “Ngũ thường” (五常) là nói đến sự tu dưỡng của năm phương diện trong cuộc sống thường nhật là: Nhân (仁), nghĩa (义), lễ (礼), trí (智), tín (信). “Đây là một bộ học thuyết rất hợp lý và khoa học, phục vụ xã hội, hoàn thiện phẩm hạnh và nâng cao đạo đức con người, là phương pháp tu dưỡng của bậc chính nhân quân tử có phẩm chất đạo đức.” (观心, 2011) 2.3. Trong Dictionarium Anamitico-Latinum (Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - 南越洋 合字彙 ), Jean-Louis Taberd giải thích “cang thường” là “năm đức tính cốt yếu” (quinque virtutes cardinales) (Taberd, 1838: 44). Tương tự, trong Dictionnaire annamite - français (Tự vị An Nam - Pha Lang Sa), Marie-Antoine Louis Caspar cũng cho rằng “cang thường” là “các đức tính cốt yếu” (Les vertus cardinales). (Caspar, 1877: 80) Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huình-Tịnh Paulus Của giải thích “cang thường” là “lẽ hằng, chính phép buộc ở đời”. (Của, 1885: 100) Còn theo Đào Duy Anh, “cương thường” (綱常) gồm “tam cương và ngũ thường” (Anh, 2005: 119). “Tam cương” được giải thích là: “Ba mối: vua tôi, cha con, vợ chồng” (Anh, sđd: 658). “Ngũ thường” được giải thích: “Năm đức tính của người ta là: nhân, nghĩa, lễ, trí tín”. (Anh, sđd: 515) Trong Tầm nguyên từ điển, Từ điển Hán Việt từ nguyên, Bửu Kế lý giải “cương thường” (綱常) là “do chữ tam cương và ngũ thường. Cương: Cái dây lớn ở cái lưới, điều cốt yếu. Tam cương: Giềng mối giữa vua tôi, cha con, vợ chồng; Thường: Đức tính thông thường, quen thuộc của con người. Ngũ thường gồm: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. 253
  4. Ví dụ: Rằng cương thường nặng núi non. (Hoa tiên) (Kế, 2005: 108; 2007: 315) Hoàng Phê (Chủ biên) cũng giải thích tương tự. “Cương thường” là “tam cương và ngũ thường (nói tắt); những nguyên tắc đạo đức phong kiến theo quan điểm nho giáo (nói tổng quát). (Phê (Cb), 1988: 233). “Tam cương” là “ba quan hệ cơ bản: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ trong hệ thống đạo đức của nho giáo (nói tổng quát).” (Phê (Cb), sđd: 886). “Ngũ thường” là “năm đức tính trong hệ thống đạo đức của nho giáo: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (nói tổng quát).” (Phê (Cb), sđd: 691) Như vậy, “tam cương” và “ngũ thường” được gọi tắt là “cương thường” (cang thường). “Tam cương” gồm ba giềng mối là vua - tôi, cha - con, chồng - vợ. “Ngũ thường” gồm năm đức tính cốt yếu của con người: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. 3. Ý niệm “cương thường” trong tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ Như đã đề cập, “cương thường” gồm “tam cương” và “ngũ thường”. Tuy nhiên, trong CDNB, “tam cương” được biểu hiện chủ yếu ở giềng mối thứ hai là con cái - cha mẹ và giềng mối thứ ba là vợ - chồng; còn “ngũ thường” được biểu hiện ở hai đức tính cốt yếu là nhân và nghĩa. Trong đó, nhân và nghĩa vừa là hai đức tính tốt đẹp của con người trong “ngũ thường”, vừa bao trùm lên các quan hệ ứng xử gia đình - xã hội (tam cương), mà đáng chú ý nhất là hai mối quan