JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 49-57<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0083<br />
<br />
BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ<br />
TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG<br />
Ngô Thanh Dung<br />
<br />
Khoa Tiểu học và Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam<br />
Tóm tắt. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương sử dụng nhiều biểu tượng, đa phần là biểu tượng tính<br />
dục. Tuy nhiên yếu tố dâm và tục không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện sáng tạo<br />
nghệ thuật. Thiên tính nữ được thể hiện trong thơ Hồ Xuân Hương ở tất cả các phương<br />
diện từ cách lựa chọn, xử lí đề tài, cách xây dựng điểm nhìn, ngôn ngữ giọng điệu nhưng<br />
đặc biệt nhất chính là ở cách xây dựng các biểu tượng nghệ thuật thông tục gần gũi với đời<br />
thường. Không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu, những quan niệm phong kiến, những<br />
biểu tượng thể hiện thiên tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương đã góp phần hoàn thiện bức<br />
tranh đa sắc màu về phái nữ đồng thời cũng tạo nên những đặc sắc riêng trong tư duy thẩm<br />
mĩ của bà Chúa thơ Nôm. Qua việc nghiên cứu biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương có<br />
thể khẳng định giới tính chính là điểm độc đáo làm nên sức hấp dẫn muôn đời của kì nữ<br />
thơ Nôm này.<br />
Từ khóa: Hồ Xuân Hương, Thơ Nôm, biểu tượng tính dục, thiên tính nữ.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Tác phẩm nghệ thuật là thế giới của hình tượng. Trong thế giới hình tượng ấy, có một nhân<br />
tố quan trọng và càng ngày càng trở thành đối tượng trung tâm của người thưởng thức và nghiên<br />
cứu đó là biểu tượng. Biểu tượng thường được nhìn nhận dưới nhiều góc độ: văn hóa, tâm lí, ngôn<br />
ngữ, văn học... Ở mỗi góc độ soi chiếu đều cho chúng ta những phát hiện thú vị về biểu tượng.<br />
Dưới góc độ văn học, biểu tượng được xem là những hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan<br />
bộc lộ quan điểm thẩm mĩ của một tác giả, một thời đại, một dân tộc, một nền văn hóa và thường<br />
được biểu hiện bằng các ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng. Văn học nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng<br />
biểu tượng, biểu tượng càng gần gũi bao nhiêu với hiện thực càng có sức sống bấy nhiêu với cuộc<br />
đời. Giải mã biểu tượng chính là con đường tư duy nghệ thuật vì vậy chúng ta không thể bỏ qua<br />
biểu tượng nghệ thuật khi tìm hiểu một tác phẩm nghệ thuật, một tác giả hoặc một thời đại văn<br />
học, nhất là ở đây chúng ta lại đang nói đến thơ Nôm Đường luật thời trung đại và nữ sĩ Hồ Xuân<br />
Hương – một tác giả mà chính bản thân nhà thơ cũng trở thành biểu tượng được soi chiếu dưới góc<br />
nhìn thiên tính nữ.<br />
Trên thực tế mỗi nhà văn khi sáng tác đều mang sẵn trong mình ý thức về giới tính. Vì vậy<br />
khi sáng tác ý thức về giới tính thường chuyển hóa vào tác phẩm thông qua cách lựa chọn và xử lí<br />
Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/7/2016<br />
Liên hệ: Ngô Thanh Dung, e-mail: dungthd1973@gmail.com<br />
<br />
49<br />
<br />
Ngô Thanh Dung<br />
<br />
đề tài, giọng điệu, ngôn ngữ, . . . đặc biệt là các biểu tượng nghệ thuật. Nhìn một cách tổng quát,<br />
các tác giả nam giới trong văn học thời trung đại thường chú ý tới những điều tự do phóng khoáng,<br />
những chủ đề văn học to lớn có tính chất đại cục trong khi đó những tác giả nữ thường quan tâm<br />
đến những đề tài giản dị và lựa chọn những biểu tượng nghệ thuật dung dị xoay quanh chính cuộc<br />
sống đời thường của người phụ nữ. Chính vì vậy sáng tác của cây bút nữ thường mang những đặc<br />
trưng riêng không nhòe lẫn. Phạm Ngọc Liên cho rằng “Bằng cách viết động chạm đến chuyện<br />
cấm kị họ đã tự cởi trói,... bằng nội tâm phong phú và nhạy cảm họ cho rằng họ viết về giới của họ<br />
trung thực hơn những gì người khác áp đặt” [6;30]. Với họ, viết chính là cách để bộc bạch những<br />
suy nghĩ trăn trở rất riêng của phái mình, thậm chí khi viết chung về một đề tài thì dường như thiên<br />
tính nam và thiên tính nữ cùng sự ý thức về giới toát ra từ hệ thống biểu tượng trong từng sáng tác<br />
của tác giả, Thơ Nôm Đường luật của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng không là ngoại lệ.<br />
Vấn đề về văn bản thơ Nôm của Hồ Xuân Hương vẫn hết sức phức tạp. Cho đến thời điểm<br />
này, khi khảo sát về con người và thơ Hồ Xuân Hương chúng ta vẫn cần có những tài liệu tham<br />
chiếu đáng tin cậy tuy nhiên việc tranh luận về số lượng và văn bản, tiểu sử... không nằm trong<br />
mục đích nghiên cứu của chúng tôi ở bài viết này, chúng tôi chỉ đi vào nghiên cứu những bài mang<br />
phong cách thống nhất.Việc tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ giới tính đã có nhiều<br />
nhà nghiên cứu đề cập nhưng những nghiên cứu theo hướng biểu tượng thì chưa thật xác định. Hệ<br />
thống biểu tượng nghệ thuật trong thơ Nôm đường luật của một tác giả thời trung đại là vấn đề có<br />
phạm vi không nhỏ, trong bài viết này tôi chỉ khảo sát một số biểu tượng thể hiện rõ nét tính chất<br />
giới tính trong sáng tác của Hồ Xuân Hương, đó là những biểu tượng nói về vẻ đẹp của người phụ<br />
nữ và hệ thống biểu tượng thể hiện những tình cảm, tâm trạng của người phụ nữ.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Điểm nhìn của Hồ Xuân Hương là điểm nhìn thiên tính nữ<br />
<br />
Biểu tượng thể hiện thiên tính nữ là một điểm độc đáo tạo nên cái cách thức thể hiện lạ<br />
trong thơ Hồ Xuân Hương. Trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương điểm đặc sắc đầu tiên<br />
chúng ta có thể nhận thấy là tất cả các biểu tượng nghệ thuật trong thơ nữ sĩ đều xây dựng trên một<br />
quan niệm thẩm mĩ khác với quan niệm vốn có của xã hội phong kiến. Theo GS Lã Nhâm Thìn<br />
đó là quan niệm coi “Cái đẹp là cuộc sống tự nhiên, bản năng lành mạnh của con người” đặc biệt<br />
là người phụ nữ. Cái nhìn về giới của Hồ Xuân Hương là cái nhìn của một người phụ nữ đặt mình<br />
