intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng ngữ pháp chức năng trong giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ - Nguyễn Khánh Hà

Chia sẻ: Thảo Lê91 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

172
lượt xem
26
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tài liệu "Ứng dụng ngữ pháp chức năng trong giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ" trình bày những nội dung chính như sau: Những hạn chế trong phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ hiện nay, Quan điểm của ngữ pháp chức năng về dạy và học ngôn ngữ, Ứng dụng quan điểm của ngữ pháp chức năng nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng ngữ pháp chức năng trong giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ - Nguyễn Khánh Hà

  1. ỨNG DỤNG NGỮ PHÁP CHỨC NĂNG TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG VIỆT NHƯ MỘT NGOẠI NGỮ Nguyễn Khánh Hà1 1.DẪN NHẬP Đối với hầu hết những người tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, việc lựa chọn và áp dụng cách thức giảng dạy như thế nào cho hợp lí luôn là mối quan tâm lớn, và cũng là thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, dù lĩnh vực dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ phát triển khá mạnh trong khoảng thời gian vài thập niên trở lại đây, nhưng vẫn chỉ chiếm một vị trí khá khiêm tốn cả trong nghiên cứu ngôn ngữ lẫn trong giáo dục ngôn ngữ. Giáo trình giảng dạy nghèo nàn, phương pháp giảng dạy xưa cũ,… đã khiến cho công việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ còn khá nhiều bất cập. Với mong muốn tìm đến một hướng tiếp cận mới cho lĩnh vực này, chúng tôi xin giới thiệu một số luận điểm của trường phái ngữ pháp chức năng về việc dạy và học ngôn ngữ, và nêu lên một vài đề xuất ứng dụng quan điểm ngữ pháp chức năng vào việc dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Bài viết gồm ba phần chính: (1) Những hạn chế trong phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ hiện nay; (2) Quan điểm của ngữ pháp chức năng về dạy và học ngôn ngữ; (3) Ứng dụng quan điểm của ngữ pháp chức năng nhằm đổi mới phương pháp dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. 2. NỘI DUNG 2.1 Những hạn chế trong phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ hiện nay Tiếng Việt như một ngoại ngữ hiện nay đang được giảng dạy rộng rãi trên nhiều tỉnh thành cả nước, cả chính quy lẫn không chính quy. Về đào tạo chính quy, có thể kể đến các khoa Việt Nam học ở các trường đại học, hướng tới đối tượng đào tạo là các học viên nước ngoài học hệ cử nhân. Về đào tạo không chính quy, hiện nay số lượng các trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong cả nước phải lên tới con số hàng trăm. Đó là chưa kể tới gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, luôn mong mỏi được học tiếng Việt một cách bài bản để nối kết với quê hương. Mặc dù đối tượng đào tạo tương đối dồi dào, nhưng cho đến nat, chất lượng đào tạo vẫn chưa thể theo kịp số lượng. Phương pháp và nội dung giảng dạy ở hầu hết các cơ sở dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Có thể nhận thấy tính thiếu chuyên nghiệp đó ở hai phương diện: giáo trình và phương pháp giảng dạy. Về giáo trình dạy tiếng Việt, mặc dù đã có vài chục đầu sách dạy tiếng Việt