intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

60 năm sự nghiệp thư viện Việt Nam

Chia sẻ: Mơ Mộng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

129
lượt xem
12
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tham khảo tài liệu 60 năm sự nghiệp thư viện Việt Nam để hiểu rõ hơn về lịch sử của thư viện, với nội dùng trình bày những vấn đề như: Sự nghiệp thư viện trở thành sự quan tâm lớn của Đảng, là công việc hàng ngày của Nhà nước và nhân dân ta, thành lập được mạng lưới thư viện rộng khắp, cơ sở vật chất - kỹ thuật của các thư viện được tăng cường đáng kể,...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: 60 năm sự nghiệp thư viện Việt Nam

  1. 60 năm sự nghiệp thư viện Việt Nam Thư viện không phải là hiện tượng mới trong đời sống của người dân Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ XI, ở nước ta đã xuất hiện các thư viện đầu tiên - các tàng kinh. Nhưng tốc độ phát triển của các thư viện trong các thời kỳ sau này còn chậm, số lượng cũng không nhiều. Trong thời kỳ đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp cũng chỉ thành lập được 3 thư viện công cộng và một số thư viện tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, công sở của nước ta. Chỉ từ tháng 8 năm 1945 đến nay, sự nghiệp thư viện nước ta mới có điều kiện để phát triển nhanh. Có thể nêu một số thành tựu lớn của ngành thư viện Việt Nam trong 60 năm qua như sau: 1. Sự nghiệp thư viện trở thành sự quan tâm lớn của Đảng, là công việc hàng ngày của Nhà nước và nhân dân ta. Trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ 3 trở đi công tác thư viện luôn được đề cập tới. Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã chỉ rõ "Về công tác thư viện, cần mở rộng các thư viện hiện có, xây dựng thêm một số thư viện ở các khu công nhân, các thị xã và mở rộng phong trào quần chúng đọc sách, báo..."(1). Còn trong các văn kiện của Đại hội lần thứ VI nhấn mạnh: "Xây dựng và sử dụng các hệ thống thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hoá... từ trung ương đến cơ sở, ở các ngành và các địa phương... Đưa đến tận các đơn vị cơ sở những giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc và thế giới, những kiến thức phổ thông và hiện đại về khoa học, kinh tế. Đưa văn hoá, văn nghệ đến vùng rừng núi và vùng nông thôn hẻo lánh"(2) v.v... Đường
  2. lối hết sức đúng đắn đó đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động thư viện của nước ta trong thời gian qua. Về phía Nhà nước, chỉ 6 ngày sau khi tuyên bố Độc lập, ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 13 chuyển giao các thư viện công trong đó có Thư viện Pierre Pasquier* về cho Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý. Cùng ngày hôm đó, Chính phủ lại ra Sắc lệnh số 21 bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu(3) làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Ngày 20/10/1945 Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ra quyết định đổi tên Thư viện Pierre Pasquier thành Quốc gia Thư viện. Ngày 31 tháng 01 năm 1946, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ban hành Sắc lệnh 18 - SL quy định chế độ lưu chiểu văn hóa phẩm trên toàn cõi Việt Nam... Điều đó chứng tỏ rằng ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước ta đã coi công tác thư viện là sự nghiệp của mình. Sau này, còn nhiều văn bản pháp quy khác được ban hành trong đó đáng chú ý là Quyết định 178-CP ngày 16/9/1970 của Hội đồng Chính phủ "Về công tác thư viện" và Pháp lệnh Thư viện được ỦY ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ 1/4/2001. Trong các văn bản đó đều quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong tổ chức và hoạt động của thư viện: quản lý, cấp kinh phí, trụ sở, trang thiết bị, nhân sự... cho các thư viện. Ngoài ra, bằng các văn bản pháp quy, Nhà nước còn động viên, khuyến khích các lực lượng xã hội đóng góp công sức, tiền của xây dựng các thư viện và tham gia vào các hoạt động của chúng.
