intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

“Du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa”

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

23
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết “Du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa” trình bày xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa trong công tác quản trị điểm đến ở Việt Nam; Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa; Định hướng phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: “Du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa”

  1. “DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG XU HƯỚNG TOÀN CẦU HÓA VÀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA” Ths. Lã Quốc Khánh Phó Giám Đốc Sở Du lịch TP.HCM HO CHI MINH CITY TOURISM IN GLOBALIZATION AND LOCALIZATION TREND ABSTRACT Globalization and localization are increasingly becoming important trends deciding the tourism development of destination. Facing the opportunities and challenges of the two trends, Ho Chi Minh city actively offers many solutions to expand the international cooperation and strengthening the local links in all fields: Product development, promotion, HR development, sustainable development and infrastructure development. Ho Chi Minh city aware of the important role of the trends of globalization and localization for tourism development of the City and the current shortcomings of international cooperation and the local link. To promote the advantages of the largest tourism city in Vietnam and maximize the benefits of two important trends Globalization and localization, the orientation of tourism development of the city is built on the basis of tourism localization and take advantage of tourism globalization; focusing the sustainable development, diversifying the regional/ inter-local tourism product, improving the service quality according to the international standards. I. Xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa trong công tác quản trị điểm đến ở Việt Nam Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gia tăng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện hiện nay, toàn cầu hóa và địa phương hóa đang là một trong những xu hướng phát triển quan trọng của ngành du lịch thế giới; có tác động mạnh mẽ lên hoạt động phát triển du lịch của bất kì quốc gia nào, địa phương nào. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, xu thế toàn cầu hóa trong lĩnh vực du lịch hiện nay được thúc đẩy chủ yếu bới bốn yếu tố: Thay đổi sở hữu; cấu trúc vốn; mua bán, liên doanh liên kết và sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Trên cơ sở đó, toàn cầu hóa mang tới cho các điểm đến thuộc các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) sự gia tăng về vốn đầu tư, khả năng tiếp cận các công nghệ - kĩ thuật mới và kỹ năng quản lý hiện đại của ngành, cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, cơ hội cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, toàn cầu hóa cũng mang lại cho các điểm đến, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, những thách thức to lớn trong công tác phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự - an toàn cho du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh...của điểm đến. Trước những cơ hội và thách thức đặt ra của xu hướng toàn cầu hóa trong hoạt động phát triển du lịch của điểm đến; trong những năm gần đây, nhằm mục tiêu tăng cường liên kết hợp tác, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến cũng như bảo đảm các yếu tố phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh quốc tế, khái niệm “địa phương hóa” (Régionalisation) đang dần trở thành một xu thế quan trọng được chính phủ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển (Châu Âu, Bắc Mỹ) phát triển đối với các địa phương, khu vực cùng mối liên hệ về địa lý và chính trị trong cùng một quốc gia. Đối với các quốc gia có ngành du lịch đang phát triển, địa phương hóa có thể xem là một công cụ quan trọng để các nhà quản lý điểm đến có thể liên kết cùng nhau để nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, tập hợp sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến trên các lĩnh vực, trước sức ép cạnh tranh của toàn cầu hóa trên cơ sở bảo đảm phát huy giá trị bản sắc chung của địa phương. II. Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa
  2. Trong bối cảnh kinh tế chính trị trong nước và quốc tế còn nhiều diễn biến khó khăn và phức tạp, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của cả nước. Trong năm 2014, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đón khoảng 4,4 triệu lượt khách quốc tế và hơn 17 triệu lượt khách trong nước; tạo ra tổng doanh thu hơn 86000 tỷ đồng – tương đương 4,3 tỷ đô la, chiếm khoảng 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố và 45% doanh thu du lịch của cả nước. Tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 là khoảng 11%. Là đô thị du lịch lớn nhất Việt Nam, có thể nói rằng Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất của xu hướng toàn cầu hóa trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh những tác động tích cực của xu hướng toàn cầu hóa lên công tác phát triển du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Tăng thu hút đầu tư du lịch (Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành du lịch TP.HCM từ năm 1988 đến nay ước tính đạt 3 tỷ USD với tổng số 63 dự án. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành du lịch giúp hình thành những cơ sở lưu trú quy mô lớn, đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là các khách sạn 4 – 5 sao, đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế cao cấp và nhu cầu khách du lịch MICE), mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế (Khách du lịch quốc tế đến TP.HCM giai đoạn 2001 – 2013 tập trung chủ yếu từ các thị trường trọng điểm, gồm thị trường Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Tây Âu. Khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường này chiếm trên 75% lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM. Ngoài các thị trường trọng điểm, thành phố có các thị trường tiềm năng như thị trường Đông Âu, thị trường Trung Đông đang…có xu hướng gia tăng trong những năm qua), cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận các mô hình quản lý tiên tiến hay các chương trình kiểm soát chất lượng hiện đại, cải thiện chất lượng nguồn lao động (Từ năm 2005 trở về trước nguồn nhân lực chưa qua đào tạo trong ngành du lịch chiến trên 54%. Trong những năm gần đây tình hình đã được cải thiện, lao động chưa qua đào tạo năm 2012 chỉ còn chiếm 12,5%)... ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với một số thách thức, nguy cơ do quá trình toàn cầu hóa, hội nhập gây ra như: các rào cản thương mại gây bất lợi và tăng sức ép cạnh tranh đối với ngành du lịch nhìn chung còn non trẻ trong nước, cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực, cạnh tranh về dòng vốn đầu tư và thu hút khách, về chất lượng và hiệu quả kinh doanh, thương hiệu, đội ngũ nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, các vấn đề về môi trường, an ninh trật tự xã hội do sự bùng nổ nhanh chóng lượng khách du lịch quốc tế... Để có thể chủ động đón đầu các cơ hội cũng như thách thức đặt ra từ xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng rộng, trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực du lịch của Thành phố, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai thực hiện công tác quảng bá – xúc tiến theo 3 hướng trọng tâm: (1) Chủ động xây dựng và tổ chức chuỗi sự kiện du lịch kết hợp với văn hóa và thể thao. (2) Làm tốt công tác truyền thông trong và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá cho điểm đến, cho ngành và nâng cao ý thức cộng đồng để phát triển du lịch một cách bền vững. (3) Thực hiện xã hội hóa để tập hợp được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho phát triển du lịch. Cụ thể, ngành du lịch Thành phố đã chủ động xây dựng và tổ chức chuỗi sự kiện du lịch kết hợp với văn hóa và thể thao, bao gồm định kỳ tổ chức các sự kiện thu hút du khách, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thành phố như: Đường hoa, phố hoa, Ngày Hội du lịch, Lễ hội Áo Dài, Lễ hội trái cây Nam bộ, Liên hoan ẩm thực đất Phương Nam và Liên hoan món ngon các nước. Một số sự kiện do thành phố tổ chức đã được nâng tầm lên thành cấp quốc gia và có quy mô quốc tế như Hội chợ du lịch quốc tế (ITE). Về công tác tuyên truyền, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tận dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước để tuyên truyền quảng bá cho ngành và nâng cao ý thức cộng đồng để phát triển du lịch một cách bền vững. Đến nay hầu hết các tờ báo lớn trên địa bàn thành phố đều có chuyên mục du lịch, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình du lịch định kỳ chẳng hạn như chuyên mục “Du lịch cuộc sống” phát trên HTV9, chương trình “Năng động du lịch Việt trên HTV”, đặc biệt Chương trình truyền hình thực tế “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” giới thiệu các món ăn ngon, truyền thống của địa phương, vùng miền. Ngành du lịch Thành phố cũng đã phát hành các ấn phẩm, tài liệu quảng bá du lịch để phát hành rộng rãi trong và ngoài nước như: Cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch TP.HCM, các tập gấp, tờ rơi quảng bá các điểm du lịch, các điểm mua sắm.
