Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ trong trường mầm non hòa nhập
lượt xem 3
download
Bài viết đề xuất 5 biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập bao gồm: Hình thành kĩ năng chơi để thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ; sử dụng các tình huống mẫu để giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ; thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm có chủ đích; xây dựng vòng tay bạn bè trong môi trường hòa nhập; nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ trong trường mầm non hòa nhập
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0118 Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6BC, pp. 119-128 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn BIỆN PHÁP GIÁO DỤC KĨ NĂNG THIẾT LẬP MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ NHẸ TRONG TRƯỜNG MẦM NON HÒA NHẬP Đỗ Thị Thảo Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội Tóm tắt. Trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ gặp nhiều khó khăn về kĩ năng xã hội đã ảnh hưởng lớn đến khả năng lĩnh hội kiến thức, sự phát triển ngôn ngữ, giao tiếp và đặc biệt trẻ gặp khó khăn trong kết bạn, hợp tác với bạn và cô giáo. Do đó, việc giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ trong môi trường mầm non hòa nhập là vô cùng cần thiết. Bài viết đề xuất 5 biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập bao gồm: (i) Hình thành kĩ năng chơi để thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ; (ii) Sử dụng các tình huống mẫu để giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ; (iii) Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm có chủ đích; (iv) Xây dựng vòng tay bạn bè trong môi trường hòa nhập; (v) Nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ. Để đảm bảo trẻ tiếp thu các kĩ năng một cách trọn vẹn và chính xác thì kiến thức và kĩ năng của người chăm sóc & giáo dục là rất quan trọng, là yếu tố quyết định sự tiến bộ của trẻ. Từ khóa: Rối loạn phổ tự kỉ, mầm non hòa nhập, quan hệ xã hội, biện pháp giáo dục, kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội. 1. Mở đầu Kĩ năng xã hội được hiểu là những hành vi ứng xử giúp cá nhân có thể tiếp xúc, tương tác với những người xung quanh và hoà nhập vào cộng đồng. . . Ở đó, trẻ được thường xuyên tiếp xúc, giao tiếp với bạn bè, thầy cô và chịu sự giám sát của thầy cô trong mọi hoạt động nên các kĩ năng xã hội của trẻ được củng cố, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn. Biểu hiện là trẻ biết tuân theo các quy tắc trường lớp, có mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô, bạn bè và có thể tham gia chơi một cách phù hợp. . . Trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ, do gặp nhiều khó khăn về kĩ năng xã hội đã ảnh hưởng lớn đến khả năng lĩnh hội kiến thức, sự phát triển ngôn ngữ, giao tiếp và đặc biệt trẻ gặp khó khăn trong kết bạn, hợp tác với bạn và cô giáo... Do vậy, giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ trong môi trường mầm non hòa nhập là rất cần thiết. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về kĩ năng này cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ trên thế giới và ở Việt Nam còn hạn chế. Có thể kể ra đây vài nghiên cứu điển hình như: D’Ateno, P., Mangiapanello, K., & Taylor, B. A. (2003), Sử dụng video làm mẫu để dạy các chuỗi trình tự chơi phức tạp cho trẻ tự kỉ tuổi mầm non [3]; Gena, A., Couloura, S., & Kymissis, E. (2005), Điều chỉnh hành vi tình cảm Ngày nhận bài: 15/5/2015. Ngày nhận đăng: 20 /5/2015. Tác giả liên lạc: Đỗ Thị Thảo, địa chỉ e-mail: thao2006trang@yahoo.com 119
- Đỗ Thị Thảo của trẻ mầm non tự kỉ sử dụng băng video làm mẫu và các hình thức khen thưởng củng cố [4]; Kohler, Gretema, Raschke, Caonam (2007), Sử dụng chương trình dạy kĩ năng quan hệ bạn bè để tăng khả năng tương tác xã hội giữa trẻ mầm non tự kỉ và các bạn [5]; Owen-DeSchryver, Carr, Cal, Blakeley - Smith (2008), Tăng cường khả năng tương tác xã hội giữa trẻ rối loạn phổ tự kỉ và bạn bè trong trường hòa nhập [6]; Pierce, K. & Screibman, L. (1995), Tăng cường hành vi xã hội phức tạp ở trẻ tự kỉ: Ảnh hưởng của việc dạy phản ứng chủ chốt do bạn cùng lứa thực hiện [7]; Pierce, K. & Screibman, L. (1997), Sử dụng bạn đồng lứa trong quá trình dạy phản ứng chủ chốt để tăng cường hành vi xã hội của các bạn tự kỉ cùng lớp [8]; Nguyễn Thị Tuyết Mai Thực trạng sử dụng câu chuyện XH giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ tự kỉ 4 -5 tuổi [73-75;1]. Hiện nay, quá trình giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ tại một số trường mầm non hòa nhập đã được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao. Trong bài báo Thực trạng kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ 4 - 5 