JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0141<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8, pp. 30-35<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
“GIỜ HỌC TỔNG HỢP” - KINH NGHIỆM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH<br />
GIÁO DỤC TÍCH HỢP Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG CỦA NHẬT BẢN<br />
<br />
Nguyễn Thị Thấn1 , Vũ Thị Ngọc Uyên2<br />
1 Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
2 Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Hải Dương<br />
<br />
Tóm tắt. Giáo dục tích hợp là vấn đề đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm, là xu<br />
thế chung cho sự phát triển giáo dục hiện tại và trong tương lai. Trong chương trình giáo<br />
dục phổ thông ở Nhật Bản, bên cạnh các môn học được xây dựng theo quan điểm tích hợp,<br />
còn có Giờ học tổng hợp. Đây là hoạt động giáo dục tích hợp được đưa vào chương trình<br />
giáo dục phổ thông Nhật Bản từ năm 1997. Hoạt động này do từng trường chủ động tổ chức<br />
dựa vào các đặc điểm môi trường tự nhiên và xã hội ở địa phương, tùy theo sáng kiến, kinh<br />
nghiệm của nhà trường. Tại Giờ học tổng hợp, học sinh được trải nghiệm trong môi trường<br />
tự nhiên và xã hội xung quanh, được huy động các kiến thức, kĩ năng được học từ các môn<br />
học riêng lẻ vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội hiện đại. Nhiều kĩ năng, đặc<br />
biệt là các kĩ năng sống và nhiều phẩm chất và năng lực có thể được hình thành cho học<br />
sinh thông qua hoạt động học tập tích hợp này. Đây là ví dụ tốt để tham khảo khi xây dựng<br />
chương trình giáo dục ở nước ta.<br />
Từ khóa: Giờ học tổng hợp; tích hợp xuyên môn; kĩ năng sống; phẩm chất và năng lực.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Giáo dục tích hợp là vấn đề đang được nhiều nước quan tâm, là xu thế chung cho sự phát<br />
triển giáo dục trên thế giới [1, 4]. Tuy nhiên cần xây dựng chương trình tích hợp như thế nào để<br />
vừa có thể đáp ứng được các mục tiêu giáo dục mà xã hội hiện đại đặt ra lại vừa có thể đảm bảo<br />
tính khả thi trong các điều kiện giáo dục hiện tại đang là vấn đề đặt ra ở nhiều nước trên thế giới.<br />
Từ một nước bại chiến trong chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản hiện nay đã vươn lên thành<br />
một cường quốc kinh tế. Để có được thành tựu đó không thể không kể tới vai trò của nền giáo dục<br />
ở đất nước này, vì giáo dục luôn là công cụ vô giá đối với sự nghiệp phát triển đất nước [9]. Giáo<br />
dục ở Nhật Bản đã “tạo ra một tính cách dân tộc,... chuẩn bị các điều kiện tiên quyết ... tạo lập ra<br />
một nhà nước dân tộc, công nghiệp hóa và phát triển đầy đủ quyền con người” [7;19-20].<br />
Để trở thành một công cụ vô giá có thể phục vụ đắc lực cho sự phát triển thịnh vượng của<br />
đất nước, chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình tiểu học nói riêng ở Nhật<br />
Bản được xây dựng như thế nào? Đặc biệt, bài toán của giáo dục tích hợp được Nhật Bản giải quyết<br />
ra sao?... Tìm hiểu những vấn đề đó là việc làm cần thiết để có thể rút ra bài học quý báu cho nền<br />
giáo dục của Việt nam.<br />
Ngày nhận bài: 15/5/2015. Ngày nhận đăng: 15/9/2015.<br />
Liên hệ: Nguyễn Thị Thấn, e-mail: thannt@hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
30<br />
“Giờ học tổng hợp” - Kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục tích hợp...<br />