  3. Ngoài ra cơ quan quản lý du lịch Thành phố cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức các sự kiện du lịch lớn trên địa bàn Thành phố; phối hợp với các hãng hàng không quốc tế có đường bay thẳng đến TP.HCM như Malaysia, Úc, Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… tổ chức các tour đi khảo sát (presstrip - famtrip) cho phóng viên báo chí và doanh nghiệp du lịch để xây dựng phim giới thiệu du lịch thành phố. Bên cạnh việc thu hút sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự sự kiện, ngành du lịch Thành phố luôn tập trung xây dựng các phương án vận động nguồn lực xã hội hóa để nâng cao chất lượng các hoạt động của từng sự kiện, đồng thời tăng cường công tác quảng bá, thông tin tuyên truyền cho mỗi sự kiện. Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến nước ngoài cũng được đẩy mạnh xã hội hóa góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức sự kiện. Ngành du lịch Thành phố đã phối hợp với Sở Ngoại vụ, các Tổng Lãnh sự quán tại thành phố, các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức quốc tế như TPO (Tổ chức các thành phố du lịch Châu Á - Thái Bình Dương), Trung tâm xúc tiến thương mại & đầu tư và du lịch Asean - Nhật Bản, Tổ chức Du lịch thế giới WTO, ASEANTA để tuyên truyền việc tổ chức các sự kiện, tham gia các hội thảo, hội nghị các cấp về các chuyên đề, hoạt động du lịch có tầm cỡ khu vực và thế giới...cũng như phối hợp hợp tác nhiều sự kiện và hỗ trợ kinh nghiệm tổ chức và đào tạo du lịch. Bên cạnh các công tác quảng bá xúc tiến để tăng cường quan hệ quốc tế, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và luôn ý thức được rằng để có thể chủ động ở “sân chơi” quốc tế, khai thác hiệu quả các lợi ích có được từ xu hướng toàn cầu hóa cũng như có các biện pháp hữu hiệu để ứng phó với các tác động tiêu cực từ xu hướng này ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch, vụ sản phẩm du lịch của Thành phố thì cần thiết phải thiết lập được một hệ thống liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong khu vực trên cơ sở “vừa cạnh tranh – vừa hợp tác”, để tận dụng những lợi thế, nguồn lực của mỗi địa phương, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực nói chung và của mỗi địa phương nói riêng trước những thách thức về một môi trường cạnh tranh khốc liệt mà toàn cầu hóa mang lại. Trong những năm gần đây, khái niệm “địa phương hóa”, “liên kết vùng” đang dần trở thành một thành xu thế quan trọng trong công tác phát triển du lịch của mỗi địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã xác định Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng du lịch Đông Nam Bộ. Sự liên kết, hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong những năm qua là sợi chỉ xuyên suốt sự phát triển du lịch chung của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và giữa các vùng nói chung, nhằm tăng cường sức mạnh và tận dụng ưu thế của từng địa phương, bổ sung khai thác sản phẩm và đem lại lợi ích cho mỗi địa phương. Dựa vào ưu thế vốn có về vị trí của một trung tâm kinh tế, văn hóa, tài chính, thương mại và dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh với các công ty dồi dào nguồn lực hàng đầu cả nước đã kết hợp với các tỉnh thành cùng tạo ra các sản phẩm liên vùng, nhằm khai thác tiềm năng, nguồn tài nguyên du lịch dồi dào còn chưa được tận dụng hết của các địa phương cũng như bù đắp cho sự hạn chế về tài nguyên của Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện ký kết hợp tác phát triển với 45 tỉnh thành trên cả nước; đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương “làm tốt công tác hợp tác và là hạt nhân liên kết trong quản lý phát triển du lịch tại miền Trung, Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long” (theo đánh giá của Tổng Cục Du lịch – năm 2012). Xu thế “Địa phương hóa” giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương được thể hiện qua 5 lĩnh vực chính sau: (1) Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, (2) Công tác phối hợp quảng bá xúc tiến, (3) Hợp tác quy hoạch và kêu gọi đầu tư, (4) Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, (5) Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Có thể nói thời gian qua xu hướng “địa phương hóa”, công tác hợp tác liên kết giữa Thành phố với các địa phương cũng đã đạt được một số kết quả nhất định như: đã phát huy được nguồn lực của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để đầu tư phát triển du lịch tại các địa phương; xây dựng được nhiều sản phẩm liên vùng mới, phát huy được các thế mạnh sẵn có và bù đắp được các hạn chế về mặt tài nguyên để tập trung trở thành điểm thu hút và cửa ngõ đón du khách quốc tế; góp phần khai thác tiềm năng du lịch các địa phương liên kết; có sự liên kết phối hợp quảng bá du lịch mỗi địa phương. Tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận rằng bên cạnh các kết quả đã đạt được trong công tác hợp tác quốc tế và liên kết phát triển vùng đã nêu ở trên, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong việc khai thác hiệu quả các nguồn lực hiện có của Thành phố cũng như của