hệ con cái - cha mẹ, vợ - chồng. Con cái phụng dưỡng, vâng lời, tôn kính, phụng thờ cha mẹ được gọi là hiếu trung/hiếu nghĩa; vợ chồng chung sống, đối đãi với nhau có trước có sau được gọi là nhân nghĩa. Rộng hơn, nhân nghĩa còn được hiểu là ứng xử trong các mối quan hệ con cái - cha mẹ, vợ - chồng hay người với người nói chung. “Cương thường” trong CDNB có sự tiếp biến sáng tạo, linh hoạt, và được tri nhận trên cơ sở ý niệm thực thể (hình dáng, trọng lượng), sự vận động, thể hiện ở hai cặp thuộc tính đối lập, có giá trị lưỡng cực là tròn, trọn, vuông tròn, toàn vẹn - không tròn, thiếu và trọng, nặng - nhẹ, khinh, qua các biểu thức ngôn ngữ ẩn dụ như: giữ trọn ba giềng, giữ trọn đạo ba, trọn đạo ba, trọn thảo, trọn nghĩa, nhân nghĩa vuông tròn, nhơn ngãi vẹn toàn, ngãi nhân như bát nước đầy, tròn hiếu trung, trọn bề hiếu trung, tròn nghĩa con,… làm dâu không tròn, thiếu chữ tình,…; nghĩa trọng tợ thiên kim, công sanh thành là nặng, tiền tài không trọng mấy, điều tình ái là khinh,… Do đó, chúng tôi không phân tích theo tuần tự ba giềng mối và năm đức tính, mà phân tích trên cơ sở các thuộc tích có tính lưỡng cực và lưỡng trị của thực thể (hình dáng, trọng lượng), sự vận động. Dưới đây là một số biểu hiện nổi trội của ý niệm “cương thường” trong tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ. 3.1. Các biểu hiện của ý niệm “cương thường” được tri nhận qua ý niệm thực thể có thuộc tính tròn, trọn, vuông tròn, toàn vẹn và có nghĩa tích cực 3.1.1. Ý niệm “tam cương” được Nam Bộ hóa là ba giềng, đạo ba: (1) Làm trai giữ trọn ba giềng, Thảo cha, ngay chúa, vợ hiền chớ vong. (49LT) (2) Làm sao giữ trọn đạo ba, Sau dầu có thác cũng là thơm danh. (493NB) 254
  5. (3) Cùng nhau cho trọn đạo ba, Thà là lìa thác, chẳng thà lìa sinh. (83LT) Dễ thấy, trong tư duy, văn hóa của người Việt, vật thể nguyên vẹn (trọn vẹn, toàn vẹn) thường đem lại cảm giác hài lòng, an tâm, tin tưởng và mang ý nghĩa về sự hoàn chỉnh, bền vững, tốt đẹp nên có giá trị tích cực. Trong mô thức đó, ở các bài CDNB trên, ý niệm ba giềng, đạo ba được hiểu trên cơ sở ý niệm thực thể trọn vẹn (toàn vẹn), có giá trị tích cực, biểu hiện qua các biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ là giữ trọn ba giềng (1), giữ trọn đạo ba (2), trọn đạo ba (3). 3.1.2. Ý niệm “cương thường” được biểu hiện ở chữ thảo - đề cao đạo hiếu, coi đây là một trong những đạo đức quan trọng nhất của con người; chữ nghĩa - khuyên con người phải sống có đạo đức, biết ơn, báo đáp công ơn và luôn ý thức hoàn thành trách nhiệm. (4) Dốc lòng trả nợ áo cơm, Sống cho trọn thảo, thác thơm nhân hiền. (486NB) (5) Dốc lòng trả nợ áo cơm, Sống cho trọn nghĩa, thác thơm nhân hiền. (479CL) Tương tự bài CDNB (1) - (3) ở trên, ý niệm “cương thường” được biểu hiện ở chữ thảo, nghĩa cũng có tính trừu tượng và được hiểu trên cơ sở ý niệm có tính vật chất, qua biểu thức ngôn ngữ ẩn dụ trọn thảo (4), trọn nghĩa (5). 