intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo tồn di sản dựa trên phát triển sinh kế du lịch cho cộng đồng cư dân Hội An, Quảng Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Bảo tồn di sản dựa trên phát triển sinh kế du lịch cho cộng đồng cư dân Hội An, Quảng Nam" thông qua các phương pháp khảo sát điền giã, phỏng vấn các bên liên quan, phân tích dữ liệu thứ cấp, nhóm nghiên cứu đã làm rõ được vai trò, đóng góp, những cơ hội, hạn chế của cộng đồng và sinh kế cộng đồng đối với bảo tồn di sản tại phố cổ. Từ đó, đề ra các giải pháp hình thành các sinh kế, khai thác các sinh kế hiện có và huy động sự tham gia của cộng đồng trong quá trình bảo tồn và phát triển di sản phố cổ Hội An. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo tồn di sản dựa trên phát triển sinh kế du lịch cho cộng đồng cư dân Hội An, Quảng Nam

  1. BẢO TỒN DI SẢN DỰA TRÊN PHÁT TRIỂN SINH KẾ DU LỊCH CHO CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN HỘI AN, QUẢNG NAM Trần Văn Anh1, Ngô Thị Ly Ly1, Tóm tắt: Phố cổ Hội An là một trong những điển hình về việc đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Trong quá trình phát triển, việc bảo tồn di sản đã tạo nên nguồn tài nguyên và các giá trị hấp dẫn để phát triển du lịch. Khi du lịch phát triển đã trở thành nguồn lực và động lực thúc đẩy quá trình bảo tồn cũng như phát triển kinh tế được tốt hơn. Trong nghiên cứu này, thông qua các phương pháp khảo sát điền giã, phỏng vấn các bên liên quan, phân tích dữ liệu thứ cấp, nhóm nghiên cứu đã làm rõ được vai trò, đóng góp, những cơ hội, hạn chế của cộng đồng và sinh kế cộng đồng đối với bảo tồn di sản tại phố cổ. Từ đó, đề ra các giải pháp hình thành các sinh kế, khai thác các sinh kế hiện có và huy động sự tham gia của cộng động trong quá trình bảo tồn và phát triển di sản phố cổ Hội An. Từ khóa: Di sản, Hội An, phố cổ, Quảng Nam, sinh kế. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã trở thành xu thế trên thế giới và Việt Nam. Đây là xu hướng và đồng thời thực tiễn cho thấy những hiệu quả nhất định trong phát triển du lịch nói chung, khai thác bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững,… nói riêng. Trong đó phát triển du lịch bền vững và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng trên cơ sở tạo lập sinh kế và hình thành các sinh kế trực tiếp và gián tiếp phục vụ cộng đồng có hiệu quả tổng hợp và bền vững trong việc tạo thu nhập, công ăn việc làm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên ở các địa phương, cộng đồng các dân tộc, tại các làng nghề, làng quê, làng biển,... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải ở đâu và lúc nào việc phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng cũng được thực hiện hiệu quả và duy trì tính liên tục. Hội An được xem là một trong số ít các địa phương ở Việt Nam khá thành công trong việc phát triển du lịch bền vững, du lịch dựa vào cộng đồng dựa trên tài nguyên là di sản văn hóa thế giới để tạo ra sinh kế và huy động sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch. Mặc dù là một trường hợp khá điển hình, nhưng trong quá trình phát triển, Hội An cũng gặp những khó khăn và phải tiếp tục duy trì và không ngừng cải thiện để phát huy thành quả đã đạt được. 1 Trường Cao đẳng Đại Việt Đà Nẵng.