  3. 2. Thành lập được mạng lưới thư viện rộng khắp, từ trung ương tới cơ sở, trong các ban ngành, đoàn thể, phù hợp với nơi ở và làm việc, học tập của người dân với mục đích tạo những điều kiện thuận lợi cho họ sử dụng thư viện. Mạng lưới thư viện này bao gồm nhiều hệ thống khác nhau, trong đó tiêu biểu là các hệ thống: - Hệ thống thư viện công cộng với Thư viện Quốc gia Việt Nam đứng đầu và 64 thư viện tỉnh, thành, 582 thư viện cấp quận, huyện, gần 6.046 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản... Gắn kết với thư viện công cộng còn có 10.000 tủ sách pháp luật và 8.000 điểm bưu điện - văn hóa xã, phường. - Hệ thống thư viện - thông tin chuyên ngành đa ngành về KH & CN được thành lập ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp... Hệ thống thư viện - thông tin này có 1 trung tâm thông tin tổng hợp; 2 trung tâm thông tin chuyên dạng (trung tâm thông tin về Tiêu chuẩn và trung tâm thông tin về Sở hữu công nghiệp); 218 trung tâm thông tin - thư viện thuộc các bộ, ngành, các cơ quan trung ương, 64 cơ quan, tổ chức thông tin địa phương... và hàng trăm thư viện tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, các viện nghiên cứu, các trung tâm NCKH - SX... Nét nổi bật trong hệ thống này những năm gần đây là các thư viện khoa học, chuyên ngành đầu hệ thống phát triển rất mạnh, rất hiện đại do được đầu tư khá tốt. - Hệ thống thư viện thuộc Bộ Giáo dục ngày càng phát triển. Hiện nay nước ta có gần 300 thư viện, trung tâm thông tin - thư viện các trường đại học và cao đẳng, gấp hàng chục lần so với trước năm 1954. Còn thư viện trường
  4. phổ thông tăng không ngừng, theo sự mở rộng của ngành Giáo dục. Nếu năm 2000 cả nước có 15.574 thư viện trên 24.208 trường phổ thông thì đến năm 2004 con số này đã là 17.842 thư viện/26.345 trường. - Hệ thống thư viện quân đội cũng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu đọc của các sĩ quan, chiến sĩ với 1 thư viện trung ương, 53 thư viện ở các học viện, quân khu, quân đoàn, 330 phòng đọc sách ở cấp sư đoàn, trung đoàn và tương đương, 620 tủ sách trong các Phòng Hồ Chí Minh, hơn 400 tủ sách ở các đồn biên phòng... Ngoài ra, các hệ thống thư viện thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản... cũng phát triển khá mạnh. 3. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các thư viện được tăng cường đáng kể. Về nhà cửa, nếu trước kia diện tích của các thư viện hết sức nhỏ thì ngày nay diện tích đó đã được tăng lên gấp nhiều lần. Chẳng hạn, Thư viện Quốc gia Việt Nam trước kia chỉ có khoảng 5.000m2 nhưng vừa qua được Chính phủ cấp cho hơn 80 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nhà và trang thiết bị thư viện nên tổng diện tích nhà đã tăng lên hơn 18.000m2. Thư viện nhiều trường đại học được xây dựng khá hiện đại với trên dưới 10.000 m2 mỗi thư viện. Nhiều thư viện cấp tỉnh đã được xây nhà mới. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây từ 2001 - 2003, đã có 9 thư viện cấp tỉnh được xây trụ sở mới với tổng kinh phí là 62,4 tỷ đồng. Các thư viện cấp huyện được xây dựng do chính nguồn tài chính của địa phương. Thư viện cấp huyện ở Nghệ An, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Hải Dương... đã được xây dựng nhà mới, kiên cố với diện tích khá lớn