thuộc các trình độ khác nhau được xuất bản, nhưng điểm chung của các giáo trình này là chúng vẫn được biên soạn theo kiểu truyền thống. Thông thường mỗi giáo trình có khoảng trên dưới 20 bài học ở mỗi trình độ (và việc phân trình độ này cũng rất tuỳ hứng, tuỳ theo quan điểm người soạn sách, chứ không có một chuẩn trình độ thống nhất). Cấu trúc chung của các bài học thường có bốn phần: (a) hội thoại và bài luyện ngữ pháp; (b) bài đọc và bài luyện; (c) bài nghe và bài luyện; (d) bài viết và bài luyện. Có thể thấy, những người biên soạn đã chú ý giảng dạy cả bốn kĩ năng nói, nghe, đọc, viết cho người học. Tuy nhiên, tâm điểm của mỗi bài học như vậy luôn là những cấu trúc ngữ pháp cố định, và những mẫu câu mà tác giả bài học cho là tiêu biểu và học viên cần phải học thuộc. Tất cả các bài hội thoại, bài đọc, bài nghe, bài viết và các bài tập đều xoay quay việc học viên phải học cho thuộc và thực hành cho nhuần nhuyễn các cấu trúc đó. Hệ quả của kiểu biên soạn này là, các giáo trình trở nên khô khan bởi các công thức ngữ pháp; ngữ liệu thì nghèo nàn và không bám sát đời sống thực tế; học viên hầu như không được học các biến thể của cấu trúc ngữ pháp, không biết ứng dụng cấu trúc đó trong ngữ cảnh thích hợp, vì cấu trúc ngữ pháp thường được giảng dạy tách rời ngữ cảnh. Mặt khác, các bài tập phổ biến trong sách thường theo kiểu ngữ pháp cấu trúc truyền thống, với các thủ pháp thay thế, chuyển đổi câu, viết lại câu, sắp xếp theo trật tự, điền từ vào chỗ trống,… và rất ít bài tập tạo tình huống sinh động cho học viên. Cách biên soạn sách như vậy khiến học viên không 1 TS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam Email: khanhha.ngn@gmail.com
  2. có hứng thú học tiếng Việt, hơn nữa, họ cảm thấy từ ngữ và ngữ pháp trong giáo trình có vẻ không giống với cách người Việt nói trong đời sống hằng ngày, trên đường phố. Những hạn chế của giáo trình dạy tiếng Việt có thể được khắc phục phần nào nếu giáo viên dạy tiếng Việt tìm tòi và lựa chọn những phương pháp dạy học hiện đại để đổi mới cách giảng dạy, bổ sung thêm cho giờ học của mình. Thực tế, đã có một số cơ sở đào tạo và nhiều cá nhân cố gắng làm điều đó, và họ đã thu được những kết quả nhất định. Song những cố gắng đó vẫn còn khá ít ỏi. Hầu hết các giáo viên dạy tiếng Việt còn dạy theo giáo trình sẵn có một cách thụ động, không tìm cách đổi mới, sáng tạo, không cố gắng cho thêm bài tập, tạo tình huống thực tập cho học viên,... Điều này góp phần làm cho những bất cập trong các giáo trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ càng trở nên trầm trọng hơn. Bởi vậy, theo chúng tôi, việc tìm kiếm và áp dụng những hướng đi mới của ngôn ngữ học hiện đại vào việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ là điều rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Trong phần tiếp theo, bài viết xin trình bày một số quan điểm cơ bản của trường pháp ngữ pháp chức năng về dạy và học ngôn ngữ nói chung, cũng như dạy ngoại ngữ nói riêng. 