intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với năng lực ngôn ngữ của sinh viên Việt Nam ngành ngôn ngữ Trung

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

10
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với năng lực ngôn ngữ của sinh viên Việt Nam ngành ngôn ngữ Trung" sẽ so sánh ngôn ngữ mạng trong tiếng Hán và tiếng Việt, trên cơ sở đó phân tích những ảnh hưởng đối với sự phát triển năng lực ngôn ngữ của sinh viên Việt Nam ngành ngôn ngữ Trung hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với năng lực ngôn ngữ của sinh viên Việt Nam ngành ngôn ngữ Trung

  1. ẢNH HƯỞNG CỦA NGÔN NGỮ MẠNG ĐỐI VỚI NĂNG LỰC NGÔN NGỮ CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM NGÀNH NGÔN NGỮ TRUNG ThS. Trương Ngọc Quỳnh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa quốc tế TÓM TẮT Sự bùng nổ của internet đã hình thành nên hệ thống văn hóa của chính nó, trở thành mảnh đất màu mỡ để ngôn ngữ mạng sinh sôi nảy nở. Nhìn chung, ngôn ngữ mạng không phải là một hệ thống ngôn ngữ chính quy nhưng lại xu hướng định hình lại ngôn ngữ của chúng ta. Ngôn ngữ mạng đang tạo ra những thay đổi lớn lao trong thói quen sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày của con người trên cả môi trường giao tiếp trực tiếp và giao tiếp trên mạng. Những ảnh hưởng này thể hiện rõ rệt hơn ở đối tượng thanh thiếu niên nói chung và đối tượng người Việt Nam học ngôn ngữ Trung Quốc nói riêng. Bài viết này sẽ so sánh ngôn ngữ mạng trong tiếng Hán và tiếng Việt, trên cơ sở đó phân tích những ảnh hưởng đối với sự phát triển năng lực ngôn ngữ của sinh viên Việt Nam ngành ngôn ngữ Trung hiện nay. Từ khóa: Ngôn ngữ mạng, ảnh hưởng, năng lực ngôn ngữ, sinh viên, ngành Ngôn ngữ Trung 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội, là công cụ quan trọng trong giao tiếp của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngôn ngữ cũng có sự biến đổi theo. Trong thời đại hiện nay, khi máy tính và mạng internet đã được phổ cập trên phạm vi toàn cầu, ngôn ngữ mạng đã trở thành công cụ giao tiếp thường gặp trong đời sống con người. Là một phần trong hệ thống ngôn ngữ, ngôn ngữ mạng và những ảnh hưởng của nó đang dần trở thành đối tượng nghiên cứu của học giả trên nhiều lĩnh vực. Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ mạng, làm thế nào để ưu việt hóa môi trường ngôn ngữ mạng, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với việc sử dụng ngôn ngữ của người sử dụng internet đang là một vấn đề cấp thiết 147
  2. được đặt ra. Điều này đặc biệt quan trọng hơn đối với việc giảng dạy ngoại ngữ trong bối cảnh phát triển bùng nổ của các loại ngôn ngữ mạng. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với thanh thiếu niên nhìn chung còn tương đối ít, chủ yếu là các bài xã luận. Về đặc điểm ngôn ngữ mạng của giới trẻ có thể kể tới luận văn “Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông” (2018) của tác giả Đỗ Thùy Trang, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Luận văn nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ giới trẻ từ bình diện cấu trúc và bình diện giao tiếp xã hội, đồng thời cho thấy thái độ ngôn ngữ của xã hội đối với việc lựa chọn ngôn ngữ của giới trẻ. Bài “Bàn về việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của sinh viên hiện nay” của tác giả Nguyễn Thị Ngân, Trịnh Thị Ngọc Anh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) giới thiệu về thực trạng sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, cũng đồng thời nêu ra các nguyên nhân và biện pháp cải thiện. Tại Trung Quốc, các nghiên cứu về ngôn ngữ mạng của giới trẻ nhìn chung được tiến hành rộng rãi hơn, chủ yếu dưới dạng các bài báo khoa học. Nội dung nghiên cứu chủ yếu tập trung vào hai nội dung: Ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với thanh thiếu niên và so sánh đối chiếu giữa ngôn ngữ mạng tiếng Hán với một số ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga. Có thể kể tới một số bài báo như: - Đường Ngọc Trân (2015). Bàn về chiến lược sử dụng ngôn ngữ mạng trong các khóa học chính trị và tư tưởng ở trường đại học. Học viện Công thương Vân Nam. - Lý Thanh Viên (2018). Những ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với khả năng biểu đạt và giao tiếp tiếng Hán đối với sinh viên đại học. Tạp chí văn hóa chữ Hán. - Trần Lâm (2015). Nghiên cứu về ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với hành vi sử dụng ngôn ngữ của thanh thiếu niên. Học viện Tài chính Kinh tế Thành Công Trịnh Châu, Tạp chí xây dựng ngữ văn. 148
  3. - Triệu Tuấn Nam (2015). So sánh ngôn ngữ mạng trong tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hán. Tạp chí Ngữ văn – Giảng dạy giáo dục ngoại ngữ. - Vương Hiểu Thần (2013). Phân tích đối chiếu ngôn ngữ mạng tiếng Anh và tiếng Hán dưới góc độ Ngôn ngữ học tri nhận. Tạp chí trường Đại học Thẩm Dương. Một mặt, so với các thứ tiếng khác trên thế giới, tiếng Việt là loại ngôn ngữ ít phổ biến, ít người sử dụng, các nghiên cứu so sánh giữa tiếng Việt và tiếng Hán về chủ đề ngôn ngữ mạng hiện là đề tài tương đối mới mẻ. Mặt khác, sự du nhập ngày của ngôn ngữ mạng trong tiếng Hán vào tiếng Việt thông qua các phim ảnh, ca nhạc, mạng xã hội đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, được giới trẻ tiếp nhận và sử dụng rộng rãi. Do đó, bài nghiên cứu tiến hành so sánh ngôn ngữ mạng trong hai ngôn ngữ, với mục tiêu hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng ngôn ngữ không chính quy trong quá trình học tập ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam đang học tập bộ môn tiếng Hán, góp phần vào việc chuẩn hóa và giáo dục ngoại ngữ trong thời đại mới. 2. SO SÁNH NGÔN NGỮ MẠNG TRONG TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT 2.1. Giới hạn khái niệm và đặc điểm của ngôn ngữ mạng a. Giới hạn khái niệm Ngôn ngữ mạng từ khi ra đời đã trở thành tiêu điểm của nhiều cuộc tranh luận. Ở từng giai đoạn, người ta lại có những ý khiến khác nhau về ngôn ngữ mạng, và đến nay vẫn còn tồn tại rất nhiều điểm bất đồng. Cùng với sự phát triển của mạng