  5. từ 500 - 1.000m2 mỗi thư viện. Ngoài ra, từ năm 1997, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp tiền để xây dựng nhà cho các thư viện huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong 2 năm 1997 - 1998 đã có 12 nhà thư viện huyện được xây theo chương trình này với tổng kinh phí là 4,2 tỷ đồng. Nhưng rất tiếc cách đây vài năm, chương trình đã bị ngừng. Về trang thiết bị, đã có những bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ thư viện, tiếp cận với xu hướng chung của thư viện hiện đại trên thế giới. Hiện nay, hầu như thư viện lớn nào cũng áp dụng CNTT vào công tác của mình. Hàng nghìn máy tính đã được sử dụng trong các thư viện cả nước. Hệ thống thư viện công cộng đã có gần 1.000 máy tính. Nhưng chỉ riêng Trung tâm học liệu của Đại học Huế cũng đã có gần 500 máy tính hiện đại. Cuối tháng 7 vừa qua, Đại học Đà Nẵng đã khai trương Trung tâm Học liệu với 250 máy tính. Nhiều thư viện tạo được mạng LAN và nối kết với Internet. Ngoài ra, các thư viện còn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến khác như công nghệ mã vạch, thẻ từ, cổng từ... Nhờ ứng dụng các công nghệ đó mà các nhân viên thư viện và các thư viện đã có một hình ảnh mới trước công chúng và những khả năng mới trong việc giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong việc cung cấp thông tin nhanh hơn, đầy đủ hơn, chất lượng hơn do được tiếp cận tới các nguồn tin trong và ngoài nước. 4. Các thư viện nước ta xây dựng được nguồn lực thông tin khá lớn, có khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong nghiên cứu, học tập, sản xuất và giải trí của người dân.
  6. Hệ thống thông tin – thư viện khoa học, chuyên ngành có: 2 triệu đầu sách, 6.000 tên tạp chí, 18,5 triệu bản mô tả sáng chế, phát minh, 200.000 tiêu chuẩn, 40.000 catalô công nghiệp, 13.000 báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, luận án tiến sĩ, 20 triệu biểu ghi trên CD-ROM v.v… Hệ thống thư viện công cộng có khoảng 15 triệu bản sách; 9.000 tên báo, tạp chí, trong đó phần lớn là báo, tạp chí ngoại văn. Mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng bổ sung mới khoảng 800.000 bản sách. Hệ thống thư viện trường học mỗi năm được cấp khoảng 80 - 100 tỷ đồng cho bổ sung tài liệu và tiến hành các hoạt động nghiệp vụ. Hệ thống thư viện quân đội: mỗi cán bộ, chiến sĩ được cấp theo định suất 200 trang sách/ năm... Ngoài các tài liệu truyền thống, các thư viện còn tự tạo lập hoặc mua các tài liệu điện tử: chủ yếu là các CSDL thư mục, CSDL toàn văn các sách có giá trị và các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Với những cố gắng như vậy, chúng ta dần dần sẽ đảm bảo được an toàn thông tin. 5. Hoạt động thư viện đã phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, sản xuất nghiên cứu khoa học, phát triển văn hóa, xã hội của đất nước, của địa phương, của các cơ quan, xí nghiệp cũng như góp phần đắc lực nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dân Việt Nam. Việc đảm bảo thông tin cho các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước, việc tuyên truyền, phổ biến các tài liệu thông tin về những thành tựu khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội mới nhất đã làm cho các cơ quan
  7. thông tin, thư viện trở thành những đồng minh thân cận, những trợ thủ đắc lực cho các cơ quan đảng, chính quyền, khoa học, văn hóa, xã hội các cấp. Số lượt người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của các cơ quan thông tin, thư viện ngày càng tăng. Chỉ tính riêng hệ thống thư viện công cộng thì trong 3 năm từ 2001 - 2003, mỗi năm đã có trung bình 19.922.885 lượt người tới sử dụng các thư viện này. Hoạt động nghiệp vụ của các thư viện đã khởi sắc, có nhiều cách làm mới, hay. Xu hướng cải tiến và đổi mới hoạt động thư viện đang phát triển mạnh mẽ. Các thư viện lớn (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện tỉnh, thành, thư viện các trường đại học...) tiến hành phục vụ bạn đọc tại kho mở, phòng đọc đa phương tiện có kết nối Internet, tạo điều kiện để bạn đọc tiếp cận tới nhiều nguồn thông tin khác nhau. Các thư viện, cơ quan thông tin tiến hành biên soạn, xuất bản, cung cấp các sản phẩm thông tin – thư mục theo đặc điểm, yêu cầu của các đối tượng người dùng khác nhau vì thế, hiệu quả hoạt động của hình thức này ngày càng được nâng cao. 6. Mức hưởng thụ sách báo của nhân dân tăng lên gấp hàng chục lần. Bình quân sách tính theo đầu người tăng khá ấn tượng. Số lượng sách, báo của 3 thư viện công cộng thời kỳ thuộc Pháp rất ít, chưa chắc đã tới 300.000 bản vì riêng Thư viện Trung ương Đông Dương (nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam) - thư viện lớn nhất thời bấy giờ, đến tháng 12 năm 1953 có khoảng 180.000 bản sách. Nếu dân số Việt Nam thời kỳ này là 30 triệu người thì bình quân mỗi người chỉ có 0,01 bản sách trong các thư viện công cộng. Hiện nay, tổng số sách trong các thư viện công cộng nước ta là 20.000.000 bản trên tổng số dân là hơn 80.000.000 người thì bình quân 1 người có gần 0,25 bản sách. Nếu tính tổng số sách trong tất cả các thư viện nước ta thì mỗi
  8. người dân Việt Nam có hơn 1 bản sách. Mức hưởng thụ sách báo của người dân được tăng cường còn do các thư viện mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc. Các thư viện công cộng chú ý phục vụ các đối tượng đặc biệt (thiếu nhi, người khiếm thị, người cao tuổi...), phục vụ họ tại nhà, qua bưu điện. Công tác phục vụ lưu động của các thư viện công cộng từ thư viện tỉnh, huyện đến cơ sở đang được mở rộng, hình thức mượn giữa các thư viện, cung ứng tài liệu qua mạng, FAX... của các thư viện khoa học đang có bước phát triển khá nhỏ ứng dụng CNTT và viễn thông... Những hình thức phục vụ bạn đọc tích cực như vậy đã dần dần tạo nên khả năng sử dụng ngang bằng của mọi người dân Việt Nam nguồn lực thông tin, sản phẩm và dịch vụ của các thư viện trên địa bàn cả nước. 7. Quan hệ hợp tác quốc tế của ngành thư viện được mở rộng và có những kết quả đáng khích lệ. Nếu trước kia các thư viện nước ta chỉ bó hẹp trong quan hệ với các đồng nghiệp trong phe XHCN thì ngày nay nhiều thư viện nước ta đã gia nhập các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như IFLA, FID hay khu vực như CONSAL. Trao đổi tài liệu quốc tế được coi là nguồn bổ sung chủ yếu các tài liệu nước ngoài của các thư viện nước ta và hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Ngoài ra, Quỹ châu Á từ vài năm nay, mỗi năm cũng hỗ trợ cho các thư viện khoa học Việt Nam 30 - 40 nghìn bản sách khoa học và công nghệ mới với trị giá hàng triệu đô la Mỹ. Hội đồng Anh tài trợ bộ sách Thiên niên kỷ gồm 20.000 bản, giới thiệu 250 tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng thế giới. Các thư viện, cơ quan thông tin nước ta tích cực trao đổi các đoàn chuyên gia, mời họ vào mở lớp đào tạo cán bộ thông tin – thư viện, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học. Những năm
  9. 1980 - 1990, các thư viện công cộng nước ta nhận được các dự án từ UNESCO và IFLA: "Giáo dục cộng đồng"; "Luân chuyển sách từ tỉnh, huyện đến cơ sở", “Xây dựng trung tâm tiếp nhận và phát huy tác dụng của tài liệu”. Quỹ Force (Hà Lan) tài trợ sách, máy tính, máy trợ thị cho các thư viện công cộng để tổ chức phục vụ người khiếm thị. Các quỹ nước ngoài cũng trợ giúp hàng triệu đô la để xây dựng các trung tâm học liệu hiện đại ở Đại học Huế và Đà Nẵng... Sự hợp tác này đã nâng cao vị thế của các thư viện nước ta trên trường quốc tế, hiện đại hóa thư viện, đồng thời giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyên môn của cán bộ thư viện, tiết kiệm khá nhiều ngân sách cho Nhà nước. 8. Xây dựng đội ngũ những người làm công tác thư viện yêu nghề, trung thành với Đảng, nhiệt tình sáng tạo trong công tác, ngày càng được tăng cường, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu trước năm 1954, cả nước Việt Nam trong số vài trăm nhân viên thư viện chỉ có vài người được đào tạo chính quy về công tác lưu trữ, thư viện mà phần lớn lại là người Pháp và cả Việt Nam không có một trường đào tạo nhân viên thư viện nào** thì ngày nay nước ta có tới 4 trường đại học (sắp tới thêm trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh), 4 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp đào tạo nhân viên thư viện. Việt Nam đã đào tạo được nhân viên thư viện từ sơ cấp tới thạc sĩ khoa học thư viện - thông tin. Đội ngũ những người làm công tác trong ngành thư viện - thông tin có tới hơn 30.000 người, trong đó có hơn 50 người có trình độ tiến sĩ (riêng chuyên ngành thư viện học - thông tin học cũng đã có trên 30 tiến sĩ, trong đó có 1 tiến sĩ khoa học), hàng trăm thạc sĩ, hàng chục nghìn cử nhân tốt nghiệp các trường đại học khác nhau trong và ngoài
  10. nước***. Mặc dù lương bổng, thu nhập còn rất thấp so với nhiều ngành nghề khác nhưng phần lớn những người làm công tác thư viện - thông tin vẫn khắc phục mọi khó khăn để lựa chọn, bảo quản, xử lý những tài liệu, thông tin tốt nhất, phù hợp nhất để cung cấp cho các đối tượng bạn đọc khác nhau. 9. Hình thành được các cơ quan ngôn luận của ngành. Trước năm 1954, ngành thư viện Việt Nam chưa có một cơ quan ngôn luận nào. Hiện nay, ngành thư viện - thông tin nước ta có Tạp chí Thư viện Việt Nam và Tạp chí Thông tin & Tư liệu. Cả hai tạp chí này đều xuất bản với định kỳ 4 số/năm. Ngoài ra, một số thư viện còn xuất bản bản tin hoặc tạp chí nhưng ảnh hưởng của chúng đối với bạn đọc không rộng. Việc ra đời các tạp chí này thể hiện sự trưởng thành về mặt lý luận của giới thư viện - thông tin Việt Nam. 10. Hình thành một cách vững chắc cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ ngành thư viện. Việc hình thành Cục Thư viện (nay là Vụ Thư viện) thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin từ năm 1986 là một bước tiến quan trọng của ngành thư viện Việt Nam trong việc khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội. Các cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ đứng đầu là Thư viện Quốc gia Việt Nam và các thư viện đứng đầu các bộ, ngành, các thư viện tỉnh, thành luôn luôn đảm bảo cho hoạt động của hệ thống thư viện mình theo những chuẩn nghiệp vụ thống nhất... Có thể liệt kê thêm một số thành tựu lớn nữa của ngành thư viện trong 60 năm dưới chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nhưng bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh một số tồn tại lớn,
  11. ảnh hưởng tới sự phát triển mạnh mẽ của ngành mà cần được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đó là: Cơ sở vật chất - kỹ thuật nghèo nàn; nguồn lực thư viện - thông tin còn hạn chế nhưng lại bị phân tán, cắt đoạn giữa các hệ thống với nhau; chưa có sự phối kết hợp tốt giữa các hệ thống; sự phát triển thư viện giữa các vùng nông thôn, thành thị miền xuôi, miền núi còn có sự chênh lệch lớn; tỷ lệ người dân sử dụng tài liệu, các dịch vụ thư viện còn thấp; cán bộ thông tin - thư viện còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, giao tiếp, tin học; hiệu quả xã hội của thư viện chưa thật cao... Tóm lại, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng ngành thư viện Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục. Hy vọng rằng với sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự cố gắng của toàn ngành, đến năm 2020, cùng với các mục tiêu khác, Việt Nam sẽ trở thành một nước tiên tiến về thư viện. Tài liệu tham khảo 1. Báo cáo tổng kết hoạt động của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc năm 2001 - 2003, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2004 - 2006/Vụ Thư viện//Kỷ yếu hội nghị tổng kết hoạt động của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc 3 năm (2001 - 2003). - H., 2004. - Tr.3-27 (in máy tính). 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ 3. Văn kiện. T.3. - H., 1960. - Tr. 70.
  12. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ 6. Văn kiện.. - H.: Sự thật, 1987. - Tr. 90 - 91. 4. Toan ÁNH. Thư viện Việt Nam//Nghiên cứu Văn học. -Sài gòn. - 1971. - Bộ mới số 3. - Tr. 27 - 28. 5. Việt Nam (CHXHCN). Quốc hội. Pháp lệnh Thư viện: được UB Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 28/12/2000 và được Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 01/2001/L-CTN ban hành ngày 11/1/2001.- H.: CTQG, 2001. - 25 tr. 6. Lê Văn Viết. Cẩm nang nghề Thư viện. - H.: Văn hóa thông tin, 2000.-XXV; 635tr. 7. Lê Văn Viết. Thư viện Quốc gia Việt Nam: 55 năm xây dựng và trưởng thành (1917-2002)/ Lê Văn Viết, Nguyễn Hữu Viêm; Chỉ đạo nội dung: Phạm Thế Khang.- H.: TVQGVN, 2002.- 142tr. (1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ 3. Văn kiện. T.3. - H., 1960. - Tr. 70.
  13. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ 6. Văn kiện. - H.: Sự thật, 1987. - Tr. 90 - 91. * Thư viện Pierre Pasquier là tên khác của Thư viện Trung ương Đông Dương, nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam (3) Ông Nhu chỉ ra Hà Nội nhận chức vào ngày 30/10/1945 nhưng trong các giấy tờ chính thức của Nha Lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc sau đó lại do ông Trần Văn Kha, Quyền Giám đốc Nha ký và cũng không nói gì tới vai trò của ông Nhu nữa. Vai trò của ông Nhu đối với Nha được coi là kết thúc ở đây. Dẫn theo: Đào Thị Diến. Lưu trữ Việt Nam năm 1945//Xưa và nay. – 2002. – Số 116. – Tr. 28 – 39. ** Thực ra, từ năm 1931-1945, Thư viện TW Đông Dương mỗi năm mở 1 lớp học 6 tháng để đào tạo nhân viên thư viện cho các nước Đông Dương. Tổng số nhân viên được đào tạo trong giai đoạn đó là 220 người. *** Trước kia, cán bộ thư viện nước ta được đào tạo chủ yếu ở Liên Xô đến bậc tiến sĩ. Ngày nay, Mỹ, Niu zi lân, Oxtralia, giúp ta đào tạo thạc sĩ tiến tới đào tạo tiến sĩ ngành Thông tin - Thư viện. -------------------------------- TS. Lê Văn Viết
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2