intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bình Định là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Không thể phủ nhận giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, với những tác động của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đang đứng trước áp lực mặt trái văn hóa toàn cầu cùng với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Chính vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể này gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa đặt ra cấp thiết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa

  1. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa Nguyễn Đức Toàn, Đặng Thị Thanh Hoa Tóm tắt Bình Định là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Không thể phủ nhận giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, với những tác động của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đang đứng trước áp lực mặt trái văn hóa toàn cầu cùng với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Chính vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể này gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa đặt ra cấp thiết. Từ khóa: di sản văn hóa, giá trị, Hát bội, Bài chòi, nền tảng tư tưởng Mở đầu Với bề dày về lịch sử - văn hóa, Bình Định - vùng đất trầm tích, kinh kỳ, nơi giao thoa, kế thừa, phát huy nhiều nét văn hóa đa sắc màu. Trong đó, văn hóa Bình Định luôn được sáng tạo và kết tinh trong suốt diễn trình lịch sử của đất nước. Là cái nôi của nghệ thuật Hát bội (Tuồng), nghệ thuật Bài chòi, từ bao đời người dân Bình Định vẫn duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa thấm nhuần tinh thần thượng võ hòa quyện với nghệ thuật truyền thống tạo nên bản sắc riêng, độc đáo của văn hóa nơi đây. Tuy vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nguy cơ mai một bản sắc, giá trị văn hóa Hát bội, Bài chòi trước áp lực của mặt trái văn hóa toàn cầu là hiện hữu. Cùng với đó, các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi hơn trên nền tảng của Cách mạng 4.0 càng đặt ra yêu cầu cấp thiết để giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc nói chung, giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi Bình Định nói riêng. 1. Về bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định Thứ nhất, với di sản văn hóa phi vật thể Hát bội Bình Định có truyền thống Hát bội từ lâu đời và phát triển mạnh mẽ ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với nhiều bầu, đoàn, nhiều tên tuổi đào, kép lừng danh trong cả nước. Vùng đất này được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật hát tuồng cổ. Lịch sử nghệ thuật Hát bội của tỉnh gắn liền với tên tuổi ông tổ Đào Duy Từ và hậu tổ Đào Tấn - người góp phần hoàn thiện và nâng tầm nghệ thuật này. Bình Định là nơi Đào Duy Từ dừng bước đầu tiên, cũng là nơi nuôi dưỡng những cái tên tuổi tiêu biểu sau này như: Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Văn Diêu… Nghệ thuật Hát bội không chỉ len lỏi khắp mọi miền quê Bình Định qua các buổi hát lễ mà còn được biết đến rộng rãi trên mọi miền đất nước, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vô cùng quý giá và đáng tự hào. Từ khi những địa phương ở Bình Định có lễ đình, chùa vào dịp Xuân kỳ, Thu tế đều tổ chức Hát bội. Vì vậy ở Bình Định có rất nhiều gánh Hát bội. Là người Bình Định hẳn không ai chưa một lần xem Hát bội. Ca dao Bình Định có câu: Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con; hay như: Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình/ Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi… Thời Đào Tấn đến trước năm 1975 ở Bình Định đã có nhiều 92