3.1.3. Ý niệm “cương thường” được biểu hiện ở hiếu trung, đạo (con), nghĩa (con), chỉ sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. (6) Đói lòng ăn bát cháo môn, Để cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung. (463NB) (7) Nên thì lập kiểng trồng hoa, Chẳng nên đá kiểng trồng cà dái dê. Chẳng nên thiếp trở lộn về, Dưỡng nuôi từ mẫu, trọn bề hiếu trung. (437CL) (8) Ơn hoài thai như biển, Ngãi dưỡng dục tợ sông, Em nguyền ở vậy không chồng, Lo nuôi cha mẹ hết lòng đạo con. (469NB) (9) Khó nghèo củi núi rau non, Nuôi cha nuôi mẹ cho tròn nghĩa con. (465NB) Hiếu trung trong các bài CDNB trên được hiểu trên cơ sở các thực thể trọn vẹn (toàn vẹn), qua biểu thức tròn hiếu trung (6), tròn nghĩa con (9), hay không gian trọn bề hiếu trung 255
  6. (7), hết lòng đạo con (8), có cơ sở từ kinh nghiệm nghiệm thân, hay vật chất, văn hóa - xã hội Việt Nam và đều mang giá trị tích cực. Ý niệm hiếu trung, hiếu nghĩa có nguồn gốc từ gia đình - xã hội, là một phần của văn hóa, nên quan điểm của xã hội hay của con người chính là điều quan trọng, quy định hành vi của con người trong hoạt động, ứng xử. Trên cơ sở đó, tròn hiếu trung, trọn bề hiếu trung, tròn nghĩa con thể hiện sự hoàn hảo, trọn vẹn của phận làm con đối với đấng sinh thành. Đó là ứng xử hoàn mĩ theo quy chuẩn hiếu trung. 3.1.4. Ý niệm “cương thường” được biểu hiện ở chữ nghĩa, nhân nghĩa (nghĩa nhân, nhơn ngãi, ngãi nhân, ngỡi nhơn), chỉ giá trị cốt lõi, là nền tảng bao trùm lên mọi mối quan hệ, làm cho xã hội trở lên tốt đẹp. (13) Người còn thì nghĩa cũng còn, Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi. (496NB) (14) Trăm năm nhơn ngãi vẹn toàn, Tử sanh tạc dạ đá vàng nào phai. (453NB) (15) Ngãi nhân như bát nước đầy, Đổ đi hốt lại sao tày như xưa. (329NB) Trong các bài CDNB trên, ý niệm nhân nghĩa (nhơn ngãi, ngãi nhân) được hiểu trên cơ sở ý niệm vật thể, chất thể, hay không gian, thể hiện qua các biểu thức ẩn dụ: nghĩa cũng còn, nhân nghĩa vuông tròn (13), nhơn ngãi vẹn toàn (14), ngãi nhân như bát nước đầy, đổ đi hốt lại… (15). Ý niệm nhân nghĩa (nhơn ngãi, ngãi nhân) được hiểu một cách ẩn dụ có cơ sở từ trải nghiệm văn hóa và vật chất. Ở phương diện vật chất, vuông tròn, vẹn toàn, đầy (đủ), như đã đề cập, mang lại cảm giác hài lòng, an tâm, tin tưởng; thể hiện giá trị, chức năng hoàn hảo, bền vững của sự vật. Chẳng hạn, ở bài CDNB (16), ngãi nhân được ví như bát nước đầy. Trong đó, bát nước đầy gồm vật chứa (bát) chứa đầy chất thể (nước) được ánh xạ sang phạm trù đạo đức của con người ngãi nhân (nghĩa nhân). Nói cách khác, các hành động quy chuẩn nghĩa nhân chính là chất thể (nước) được chứa đầy trong bát. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, bát nước đầy thì không thể thêm nước vào nữa, và khi đổ nước trong bát đi thì cũng không thể hốt (nước) lại được như lúc đầu. Ở phương diện văn hóa, vuông tròn, vẹn toàn, đầy (đủ) là biểu hiện của sự hoàn hảo, viên mãn, nên có giá trị tích cực. 3.2. Các biểu hiện của ý niệm “cương thường” được tri nhận qua ý niệm thực thể có thuộc tính không tròn, thiếu và có nghĩa tiêu cực Ý niệm “cương thường” được biểu hiện ở trung - sự trung thành, trách nhiệm với tổ quốc; hiếu - sự hiếu kính, biết ơn cha mẹ; tình - sự yêu thương, gắn bó, hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. (10) Mình giữ chữ Trung, chữ Hiếu, còn thiếu chữ Tình, Đạo chồng nghĩa vợ sao đành vội vong. (258-259NB) (11) Nước lên khỏi chậu tràn âu, Qua lo cho bậu làm dâu không tròn. (447NB) 256