2.2 Quan điểm của ngữ pháp chức năng về dạy và học ngôn ngữ 2.2.1. Những luận điểm cơ bản của ngữ pháp chức năng Về ý nghĩa của thuật ngữ “ngữ pháp”, những người ngoài giới nghiên cứu ngôn ngữ thường hiểu một cách đơn giản: ngữ pháp là một tập hợp các quy tắc nói và viết mà người ta phải tuân theo để có thể sử dụng chính xác ngôn ngữ đó. Cách hiểu này đã trở thành một định kiến khó thay đổi, bởi cách dạy ngữ pháp trong nhà trường phổ thông thường đi theo lối ngữ pháp cấu trúc truyền thống. Khi người ta học ngoại ngữ, chẳng hạn người Việt học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp,… cách dạy ngoại ngữ kinh điển tập trung vào các cấu trúc cố định kiểu công thức lại càng khiến mọi người khắc sâu thêm nỗi ngại ngần khi nói về ngữ pháp. Đối với nhiều người học ngoại ngữ, ngữ pháp giống như một nghệ thuật bí hiểm, phức tạp, vì người học phải học thuộc những thuật ngữ đặc biệt và khó hiểu, phải nắm vững những quy tắc rắc rối nhưng vô số ngoại lệ, để học nói và viết cho đúng ngữ pháp. Ngữ pháp chức năng nhìn nhận ngữ pháp theo hướng khác. Ngữ pháp là cách thức tổ chức ngôn ngữ, và người sử dụng ngôn ngữ chính là người làm chủ ngữ pháp. Theo ngữ pháp chức năng, cấu trúc ngữ pháp là các mô hình ngôn ngữ, là phương tiện để người sử dụng ngôn ngữ tạo nghĩa trong bối cảnh xã hội, tức là tạo ảnh hưởng tới những người xung quanh, tạo môi trường giao tiếp. Theo quan điểm của ngữ pháp chức năng, một yếu tố có vai trò cực kì quan trọng đối với các mô hình ngôn ngữ cũng như đối với việc tạo nghĩa trong bối cảnh xã hội, đó là ngữ cảnh. Mỗi con người tự thu nhận và bồi đắp nên các kinh nghiệm ngôn ngữ của mình từ các bối cảnh sử dụng ngôn ngữ khác nhau, và việc lựa chọn ngôn ngữ luôn luôn chịu ảnh hưởng từ ngữ cảnh. Chẳng hạn, một bài diễn văn sẽ có ngôn ngữ khác với một bức thư tình, bởi ngữ cảnh sử dụng hai ngôn bản đó khác nhau. Mặt khác, với kinh nghiệm ngôn ngữ của bản thân, người sử dụng ngôn ngữ có khả năng suy luận các ngữ cảnh của ngôn ngữ mà anh ta nghe thấy hoặc đọc thấy, và có thể phân biệt được chúng một cách hợp lí, chẳng hạn, có thể phân biệt được lời khiển trách gay gắt khác với lời phê bình nhẹ nhàng, và khác với lời trách móc hờn dỗi. Các nhà ngữ pháp chức năng cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn xuất hiện trong ngữ cảnh dưới dạng các ngôn bản. Ngôn bản là một khúc đoạn ngôn ngữ trong hành chức, tức là “ngôn ngữ là thứ có tính chức năng” (Halliday 1985). Ngôn bản có thể dưới dạng viết hoặc dạng nói. Ngôn bản là một tập hợp các ý nghĩa đan xen hài hoà với nhau và phù hợp với mục đích của ngôn bản cũng như thích hợp với ngữ cảnh. Hai đặc tính quan trọng nhất của ngôn bản là kết cấu (texture) và cấu trúc (structure). Kết cấu là cách thức các ý nghĩa trong ngôn bản nối kết với nhau một cách hài hoà và mạch lạc, kiểu như những sợi chỉ dệt nên tấm vải. Cấu trúc là cách thức các ngôn bản bao chứa những yếu tố cấu trúc có tính bắt buộc sao cho phù hợp với mục đích và ngữ cảnh của ngôn bản đó. Một ngôn bản luôn luôn xuất hiện trong hai ngữ cảnh, bao gồm ngữ cảnh văn hoá và ngữ cảnh tình huống. Hình dưới đây thể hiện hai ngữ cảnh của ngôn bản. Ngữ cảnh văn hoá Văn bản