  2. gánh hát do học trò Ông làm bầu. Tiêu biểu như các gánh hát: bầu Thơm, bầu Bốn, bầu Á, Cửu Vị, bầu Đồ, bầu Giỏi, Nhạn Thắng, Hòa Thành… Từ năm 1975 đến năm 1986 ở Bình Định có hơn 60 đoàn hát bội, chủ yếu tập trung ở thị xã An Nhơn, các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát. Tính từ thời Đào Tấn và các thế hệ học trò Đào Tấn nhiều nghệ nhân, đào, kép tên tuổi lừng danh như: Bát Phàn, Chánh ca Võ, Chánh ca May, Chánh ca Nhì, Thập Có, Bầu Bốn, Phó ca Á, Cửu Vị, Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng, Võ Sĩ Thừa, Minh Đức, Hồng Thu, Thu An… Nét điển hình của loại hình nghệ thuật này tại Bình Định là phần hát, múa và diễn trong Tuồng đất võ phải thể hiện chất võ thuật mạnh mẽ, hừng hực sức sống. Đồng thời, sự độc đáo của Hát bội còn được cấu thành bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ nghệ thuật hóa trang cho đến kỹ thuật biểu diễn đều rất cầu kỳ và công phu. Nó thường có nội dung răn dạy, giáo dục lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế, ca ngợi cái tốt đẹp, cao cả và phê phán thói hư, tật xấu. Hát bội còn được trình diễn trong các lễ hội để cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặn, gặp nhiều điều may mắn. Tính đến trước khi sáp nhập thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, Nhà hát Tuồng Đào Tấn là đơn vị chuyên nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, vẫn thường xuyên hoạt động, lưu giữ, trình diễn những vở Hát bội cổ truyền1. Bên cạnh đó còn có 12 đoàn Hát bội truyền thống liên tục trình diễn và truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống này cho các thế hệ trẻ. Đơn cử là các đoàn: Đoàn Hát bội An Nhơn 1; Đoàn Hát bội An Nhơn 2; Đoàn Hát bội Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn; Đoàn Hát bội Ánh Dương, huyện Tuy Phước; Đoàn Hát bội Phước An, huyện Tuy Phước; Đoàn Hát bội Tuy Phước; Đoàn Hát bội Sông Côn, huyện Vĩnh Thạnh; Đoàn Hát bội Ngô Mây, huyện Phù Cát; Đoàn Hát bội Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn; Đoàn Hát bội Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn; Đoàn Hát bội Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn; Đoàn hát bội Sao Mai trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định. Những đoàn này hoạt động thường xuyên, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thưởng lãm nghệ thuật, dịp lễ hội dân gian truyền thống tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tại các vùng nông thôn, những nhóm Hát bội thường xuyên trình diễn trong nhiều sự kiện mang tính cộng đồng của làng, xóm hay các dịp hiếu hỉ của gia đình. Trải qua hàng trăm năm, Hát bội vẫn luôn được người dân Bình Định liên tục duy trì, thực hành và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp. Ngày nay, du khách đến Bình Định thường kết hợp đi du lịch với hoạt động trải nghiệm tìm hiểu, thưởng thức Hát bội ngay tại vùng đất này. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm cho Hát bội ở miền đất võ đang trở thành một khái niệm ngày càng thêm thân quen đến du khách nhiều hơn. Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung và Hát bội nói riêng - một loại hình nghệ thuật vừa bác học nhưng lại vừa mang tính dân gian gần gũi với quần chúng. Bao thế hệ nối tiếp nhau trên mảnh đất này vẫn ra sức giữ gìn, trau chuốt di sản văn hóa phi vật thể Hát bội để trở thành nét văn hóa đặc thù của riêng Bình Định. Theo đó, công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của nghệ thuật truyền thống Hát bội từng bước được thực hiện. Qua đây, tỉnh Bình Định đã đề xuất và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hát bội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 25/8/2014. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, phục hồi và nâng cao nhiều vở diễn kinh điển, vở diễn mới có chất lượng nghệ thuật, công tác đào tạo, tập huấn, tổ chức truyền dạy vai mẫu cho các nghệ sĩ trẻ dần 1 Theo quyết định số 5047/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã hợp nhất hai đơn vị là Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/4/2020. 93
  3. được chú trọng. Đến năm 2019, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã tổ chức 02 đợt luyện tập thay vai cho lớp diễn viên trẻ trong các tiết mục biểu diễn ra quân đầu năm, qua đó thực hiện được chủ trương trẻ hóa đội ngũ diễn viên, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn và lôi cuốn cho các chương trình nghệ thuật Tuồng của tỉnh (Nhà hát tuồng Đào Tấn 2019, 2). Riêng trong năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19, nhưng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định đã phục hồi, truyền dạy và ghi hình 06 trích đoạn Tuồng và Ca kịch Bài chòi truyền thống để quảng bá và làm tư liệu nghiên