  7. Trung, hiếu, tình là quy chuẩn của ba giềng mối vua - tôi, cha mẹ - con cái, chồng - vợ mà con người cần phải giữ trọn. Làm dâu không tròn cũng là biểu hiện của chữ hiếu, nghĩa là chưa tròn bổn phận dâu con. Ở bài CDNB (10), trung, hiếu, tình được hiểu trên cơ sở ý niệm thực thể nên mới có thể giữ chữ Trung, chữ Hiếu, còn thiếu chữ Tình (nghĩa là chưa giữ được chữ tình) hay làm dâu không tròn (11). Trung, hiếu, tình là những biểu hiện của “tam cương”, có tính thuần túy tinh thần, thường hoặc luôn dựa vào các ẩn dụ có cơ sở thực tế và/ hoặc cơ sở văn hóa. Ở phương diện thực tế, không tròn, thiếu mang lại cảm giác không hài lòng, bất an, thiếu tin tưởng, và do đó thể hiện giá trị, chức năng không hoàn hảo, thiếu bền vững. Ở phương diện văn hóa, không tròn, thiếu là biểu hiện của sự không hoàn hảo, viên mãn, thiếu may mắn, nên có giá trị tiêu cực. 3.3. Các biểu hiện của ý niệm “cương thường” được tri nhận qua ý niệm trọng lượng có thuộc tính nặng, có nghĩa tích cực; thuộc tính nhẹ (khinh), có nghĩa tiêu cực Ý niệm “cương thường” được biểu hiện ở chữ hiếu, chữ tình, nhưng ngoài việc hiểu trên cơ sở ý niệm thực thể, chất thể, không gian, qua thuộc tính tròn/trọn - không tròn/trọn như phân tích ở trên, còn được hiểu trên cơ sở ý niệm trọng lượng, qua hai thuộc tính có tính lưỡng cực là trọng (nặng) - nhẹ (khinh). (12) Lúc em bước chân ra, Má ở nhà có dặn, Công sanh thành là nặng, Điều tình ái là khinh, Đừng nên ham nhan sắc đắm tình, Lánh xa tửu điếm trà đình, chớ vô. (424CL) Công sanh thành là nặng, hay nói cách khác, chữ hiếu được hiểu trên cơ sở ý niệm trọng lượng, thể hiện sự vật có khối lượng lớn, ý niệm hóa cho sự quan trọng, lớn lao, cao cả, có giá trị tích cực. Trái lại, trong quan hệ đối sánh, điều tình ái là khinh, nghĩa là chữ tình cũng được hiểu trên cơ sở ý niệm trọng lượng, ý niệm hóa cho sự không quan trọng, lớn lao, nhỏ bé, tầm thường, có giá trị tiêu cực. Bài ca dao thể hiện quan niệm truyền thống của người Việt về hiếu và tình: Trọng hiếu khinh tình. Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng, trong tư duy, văn hóa của người Việt, nặng không phải bao giờ cũng có giá trị tích cực và nhẹ không phải bao giờ cũng có giá trị tiêu cực, chẳng hạn: nặng lòng - nhẹ lòng, nặng đầu - nhẹ đầu, nặng gáng - nhẹ gánh, việc nặng - việc nhẹ (lương cao), trút bỏ gánh nặng, nhẹ người,… Trong những trường hợp vừa nêu, thì nặng có sắc thái tiêu cực, nhẹ có sắc thái tích cực. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nặng làm cho con người bị trì níu xuống, bị mất nhiều sức; còn nhẹ làm cho con người thanh thoát hơn, mất ít sức hơn. Điều này cũng đúng với trải nghiệm tâm lý. Ở bài CDNB (12), nặng (trọng) tương ứng với sắc thái tích cực - nhẹ (khinh) tương ứng với sắc thái tiêu cực tuy không phải là phổ quát nhưng đúng với những vật thể, chất thể hay những điều có giá trị. Chẳng hạn, trọng lượng của kim cương, vàng bạc tỉ lệ thuận với giá trị của chúng. Một viên kim cương có trọng lượng càng lớn thì giá trị càng cao. Trở lại BCDNB (12), Công sanh thành là nặng/ Điều tình ái là 257
  8. khinh có giá trị tích cực - tiêu cực là do được hiểu đồng thời trên hai cơ sở (1) thực thể và (2) đạo đức - văn hóa. Những giá trị cơ bản nhất trong một nền văn hóa sẽ tương hợp với ý niệm ẩn dụ cơ bản nhất trong nền văn hóa ấy. Do đó, giá trị văn hóa trong xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung tương hợp với các ý niệm ẩn dụ công sinh thành là trọng, có giá trị tích cực và điều tình ái là khinh, có giá trị tiêu cực, và không thể đảo ngược. Qua phân tích ở trên, có thể thấy, ý niệm “cương thường” (tam cương, ngũ thường) được hiểu trên cơ sở ý niệm vật thể, chất thể, trọng lượng có thuộc tính trọn vẹn/toàn vẹn, nặng và có giá trị tích cực; hay không toàn vẹn, khuyết thiếu, nhẹ và có giá trị tiêu cực. Ý niệm “cương thường” có tính trừu tượng, được tri nhận trên cơ sở ý niệm thực thể, chất thể, trọng lượng có tính cụ thể, có cơ sở từ kinh nghiệm vật chất, văn hóa của người Việt nói riêng và nhân loại nói chung. 4. Ý niệm “tiền tài” trong tư duy, văn hóa của người Việt Nam Bộ 4.1. “Tiền tài” là một ý niệm thuộc phạm trù vật chất được đặt trong tương quan với “cương thường”, thuộc phạm trù đạo đức. Trong tương quan “cương thường” (biểu hiện ở chữ nghĩa, nhân nghĩa) - “tiền tài”, thì “cương thường” được hiểu trên cơ sở ý niệm trọng lượng, có thuộc tính trọng (nặng), có nghĩa tích cực; “tiền tài” cũng được được hiểu trên cơ sở ý niệm trọng lượng, nhưng có thuộc tính không trọng (nhẹ, khinh), có nghĩa tiêu cực. (16) Tiền tài như phấn thổ, Nghĩa trọng tợ thiên kim Con le le mấy thuở chết chìm Người tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi. (392NB) Ở BCDNB (16), “tiền tài” được so sánh với “phấn thổ” (bùn đất), “nghĩa” được so sánh với “thiên kim” (ngàn vàng). “Phấn thổ” ý niệm hóa cho giá trị vật chất, phù phiếm, không bền vững; “thiên kim” ý niệm hóa cho giá trị tinh thần cao đẹp, trường tồn. Bài CDNB khẳng định giá trị cao quý của “nghĩa” so với “tiền tài, phê phán những kẻ “bạc nghĩa”, coi trọng “tiền tài” hơn “nghĩa”. Nói cách khác, bài CD thể hiện quan niệm đạo đức truyền thống của dân tộc: Trọng nghĩa khinh tài. Tương tự, bài CDNB sau cũng là cách nói trọng nghĩa khinh tài: (17) Mới gặp nhau đừng buông lời nói quấy, Tiền tài không trọng mấy, em quý nghĩa tào khang. Em mê chi những hột thủy xoàn, Miễn anh giữ đặng tấm lòng vàng đừng phai. (433-434CL) Ý niệm “tiền tài” trong bài CDNB (17) biểu trưng cho sự giàu sang, phú quý. Ý niệm “nghĩa” (tào khang, tấm lòng vàng) tượng trưng cho tình nghĩa keo sơn, thủy chung, son sắt, cùng sẻ chia trong cuộc sống. Xâu chuỗi bài CDNB (12), (16), (17), có thể thấy ý niệm “nghĩa” - “tiền tài” được hiểu qua thuộc tính trọng lượng trọng (nặng) - khinh (nhẹ - không trọng), như: Công sanh thành là nặng - Điều tình ái là khinh, Nghĩa trọng tợ thiên kim (16), 258