internet, ngôn ngữ mạng ra đời vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ XX và được coi là “sản phẩm phụ” của internet. Ở giai đoạn này, ngôn ngữ mạng chỉ hạn chế trong phạm vi các thuật ngữ máy tính. Bước vào thế kỷ XXI, ngôn ngữ mạng không còn bị hạn chế trong phạm vi ngữ nghĩa được nêu ra trên đây, mà nó được mở rộng ra thành loại ngôn ngữ giao tiếp thường ngày được tùy ý sáng tạo, sử dụng và lan truyền trên mạng internet. Ở bình diện này, ngôn ngữ mạng là một tổ hợp các đơn vị ngôn ngữ như: chữ cái, dấu câu, hình ảnh, văn tự, số…. 149
  4. Trong phạm vi bài này sẽ trình bày về ngôn ngữ mạng trong phạm vi ý nghĩa được mở rộng, và những ảnh hưởng của nó trên phương diện xã hội. b. Đặc điểm của ngôn ngữ mạng Có thể nói rằng, ngôn ngữ mạng là một phần trong hệ thống ngôn ngữ, là sự tiếp nối và phát triển dựa trên ngôn ngữ chuẩn mực. Tuy nhiên, ngôn ngữ mạng lại mang những đặc điểm khác biệt với ngôn ngữ chuẩn mực, thu hút giới trẻ bởi những đặc điểm sau: Thứ nhất, ngôn ngữ mạng mang tính giải trí cao. Ngôn ngữ mạng được ra đời do nhu cầu đa dạng hóa các cách biểu đạt nhằm mang lại sự thú vị trong thông tin được biểu đạt, làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động. Thứ hai, ngôn ngữ mạng mang tính phá cách. Ngôn ngữ mạng được giới trẻ ưa dùng và lan truyền rộng rãi là do nó phá vỡ các quy tắc ngôn ngữ chuẩn mực. Môi trường mạng là một không gian tự do cho phép giới trẻ tùy ý vận dụng sức tưởng tượng của mình. Ở đó, họ có thể sáng tạo ra bất kỳ hình thức và nội dung ngôn ngữ nào họ ưa thích để thể hiện cá tính mà không cần phải e dè trước những khuôn phép của xã hội truyền thống. Thứ ba, ngôn ngữ mạng mang tính nhanh gọn, kịp thời. Sống trong xã hội hiện đại với nhịp sống vội vã, con người muốn biểu đạt ý tưởng của mình bằng số ít đơn vị ngôn ngữ trong khoảng thời gian nhanh nhất. Do đó, họ tiến hành giản lược hóa nhiều thành phần trong ngôn ngữ chuẩn mực, tạo ra một cách biểu đạt mới. 2.2. So sánh các dạng ngôn ngữ mạng trong tiếng Hán và tiếng Việt Ngôn ngữ mạng có sự khác biệt hoàn toàn với các quy tắc trong ngôn ngữ chuẩn mực, tuy nhiên nó được tạo ra theo một số quy tắc nhất định. Đứng từ góc độ phương pháp cấu tạo từ, có thể nói, từ vựng trong ngôn ngữ mạng hiện nay 150
  5. được cấu tạo dựa trên cơ sở của ngôn ngữ chuẩn mực và biến đổi trên ba phương diện: Ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp. a. Cấu tạo từ dựa trên sự tương đồng về ngữ âm - Thứ nhất, sử dụng từ có mặt chữ khác nhau nhưng âm đọc tương đồng hoặc tương cận với nhau. Ví dụ, trong tiếng Hán, 稀饭 (cách đọc là “xīfàn”, nghĩa là “cháo”) được giới trẻ sử dụng để thay thế cho 喜欢 (cách đọc là “xǐhuān”, nghĩa là “thích”) do hai từ có cách đọc tương tự nhau. Trong tiếng Việt, giới trẻ cũng có cách tạo từ tương tự như vậy, ví dụ: Thứ high (thứ hai), thứ bar (thứ ba), kao (tao) v.v. - Thứ hai, sử dụng con số biểu thị cho các từ có âm đọc tương đồng hoặc tương cận. Có thể lấy một vài ví dụ trong tiếng Hán như sau: 886 (cách đọc là “bā bā liù”), gần giống