tuổi tại một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội [2], chúng tôi tập trung tìm hiểu và phân tích thực trạng giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội tại 3 trường mầm non trên địa bàn Hà Nội, từ đó rút ra bài học trong quá trình giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục đề xuất các biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số vấn đề về giáo dục kĩ năng thiết lập quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập * Khái niệm giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội ở trẻ rối loạn phổ tự kỉ: giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập được hiểu là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có định hướng của nhà giáo dục tới trẻ rối loạn phổ tự kỉ thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trong đó nhà giáo dục phải có sự điều chỉnh về nội dung, phương pháp cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ nhằm hình thành, rèn luyện khả năng xây dựng các mối quan hệ xã hội với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. * Mục tiêu giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập: Theo chương trình giáo dục mầm non dành cho lứa tuổi mẫu giáo 4 - 5 tuổi, kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội không tồn tại độc lập mà nằm trong nội dung phát triển tình cảm xã hội với những mục tiêu giáo dục như sau: (i) Trẻ chơi thân thiện với bạn; (ii) Trẻ biết thực hiện công việc được giao đến cùng; (iii) Trẻ thực hiện một số quy định trong gia đình, nhà trường, lớp mầm non, nơi công cộng; (iv) Trẻ biết giữ gìn, bảo vệ môi trường như bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn đồ dùng, đồ chơi. Khi giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ, chúng tôi lựa chọn và điều chỉnh mục tiêu giáo dục dựa trên nền tảng mục tiêu phát triển tình cảm xã hội. Những mục tiêu giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cụ thể như sau: (i) Trẻ chơi thân thiện, hòa đồng với các bạn trong nhóm; (ii) Thực hiện một số quy tắc ứng xử (chủ động chào/hỏi, nói lời cảm ơn/xin lỗi) đúng hoàn cảnh; (iii) Trẻ biết chia sẻ đồ dùng; (iv) Biết luân phiên khi tham gia hoạt động. * Nội dung giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập: (i) Chơi thân thiện, hòa đồng với các bạn bao gồm: biết cách đề nghị tham gia vào nhóm chơi hoặc khi được phân công vào nhóm, trẻ rối loạn phổ tự kỉ 120
- Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ... có thể tuân theo những quy tắc của nhóm, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, trò chuyện tương tác với các bạn khác trong nhóm; (ii) Thực hiện một số quy tắc ứng xử phù hợp bao gồm: chủ động chào/hỏi người; nói lời cảm ơn khi được người khác giúp đỡ hoặc khi được tặng quà; nói lời xin lỗi khi làm tổn thương người khác; (iii) Chia sẻ đồ dùng, đồ chơi bao gồm: chia sẻ đồ dùng, đồ chơi với các bạn khi được yêu cầu; Trẻ chủ động chia sẻ khi chơi cùng bạn; (iv) Tuân thủ thứ tự, luân phiên khi tham gia các hoạt động: Trẻ biết chờ đợi đến lượt mình khi tham gia vào các hoạt động. * Phương pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập: Giáo dục kĩ năng thiếp lập mối quan hệ xã hội thường được tiến hành thông qua việc tích hợp nội dung của các hoạt động như: khám phá khoa học, phát triển thể chất đặc biệt là hoạt động phát triển tình cảm - xã hội. Để làm được điều này, giáo viên có thể sử dụng các phương pháp: (i) Phương pháp thuyết trình; (ii) Phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan; (iii) Phương pháp sử dụng tình huống; (iv) Phương pháp trò chơi; (v) Phương pháp hợp tác nhó; (vi) Phương pháp đóng vai; (vii) Phương pháp làm mẫu. * Hình thức tổ chức giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập: (i) Tổ chức tích cực và lồng ghép nội dung vào quá trình chăm sóc giáo dục hàng ngày cho trẻ ở trường mầm non; (ii) Tổ chức hoạt động vui chơi chứa nội dung cần giáo dục: Vui chơi là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi mầm non; (iii) Thầy/cô, cha mẹ, người lớn làm gương để cho trẻ làm theo; (iv) Phối hợp với gia đình cùng thực hiện nội dung và rèn luyện các nội dung thuộc nhóm kĩ năng thiết lập các mối quan hệ xã hội thích hợp đối với trẻ. * Các yếu tố ảnh hưởng đến việc giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập - Các yếu tố chủ quan: + Về phía trẻ rối loạn phổ tự kỉ: Một số trẻ rối loạn phổ tự kỉ có ngôn ngữ, khả năng tiếp thu và khái quát hóa kiến thức tốt, sẽ có cơ hội phát triển các kĩ năng nói chung tốt hơn. Ngược lại, một số trẻ mặc dù đã được giáo dục những kĩ năng cần thiết để hòa nhập xã hội nhưng trẻ vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đặc trưng ở trẻ rối loạn phổ tự kỉ (kể cả ở mức độ nhẹ) là khiếm khuyết về kĩ năng tương tác xã hội & giao tiếp, khả năng khái quát hóa và áp dụng những kiến thức đã học vào các hoàn cảnh khác nhau còn hạn chế nên ảnh hưởng nhiều đến khả năng thiết lập mối quan hệ xã hội ở trẻ; + Về phía người lớn (Cha mẹ trẻ, GV, người chăm sóc. . . ): GV cần hiểu biết về khó khăn của trẻ và nhận thức được sự cần thiết phải cung cấp cho trẻ những kĩ năng ứng xử phù hợp. Cha mẹ là người có ảnh hưởng nhiều đến trẻ nên cha mẹ cần thường xuyên giao tiếp, tạo cơ hội để trẻ giao tiếp và được tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau sẽ giúp trẻ có được cơ hội phát triển các kĩ năng nói chung và kĩ năng thiết lập các mối quan hệ xã hội nói riêng. GV và cha mẹ trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương pháp sẽ giúp trẻ luyện tập thêm tại gia đình, trẻ sẽ nắm vững kiến thức hơn; + Cán bộ quản lí nhà trường: cần có quan niệm đúng đắn về trẻ rối loạn phổ tự kỉ, thực hiện đúng những quy định của pháp luật về quyền đến trường của trẻ, sẵn sàng đón nhận các trẻ rối loạn phổ tự kỉ đến trường, tạo điều kiện cho GV nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu GV, cha mẹ trẻ, cán bộ quản lí không có hiểu biết đúng đắn, không có kiến thức và kĩ năng cần thiết trong quá trình giáo dục trẻ sẽ có thể dần dẫn đến: (i) Trẻ không có cơ hội để học các kĩ năng; (ii) Trẻ được học các kĩ năng nhưng theo cách không đầy đủ và thống nhất; (iii) Trẻ không có cơ hội khái quát hóa các kĩ năng theo hướng thừa kế và phát triển, không được học và rèn luyện liên tục. Như vậy, 121
- Đỗ Thị Thảo các yếu tố chủ quan đóng vai trò quan trọng và trực tiếp trong việc lựa chọn mục tiêu giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ. - Các yếu tố khách quan: + Yếu tố môi trường bao gồm: điều kiện gia đình, điều kiện cơ sớ vật chất, môi trường để trẻ rèn luyện, nhân tố xã hội. Một số gia đình có điều kiện sẽ cho trẻ học thêm tiết cá nhân với GV ngoài giờ lên lớp, được tiếp cận với sự hỗ trợ của giáo dục đặc biệt để có được những biện pháp phát triển kĩ năng ưu việt nhất. Những trẻ sống trong gia đình có nhiều kiến thức, kĩ năng tương tác với trẻ, trẻ có nhiều cơ hội phát triển tốt hơn và ngược lại trẻ sống trong gia đình mà cha mẹ ít có kiến thức, kĩ năng chăm sóc & giáo dục trẻ; + Điều kiện cơ sớ vật chất cũng có những ảnh hưởng không nhỏ như: trang thiết bị, phòng học đảm bảo về ánh sáng, giảm các yếu tố gây nhiễu; dụng cụ dạy học trực quan. . . ; + Môi trường giáo dục bao gồm môi trường mô phỏng và môi trường thực tế. Được trải nghiệm càng nhiều thì trẻ càng có cơ hội để phát triển và khái quát hóa các kĩ năng; + Nhân tố xã hội: Chế độ chính sách về trẻ khuyết tật được chú trọng, mở rộng, trẻ khuyết tật nói chung và trẻ rối loạn phổ tự kỉ càng có cơ hội được tham gia vào xã hội và phát huy được hết khả năng của mình. Chính sách xã hội tốt sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng động về trẻ rối loạn phổ tự kỉ và chính cộng đồng sẽ là lực lượng xã hội quan trọng để giúp trẻ hòa nhập nhanh hơn. 2.2. Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập * Khái niệm biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội: Là quá trình nhà giáo dục sử dụng các yếu tố kĩ thuật, các phương tiện cụ thể, môi trường tương tác an toàn và phong phú để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỉ xây dựng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, mọi người xung quanh một cách tự nhiên và phù hợp với lứa tuổi. * Các nguyên tắc đề xuất biện pháp: - Đảm bảo tính mục tiêu giáo dục: Mục tiêu giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1... Các biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập các mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ 4 - 5 tuổi trong trường mầm non hòa nhập cũng cần đảm bảo các mục tiêu này nhưng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với mức độ nhận thức của trẻ; - Đảm bảo tính kế thừa: Cần thiết phải kế thừa các biện pháp mà GV mầm non hòa nhập đã và đang sử dụng. Đồng thời, các biện pháp phải được phát triển để sát thực hơn, hiệu quả hơn, giúp trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi có thể thiết lập được mối quan hệ xã hội với bạn bè và người lớn; - Đảm bảo phát huy tính tích cực ở trẻ: Tính tích cực là yếu tố quyết định tính hiệu quả của các biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội. Nếu các biện pháp giáo dục được đề xuất phát huy được tính tích cực, hứng thú của trẻ thì sẽ mang lại hiệu quả giáo dục tốt, trẻ nhanh chóng và dễ dàng xây dựng được các mối quan hệ với mọi người xung quanh; - Đảm bảo tính hiệu quả, khả thi: Các biện pháp đề xuất phải tính đến hiệu quả của chúng khi thực hiện và phải đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn đề ra. Đồng thời, phải nắm được những lợi thế trong trợ giúp của gia đình, nhà trường và nắm bắt được mức độ chức năng hiện tại của trẻ. Việc đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong việc đề xuất các biện pháp sẽ giúp cải thiện được kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội và tiết kiệm được thời gian và công sức cho GV và cha mẹ trẻ. 122
- Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ... 2.2.1. Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ 4 - 5 tuổi trong môi trường mầm non hòa nhập Nhóm biện pháp 1: Các biện pháp trực tiếp hình thành kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội * Biện pháp 1. Hình thành các kĩ năng chơi để thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ Mục tiêu: Hình thành cho trẻ một số kĩ năng chơi để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỉ có cơ hội được tương tác với các bạn nhiều hơn, phát triển kĩ năng giao tiếp xã hội, khả năng luân phiên, chia sẻ với bạn bè. Nội dung: Sử dụng các hoạt động chơi nhằm tổ chức cho trẻ chơi luân phiên với nhóm bạn, bao gồm: rủ bạn cùng chơi, tham gia chơi cùng người khác, thỏa hiệp, chia sẻ, luân phiên, ứng xử khi thua cuộc, ứng xử khi thắng cuộc. Cách tiến hành: GV chọn một số hoạt động chơi phù hợp, tổ chức cho trẻ và các nhóm trẻ cùng chơi với nhau. Tùy nội dung hoạt động, GV có thể chia trẻ trong lớp thành nhóm nhưng đảm bảo là 3 - 4 trẻ/nhóm để GV dễ dàng kiểm soát, trong mỗi nhóm đều có trẻ rối loạn phổ tự kỉ. ⋆ Nội dung, mục tiêu và cách tiến hành một số hoạt động chơi - Rủ người khác cùng chơi: + Mục tiêu: Trẻ biết được các bước để rủ người khác cùng chơi, giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp và tự tin hơn. + Nội dung hướng dẫn: GV hướng dẫn các bước để trẻ hiểu thực hiện kĩ năng này sẽ phải làm như thế nào như: quyết định xem trẻ muốn chơi với ai; tìm đồ chơi mà các trẻ khác có thể thích; đi đến chỗ trẻ đó; đợi một sự tạm dừng hoặc đợi cho trẻ nhìn vào bạn, hỏi: “Bạn có muốn chơi cùng tôi không?”; nếu bạn nói “không” thì hãy hướng dẫn trẻ hỏi một bạn khác nữa hoặc thử một trò chơi khác. + Cách tiến hành: Khởi xướng trò chơi mà trẻ thích nhưng lại yêu cầu phải có 2 người chơi cùng. Sau đó gợi ý trẻ nói “Cô ơi chơi cùng con” hoặc để trẻ chủ động nói nếu trẻ có thể. Tiếp đến GV, cha mẹ trẻ khuyến khích trẻ thực hiện kĩ năng “Rủ người khác cùng chơi” theo như nội dung của các hướng dẫn bên trên. Khen thưởng nếu việc rủ bạn khác cùng chơi thành công và phù hợp. - Tham gia chơi cùng các bạn: + Mục tiêu: Trẻ biết các bước của kĩ năng tham gia chơi cùng các bạn, giúp trẻ tự tin, tham gia chơi cùng các bạn trong lớp. + Nội dung hướng dẫn: GV hướng dẫn các bước để trẻ hiểu thực hiện kĩ năng này sẽ phải làm như thế nào như tiến lại chỗ các bạn đang chơi; đợi cho đến khi “tạm dừng” hoặc “đến khi các bạn nhìn vào trẻ; trẻ có thể đến gần hơn và giơ ngón tay của mình lên cho các bạn nhìn vào trẻ; nói vài điều tốt đẹp về những việc mà người khác đang làm; hỏi nếu bạn cũng có thể chơi cùng; nếu bạn nói “Không”, hãy hỏi những bạn khác nữa. + Cách tiến hành: Hướng dẫn trẻ khởi xướng theo các bước cho hoạt động “tham gia chơi cùng các bạn”, có vài trẻ chơi một trò chơi (ví dụ chơi bóng được phân làm hai đội) và một trẻ thứ ba muốn tham gia vào, yêu cầu một số trẻ nói đồng ý và đôi khi nói không đồng ý, trẻ thứ ba phải nhớ để hỏi những trẻ khác; Khuyến khích các trẻ thực hiện kĩ năng; Sửa lỗi khi trẻ tham gia không phù hợp, ví dụ như trẻ tự nhiên chiếm phần chơi của các bạn; Trao phần thưởng khi trẻ tham gia chơi với các bạn một cách thích hợp. - Thỏa hiệp: 123
- Đỗ Thị Thảo + Mục tiêu: Trẻ biết các bước thỏa hiệp, giúp trẻ tự tin, tham gia vào hoạt động; + Nội dung hướng dẫn: GV hướng dẫn các bước để trẻ hiểu và thực hiện kĩ năng này sẽ phải làm như thế nào. Khám phá điều mà người khác muốn làm. Nói với người khác điều làm bạn muốn làm, ví dụ: “Bạn muốn làm gì? Chơi bán hàng à?”, trẻ sẽ thỏa hiệp “Mình muốn chơi trò làm bác thợ xây. Chúng mình chơi bán hàng rồi sau đó làm bác thợ xây nhé”. Đề xuất làm một vài thứ mà các bạn muốn, trong đó có thứ mà trẻ muốn làm. Đừng đòi hỏi mọi thứ theo cách của bạn; + Cách tiến hành: Hướng trẻ vào một trò chơi, cả hai trẻ cùng muốn chơi một đồ chơi, hai trẻ sẽ chơi cùng với nhau nhưng cả hai trẻ muốn chơi trò chơi khác nhau; Khuyến khích trẻ thực hiện kĩ năng, điều này có nghĩa là làm điều gì đó yêu cầu trẻ thỏa hiệp; Sửa lỗi những đòi hỏi mà các trẻ muốn có được bằng mọi cách, gợi ý các trẻ thỏa hiệp; Trao các phần thưởng cho thỏa hiệp một cách phù hợp. - Chia sẻ: + Mục tiêu: Trẻ biết các bước của kĩ năng chia sẻ, giúp trẻ tự tin chia sẻ với các bạn và mọi người. + Nội dung hướng dẫn: Các bạn có thể chia sẻ đồ chơi với trẻ nếu trẻ cũng chia sẻ đồ với bạn. Ví dụ, Bạn muốn chơi búp bê với mình không? Tớ có. Cảm