intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo hiểm hưu trí và hưu trí tự nguyện bổ sung trong việc xử lý các nhân tố rủi ro ảnh hưởng tới lập kế hoạch tài chính hưu trí

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

11
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này tập hợp và phân tích các nhân tố rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động lập kế hoạch tài chính hưu trí. Các rủi ro hưu trí được nhận dạng và phân tích dựa trên cơ sở nhu cầu hưu trí. Các nhân tố rủi ro hưu trí bao gồm: rủi ro tuổi thọ, rủi ro lạm phát, rủi ro thị trường, rủi ro chuỗi kết quả đầu tư, rủi ro rút tiền, rủi ro sức khỏe và rủi ro suy giảm khả năng nhận thức.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo hiểm hưu trí và hưu trí tự nguyện bổ sung trong việc xử lý các nhân tố rủi ro ảnh hưởng tới lập kế hoạch tài chính hưu trí

  1. BẢO HIỂM HƯU TRÍ VÀ HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN BỔ SUNG TRONG VIỆC XỬ LÝ CÁC NHÂN TỐ RỦI RO ẢNH HƯỞNG TỚI LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH HƯU TRÍ PGS.TS. Nguyễn Đăng Tuệ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Tóm tắt Bài viết này tập hợp và phân tích các nhân tố rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động lập kế hoạch tài chính hưu trí. Các rủi ro hưu trí được nhận dạng và phân tích dựa trên cơ sở nhu cầu hưu trí. Các nhân tố rủi ro hưu trí bao gồm: rủi ro tuổi thọ, rủi ro lạm phát, rủi ro thị trường, rủi ro chuỗi kết quả đầu tư, rủi ro rút tiền, rủi ro sức khỏe và rủi ro suy giảm khả năng nhận thức. Bài viết cũng phân tích việc sử dụng bảo hiểm hưu trí và hưu trí tự nguyện bổ sung trong việc xử lý các rủi ro liên quan đến lập kế hoạch tài chính hưu trí. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kết luận và khuyến nghị. Từ khóa: Bảo hiểm hưu trí tự nguyện bổ sung, kế hoạch tài chính hưu trí 1. Giới thiệu Lập kế hoạch tài chính hưu trí là quá trình xác định các mục tiêu thu nhập cho hưu trí và các hành động và quyết định cần thiết để đạt được các mục tiêu đó. Lập kế hoạch tài chính hưu trí bao gồm việc xác định các nguồn thu nhập, ước tính chi phí, thực hiện một chương trình tiết kiệm và quản lý các tài sản (Petkoska và Earl, 2009) nhằm đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để sử dụng trong giai đoạn hưu trí. Ngoài việc đặt ra mục tiêu tài chính hưu trí và xác định khả năng chấp nhận rủi ro, người chuẩn bị hưu trí cần nằm được nguyên tắc đầu tư cơ bản như: rủi ro liên quan đến đầu tư, lợi ích của các sản phẩm đảm bảo thu nhập và chiến lược phân bổ tài sản. Khi lập kế hoạch tài chính hưu trí, các cá nhân cần định hình được những rủi ro trong giai đoạn hưu trí của mình. Lập kế hoạch tài chính hưu trí chỉ thành công khi có những giả định đầu vào về tuổi nghỉ hưu, tuổi thọ, mức chi tiêu khi nghỉ hưu, lạm phát và lợi tức đầu tư chính xác và phù hợp (Anderson và cộng sự, 2017). Giả thiết về tuổi nghỉ hưu sẽ trả lời câu hỏi về hưu khi nào. Những người nghỉ hưu sớm sẽ phải đối mặt với mức lương hưu thấp hơn đi cùng với với giai đoạn hưu trí dài hơn. Giả thiết về tuổi thọ kết hợp với giả thuyết về tuổi nghỉ hưu sẽ xác định thời gian sống trong giai đoạn hưu trí. Ví dụ, nếu một người chuẩn bị hưu trí 65 tuổi khỏe mạnh có tuổi thọ kỳ vọng là 81 sẽ cần lập kế hoạch hưu trí cho trường hợp họ sống tới 87 tuổi và chuẩn bị cho kịch bản sống đến 90 tuổi. Giả thiết về mức chi tiêu trong giai đoạn nghỉ hưu liên quan chặt chẽ tới mức sống ở năm nghỉ hưu và xác định số tiền cần phải tiết kiệm trong những năm 383
  2. tích lũy. Cách chi tiêu khi nghỉ hưu rất đa dạng. Với một số người, mức chi tiêu cần bao gồm những kỳ nghỉ và những món đồ xa xỉ. Với những người khác, mức chi tiêu cần cho phép giúp đỡ các thành viên trong gia đình và đóng góp cho các tổ chức từ thiện. Giả thiết về lạm phát được sử dụng để hình thành các dự báo tài chính hưu trí tùy chỉnh cho từng người về hưu. Giả thiết về đầu tư bao gồm tỷ suất lợi nhuận trên các khoản đầu tư là một trong các giả thiết khó thực hiện nhất khi dự tính các kịch bản nghỉ hưu. Tương ứng với các giả thuyết này là những nhân tố rủi ro có thể ảnh hưởng tới lập kế hoạch tài chính hưu trí (Pfau, 2018). 