với 拜拜啦 (cách đọc “bài bài la”, nghĩa là “tạm biệt nhé”). Hay 9494 (cách đọc “jiǔ sì jiǔ sì”), gần âm với “就是就是” (cách đọc “jiùshì jiùshì”, nghĩa là “chính thế chính thế”). Trong tiếng Việt cũng có thể tìm thấy một vài ví dụ với con số được vận dụng trên mạng xã hội như: 1105 (một đời một kiếp không phai), 5508 (năm năm không tắm) v.v. - Thứ ba, kết hợp số và chữ để thay thế cho các từ có âm đọc tương đồng hoặc tương cận. Ví dụ, trong tiếng Hán, 3Q có cách đọc là “sān Q”, gần âm với “thank you”, nên thường được dùng để biểu thị “cảm ơn”. Trong ngôn ngữ mạng tiếng Việt, 3D đồng âm với “bê đê”, chỉ người thuộc giới tính thứ ba. Giới trẻ cũng kết hợp số và chữ để biểu thị một số từ tiếng Anh phổ biến như “5ting” (fighting - cố lên), “g9” (good night – chúc ngủ ngon), v.v. b. Cấu tạo từ dựa trên sự biến đổi về ngữ nghĩa Những từ vựng mới trong ngôn ngữ mạng có thể được giữ nguyên mặt chữ như trong ngôn ngữ chuẩn mực, nhưng được sử dụng với ý nghĩa hoàn toàn khác trong bối cảnh giao tiếp trên mạng. Lấy một số ví dụ trong tiếng Hán: - “恐龙” (khủng long): chỉ bạn nữ có ngoại hình xấu. 151
  6. - “青蛙” (ếch): chỉ bạn nam có ngoại hình xấu. - “唐僧” (Đường Tăng): chỉ “bạn trai” - “小妖精” (Tiểu yêu tinh) chỉ “bạn gái”. Trong tiếng Việt, giới trẻ cũng đã “sáng tạo” ra nghĩa mới cho từ để “lạ hóa” các từ vựng quen thuộc. Ví dụ: - “Gấu”: chỉ bạn trai hoặc bạn gái. - “Bánh bèo”: chỉ bạn nữ điệu đà. - “Thả thính”: chỉ ai đó có hành động nào đó nhằm thu hút sự chú ý của người khác. c. Cấu tạo từ dựa trên sự thay đổi về ngữ pháp Thay đổi các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ chuẩn mực là một cách tạo từ khác trong ngôn ngữ mạng hiện nay. Ví dụ: Giới trẻ Trung Quốc có cách nói “幸福 ing” để biểu thị trạng thái “đang hạnh phúc”, do từ “幸福” nghĩa là hạnh phúc, đuôi “ing” trong tiếng Anh biểu thị hành động đang xảy ra. Trong tiếng Việt, một số từ vựng trong ngôn ngữ mạng được tạo ra bằng cách chen thêm các thành phần khác vào giữa một từ, ví dụ, “thoải mái” được viết thành “thoải con gà mái”. Ngoài ra, việc sử dụng từ vựng tiếng Anh ghép lại theo ngữ pháp tiếng Việt cũng khá phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, ví dụ: “Like is afternoon” (thích thì chiều), “know die now” (biết chết liền), “lemon question” (chanh + hỏi = chảnh) v.v. 2.3. Ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng đối với năng lực ngôn ngữ của người học a. Ảnh hưởng tích cực Cùng với sự phổ cập của mạng internet, ngôn ngữ mạng ngày càng có những ảnh hưởng lớn lao tới cuộc sống của chúng ta. Ngôn ngữ mạng hiện nay đã bước ra khỏi phạm vi giao tiếp trên mạng internet và du nhập dần vào ngôn ngữ trong đời sống thường ngày. 152