  3. Hình 1. Ngôn bản trong ngữ cảnh2 Ngữ cảnh văn hoá là ngữ cảnh ngoài của ngôn bản, thể hiện những đặc điểm của nền văn hoá sử dụng ngôn ngữ, bao gồm những đặc điểm về cách xưng hô, nghi thức lời nói, chiến lược lịch sự, v.v. Bên trong ngữ cảnh văn hoá, người nói/người viết sử dụng ngôn ngữ trong những ngữ cảnh cụ thể hơn, được gọi là ngữ cảnh tình huống. Ngữ cảnh tình huống bao chứa những thứ diễn ra trong thực tế đời sống, bên ngoài ngôn bản, làm cho ngôn bản trở nên có nghĩa. Ngữ cảnh tình huống bao gồm ba thông số căn bản là Trường (field), Không khí (tenor) và Cách thức (mode)3. Trường biểu thị điều được nói ra hay viết ra, thể hiện mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn của ngữ cảnh; không khí thể hiện mối quan hệ giữa người nói với người nghe, hoặc giữa người viết với người đọc; cách thức biểu thị kiểu loại ngôn bản được tạo lập. Chỉ cần một trong ba thông số có sự khác biệt là chúng ta đã có ngữ cảnh khác biệt, và do đó tạo ra những ngôn bản khác biệt. 4 Những tư tưởng căn bản trên đây định hướng cho các nhà ngôn ngữ học và giáo dục học theo hướng ngữ pháp chức năng đưa ra những luận điểm riêng về dạy và học ngôn ngữ. 2.2.2 Quan điểm của ngữ pháp chức năng về dạy và học ngôn ngữ Hướng tiếp cận chức năng có điểm khác với những lí thuyết ngôn ngữ coi ngôn ngữ là một phức hợp các quy tắc trừu tượng. Nếu coi ngôn ngữ là một hệ thống các quy tắc, thì người ta sẽ quan niệm học ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ nói riêng là một quá trình thụ đắc các quy tắc, và quá trình này là kết quả của những hoạt động tinh thần bên trong mỗi cá nhân, tức là liên quan đến năng lực nhận thức của mỗi cá nhân. Ngược lại, theo các nhà ngữ pháp chức năng, ngôn ngữ là thứ mà con người dùng để tạo nghĩa nhằm đến các hoạt động khác nhau trong bối cảnh xã hội, do đó học ngôn ngữ là quá trình học cách tạo nghĩa trong bối cảnh xã hội, và liên quan đến quá trình tâm lí bên trong mỗi cá nhân. Việc tạo nghĩa là sử dụng ngôn ngữ trong bối cảnh xã hội, là cách chúng ta tương tác với người khác. Cũng theo Halliday (1992:19), học ngoại ngữ/ngôn ngữ, mở rộng hơn là việc học nói chung, chính là “học cách biểu thị ý nghĩa và mở rộng năng lực ý nghĩa của mỗi người”, và ngôn ngữ là công cụ chủ yếu để mỗi người thuyết giải và tổ chức các kinh nghiệm của mình. Các nhà ngữ pháp chức năng cũng cho rằng, việc học ngôn ngữ thứ hai cần vượt lên trên cách phát triển ngôn ngữ thứ nhất (tiếng mẹ đẻ). Sự phát triển ngôn ngữ thứ nhất là một quá trình không chính thức. Còn khi học ngôn ngữ thứ hai, giáo viên có điều kiện chuẩn bị môi trường học chính thức, chuẩn bị một cách có ý thức và chiến lược để dẫn dắt học viên nắm bắt các cách dùng ngôn ngữ, giúp học viên mở rộng kinh nghiệm của họ về ngôn ngữ, và giúp họ phát triển những nghĩa họ có thể tạo lập với ngôn ngữ một cách có hệ thống và toàn diện, từ đó tiến tới làm chủ ngôn ngữ mới. Dù là học ngôn ngữ thứ nhất hay ngôn ngữ thứ hai, những người dạy và học ngôn ngữ cần phải nắm được tư tưởng chủ đạo: học ngôn ngữ là học cách thức biểu đạt nghĩa bằng ngôn ngữ đó, và nhận diện các đơn vị nghĩa trong ngôn ngữ như là ngôn bản có tính chỉnh thể. Như vậy, nội dung của một chương trình dạy và học ngôn ngữ sẽ được tổ chức xung quanh việc dạy các ngôn bản hoàn chỉnh trong ngữ cảnh. Ngôn bản nào và ngữ cảnh nào được đưa vào chương trình giảng dạy sẽ được xác định sau khi giáo viên phân tích đầy đủ nhu cầu và mong muốn của học viên về thứ ngôn ngữ 2 Theo Using Functional Grammar (2000:4) 3 Chúng tôi sử dụng các thuật ngữ này theo Hoàng Văn Vân (2002). 4 Về những luận điểm cơ bản của ngữ pháp chức năng, xem thêm Halliday (2004 – Hoàng Văn Vân dịch) và Hoàng Văn Vân (2002).