ơn cậu! Hỏi xem trẻ có thể chia sẻ đồ chơi với mình không. Đừng dùng đồ đó mà không hỏi, ví dụ: Mình có thể chơi thú nhồi bông của bạn không? Được chứ!. + Cách tiến hành: Hướng trẻ vào hoạt động: Hai trẻ đều muốn chơi các khối xếp hình ngôi nhà, trẻ muốn chơi đồ chơi của một bạn khác tại lớp; Khuyến khích trẻ thực hiện kĩ năng; Sửa lỗi nếu trẻ không sẵn sàng chia sẻ, nói với trẻ rằng đây là tạm thời cho bạn mượn và mình có thể lấy lại ngay sau khi bạn chơi xong; Hướng cho trẻ nếu trẻ chia sẻ thích hợp với bạn. - Luân phiên: + Mục tiêu: Trẻ biết các bước của kĩ năng luân phiên, tham gia chơi và chờ đợi đến lượt của mình. + Nội dung hướng dẫn: Luân phiên có nghĩa là trẻ để các bạn chơi trò gì đó trong khi trẻ ngồi đợi. Sau đó trẻ chơi trong khi các bạn khác chờ đợi đến lượt. Luân phiên ai đi trước: Chọn một cách để quyết định ai sẽ là người chơi lượt đầu tiên (oẳn tù tì,...); Lần tiếp theo trẻ chơi một trò chơi, có ai khác muốn chơi trước. Nếu trẻ đợi cho đến lượt mình, các bạn khác sẽ rất vui và muốn chơi cùng với trẻ; + Cách tiến hành: Hướng trẻ vào hoạt động như: hai trẻ muốn sử dụng một chiếc xích đu cùng một lúc thì chỉ có thể một trẻ chơi; Khuyến khích các trẻ thực hiện kĩ năng; Sửa lỗi cho các trẻ không luân phiên chờ đến lượt; Thưởng cho trẻ khi trẻ chơi luân phiên thích hợp. - Ứng xử khi thua cuộc: + Mục tiêu: Trẻ biết các bước của kĩ năng ứng xử khi thua cuộc, giúp trẻ biết thể hiện đúng thái độ khi thua cuộc trong các tình huống; + Nội dung các bước hướng dẫn: Nói với trẻ: “Đó chỉ là một trò chơi, còn nhiều trò chơi khác”. Hãy nhớ rằng, mặc dù con thua trong trò chơi này nhưng con có thể có được tình bạn nếu trẻ thể hiện một tinh thần thể thao tốt (bạn đã chơi rất tốt,..). Bắt tay bạn và giúp đỡ bạn dọn trò chơi hoặc nguyên liệu; + Cách tiến hành: GV, cha mẹ trẻ nên nhắc nhở trẻ ngay trước khi các trẻ chơi một trò chơi. Khi cuộc chơi diễn ra, người lớn có thể lường trước trẻ nào sẽ thua và nhắc trẻ “nếu trẻ không tức giận, trẻ sẽ nhận được một phần thưởng”. Người lớn nên thể hiện ít sự nhiệt tình khi một trẻ nào đó chiến thắng và cũng thể hiện nhiều quan tâm cho trẻ ứng phó tốt với sự thất bại; Đóng vai các 124
- Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ... bước cho ứng xử khi thua cuộc, sử dụng các trò chơi ngắn để từng kĩ năng có thể được thực hiện mà không cần đợi một trò chơi dài kết thúc; Khuyến khích trẻ thực hiện kĩ năng bằng cách làm điều gì đó để yêu cầu các trẻ biết ứng phó với sự thất bại; Chuyển hướng nếu thua cuộc làm trẻ đó buồn rầu, chuyển sang hoạt động khác làm xao lãng đi. . . ; Thưởng cho những ứng xử thua cuộc khi thích hợp. - Ứng xử khi thắng cuộc: + Mục tiêu: Trẻ biết các bước của kĩ năng ứng xử khi thắng cuộc, giúp trẻ biết thể hiện đúng thái độ khi thắng cuộc. + Nội dung hướng dẫn: Nếu bạn thắng một trò chơi, trẻ cũng có thể có được một người bạn chơi nếu bạn thể hiện tinh thần thể thao tốt. Tinh thần thể thao tốt nghĩa là không khoe khoang hoặc phô trương là bạn đã thắng. Điều này khiến cho người khác cảm thấy không vui, nói “trò chơi tuyệt vời”. Nếu thấy bạn khác đang buồn vì họ đã thua cuộc, nhắc họ rằng đây chỉ là một trò chơi và họ có thể thắng trong lần chơi tiếp theo. + Cách tiến hành: Nhắc các trẻ rằng mục đích của chúng ta không phải là chiến thắng trong cuộc chơi, mà là để có một người bạn chơi; Sử dụng những trò chơi ngắn để các kĩ năng này được thực hành mà không phải đợi một trò chơi dài kết thúc; Khuyến khích các trẻ thực hiện kĩ năng bằng cách làm gì đó để yêu cầu trẻ ứng phó khi thắng cuộc bằng một cách lịch sự; Tặng thưởng nếu trẻ ứng xử hợp lí; Điều kiện để thực hiện biện pháp: GV cần có kĩ năng hướng dẫn và tổ chức các trò chơi chơi hợp tác. Biết khuyến khích và củng cố với những hành vi và cách cư xử phù hợp. Cha mẹ trẻ cần tích cực tổ chức các hoạt động chơi này tại gia đình. * Biện pháp 2: Sử dụng các tình huống mẫu để giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ - Mục tiêu: giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội với người khác thông qua các tình huống mẫu hoặc các đoạn video. - Nội dung: GV, cha mẹ trẻ sử dụng các tình huống hoặc sưu tầm các tình huống, quay các đoạn video có liên quan đến nội dung giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội. Sau đó hướng dẫn trẻ lựa chọn tình huống đúng, phù hợp. Trình chiếu video cho nhóm trẻ theo dõi và hướng dẫn trẻ thảo luận, nhận ra hành vi đúng/hành vi chưa đúng. Rút ra bài học và củng cố để trẻ ghi nhớ. - Cách tiến hành: GV, cha mẹ trẻ xây dựng các tình huống hoặc sưu tầm video, băng hình về các tình huống liên quan; Đọc tình huống (nên kết hợp với tranh ảnh để trẻ dễ hiểu và dễ hình dung) hoặc trình chiếu tình huống bằng video; Hướng dẫn các trẻ nhận biết các hành vi đúng/chưa