trong cuộc sống bình dân, cái nhìn có ảnh hưởng của lối tư duy dân gian. Xuất phát điểm đó đã<br />
tạo nên một Hồ Xuân Hương mạnh mẽ cá tính, luôn tiềm tàng sức phản kháng ngay trong bi kịch,<br />
không giống bất cứ ai. Ngô Gia Võ trong đề tài Hồ Xuân Hương với dòng thơ Nôm Đường luật<br />
trào phúng đã viết: “Đó là tiếng lòng sâu thẳm của một người đàn bà nhiều khát vọng lắm khổ đau<br />
và rất cô đơn buồn bã gữa cuộc đời, người đàn bà ấy đối diện với chính mình trong nỗi cô đơn đem<br />
từng tế bào tâm hồn của người giãi bày trên trang giấy” [10;113] Nguyễn Lộc đã nhận xét: “Hồ<br />
Xuân Hương là nhà thơ nữ, nhà thơ của phụ nữ bằng kinh nghiệm cuộc đời chung và kinh nghiệm<br />
cuộc đời riêng chẳng ra gì”. Đỗ Đức Hiểu cũng cho rằng: “Hồ Xuân Hương hòa đồng cái thiêng<br />
liêng với cơ thể người phụ nữ tức là tiếng nói của tự nhiên của bản năng muôn thủa của loài người,<br />
của hạnh phúc con người” [4;42]. Nói như Nguyễn Lộc, “Hình như đã trở thành quy luật phổ biến<br />
là bất cứ một nền văn học nào khi ra đời trào lưu nhân đạo chủ nghĩa thì vấn đề người phụ nữ lại<br />
được đặt lên hàng đầu” [5;26]. Điểm nhìn về giới tính của Hồ Xuân Hương không giống với người<br />
đi trước và cùng thời bà có cái nhìn riêng hơn nữa cái nhìn bắt nguồn từ thời đại nhà thơ sống,<br />
từ chính cuộc đời bà, cuộc đời của người phụ nữ chịu nhiều trớ trêu, gãy đoạn, long đong lận đận<br />
50<br />
<br />
Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương<br />
<br />
trong tình duyên. Điểm nhìn giới tính của Hồ Xuân Hương là điểm nhìn thiên tính nữ. Điểm nhìn<br />
của nữ sĩ về vấn đề giới tính chỉ toàn những gì quen thuộc gần gũi không to tát, đó là cuộc sống<br />
đời thường với sự ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ, với khát khao tình yêu, hạnh phúc bản năng.<br />
Hơn thế, dù có táo bạo mạnh mẽ gan góc đi nữa thì thực chất Hồ Xuân Hương cũng chỉ là một<br />
người đàn bà và bà cũng là một nạn nhân điển hình của xã hội phong kiến nhiều bất công tàn nhẫn<br />
với nữ giới. Vì vậy bà luôn hướng về người phụ nữ như một nạn nhân cần bênh vực bảo vệ nâng<br />
niu những gì đẹp nhất nơi họ. Hồ Xuân Hương xuất hiện như một hiện tượng đột xuất nhưng cũng<br />
như một tất yếu lịch sử xã hội việt Nam nói riêng và xã hội phương Đông nói chung. Đọc những<br />
câu thơ Nôm Hồ Xuân Hương, ta thấy ở đó đọng kết từ vẻ đẹp hình thức, tâm hồn đến nước mắt,<br />
niềm đau, cả sự xót xa, khát khao hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam dồn nén bao thế kỉ. Tất<br />
cả cất lên thành tiếng thơ vừa đầy bản lĩnh tự hào vừa day dứt thổn thức không nguôi của giới nữ<br />
mà chính bản thân nữ sĩ là một đại diện.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Biểu tượng nghệ thuật trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương thể hiện thiên tính<br />
nữ<br />
<br />
Nét nổi bật tạo nên sức hấp dẫn của thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương đó chính là: “Thơ<br />