  4. các tỉnh thành lân cận để có thể phát huy tối đa sức mạnh, tận dụng tối đa nguồn lợi từ xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa hiện nay. Cụ thể, đối với công tác quảng bá xúc tiến và hợp tác quốc tế, hiện vẫn còn một số tồn tại như tính chuyên nghiệp chưa cao, một số hoạt động còn dàn trải. Một số hoạt động xúc tiến chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa gây được ấn tượng mạnh đối với khách du lịch tiềm năng. Công tác xã hội hóa trong quảng bá xúc tiến và hợp tác quốc tế có được chú trọng nhưng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn so với lợi thế là một trung tâm kinh tế hàng đầu của Thành phố. Công tác thông tin, tiếp thị xây dựng thương hiệu, hình ảnh điểm đến còn thiếu tính chiến lược do việc triển khai xây dựng chiến lược thương hiệu điểm đến còn chậm so với yêu cầu. Đối với công tác hợp tác phát triển vùng, trong thời gian qua, công tác phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương chưa được phối hợp chặt chẽ, chưa phát huy được giá trị bản sắc văn hóa của mỗi địa phương; hoạt động liên kết đầu tư du lịch còn mang tính tự phát hoặc riêng lẻ vì mục đích của từng doanh nghiệp của Thành phố, chưa có sự phối hợp đồng bộ trên quy mô lớn toàn ngành như: liên kết phối hợp đầu tư chung hoặc phân vùng đầu tư tại các địa phương để giao các đơn vị kinh doanh du lịch của Thành phố triển khai thực hiện theo thế mạnh; chưa có sự liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực lâu dài và quy mô lớn giữa Thành phố và các tỉnh thành; công tác xây dựng sản phẩm mới và quản lý chất lượng dịch vụ ở các địa phương chưa được đẩy mạnh và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. III. Định hướng phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa Thành phố Hồ Chí Minh luôn ý thức được vai trò tối quan trọng của xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa trong việc phát triển du lịch của Thành phố, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng như hiện nay, đặc biệt là vai trò quan trọng của và vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh một cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để có thể chủ động hơn nữa trong việc đối mặt với các cơ hội và thách thức của xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã được và từng bước khắc phục các hạn chế còn tồn tại trong công tác quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế và hợp tác liên kết địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường hội nhập, chủ động thu hút các nhà đầu tư nước đến đầu tư phát triển tại Thành phố trên cơ sở gìn giữ và bảo các giá trị nhân văn và môi trường của địa phương cũng như tiếp tục đặt trọng tâm tăng cường hợp tác liên kết nội vùng Đông Nam Bộ và mở rộng liên kết liên vùng với các vùng du lịch khác (Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên) trên cơ sở phát huy tối đa các giá trị bản sắc địa phương, liên kết tiềm năng tạo thành một điểm đến đồng nhất, bảo đảm chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến trên tất cả các lĩnh vực: Phát triển hạ tầng – cơ sở vật chất phục vụ du lịch, Phát triển sản phẩm du lịch, Quảng bá xúc tiến, Phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, định hướng phát triển du lịch Thành phố được xây dựng trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương hóa và tận dụng lợi thế toàn cầu hóa trong du lịch. Phát triển du lịch chuyển từ số lượng sang chất lượng, đặt trọng tâm nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, tiềm lực kinh tế, cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch. Cụ thể: - Chất lượng dịch vụ: Nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch để đạt chuẩn quốc tế. - Sản phẩm du lịch: Phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên những lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng du lịch liên kết, tạo ra nét đặc trưng riêng về sản phẩm du lịch của Thành phố.
  5. - Quản lý nhà nước: Hoàn thiện khung pháp lý để phối hợp giữa ngành du lịch và các ngành, lĩnh vực khác địa bàn phát huy được hiệu quả; Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển du lịch. Tạo mối liên kết với các địa phương trong cả nước trong phát triển du lịch. - Môi trường du lịch: Sử dụng các tài nguyên hiệu quả, phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách - Nguồn nhân lực: Đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. - Cơ sở hạ tầng: Tận dụng nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, từng bước cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, kĩ thuật phục vụ du lịch./. TÓM TẮT Toàn cầu hóa và địa phương hoá đang ngày càng trở thành những xu hướng quan trọng quyết định sự phát triển du lịch của một điểm đến. Đứng trước những cơ hội cũng như thách thức của hai xu hướng này, trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường liên kết địa phương trên tất cả các lĩnh vực: Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực, phát triển bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng. Thành phố Hồ Chí Minh ý thức được vai trò quan trọng của xu hướng toàn cầu hóa và địa phương hóa đối với việc phát triển du lịch của Thành phố và những hạn chế còn tồn tại của công tác hợp tác quốc tế và liên kết địa phương hiện nay. Để phát huy lợi thế là đô thị du lịch lớn nhất cả nước và tận dụng tối đa những lợi ích của hai xu hướng quan trọng trên, định hướng phát triển du lịch Thành phố được xây dựng trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương hóa và tận dụng lợi thế toàn cầu hóa trong du lịch; tập trung phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm liên vùng và nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2