đúng; Rút ra bài học cho trẻ; Củng cố và nhắc lại để trẻ ghi nhớ kiến thức. - Điều kiện thực hiện: Các tình huống xây dựng hoặc quay video phải ngắn gọn, rõ ràng và thực tiễn thường xuyên xảy ra. GV và cha mẹ trẻ phải tham gia tích cực cùng trẻ, luôn khuyến khích, động viên trẻ tham gia. Đảm bảo khi thảo luận hoặc tham gia tình huống phải ít nhất chó một đến 2 bạn cùng lớp hòa thập tham gia. Nhóm biện pháp 2: Rèn luyện, củng cố và mở rộng kĩ năng chơi nhằm thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ * Biện pháp 3: Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm có chủ đích - Mục tiêu: Hoạt động nhóm nhằm giúp trẻ rối loạn phổ tự kỉ có cơ hội được tương tác với các bạn nhiều hơn, trẻ học được nhiều kĩ năng khác như: ngôn ngữ, nhận thức về môi trường xung quanh từ các bạn đồng trang lứa. Thông qua hoạt động nhóm rèn luyện cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ khả năng luân phiên, chia sẻ với bạn bè. - Nội dung: Tổ chức hoạt động nhóm thông qua trò chơi xây dựng, hoạt động phát triển vận 125
- Đỗ Thị Thảo động tinh, vận động thô, khám phá môi trường xung quanh... Trong đó, GV hoặc cha mẹ trẻ tạo ra những tình huống buộc trẻ rối loạn phổ tự kỉ phải thể hiện nhu cầu tương tác và giao tiếp, ví dụ: Hoàn thiện bức tranh nhưng mỗi người trong nhóm sẽ đảm nhiệm 1 nhiệm vụ, khi trẻ tham gia hoạt động GV cố tình chia thiếu nguyên vật liệu để khi thao tác trẻ rối loạn phổ tự kỉ phải biết chờ đợi và chia sẻ với bạn hoặc đưa ra câu hỏi thảo luận nhóm và một thành viên bất kì trong nhóm phải trả lời. - Cách tiến hành: GV chọn một hoạt động phù hợp với nội dung học tập như: hoạt động vẽ nối tiếp theo nhóm, cắt dán bức tranh; tô màu,. . . Tùy thuộc vào số lượng trẻ trong lớp mà GV chia trẻ trong lớp thành nhóm nhưng đảm bảo là 3 - 4 trẻ/nhóm để GV dễ dàng kiểm soát, đảm bảo mức độ nhận thức giữa các nhóm là tương đương nhau, trong mỗi nhóm đều có trẻ rối loạn phổ tự kỉ (nếu lớp học có nhiều trẻ rối loạn phổ tự kỉ học hòa nhập. GV phổ biến nhiệm vụ và thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Các nhóm thực hiện nhiệm vụ, GV giám sát hỗ trợ các nhóm nếu cần thiết. Trưng bày và nhận xét sản phẩm của các nhóm. - Điều kiện để thực hiện: GV cần có khả năng bao quát lớp tốt, số lượng GV từ 2 - 3 người. Các hoạt động nhóm cần lựa chọn nội dung phù hợp để trẻ rối loạn phổ tự kỉ có thể tham gia. GV cần chú trọng đến mục tiêu GD, các hoạt động, cách phân chia nhóm đều phải được chuẩn bị kĩ càng. * Biện pháp 4: Xây dựng vòng tay bạn bè trong môi trường hòa nhập - Mục tiêu: Tạo cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ môi trường học tập thân thiện, giúp trẻ tự tin phát huy được khả năng của mình. GV xây dựng vòng bạn bè cho trẻ ở môi trường lớp học và cha mẹ trẻ xây dựng vòng bạn bè cho trẻ tại môi trường gia đình sẽ góp phần tiết kiệm được thời gian của GV và cha mẹ trẻ nhưng đảm bảo trẻ rối loạn phổ tự kỉ vẫn được giám sát và hỗ trợ. Xây dựng vòng bạn bè cũng là cách GD tinh thần đoàn kết, giúp đỡ người khác cho tất cả các trẻ trong lớp. - Nội dung: Tại lớp học GV lựa chọn những trẻ nhanh nhẹn và có tinh thần giúp đỡ trẻ khác để tạo thành nhóm với trẻ rối loạn phổ tự kỉ. GV sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm. GV là người hướng dẫn và nhận xét các hoạt động đó. Tại gia đình, cha mẹ trẻ cũng có thể áp dụng cách làm tương tự với những trẻ thường chơi cùng con mình. - Cách tiến hành: Ngay từ khi trẻ rối loạn phổ tự kỉ bước vào lớp, GV quan sát trong những hoạt động hàng ngày của trẻ và tìm ra những trẻ thường chơi cùng trẻ rối loạn phổ tự kỉ. GV cũng có thể lựa chọn 4 - 5 trẻ nhanh nhẹn, thông minh, hòa đồng và có trách nhiệm trong lớp để tạo thành nhóm với trẻ rối loạn phổ tự kỉ (cha mẹ trẻ tạo lập vòng bạn bè từ các thành viên trong gia đình hay bạn cùng xóm). Giáo viên/cha mẹ trẻ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm, hướng dẫn cách thức hỗ trợ, cách chơi và khởi xướng giao tiếp với trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Giáo viên/cha mẹ trẻ là người giám sát và nhận xét các hoạt động của nhóm. - Điều kiện thực hiện: GV, cha mẹ trẻ rối loạn phổ tự kỉ và cha mẹ các trẻ trong lớp phải là những tấm gương tốt, ủng hộ việc giúp đỡ bạn của trẻ. GV và cha mẹ trẻ thường xuyên bồi dưỡng những đức tính tốt đẹp cho trẻ thông qua các câu truyện, các tình huống. GV và cha mẹ trẻ luôn hỗ trợ kịp thời khi nhóm gặp khó khăn để các trẻ có thêm tự tin, đồng thời luôn động viên, khuyến khích trẻ khi tham gia vòng tay bạn bè này. * Biện pháp 5: Nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - Mục tiêu: Tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương là cơ hội để trẻ rối loạn phổ tự kỉ được mở rộng các mối quan hệ xã hội, trẻ có thêm môi trường trải nghiệm, các lực lượng xã hội biết đến trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhiều hơn và có cái nhìn toàn diện về khả năng của trẻ rối loạn phổ tự kỉ. 126