  2. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 587 Trong những nghiên cứu về công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Hội An nhiều tác giả đã đưa ra những quan điểm về thực trạng bảo tồn di sản và vai trò của các bên liên quan trong việc bảo tồn di sản. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào làm rõ được vai trò của cộng đồng dân cư, cụ thể là vai trò của sinh kế địa phương trong việc bảo tồn di sản. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ tập trung tìm kiếm các câu trả lời cho các câu hỏi “Thực trạng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của Hội An được thực hiện theo hướng nào?”, “Sự tham gia của cộng đồng trong giá trị bảo tồn di sản văn hóa ở mức độ như thế nào?”, “Các sinh kế cộng đồng được hình thành từ di sản đã đóng góp như thế nào trong bảo tồn di sản văn hóa?”. 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN Ngày nay, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những quan điểm mới về bảo tồn di sản và khai thác di sản cho phát triển. Trong đó, theo Nguyễn Văn Bình (N.V.Bình, 2007:48-52) “đưa di sản vào phục vụ cuộc sống”, có nghĩa là các di sản văn hóa sẽ được bảo vệ, tôn tạo và khai thác để phục vụ phát triển kinh tế, mà cụ thể ở bài viết này là phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Cũng chính nhờ phát triển du lịch nhiều di sản văn hóa đã được quan tâm đầu tư và bảo tồn. Theo đó cũng kéo theo nhiều hoạt động lợi ích khác, mà trước hết là lợi ích về kinh tế cho địa phương. Theo Đoàn Văn Thắng (Đ.V.Thắng, 2018), “sinh kế của địa phương dựa vào điểm du lịch, có thể hiểu đây là tập hợp cư dân sinh sống trong hoặc liền kề với điểm du lịch”. Cũng theo ông, tính chất phổ biến của du lịch làng quê, du lịch phố cổ, du lịch di sản là sự đan xen, hay tính xen ghép với điểm sinh sống và hoạt động kinh tế của cộng đồng địa phương. Trong nghiên cứu này bảo tồn di sản dựa trên phát triển sinh kế du lịch chính là quá trình kế thừa, gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa nhằm phục vụ phát triển du lịch đồng thời đảm bảo sinh kế du lịch bền vững của cộng đồng dân cư sinh sống trong và liền kề với di sản cũng như phát triển các loại hình sinh kế du lịch/dịch vụ dựa vào các tài nguyên di sản sẵn có tại địa phương. Bên cạnh đó các giá trị kinh tế từ sinh kế du lịch cộng đồng sẽ góp phần trong công tác bảo tồn di sản. Cách tiếp cận cơ sở lý luận trên, cũng sẽ được áp dụng để phân tích cho việc bảo tồn di sản dựa vào sự phát triển sinh kế du lịch cho cộng đồng dân cư tại Hội An, Quảng Nam. 3. BỐI CẢNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 25km về hướng Đông Nam. Đây cũng là thành phố di sản với khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Thành phố Hội An có mật độ di tích tập trung cao, dày đặc cùng với tài nguyên du lịch đa dạng và độc đáo trên một không gian lãnh thổ không quá rộng (63,6 km2) (Niên giám thống kê, Cục Thống kê Quảng Nam).
  3. 588 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Thành phố nằm ở hạ nguồn sông Thu Bồn này vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn về cảnh quan, không gian kiến trúc, được ví như một bảo tàng về các giá trị văn hóa - kiến trúc - tín ngưỡng - cộng đồng hàng đầu thế giới. Điểm đặc trưng khác biệt của di sản phố cổ Hội An chính là tính sở hữu cộng đồng của di sản, trong đó, các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu cộng đồng chiếm tỉ lệ tuyệt đối trong tổng số di tích lịch sử được công nhận và xếp hạng. Ngoài ra, không gian văn hóa cộng đồng bao trùm được xem là linh hồn của khu phố cổ cũng được sáng tạo và sở hữu của cộng đồng qua các thế hệ. Hội An xưa là một thương cảng biển quốc tế ở Đàng Trong, là điểm giao lưu, gặp gỡ giữa các nền văn minh Chăm - Việt - Hoa - Nhật - Ấn - phương Tây. Các yếu tố văn hóa đã trải qua quá trình chọn lọc, tiếp biến để rồi tạo nên một Hội An mang trong mình một không gian văn hóa cộng đồng đặc sắc, một Hội An cổ kính, trầm mặc nhưng rất thuần hậu, sâu sắc với các phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, tập quán kinh doanh,… mang sắc thái riêng. Và quan trọng nhất trong kho tàng văn hóa phi vật thể của phố cổ, đó là con người Hội An với những đặc trưng tính cách thật thà, chất phác, sống chậm rãi, tình cảm, hòa đồng, luôn rộng mở tiếp nhận cái mới, bạn mới, giá trị văn hóa mới, họ sống nhẹ nhàng gần gũi, đoàn kết. Các lễ hội cộng đồng, lễ hội tín ngưỡng dân gian, các làng nghề thủ công là nơi thể hiện rõ nhất những giá trị nhân văn của người Hội An. Đặc biệt, bao thế hệ từ xưa đến nay vẫn sống và sinh hoạt trong lòng phố cổ, điều mà hiếm có những thành phố di sản có được. Chính những điều trên đã khiến phố cổ Hội An trở thành một bảo tàng sống của đô thị truyền thống với tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng. Vùng hạ du sông Thu Bồn nói chung và thành phố Hội An nói riêng là nơi tập trung rất nhiều làng nghề truyền thống với mật độ rất dày. Các làng khá đa dạng về nghề như gốm, mộc, đồng, đèn lồng, làng rau, nghề yến... như làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, yến Cẩm Châu, rau Trà Quế,... Các làng này vẫn còn giữ được nghề truyền thống và thích ứng được với sự thay đổi của nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển với các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và phục vụ khách du lịch, cũng như những trải nghiệm đời sống làng nghề. Bên cạnh đó, Hội An còn sở hữu hệ thống các làng quê khá thanh bình và có cảnh quan đặc sắc như làng dừa nước Cẩm Thanh, làng quê Cẩm Kim, Cẩm Nam, bãi Hương, bãi Làng (Cù Lao Chàm)... Chính sự kết hợp về mặt kiến trúc và không gian đã tạo ra một Hội An rất riêng, rất đặc biệt là một đô thị Phố - Làng: phố trong làng và làng trong phố. Chính điều này tạo ra đặc sắc riêng và tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia làm du lịch từ tài nguyên sẵn có. Qua hàng ngàn năm trầm tích và bảo tồn, các giá trị văn hóa Hội An vẫn còn giữ được cái chất - giá trị thuở ban đầu. Chính những giá trị văn hóa lịch sử, phong tục tập quán độc đáo, các làng nghề và nghề truyền thống, không gian cộng đồng đặc sắc đã trở thành nguồn tài nguyên và sản phẩm du lịch độc đáo để khai thác và phát triển du lịch.