  9. Tiền tài không trọng mấy (17). Ý niệm “nghĩa” được hiểu trên cơ sở ý niệm vật chất, có trọng lượng lớn hơn mức bình thường, có nghĩa tích cực. “Tiền tài” là ý niệm vật chất được hiểu trên cơ sở ý niệm vật chất khác, có trọng lượng nhỏ hơn mức bình thường, có nghĩa tiêu cực. 4.2. Trong tương quan “cương thường” (biểu hiện ở chữ nghĩa, nhân nghĩa) - “tiền tài”, thì “cương thường” được tri nhận qua ý niệm thực thể hay sự vận động, có thuộc tính vững chắc (không đổi dời), có nghĩa tích cực; “tiền tài” cũng được tri nhận qua ý niệm sự vận động, nhưng có thuộc tính đổi dời, có nghĩa tiêu cực. (18) Tiền tài nay đổi mai dời, Ngỡi nhơn gìn giữ trọn đời với nhau. (392NB) (19) Anh đừng thấy đăng mà phụ đó, Đừng chê em nghèo khó mà vội phụ phàng. Anh coi, đồng tiền sớm mơi còn chiều mất, Chớ nhân nghĩa bạn vàng vững chắc thiên kim. (423NB) (20) Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền, Anh thương em thì đừng cho bạc, cho tiền, Cho nhơn, cho nghĩa, kẻo xóm giềng cười chê. (203NB) Ý niệm “tiền tài” được hiểu trên cơ sở của ý niệm sự vận động, thể hiện ở thuộc tính đổi dời, còn - mất, qua đó giúp chúng ta hiểu hơn về bản chất của “tiền tài” (Tiền tài nay đổi mai dời (18), đồng tiền sớm mơi còn chiều mất (19)). “Tiền tài” vốn vô thường, có thể đổi dời bất cứ lúc nào, nghĩa là có thể đến nhanh nhưng cũng có thể đi nhanh; nay giàu có, mai có thể trắng tay, nên có nghĩa tiêu cực. Trong tương quan với “tiền tài”, thì “nhân nghĩa” cũng được hiểu trên cơ sở ý niệm thực thể và sự vận động, qua thuộc tính vững chắc, gìn giữ trọn đời (không đổi dời, không mất), nên có nghĩa tích cực (nhân nghĩa bạn vàng vững chắc thiên kim (19), Ngỡi nhơn gìn giữ trọn đời với nhau (18)). Ở bài CDNB (20), ý niệm “tiền tài” tượng trưng cho của cải vật chất, “nhơn nghĩa” tượng trưng cho giá trị, phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. “Nhơn nghĩa” được hiểu trên cơ sở vật thể, nên mới có thể cho. Bài ca dao cũng hướng đến tinh thần truyền thống dân tộc: Trọng nghĩa khinh tài. Như vậy, trong tương quan “nghĩa”, “nhân nghĩa” (biểu hiện của “cương thường”) - “tiền tài”, thì “nghĩa”, “nhân nghĩa” được tri nhận qua ý niệm trọng lượng, thực thể, sự vận động, có thuộc tính trọng (nặng), vững chắc (không đổi dời), có nghĩa tích cực; “tiền tài được tri nhận qua ý niệm trọng lượng, sự vận động, có thuộc tính đổi dời, không trọng (nhẹ, khinh), có nghĩa tiêu cực. Kết luận Trong tư duy, văn hóa Nam Bộ, ý niệm “cương thường” là ý niệm trừu tượng và khó nắm bắt được tri nhận qua ý niệm thực thể (hình dáng, trọng lượng), sự vận động, có tính cụ thể và dễ nắm bắt hơn. Ý niệm thực thể (hình dáng, trọng lượng), sự vận động, biểu hiện ở 259