  4. mà họ đang học. Chương trình dạy và học ngôn ngữ không chỉ bao gồm việc giảng dạy và ứng dụng một chuỗi các quy tắc ngôn ngữ như lối dạy thông thường, mà các quy tắc đó sẽ được hiện thực hóa thành một hệ thống các hoạt động sử dụng ngôn ngữ. Hệ thống này, với tư cách là những tương tác có tính xã hội, được thiết kế nhằm hướng dẫn học viên phát triển khả năng làm chủ các quy tắc ngôn ngữ. từ đó có thể sử dụng ngôn bản một cách độc lập. Chương trình dạy và học ngôn ngữ theo kiểu này có nhiều ưu thế so với chương trình dạy thông thường. Theo truyền thống, việc dạy và học ngôn ngữ thường được tổ chức ở các cấp độ như phân tích cấu trúc ngữ pháp và từ vựng, khai thác tư liệu, các chủ đề, khái niệm, v.v... Còn chương trình dạy ngôn ngữ dựa trên ngôn bản bao gồm các cấp độ sau: + Cấp độ ngữ cảnh văn hóa. Ở cấp độ này học viên sẽ khảo sát những mục tiêu mà con người của nền văn hóa (sử dụng thứ ngôn ngữ mà học viên đang học) muốn đạt đến; những mục tiêu đó được cụ thể hóa thành những ý nghĩa gì; làm thế nào để tạo ra những ý nghĩa này và đạt đến những mục tiêu kia; và cách thức nền văn hóa này nối kết với những nền văn hóa khác. + Cấp độ ngữ cảnh tình huống. Ở cấp độ này, giáo viên hướng dẫn học viên làm việc theo ba thông số ngữ cảnh tình huống – trường, không khí và cách thức. Với thông số trường, học viên sẽ học các chủ đề thuộc kiến thức trong đời sống hằng ngày và kiến thức phổ thông, những chủ đề hội thoại thông thường, những chủ đề diễn ra trong trường học hay ở nơi làm việc (giả định trong tương lai), và học cách làm chủ các chiến lược giao tiếp như thay đổi chủ đề, phát triển chủ đề, v.v. Với thông số không khí, học viên sẽ học cách sử dụng các chiến lược nhằm làm chủ các vai trong ngữ cảnh và những quan hệ giữa các vai, chẳng hạn như chiến lược lịch sự, điều chỉnh khoảng cách liên nhân và cường độ cảm xúc. Ngoài ra, giáo viên và học viên cùng thảo luận và thống nhất những quy định chung trong lớp học, nhằm tạo ra một không khí đồng thuận trong bối cảnh lớp học để giáo viên có thể theo dõi các hành vi của học viên và điều chỉnh hoạt động hướng dẫn học. Với thông số cách thức, học viên học về các chiến lược nhằm làm chủ các kênh thông tin khác nhau, qua các hình thức của khẩu ngữ (đối thoại trực tiếp, đối thoai gián tiếp – qua điện thoại), và các hình thức của bút ngữ (thư từ, bài văn, bài luận, quảng cáo, v.v.). + Cấp độ ngôn bản. Ở cấp độ này, giáo viên hướng dẫn học viên tiếp cận các yếu tố của ngôn bản trên hai phương diện ý nghĩa và biểu đạt. Ở phương diện ý nghĩa, học viên học về kết cấu ngôn bản (các tuyến nghĩa đan xen nhau trong ngôn bản, tạo nên tính liên kết và mạch lạc); cấu trúc ngôn bản (cấu trúc các kiểu ngôn bản khác nhau, các phần cụ thể trong một ngôn bản lớn có các chức năng khác nhau như chào mừng, giải thích hay miêu tả); các yếu tố từ vựng ngữ pháp của ngôn bản (hình vị, từ, cụm từ và cú) cùng với cách thức định hình chúng trong các ngôn bản hoàn chỉnh trong ngữ cảnh. Ở phương diện biểu đạt, học viên học cách biểu đạt ngôn bản theo kiểu khẩu ngữ (âm thanh, ngữ điệu, trọng âm, cử chỉ,…) và theo kiểu bút ngữ (cách đánh vần, chấm câu, kĩ năng viết tay, đánh máy, trình chiếu,…). 