  4. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 589 Bài nghiên cứu này được thực hiện dựa trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu chủ yếu gồm phương pháp khảo sát thực tế, điền dã. Tác giả đã tiến hành khảo sát thực tế tại các khu vực, các tuyến, điểm du lịch, các mô hình du lịch, các làng Thanh Hà, Trà Quế, Kim Bồng… Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng tiến hành phỏng vấn sâu những nghệ nhân, người dân tại các làng nghề, cán bộ quản lý các điểm du lịch và cán bộ quản lý tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An để đánh giá tài nguyên du lịch, phân tích thực trạng phát triển các điểm du lịch và những sinh kế đã được hình thành và những đóng góp của cộng đồng trong bảo tồn di sản. Cùng với đó là phương pháp cùng tham gia trải nghiệm, trao đổi chia sẻ với khách du lịch, người làm du lịch và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động du lịch phát triển từ đó có được ý kiến đánh giá của các bên liên quan trong quá trình phát triển và đóng góp của du lịch Hội An. Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu tài liệu cũng được sử dụng như một phương pháp chính để thu thập, xử lý các tài liệu, số liệu thống kê liên quan đến phát triển du lịch ở Hội An. Hình 3.1. Khảo sát thực tế tại Làng rau Trà Quế - Hội An. Ảnh: T.V.Anh Hình 3.2. Khảo sát hoạt động làng nghề tại Làng Thanh Hà. Ảnh: T.V.Anh Các thông tin thu thập được từ các nguồn khác nhau là căn cứ cho việc đưa ra các nhận định và luận cứ khoa học về đối tượng nghiên cứu, làm căn cứ phân tích thực trạng và đề ra các giải pháp phát triển cho giai đoạn tới.
  5. 590 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 4. THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC DI SẢN HỘI AN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH 4.1. Công tác bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể Công tác bảo tồn di sản của Hội An được thực hiện rất sớm, trước cả thời điểm được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Một sự khác biệt rất lớn ở di sản của Hội An là tính sở hữu thuộc về cộng đồng nên ngay từ đầu, công tác bảo tồn đã có sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có vai trò rất lớn từ cộng đồng. Sau khi được công nhận là di sản các cấp, động lực và nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản được đầu tư nhiều hơn. Kể từ khi được công nhận là Di tích Quốc gia năm 1985, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999 và được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2009, công tác bảo tồn giá trị khu di sản luôn được chính quyền chú trọng và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố. Bên cạnh việc áp dụng các quy định và các hướng dẫn cụ thể của các văn bản quốc tế về quản lý và bảo tồn di sản văn hóa được UNESCO quy định rất rõ ràng. Hệ thống chính sách về bảo tồn di sản văn hóa của Hội An cũng được xây dựng dựa trên quy định của nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa. Trên thực tế, công tác bảo tồn được thực hiện theo hai nhóm: Cơ quan nhà nước và sự tham gia của cộng đồng dân cư. Cho đến nay, Hội An đã xây dựng 3 văn bản bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An, gồm: Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới khu phố cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025; Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030; Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An (2020). Ngoài ra, thành phố Hội An cũng đã ban hành một số chính sách liên quan, phù hợp với đặc điểm về “tính sở hữu cộng đồng với di sản” tại phố cổ Hội An nhằm khích lệ và đẩy mạnh ý thức quản lý, bảo vệ hiệu quả di sản trong cộng đồng dân cư. Điển hình như cơ chế Hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn thành phố Hội An nằm ngoài khu phố cổ (2010); Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể trong khu phố cổ Hội An (2016). Trong đó, có những quy định về mức hỗ trợ kinh phí sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ trong khu vực I - khu vực bảo vệ nguyên trạng và khu vực IIA - Khu vực giữ chức năng bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái của di tích.