2. Nguồn thu nhập cho hưu trí Khi người chuẩn bị hưu trí đã có ý tưởng về nhu cầu thu nhập hưu trí, bước tiếp theo là đánh giá mức độ chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu đó. Nói cách khác, những nguồn thu nhập hưu trí nào sẽ được dành cho giai đoạn hưu trí? Các cấu phần của một chế độ hưu trí bền vững về tài chính thường được so sánh với một chiếc kiềng ba chân đại diện cho ba nguồn thu nhập hưu trí: (1) thu nhập từ các khoản chi trả an sinh xã hội của Chính phủ; (2) thu nhập từ các kế hoạch hưu trí do cơ sở sử dụng lao động cung cấp (xác định theo mức đóng hoặc xác định theo mức hưởng); (3) tiết kiệm và đầu tư cá nhân (không ràng buộc với Chính phủ cũng như các doanh nghiệp). Tuy vậy, các chân kiềng của hưu trí truyền thống có thể không cung cấp đủ nguồn tài chính cho những người về hưu trong tương lai. Sự kết hợp giữa tuổi thọ gia tăng và sự thiếu hụt tài sản cho thấy ngày càng nhiều người lao động hiện tại sẽ hết tài sản dành cho hưu trí trước khi kết thúc giai đoạn nghỉ hưu. Ở Việt Nam, các khoản chi trả an sinh xã hội từ Chính phủ cho người cao tuổi có giá trị rất thấp trong khi lương hưu từ bảo hiểm xã hội (chân kiềng thứ hai) đang trải qua nhiều thay đổi do quá trình cấu trúc lại hệ thống bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, người lao động hiện nay, đặc biệt là nam giới, bắt đầu lao động muộn hơn và làm việc lâu hơn các thế hệ trước (Topa và cộng sự, 2018). Nhiều công việc hiện đại dựa trên kiến thức hoặc công nghệ, cho phép người lao động tiếp tục làm việc cho đến tuổi 70 (Van Rooij và cộng sự, 2012). Do những thay đổi nói trên, những người về hưu cần thêm chân kiềng thứ tư vào mô hình “kiềng ba chân” truyền thống để chuẩn bị tốt cho giai đoạn hưu trí. Chân kiềng thứ tư giúp ổn định thu nhập cho hưu trí liên quan đến các nguồn thu nhập hưu trí phi truyền thống như: làm việc khi nghỉ hưu và sử dụng, khai thác bất động sản sở hữu, bảo vệ thu nhập và chuyển giao tài sản thông qua các sản phẩm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn. Đi đôi với những lựa chọn tài chính này là các lựa chọn về lối sống như: nơi sinh sống trong giai đoạn nghỉ hưu, các tiện nghi và thời gian dành cho giải trí. Điều này đặc biệt quan trọng khi các xu hướng nhân khẩu học, kinh tế và xã hội đang thay đổi bản chất của hưu trí, gây áp lực lên các nguồn thu nhập hưu trí truyền thống từ ba trụ cột đầu tiên và làm cho các cá nhân có trách nhiệm cao hơn đối với sự an toàn tài chính và hạnh phúc khi nghỉ hưu (Muratore và Earl, 2015). 384
  3. 3. Các nhân tố rủi ro ảnh hưởng tới lập kế hoạch tài chính hưu trí Người về hưu trí có thể cần ít thu nhập hơn trong thời gian nghỉ hưu so với khi đang làm việc do tiết kiệm được các chi phí liên quan đến công việc như: quần áo, ăn uống và đi lại, các khoản mua nhà trả góp. Những người đã nghỉ hưu cũng được giảm giá theo những điều kiện dành riêng cho người cao tuổi bao gồm: sử dụng phương tiện công cộng, tham quan du lịch. Mặc dù vậy, người về hưu có thể phải đối diện nhiều rủi ro đặc thù ảnh hưởng đến tài chính trong giai đoạn hưu trí. Mặc dù không phải tất cả những người về hưu đều có nguy cơ đối mặt với những rủi ro này như nhau, các rủi ro này đều cần được cân nhắc khi lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch tài chính cho hưu trí. Các yếu tố rủi ro phổ biến nhất cần được xem xét khi lập kế hoạch tài chính hưu trí bao gồm: rủi ro tuổi thọ, rủi ro lạm phát, rủi ro thị trường, rủi ro chuỗi kết quả đầu tư, rủi ro rút tiền, rủi ro về chăm sóc sức khỏe và rủi ro về suy giảm khả năng nhận thức. Các rủi ro này tương ứng với các giả thiết trong việc phân tích nhu cầu hưu trí. 3.1. Rủi ro tuổi thọ Rủi ro về tuổi thọ là rủi ro người về hưu sống lâu hơn dự kiến. Do những tiến bộ về y tế, dinh dưỡng, kiểm soát dịch bệnh, sức khỏe cộng đồng và môi trường, tuổi thọ của con người đã được cải thiện đáng kể. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi và của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi (năm 1989) lên 73,6 tuổi (năm 2019). Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Mặc dù vậy, tuổi thọ trung bình không phản ảnh được toàn bộ thực trạng vì khi một cá nhân sống sót qua từng giai đoạn của cuộc đời và những rủi ro liên quan, khả năng sống sót đến những độ tuổi cao hơn sẽ tăng lên. Nói cách khác, một cá nhân sống đến tuổi nghỉ hưu, cơ hội sống sót trong 20 đến 30 năm nữa là rất lớn. Mặc dù thói quen, hành vi, lối sống cá nhân và tiền sử gia đình sẽ ảnh hưởng các về tuổi thọ, tuổi thọ của con người là ngẫu nhiên và kế hoạch tài chính cho hưu trí phải tính đến loại rủi ro này. Thời gian nghỉ hưu lâu hơn có nghĩa là tiếp xúc lâu hơn với rủi ro của thị trường và lạm phát, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe khi nghỉ hưu cao hơn và đối mặt với nguy cơ cạn kiệt Quỹ bảo hiểm xã hội. Thời gian nghỉ hưu lâu hơn cũng yêu cầu lập kế hoạch cho các giai đoạn nghỉ hưu khác nhau, trong đó chi tiêu nhiều hơn cho các chi phí lối sống trong những năm đầu và chăm sóc sức khỏe trong những năm sau khi nghỉ hưu. 3.2. Rủi ro lạm phát Một rủi ro khác thách thức việc lập kế hoạch tài chính cho hưu trí là lạm phát – sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Lạm phát có thể làm xói mòn sức mua của 385
  4. người về hưu, buộc người về hưu phải rút ra số tiền ngày càng lớn khỏi danh mục đầu tư, từ đó dẫn tới cạn kiệt danh mục đầu tư hưu trí. Bảo hiểm xã hội có thể điều chỉnh dần hàng năm theo chi phí sinh hoạt tùy vào chính sách của Chính phủ nhưng các nguồn thu nhập hưu trí khác sẽ cần được tính toán để điều chỉnh theo lạm phát, trừ khi người về hưu đã mua một niên kim có tính năng điều chỉnh lạm phát. Xu hướng hiện nay cho thấy chi phí dịch vụ tăng nhanh hơn giá hàng hóa. Vì vậy, việc người về hưu sử dụng các dịch vụ y tế với giá dự kiến tăng nhanh hơn sẽ đòi hỏi các giả định lạm phát cao hơn. 3.3. Rủi ro thị trường Đầu tư vào thị trường chứng khoán có thể mang lại cho người chuẩn bị hưu trí khả năng phát triển tài sản và thu nhập để theo kịp với lạm phát. Tuy nhiên, đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro thua lỗ của thị trường. Ngay cả khi có một kế hoạch hưu trí vững chắc, người về hưu vẫn có thể gặp khó khi thị trường chứng khoán suy thoái ngay trước khi nghỉ hưu. Các khoản lỗ ngắn hạn trong những năm mang tính bản lề này có thể làm cạn kiệt tài khoản đầu tư của người về hưu, gây khó khăn cho việc phục hồi. Đây không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với người chuẩn bị hưu trí trong giai đoạn tích lũy vì giai đoạn đó không yêu cầu tạo thu nhập từ các khoản đầu tư. Nhưng trong giai đoạn về hưu, việc phải sử dụng thu nhập từ tài sản tài chính hoặc bán bớt tài sản tài chính để tạo ra thu nhập khiến cho sự biến động của thị trường có thể tạo ra tác động rất lớn. 3.4. Rủi ro chuỗi kết quả đầu tư Rủi ro chuỗi kết quả đầu tư phụ thuộc vào thời điểm người chuẩn bị hưu trí bắt đầu giai đoạn nghỉ hưu. Rủi ro này là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính khi nghỉ hưu của người chuẩn bị hưu trí. Rủi ro phát sinh khi người nghỉ hưu rút tiền từ danh mục đầu tư dành cho hưu trí để trang trải cho các chi phí trong giai đoạn nghỉ hưu trong khi danh mục đầu tư này đang giảm giá trị cùng với sự lao dốc của thị trường. Việc rút tiền hiện thực hóa các khoản lỗ do thị trường suy thoái gây ra. Nói cách khác, số tiền dành cho hưu trí bị giảm và khả năng bù đắp các khoản lỗ cũng giảm đi. Điều này có tác động đáng kể đến việc danh mục đầu tư cho hưu trí sẽ tồn tại trong bao lâu. Nếu lợi tức đầu tư trên số dư tài khoản của người về hưu lớn hơn tỷ lệ rút tiền thì giá trị tài khoản dành cho hưu trí của người đó sẽ tăng lên theo thời gian. Nhưng nếu lợi tức là số âm khi bắt đầu nghỉ hưu, ngay cả khi thị trường sau đó chuyển sang pha đi lên, lợi nhuận đầu tư có thể không đủ để bù đắp các khoản lỗ do bán các khoản đầu tư khi thị trường đi xuống. 3.5. Rủi ro rút tiền Khi người về hưu bắt đầu giai đoạn hưu trí và rút tiền từ tài khoản hưu trí, tốc độ rút tiền từ tài khoản hưu trí có thể có ảnh hưởng đáng kể đến sự bền vững của kế hoạch thu nhập 386
  5. hưu trí. Việc phân tích rủi ro rút tiền được thực hiện dựa trên “Tỷ lệ rút tiền” (WR) và “Tỷ lệ rút tiền bền vững” (SWR). Tỷ lệ rút tiền (WR) là tỷ lệ phần trăm của số tiền rút định kỳ hàng năm để phục vụ cho các nhu cầu hưu trí so với tổng giá trị của tài khoản hưu trí. Trong giai đoạn hưu trí (sử dụng danh mục đầu tư dành cho các nhu cầu hưu trí), tỷ lệ rút tiền là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc danh mục đầu tư đó có kéo dài hết giai đoạn hưu trí của người nghỉ hưu hay không. Tỷ lệ rút tiền được tính bằng công thức WR = (PMT / PV) * 100% Trong đó: PMT là số tiền rút hàng năm; PV là giá trị hiện tại của tài sản dành cho nhu cầu hưu trí. Tỷ lệ rút tiền bền vững (SWR) là số tiền tối đa mà một người về hưu có thể rút ra từ danh mục hưu trí trên cơ sở định kỳ mà không có khả năng làm cạn kiệt hoàn toàn tài khoản này trong suốt cuộc đời của người đó. Tỷ lệ rút tiền bền vững dựa trên lịch sử thị trường và được biểu thị bằng phần trăm giá trị danh mục đầu tư. Tuy nhiên, rất ít người sau khi về hưu, và thậm chí cả những người hiện tại đã nghỉ hưu, hiểu