cứu, xây dựng 01 chương trình phục vụ khách du lịch và website quảng bá nghệ thuật (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định 2021, 2-3). Trong năm 2022, Nhà hát đã phục hồi và nâng cao 01 vở Tuồng, dàn dựng mới 01 vở Tuồng nhằm phục cho đông đảo quần chúng nhân dân và khách du lịch (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định 2021, 2). Bên cạnh đó, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh còn quan tâm đầu tư xây dựng mới Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định với mức kinh phí trên 28 tỷ đồng (Đảng ủy Sở Văn hóa và Thể Thao Bình Định 2020, 2). Tính đến tháng 12/2022, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho 01 người, Nghệ nhân ưu tú cho 07 người; đồng thời có hàng trăm nghệ nhân thực hành biểu diễn và truyền dạy các vai diễn mẫu mực, vở diễn kinh điển cho các lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ nhằm kế tục công tác bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Định (Đoàn Ngọc Nhuận 2023). Thứ hai, với di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi Trong sinh hoạt dân gian Bình Định có loại hình nghệ thuật được người dân lao động ưa thích không kém gì nghệ thuật Hát bội, đó là Bài chòi - một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc và hấp dẫn, hài hước của người dân xưa còn lại đến ngày nay ở miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng. Loại hình diễn xướng dân gian này hấp dẫn người tham gia với các làn điệu Bài chòi cổ, dân ca đặc trưng của dân cư Bình Định. Không chỉ thế, di sản văn hóa phi vật thể này thể hiện một nét đẹp tinh thần riêng có của người Bình Định và đang tiếp tục xây dựng để trở thành một thương hiệu, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Thế kỷ XX, Bài chòi đã đi vào trí nhớ, kỷ niệm của những người dân nơi đây. Lời hô Bài chòi truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác, phản ánh tư duy thẩm mỹ của cư dân nông nghiệp; thấm đượm tình đất tình người ở một vùng đất dãi dầu mưa nắng. Các câu hát trong hội Bài chòi thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, tình yêu lứa đôi, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời, lạc hậu,... Từ ngữ địa phương hiện diện khắp các câu hát trong hội Bài chòi. Vì vậy, hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần. Có thể coi hội Bài chòi chính là một sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng của từng vùng đất với những nét rất riêng về thổ ngữ, về đời sống xã hội, con người. Cùng với câu hát, cách thức chòi, hình vẽ trên các lá bài của hoạt động này đã hội tụ rất nhiều nét văn hóa. Đây chính là một trong những nét đặc sắc, là “phần hồn” trong tổng thể giá trị văn hóa phi vật thể Bài chòi ở Bình Định mà người dân quê đi đâu cũng không quên được. Vì thế, không biết tự bao giờ, dân gian đã truyền tai nhau câu ca: Rủ nhau đi đánh Bài chòi/ Để con nó khóc cho lòi rốn ra. Cứ như vậy, qua bao thăng trầm lịch sử, cùng với thời gian, Bài chòi Bình Định tiếp tục được nuôi dưỡng, lưu giữ, phục hồi và phát triển bền vững trong cộng đồng. Với những giá trị văn hóa đặc sắc đó, Bài chòi Bình Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 25/8/2014. Trên cơ sở này, tỉnh Bình Định đã phối hợp với Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hoàn 94
  4. thành Hồ sơ khoa học và được sự thống nhất của các cơ quan chức năng liên quan trình UNESCO vào tháng 3/2015 và tiếp tục bổ sung, cập nhật thông tin theo yêu cầu của UNESCO. Đồng thời, để góp phần làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn lịch sử hình thành và phát triển của Nghệ thuật Bài chòi, đề xuất những giải pháp và định hướng bảo tồn phát huy giá trị di sản Bài chòi các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định, tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn” vào tháng 9/2014; Hội thảo khoa học quốc tế “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” vào tháng 01/2015; tổ chức Liên hoan nghệ thuật Bài chòi khu vực miền Trung vào tháng 01/2015. Và cùng với các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, Bài chòi đã khiến Hội nghị của Ủy ban Liên chính phủ thuộc Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ngày 