  6. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 591 Bảng 1. Mức hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa- cải tạo công trình nhà ở trong khu vực I - khu vực bảo vệ nguyên trạng trong khu phố cổ (UBND thành phố Hội An, 2016) Đơn vị tính: % LOẠI DI TÍCH Vị trí dọc trục đường chính Vị trí dọc các kiệt, hẻm Nhà nước hỗ trợ Chủ đầu tư sở hữu Nhà nước hỗ trợ Chủ đầu tư sở hữu Loại đặc biệt 60 40 75 25 Loại I & II 45 55 65 35 Loại III & IV 40 60 60 40 Ngoài ra, kinh phí bỏ ra của chủ di tích, doanh nghiệp còn rất lớn qua các hoạt động góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích như: Phòng chống mối mọt, quét vôi, trang trí, kinh doanh, tổ chức sinh hoạt văn hóa tại di tích tập thể - cộng đồng: hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu,… Đến thời điểm này, vẫn chưa có thống kê một cách đầy đủ nguồn lực về kinh phí chi cho công tác trùng tu và bảo tồn các di sản Hội An, nhưng những kết quả đạt được thể hiện qua kiến trúc và giá trị di sản ngày càng được bảo tồn và phát huy cho thấy công tác bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị di sản đang được thực hiện hiệu quả và đúng hướng. Đối với vai trò của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy di sản Hội An được thực hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau và có đóng góp rất lớn. Qua trao đổi trực tiếp với các nghệ nhân/người dân, cán bộ quản lý du lịch ở làng gốm Thanh Hà; người nông dân ở làng rau Trà Quế, người chèo thuyền thúng tại làng dừa nước Cẩm Thanh đều cho thấy, người dân đã và đang trực tiếp tham gia công tác bảo tồn các nghề truyền thống (làm gốm, làm rau,…), văn hóa làng nghề và đang được hưởng lợi rất lớn từ hoạt động bảo tồn và du lịch. Người dân tham gia công tác bảo tồn thể hiện như họ chính là người bảo tồn và duy trì sự tồn tại của chính các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu của họ, phối hợp với các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn thực hiện các đợt bảo tồn theo đúng quy trình, kỹ thuật và các tiêu chuẩn bảo tồn để đảm bảo không làm sai lệch kiến trúc và giá trị, triết lý vốn có của nó. Họ là nhân tố chính để duy trì các lò nung gốm (làng Thanh Hà), các luống rau (làng Trà Quế),… được tồn tại và phát triển. Đồng thời người dân đưa các công trình kiến trúc tham gia vào khai thác du lịch làm cho địa điểm tham quan, sản phẩm du lịch đa dạng hơn. Sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các phong tục tập quán, lễ hội, các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng dân gian, các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, cộng đồng và cái tình của người phố Hội đã làm cho các giá trị này vẫn còn tồn tại phát huy, phát triển và tạo nên cái hồn của văn hóa di sản Hội An, làm cho khu vực phố cổ và vùng phụ cận trở thành một sân khấu lớn trình diễn những giá trị văn hóa Hội An. Điều này làm cho du khách cảm thấy rất thật và thân thiện khi được tham gia vào các sinh hoạt, tham quan, trải nghiệm du lịch Hội An.
  7. 592 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 42. Khai thác di sản Hội An cho phát triển du lịch Kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999 đến nay, Hội An đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Hội An trở thành động lực phát triển du lịch không chỉ cho tỉnh Quảng Nam, mà còn là động lực phát triển cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Các sản phẩm du lịch ở Hội An đa dạng, độc đáo gần gũi, được hình thành và sáng tạo dựa trên nguyên liệu và chất liệu là các giá trị văn hóa di sản, văn hóa cộng đồng, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, các giá trị cảnh quan biển đảo và văn hóa miền biển. Các sản phẩm du lịch ở Hội An có chiều sâu văn hóa, có tính cộng đồng nên rất lạ nhưng cũng rất quen, lạ là bởi nhiều sản phẩm không quá cao sang, hiện đại và rất quen bởi cái tình của người Hội An luôn chu đáo, tận tình đón khách, mỗi lần khách trở lại như có cảm giác được về nhà. Những sản phẩm như “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ”, thả hoa đăng trên sông Hoài, một ngày làm nông dân Trà Quế, tham quan chèo thuyền ở rừng dừa nước Cẩm Thanh, trải nghiệm làm gốm ở làng Thanh Hà, tản bộ ở làng mộc Kim Bồng, hay ngắm làng quê ở Cẩm Châu, Cẩm Kim, lưu trú homestay trong các nhà dân, trình diễn bài chòi, thưởng thức ẩm thực đường phố Hội An,... là những sản phẩm được sinh ra từ cộng đồng và được khai thác bởi cộng đồng. Hay những chương trình lớn như show diễn nghệ thuật thực cảnh Ký ức Hội An rất hoành tráng, công phu nhưng chất liệu làm nên giá trị lại được khai thác từ lịch sử, văn hóa và con người Hội An qua hàng ngàn năm hội cư và định cư. Chính những sản phẩm du lịch được kiến tạo và sáng tạo liên tục qua chiều dài phát triển đã tạo ra sức hút rất lớn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, du lịch Quảng Nam nói chung, du lịch Hội An nói riêng luôn có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao. Theo Báo cáo về kết quả hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho thấy, lượng khách Quốc tế tham quan ở Quảng Nam từ 2005-2018 luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và đứng thứ 4 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Hà Nội. Quảng Nam đứng thứ 6 trong vùng và đứng thứ 23 so với cả nước về số lượng khách nội địa. Tổng lượt khách tham quan lưu trú năm 2018 đạt 6,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 3,8 lượt, khách nội địa đạt 2,7 triệu lượt. Doanh thu du lịch năm 2018 đạt 4.700 tỷ đồng. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 11.045 tỷ đồng. Phố cổ Hội An là điểm tham quan chủ yếu và quan trọng nhất trên địa bàn Quảng Nam, năm 2018 tổng lượt khách tham quan lưu trú đến Hội An đạt 4,992 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 3,755 triệu lượt; tổng lượt khách lưu trú đạt 1,78 triệu lượt, bình quân ngày khách lưu trú đạt 2,13 ngày. Doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 266 tỉ đồng; doanh thu vé tham quan Cù Lao Chàm gần 27 tỷ đồng (Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, 2018).