được họ có thể rút bao nhiêu mà không gặp rủi ro đáng kể về việc sử dụng hết tài sản dành cho hưu trí, hoặc thậm chí họ cần phải thực hiện kỷ luật đáng kể trong việc chi tiêu phần tiết kiệm tích lũy được. Nếu một người chỉ có một tài khoản tiết kiệm là phương tiện dành cho hưu trí mà không có các dòng niên kim, sẽ có nguy cơ người về hưu có thể rút một lượng lớn để thực hiện những khoản mua sắm không thiết yếu và do vậy sẽ cạn kiệt tài khoản hưu trí của mình trước khi qua đời. 3.6. Rủi ro sức khỏe Chăm sóc sức khỏe là một trong những thành phần quan trọng của chi phí hưu trí. Chăm sóc sức khỏe là một yếu tố bất ngờ trong việc lập kế hoạch cho tương lai. Việc phải đối phó với chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao là một rủi ro lớn đối với tất cả những người về hưu. Khi già đi, cơ thể dễ bị tổn thương và dễ mắc bệnh tật và chi phí y tế tăng lên hàng năm. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe là thành phần duy nhất của chi tiêu hộ gia đình tăng theo độ tuổi, cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng chi phí. 3.7. Rủi ro suy giảm khả năng nhận thức Cuối cùng, lập kế hoạch tài chính cho hưu trí phải tính đến việc người nghỉ hưu sẽ bị suy giảm khả năng nhận thức, cản trở việc quản lý danh mục đầu tư và các kỹ năng ra quyết định tài chính khác. Nguy cơ sa sút trí tuệ tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm mà con người già đi. Sau độ tuổi 20, trí thông minh linh hoạt bắt đầu suy giảm trong khi trí thông minh kết tinh được cải thiện theo kinh nghiệm và tuổi tác. Trong độ tuổi 50, sự suy giảm trí thông minh linh hoạt trở nên nhanh chóng hơn và khả năng đưa ra các quyết định phức tạp nói chung bắt đầu giảm. Ở độ tuổi 80, khả năng đưa ra quyết định đúng đắn của con người bị ảnh hưởng 387
  6. đáng kể, đặc biệt là trong các quyết định liên quan đến những vấn đề phức tạp mới nảy sinh (ví dụ như đánh giá một sản phẩm tài chính không quen thuộc). Khi con người bước qua tuổi 80, khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ có thể lên tới 20%. Đối với những người suy giảm khả năng nhận thức, việc đưa ra các quyết định đầu tư và rút tiền một cách đúng đắn sẽ ngày càng trở nên khó khăn khi họ bước vào tuổi cao. 4. Bảo hiểm hưu trí và hưu trí tự nguyện bổ sung trong việc đối phó với các rủi ro hưu trí Hiện nay, ở Việt Nam, chương trình hưu trí tự nguyện được triển khai thông qua hai loại sản phẩm bao gồm: (i) sản phẩm bảo hiểm hưu trí do doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp; và (ii) sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện, cụ thể như sau: 4.1. Sản phẩm bảo hiểm hưu trí do doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai Nhiều loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm hưu trí, có thể giúp đảm bảo thu nhập cho giai đoạn hưu trí. Một điểm quan trọng khác về bảo hiểm nhân thọ là nếu người được bảo hiểm chết trước khi tiết kiệm được một khoản tiền đủ cho việc nghỉ hưu, công ty bảo hiểm sẽ cung cấp một khoản thu nhập cho người thụ hưởng. Người lao động mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí do các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp. Theo hình thức này, người lao động hoặc doanh nghiệp đại diện người lao động ký hợp đồng với công ty bảo hiểm, trong đó quy định cụ thể mức/hình thức đóng góp định kỳ và mức/hình thức chi trả khi đến tuổi nghỉ hưu. Các công ty bảo hiểm nhân thọ thành lập một quỹ bảo hiểm hưu trí riêng để thực hiện theo dõi tài khoản đóng góp của cá nhân và quản lý đầu tư. Tại thời điểm nghỉ hưu, cá nhân tham gia mua bảo hiểm được nhận chi trả theo mức quy định tại hợp đồng. Việc quản lý, giám sát đối với mô hình sản phẩm này được áp dụng theo các quy định của pháp luật liên quan đến sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói chung. Theo mô hình sản phẩm bảo hiểm hưu trí, cá nhân người lao động có thể tham gia ký kết hợp đồng với công ty bảo hiểm nhân thọ một cách đơn lẻ trên cơ sở tự nguyện, không có sự tham gia của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức theo dõi tài khoản cá nhân và chi trả cho từng cá nhân theo đúng hợp đồng ký kết. Bên cạnh hình thức tham gia đơn lẻ, tập thể người lao động với sự bảo trợ của doanh nghiệp có thể đồng thời tham gia ký kết hợp đồng với công ty bảo hiểm nhân thọ để mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí. 4.2. Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2010), Nghị định số 58/2012/NĐ- CP (ban hành ngày 20/7/2012) và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính đã tạo dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho việc thành lập và hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Đặc biệt, ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện; ngày 15/8/2017 Bộ Tài 388
  7. chính ra Thông tư số 86/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Theo mô hình này, người lao động tham gia đóng góp một phần thu nhập của mình để hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện và được lập tài khoản cá nhân riêng để theo dõi. Đây là khoản đóng góp tự nguyện bên ngoài việc đóng góp vào các chương trình hưu trí bắt buộc của Nhà nước. Khác với sản phẩm bảo hiểm hưu trí được hình thành trên cơ sở mua/bán bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động. Theo đó, trên cơ sở tự nguyện, doanh nghiệp sử dụng lao động có thể cùng tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện theo chính sách của doanh nghiệp. Trên cơ sở đóng góp của các thành viên tham gia, quỹ hưu trí tự nguyện thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính để bảo toàn và phát triển quỹ. Khi đến tuổi nghỉ hưu, thành viên tham gia được quyền nhận chi trả từ quỹ hưu trí tự nguyện; mức chi trả đối với mỗi thành viên phụ thuộc vào tổng số tiền mà thành viên đó tích lũy trên tài khoản cá nhân trong suốt thời gian tham gia, gồm tiền đóng góp định kỳ và kết quả đầu tư được phân phối. Người lao động tham gia đóng góp vào các Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện trên cơ sở mức thu nhập hiện tại và được lập tài khoản cá nhân riêng để theo dõi. Trên cơ sở đóng góp của người tham gia, Quỹ thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính và cam kết chi trả cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm hoặc các ngân hàng thương mại, với sự giám sát chặt chẽ của Ban điều hành quỹ, ngân hàng giám sát và cơ quan quản lý nhà nước. 4.3. So sánh bảo hiểm hưu trí và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện Điểm giống nhau giữa bảo hiểm hưu trí và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện bao gồm: về mục tiêu, cả hai đều giúp bổ sung thu nhập cho người tham gia khi đến tuổi về hưu; về hình thức, đều được quản lý dưới hình thức tài khoản cá nhân; về sở hữu, quyền sở hữu của người tham gia, có quyền sử dụng khi đến tuổi nghỉ hưu. Cả hai loại sản phẩm trên là đều theo mô hình đóng - hưởng (Defined contribution) và được thực hiện qua ba khâu: đóng góp, đầu tư, và chi trả. (i) Đóng góp: Tỷ lệ đóng góp phụ thuộc vào thu nhập. Đơn vị sử dụng lao động có thể cùng đóng góp với người lao động, tuy nhiên không bắt buộc. (ii) Đầu tư: Việc đầu tư phần lớn đều được công ty quản lý quỹ thực hiện. Ngay cả trường hợp công ty bảo hiểm cũng thường sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp của các công ty quản lý quỹ. (iii) Chi trả: Việc chi trả thường được thực hiện dưới hình thức trả một lần hoặc niên kim (annuity) do các công ty bảo hiểm nhân thọ thực hiện. Theo đó, tại thời điểm nghỉ hưu, tài khoản cá nhân của mỗi người lao động được chốt lại với tổng số tiền bằng số đóng góp 389
  8. (+) lãi đầu tư (–) phí quản lý. Tổng số tiền chốt này được trả một lần cho người lao động hoặc chi trả theo định kỳ. Điểm khác biệt của hai loại sản phẩm trên là hình thức quản lý, phân tách tài sản và chi phí, cụ thể: (i) Về hình thức quản lý: Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được quản lý bởi một tổ chức độc lập (có thể là ngân hàng giám sát); Quỹ bảo hiểm hưu trí được quản lý bởi công ty bảo hiểm, tương tự như các quỹ chủ hợp đồng khác được thiết lập để theo dõi các loại hình sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác. (ii) Về tách biệt tài sản: Tài sản của Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được tách biệt hoàn toàn với tài sản của tổ chức quản lý và tài sản của công ty quản lý quỹ. Theo đó, trong mọi trường hợp, Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (bao gồm các khoản đóng góp và tiền lãi đầu tư) luôn được bảo toàn để đảm bảo chi trả cho người lao động khi về nghỉ hưu. Đối với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, mặc dù Quỹ bảo hiểm hưu trí được theo dõi riêng về mặt hạch toán kế toán (tương tự như các quỹ chủ hợp đồng khác) nhưng vẫn thuộc tài sản của công ty bảo hiểm. Do vậy, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, tài sản của quỹ (bản chất là tiền tiết kiệm của người lao động) có thể được sử dụng để chi trả cho nghĩa vụ chung của công ty bảo hiểm. Đây là một trong những điểm hạn chế cơ bản của sản phẩm bảo hiểm hưu trí do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp. (iii) Về chi phí quản lý: Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện thường có mức phí quản lý thấp và hiệu quả do không phải chi trả cho mạng lưới đại lý. Đối với trường hợp sản phẩm bảo hiểm hưu trí, mức chi phí quản lý thường khá cao do phải chi trả hoa hồng cho đại lý phân phối sản phẩm. Mức phí quản lý cao có ảnh hưởng trực tiếp tới khoản đóng góp và đầu tư của người tham gia mua bảo hiểm. Các điểm khác nhau giữa bảo hiểm hưu trí và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện được trình bày trong Bảng 1. 390
  9. Bảng 1. Sự khác biệt giữa bảo hiểm hưu trí và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện Chương trình hưu trí bổ sung tự Tiêu chí Bảo hiểm hưu trí tự nguyện nguyện Nguyên tắc Là sản phẩm thương mại, sản Chính sách bảo hiểm xã hội. thực hiện phẩm bảo hiểm nhân thọ, do các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp. Đối tượng Cá nhân người lao động, hoặc Người lao động và người sử dụng lao tham gia nhóm người lao động (bảo hiểm động (đóng góp cho người lao động) hưu trí nhóm do chủ sử dụng lao hoặc cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không động mua). làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (Điều 6, mục 1 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP). Mức đóng góp Mức đóng góp phụ thuộc vào thỏa Mức đóng góp phụ thuộc vào người lao thuận của người lao động hoặc động hoặc người sử dụng lao động theo người sử dụng lao động với công quy định tại hợp đồng tham gia chương ty bảo hiểm nhân thọ quy định tại trình hưu trí (Điều 10 và Điều 11 Nghị hợp đồng bảo hiểm. định số 88/2016/NĐ-CP). Quyền lợi Quyền lợi hưu trí định kỳ và Quyền lợi hưu trí. cho người quyền lợi bảo hiểm rủi ro. tham gia Quyền lợi khi Quyền lợi này áp dụng khi người Quy trình ngừng và tạm ngừng tham rút tài khoản được bảo hiểm bị suy giảm khả gia quỹ hưu trí được thống nhất trong trước hạn năng lao động 61% trở lên hoặc bị hợp đồng tham gia quỹ hưu trí (Điều 19 mắc bệnh hiểm nghèo theo quy Nghị định số 88/2016/NĐ-CP). định của Luật (Điều 14 Thông tư số 115/2013/TT-BTC). Danh mục Không được trực tiếp đầu tư vào a) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại; đầu tư của quỹ bất động sản, vàng, bạc, kim loại b) Trái phiếu Chính phủ; trái phiếu quý, đá quý; không được đầu tư được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu vào cổ phiếu của các công ty chính quyền địa phương; chứng khoán, công ty tài chính, c) Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán: công ty cho thuê tài chính. Tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính a) Gửi tiền tại các tổ chức tín 391
  10. Chương trình hưu trí bổ sung tự Tiêu chí Bảo hiểm hưu trí tự nguyện nguyện dụng không hạn chế, nhưng không phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái quá 20% tổng giá trị tài sản đầu tư phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ của quỹ vào một tổ chức tín dụng; quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng b) Mua trái phiếu Chính phủ 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu không hạn chế, nhưng không thấp trí (Điều 20 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP). hơn 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ; c) Trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương không vượt quá 25% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ; d) Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa không quá 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ. Việc đầu tư vào cổ phiếu đã phát hành của một doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp không được vượt quá 5% khối lượng mỗi lần phát hành và không được vượt quá 5% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ (Điều 11 Thông tư số 115/2013/TT-BTC). Tổ chức tài Công ty bảo hiểm nhân thọ và Công ty quản lý quỹ hưu trí (công ty chính trung công ty quản lý quỹ. bảo hiểm nhân thọ hoặc công ty quản lý gian tham gia quỹ), ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký, các tổ chức và các định chế tài chính trung gian khác (tổ chức quản trị dịch vụ thành viên, tổ chức dịch vụ quản trị quỹ…). Phí Chi cho đại lý bảo hiểm/chi cho a) Chi phí quản lý tài khoản hưu trí cá nhân; môi giới bảo hiểm: b) Chi phí lưu ký, giám sát, kiểm toán; + Phí ban đầu; c) Chi phí quản trị quỹ; 392
  11. Chương trình hưu trí bổ sung tự Tiêu chí Bảo hiểm hưu trí tự nguyện nguyện + Phí bảo hiểm rủi ro; d) Chi phí chuyển đổi tài khoản hưu trí + Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm; cá nhân giữa các quỹ hưu trí tại cùng + Phí quản lý quỹ; một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí + Phí chuyển giao tài khoản bảo và chuyển đổi tài khoản hưu trí cá nhân hiểm hưu trí. (Điều 8 Thông tư số sang doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác; 115/2013/TT-BTC). đ) Các loại chi phí khác. (Điều 31 nghị định 88/2016/NĐ-CP). Khung pháp lý Luật Kinh doanh bảo hiểm. Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Cơ quan quản Bộ Tài chính Bộ Tài chính phối hợp với Bộ lao động, lý chính Thương binh và Xã hội. Chi trả Đối với quyền lợi hưu trí định - Mức chi trả hưu trí được xác định trên kỳ, doanh nghiệp bảo hiểm phải cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại bảo đảm: thời điểm chi trả chi trả hàng tháng hoặc - Quyền lợi hưu trí được chi trả một lần. Nhà nước khuyến khích chi trả định kỳ đến khi người được bảo theo chế độ hàng tháng (lương hưu). hiểm tử vong hoặc tối thiểu 15 - Mức chi trả hàng tháng do đối tượng (mười lăm) năm, tùy theo thỏa nhận chi trả lựa chọn nhưng tối đa thuận tại hợp đồng bảo hiểm; không vượt quá tổng giá trị tài khoản - Khi người được bảo hiểm tử hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh chia cho 120 tháng. viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và - Thời gian nhận chi trả là tối thiểu 10 trong thời hạn quy định, doanh năm từ khi người tham gia quỹ đến tuổi nghiệp bảo hiểm chi trả cho người nghỉ hưu. Sau 10 năm, người tham gia thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo quỹ có thể nhận chi trả một lần. thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. - Trường hợp mức chi trả hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành thì mức chi trả hàng tháng tối đa không vượt quá mức lương cơ sở cho đến khi tất toán tài khoản hưu trí cá nhân. Nguồn: Tác giả tổng hợp 393
  12. 4.4. Khả năng xử lý rủi ro của các bảo hiểm hưu trí và hưu trí tự nguyện bổ sung a) Rủi ro tuổi thọ Rủi ro tuổi thọ là rủi ro người về hưu sống lâu hơn dự kiến. Rủi ro này có thể được xử lý với hai loại sản phẩm nói trên nếu người về hưu lựa chọn sản phẩm chi trả hằng tháng. Khi người tham gia một trong hai sản phẩm này, rủi ro tuổi thọ được giảm bớt rất nhiều vì quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ tối thiểu 15 năm (với bảo hiểm hưu trí) và tối thiểu 10 năm (với hưu trí tự nguyện bổ sung). b) Rủi ro lạm phát Với cả hai sản phẩm, tỷ lệ đầu tư bắt buộc vào trái phiếu Chính phủ rất cao (40% với bảo hiểm hưu trí và 50% với hưu trí tự nguyện bổ sung). Tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu bị giới hạn ở mức thấp. Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh lời tổng hợp của quỹ hưu trí ở cả hai loại sản phẩm thấp, khó theo kịp tốc độ lạm phát. Do vậy, rủi ro lạm phát không xử lý được thông qua hai sản phẩm này. c) Rủi ro về thị trường Rủi ro về thị trường là rủi ro thất thoát vốn do những biến động bất thường của thị trường gây ra như: giá cổ phiếu, biến động của lãi suất. Để giảm thiểu rủi ro về thị trường ở cách thức đơn giản và phổ biến nhất đó chính là tăng tỷ trọng đầu tư của quỹ vào các loại tài sản an toàn. Theo quy định, với cả hai loại sản phẩm tài sản của quỹ hưu trí được đầu tư vào những công cụ tài chính có mức rủi ro thấp hoặc phi rủi ro như trái phiếu Chính phủ. Nhược điểm của loại hình đầu tư trên là mức biến động về lợi nhuận thấp, điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận trung bình thu được của quỹ cũng thấp theo. Ngoài ra, loại tài sản được coi là an toàn như trái phiếu Chính phủ có thể có mức rủi ro thấp trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn thì không phải như vậy. Ví dụ, nếu rủi ro về lạm phát ở mức cao, vậy trái phiếu Chính phủ sẽ có mức lãi suất thực rất thấp. Trong khi đó, loại tài sản được xem như có mức rủi ro rất lớn trong ngắn hạn (như cổ phiếu) trong thực tế lại có thể là một loại tài sản an toàn với mức lợi nhuận và biến động tốt hơn trong dài hạn. d) Rủi ro chuỗi kết quả đầu tư Rủi ro chuỗi kết quả đầu tư phát sinh khi người nghỉ hưu rút tiền từ danh mục đầu tư dành cho hưu trí để trang trải cho các chi phí trong giai đoạn nghỉ hưu trong khi danh mục đầu tư này đang giảm giá trị cùng với sự lao dốc của thị trường. Với hai sản phẩm này, rủi ro chuỗi kết quả đầu tư là không lớn do tài sản đầu tư nằm ở các tài sản có mức sinh lời thấp và biến động giá trị thấp. Do đó, khi thị trường có sự lao dốc thì danh mục đầu tư của người về hưu cũng không bị suy giảm giá trị nặng nề. e) Rủi ro rút tiền Rủi ro rút tiền xảy ra khi tốc độ rút tiền từ tài khoản hưu trí có thể có ảnh hưởng đáng kể đến sự bền vững của kế hoạch thu nhập hưu trí. Với các quy định hiện này đối với cả hai 394
  13. dòng sản phẩm, rủi ro này được hạn chế do người sử dụng sản phẩm phải rút tiền dưới dạng niên kim một thời gian trước khi có thể rút một tỷ trọng lớn hơn trong tài khoản. f) Rủi ro sức khỏe Rủi ro sức khỏe không được xử lý ngoại trừ trường hợp khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Nói cách khác, rủi ro sức khỏe không được xử lý thông qua bảo hiểm hưu trí và hưu trí tự nguyện bổ sung. g) Rủi ro suy giảm khả năng nhận thức Rủi ro suy giảm khả năng nhận thức cản trở việc quản lý danh mục đầu tư và các kỹ năng ra quyết định tài chính của người về hưu. Với hai dòng sản phẩm bảo hiểm hưu trí và hưu trí bổ sung tự nguyện, người về hưu không phải quản lý danh mục đầu tư mà công việc này hoàn toàn do các công ty quản lý quỹ đầu tư đảm nhiệm. Đồng thời, nếu người về hưu lựa chọn nhận các khoản niên kim thì sẽ không cần phải đưa ra quyết định về tỷ lệ rút tiền, một trong những quyết định tài chính phức tạp nhất đối với người về hưu. 5. Kết luận và khuyến nghị Bài viết này đã phân tích các nguồn thu nhập cho hưu trí và chỉ ra các nhân tố rủi ro ảnh hưởng tới lập kế hoạch tài chính cho hưu trí. Trên cơ sở đó, tác giả giới thiệu về bảo hiểm hưu trí và hưu trí tự nguyện bổ sung trong việc xử lý các nhân tố rủi ro nói trên. Qua phân tích cho thấy, các sản phẩm này có thể giúp xử lý các rủi ro tuổi thọ, rủi ro thị trường và giúp xử lý một phần rủi ro chuỗi kết quả đầu tư, rủi ro rút tiền và rủi ro suy giảm khả năng nhận thức. Tuy vậy, rủi ro lạm phát và rủi ro sức khỏe không thể được xử lý thông qua các dòng sản phẩm này. Để đối phó với rủi ro sức khỏe, các tính năng để đối phó với rủi ro về sức khỏe có thể được tích hợp vào các sản phẩm bảo hiểm hưu trí hoặc phát triển riêng sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn. Để xử lý rủi ro lạm phát, tỷ lệ đầu tư vào các sản phẩm rủi ro cần được tăng lên để đảm bảo mức sinh lời theo kịp lạm phát. Khi đó, mức độ rủi ro về thị trường có thể tăng lên và cần được các quỹ hưu trí xử lý thông qua các công cụ như thiết lập các kịch bản của thị trường, đo lường mức độ tổn thất tiềm năng của danh mục qua một khoảng thời gian nhất định ứng với độ tin cậy cho trước, các công cụ khác như kiểm tra khả năng đa dạng hóa về cổ phiếu, ngành nghề đầu tư. Đồng thời, việc quản lý thực hiện nghĩa vụ về tài chính, dẫn đến nguy cơ mất vốn đầu tư cần sử dụng xếp hạng về tín dụng do các tổ chức uy tín cung cấp kết hợp với áp dụng mô hình tín dụng nội bộ. Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí mới liên quan đến các dòng niên kim có giá trị điều chỉnh theo lạm phát cũng cần được thử nghiệm phát triển. 395
  14. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Anderson, A., Baker, F., & Robinson, D. T. (2017), “Precautionary savings, retirement planning and misperceptions of financial literacy”, Journal of Financial Economics, 126(2), 383. ProQuest Central. 2. Muratore, A. M., & Earl, J. K. (2015), “Improving retirement outcomes: The role of resources, pre-retirement planning and transition characteristics”, Ageing & Society, 35(10), 2100 - 2140. https://doi.org/10.1017/S0144686X14000841 3. Petkoska, J., & Earl, J. K. (2009), Understanding the influence of demographic and psychological variables on retirement planning. Psychology and Aging, 24(1), 245- 251. https://doi.org/10.1037/a0014096 4. Pfau, W. D. (2018), “An Overview of Retirement Income Planning”. Journal of Financial Counseling and Planning, 29(1), 114 - 120. https://doi.org/10.1891/1052- 3073.29.1.114 5. Topa, G., Segura, A., & Pérez, S. (2018), “Gender differences in retirement planning: A longitudinal study among Spanish Registered Nurses”, Journal of Nursing Management 26(5), 587 - 596. ProQuest Central. https://doi.org/10.1111/jonm.12586 6. Van Rooij, M. C., Lusardi, A., & Alessie, R. J. (2012), “Financial Literacy, Retirement Planning and Household Wealth”, The Economic Journal, 122(560), 449. ProQuest Central. 396
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2