của người phụ nữ viết về giới phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến”. Trong thơ nữ sĩ đã sử dụng<br />
một hệ thống biểu tượng ẩn dụ về thân phận người phụ nữ. Biểu tượng về vấn đề giới tính trong thơ<br />
Hồ Xuân Hương nói chung đều do sự liên tưởng so sánh từ các sự vật hiện tượng trong hiện thực<br />
khách quan hoặc từ các biểu tượng gốc trong thế giới biểu tượng của huyền thoại hay trong dân<br />
gian. Không phải là những biểu tượng ước lệ quen thuộc của văn học trung đại như tùng, cúc, trúc,<br />
mai, sen, liễu,. . . mà đều là những gì bé nhỏ bình dị thậm chí tầm thường, có tính chất đời thường<br />
như: Chiếc bánh trôi, miếng trầu, quả mít, cái quạt, cái giếng, con ốc nhồi, đồng tiền hoẻn. . . Tất<br />
cả những biểu tượng nghệ thuật mà Hồ Xuân Hương lựa chọn đều được miêu tả dưới hệ quy chiếu<br />
đầy nữ tính nhằm thể hiện vẻ đẹp ngoại hình cũng như tâm hồn, tình cảm của người phụ nữ.<br />
<br />
2.2.1. Những biểu tượng nghệ thuật nhằm thể hiện vẻ đẹp ngoại hình<br />
Cơ thể người phụ nữ đã trở thành nhân vật trong thơ nữ sĩ. Không chỉ là đối tượng được<br />
miêu tả mà nó được nâng lên thành biểu tượng cho vẻ đẹp của cuộc sống, mang đến một thái độ<br />
nhân đạo sâu sắc. Với tư tưởng này có thể coi Hồ Xuân Hương là nhà thơ Phục Hưng của văn học<br />
Việt Nam thời trung đại. Văn học trung đại khi nói về vẻ đẹp của người phụ nữ về hình thể thường<br />
theo một công thức chung như: mắt phượng, mày ngài, lông mày lá liễu, làn thu thủy, nét xuân<br />
sơn... Trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương thì người phụ nữ bước vào với dáng vẻ hoàn<br />
toàn khác. Bà đã thể hiện một triết lí ngược lại, coi hình thể là biểu tượng cho vẻ đẹp và nâng nó<br />
lên thành vẻ đẹp hoàn mĩ nhất. Nhà thơ đã cho chúng ta ngắm một bức truyền thần khỏa thân một<br />
thiếu nữ ngủ ngày bằng ngôn ngữ đầy gợi cảm:<br />
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông<br />
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng<br />
Lược trúc biếng cài trên mái tóc,<br />
Yếm đào trễ xuống dưới nương long<br />
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm<br />
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.<br />
(Thiếu nữ ngủ ngày)<br />
Vẻ đẹp thanh tân của người con gái được nhà thơ miêu tả qua những biểu tượng gợi cảm<br />
nhất của giới nữ: “Đôi gò Bồng Đảo”, “Một lạch Đào Nguyên” và điều đáng quý là tất cả vẫn còn<br />
51<br />
<br />
Ngô Thanh Dung<br />
<br />
trinh nguyên, e ấp, giữ gìn “sương còn ngậm”, “suối chửa thông” khiến người quân tử cũng phải<br />
“dùng dằng” giữa đi và ở. Chính những biểu tượng gợi cảm đó là khởi nguồn, là điều làm nên niềm<br />
hạnh phúc hoan lạc ở trần gian nhưng nói như Nguyễn Du: “thiện căn là ở lòng ta”, lấy cơ thể làm<br />
đối tượng miêu tả Xuân Hương không nhằm mục đích gợi những điều xấu xa, nhục cảm mà chỉ để<br />
thể hiện thái độ nhân văn, nhân đạo sâu sắc, bộc lộ bản lĩnh, bước đi táo bạo, trước thời đại của nữ<br />
sĩ.<br />
Mượn chiếc bánh trôi giản dị Hồ Xuân Hương ca ngợi vẻ đẹp, phồn thực của hình thể: Thân<br />
em vừa trắng lại vừa tròn (Bánh trôi nước).<br />
Những nét vẽ của nữ sĩ tạo nên ấn tượng về một vẻ đẹp tròn trịa đầy đặn, khỏe khoắn của<br />
người phụ nữ rất gần với quan niệm thẩm mĩ trong dân gian về “mẫu tính” gắn liền với chức năng<br />
thiên bẩm của người phụ nữ là duy trì nòi giống. Hồ Xuân Hương đã khai thác từng đặc điểm tính<br />
chất của các sự vật hiện tượng rồi nâng lên thành biểu tượng nhằm tôn vinh người phụ nữ ở những<br />
khía cạnh khác nhau của vẻ đẹp. Có lúc nhỏ nhắn duyên dáng ý nhị:<br />
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi<br />
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.<br />
(Mời trầu)<br />
Có lúc gai góc xù xì nhưng gợi cảm, hấp dẫn khó lòng cưỡng lại:<br />
Thân em như quả mít trên cây<br />
Da nó xù xì múi nó dày.<br />
(Quả mít)<br />
Xuân Hương tự họa chân dung của mình qua những hình ảnh mang tính biểu tượng. Không<br />
phải là trầu quế, trầu hồi, trầu loan, trầu phượng mà chỉ là miếng trầu hôi nhỏ bé khiêm nhường, đi<br />
kèm với “quả cau nho nhỏ “khiêm nhường nếu không muốn nói rất tầm thường nhưng chân thành<br />
tha thiết.<br />
Thân thể người phụ nữ là cội nguồn của mọi sự sống trên đời này, là nơi ẩn chứa nhiều<br />
“chất đàn bà” nhất, là điểm đáng tự hào và đáng để ca ngợi của người phụ nữ. Với quan điểm đó<br />
Hồ Xuân Hương đã trút bỏ hoàn toàn khỏi những giáo điều trung cổ, mở tung những khăn áo đội<br />
đầu của người phụ nữ trong ca dao, gạt đổ hết những khuôn gói “chim sa cá lặn”, “nghiêng nước,<br />
nghiêng thành” trong văn học đương thời để xây dựng lên một hệ thống biểu tượng “phạm thượng”<br />
(chữ dùng của GS Lã Nhâm Thìn trong Thơ Nôm Đường luật). Đó là những biểu tượng nghệ thuật<br />
“phạm thượng” với “đấng bề trên” với các “thứ đạo “trói buộc quyền sống bản năng của con người<br />
đặc biệt là người phụ nữ. Cái quạt kia không thơ lắm nhưng vẫn được dùng để che đầu bậc quân<br />
tử, vẫn được “chúa dấu vua yêu”, một vầng tăng thu “chín mõm mòm” hay “đôi gò bồng đảo”,<br />
“một lạch đào nguyên”... có đáng kể gì đâu mà vẫn làm quân tử “dùng dằng đi chẳng dứt” và còn<br />
biết bao kẻ “mỏi mắt dòm” và “chồn chân mỏi gối vẫn còn ham “, “vẫn muốn trèo” vào “hang Cắc<br />
Cớ”, “kẽm Trống”, “động Hương Tích”, “đèo Ba Dội”, “hang Thanh Hóa... vì ở đó có sự “nhấp<br />
nhô” của đèo, có “cảnh cheo leo”, có “cỏ mọc xanh rì lún phún rêu”, có “lườn đá cỏ leo sờ rậm<br />
rạp” có “lạch khe nước rỉ mó lam nham”. “Cái biểu đạt” và cái “được biểu đạt” trong các biểu<br />
tượng nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương không tan biến vào nhau như nhiều hiện tượng thơ khác mà<br />
dường như giữa chúng có một tấm rèm nửa như phô bày nửa như che đậy, vẫn rất ý nhị kín đáo<br />
nhưng cũng rất mạnh bạo và táo tợn. Đá kia cũng trở nên có da có thịt “còn biết xuân già dặn”, cỏ<br />
cây như cũng có tình.<br />
“Chẳng trách người ta lúc trẻ trung” tràn trề xúc cảm, sinh lực. Những điều chân thật nhất,<br />
tự nhiên nhất và cũng kín đáo nhất của cơ thể và khát vọng bản năng người phụ nữ được Hồ Xuân<br />
52<br />
<br />
Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương<br />
<br />
Hương thể hiện trên những con chữ một cách hấp dẫn. Với cách thể hiện ấy bà chúa thơ Nôm đã<br />
đảo ngược trật tự phong kiến, phá bỏ lớp vỏ quy ước lớn về hình thức trong văn chương làm thay<br />
đổi bộ mặt sáng tác được coi là trang nhã nhất trong văn học từ trước đến nay.<br />
<br />
2.2.2. Những biểu tượng nghệ thuật nhằm thể hiện vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của người<br />
phụ nữ<br />
Người ta đã quen với việc đánh giá thơ Hồ Xuân Hương là tiếng thơ “đầy góc nhọn, đầy<br />
cạnh sắc” nhưng đằng sau vỏ bọc tưởng chừng gai góc đó là một tâm hồn đằm thắm bản năng của<br />
người phụ nữ. Khát vọng tình yêu và khát vọng ái ân luôn cháy lên trong một tâm hồn người phụ<br />
nữ đa tình giàu sức sống.<br />
Năm canh lơ lửng chờ ai đó<br />
Hay có tình riêng với nước non.<br />
(Hỏi trăng)<br />
Là người phụ nữ ý thức được giá trị của mình, thấu hiểu được sự quý giá của tình yêu, hạnh<br />
phúc Hồ Xuân Hương công khai tuyên bố hạnh phúc ái ân là một thú vui không thể chối bỏ, là đặc<br />
quyền đặc lợi đáng tận hưởng của người phụ nữ:<br />
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ<br />
Trách người thợ vẽ khá vô tình.<br />
(Tranh tố nữ)<br />
Những hình ảnh, biểu tượng Xuân Hương sử dụng trong các bài thơ Nôm không bao giờ có<br />
tính đơn nghĩa mà luôn gợi nhiều liên tưởng cho người đọc về chuyện ái ân. Mọi sự vật hiện tượng<br />
trong thơ nữ sĩ lúc nào cũng hữu tình sống động, cựa quậy, bứt phá chứ không bất động, vô hồn.<br />
Những biểu tượng hang động, đồi, gò, kẽm, giếng, lỗ, cọc, sừng, hòn, lạch Đào Nguyên... nếu đặt<br />
trong sự liên tưởng và trong mỗi văn cảnh cụ thể người tiếp nhận thơ bà dễ dàng nhận ra ý nghĩa<br />
giới tính. Bà chúa thơ Nôm không những nói một cách trực diện và thẳng thắn mà rõ ràng còn nói<br />
một cách đầy đủ, hệ thống về khát khao bản năng của người phụ nữ.<br />
Quả mít<br />
Quân tử có thương thì đóng cọc<br />
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.<br />
<br />
Vịnh Ốc nhồi<br />
Quân tử có thương thì bóc yếm<br />
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.<br />
<br />
Hồ Xuân Hương còn đóng dấu ấn cá nhân vào miếng trầu rồi đem mời người một cách cá<br />
tính hoặc như “mời mọc” đầy ẩn ý mà cũng rất mạnh mẽ táo bạo nhưng vẫn không kém phần<br />
duyên dáng nữ tính:<br />
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi<br />
Này của Xuân Hương mới quệt rồi<br />
Có phải duyên nhau thì thắm lại<br />
Đừng xanh như lá bạc như vôi<br />
(Mời trầu)<br />
Xuân Hương không chỉ tự hào về vẻ đẹp hình thể mà còn làm sáng lên những phẩm chất<br />
trong trắng vẹn toàn của người phụ nữ:<br />
Bánh trôi nước<br />
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn<br />
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.<br />
<br />
Giếng nước<br />
Giếng ấy thanh tân ai có biết<br />
Đố ai dám thả nạ dòng dòng.<br />
53<br />
<br />