  10. hai thuộc tính có tính lưỡng cực và lưỡng trị, có sắc thái đánh giá tích cực - tiêu cực. Ý niệm “tiền tài” tuy có tính cụ thể nhưng đặt trong tương quan với “nghĩa”, “nhân nghĩa” (biểu hiện của “cương thường”) thì “tiền tài” được tri nhận qua ý niệm trọng lượng, sự vận động, cũng biểu hiện ở cặp thuộc tính có tính lưỡng cực và lưỡng trị, có sắc thái đánh giá tích cực - tiêu cực. Ý niệm “cương thường”, “tiền tài” được tiếp biến và biểu hiện một cách linh hoạt, đa dạng qua các biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ, có cơ sở từ trải nghiệm vật chất và văn hóa của người Việt nói chung và người Việt Nam Bộ nói riêng. Có thể khẳng định, rằng chúng ta sống bằng các ý niệm, trong đó hai ý niệm “cương thường”, “tiền tài” có vai trò quan trọng, không chỉ kiến tạo các hoạt động của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến quy chuẩn ứng xử, văn hóa và hành động của chúng ta trong cuộc sống. Tài liệu tham khảo Anh, Đ. D. (2005). Hán Việt từ điển. Nxb Văn hóa - Thông tin. Caspar, M. A. L. (1877). Dictionnaire annamite - français (Tự vị An Nam - Pha Lang Sa). Tân Định: Imp. de la Mission. Của, H. T. P. (1885). Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Kế, B. (2005). Tầm nguyên từ điển (Cổ văn học từ ngữ tầm nguyên). Nxb Thanh Niên. Kế, B. (2009). Từ điển Hán Việt từ nguyên. Nxb Thuận Hóa. Kövecses, Z. (2002). Metaphor: A Practical Introduction. Oxford University Press. Lakoff, G., and Johnson, M. (1980). Metaphors We Live By. The University of Chicago Press, Chicago and London. Phê, H. (Chủ biên) (1988). Từ điển tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội. Phương, T. D. (2011). Dẫn luận ngôn ngữ học tri nhận (Đào Thị Hà Ninh dịch). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Taberd, J. L. (1838). Dictionarium Anamitico-Latinum (Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - 南越洋合字彙 ). Serampore: Ex typis J.C. Marshman. Tâm, Q. (2011). Văn hóa truyền thống “tam cương ngũ thường và “tam tòng tứ đức” ( 观心(2011), 传统文化“三纲五常”和“三从四德”, https://www.epochtimes.com/gb/11/11/18/n3434110.htm.) Truy cập ngày 01/3/2024. Tùng, Đ. D. (2015). Phương pháp nhận dạng ẩn dụ ý niệm. Tạp chí Ngôn ngữ, Số 3, tr.40-48. Tùng, Đ. D. (2016). Ẩn dụ định hướng phi không gian qua cứ liệu ca dao Nam Bộ: Cang thường định hướng tích cực/ Tiền tài định hướng tiêu cực. Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, Số 12, tr.37-44. 260
  11. Tùng, Đ. D. (2023). Trọng nghĩa khinh tài - nét tính cách nổi trội của người dân Nam Bộ. Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, Số 126, tr.45-46. Ngữ liệu trích dẫn Giang, B. Đ., Phát, N. T., Vĩnh, T. T., & Nhị, B. M. (1984). Ca dao dân ca Nam Bộ. Nxb TP. Hồ Chí Minh. Khoa Ngữ văn, Đại học Cần Thơ (1999). Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Giáo dục. Trảng, H. N. (2006). Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh. Nxb Tổng hợp Đồng Nai. 261
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2