  8. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 593 Các điểm du lịch cộng đồng ở khu vực Hội An đã có sự phát triển nhanh trong những năm gần đây như làng Trà Quế, làng Thanh Hà, làng Cẩm Thanh, khu vực Cẩm Kim, Cẩm Châu,… Nhiều điểm du lịch như Thanh Hà, Cẩm Thanh,.. hàng năm thu hút hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm, có ngày các làng đón hàng ngàn lượt khách. Phân tích số liệu tham vấn tại Ban quản lý các làng cho thấy, từ 2014 đến năm 2018, quy mô khách đến các làng tăng 206 lần, từ 71.014 lượt lên 1.445.055 lượt. Đây là tốc độ tăng quy mô rất nhanh. Năm 2018, Cẩm Thanh đón 625.261 lượt khách (khách quốc tế 504.942 lượt, nội địa 120.319 lượt ), thu trên 12 tỷ đồng, mỗi ngày đón gần 2000 lượt khách; làng Thanh Hà đón trên 615.809 lượt khách (khách quốc tế 537.319 lượt, nội địa 78.490 lượt ), doanh thu trên 15 tỉ đồng,… Phân tích cơ cấu khách đến các làng năm 2018 cho thấy, khách đến các làng chủ yếu là khách quốc tế, 1.198.482 lượt khách, chiếm 82,9% tổng lượng khách. So với tỉ lệ khách quốc tế đến Hội An trên 50% thì tỉ lệ khách quốc tế đến các làng nghề rất cao. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2022, do tác động của đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng hết sức nặng nề đến tất cả các mặt của ngành du lịch, từ số lượng, cơ cấu khách du lịch đến sản phẩm, cơ sở vật chất, lao động,… Cuối năm 2022, du lịch bắt đầu phục hồi, năm 2023 có thể nói, du lịch đã dần trở lại trạng thái bình thường. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, lượng khách tham quan và lưu trú du lịch đến Quảng Nam trong năm 2023 ước đạt hơn 7,5 triệu lượt, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ du lịch đạt 7.950 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 18.683 tỷ đồng. Đối với Hội An, năm 2023, có 4 triệu lượt khách đến Hội An, tăng 99,79% so với năm 2022, trong đó, khách quốc tế 3 triệu lượt, tăng hơn 327%; khách Việt Nam 1 triệu lượt, chỉ đạt 76,89% so với năm 2022. Du lịch đã góp phần thay đổi đời sống và sinh kế của người dân, tạo nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Các làng nghề đã khôi phục và phát triển tốt hơn, cảnh quan làng quê được chỉnh trang, bảo vệ tốt hơn,… 4.3. Sinh kế du lịch trong bảo tồn di sản Hội An 4.3.1. Thực trạng các sinh kế gắn với hoạt động du lịch ở Hội An Từ khi khai thác du lịch, ngoài những thành tựu về số lượng khách, doanh thu, tốc độ tăng trưởng, vị thế của du lịch Hội An được công nhận ở trong nước và quốc tế. Du lịch đã tạo ra rất nhiều sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư và chính các sinh kế đó đã thúc đẩy du lịch phát triển và đóng góp rất tích cực cho công tác bảo tồn các di sản, giá trị văn hóa. Đối với việc hình thành các sinh kế du lịch, qua khảo sát thực tế và phân tích báo cáo thống kê có thể tạm phân chia thành 2 nhóm sinh kế hiệu quả: Sinh kế thuộc về hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp du lịch và các sinh kế thuộc về
  9. 594 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... cộng đồng dân cư. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung phân tích làm rõ các sinh kế liên quan đến cộng đồng dân cư. Với đặc điểm giá trị tài nguyên, văn hóa, lĩnh vực mang tính sở hữu cộng đồng, phố trong làng - làng trong phố, Phố Cổ và Thành phố Hội An được xem là một không gian không giới hạn/chia cắt đã tạo điều kiện và cơ hội để người dân tham gia phát triển du lịch và tự tạo sinh kế cho chính người dân. Mỗi người dân có thể sử dụng chính ngôi nhà, không gian sống, phong tục tập quán tín ngưỡng, lễ hội của họ để tổ chức các hoạt động du lịch, để khách trải nghiệm, mỗi con đường, góc phố trở thành một điểm tham quan, check-in… thu hút du khách. Sự tương tác giữa các không gian, giá trị văn hóa, cộng đồng và khách du lịch, từ đó các dịch vụ/sinh kế phục vụ du khách được hình thành như phố bán hàng lưu niệm, ẩm thực phố cổ, chụp hình, homestay, cho thuê trang phục, thuê thuyền, thả đèn hoa đăng, vận chuyển, hướng dẫn viên, tham quan nhà cổ, làm đèn lồng, các