- Biện pháp giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ... - Nội dung: Các hoạt động đoàn thể bao gồm: các hoạt động văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, Tết dương lịch, Noel, ngày kỉ niệm dành cho người khuyết tật nói chung. . . - Các bước tiến hành: Nhà trường đăng kí tham gia các hoạt động văn nghệ đoàn thể để trẻ rối loạn phổ tự kỉ được tham gia; GV hướng dẫn trẻ các tiết mục văn nghệ để trẻ rối loạn phổ tự kỉ được tham gia biểu diễn cùng các bạn trong lớp; Sắp xếp vị trí đứng cho trẻ sao cho trẻ có thể quan sát và bắt chước được các động tác của những trẻ tốt hơn. Trong quá trình trẻ tham gia GV, cha mẹ trẻ luôn động viên, khuyến khích và hỗ trợ trẻ. Điều kiện thực hiện: Nhà trường cần chủ động và có sự chuẩn bị tốt về việc tổ chức và tham gia các hoạt động đoàn thể, thu hút và lôi cuốn được sự tham gia của các cơ quan trong và ngoài địa phương. Luôn tin tưởng vào khả năng của trẻ rối loạn phổ tự kỉ. 2.2.2. Mối quan hệ giữa các biện pháp Các biện pháp nêu trên nằm trong một chỉnh thể có mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau và có tính thống nhất, đồng bộ. Các biện pháp đều nhằm mục đích phát triển giao tiếp và tương tác xã hội, là những yếu tố nòng cốt để trẻ thực hiện khả năng thiết lập mối quan hệ xã hội. Trong đó, biện pháp 1 và 2 là các biện pháp trực tiếp hình thành kĩ năng thiết lập quan hệ xã hội cho trẻ và biện pháp 3, 4, 5 là các biện pháp giúp rèn luyện, củng cố, mở rộng kĩ năng cho trẻ. Vì vậy, nếu giúp trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ tăng khả năng giao tiếp và tương tác nghĩa là chúng ta đã đi được hơn một nửa chặng đường đặt ra. Các biện pháp mà chúng tôi đưa ra có tính độc lập tương đối nhưng có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau. Do vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp và tùy từng lúc, từng nơi, từng chỗ mà mỗi biện pháp được ưu tiên thực hiện. 3. Kết luận Trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhẹ gặp nhiều khó khăn trong môi trường mầm non hòa nhập do có nhiều khó khăn trong giao tiếp và thiết lập mối quan hệ xã hội. Đây là kĩ năng tổng hợp của các kĩ năng nhỏ như: kĩ năng luân phiên, kĩ năng chia sẻ, kĩ năng chơi hòa đồng với các bạn trong nhóm, kĩ năng duy trì giao tiếp trong nhóm. . . Với những hạn chế đáng kể về sự chia sẻ cảm xúc và thể hiện cảm xúc trẻ rối loạn phổ tự kỉ, cần nhiều hơn sự trợ giúp, hướng dẫn và khích lệ từ người lớn và các bạn đồng trang lứa trong lớp hòa nhập. Bên cạnh đó, để giáo dục kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội có hiệu quả cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ cần thiết phải có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình cũng cần chú trọng đến việc tạo lập vòng bạn bè trong các môi trường hoạt động mà trẻ tham gia. Hơn nữa, khả năng khái quát hóa ở trẻ rối loạn phổ tự kỉ gặp nhiều hạn chế nên ngoài thời gian học tập trên lớp trẻ cần được củng cố, luyện tập tại gia đình và các môi trường xã hội khác. Do vậy, kiến thức, kĩ năng về giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỉ của GV, cha mẹ và các thành viên trong gia đình là rất cần thiết. Khả năng phân biệt và chọn lọc thông tin đúng - sai ở trẻ rối loạn phổ tự kỉ còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, để đảm bảo trẻ tiếp thu các kĩ năng một cách trọn vẹn, chính xác thì vai trò và kĩ năng của người chăm sóc & giáo dục là rất quan trọng, là yếu tố quyết định sự tiến bộ của trẻ. Muốn trẻ tiến bộ và phát triển bền vững về kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội, GV cần tác động có mục đích, kế hoạch và có hệ thống thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm rèn luyện cho trẻ kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội với bạn bè và người lớn. 127
- Đỗ Thị Thảo TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Tuyết Mai, 2013. Thực trạng sử dụng câu chuyện xã hội giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ tự kỉ 4 -5 tuổi. Tạp chí Giáo dục, tháng 12/2013, tr73-75. [2] Đỗ Thị Thảo và cộng sự, 2015. Thực trạng kĩ năng thiết lập mối quan hệ xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ 4 - 5 tuổi tại một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội. Tạp chí khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, Số 60 (1), trang 113-123. [3] D’Ateno, P., Mangiapanello, K., & Taylor, B. A., 2003. Using video modeling to teach complex play sequences to a preschoo-ler with autism. Journal of Positive Behavioral Interventions, 5(1), pp. 5-11. [4] Gena, A., Couloura, S., & Kymissis, E., 