2.2.3. Xác lập chu trình dạy và học ngôn ngữ theo hướng ngữ pháp chức năng Mục tiêu cuối cùng mà tất cả các giáo viên dạy ngoại ngữ hướng đến là làm sao cho học viên của mình sử dụng ngôn ngữ đang học một cách chính xác và trôi chảy. Nhưng theo cách dạy truyền thống, việc đạt đến cùng lúc hai kết quả này dường như là bất khả thi. Nếu hoạt động học chỉ tập trung vào cách dùng ngôn ngữ “chính xác”, thì học viên không học được các biến thể ngôn ngữ ngoài những mô hình mà giáo trình coi là “điển hình”, và do đó giáo viên cũng không thể đánh giá được mức độ tiến bộ và linh hoạt của học viên trong sử dụng ngôn ngữ. Còn nếu hoạt động học chỉ tập trung vào giao tiếp, để sử dụng ngôn ngữ sao cho “trôi chảy”, và giáo viên không giới thiệu cho học viên các mô hình cấu trúc ngữ pháp, thì học viên sẽ không biết được đâu là cách dùng đúng, đâu là biến thể, và đâu là cách dùng sai - tức là không có cơ hội tiếp cận với cách dùng ngôn ngữ chuẩn mực. Nhằm khắc phục nghịch lí trên, các nhà nghiên cứu theo hướng ngữ pháp chức năng đề xuất kiểu chu trình dạy và học xoay quanh các ngôn bản hoàn chỉnh trong ngữ cảnh, theo đó, giáo viên sẽ hướng dẫn học viên tham gia các hoạt động học nhằm đạt đến năng lực sử dụng ngôn ngữ chính xác và trôi chảy. Cụ thể, giáo viên sẽ cung cấp cho học viên các bối cảnh xã hội và các hoạt động học ngôn ngữ để người học học cách giao tiếp có ý nghĩa, hướng dẫn học viên xây dựng kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ của riêng mình một cách có hệ thống và toàn diện. Chu trình này hướng tới sự tương tác tối đa giữa giáo viên và học viên, và giữa học viên với nhau, thông qua bốn giai đoạn: (a) (học viên) khai thác ngữ cảnh kĩ lưỡng, (b) (giáo viên) chỉ dẫn tường minh, (c) (học viên) thực hành
  5. hiệu quả thông qua hướng dẫn của giáo viên, và (d) (học viên) ứng dụng độc lập những kiến thức mới thu nhận. a. Khai thác ngữ cảnh. Học viên cộng tác với giáo viên nhằm xây dựng kinh nghiệm chung về ngữ cảnh của kiểu loại ngôn bản mà học viên đang học, thông qua các hoạt động thực hành, khám phá và giải quyết vấn đề,… Từ đó, giáo viên hướng dẫn học viên xây dựng bốn loại kiến thức về ngữ cảnh của việc dùng ngôn ngữ: kiến thức văn hoá (qua mục đích của ngôn bản), kiến thức về hoạt động xã hội (qua trường của ngôn bản), kiến thức về các vai và quan hệ của người tham gia giao tiếp (không khí của ngôn bản), và kiến thức về cách thức giao tiếp (kiểu loại ngôn bản). b. Chỉ dẫn tường minh. Giáo viên định hướng những tương tác trong lớp một cách rõ ràng và cụ thể, giúp học viên làm quen với ngôn ngữ của ngôn bản, đi từ thấp đến cao, từ những đoạn, những phần nhỏ đến ngôn bản hoàn chỉnh. Giáo viên cũng giúp học viên khám phá cách thức tạo nghĩa của ngôn bản, gồm cách thức định hình ý nghĩa nhờ các ngữ cảnh của ngôn bản, cách thức thống nhất các ý nghĩa thông qua kết cấu và cấu trúc, và cách thức mã hoá các ý nghĩa nhờ các quy tắc từ vựng ngữ pháp. c. Thực hành có hướng dẫn. Giáo viên hướng dẫn học viên cùng hợp tác xây dựng một ngôn bản hoàn chỉnh theo kiểu loại mà học viên đã được học. Trước hết, giáo viên cung cấp cho học viên các phương pháp thu thập và bổ sung kiến thức về ngữ cảnh của ngôn bản họ cần tạo dựng. Sau đó, các học viên cùng tạo lập một nền tảng kinh nghiệm chung về ngữ cảnh của ngôn bản, về các mô hình ngôn ngữ của kiểu ngôn bản. Trên cơ sở nền tảng chung đó, với sự hướng dẫn của giáo viên, học viên cùng hợp tác xây dựng ngôn bản, thảo luận và thống nhất những ý nghĩa cần tạo lập trong ngôn bản đó. d. Ứng dụng độc lập. Đây là giai đoạn học viên tự lên kế hoạch và tự tạo lập ngôn bản của riêng họ. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người tư vấn, và chỉ can thiệp vào công việc của học viên khi thật sự cần thiết. Ở giai đoạn này, học viên cũng có thể đóng vai trò người tư vấn trong khi tương tác với bạn học. Trải qua bốn giai đoạn tương tác này, học viên sẽ dần dần phát triển khả năng làm chủ các khía cạnh khác nhau của kiểu ngôn bản họ được học. 2.3 Ứng dụng quan điểm của ngữ pháp chức năng nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ Trong phần này, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ thông qua việc ứng dụng tư tưởng của ngữ pháp chức năng trong dạy và học ngôn ngữ. Những đề xuất này tập trung vào hai phương diện: biên soạn giáo trình và đổi mới phương pháp giảng dạy. Biên soạn giáo trình là công việc hết sức phức tạp, yêu cầu sự chuẩn bị kĩ lưỡng về lí thuyết, đối tượng, phương pháp, tư liệu, v.v. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lên một số nét chính theo quan điểm cá nhân. Trước hết, người biên soạn cần xác định rõ đối tượng sẽ sử dụng giáo trình là ai, thuộc trình độ nào, lĩnh vực nghề nghiệp nào,… để lựa chọn tư liệu biên soạn cho phù hợp. Theo tinh thần của ngữ pháp chức năng, toàn bộ giáo trình sẽ là một hệ thống các ngôn bản hoàn chỉnh, ở cả dạng nói lẫn dạng viết. Những ngôn bản này cần được đặt trong những ngữ cảnh phù hợp, không chỉ phù hợp với bản thân ngôn bàn, mà cần phù hợp với thực tế đời sống. Điều này đòi hỏi người biên soạn phải điều tra khảo sát thực tế và thu thập tư liệu một cách cẩn trọng, tránh để tình trạng tạo ra những ngôn bản quá “kịch”, xa lạ với ngôn ngữ hằng ngày của người Việt. - Ngôn cảnh là một yếu tố hết sức quan trọng trong giáo trình được biên soạn theo tinh thần ngữ pháp chức năng. Người biên soạn cần tạo lập càng nhiều càng tốt các ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh văn hoá xoay quanh các ngôn bản của giáo trình. Ngoài ra, các bài tập thực hành bốn kĩ năng (nói, nghe, đọc, viết), cũng như các bài tập về từ vựng ngữ pháp cũng cần được biên soạn theo hướng luôn luôn đặt trong ngữ cảnh, tận dụng triệt để mọi khía cạnh của ngữ cảnh, tránh những bài tập thao tác kiểu cấu trúc đơn thuần. Chẳng hạn, khi biên soạn bài giảng về cách xưng hô của người Việt, người biên soạn cần tạo ra càng nhiều càng tốt các tình huống khác nhau, tương tự như các tình huống diễn ra trong đời sống thực, trong đó các vai tham gia thể hiện các kiểu xưng hô khác nhau, qua đó giúp người học nhận biết được sự phong phú và linh hoạt trong cách xưng hô của người Việt, và hiểu thêm về đặc điểm văn hoá Việt.
  6. Mặc dù theo hướng chức năng, các giáo trình dạy tiếng cũng không nên thoát li hoàn toàn việc giới thiệu các cấu trúc ngữ pháp căn bản trong tiếng Việt. Tuy nhiên, các cấu trúc đó luôn luôn phải gắn với chức năng, nghĩa là người học cần biết được cấu trúc nào thường được dùng trong tình huống nào, hướng tới mục đích gì, và có những biến thể gì. Tóm lại, việc giới thiệu cấu trúc ngữ pháp hay từ vựng cũng luôn luôn phải gắn với ngữ cảnh và nằm trong các ngôn bản hoàn chỉnh. Những ý kiến trên của chúng tôi mới chỉ là ý tưởng ban đầu về một kiểu giáo trình tiếng Việt lí tưởng theo hướng chức năng. Để có được thành phẩm thực sự, phải cần một quá trình tích luỹ và thử nghiệm. Trong khi chưa có những giáo trình như vậy, người giảng dạy tiếng Việt có thể ứng dụng tư tưởng của ngữ pháp chức năng để đổi mới phương pháp dạy học. Điều quan trọng nhất trong phương pháp dạy học theo hướng chức năng, là giáo viên cần sáng tạo và lồng ghép càng nhiều càng tốt các hoạt động học tiếng vào tiết học. Các hoạt động học tiếng bao gồm (a) hoạt động khảo sát ngữ cảnh; (b) hoạt động hướng dẫn tường minh; (c) hoạt động thực hành có hướng dẫn và phối hợp xây dựng văn bản; (d) hoạt động ứng dụng độc lập. Đối với hoạt động khảo sát ngữ cảnh, giáo viên có thể hướng dẫn học viên cách ghi chép, cách đặt các câu hỏi liên quan đến ngữ cảnh, sử dụng các nguồn tham khảo, thảo luận và trình bày quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của mình về ngữ cảnh, v.v. Đối với hoạt động hướng dẫn tường minh, giáo viên có thể tạo lập các ngữ cảnh xã hội sát với thực tế cho ngôn bản mà học viên đang học, hướng dẫn học viên khảo sát các đặc tính ngôn ngữ của ngôn bản (cấu trúc, kết cấu, đặc tính từ vựng ngữ pháp, đặc tính hình thức); hướng dẫn học viên cách thức đánh giá ngôn bản mẫu, đồng thời tìm ra các ví dụ khác tương tự với kiểu loại ngôn bản đang được học để so sánh và lựa chọn. Đối với hoạt động thực hành có hướng dẫn và phối hợp xây dựng văn bản, giáo viên đóng vai trò người chỉ đường, người tư vấn, chỉ dẫn học viên, còn học viên chủ động làm việc theo nhóm, luyện tập các kĩ năng phối hợp xây dựng văn bản theo kiểu loại đang học. Khi đã thành thạo hoạt động thực hành có hướng dẫn, giáo viên hướng sinh viên tới các hoạt động làm việc độc lập, theo đó giáo viên giữ vai trò người quan sát, còn bạn cùng nhóm/lớp đóng vai người tư vấn; các nhóm học viên tiến hành các bước thiết kế đề cương, trình bày, thảo luận và thống nhất kế hoạch, chuẩn bị tư liệu, tạo dựng ngữ cảnh,… nhằm đạt đến kết quả cuối cùng là mỗi học viên tự tạo lập được ngôn bản của riêng mình một cách độc lập. Cuối chu trình học, giáo viên sẽ tổng kết và đánh giá kết quả cũng như sự tiến bộ của từng học viên qua các hoạt động học tiếng vừa thực hiện. 3. KẾT LUẬN Việc đổi mới cách thức biên soạn giáo trình và phương pháp giảng dạy tiếng Việt không phải là câu chuyện đơn giản và một sớm một chiều. Quan điểm của ngữ pháp chức năng đối với việc dạy và học ngôn ngữ cũng chỉ là một trong số khá nhiều quan điểm hiện đại về phương pháp dạy tiếng hiện nay. Tuy nhiên, những tư tưởng bám sát sự hành chức của ngôn ngữ trong đời sống thực tế của ngữ pháp chức năng, theo chúng tôi, nếu được khai thác hợp lí, sẽ rất có ích đối với công việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, góp phần chuyên nghiệp hoá lĩnh vực giảng dạy này nhằm đáp ứng đầy đủ và ở mức độ cao nhu cầu của xã hội hiện hay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Butt D., Fahey R., Feez S., Spinks S., Yallop C. (2000), Using functional grammar, Macquarie University. 2. Halliday M A K (1985) Spoken and written language, Geelong: Deakin University Press. 3. Halliday M A K (1992) October. “Towards a language-based theory of learning”, Paper prepared for the Phonetic Society of Japan in the context of the Symposium on Language Acquisition, Tokyo. 4. Halliday M A K (2004) Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Bản tiếng Việt, Hoàng Văn Vân dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Hoàng Văn Vân (2002) Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. SUMMARY
  7. Applying functional grammar to teaching and studying Vietnamese as a foreign language Nguyen Khanh Ha Institute of Vietnam Lexicography and Encyclopedia It is relatively difficult for people who have been teaching Vietnamese as a foreign language to select and using appropriate teaching methods for their work. Despite its strongly development in recent years, the field of teaching Vietnamese as a foreign language still has been not attached much importance in both language research and language training. This results in much weakness that concerns various aspects such as text books and teaching methods. Aiming to find a new approach to this field, in this paper, we would like to introduce viewpoints presented by functional grammar researchers about teaching and studying languages, and propose some our own ideas of using functional grammar in teaching and studying Vietnamese as a foreign language. Our paper consists of three main points: (1) Some disadvantages in methods of teaching and studying Vietnamese as a foreign language today, (2) Functional grammar viewpoints of teaching and studying languages, and (3) Applying functional grammar viewpoints for innovating methods of teaching and studying Vietnamese.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2