intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống Tiền Giang

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thời gian qua, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Tiền Giang như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đia triển vọng để thu hút du khách. Thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp “đánh thức” các tiềm năng nội tại. Tuy nhiên hiện nay, du lịch làng nghề Tiền Giang đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, Tiền Giang cần có những giải pháp thiết thực để khai thác tiềm năng của các làng nghề truyền thống trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống Tiền Giang

  1. Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống Tiền Giang Võ Văn Sơn, Nguyễn Thị Như Thoa Tóm tắt Thời gian qua, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Tiền Giang như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đia triển vọng để thu hút du khách. Thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp “đánh thức” các tiềm năng nội tại. Tuy nhiên hiện nay, du lịch làng nghề Tiền Giang đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, Tiền Giang cần có những giải pháp thiết thực để khai thác tiềm năng của các làng nghề truyền thống trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Từ khóa: Bảo tồn, du lịch, làng nghề, truyền thống, Tiền Giang. 1. Đặt vấn đề Tính đến năm 2022, cả nước có hơn 5.000 làng nghề hoạt động, thu hút hơn 10 triệu lao động. Các làng nghề truyền thống đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Mỗi di sản, làng nghề đều chứa đựng những thông tin hấp dẫn, mới lạ với du khách. Khi tham quan các làng nghề, du khách có thể biết một số nét đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và hình dung ra sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Hầu hết, các làng nghề truyền thống của tỉnh Tiền Giang được hình thành từ rất lâu đời. Sự phát triển làng nghề và các làng nghề truyền thống trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Sản xuất tại các làng nghề đã tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển các làng nghề truyền thống Tiền Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, quy mô các làng nghề nhỏ bé, kỹ thuật sản xuất thủ công, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh sản phẩm làng nghề chưa cao, do đó thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp. Đặc biệt, môi trường tại các làng nghề còn ô nhiễm nặng, việc khai thác tài nguyên cho sản xuất còn kém hiệu quả, một số làng nghề đã không tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm, bị mai một dần dẫn đến bản sắc văn hóa của địa phương cũng bị mai một theo. Do đó, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Tiền Giang là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế; đồng thời duy trì, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng. 85
  2. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Thu thập thông tin, số liệu: Chúng tôi thu thập thông tin, số liệu thứ cấp (thông tin, số liệu đã công bố) của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang. Để đánh giá thực trạng hoạt động của các làng nghề truyền thống tỉnh Tiền Giang, chúng tôi chọn nghiên cứu 03 làng nghề: làng nghề đóng tủ thờ (huyện Gò Công Đông) đại diện cho khu vực giáp biển, làng nghề làm bánh, bún, hủ tiếu (thành phố Mỹ Tho) đại diện cho khu vực trung tâm, làng nghề làm bánh tráng rế, bánh phồng sữa (huyện Cái Bè) đại diện cho khu vực song nước miệt vườn. 2.2. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp: Thông tin thứ cấp được thu thập từ các nguồn tài liệu như: sách, báo, tạp chí chuyên ngành, các báo cáo tổng kết và kỷ yếu hội thảo và các công trình khoa học có liên quan. Qua đó, phân tích, đánh giá hoạt động sản xuất và bảo tồn các làng nghề truyền thống tỉnh Tiền Giang. Để nghiên cứu sự hình thành và phát triển của các làng nghề truyền thống tỉnh Tiền Giang, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp liên ngành khác như: phân tích, đánh giá tổng hợp, thống kê, điền dã, nghiên cứu di sản văn hóa… để thực hiện nghiên cứu này. 3. Thực trạng hoạt động của các làng nghề truyền thống Tiền Giang Tiền Giang một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng. Bên cạnh tiềm năng đó, các làng nghề truyền thống ở Tiền Giang cũng đa dạng và phong phú. Đây chính là nơi lưu truyền nét văn hóa đặc sắc của vùng đất, con người. Theo thống kê đến hiện nay, Tiền Giang có 13 làng nghề lớn nhỏ hoạt động đa lĩnh vực, trong đó có 8 làng nghề và 5 làng nghề truyền thống, tập trung vào các nhóm ngành nghề chính như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện thu hút hơn 15.000 lao động, trong đó có 13.000 lao động thường xuyên với mức thu nhập cao và ổn định khoảng 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Trải qua thời gian, những người thợ tài hoa của các làng nghề đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm văn hóa địa phương. Điển hình, làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công (xã Tân Trung, thị xã Gò Công) đã hình thành và phát triển hơn 100 năm. Làng nghề có gần 380 hộ, với khoảng 2.000 lao động thường xuyên và thời vụ tham gia. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn hai triệu tủ/năm. Tương tự, làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh ở xã Long Ðịnh (huyện Châu Thành) có lịch sử hình thành gần 70 năm. Sản phẩm đặc trưng này được cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn (Ninh Bình) di cư vào đây năm 1954 làm ra. Hiện, toàn xã có 100 hộ tham gia, với 200 lao động thường xuyên. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên được thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng. Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, những năm qua, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ngành nghề nông thôn. Theo quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng xác định du lịch làng nghề là một hướng đi chính. Trong những năm qua, Tiền Giang đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng bãi đỗ xe… tại các làng nghề. Khách du lịch đến thăm các làng nghề tại các điểm được chọn khảo sát: làng nghề đóng tủ thờ (huyện Gò Công Đông), làng nghề làm bánh, bún, hủ tiếu (thành phố Mỹ Tho), làng làm bánh tráng rế, bánh phồng sữa (huyện Cái Bè)… tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2021, làng 86
  3. nghề đóng tủ thờ (huyện Gò Công Đông) đón 1.000 lượt khách, số lượt khách tới làng nghề làm bánh, bún, hủ tiếu (thành phố Mỹ Tho) là 1.500 người và làng làm bánh tráng rế, bánh phồng sữa (huyện Cái Bè) là 2.000 người. Năm 2022, con số này tăng lên lần lượt là 1.500, 2.000 và 3.000 lượt khách. Điều này chứng tỏ làng nghề truyền thống là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, khách du lịch đến làng nghề chủ yếu là khách nội địa, chiếm trên 70%, việc thu hút khách quốc tế còn hạn chế. Thời gian qua, du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn Tiền Giang đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa xứng với tiềm năng của làng nghề. Tỷ lệ khách đến làng nghề so với khách du lịch của cả Tiền Giang vẫn thấp. Doanh thu chủ yếu từ việc bán các sản phẩm thủ công truyền thống, chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ phục vụ du khách rất hạn chế. Các hoạt động giúp du khách có được các trải nghiệm cũng chưa thực sự phong phú. Qua khảo sát thực trạng hoạt động tại các làng nghề từ năm 2021-2022, chúng tôi nhận thấy các yếu tố chính ảnh hưởng đến phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn Tiền Giang hiện nay: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; Công nghệ sản xuất chưa hiện đại; Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi trong việc tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy hoạch sản xuất; Sự phối hợp thực hiện giữa các bên trong phát triển du lịch làng nghề chưa chặt chẽ; Ý thức và kỹ năng làm du lịch của người dân còn hạn chế, một số làng nghề vẫn còn hiện tượng chèn ép giá; Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn hẹp, chủ yếu là từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Thực tế cho thấy, hiện nay người lao động chưa nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún, tự phát, tự cung, tự cấp, độc lập, không có sự liên kết giữa các nhóm hộ nên chưa quan tâm tới việc xét công nhận nghề và làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc bảo tồn, duy trì phát triển các ngành nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của địa phương. Thêm nữa, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp, chính sách còn nhiều bất cập, các thủ tục vay vốn còn phức tạp nên người dân ở các làng nghề khó tiếp cận vay vốn để đầu tư và phát triển ngành nghề nông thôn. Chính vì thế, nhiều ngành nghề truyền thống đang dần bị thu hẹp và mai một do thu nhập thấp, khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên không truyền nghề và con cháu không muốn kế nghiệp nghề cha ông. Ngày 5/1/2023, UBND Tiền Giang đã ban hành kế hoạch về việc bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi và đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Ðối với những nghề, làng nghề đang bị mai một thì địa phương xác định bảo tồn bằng việc hỗ trợ duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động “trình diễn” để lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa. Những nghề, làng nghề đang gặp khó khăn thì tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và các cơ sở trong làng nghề duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng, từng bước phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cụ thể: - Đến năm 2025: Bảo tồn và phát triển 13 làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh; Xây dựng 01 - 02 làng nghề gắn với du lịch; Trên 70% làng nghề hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động; Có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 87
  4. lần so với năm 2020; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường. - Đến năm 2030: Tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh; Xây dựng 02 - 03 làng nghề gắn với du lịch; Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; Có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường. 4. Giải pháp phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch của Tiền Giang trong giai đoạn hiện nay Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Tiền Giang sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, để phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng ổn định và bền vững, các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh Tiền Giang cần tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả một số vấn đề cơ bản như sau: Thứ nhất, tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn phát triển làng nghề: - Đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các tổ chức cá nhân và xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản xuất ở nông thôn đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; - Tập trung tuyên truyền trên báo, đài phát thanh và truyền hình (xây dựng các mục phóng sự giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của nghề, làng nghề, tinh hoa của sản phẩm làng nghề). Xuất bản các ấn phẩm về làng nghề, nghề truyền thống làng nghề truyền thống dưới các hình thức sách, báo, tờ gấp, ... để quảng bá những sản phẩm với cộng đồng và khách du lịch; - Đồng thời, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về quản lý bảo tồn phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống cho cán bộ quản lý làng nghề, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm ngành nghề, làng nghề, Hợp tác xã, tổ hợp tác ... Mở các lớp đào tạo, truyền nghề cho hộ sản xuất ngành nghề nông thôn. Thứ hai, bảo tồn và phát triển các nghề và các làng nghề đã được công nhận: - Rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại nghề, làng nghề: Các nghề, làng nghề cần khôi phục, bảo tồn và có nguy cơ mai một, thất truyền; Các nghề, làng nghề đủ tiêu chí công nhận mới; Làng nghề gắn với du lịch. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các làng nghề, làng nghề truyền thống. Đánh giá tình hình bảo hộ sở hữu thương hiệu làng nghề, làng nghề gắn chương trình OCOP, tốc độ tăng giá trị sản xuất, thu nhập; - Xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn phát triển làng nghề; 88
  5. - Xây dựng và triển khai các mô hình/dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả trong làng nghề để phát triển và nhân rộng. Khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuộc làng nghề phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa phát huy thế mạnh của mỗi làng nghề; hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chú trọng hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề theo hướng đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trong làng nghề tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; - Triển khai xây dựng các mô hình/dự án hỗ trợ, khôi phục sản xuất tại những làng nghề đã và đang bị mai một nhưng trên thị trường có nhu cầu (mây tre đan…); chú trọng một sô nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có từ lâu đời, mang đạm bản sắc văn hóa của địa phương. Thứ ba, phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới - Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề...); khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa; - Gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch đặc trưng như du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn gắn với văn hoá trà; dụ lịch khám phá hang động mạo hiểm, thể thao với văn hoá trà; tăng cường mở các tour, tuyến du lịch làng nghề, vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề để các sản phẩm làng nghề được tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước. Thứ tư, chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định - Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao các ứng dụng công nghệ cải tiến có chọn lọc kết hợp kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng không, làm mất đi giá trị hay ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm; - Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề; - Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định. Thứ năm, phát huy vai trò của nghệ nhân thợ giỏi: - Duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị; - Sưu tầm, lưu giữ và tổ chức trưng bày các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của các nghệ nhân, thợ giỏi, nghệ nhân tiêu biểu các cấp; - Tổ chức tham gia các Hội chợ làng nghề, Hội thi các sản phẩm thủ công truyền thống, thủ công mỹ nghệ... để tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, để duy trì, bảo tồn phát triển nghề, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị. 89
  6. Thứ sáu, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm - Hỗ trợ các làng nghề mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thương mại điện tử. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường xuất khẩu; - Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; - Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế; nâng cao năng lực quản lý; đào tạo và phát triển nghề trong các cơ sở công nghiệp nông thôn và các làng nghề; - Phát triển các điểm bán hàng, trung tâm đầu mối để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm của làng nghề; - Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm. Thứ bảy, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề: - Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề; - Xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề. Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan không gian làng nghề phục vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch; - Hỗ trợ đầu tư nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở trong làng nghề; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng nghề; xây dựng hệ thống thu gom, phân loại rác thải. Thứ tám, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề: - Phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định gắn với sản xuất an toàn, hữu cơ, tạo nguồn nguyên liệu cho làng nghề tại các địa phương có điều kiện phù hợp; - Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư nhằm phát triển vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Theo TS. Nguyễn Phúc Nghiệp (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang), để thực hiện được các mục tiêu trên, Tiền Giang cần có các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện chủ yếu sau: Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi và đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; Bảo tồn nghề truyền thống, làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới; Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; Chuyển giao khoa học - công nghệ, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hang; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Triển khai thực hiện các chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề (Nguyễn Phúc Nghiệp 2023). 90
  7. 5. Kết luận và khuyến nghị 5.1. Kết luận Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Tiền Giang là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ, quan tâm của Nhà nước, chính quyền và các tổ chức xã hội để thực hiện các giải pháp trên, chắc chắn các làng nghề truyền thống Tiền Giang sẽ tìm được vận hội mới, nhiều triển vọng để tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò của mình trong cuộc sống hiện tại. 5.2. Khuyến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang là cơ quan đầu mối chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Tiền Giang; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn thực hiện các nội dung của kế hoạch; hỗ trợ các cơ sở làng nghề tham gia các hội chợ làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường niên để quảng bá, xúc tiến thương mại và tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều lệ hoạt động chủ động, tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp và hội viên tham gia thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Tiền Giang. Tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với nội dung, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề; tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật. TÀI LIỆU THAM KHẢO Thủ Tướng chính phủ. 2022. Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. 2. Mai Thế Hởn, Hoàng Ngọc Hòa, Vũ Văn Phúc. 2003. Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hà Nội: Chính trị Quốc gia. 3. Nguyễn Thị Thu Hường. 2013. Chính sách vốn và đầu tư đối với làng nghề thủ công mỹ nghệ. Hà Nội: Tạp chí Tài chính. 4. Phạm Côn Sơn (2004), Làng nghề truyền thống Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa dân tộc. 5. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. 2023. Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 05/01/2023 về việc bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030. THÔNG TIN TÁC GIẢ Họ và tên: Võ Văn Sơn, Nguyễn Thị Như Thoa Học hàm, học vị: Thạc sĩ Cơ quan công tác: Trường Đại học Tiền Giang Chức vụ: Giảng viên Địa thoại: 0938940588, 0908 992 509 Email: vovanson@tgu.edu.vn, nguyenthinhuthoa@tgu.edu.vn Địa chỉ: Số 119, đường Ấp Bắc, phường 5, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. 91
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2