cửa hàng kinh doanh thời trang, hàng lưu niệm, may trang phục, cà fe, giải khát,… Bên cạnh đó, các sinh kế cũng được hình thành tại các làng nghề truyền thống, các làng quê, không gian nông nghiệp trên địa bàn Hội An như tại làng gốm Thanh Hà (nghề làm gốm truyền thống, hướng dẫn du lịch, nghệ nhân trình diễn kỹ thuật nghề, hướng dẫn du khách tự tay làm gốm, kinh doanh hàng lưu niệm, bán ẩm thực địa phương, lưu trú homestay, trò chơi dân gian..), làng rau Trà Quế (một ngày làm nông dân Trà Quế, thu hoạch rau sạch, học nấu ăn, thưởng thức ẩm thực, tour xe đạp..), làng mộc Kim Bồng (trải nghiệm làm mộc, ẩm thực, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, trò chơi dân gian…), rừng dừa Cẩm Thanh (chèo thuyền thúng, dịch vụ giải trí trên sông nước, du lịch sinh thái, ẩm thực…), làng nghề làm đèn lồng (tự làm đèn lồng, check- in, mua sắm...), làng yến Thanh Châu (tham quan trải nghiệm, mua sắm, các hoạt động lễ hội truyền thống làng tại địa phương...), làng biển Cù Lao Chàm (hướng dẫn du lịch, bán hàng lưu niệm, cho thuê lưu trú homestay, lặn biển ngắm san hô, dịch vụ vận chuyển, kinh doanh ẩm thực,…), sinh kế được hình thành qua sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm cho hoạt động du lịch (trồng rau, trồng lúa, trồng bắp, nuôi và khai thác yến, chăn nuôi trâu,…). Các sinh kế trực tiếp và gián tiếp được hình thành từ du lịch và phục vụ hoạt động du lịch đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho phần lớn người dân Hội An và vùng phụ cận, làm thay đổi cơ cấu ngành nghề và thu nhập của người dân. 4.3.2. Đóng góp của sinh kế trong bảo tồn di sản Từ phân tích về thực trạng các sinh kế được hình thành từ hoạt động du lịch cho thấy sự đóng góp của các sinh kế trong công tác bảo tồn di sản ở Hội An. Việc đóng góp cho công tác bảo tồn di sản có thể được phân tích dưới hai góc độ: Đóng góp trong công tác bảo tồn các di sản vật thể và đóng góp trong công tác bảo tồn các di sản phi vật thể. Các di sản vật thể (các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu của người dân),
  10. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 595 người dân trực tiếp sở hữu, bảo tồn và khai thác dưới sự quản lý, hướng dẫn và kế hoạch bảo tồn của các cơ quan quản lý chuyên môn. Trong thời gian qua công tác bảo tồn của người dân đối với ngôi nhà cổ được thực hiện khá hiệu quả, không gian, kiến trúc và các phong tục tập quán, tín ngưỡng trong các nhà cổ được khôi phục và giữ nguyên đã trở thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn thu hút khách. Đối với đóng góp trong bảo tồn văn hóa phi vật thể, với vai trò là chủ thể của các giá trị văn hóa này, người dân đã trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy làm cho các giá trị văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, các nghề và làng nghề truyền thống từng bước được khôi phục và phát triển. Nhiều giá trị văn hóa của người Hội An xưa được phục hồi và bảo tồn như lễ hội bài chòi, lễ hội tổ nghề, lễ hội đua thuyền, lễ hội đèn lồng,… Bên cạnh đó tính cộng đồng, lối sống sinh hoạt của người dân Hội An ngày càng được phát huy và dần trở thành tôn chỉ mục đích, đặc trưng và thương hiệu của người Hội An như: Hội An nhân tình thuần hậu, Hội An là thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng dần len lỏi đến các vùng nông thôn tại Hội An mang đến những giá trị sinh kế cho người dân địa phương, khiến cho rất nhiều làng nghề đã mai một từ lâu của Hội An dần dần phục hồi trở lại. Những làng nghề tưởng chừng chỉ còn hư danh khi các sản phẩm không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội đã chuyển mình trở thành những điểm du lịch nổi tiếng với những sản phẩm phục vụ cho du lịch. Các làng nghề dần được phục hồi, mở rộng, phát triển mạnh mẽ và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: nghề mộc Kim Bồng (2016), nghề khai thác yến (2016), nghề gốm Thanh Hà (2019), nghề trồng rau Trà quế (2022)… Sinh kế du lịch cộng đồng đã bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề tại đây. 5. THẢO LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Với đặc trưng của di sản Hội An là tính sở hữu cộng đồng và tồn tại trong không gian cộng đồng. Các giá trị sinh ra từ cộng đồng và phục vụ chính cộng đồng, nên các giải pháp bảo tồn, trong đó có việc bảo tồn di sản dựa trên sinh kế cũng phải xuất phát và dựa vào cộng đồng thì mới đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Các sinh kế được hình thành từ di sản, từ hoạt động du lịch và chính sinh kế sẽ tạo ra nguồn lực và động lực để bảo tồn, phát huy và khai thác các di sản cho phát triển bền vững. Một số giải pháp chủ yếu được gợi ý từ phân tích thực trạng và xu hướng như: 5.1. Nâng cao năng lực làm du lịch cho cộng đồng Du lịch ngày càng phát triển và nhu cầu của khách cũng thay đổi theo thời gian, việc tạo năng lực làm du lịch cho cộng đồng để họ tự thích ứng với sự thay đổi và tự tạo sinh kế trên nền tảng tài nguyên và giá trị văn hóa là rất quan trọng. Việc thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện - truyền nghề, hình thành các kỹ năng
  11. 596 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... làm du lịch, các tiêu chuẩn sản phẩm du lịch, tiêu chuẩn phục vụ du khách, tâm lý khách du lịch, quy trình xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch,… Trên cơ sở năng lực làm du lịch, người dân sẽ tự tạo sinh kế cho chính mình, gia đình mình, cộng đồng dân cư của mình để làm sản phẩm du lịch. Đây chính là tạo ra năng lực nội sinh cho quá trình lâu dài và liên tục cho việc hình thành sinh kế từ du lịch. 5.2. Hình thành các sản phẩm du lịch và sinh kế dựa trên khai thác các giá trị chiều sâu văn hóa Hội An Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch và các sinh kế trên cơ sở các tài nguyên ở Hội An. Điều quan trọng trong phát triển sản phẩm và sinh kế là kiểm soát và hạn chế các sản phẩm và sinh kế có tính ngoại lai du nhập một cách máy móc vào Hội An sẽ làm mất bản sắc các sản phẩm du lịch của Hội An. Cần khai thác và thúc đẩy thương hiệu Hội An là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu, phải chuyển được thông điệp, giá trị và ý nghĩa của điều này đến mỗi cộng đồng dân cư trong quá trình sinh sống và tham gia hoạt động du lịch. Sự sáng tạo cần được khai thác, lấy chất liệu từ chiều sâu của truyền thống, lịch sử, từ các giá trị văn hóa đa dạng, từ các cảnh quan thiên nhiên, từ hoạt động sống - sản xuất hàng ngày, từ chính cái bản tính cởi mở, trọng tình của người xứ Quảng, người phố Hội. Cần tập trung hình thành các nhóm sản phẩm - sinh kế theo các nhóm giá trị/nhóm tài nguyên như: các sinh kế/sản phẩm gắn với các giá trị di sản vật thể, nhóm gắn với di sản phi vật thể (ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo), nhóm gắn liền với các làng nghề truyền thống, nhóm gắn liền với các làng quê và không gian sản xuất nông nghiệp, nhóm gắn liền các giá trị văn hóa được tiếp biến trong quá trình giao lưu hội nhập của Hội An,… Khi các nhóm các sản phẩm/sinh kế được hình thành và khai thác có hiệu quả thì chính giá trị di sản được bảo tồn một cách tốt nhất. 5.3. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn Tiếp tục xây dựng cơ chế khuyến khích và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Điều đặc biệt, trong công tác bảo tồn ở Hội An chính là thực hiện quy trình tham vấn cộng động một cách thực chất và cầu thị. Tham vấn cộng đồng không chỉ là để lấy ý kiến của cộng đồng cho bảo tồn, mà đó còn là cách truyền tải thông điệp đến người dân, làm cho người dân hiểu, ủng hộ và tham gia ngay từ đầu. Mặt khác, điều này cũng thể hiện sự tôn trọng đối với người dân, đối với chủ sở hữu của các giá trị đó. Người dân sẽ thực hiện việc bảo tồn chính các di sản, tài nguyên, giá trị mà họ đang sở hữu từ ngôi nhà cổ, đến phong tục, tập quán, lễ nghĩa đến con đường bờ đê, mảnh vườn, ruộng lúa mà họ đang sở hữu; hay những giá trị di sản thuộc sự quản lý của nhà nước hay sở hữu chung của cộng đồng. Khi huy động được sự tham gia tối đa của cộng đồng vào công tác bảo tồn thì tính bền vững và tính hiệu quả sẽ rất cao, đạt được đa lợi ích.
