intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bồi dưỡng tri thức lịch sử, văn hóa cho hướng dẫn viên du lịch tại di sản văn hóa thế giới Hội An trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

5
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở lý luận; thực trạng du lịch, hướng dẫn viên du lịch bài viết "Bồi dưỡng tri thức lịch sử, văn hóa cho hướng dẫn viên du lịch tại di sản văn hóa thế giới Hội An trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tri thức lịch sử, văn hóa cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch dẫn khách tham quan Thành phố Hội An. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhất là trong bồi dưỡng tri thức lịch sử, văn hóa. Tất cả nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, để du lịch Hội An phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bồi dưỡng tri thức lịch sử, văn hóa cho hướng dẫn viên du lịch tại di sản văn hóa thế giới Hội An trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

  1. BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA ... CHO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI HỘI AN TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TS. Đào Vĩnh Hợp1 Tóm tắt: Di sản văn hóa thế giới Hội An là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; giàu tiềm năng tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa. Hội An đã và đang trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều thời cơ cùng thách thức đối với sự phát triển toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực văn hóa, du lịch. Trên cơ sở lý luận; thực trạng du lịch, hướng dẫn viên du lịch bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tri thức lịch sử, văn hóa cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch dẫn khách tham quan Thành phố Hội An. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhất là trong bồi dưỡng tri thức lịch sử, văn hóa. Tất cả nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, để du lịch Hội An phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, hướng dẫn viên du lịch, lịch sử, Hội An, văn hóa. 1. TỔNG QUAN VỀ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI HỘI AN VÀ CÁC KHÁI NIỆM, LÝ LUẬN LIÊN QUAN 1.1. Về di sản văn hóa thế giới Hội An và các nguồn tài nguyên du lịch Thành phố Hội An hiện nay trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Hội An có diện tích 6.068km2, tọa độ địa lý: vĩ độ Bắc: 15o15’26” đến 15o55’15”, kinh độ Ðông: 108o17’08” đến 108o23’10”. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê ngày 01/04/2019, dân số Hội An là 98.599 người, hành chính chia thành 9 phường: Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Nam, Cẩm Phô, Cửa Đại, Minh An, Sơn Phong, Tân An, Thanh Hà và 4 xã: Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Tân Hiệp (xã đảo nằm trên Cù Lao Chàm) (Tổng cục Thống kê, 2020, 26). 1 Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn. Email: daovinhhop.dhsg@gmail.com/ dvhop@sgu.edu.vn.
  2. 568 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Hội An có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Thành phố này vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng quần thể kiến trúc đô thị cổ quý báu với hầu hết các loại hình kiến trúc cổ của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, tính đến 31/12/2014, Hội An có 1.429 di tích, trong đó có 1.328 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ) (Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An, 2015, tr. 173). Bên cạnh đó, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo, đã trải qua quá trình gạn lọc, tiếp biến, và định hình nên những sắc thái rất riêng, đúng như Trần Quốc Vượng đã từng nhận xét “Hội An – Đó là một sự hội, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng” (Trần Quốc Vượng, 1991, tr. 52). 1.2. Lý luận về tài nguyên du lịch văn hóa Theo Luật Du lịch năm 2017: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch (Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2017, tr.1, 6). Du lịch văn hóa (Cultural tourism) trở thành loại hình du lịch mới và khá phổ biến. Đây là khái niệm được đặt ra và sử dụng rộng rãi từ giữa thế kỷ XX. Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hình thức du lịch văn hóa được xem như là một sự thay thế thích hợp nhất để các hoạt động du lịch đại trà. Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch thế giới WTO (World Tourism Organization): Du lịch văn hóa là những chuyến đi mà mục đích chính hoặc mục đích bao gồm trong đó là