07/12/2017 tại Jeju - Hàn Quốc đưa Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại2. Tiếp đến, ngày 06/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình hành động quốc gia Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2023 để 09 tỉnh, thành miền Trung có di sản tiến hành triển khai thực hiện. Ngày 10/7/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ra Quyết định số 2366/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2023. Theo Đề án, đến năm 2023, tỉnh Bình Định có: trên 90 câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi; 100% số xã vùng biển, đảo có Hội đánh Bài chòi dân gian; có ít nhất 5 khu, điểm cơ sở dịch vụ du lịch hoặc làng văn hóa - du lịch đặc trưng tổ chức các hoạt động liên quan đến Nghệ thuật Bài chòi; có 20% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thành lập câu lạc bộ “Em yêu Nghệ thuật Bài chòi dân gian”, đồng thời tổ chức hoạt động ngoại khóa về Nghệ thuật Bài chòi cho học sinh (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định 2019, 4). Trong báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, văn kiện chỉ rõ: “Công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng được quan tâm đầu tư. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, các bộ môn nghệ thuật truyền thống, võ cổ truyền… được quan tâm” (Đảng bộ tỉnh Bình Định 2020, 42-43). Đến cuối tháng 12/2022, toàn tỉnh Bình Định có 35 nhóm, câu lạc bộ Bài chòi được thành lập; duy trì hoạt động 28 hội Bài chòi dân gian với hơn 200 nghệ nhân Bài chòi. Trong số này có 90 nghệ nhân thực hành hô hát Bài chòi, 50 nghệ nhân có khả năng vừa thực hành, vừa truyền dạy Bài chòi dân gian (Mỹ Bình 2022). Bên cạnh đó, trong năm 2022, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 04 nghệ nhân Bài chòi ở tỉnh Bình Định (Đoàn Ngọc Nhuận 2023). Phương thức truyền dạy của loại hình nghệ thuật này là chỉ dẫn, biểu diễn và được lưu truyền qua sinh hoạt hội làng, trong các gia đình có người theo nghệ thuật này. Đây là nguồn nhân lực để giúp cho nghệ thuật Bài chòi luôn sống mãi trong lòng người dân. 2 Bài chòi trải rộng trên không gian của 9 tỉnh Trung bộ là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. 95
  5. 2. Gắn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Định với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa Hiện nay, các thế lực thù địch đang hàng ngày, hàng giờ lợi dụng các vấn đề tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… làm đòn tấn công phủ đầu, dọn đường để thực hiện các thủ đoạn khác nhằm chống phá cách mạng nước ta. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong, 380 báo, tạp chí, 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web thường xuyên đăng tải tin, bài, xuất bản những ấn phẩm có nội dung chống Nhà nước Việt Nam (Minh Sơn 2016). Các thế lực thù địch tìm cách khuyến khích sự truyền bá, phổ biến các giá trị tư sản trong lòng xã hội xã hội chủ nghĩa, nhằm lấn lướt các giá trị ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa và tinh hoa văn hóa dân tộc. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các thế lực thù địch tuyên truyền, xâm nhập các loại văn hóa độc hại, lối sống cơ hội, thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm vào đời sống xã hội, với mục đích hình thành lối sống tiêu cực, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc và các giá trị của xã hội xã hội chủ nghĩa (Nguyễn Duy Bắc 2022). Bên cạnh đó, các thế lực này tìm cách xuyên tạc, bôi đen giá trị văn hóa, lối sống, đạo đức trong xã hội, xâm nhập, tuyên truyền, quảng bá văn hóa, lối sống phương Tây, làm phai mờ các giá trị, di sản văn hóa truyền thống. Nền tảng tư tưởng của văn hóa, con người Việt Nam chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việt Nam đang xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy vậy, các thế lực thù địch đang tìm cách phủ nhận những giá trị trong nền tảng văn hóa Việt Nam, nhằm làm cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và các lực lượng vũ trang, xa rời mục tiêu, lý tưởng, suy giảm niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, nhất là trên lĩnh vực văn hóa. Chính vì vậy, nhiệm vụ đấu tranh chống lại những mặt tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển văn hóa, các giá trị vững bền của văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề. Phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện nay cần phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. “Xây” chính là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thúc đẩy sự phát triển của đất nước và sáng tạo, tiếp biến, bổ sung những giá trị mới còn thiếu hụt nhưng cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. “Chống” là chống những tàn dư, những yếu tố tiêu cực, lạc hậu đang cản trở sự phát triển trong văn hóa truyền thống; chống những mặt tiêu cực của phát triển văn hóa trong bối cảnh mới; chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa, tư tưởng để làm thay đổi tư tưởng, tình cảm, lối sống của dân tộc theo hướng tiêu cực, phục vụ cho những mưu đồ chính trị của chúng. “Xây” và “chống” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, củng cố những giá trị cũ tốt đẹp, xây dựng các giá trị mới tiến bộ. Điều này sẽ tạo ra sức đề kháng để chống lại những yếu tố văn hóa tiêu cực ở trong và ngoài nước đang tác động đến sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm lịch sử, nhất là ở những thời khắc có tính bước ngoặt thì tuyên truyền/bảo vệ và đấu tranh phải được tiến hành đồng thời, đảm bảo sự “gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống, xây là cơ bản, chống phải quyết liệt, hiệu quả” (Đảng Cộng sản Việt Nam 2018). Nếu xây dựng, triển khai được những phong trào văn hóa rộng lớn, lành mạnh, bổ ích, lan tỏa những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Định chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo nhân dân, du khách tham gia hưởng thụ; đồng thời góp phần kéo thanh thiếu niên rời khỏi những tệ nạn xã hội, phi văn hóa, phản văn hóa. Ngược lại, nếu chống không thành công, quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng bị thất bại khi để cho những giá trị tiêu cực lấn át những giá trị văn 96
  6. hóa tốt đẹp mà Việt Nam đang cần xây dựng. Chính bởi thế, việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quảng bá Hát bội, Bài chòi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chú trọng hướng đến đối tượng là những người trẻ tuổi; giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản Bài chòi dân gian Bình Định trong cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước là một việc làm cấp thiết hiện nay. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định; Báo Bình Định và các cơ quan truyền thông trung ương xây dựng các chương trình, chuyên mục phát sóng định kỳ trên đài, báo để giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về giá trị văn hóa và hoạt động của di sản Hát bội, Bài chòi. Xây dựng trang thông tin điện tử Hát bội, Bài chòi để đăng tải đầy đủ, thường xuyên cập nhật thông tin về Hát bội, Bài chòi nhằm quảng bá các di sản và phục vụ nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc. Tăng cường công tác biên soạn, in, phát hành tập gấp, sách, đĩa DVD giới thiệu về Hát bội, Bài chòi để thành sản phẩm phục vụ tại các sự kiện nghệ thuật chuyên sâu; khách du lịch trong và ngoài nước. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, vai trò của cộng đồng là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Cộng đồng chính là người sở hữu, bảo tồn, trao truyền và thực hành di sản. Như vậy, với di sản Hát bội và Bài chòi, tỉnh Bình Định cần khuyến khích thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên trong tỉnh tìm hiểu và luyện tập loại hình nghệ thuật này. Tổ chức truyền dạy, phổ biến Hát bội, Bài chòi trong cộng đồng. Tiếp tục hỗ trợ các câu lạc bộ, tổ, nhóm, các nghệ nhân Bài chòi tổ chức tập luyện, trao truyền nghệ thuật Bài chòi dân gian cũng như hình thức trao truyền từ các làng Hát bội cổ truyền, đoàn Hát bội cổ truyền nhằm kế tục bền vững sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Tổ chức các hình thức truyền dạy trực tiếp, nghe băng hình, băng nhạc cho học viên câu lạc bộ, nhóm; xây dựng chuyên mục Bài chòi dân gian trên sóng truyền hình và phát thanh của tỉnh. Đẩy mạnh tổ chức tập huấn các câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác biên soạn, hoàn thiện chương trình truyền dạy và đào tạo, tập huấn đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên truyền dạy trong trường học và trong cộng đồng. Mở rộng, xây dựng và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ trong trường học. Khuyến khích thành lập và phát triển các đoàn Hát bội, câu lạc bộ Bài chòi dân gian ở cơ sở. Có như vậy, những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể luôn được giữ vững và có điều kiện phát huy trong cộng đồng, từ đó góp phần “chống” các quan điểm sai trái, lệch lạc, thiếu hiểu biết về giá trị di sản văn hóa… để không rơi vào những âm mưu, luận điệu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa hiện nay. Kết luận Thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, sự nghiệp phát triển văn hóa của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều loại hình, loại thể, các hoạt động văn hóa mới, có khả năng chiếm lĩnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Các giá trị văn hóa, gồm cả bản sắc văn hóa các địa phương (ví như Hát bội, Bài chòi Bình Định) ngày càng hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại. Bên cạnh những thành tựu này, nguy cơ “mất” và “rỗng” bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong thế giới hội nhập hiện nay, cùng với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa vẫn còn đó những vấn đề đáng lo ngại. Bởi giá trị, bản sắc văn hóa chính là linh hồn và cốt cách của dân tộc. Mất văn hóa, bản sắc là mất dân tộc. Chính vì vậy, việc tăng cường quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi Bình Định gắn với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay đặt ra cho các cấp, ngành và mỗi cá nhân nhận thức sâu sắc, hành động thực tiễn hiệu quả để lan tỏa những giá trị vững bền này trở thành những nguồn lực nội sinh trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 97
  7. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Duy Bắc (chủ biên, 2022), Phát triển văn hóa và con người Việt Nam nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [2] Mỹ Bình (2022), Bình Định: bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian, tại https://dttg.baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-nghe-thuat- bai-choi-dan-gian-343207.html, ngày truy cập 10/9/2023. [3] Đảng ủy Sở Văn hóa và Thể Thao Bình Định (2020), Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025, Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Đảng ủy. [4] Đảng bộ tỉnh Bình Định (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Tỉnh ủy. [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, ngày 25/10/2018, Hà Nội. [6] Nhà hát tuồng Đào Tấn (2019), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch công tác năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng. [7] Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định (2021), Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng. [8] Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định (2022), Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng. [9] Đoàn Ngọc Nhuận (2023), Những nghệ nhân nặng lòng với di sản, tại https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=256373, ngày truy cập 12/9/2023. [10] Minh Sơn (2016), Cảnh giác và chủ động đấu tranh phản bác thông tin thất thiệt trên in-tơ-nét, tại http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/canh- giac-va-chu-dong-dau-tranh-phan-bac-thong-tin-that-thiet-tren-intonet/9138.html, ngày truy cập 07/9/2023. [11] Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (2019), Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2023, Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Ủy ban. Thông tin về tác giả: 1. TS. Nguyễn Đức Toàn Học vị: Tiến sĩ Đơn vị công tác: Trường Đại học Quy Nhơn, 170 An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Email: nguyenductoan@qnu.edu.vn Điện thoại: 0915762324 2. TS. Đặng Thị Thanh Hoa Học vị: Tiến sĩ Đơn vị công tác: Trường Đại học Quy Nhơn, 170 An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Email: dangthithanhhoa@qnu.edu.vn Điện thoại: 0988155139 98
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2