  12. Phần 3: DU LỊCH DI SẢN 597 5.4. Xây dựng cơ chế phân phối lợi ích - trách nhiệm của các bên tham gia phát triển du lịch ở Hội An Bảo tồn và phát triển vừa mang yếu tố văn hóa, vừa mang yếu tố lợi ích kinh tế. Sản phẩm/sinh kế hình thành và khai thác có hiệu quả đòi hỏi sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của nhiều bên liên quan nên việc xây dựng cơ chế - phân chia lợi ích - phân phối thu nhập - trách nhiệm của các bên tham gia là rất quan trọng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Sự xung đột lợi ích từ phát triển sẽ dẫn tới sự xung đột đến giữa các bên, xung đột giữa các sinh kế, sự xung đột trong cộng đồng dẫn tới sự phân tán nguồn lực, sự phân tán và kiên định trong hướng đi. Việc xây dựng cơ chế này nhất thiết phải thực hiện tham vấn cộng đồng và các bên liên quan và dần trở thành như 1 quy chế/hương ước của làng, cộng đồng, con đường, khu phố có khai thác du lịch. 6. KẾT LUẬN Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thời gian qua công tác bảo tồn và phát triển du lịch gắn với sinh kế cộng đồng ở Hội An đã đạt được nhiều thành tựu, thể hiện: Công tác bảo tồn di sản ở Hội An đã được thực hiện sớm, khoa học, có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, về nhân lực và tài chính, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng cư dân một cách thực chất và hiệu quả. Điều này đã làm cho các giá trị văn hóa và di sản Hội An ngày càng được bảo tồn và phát huy hiệu quả, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của Hội An. Trong quá trình bảo tồn và phát triển du lịch, các sinh kế du lịch và các sinh kế cộng đồng đã được hình thành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Các sinh kế được hình thành từ di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch và chính các sinh kế đó đã và đang đóng vai trò tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Hội An. Ở một mức độ nhất định, nghiên cứu đã làm rõ được vai trò của di sản trong hình thành sinh kế và vai trò của sinh kế trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở Hội An. Từ kết quả phân tích thực trạng, nhóm nghiên cứu đã gợi ý những giải pháp để các cấp chính quyền và người dân tham khảo tiếp tục bảo tồn và khai thác các giá trị di sản gắn với hình thành và phát triển sinh kế theo hướng bền vững và hiệu quả. Nghiên cứu về di sản, bảo tồn di sản và sinh kế đã được nhiều nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Nghiên cứu về Hội An, nhất là phát triển du lịch di sản và du lịch bền vững, sinh kế cộng đồng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để khai thác hiệu quả các giá trị di sản độc đáo này.
  13. 598 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Văn Anh. (2017). “Xác định điểm tuyến du lịch Quảng Nam”, Luận án tiến sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội. 2. Hội Văn hóa dân gian. (2011). Phong tục lễ Hội Quảng Nam, NXB Lao động, Hà Nội. 3. Lê Bá Thảo. (1977). Thiên nhiên Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 4. Nguyễn Minh Tuệ. (2010). Địa lý du lịch Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 5. Trung tâm bảo tồn di tích Quảng Nam. (2001). Di tích danh thắng Quảng Nam. 6. Tỉnh ủy Quảng Nam. (2004). Quảng Nam - Thế và lực trong thế kỷ XXI, NXB Lao động. 7. Cục thống kê quảng Nam. (2001, 2005, 2010, 2015, 2020). Niên giám thống kê. 8. Đoàn Văn Thắng. (2018). “Sinh kế của cộng đồng địa phương dựa vào điểm du lịch: Những vấn đề đặt ra hiện nay”. Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa. 9. Nguyễn Văn Bình. (2007). “Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch”. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 48-52. 10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam. (2005, 2010, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2022, 2023). “Báo cáo tổng kết công tác Văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. 11. UBND thành phố Hội An. (2016). “Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể trong khu phố cổ Hội An”.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2