  3. BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA... 569 thăm các địa điểm, sự kiện mà giá trị văn hóa, lịch sử của chúng khiến chúng trở thành một phần trong di sản văn hóa của một cộng đồng. Du lịch văn hóa thực chất chính là hình thức du lịch đi ra khỏi nơi cư trú của mình đến một nơi khác để khám phá và tham gia những hoạt động văn hóa bao gồm các hoạt động âm nhạc, hội chợ và lễ hội, cưới hỏi và các nghi lễ, tham quan các nơi ở và công trình di tích, tìm hiểu tự nhiên, văn hóa nghệ thuật dân gian,… (Alexis Papathanassis, 2011, tr. 191). Du lịch di sản (Heritage tourism) là một phần của du lịch văn hóa. Loại hình du lịch này cung cấp một trải nghiệm xác thực về giao tiếp với đời sống, sự kiện hay những thành tựu của các dân tộc trong quá khứ. Ở một nghĩa rộng, điều đó bao gồm đi đến các địa điểm khảo cổ và lịch sử, vườn quốc gia, bảo tàng hay những nơi mang ý nghĩa truyền thống và dân tộc để trải nghiệm những nền văn hóa khác và khám phá nguồn gốc tiền sử và lịch sử của họ, những giá trị di sản cả vật thể và phi vật thể (x. David Leslie, Marianna Sigala, 2005, tr. 5 – 7). Có thể thấy, tất cả tài nguyên du lịch văn hóa (vật thể và cả phi vật thể) độc đáo riêng có đã tạo tiềm năng để Hội An hoàn toàn có thể kết hợp khai thác cả di sản vật thể, di sản phi vật thể và các lợi thế địa phương để đa dạng hóa hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên các loại hình du lịch đặc thù: du lịch di sản văn hóa, du lịch di sản. 1.3. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thời cơ, thách thức đối với văn hóa, du lịch Thế giới đã trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp với cách gọi theo thứ tự từ 1.0 đến 4.0. Hiện nay, cả thế giới đã bắt đầu bước chuyển mình sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên 4 lĩnh vực chính: Lĩnh vực kỹ thuật, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn; Lĩnh vực vật lý, bao gồm: In 3D, Vật liệu mới, Robot cao cấp, xe tự lái; Lĩnh vực công nghệ sinh học và Lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế lớn có
  4. 570 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... tác động đến phát triển kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người (Viện Khoa học Pháp lý, 2018). Việt Nam đang cùng thế giới đón nhận những thời cơ và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 thực tế đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Trước nhất, ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 giúp cho ngành Du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Công nghệ được ứng dụng để tạo ra các phương tiện, công cụ thông minh hỗ trợ cho các hoạt động du lịch, như: tiện ích thuyết minh tự động, phần mềm quản lý hành chính điện tử, phần mềm quản lý hướng dẫn viên du lịch, phần mềm đặt vé trực tuyến, tiện ích chỉ đường và tìm kiếm khách sạn, khu vui chơi giải trí,… Từ đó giúp dần hình thành hệ sinh thái du lịch phong phú, tiết kiệm thời gian, nhân lực lao động, chi phí sản xuất, giảm giá thành các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cho thấy những hạn chế của ngành Du lịch như: hạ tầng công nghệ, vấn đề nhận thức, trình độ nhân lực,… cần được quan tâm có hướng từng bước giải quyết trong thời gian tới để du lịch Việt Nam đang từng bước bắt kịp với đà phát triển của thế giới. 2. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA CHO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH TẠI HỘI AN TRƯỚC BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 2.1. Hội An đã và đang trở thành là Thành phố di sản và du lịch, lượng du khách quốc tế chiểm tỷ lệ cao Trong 5 năm (2016 – 2019), ngành Du lịch Hội An tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Bình quân giai đoạn, tổng lượng khách đến Hội An tăng 26,5%/năm, tổng lượt khách lưu trú tăng trên 20%/năm, tổng ngày khách lưu trú tăng trên 19%/năm. Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024), tổng lượt khách đến Hội An trong năm 2023 là 4.000.000 lượt, (tăng 99,79% so với
  5. BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA... 571 cùng kỳ); trong đó, khách quốc tế 3.000.000 lượt (tăng 327,63% so với cùng kỳ). Riêng tổng lượng khách lưu trú tại Hội An trong năm 2023 là 1.553.000 lượt (tăng 100,47% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế 1.276.000 lượt (tăng 267,96% so với cùng kỳ); khách Việt Nam 277.000 lượt (đạt 64,73% so với cùng kỳ). Điều đặc biệt là khách quốc tế chiếm tỷ trọng trên 70%, với lượng khách dẫn đầu đến từ Hàn Quốc (hơn 215 ngàn lượt, chiếm 20,65%); tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) và Australia thị trường đứng thứ 2 và thứ 3 (với lần lượt là hơn 137 ngàn lượt, chiếm 13,21% và hơn 83 ngàn lượt, chiếm 8,05%). Trong khi đó, khách châu Âu đi theo đoàn có sự gia tăng vào những tháng cuối năm 2023 với thị trường khách đến từ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha chiếm thị phần cao (trong danh sách top 10 nước đưa khách đến Hội An lưu trú nhiều nhất). Ngoài ra, năm 2023, Hội An cũng ghi nhận sự tăng nhanh của khách đến từ thị trường các nước thuộc khối ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia; đặc biệt là khách Malaysia đứng vị trí thứ 5 trong danh sách những nước đưa khách đến Hội An nhiều nhất với hơn 59 ngàn lượt khách, chiếm 5,72%. Hằng năm, Hội An đều được các tổ chức du lịch quốc tế vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín. Ngày 31/10/2023, Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Thống kê gần đây nhất cho thấy dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, tổng lượng khách tham quan và lưu trú tại Thành phố Hội An khoảng 300 nghìn lượt (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023). Khách du lịch lưu trú đạt 45 nghìn lượt (tăng 48% so với cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế đạt 37 nghìn lượt. 2.2. Hội An là di sản văn hóa thế giới, nhiều tuyến điểm gắn di sản và lượng khách đến bảo tàng, di tích chiếm tỷ lệ cao Với giá trị di sản nổi trội toàn cầu, ngày 4/12/1999, Tổ chức Văn hóa – Khoa học – Giáo dục Liên hợp quốc UNESCO đã ghi tên Hội An vào danh mục các di sản Văn hóa thế giới (Cục Di sản Văn hóa, 2019). Hơn 20 năm qua, Thành phố di sản này đã phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó thế mạnh lớn nhất về du lịch di sản
  6. 572 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... văn hóa. Hiện nay, Hội An là một trong những điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách toàn cầu. Trong khu phố cổ Hội An, hệ thống các di tích đã và đang là những điểm thu hút nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử – văn hóa Hội An. Danh sách các điểm tham quan có bán vé Hội An TT Loại hình Tên di tính Miếu Quan Công Chùa Cầu 1 Công trình văn hóa Đình Cẩm Phô Tụy Tiên Đường Minh Hương Nhà cổ Phùng Hưng 2 Nhà cổ Nhà cổ Đức An Nhà cổ Quân Thắng Nhà thờ Nhà thờ Tộc Trần 3 Nhà thờ Tộc Nguyễn Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến 4 Quảng Triệu Hải Nam Bảo tàng Văn hóa dân gian 5 Bảo tàng Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An Gu Sokukun 6 Lăng mộ thương nhân Nhật Bản Tani Yajirobei Banjiro 7 Xứ Đàng Trong và xem biểu diễn nghệ thuật cổ truyền (vào lúc 10h15 và 15h15 hằng ngày) (Nguồn tác giả tổng hợp từ https://hoianheritage.net) Kết quả thống kê cho thấy lượng khách đến tham quan những điểm bảo tàng, di tích chiếm số lượng lớn và tăng đều qua các năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các điểm bảo tàng, di tích trong Khu phố cổ Hội An do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An trực tiếp quản lý đã đón 661.003 lượt khách tham quan, trong đó có 592.499 lượt khách quốc tế, khách Việt Nam có 68.504 lượt, tăng 411,91% so với cùng kỳ năm ngoái (Phòng Bảo tàng, 2023).
  7. BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA... 573 2.3. Trên thế giới hiện nay, có nhiều nước thành công trong khai thác du lịch từ di sản văn hóa Trên thế giới hiện nay, có nhiều nước thành công trong khai thác du lịch từ di sản văn hóa. Hàn Quốc và Thái Lan là những quốc gia có công nghiệp du lịch văn hóa phát triển rất mạnh. Thông qua khai thác du lịch di sản văn hóa, các quốc gia này đã rất thành công trong việc thu hút du khách quốc tế. Năm 2019, Hàn Quốc có khoảng 17,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc năm 2023 là 11,03 triệu người, tăng 245,0% so với năm trước đó (Hoàng Phương Ly, 2024). Còn tại Thái Lan, trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, năm 2019, ngành Du lịch Thái Lan đóng góp 3.000 tỷ baht cho nền kinh tế Thái Lan, chiếm 18% GDP của cả nước, trong đó 2.000 tỷ baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP) (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2022). Đến năm 2023, Thái Lan đón hơn 27 triệu lượt khách quốc tế. Vùng đất Hội An có bề dày lịch sử, lợi thế về tự nhiên, di sản,… nên hoàn toàn có thể khai thác tốt cho phát triển các loại hình du lịch gắn liền với di sản, văn hóa. 2.4. Trong phát triển du lịch bền vững, nguồn lực con người, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch giữ vai trò quan trọng Trong hoạt động du lịch nói chung, hướng dẫn viên du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng. Dưới góc nhìn của du khách trong, ngoài nước, đó chính là những “sứ giả văn hóa”. Hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong các tour du lịch có ảnh hưởng rất lớn, nếu không muốn nói là trực tiếp đến hình ảnh về con người, phong tục, tập quán và văn hóa địa phương, đất nước. Hiện nay, vấn đề nguồn lực phát triển của một quốc gia, dân tộc đang được đặc biệt chú ý nghiên cứu. “Nguồn lực con người là dân và chất lượng con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khỏe, trí tuệ, năng lực và phẩm chất” (Phạm Minh Hạc và cộng sự, 1996: tr. 328), “Nguồn lực con người là sự kết hợp thể lực và trí lực, cho thấy khả năng sáng tạo, chất lượng hiệu quả hoạt động và triển
  8. 574 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... vọng mới phát triển của con người” (Hoàng Chí Bảo, 1993: tr. 14). Nguồn nhân lực khoa học xã hội được xem là một trong những vốn cơ bản nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần đưa quan điểm, chủ trương phát triển bền vững vào thực tiễn cuộc sống (Phạm Văn Đức, 2015: tr. 17). Để hoạt động du lịch của Thành phố Hội An đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời phát triển bền vững và bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa, truyền thông vốn có của mình, thiết nghĩ, yếu tố con người – đội ngũ làm công tác văn hóa, du lịch cần được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, Hội An là điểm đến du lịch nổi tiếng, lượng khác quốc tế chiếm 2/3 tổng lượng khác đến Hội An. Hướng dẫn viên du lịch đóng vai trò quan trọng và góp phần quảng bá hình ảnh của Thành phố Hội An nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế, Tóm lại, với mục tiêu nhằm tiếp tục đưa du lịch Thành phố phát triển bền vững gắn với bảo tồn các di sản văn hóa, vấn đề nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng tri thức lịch sử – văn hóa, bảo tồn di sản của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Thành phố đóng vai trò hết sức quan trọng. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025 với mục tiêu đưa du lịch Quảng Nam phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Thuyết minh tại các điểm di tich, di sản, trong đó di sản văn hóa thế giới Hội An, hướng dẫn viên di sản không chỉ là người giới thiệu về di sản một cách đơn thuần mà phải là người kết nối du khách với di sản. Hướng dẫn viên du lịch được xem như những “đại sứ văn hóa”, góp phần gắn kết các giá trị văn hóa, lịch sử từ quá khứ tới hiện tại, tạo sức hấp dẫn cho du khách, du khách cùng giữ gìn và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. 3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP Một là, cần xác định hướng dẫn viên du lịch chính là một nghề. Trong bối cảnh phát triển du lịch cả nước nói chung và Thành
  9. BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA... 575 phố Hội An nói riêng hiện nay, hướng dẫn viên du lịch trở thành một nghề thịnh hành, thu hút nhiều bạn trẻ. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, các kiến thức cơ bản gắn với nghề mà hướng dẫn viên du lịch được trang bị như: giao tiếp, ứng xử, tâm lý khách du lịch, văn hóa dân tộc,... thì đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cần trang bị kiến thức bao quát trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là tích lũy, trau dồi những tri thức về lịch sử, văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đối với Thành phố di sản, có bề dày lịch sử – văn hóa và gắn với hệ thống di sản vật chất và tinh thần độc đáo như Thành phố Hội An, để nhằm giới thiệu trọn vẹn và chuẩn xác các giá trị lịch sử, văn hóa của Thành phố đến với du khách, đặc biệt là bạn bè quốc tế, đòi hỏi các hướng dẫn viên du lịch phải có kiến thức chuyên sâu về lịch sử – văn hóa. Do đó, Thành phố Hội An cần đặc biệt quan tâm đến đào tạ̣o và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong phát triển tổng hợp kinh tế – văn hóa – xã hội của Thành phố Hội An, cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Riêng đối với các hướng dẫn viên du lịch, cần quan tâm hơn nữa đến bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhất là các kiến thức hiểu biết về khảo cổ, kiến trúc, lịch sử,… để nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá và xử lý (bảo tồn, phát huy) kịp thời đối với các di tích văn hóa, lịch sử của thành phố. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình đào tạo ngắn ngày, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, các chương trình đào tạo chuyên sâu,... cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên nhà hàng khách sạn,... đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, cũng cần đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn hóa, tính nghiệp vụ cao và chuyên nghiệp để tham gia hoạt động du lịch: các quản trị doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên, lễ tân,… Có kế hoạch đào tạo ở nước ngoài đối với các cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý. Nếu được đào tạo bài bản và hoạt động có hiệu quả thì đây sẽ là nguồn tài nguyên quý giá trong quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch của thành phố. Hai là, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay,
  10. 576 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... với sức trẻ, sự nhiệt tình, lòng đam mê với nghề nghiệp, hướng dẫn viên du lịch có thể dễ dàng trang bị những kiến thức này thông qua sách vở, phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, website,...; trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia, những người đi trước, tham gia các hoạt động chuyên ngành, các lớp học chuyên đề, hoạt động thực tế,... Song song với trình độ, tính chuyên nghiệp, tâm với nghề thì những phẩm chất của hướng dẫn viên du lịch về lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc,… được thể hiện thông qua việc giới thiệu một cách sinh động về lịch sử của dân tộc, phong cảnh tự nhiên đặc thù độc đáo và xinh đẹp; về các giá trị văn hóa, sự phong phú về phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số, lễ hội văn hóa và ẩm thực,... cũng là một trong những yếu tố cần có của người hướng dẫn viên du lịch (Nguyễn Văn Quảng, 2006). Đặc biệt, cũng với xu thế lan tỏa cuộc CMCN 4.0, với sự phổ biến rộng rãi của Internet, ngành Du lịch đang phát triển theo hướng kết hợp chặt chẽ với các yếu tố công nghệ như theo hướng “du lịch thông minh” (Smart Tourism),… Các hướng dẫn viên du lịch hiện đang tiếp cạnh mạnh mẽ với công nghệ kỹ thuật số như: các sản phẩm, ứng dụng trên thiết bị di động; ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch; phần mềm quản lý hướng dẫn viên du lịch; thuyết minh tự động, ứng dụng hỗ trợ kết nối khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch;… Điều này đã giúp các hướng dẫn viên du lịch có nhiều cơ hội phát triển ngành nghề. Tuy nhiên, các hướng dẫn viên du lịch cũng cần hết sức chú trọng đến tính hai mặt của sự phát triển trên, trong đó, yếu tố con người vẫn là nhân tố quan trọng. Con người – phần “hồn” của Đô thị cổ Hội An mới chính là những người tạo nên “cảm xúc du lịch” thật sự. Đặc biệt là trong giới thiệu về hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Cuối cùng, để phát triển du lịch Hội An theo hướng vừa chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, đồng thời kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thực chất cần sự hợp tác từ nhiều phía: Nhà nước, các cấp chính quyền, cộng đồng, nhà nghiên cứu,
  11. BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA... 577 khách du lịch,… và cả đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Thành phố Hội An cần gắn phát triển du lịch với những giải pháp vĩ mô và vi mô khác như: đầu tư tối đa cho việc nâng cao hơn nữa các yếu tố hạ tầng đô thị, môi trường cảnh quan, đào tạo nguồn nhân lực. Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có chiến lược đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ để ngành Du lịch gắn kết với chuyển dịch số hóa, xây dựng các chương trình quảng bá du lịch, học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực,... Đặc biệt, trong suốt trong quá trình hoạch định, quản lý và phát triển du lịch, cần phải chú ý đến các vấn đề khác như: Luật Du lịch, Luật Bảo tồn văn hóa, Luật Môi trường và các quy định, điều lệ về cảnh quan đô thị,... Song song với đó, Hội An cũng cần chủ động xây dựng các chính sách quảng bá du lịch lâu dài, kích cầu, phục hồi du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Cần học tập kinh nghiệm của các nước trong xây dựng các chương trình quảng bá du lịch (dự án, trưng bày, triển lãm,…). Qua đó, vừa nhằm giới thiệu du lịch Hội An, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch xanh, bền vững. Phối hợp với UNESCO để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá Thành phố Hội An ra thế giới. Để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thành phố Hội An nói chung và ngành di sản, văn hóa nói riêng cần được đầu tư về khoa học công nghệ để hoạt động du lịch gắn kết với chuyển đổi số. Có thể tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin thông qua các Website, Facebook, Youtube, Tik Tok, Instagram; các sản phẩm, ứng dụng trên thiết bị di động (phầm mềm quản lý hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh tự động); ứng dụng hỗ trợ kết nối khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch,… trong giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các thông tin về du lịch, di sản nhanh chóng và chính xác nhất đến người dân và du khách,… Cần nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đối với các nhà quản lý ngành
  12. 578 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Du lịch của thành phố, các nhà quản trị doanh nghiệp ngành Du lịch, người dân và cả cộng đồng. Đối với hệ thống di sản văn hóa đa dạng và phong phú của vùng đất Hội An, cần phải có một số ngành nghiên cứu đặc thù để tiếp cận, như: ngành khảo cổ học đô thị, nhân học ứng dụng, văn hóa du lịch,... Đồng thời, cũng cần đưa hệ thống và giá trị di sản của Hội An thành chủ đề trong giáo dục địa phương, đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên, nhất là sinh viên ngành văn hóa du lịch. Cần khuyến khích các công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, luận văn, luận án,… nghiên cứu về Thành phố nói chung, đặc biệt là các di sản văn hóa. Hỗ trợ hơn nữa cho các dự án, trưng bày, triễn lãm về các giá trị di sản của Thành phố nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đến người dân, thế hệ trẻ và cả du khách xa gần,… KẾT LUẬN Có thể thấy, tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa của Hội An rất phong phú, đa dạng. Với tiềm năng, lợi thế vốn có, kinh nghiệm phát triển của một Thành phố di sản, cộng với chiến lược phát triển Thành phố Hội An cho thấy Hội An hoàn toàn có thể phát triển bền vững. Với những phân tích, nhận định và gợi ý giải pháp đưa ra trong bài, hy vọng rằng vấn đề nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sẽ được nâng cao. Từ đó góp phần để Hội An sẽ thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố “sinh thái – văn hóa – du lịch” và phát triển bền vững toàn diện hơn nữa kinh tế – văn hóa – xã hội. Hội An chẳng những mãi là điểm đến ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam. Vấn đề bồi dưỡng tri thức lịch sử, văn hóa cho hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn khách đến Hội An trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chính là một phần quan trọng của chiến lược đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Alexis Papathanassis (2010), The Long Tail of Tourism, GableVerlag. 2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022, 2024). Từ https://bvhttdl.
  13. BỒI DƯỠNG TRI THỨC LỊCH SỬ, VĂN HÓA... 579 gov.vn. Truy cập ngày 10/02/2024. 3. Cục Di sản Văn hóa (2019). “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới”. Từ http://dsvh.gov.vn, ngày 6/3/2023. 4. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2024). Từ https://huongdanvien. vn/. Truy cập ngày 10/02/2024. 5. Hoàng Chí Bảo (1993), “Ảnh hưởng của văn hóa đối với việc phát huy nguồn lực con người”, Tạp chí Triết học (1), tr. 13 – 17. 6. Hoàng Phương Ly (2024). “Hàn Quốc đón 11 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2023”. Từ https://vietnam.ajunews.com (Kinh tế AJU). Truy cập ngày 15/3/2024. 7. Nguyễn Văn Quảng (2006), Để trở thành hướng dẫn viên du lịch giỏi, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh, 23, tr. 22 – 24. 8. Phạm Minh Hạc (Chủ biên) (1996), Vấn đề con người trong sự nghiệp CNH, HĐH, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 9. Phạm Văn Đức (2015), “Phát triển bền vững và vai trò của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2(87), tr. 9 – 18. 10. Phòng Bảo tàng (2023). Tình hình khách tham quan các điểm bảo tàng, di tích do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý trong 6 tháng đầu năm 2023. Từ https://hoianheritage.net (Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An). 11. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Du lịch, Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19/6/2017. 12. Tổng cục Du lịch. Từ https://vietnamtourism.gov.vn. Truy cập ngày 15/3/2024. 13. Tổng cục Thống kê. (2020). Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Hà Nội: Nxb Thống kê. 14. Trần Quốc Vượng (1991). “Vị thế địa lịch sử và bản sắc địa – văn hóa của Hội An”. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội, 51–62. 15. Trần Văn Thông (2003), Quy hoạch du lịch: những vấn đề lý luận và thực tiễn, Trường Đại học dân lập Văn Lang, Khoa Du lịch, Tài liệu
  14. 580 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... lưu hành nội bộ. 16. Trung tâm Văn hóa – Thể thao & Truyền thanh – Truyền hình Thành phố Hội An (2021). “Chương trình du lịch hấp dẫn, an toàn tại Hội An từ ngày 20/3 – 01/5/2021”. Từ http://www.hoianworldheritage. org.vn, ngày 8/3/2023. 17. Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An. (2015). Di tích – danh thắng Hội An. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng. 18. Viện Khoa học Pháp lý (2018). “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là gì?”. Từ http://khpl.moj.gov.vn (Trang tin điện tử của Viện Khoa học Pháp lý). Truy cập ngày 10/02/2024.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2