<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Kế hoạch giáo dục ở trường tiểu học của Nhật Bản<br />
<br />
Bảng 1<br />
Các môn học/ Tổng số tiết theo lớp<br />
Stt Ghi chú<br />
hoạt động Lớp 1 Lớp 2 Lớp 3 Lớp 4 Lớp 5 Lớp 6<br />
1 Tiếng Nhật 272 280 235 235 180 175<br />
2 Toán 114 155 150 150 150 150<br />
3 Cuộc sống 102 105<br />
4 Tự nhiên 70 90 95 95<br />
5 Xã hội 70 85 90 100 Môn học<br />
6 Âm nhạc 68 70 60 60 50 50<br />
7 Đồ họa 68 70 60 60 50 50<br />
8 Gia đình 60 55<br />
9 Thể dục 90 90 90 90 90 90<br />
10 Đạo đức 34 35 35 35 35 35 Hoạt<br />
11 Hoạt động đặc biệt 34 35 35 35 35 35 động<br />
12 Giờ học tổng hợp 105 105 110 110<br />
Tổng số tiết 782 840 805 840 835 835<br />
Nguồn: Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao và công nghệ (Nhật Bản) (2008). Phương hướng cơ bản cải tiến<br />
chương trình. Giờ học tổng hợp. Tokyo<br />
<br />
Bảng 1 cho thấy, kế hoạch giáo dục ở trường tiểu học của Nhật Bản có một số điểm đáng<br />
chú ý sau:<br />
- Cấp giáo dục tiểu học ở Nhật Bản gồm 6 năm học (ở nước ta là 5 năm) và chia làm 3 giai<br />
đoạn: giai đoạn 1- lớp 1,2; giai đoạn 2 - lớp 3,4; giai đoạn 3 - lớp 5,6 (ở nước ta chia thành 2 giai<br />
đoạn: giai đoạn 1 - lớp 1,2,3; giai đoạn 2- lớp 4,5).<br />
- Số môn học trong trường tiểu học Nhật Bản là 9 (ở Việt Nam hiện nay là 11 kể cả môn<br />
Đạo đức). Nếu chia theo các giai đoạn thì số môn học trong từng giai đoạn như sau: giai đoạn 1- 6<br />
môn; giai đoạn 2- 7 môn; giai đoạn 3 - 8 môn. Còn theo cách chia này ở nước ta sẽ là: giai đoạn 1-<br />
6 môn; giai đoạn 2- 9 môn.<br />
- Số môn học và hoạt động giáo dục ở trường tiểu học ở Nhật Bản tương đối tương đồng với<br />
các môn học và hoạt động giáo dục ở nước ta, tuy tên gọi và nội dung cụ thể có thể có sự khác biệt<br />
(Bảng 2).<br />
- Đạo đức không được coi là một môn học (như ở nước ta) mà là một hoạt động. Với tư cách<br />
là một hoạt động Đạo đức sẽ hạn chế được việc chỉ chú trọng cung cấp các kiến thức, kĩ năng mà<br />
thiên nhiều hơn đến việc trải nghiệm để giáo dục thái độ và các hành vi đạo đức cho học sinh.<br />
- Bên cạnh hoạt động đạo đức, trong kế hoạch giáo dục ở trường tiểu học Nhật Bản còn có<br />
hoạt động đặc biệt. Hoạt động này tương đồng với hoạt động tập thể và hoạt động ngoài giờ lên<br />
lớp ở nước ta.<br />
- Sự khác biệt lớn nhất ở trường tiểu học nói riêng và trường phổ thông ở Nhật Bản nói<br />
chung là sự hiện diện của Giờ học tổng hợp.<br />
<br />
31<br />
Nguyễn Thị Thấn, Vũ Thị Ngọc Uyên<br />
<br />
<br />
Bảng 2<br />
Các môn học và hoạt động ở trường tiểu học<br />
Stt<br />
Nhật Bản Việt Nam<br />
1 Tiếng Nhật Tiếng Việt<br />
2 Toán Toán<br />
3 Cuộc sống Tự nhiên và Xã hội<br />
4 Tự nhiên Khoa học<br />
5 Xã hội Lịch sử và Địa lí<br />
6 Âm nhạc Âm nhạc<br />
7 Đồ họa Mĩ thuật<br />
8 Gia đình Kĩ thuật<br />
9 Thể dục Thể dục<br />
10 Đạo đức Đạo đức<br />
11 Hoạt động đặc biệt Giáo dục tập thể<br />
12 Giờ học tổng hợp Giáo dục ngoài giờ lên lớp<br />
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006). Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu<br />
học. Nxb Giáo dục<br />
<br />
<br />
2.2. “Giờ học tổng hợp” - giờ học tích hợp ở trường tiểu học Nhật Bản<br />
Vậy Giờ học tổng hợp là gì? Vì sao Giờ học tổng hợp được đưa vào chương trình giáo dục<br />
của Nhật Bản?<br />
Giờ học tổng hợp (hay học tập tổng hợp) bằng tiếng Nhật là (sougou gakusyu).<br />
Đây là một lĩnh vực hay hoạt động giáo dục mới được đưa vào trong kế hoạch giáo dục ở trường<br />
phổ thông của Nhật Bản từ năm 1997 (Bảng 3).<br />
<br />
Bảng 3<br />
CHƯƠNG TRÌNH CŨ CHƯƠNG TRÌNH MỚI<br />
<br />
Các hoạt động đặc biệt Giờ học tổng hợp<br />
Đạo đức −→ Các hoạt động đặc biệt<br />
Đạo đức<br />
Các môn học<br />
Các môn học<br />
<br />
<br />
Trong phương hướng cơ bản cải tiến chương trình của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao và<br />
công nghệ Nhật Bản [6] đã chỉ rõ: “Việc cho phép các trường học được tự do tổ chức hoạt động<br />
giáo dục đặc biệt dựa vào đặc điểm của trường và địa phương là điều hết sức quan trọng. Hơn nữa<br />
để giáo dục những phẩm chất và năng lực nhằm có thể thích ứng với những thay đổi của xã hội<br />
thông tin, toàn cầu hóa, cần có những giờ học tổng hợp, giờ học xuyên chương trình vượt lên trên<br />
khuôn khổ của các môn học riêng lẻ. Giờ học đó có thể gọi tắt là Giờ học tổng hợp” [6; 4].<br />
Như vậy, Giờ học tổng hợp ở Nhật Bản là giờ học tích hợp xuyên chương trình, “vượt lên<br />
trên các môn học riêng lẻ”. Giờ học này được bắt đầu lớp 3 và cả các lớp trên của trường phổ thông<br />
<br />
32<br />
“Giờ học tổng hợp” - Kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục tích hợp...<br />
<br />
<br />
ở Nhật Bản. Hoạt động/ lĩnh vực giáo dục này do từng trường tự quyết định nội dung và các hình<br />
thức tổ chức phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương để hình thành ở học sinh những phẩm<br />
chất và năng lực thích ứng với các vấn đề của xã hội hiện đại [6; 59,62].<br />
Cụ thể, trong Phương hướng cơ bản cải tiến chương trình còn chỉ ra mục đích, nội dung, các<br />
hình thức và phương pháp tổ chức cũng như yêu cầu đánh giá Giờ học tổng hợp như sau:<br />
- Mục đích của Giờ học tổng hợp là thông qua việc học tập liên môn, tích hợp, để giáo dục<br />
cho học sinh các kĩ năng sống cơ bản như tìm tòi, phát hiện và giải quyết vấn đề một cách tích cực<br />
và sáng tạo dựa trên hứng thú và nguyện vọng của chính các em. Ngoài ra, Giờ học tổng hợp cũng<br />
không hướng tới việc nhồi nhét kiến thức mà coi trọng việc hình thành các kĩ năng như thu thập,<br />
tìm kiếm, tóm tắt, báo cáo, phát biểu thông tin cũng như năng lực tư duy của học sinh thông qua<br />
giờ học tích cực, làm cho các kiến thức, kĩ năng đã được học ở các môn học, hoạt động, đạo đức<br />
được tích hợp lại trong trẻ [6; 13-15].<br />
- Về nội dung, Giờ học tổng hợp có thể đề cập đến các lĩnh vực giáo dục mang tính liên<br />
môn, tích hợp như: giáo dục môi trường, giáo dục sự hiểu biết quốc tế, giáo dục tin học, giáo dục<br />
phúc lợi xã hội... Hơn nữa, Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao và công nghệ Nhật Bản cũng không áp<br />
đặt nội dung cụ thể cho mọi trường học mà các trường học dựa trên đặc điểm của nhà trường và<br />
địa phương có thể phát huy sáng kiến kinh nghiệm của mình để tổ chức các hoạt động học tập với<br />
các lĩnh vực nêu trên [6; 21-24].<br />
- Các phương pháp và hình thức tổ chức học tập được coi trọng trong Giờ học tổng hợp việc<br />
trải nghiệm trong thiên nhiên như quan sát, điều tra, thí nghiệm, thực hành... trải nghiệm trong<br />
môi trường tự nhiên và xã hội như các hoạt động tình nguyện, từ thiện, tham gia vào các hoạt động<br />
sản xuất... và học tập giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó các hoạt động học tập đa dạng như học tập<br />
theo nhóm, hay thậm chí kết hợp với các khối lớp khác nhau, mời chuyên gia từ nơi khác đến,<br />
kết hợp với giáo viên của các môn học khác, hoặc tất cả giáo viên cùng tham gia tổ chức... được<br />
khuyến khích áp dụng. Giờ học tổng hợp cũng không dừng lại trong phạm vi trường học mà có<br />
thể mở rộng ra bên ngoài để tận dụng các tài liệu cũng như môi trường học tập phong phú của địa<br />
phương... [6; 96-104].<br />
- Về thời điểm tổ chức Giờ học tổng hợp: các trường có thể linh hoạt lựa chọn thời điểm<br />
trong năm học để tổ chức các giờ học cho thích hợp. Giờ học tổng hợp được đưa vào từ lớp 3, ở<br />
tiểu học mỗi tuần 3 tiết (ở trung học cơ sở mỗi tuần 2 đến 4 tiết, và trung học phổ thông mỗi tuần<br />
từ 3 đến 6 tiết). Đối với lớp 1 và 2 ở trường tiểu học do môn Cuộc sống là môn học tích hợp, vì<br />
vậy có thể lấy môn học này làm trung tâm để phối hợp với các môn học khác [6; 52-55].<br />
- Cách đánh giá Giờ học tổng hợp không giống như đánh giá thông thường trong các môn<br />
học là kiểm tra và lấy điểm số, mà đánh giá một cách tổng hợp dựa vào nhiều mặt như hứng thú,<br />
tình thần và thái độ tham gia, dựa vào kết quả tìm kiếm thu thập thông tin, báo cáo của các em học<br />
sinh... [6; 89-95].<br />
Như vậy, có thể nói Giờ học tổng hợp ở Nhật Bản là hoạt động giáo dục tích hợp xuyên môn<br />
do các trường học được tự lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức... để tổ chức. Trong hoạt<br />
động giáo dục này học sinh được sử dụng các kiến thức, kĩ năng học được từ các môn học riêng lẻ<br />
vào giải quyết các vấn đề của của cuộc sống hiện đại mà các em đang phải đối mặt như các vấn đề<br />
môi trường, công nghệ thông tin, phúc lợi xã hội,... Hoạt động giáo dục này chú trọng hình thành<br />
ở học sinh các kĩ năng sống, những phẩm chất và năng lực cần thiết để thích ứng với các vấn đề<br />
trong xã hội hiện đại [2, 3]. Giờ học tổng hợp ở Nhật Bản tồn tại song song với các môn học tích<br />
hợp ở trường học như các môn học: Tự nhiên, Xã hội và các hoạt động giáo dục: Hoạt động đặc<br />
biệt, Đạo đức.<br />
<br />
33<br />
Nguyễn Thị Thấn, Vũ Thị Ngọc Uyên<br />
<br />
<br />
2.3. Liên hệ với chương trình giáo dục tiểu học ở nước ta<br />
Ở cấp tiểu học của nước ta, các vấn đề như giáo dục tích hợp, giáo dục kĩ năng sống,... cũng<br />
đã được quan tâm và là một trong những quan điểm chính để xây dựng và thực hiện chương trình<br />
tiểu học hiện hành. Cụ thể, môn Tự nhiên và Xã hội (ở các lớp 1,2,3) là môn học tích hợp các kiến<br />
thức từ nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Môn Khoa học (ở các lớp 4,5) là môn<br />
học có nội dung được tích hợp từ các ngành khoa học tự nhiên. Môn Lịch sử và Địa lí đã được tích<br />
hợp một phần trong chương trình và được khuyến khích giáo viên tích hợp trong khi dạy học, môn<br />
Tiếng Việt cũng là môn học tích hợp từ các kiến thức ngôn ngữ với văn học,...<br />
Như vậy, cũng giống như ở Nhật Bản, chương trình giáo dục tiểu học ở nước ta cũng được<br />
xây dựng theo quan điểm tích hợp. Xu hướng tích hợp còn đang được quan tâm và chú trọng hơn<br />
trong kế hoạch xây dựng chương trình sau 2015. Bên cạnh việc đề cao quan điểm tích hợp, chương<br />
trình giáo dục tiểu học ở nước ta hiện nay còn có cùng số môn học và hoạt động như trong chương<br />
trình giáo dục của Nhật Bản như đã đề cập ở bảng 2. Tuy nhiên, nếu chương trình sau 2015 chỉ<br />
quan tâm chú trọng đến việc tích hợp trong nội bộ các môn học như đã nêu ở trên thì chưa đủ. Việc<br />
tích hợp trong nội bộ các môn học đó chỉ hình thành ở người học những kiến thức, kĩ năng của<br />
môn học, còn các kĩ năng sống, năng lực trải nghiệm và hoạt động thực tiễn để ứng phó với các<br />
vấn đề của xã hội hiện đại thì khó có thể được hình thành [2, 4].<br />
Vì vậy, trong chương trình mới ở nước ta (chương trình sau 2015) bên cạnh việc xây dựng<br />
các môn học ở mức độ tích hợp cao, cần bổ sung thêm lĩnh vực/ hoạt động giáo dục tích hợp xuyên<br />
môn như Giờ học tổng hợp của Nhật Bản, để trong những giờ học của lĩnh vực/ hoạt động giáo dục<br />
đó các em học sinh được vận dụng các kiến thức và kĩ năng được học từ các môn học riêng lẻ để<br />
trải nghiệm trong môi trường, để giải quyết các vấn đề của cuộc sống nhằm hình thành các kĩ năng<br />
sống, những phẩm chất và năng lực cần thiết của công dân trong xã hội hiện tại và tương lai. Về<br />
thời điểm trong chương trình cho lĩnh vực/ hoạt động giáo dục đó có thể sử dụng thời điểm của các<br />
hoạt động: Giáo dục tập thể hoặc Giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình hiện hành. Về cách<br />
quản lí lĩnh vực/ hoạt động giáo dục đó, các cấp quản lí giáo dục Bộ, Sở, Phòng chỉ nên xây dựng<br />
và gợi ý khung chương trình bao gồm những yêu cầu chung về mục đích, nội dung, phương pháp<br />
và hình thức tổ chức, cách đánh giá,... Các trường tiểu học cần được chủ động xây dựng chương<br />
trình chi tiết cho lĩnh vực/ hoạt động giáo dục này cho phù hợp với đặc điểm của địa phương (các<br />
điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, học sinh...), phát huy kinh nghiệm và sáng kiến của từng trường.<br />
Việc đưa Giờ học tổng hợp vào chương trình giáo dục phổ thông cũng không chỉ là sáng<br />
kiến và cách làm riêng ở Nhật Bản, ở các nước có nền giáo dục tiến tiến khác cũng có những hình<br />
thức học tập tương tự ví dụ ở Vương Quốc Anh là Chủ đề xuyên Chương trình (Cross Curriclum<br />
Theme) [2, 10], còn ở Đức là Giờ học/ chủ đề Liên môn (F¨acher¨ubergreifender/es Unterricht/<br />
Themen) [8].<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Như vậy, bên cạnh các môn học được xây dựng theo quan điểm tích hợp, thì trong chương<br />
trình giáo dục phổ thông ở Nhật Bản (cũng như nhiều nước khác trên thế giới) còn có Giờ học<br />
tổng hợp. Đây là lĩnh vực hay hoạt động giáo dục tích hợp được đưa vào chương trình giáo dục ở<br />
trường phổ thông Nhật Bản từ năm 1997. Hoạt động này do từng trường chủ động tổ chức dựa vào<br />
các đặc điểm môi trường tự nhiên và xã hội ở địa phương, tùy theo sáng kiến, kinh nghiệm của<br />
nhà trường. Tại Giờ học tổng hợp, học sinh được trải nghiệm trong môi trường tự nhiên và xã hội<br />
ở xung quanh, được huy động các kiến thức, kĩ năng được học từ các môn học riêng lẻ vào giải<br />
quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội hiện đại. Các kĩ năng nhất là các kĩ năng sống và nhiều phẩm<br />
chất và năng lực có thể được hình thành ở học sinh thông qua hoạt động học tập tích hợp này. Đây<br />
có thể là ví dụ để tham khảo khi xây dựng chương trình giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới.<br />
<br />
34<br />
“Giờ học tổng hợp” - Kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục tích hợp...<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Athanasia Chatzifotiou, 2006. Environmental education, national curriculum and primary<br />
school teachers. Findings of a research study in England and possible implications upon<br />
education for sustainable development. The Curriculum Journal Vol. 17, No. 4, pp. 367 –<br />
381.<br />
[2] Chris Rowley and Hilary Cooper, 2009. Cross-curricular Approaches to Teaching and<br />
Learning. SAGE Publications Ltd. London.<br />
[3] Eleanor Brodie and Merisa Thompson, 2009. Double Crossed: exploring science and history<br />
through cross-curricular teaching. Creativity in science. SSR March 2009, 90(332); pp<br />
47-52.<br />
[4] Perdue, R.R., Warder, D.S., 1981. Environmental Education and Attitudes Change. The<br />
Journal of Environmental Education, Volume 12, No. 3, pp. 25 - 28.<br />
[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006. Chương trình giáo dục cấp tiểu học. Nxb Giáo dục.<br />
[6] Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao và công nghệ Nhật Bản 2008. Phương hướng cơ bản cải tiến<br />
chương trình. Giờ học tổng hợp, Tokyo (bằng tiếng Nhật).<br />
[7] Phạm Minh Hạc, 2003. Nghiên cứu và học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục Nhật Bản.<br />
Báo cáo tại Hội thảo Giáo dục Việt Nhật do ISEI – UP – Ban Khoa giáo trung ương tổ chức<br />
tại Hà Nội, ngày 30/9/2003.<br />
[8] Komatsu, 2000. Nghiên cứu về nguyên lí xây dựng nội dung của “Giờ học tổng hợp” ở trường<br />
trung học ở Đức. Kỉ yếu Hội thảo của Hội Giáo dục Khoa học Xã hội Nhật Bản, Tsukuba,<br />
15 - 10 – 2000 (bằng tiếng Nhật).<br />
[9] T. Nakauchi, H. Tajima, T. Saito và E. Ameda, 2002. Hiện đại hóa giáo dục Nhật Bản. Nxb<br />
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.<br />
[10] National Curiculum Council (NCC), 1990. Curiculum Guidance 7.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
Colligate learning and the experience in developing<br />
integration curriculum in Japanese schools<br />
<br />
Integration education is currently a heated subject that is getting the attention of experts<br />
around the world. It is also the current trend for Vietnam’s education development now and in<br />
the future. In Japan’s school curriculum, apart from subjects that are based on the integration<br />
viewpoint, there is also Colligate learning, which is an integrated educational activity that has been<br />
applied in Japan since 1997. The activity is carried out differently between schools depending on<br />
the natural and social environment of each area as well as on their own ideas and experience. In<br />
Colligate learning, students can experience in their local natural and social environment, and they<br />
make use of knowledge and skills gained in other subjects to solve practical problems. Many life<br />
skills, abilities and a perception of quality can be formed during this integration learning activity.<br />
The above is an outstanding example that we can use to develop our new curriculum.<br />
Keywords: Colligate learning, cross curricular integration, life skills, quality and abilities.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
35<br />