  7. Ảnh hưởng tích cực của ngôn ngữ mạng đối với năng lực ngôn ngữ của người học thể hiện ở việc kích thích sự linh hoạt và sáng tạo trong quá trình người học vận dụng các đơn vị ngôn ngữ. Các đơn vị ngôn ngữ thuộc hệ thống ngôn ngữ chuẩn mực được lắp ghép, được biến đổi và hình thành các đơn vị ngôn ngữ mới. Nhà văn Văn Giá, chủ nhiệm khoa Viết văn, Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định: “Phải thừa nhận rằng cách sử dụng ngôn ngữ thông minh, linh hoạt, và năng động của sinh viên làm cho ngôn ngữ không bị đóng băng cằn cỗi mà trở nên sinh động hơn.”3 Một minh chứng cho sự du nhập của từ vựng thuộc phạm trù ngôn ngữ mạng của giới trẻ vào hệ thống ngôn ngữ chuẩn mực là từ “给力” (dùng để khen ngợi ai làm giỏi cái gì). Năm 2010, tờ “Nhân Dân Nhật Báo” của Trung Quốc đăng trên trang nhất bài viết với tiêu đề “ 江苏给力 ‘文化强省’”4 (“Giang Tô đã làm rất tốt trong công cuộc xây dựng thành tỉnh đi đầu về văn hóa”). Tiêu đề này đã sử dụng từ “给力” trong ngôn ngữ mạng, vốn bắt nguồn từ bộ phim hoạt hình hài hước “Tây Du Ký – Điểm cuối của hành trình” do Nhật Bản sản xuất. Ở Việt Nam, từ “thả thính” cũng được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài báo, phóng sự của các trang báo mạng báo chính thống như Thanh Niên, Tuổi Trẻ: “Độc giả trẻ đội mưa đến nghe 'nhà văn triệu bản' dạy cách thả thính”5, “Bộ ảnh thả thính bằng trái cây của cô gái Sài Gòn”6 v.v. b. Ảnh hưởng tiêu cực Bên cạnh ảnh hưởng tích cực nêu trên, ngôn ngữ mạng cũng gây khó khăn cho công tác giảng dạy tiếng Trung do những ảnh hưởng tiêu cực của loại ngôn ngữ này đối với đối tượng sinh viên đang học tiếng Trung, bởi vì sinh viên là những người tiếp xúc với cả ngôn ngữ mạng tiếng Trung và tiếng Việt. Những lo ngại này không phải là không có cơ sở. 3 Báo giaoduc.net.vn ngày 17/11/2011 4 “Nhân dân nhật báo” Trung Quốc ngày 10/11/2010 5 Báo Thanh Niên online, ngày 07/01/2020 6 Báo Tuổi Trẻ online, ngày 24/05/2018 153
  8. Thứ nhất, ngôn ngữ mạng ảnh hưởng tới năng lực nhận biết và phân biệt ngôn ngữ chuẩn mực của sinh viên. Như trên đã phân tích, từ vựng trong ngôn ngữ mạng được tạo ra bằng cách phá vỡ chuẩn mực của ngôn ngữ chính thống, chính vì vậy chúng thiếu tính hợp lý, thiếu logic, xa rời với ngôn ngữ quy phạm. Nhiều từ vựng bị viết sai chính tả, sai về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa được sử dụng rộng rãi khiến giới trẻ khó phân biệt được đâu là ngôn ngữ mạng, đâu là ngôn ngữ chuẩn. Sự góp mặt rộng rãi của ngôn ngữ mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay lại càng dấy lên sự lo ngại rằng ranh giới giữa ngôn ngữ mạng và ngôn ngữ chuẩn mực đang dần trở nên mờ nhạt. Thứ hai, ngôn ngữ mạng gây ảnh hưởng đến năng lực biểu đạt của sinh viên. Ngôn ngữ mạng được viết tùy tiện, phá cách, mang đặc trưng rõ rệt của ngôn ngữ nói, thường dùng câu ngắn, ít dùng câu dài và câu phức tạp, cấu trúc từ và câu lỏng lẻo, không có sự chải chuốt trong việc chọn lựa từ vựng. Do đó, khả năng biểu đạt của thanh thiếu niên cũng có xu hướng khẩu ngữ hóa, thiếu tính mạch lạc thống nhất, câu văn thiếu sự liên kết chặt chẽ. Thứ ba, việc sử dụng ngôn ngữ mạng thường xuyên cũng làm giảm khả năng đọc hiểu của sinh viên. Ngôn ngữ mạng đơn giản, dễ hiểu, trong khi ngôn ngữ chuẩn mực lại hàm súc, thâm thúy. Do đó, giới trẻ khó thích nghi được với các đặc tính ngôn ngữ viết, trong tiềm thức đã xa rời các tác phẩm mang tính quy phạm và lại gần với ngôn ngữ suồng sã, tùy tiện. Sinh viên có xu hướng bỏ chọn các tác phẩm mang hàm nghĩa sâu xa, mà ưa chuộng “đọc nông”, hay thậm chí tùy tiện giải thích ý nghĩa của văn bản gốc. Về lâu dài, thói quen này ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách, sự trưởng thành về mặt tinh thần cũng như sự hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của giới trẻ. Thứ tư, ngôn ngữ mạng ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ ngôn ngữ của sinh viên. Phải khẳng định rằng, rất nhiều đơn vị ngôn ngữ trong ngôn ngữ mạng nhảm nhí, thô tục, nông cạn. Tuy nhiên, do sinh viên có tâm lý hiếu kỳ mạnh mà năng lực tư duy lý tính lại yếu, cộng thêm việc giao tiếp trong môi trường mạng internet lại không chịu bất kỳ sự quản chế nào, nên việc sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện lại càng có cơ hội phát triển. Thói quen sử dụng ngôn từ thiếu nội hàm, thiếu tính thẩm mỹ là nhân tố khiến thanh thiếu niên giảm sút năng lực thưởng thức, cảm 154
  9. nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ. Đây là những điểm tiêu cực gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển lành mạnh của sinh viên. 3. KẾT LUẬN Sự phát triển của internet đã tạo ra một không gian văn hoá mới, nơi mà các loại ngôn ngữ có nhiều cơ hội để biến tướng một cách đa dạng. So sánh ngôn ngữ mạng trong tiếng Hán và tiếng Việt cho thấy, ngôn ngữ mạng của Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với nhau. Có thể nói, tất cả các quốc gia đều đang đứng trước những thách thức mà ngôn ngữ mạng đem lại. Đứng trước “cuộc đổ bộ” của loại “ngôn ngữ sao Hỏa” này, chúng ta không có cách nào ngăn chặn mà chỉ có thể nhìn nhận, đánh giá khách quan cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực mà nó mang lại. Từ đây, chúng ta mới có thể có các biện pháp phù hợp giúp cho sinh viên điều chỉnh hành vi lệch chuẩn trong sử dụng ngôn ngữ, ý thức được sự cần thiết phải tuân thủ chuẩn mực ngôn ngữ, cũng như có định hướng học tập và rèn luyện để nâng cao hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ. 155
  10. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Hữu Chỉnh (2015). Chuẩn mực ngôn ngữ, văn hóa ngôn từ và việc rèn luyện các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia, 304 – 342. 2. Đỗ Thùy Trang (2018). Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông. Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. 3. Nguyễn Thị Ngân, Trịnh Thị Ngọc Anh. Bàn về việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của sinh viên hiện nay. Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 4. 唐玉珍(2015 年):《浅议高校思政课对网络语言的运用策略》,云南 工商学院,第 3 期期刊,页 24。 5. 李清园(2018 年):《网络语言对高职学生汉语表达与沟通的影响》, 汉字文化期刊,第 14 期, 页 25-26。 6. 陈琳(2015 年):《网络语言对青少年语言使用影响的研究》,郑州成 功财经学院,语文建设期刊, 页 58-59。 7. 李丹(2016 年):《模因论视角下的英汉网络语言对比研究》,文教资 料第 19 期,页 39-40. 8. 王晓晨(2013 年):《认知语言学视角下英汉网络语言的对比分析》, 沈阳大学学报(社会科学版)页 857-859。 9. 傅轶飞(2013 年):《英汉网络语言对比研究》,国防工业出版社。 156
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
18=>0