2005. Modifying the affective behavior of preschoolers with autism using in-vivo or video modeling and reinforcement contingencies. Journal of Aut-ism and Developmental Disabilities, 35(5), pp. 545-556. [5] Kohler, F. W., Gretema, C., Raschke, D, Highnam,C., 2007. Using a buddy skills package to increase the social interactions between a preschooler with autism and her peers. Topics in Early Childhood Special Education, 27(3), pp. 155-163. [6] Owen-DeSchryver, J. S., Carr, E. G., Cal, S. I., Blakeley-Smith, A., 2008. Promoting social interactions between students with autism spectrum disorders and their peers in inclusive school set-tings. Focus on Autism and Other Developmental Disabilities, 23(1), pp. 15-28. [7] Pierce, K. & Screibman, L., 1995. Increasing complex social behaviors in children with autism: Effects of peer-implemented pivotal response training. Journal of Applied Behavior Analysis, 28(3), pp. 285-295. [8] Pierce, K. & Screibman, L., 1997. Multiple peer use of pivotal response training to increase social behaviors of classmates with autism: Results from trained and untrained peers. Journal of Ap-plied Behavior Analysis, 30(1), pp. 157-160. ABSTRACT Skills education measures for children with autism light spectrum disorders in preschool Babies with mild autism spectrum disorders (ASDs) have difficulty acquiring social skills and this has a negative influence on their ability to acquire information, language development and communication. The children have difficulty making friends and cooperation with people, including the teacher. And yet an educational skills set of social relationships for children with ASDs in an inclusive preschool environment is essential. Article 5 presents a proposed education measure skill set of social relationships for 4 to 5-year old children with ASDs in an inclusion preschool that includes: (i) Playing with other children to establish social relationships; (ii) Making use of sample situations; (iii) Regularly and intentionally take part in group activities (iv) Build friendship with those in the inclusive environment. A good school will organize cultural activities and entertainment. To ensure that children acquire the skills needed, the knowledge and skills of caregivers and educators is very important, and is the determinant of the child’s progress. Keywords: Autism spectrum disorders, Inclusive preschool, Social relationships, Education measures, Skill set of social relationships. 128
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục kĩ năng sống tại các trường trung học cơ sở ở Thành Phố Hồ Chí Minh
11 p | 153 | 27
-
Một số biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỉ học hoà nhập tiểu học
4 p | 172 | 15
-
Biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp tại thành phố Trà Vinh
7 p | 166 | 9
-
Biện pháp quản lí đội ngũ giáo viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trung học phổ thông hiện nay
8 p | 48 | 8
-
Một số biện pháp giáo dục kĩ năng tự phục vụ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non
5 p | 50 | 7
-
Thực trạng giáo dục kĩ năng hợp tác của trẻ 5-6 tuổi tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Dương
12 p | 117 | 6
-
Biện pháp tích hợp giáo dục kĩ năng mềm cho sinh viên trong dạy học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học trên địa bàn tỉnh Hải Dương
12 p | 62 | 4
-
Tích hợp giáo dục kĩ năng tư duy phản biện vào dạy học đọc hiểu văn bản trong môn Ngữ văn
7 p | 11 | 4
-
Biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh các trường trung học cơ sở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ
7 p | 103 | 4
-
Quản lí công tác giáo dục kĩ năng sống cho học sinh các trường tiểu học ở thành phố Thanh Hóa theo hướng xã hội hóa giáo dục
5 p | 83 | 3
-
Một số biện pháp giáo dục kĩ năng hợp tác cho trẻ 5-6 tuổi thông qua hoạt động chắp ghép ở trường mầm non
6 p | 9 | 3
-
Thực trạng và biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
9 p | 38 | 3
-
Biện pháp giáo dục kĩ năng giao tiếp cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi chậm phát triển ngôn ngữ
5 p | 82 | 3
-
Biện pháp giáo dục kĩ năng hợp tác cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong trò chơi vận động
4 p | 37 | 2
-
Biện pháp giáo dục kĩ năng thực hành quân sự theo tiếp cận hợp tác cho sinh viên ở trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh
5 p | 6 | 2
-
Biện pháp giáo dục kĩ năng hát cho sinh viên mầm non trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng
4 p | 35 | 2
-
Quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh các trường trung học phổ thông huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
6 p | 45 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn