Bông Du Dẻ
lượt xem 3
download
Tặng anh chị H.T.Yên Tôi tìm thăm một người bạn vừa đồng môn, đồng hương. Hơn 30 năm, gặp nhau nơi đất khách quê người, tôi nghe anh nói, nhìn anh cười, một ánh mắt thật sâu mà thấy lòng mình nao nao buồn. Những tháng này, trời chuyển giông, như muốn mưa, hầm hầm oi bức! Sài Gòn tháng năm giống như ngoài xứ Quảng tháng bảy, khi chiều chiều nhìn về núi xa xa, Đá Dựng, mây sẫm màu sà thấp với tiếng ì ầm kèm theo các tia chớp ngoèn ngoèo. Anh học dưới tôi mấy lớp,...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bông Du Dẻ
- Bông Du Dẻ Tặng anh chị H.T.Yên Tôi tìm thăm một người bạn vừa đồng môn, đồng hương. Hơn 30 năm, gặp nhau nơi đất khách quê người, tôi nghe anh nói, nhìn anh cười, một ánh mắt thật sâu mà thấy lòng mình nao nao buồn. Những tháng này, trời chuyển giông, như muốn mưa, hầm hầm oi bức! Sài Gòn tháng năm giống như ngoài xứ Quảng tháng bảy, khi chiều chiều nhìn về núi xa xa, Đá Dựng, mây sẫm màu sà thấp với tiếng ì ầm kèm theo các tia chớp ngoèn ngoèo. Anh học dưới tôi mấy lớp, ngày còn đi học anh học giỏi lại vừa có tài làm thơ, chơi nhạc. Anh là học trò Quảng nghèo tha hương, nay đã ngoài sáu mươi, công danh thành đạt. Ngồi nơi nhà anh, tiếng xe cộ rào rào ở xa lộ vẳng vào chen lẫn với tiếng máy xe ở ga-ra bên cạnh, tiếng ì ầm trời trở giông, oi bức, hầm hập … Cả hai, hình như không nghe, không thấy gì hết ngoài chuyện quê hương. Người xưa nói đúng thật, còn gì vui bằng. “ Tha hương ngộ cố tri ’’, huống hồ cố tri lại là đồng môn. Hai mái đầu xanh ngày xưa nay đã nhiều sợi bạc. Tôi nói, anh nói, chúng tôi nói, người Quảng Nam chúng tôi nói! – Đúng là dân Quảng đã gặp nhau, nói không thôi, nói như cãi, nói to, nói nhiều, nói sôi nổi!!! Chúng tôi thi nhau kể về ngày xưa …. Kể về ngoài mình, cái ngoài mình cứ như là nhạc nền cho hàng ngàn kỷ niệm múa may trên ấy. Lạ thật, với người Quảng xa xứ, cái gì ngoài mình cũng là nhất : con cá ngoài mình thơm mà ngọt, thịt heo ngoài mình ..., nắng ngoài mình …, gió ngoài mình, đến cọng rau, trái ớt ngoài mình cũng hơn cả xứ người. Tại sao chỉ là “ngoài mình” mà không là ở trong, vì từ thuở cha ông đi mở đất hướng về phương Nam đến nay, người dân Quảng chỉ đi vào trong, vô trong để nhớ đến ngoài mình. Từ cái thuở xứ Đàng Trong ấy, người Quảng chỉ ngoảnh về ngoài ấy mà hướng về quê mẹ ruột đau chín chiều … Đó là từ ngoài mình, một từ gói biết bao thương nhớ.
- Anh … Anh nhắc đến các người đẹp, các dáng hồng mà mấy đứa học trò quê tụi tôi chỉ nhìn ngắm và mơ mộng … Mỗi điều anh nói tôi đều mườn tượng ra, đều thấp thoáng trước mắt các hình ảnh cũ. Không còn ngoại ô Sài Gòn với bụi mù, nắng gắt và tiếng xe cộ ầm ầm … Cái hiện tại nhỏ nhoi này chẳng là gì cả với sóng trào hoài niệm đang dâng cao. Tôi như nghe hàng tre già trước cửa Trường mình kẽo kẹt trong gió nồm thưa, tôi như đang nghe tiếng gõ thước kẻ lách cách trên bảng đen của Trường tiểu học bên cạnh; tôi như nghe tiếng lạch bạch máy xe chạy quanh sân trường – Tôi như đang thấy lúi húi mấy quần sọt kaki xanh, áo trắng ngắn tay, xếp hàng trước dãy trường lợp tôn; tôi như đang thấy mấy cô gái quê xúm tụm dưới gốc đa góc sân trường; thầy giám thị khuỳnh tay đi đi lại lại. Ôi, những ngày thân thương ấy như còn cảm giác nóng hổi bên tôi, trong tôi,, trong hai ông già xa xứ nhớ về một ngôi trường xưa. Tôi nhớ cặp mắt to đen láy với hàng mi dài của cô Ngọc nhà thuốc tây, tôi nhớ chiếc răng khểnh của Băng Tâm; dáng gầy lau sậy của Thanh Bạch bưu điện …. Anh nhắc tôi nghe con đường lên quận có quán bánh bèo dùng xeo bằng tre như cây thanh long đao cắt chén bánh thành hoa thị từng mảng bột vùi trong nhân tôm có mấy lát ớt đỏ. Như người say sưa trong sóng biển, bơi ra xa chợt giật mình, quay mặt nhìn về bờ cát, anh kéo tôi về thực tại : - Anh biết không, khi xa quê vào Sài Gòn, ngày ấy tôi cực khổ lắm. Tôi đi dạy kèm để học và tôi gặp vợ tôi cũng trong cảnh ngộ đó. Bà xã tôi là người Sài Gòn chính hiệu - Chị ngồi bên anh lặng lẽ cười, thật hiền, nhìn anh như muốn nghe anh giảng những bài học hơn 30 năm xưa- Anh biết rồi mà, học trò nghèo Quảng Nam vào Sài Gòn học thì … Chữ “thì” anh chùng xuống, nhẹ như tiếng thở dài và mắt anh buồn buồn nhìn xa. Tôi muốn ôm lấy đôi vai gầy của bạn đồng môn mà siết chặt như siết lấy quá khứ sụt sùi trong lòng mình … Ngày ấy, những ngày ấy, bao đôi chân quê tụi mình lang thang trong phố Sài Gòn; những năm 60, Sài Gòn không nhiều dân Quảng, cùng xúm tụm sống đói rách “cầu chữ, kiếm cơm”. Tôi nhớ những chiều mưa nhá nhem đi học về, dựng xe đạp bên hiên núp cơn mưa rào, nép sát gốc cây me nhìn lên mấy khung cửa sổ có ánh đèn nê-ông sáng xanh trên các lầu mà ước mơ có chỗ nào để nằm soải người ru một giấc ngủ êm trong vùng sáng mát lạnh ấy! Tôi nhớ cảnh xếp hàng chờ mua thức ăn ở quán cơm Xã Hội
- đường Nguyễn Cư Trinh, lén tìm chỗ ẩn núp để tối xem cô Thanh Thúy hát mà khỏi mua vé. Ngày ấy, chỉ biết lấm lét nhìn mấy cô thành phố tà áo dài lả lơi trên xe vê-lô-xô-lết mà thầm ước mơ; Ngày ấy cứ nôn nao chờ đến Tết là về quê và sau Tết hể hả mang vào mấy ổ bánh tổ cứng như đá ăn dần dần cho đã cơn nhớ thương ngoài mình cho đến cuối tháng hai. Chúng tôi chỉ nói với nhau từng chữ rời rạc : “ ngày ấy … ngày ấy … “ và mỗi đứa chìm vào kỷ niệm, hình ảnh và cảm xúc ngày xưa như một màn sương mỏng bao phủ hai mái tóc muối tiêu. - Nè , anh biết không – anh nói tiếp với tôi – Sao ngày ấy mình dễ khóc hơn bây giờ. Lúc mới đầu, xa nhà, xa bạn bè, vào đây cứ chiều chiều, ngồi một mình sau hiên nhà là tôi muốn khóc. Nhớ quá, chịu không nổi. Bây giờ nghĩ lại nhớ cái gì, nhớ sao quay quắt đến vậy, tôi nghĩ không ra? – Những người tha hương càng thương nhớ quê bao nhiêu thì nơi xứ lạ sống xúm tụm nhau lại, từng con hẻm, từng xóm. Rứa mới có khu Bảy Hiền, khu chợ bà Hoa, khu cầu Đỏ … rồi tự cái lối sống xúm tụm để đỡ nhớ quê ấy mà có quán mì Quảng, cơm gà Tam Kỳ, cháo vịt Hà Lam … Văn hóa ăn nó như miếng bánh tráng dẻo – nó ôm lấy, quấn lấy rau cải thịt thà trong đó – nó bao bọc lấy từng cụm dân cư và nó là chỗ giải tỏa sầu nhớ. - Anh nói đúng quá, có lần buổi sáng tôi ghé quán mì Quảng sau chợ Gò Vấp, một anh bạn cở tuổi tụi mình chở ông già đến ăn. Nhìn ông già là mình thấy ngay bóng dáng ông chú, ông cậu mình ngoài quê : cặp bà ba trắng, nút giữa, nón phớt ni-lông, hàm răng bợn khói thuốc cẩm lệ … - Vừa ngồi vào, là cụ rút một chân lên, chỉ vào tấm tranh màu mè trên vách cười hề hề : - Chi lạ rứa mi coi, đã là Quan Ông thì cởi xích thố chứ ai lại bạch mã? Phải đi hia chỉ vàng chứ răng lại giày vải hả? Người con trai xuề xòa : - Người ta vẽ cho có, chớ ai để ý chi cha? - “ Mi nói rứa, răng nghe được!”
- Khi cô bé bán hàng đem hai tô mì lên, ông già lại cười hề hề : - Chi lạ rứa mi! Đã là mì Quảng phải ăn ớt vằm, cắn nguyên trái. Không ăn ớt xắt trong chén nước mắm; ớt vằm, ớt cắn mới thơm nồng. Phải bánh tráng nguyên cái, chớ răng lại bẻ miếng nhỏ để trên dĩa kiểu ni? Mì Quảng là món ăn dân giả, tay bưng tô, miệng húp nước sồn sột mới là kỳ thú! Đúng thật “người Quảng là ồn ào rôm rả, xởi lởi vui cười khi ăn, khi uống với nhau. A, khi đó bánh tráng nguyên cái bẻ rôm rốp, dòn tan … như tiếng cười lớn, như tiếng vỗ tay, như tiếng trống cơm trong hội bài chòi … đúng không nà? Ai lại bẻ nhỏ, chút chút, bày kiểu như ri … đẹp mả mà mỏng manh như cái anh chàng Kim Trọng đẹp mã mà khoanh tay 15 năm để Kiều nương lận đận, như xứ Huế của vua chúa bên kia đèo; phải như Từ Hải, phải như hò dô, hò nạy chớ đâu có õng ẹo như mái nhì mái đẩy!” Bác cười ha hả, ngẩng đầu lên, tay vê mấy miếng bành tráng nướng mỏng manh hình vuông vuông trong lòng tay sần sùi, rám nắng. Tôi muốn ôm bác như ôm các cậu, chú của tôi ngoài quê, như ôm cả nhớ thương quê mình vào trong lòng. Đúng là Cha ông ta dân đất Quảng là dân gốc lính thú trấn ải, dân đi đày xa xứ, ăn cục nói hòn, luôn luôn phải đương đầu với hiểm nguy và gian khổ tủi nhục của kẻ bị đè nén; phải quần tụ sống trong nghĩa khí giang hồ. Bởi là dân lưu đày biệt xứ, sống trong lán trại, tai ù vì sóng gió nên phải nói to, la lớn mới nghe, phải cãi cọ tranh sống mới có chỗ tồn tại. Thế nên, riết ra rồi trở thành tập tính của dân Quảng: ăn to nói lớn, bộc chạc, đấu tranh mãnh liệt và rất ăn bè kết cánh. Và cứ thế, nếp văn hóa giang hồ biệt xứ đã đi vào trong máu mấy trăm năm. Nó là nguồn cội của tính chất : quyết liệt phản đối, quyết liệt đấu tranh … và trong thâm sâu vô thức vẫn còn ám ảnh bởi một mặc cảm công dân hạng hai trong mọi hoàn cảnh xã hội nên luôn luôn phải dùng ý chí cố vươn lên. Người Quảng vốn là nòi ương ngạnh, khó trở thành người làm quan tốt; khó cong lưng dạ dạ, vâng vâng đội trên đạp dưới; khó rị mọ êm tai để vừa lòng tất cả. Người Quảng là của sự vươn lên, của cách mạng chứ khó là của quyền lực chính trị. – Tôi xa Quảng Nam - anh kể tiếp, vào đây đã gần nữa thế kỷ rồi mà lòng vẫn nhớ không nguôi. Anh biết lòng tôi da diết nhớ về quê mẹ là lúc nào không? Đúng như câu hát ru
- ngoài quê : Chiều chiều lại nhớ chiều chiều … Nhớ về quê mẹ chín chiều ruột đau! Cứ nắng vàng nghiêng nghiêng, xế xế, cho đến chạng vạng, nếu không có việc gì, nhìn xa xa, tự dưng lòng tôi chùng xuống, nghèn nghẹn nỗi nhớ quê. Lòng hoài hương và hoàng hôn như có duyên nợ ngàn đời! – Và anh biết có hai thứ ở quê mình gắn liền với hoàng hôn mà tôi không bao giờ còn tìm thấy lại - Thứ nhất là tiếng rao thổn thức bán cà-rem của ông già đứng ngoài rào Trường, cạnh bụi tre gai. Anh còn nhớ ông già bán cà-rem Đại Chúng, mặc đồ đen nón lá, tiếng rao vào xế chiều âm u, lạc lõng : cà à re … em…. đây …. Có lẽ tại lúc ấy mới lớn, có lẽ ông ấy đứng ở hướng con đường lên Tiên Phước, đường qua nhà người mình yêu, có lẽ âm thanh cộng cùng không gian vàng vọt âm u của những chiều chuyển giông, mà từ xa xa các lằn chớp ở Hòn Kẽm Đá Dừng, ở Trà Kiệu …. Có lẽ tất cả cái đó gói trong tiếng rao lạc lõng là cái mình còn nhớ lại. Nhớ lùm tre trước cổng Trường xiêu xiêu, kẽo kẹt; nhớ hàng gòn trên đường đất đỏ trước trường, mỗi khi gió thoảng qua, cả dãy trái khô chạm nhau kêu lốc cốc như tiếng guốc gỗ vang vang lạc lõng làm thảng thốt trong từng giấc mơ !! Và cái nhớ quê thứ hai trong hoàng hôn chắc tôi nói ra là anh đồng cảm ngay thôi; đó là hoa dủ dẻ ! - Đúng rồi, tôi reo lên như nghe người bạn gọi đến tên mình trong rừng người xa lạ ! Đúng nó là bông dủ dẻ. Quê mình gọi đó là bông, ít ai gọi là hoa, từ hoa là từ sách vở, từ ngoài ấy, bông mới là từ quê mình nói với nhau. Như là bông bí, bông bụt, ngay cả cái làm duyên trên tai cô gái cũng gọi là bông tai … Còn cái tên dủ dẻ là tên dân dã, chẳng thấy sách vở nào ghi nó, nói ra chẳng có nơi mô hiểu, nó chỉ có trong lòng người Quảng tha hương tụi mình thôi!! Tên loài hoa thật quê, dáng hoa không đẹp, hương hoa ngọt như hương chuối chín. Tôi nhớ đến những con đường cát trắng, cát màu hồng thâm chen lẫn xác phân bò và rác … Tôi nhớ đến cây gai long, gai xương rồng xen lẫn với sim và móc, xen lẫn với cây nổ, cây dúi, cây chà là gai … những bụi tre già xương xẩu, gai cong vuốt chập choạng trong cái nắng hun hun … Con chèo bẻo đen nhánh đậu nhún nhẩy trên ngọn cây cao; con chim trau trảu ức màu xanh chàm, đầu nghiêng nghiêng tò mò nhìn mấy chú trâu thiêm thiếp
- bên bờ ruộng. Gió nồm thi thoảng xốc lên., qua mấy đám thổ mới gặt, gốc rạ trơ như lèn tóc mới hớt, mùi thơm của rơm chen với mùi hăng hắc của phân bò và nước tiểu thành một thứ hương ngào ngạt, ngai ngái … lòng kẻ tha hương như buông chùng trong nỗi nhớ. Lạ chưa! Nhớ cả mùi phân bò ngai ngái trong hoàng hôn! Và ngây ngất nhất vẫn là bông dủ dẻ … bông tự biết mình không đẹp, tự biết mình quê quê, nên núp kín sau đám lá rậm xanh. Bông đủ tự tin về hương thơm của mình và đủ dịu dàng thư thả như cô gái quê chiều chiều gội đầu xõa tóc hóng gió bên hiên : chỉ khi chiều xuống, cái nóng hừng hực lửa vừa dìu dịu trong gió nồm mát là hương dủ dẻ đã ngan ngát bay xa. Nếu hương cau thanh bai và nhẹ đến độ phải nhắm mắt, tỉnh tâm, hít nhè nhẹ mới bắt được làn hương nhẹ, thoáng ẩn thoáng hiện; Nếu hương lài hay dạ lý nồng nàn đầy ắp, choáng ngộp như khiêu khích hương sắc của một kỹ nữ dày dặn; - Thì bông dủ dẻ như cái đẹp mộc mạc của cô gái quê, tự tin ở giá trị tinh thần của mình trong phong kín hương thơm và cũng có phần mặc cảm về phận mình trong sự che dấu dáng hoa thô thô dưới đám lá xanh dày, rậm. Chiều chiều, qua một ngày nắng rát tôi đã lang thang trên đường về làng, trên lối đi ở đồng ruộng về … đâu đó thoang thoáng mùi thơm ngào ngạt của bông dủ dẻ, chính mùi hương đã quấn quít suốt tuổi thơ mộng. Tôi còn nhớ anh bạn mỗi lần sáng thứ hai đạp xe xuống trường đeo bên ruột tượng gạo, không quên mấy bông dủ dẻ hái dọc đường bỏ trong túi áo. Tôi nhớ cô Hường bạn học da đen ngăm ngăm, tóc hoe đỏ vì nắng cháy cát trắng Thăng Bình, cứ làm điệu cài một bông dủ dẻ ố vàng bên kẹp tóc, bông đã héo úa, nhưng hương ngọt ngào vẫn bâng khuâng!. Đúng, anh bạn đồng môn nói rất đúng, bông dủ dẻ sao mà nó giống người dân xứ Quảng đến vậy, nó thô quê, chơn chất, mà ngọt ngào thắm đượm tình quê. Đã bao năm đi xa, có lẽ cánh hoa không đua đòi màu sắc ấy lại gợi tôi nhớ nhiều đến quê nhà. - Khi quen tôi, anh ấy nói về hoa dủ dẻ ngoài quê ảnh, nói đủ thứ kỷ niệm về loài hoa ngộp hương đồng nội ấy, tôi không tưởng tượng ra. Rồi, sau khi lấy nhau, anh đưa tôi về quê - Chị bẽn lẽn kể lại chuyện xưa, chuyện đã hơn ba mươi năm rồi mà như mới ngày nào.
- - Buổi chiều xứ Quảng, tôi đưa cô gái Sài Gòn về thăm quê mình, vợ tôi hỏi hoa dủ dẻ ở đâu, tôi chỉ cười đưa nàng đi qua một truông cát hai bên lúp xúp cây rừng. Rồi chợt một cơn gió nồng thoảng qua, mấy lùm tre già nhún nhảy, tiếng cu cườm gáy cầm chịch như tiếng mẹ cầm quai nôi mà chầm chậm ru hát à ơi … chiều quê vàng nhạt và im ắng … tôi bảo : “Em nhắm mắt lại sẽ thấy hoa dủ dẻ”, và cô ấy đã làm theo, và hai chúng tôi tần ngần đứng lại … một làn hương ngọt ngào, ấm áp, thân tình như lời chào hỏi bằng ánh mắt đen láy của cô nàng hàng xóm, như cái cầm tay khô rám không buông của bác Tư, bác Bảy trong làng … tôi khẽ nói : “Có thấy bông dủ dẻ quê anh không em?”, nàng dò dẫm bước theo nguồn hương và cúi xuống, cúi xuống … Tôi chỉ cho nàng thấy một cánh hoa dủ dẻ màu vàng nhạt như hòa lẫn vào màu đất cát, núp dưới đám lá xanh sậm màu. Nàng đã ngắt cánh hoa ấy, và lặng lẽ hít trọn hương thơm từ cánh hoa … Anh cười tươi và quay sang phía vợ nói tiếp : - Phải không em? Em đã cầm tay anh và nói : “Đúng, hoa dủ dẻ rất giống anh.” Và rồi ngày trở vào lại Sài Gòn, vợ chồng tôi đã cố công đánh một cây dủ dẻ vào trồng trong này. Vợ tôi cố công chăm sóc, tưới tắm, và anh có tin không, cây dủ dẻ duy nhất đất Quảng đã sống được ở Sài Gòn này. - Em đưa anh ấy ra xem cây bông dủ dẻ đi em. Chúng tôi ra sân trước, trời chiều nắng hừng hực, bên ngoài xa lộ tiếng xe gầm rú ồn ào, anh chị chỉ cho tôi hai cành lá xanh gầy guộc bụi bặm nằm ép sát bờ kẽm gai. - Đây, nó đây, nó đã sống được bao năm rồi, mà cũng không lớn hơn được. Nhìn cây bông dủ dẻ của anh chị mà tôi bùi ngùi không nói nên lời. Cây bông xa xứ sao mà nó giống như tâm hồn bao kẻ xa quê, vẫn sống mà khó lớn, vẫn xanh mà không mượt mà. Ở ngoài quê sao nó khỏe mạnh, nó chắc bẫm và đầy sức sống trong nắng cháy và gió cát? Ở ngoài quê, im ắng vời vợi trong gió đồng nội, lặng lẽ cúi đầu trong nắng rát và gió cát, bên cạnh các cành gai góc của cây gai long, xương rồng, dúi, sim … vậy mà sao nó chắc nịch màu sậm của lá, mấy cánh bông màu vàng rơm dày cộm, chùm trái mọng vàng ú na, ú nần?? Cành cây dủ dẻ ở đây sao xanh xao gầy guộc như kỷ niệm của kẻ ly hương??
- - Em chăm sóc ba năm, rồi có một lần, cây ra được một bông hoa – Vợ anh nhỏ nhẹ tiếp – vợ chồng em mừng biết chừng nào, em chờ đợi tìm lại được cái cảm giác nghe mùi ngọt như mật vào một buổi chiều nào đó giữa khói bụi Sài Gòn này!! Cánh hoa nhỏ cứ mãi xanh, túm đầu, một chút màu vàng nhợt nhạt phơn phớt ở rìa cánh không đủ sức lan rộng và làm cho cánh hoa bật nở để hương hoa lan tỏa … Nắng Sài Gòn gay gắt, âm thanh cuồng nộ, bụi mù ngạt thở hầm hập ngày đêm … Và – giọng chị chùng xuống như muốn vỡ òa thành tiếng khóc – cánh hoa cứ xanh xao và khô dần, khô dần, rồi rụng, chẳng bao giờ hoa nở để hương ngọt ngào ấy thoang thoảng bay nơi đây, chẳng bao giờ … chẳng bao giờ … Chiều xuống dần và không gian như đặc quánh trong tiếng xe cộ ầm ầm và màu nắng mật chảy lùa từ trên mái nhà trước cửa. Tôi và anh chị bạn đồng môn đứng bên cây bông dủ dẻ ly hương gầy gầy bên hàng kẽm gai mà lòng như chùng lại. Chị vuốt nhẹ một chiếc lá mỏng manh, lớp bụi dày không còn, một màu xanh bóng như ngấn nước mắt lưng tròng của kẻ nhớ quê! * ** Năm sau, tôi trở lại thăm vợ chồng người bạn đồng môn. Chị đã mất vì bạo bệnh, chị vĩnh viễn không còn nữa, anh bạn của tôi buồn xa vắng như tiếng chim cuốc cuốc đơn lẻ u sầu kêu “quốc! quốc!” thâu đêm bên bờ tre ở quê nhà. Trước sân, cây bông dủ dẻ đã khô queo, mấy chiếc lá mỏng khô vàng cuộn lại như sâu kèn vẫn còn ôm lấy hai nhánh thân tong teo, xơ xác. Anh ngồi đó, cũng chỗ mà mới ngày nào anh chị ngồi cùng tôi nhớ về mái trường xưa, nhớ về quê mẹ …, tôi nhìn lên bàn thờ, đôi mắt chị thật đẹp và hiền, ngập tràn hạnh phúc như đang ngửi thấy mùi bông dủ dẻ ở xứ Quảng quê chồng, thoang thoảng đâu đây. Vâng, vẫn mãi mãi có một bông dủ dẻ ngát hương ở nơi này. Anh bạn đồng môn của tôi vẫn ngồi đó, ngồi trong bóng nhá nhem chiều, như một tượng cổ với ánh mắt thăm thẳm u sầu và quanh anh vẫn thoang thoảng hương bông dủ dẻ ngày xưa ….
- (2005)
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Huấn luyện kỹ chiến thuật bóng bàn hiện đại part 3
26 p | 236 | 73
-
Huấn luyện kỹ chiến thuật bóng bàn hiện đại part 4
26 p | 202 | 64
-
5 bí kíp để trở thành cao thủ bóng rổ
6 p | 152 | 17
-
Doraemon Bóng Chày Tập 01
0 p | 102 | 13
-
Manchester không chỉ là thành phố của bóng đá…
4 p | 89 | 12
-
Lâu đài bông: Kỳ quan thế giới thứ 8
8 p | 101 | 8
-
Khám phá sữa ngô thơm ngậy phố Hàng Bông
5 p | 98 | 6
-
10 Loài Hoa Đẹp Nhất Trên Thế Giới
10 p | 108 | 6
-
Nghiên cứu lựa chọn các bài tập phối hợp với bóng trong môn Bóng rổ nhằm phát triển thể lực cho sinh viên không chuyên Đại học Huế
5 p | 32 | 5
-
Người Thổi Bong Bóng
4 p | 103 | 4
-
Hiệu quả chương trình giảng dạy môn Bóng rổ tự chọn cho nữ sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên
6 p | 7 | 4
-
Phát triển du lịch huyện Trà Bồng giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020
9 p | 26 | 3
-
Nghiên cứu lựa chọn các test đánh giá trình độ tập luyện của nữ vận động viên bóng đá cấp cao ở Việt Nam
4 p | 29 | 2
-
Lựa chọn bài tập phát triển sức mạnh môn bóng chuyền cho sinh viên Học viện Tài chính
6 p | 35 | 2
-
Dự án bóng đá cộng đồng Việt Nam - Mô hình xã hội hóa hoạt động thể thao trẻ em
3 p | 28 | 2
-
Kết quả kiểm tra thể lực trọng tài các giải bóng đá năm 2021
5 p | 25 | 2
-
Thực trạng sức nhanh của nữ sinh viên đội tuyển bóng đá trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội
6 p | 44 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn