intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Các giải pháp tạo sự đột phá trong hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Khánh Hòa

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Các giải pháp tạo sự đột phá trong hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Khánh Hòa" tập trung phân tích hiện trạng hiệu quả kinh doanh du lịch của Khánh Hòa sau đại dịch theo phương pháp SWOT, từ đó đề xuất các giải pháp để hoạt động kinh doanh du lịch có bước đi vững chắc và hiệu quả hơn. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Các giải pháp tạo sự đột phá trong hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Khánh Hòa

  1. CÁC GIẢI PHÁP TẠO SỰ ĐỘT PHÁ TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH CỦA TỈNH KHÁNH HÒA Nguyễn Ngọc Thùy Trang1 Tóm tắt: Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch ở Việt Nam. Từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở cửa du lịch hoàn toàn, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động thích ứng với tình hình mới và đạt được nhiều thành quả đáng kể với tiêu chí vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế ngành du lịch. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích hiện trạng hiệu quả kinh doanh du lịch của Khánh Hòa sau đại dịch theo phương pháp SWOT, từ đó đề xuất các giải pháp để hoạt động kinh doanh du lịch có bước đi vững chắc và hiệu quả hơn. Từ khóa: COVID-19, kinh doanh du lịch, tỉnh Khánh Hòa. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tuy nhiên từ năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến cho ngành du lịch toàn cầu trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2020, du lịch thế giới bị tác động nặng nề, lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm 73,9% so với năm 2019. Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, dẫn đến khả năng phục hồi của ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ. Riêng tỉnh Khánh Hòa mặc dù có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nhưng bên cạnh việc bị tác động bởi đại dịch COVID-19 thì tỉnh còn bị tác động bởi thời tiết do nắng nóng, hạn hán, mưa bão liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Như vậy, sau đại dịch, khi du lịch khôi phục trở lại, ngành du lịch của tỉnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hiện nay về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế với các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Cụ thể là các tỉnh thành thực hiện phương án 829/ PA-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 và đã được cập nhật theo 1 Đại học Sài Gòn.
  2. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 189 Công văn 2118/BYT-DP và Công điện 416/CP-TTg. Từ ngày 27/4/2022, Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế; từ ngày 15/5/2022 tiếp tục tạm dừng xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh. Đồng thời việc mở cửa các đường bay quốc tế cùng với việc tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đông đảo du khách quốc tế đến nước ta, nhất là tỉnh Khánh Hòa là điểm đến được nhiều lượt tìm kiếm. Phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 là xu thế tất yếu, cũng là mục tiêu phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Do vậy, để hoạt động kinh doanh du lịch có bước đi vững chắc và hiệu quả hơn thì cần tiếp tục duy trì tốc độ phục hồi của du lịch và tăng doanh thu với các giải pháp phù hợp tình hình mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 2. THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH DOANH DU LỊCH CỦA TỈNH KHÁNH HÒA 2.1. Tình hình kinh doanh du lịch sau đại dịch COVID-19 Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch của tỉnh Khánh Hòa nói riêng đang phục hồi mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Lượng khách quốc tế, nội địa tăng cao sau khi có những chủ trương đúng đắn đẩy mạnh phát triển du lịch của Chính phủ trong thời kì mới sau đại dịch COVID-19. Doanh thu lữ hành và các dịch vụ du lịch có mức tăng trưởng tích cực. Tình hình chung của ngành Du lịch Việt Nam có nhiều khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thì tổng số khách du lịch nội địa năm 2023 đạt khoảng 108.200 nghìn người, tăng 6,81% so với năm 2022. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 ước đạt 1.531.411 lượt, tăng 1,3% so với tháng 1/2024 và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.043.724 lượt khách, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng lớn từ khí hậu như hạn hán, mưa bão thì đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Riêng ngành du lịch của tỉnh đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Là một trong những địa phương đầu tiên xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng, năm 2020 lần đầu tiên kinh tế Khánh Hòa có mức tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) âm 10,05%, thuộc nhóm các tỉnh tăng trưởng âm sâu nhất trong cả nước. Hàng ngàn người lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm, phải chuyển dần sang ngành nghề khác. Sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp lữ hành đã nhanh chóng đưa ra các chương trình khuyến mãi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng kịp thời xu hướng như: du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE... Các chính sách đúng đắn của Chính phủ mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, cùng với việc triển khai tổ chức các sự kiện du lịch của Tổng cục Du
  3. 190 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... lịch, Bộ VHTTDL đã mang lại kết quả tích cực cho ngành du lịch cả nước và từng tỉnh thành, trong đó có tỉnh Khánh Hòa. Theo dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê, năm 2023, Khánh Hòa đạt mức tăng trưởng khoảng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Từ năm 2023, du lịch Khánh Hòa có sự hồi sinh mạnh mẽ, các chỉ tiêu du lịch tăng trưởng cao. Trong báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa về công tác Du lịch năm 2023 cho biết tổng lượt khách lưu trú ước đạt 07 triệu lượt, tăng 170,54% so với cùng kỳ (vượt 75% kế hoạch). Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ (vượt 41% kế hoạch), khách nội địa ước đạt 4,88 triệu lượt khách, tăng 113,23% so với cùng kỳ (vượt 95,4% kế hoạch). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 31.800 tỷ đồng, tăng 127,37% so với cùng kỳ năm 2022 (vượt 51,3% kế hoạch). Năm 2024, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế, 6 triệu lượt khách nội địa. Điều này cho thấy thị trường du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đang được phục hồi. 2.2. Đánh giá thực trạng theo mô hình SWOT Điểm mạnh (S-Strengths) 1. Được sự ưu đãi từ thiên nhiên, Khánh Hòa là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên lý tưởng. Đặc biệt là đường bờ biển rất đẹp, kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, có độ dài khoảng 385 km. Khu vực này có nhiều vịnh lớn là Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Khánh Hòa có nhiều đảo ven bờ với khoảng 200 đảo lớn, nhỏ và có mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Ngoài việc có cảnh quan đẹp phát triển du lịch sinh thái thì những hòn đảo ven bờ Khánh Hòa còn cung cấp số lượng lớn yến sào cho tỉnh phân phối khắp cả nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia với kim ngạch xuất khẩu tăng cao hàng năm. Trong hệ thống các đảo thì đảo Hòn Mun với hệ sinh thái rạn san hô chính là một trong những sinh cư quan trọng nhất trong vùng nước của khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Nha Trang là thành phố thứ 3 trong Top những thành phố đáng sống ở Việt Nam, bên cạnh đó thì vịnh Nha Trang được bầu chọn là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới đã thu hút sự quan tâm của khách quốc tế đến du lịch và đầu tư. 2. Khánh Hòa còn có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và mang đậm nét văn hóa bản địa độc đáo, hiện nay tỉnh có 11 di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, đa dạng về tôn giáo, nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. 3. Phong cách ẩm thực chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biển, chế biến từ các loại hải sản quý hiếm. Theo Quyết định số 32/KLVN-TOP/2022 ngày 20/8/2022 của Hội Kỷ
  4. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 191 lục gia Việt Nam về việc xác lập Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh/thành phố Việt Nam (Lần V năm 2021 - 2022) trong hành trình tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam), các món ăn, đặc sản tỉnh Khánh Hòa được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 - 2022) gồm: Bún sứa Nha Trang, Bún mực Vạn Ninh, Yến sào Khánh Hòa và Bánh tráng xoài Cam Lâm.  4. Tỉnh Khánh Hòa có các khu vui chơi, giải trí hấp dẫn, các loại hình dịch vụ du lịch đa dạng. Được sự đầu tư từ nhiều doanh nghiệp, Nha Trang trở thành một điểm đến du lịch, vui chơi giải trí biển hấp dẫn với nhiều khu nghỉ dưỡng, khu giải trí cao cấp như: Vinpearl, Vinwonders Nha Trang, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh... Các loại hình du lịch thể thao, du lịch lặn biển, du lịch khám phá văn hóa địa phương và thưởng thức ẩm thực cũng là điểm khác biệt so với các tỉnh khác, được du khách yêu thích lựa chọn. Tỉnh Khánh Hòa đang có những đề án phát triển các tour du lịch khám phá tại các điểm, khu du lịch độc đáo, hấp dẫn mang tính đột phá như đề án phát triển kinh tế đêm, phát triển kinh tế biển là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của du lịch Khánh Hòa trong thời gian sắp tới. 5. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, sang trọng, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư phát triển mạnh theo xu hướng có chiều sâu và quy mô lớn. Theo Sở Du lịch, hiện trên toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.181 cơ sở lưu trú du lịch với gần 60.000 phòng (trong đó có 103 cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao với gần 24.000 phòng). Có 234 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 46 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 188 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. 6. Khánh Hòa có hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ. Đường bộ có tuyến đường sắt Thống Nhất, Quốc lộ 1A kết nối Phú Yên, Ninh Thuận và các tỉnh Bắc - Nam, các tuyến đường Quốc lộ 27C, 26 kết nối với tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk. Đường thủy gồm các cảng biển Nha Trang, Cam Ranh, Ba Ngòi, Hòn Khói. Đường hàng không có sân bay quốc tế Cam Ranh. Với vị trí địa lý đặc biệt nằm ở Nam Trung Bộ, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật tương đối phát triển đã tạo điều kiện giao thông thuận lợi giúp cho tỉnh Khánh Hòa dễ dàng giao thương phát triển kinh tế, du lịch trong nước và quốc tế. 7. Chính sách quan tâm phát triển của tỉnh chú trọng công tác phục hồi phát triển du lịch sau khi kiểm soát được tình hình dịch COVID-19. Về hoạch định chính sách và công tác quản lý nhà nước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 12148/KH-UBND ngày 29/11/2021 về việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với mục tiêu chính là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước; tập trung chuyển đổi số hóa trong lĩnh vực du lịch, phát triển
  5. 192 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... hệ thống thông tin, hướng dẫn viên du lịch ảo, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đặc sắc phù hợp tiềm năng du lịch Khánh Hòa. Gần đây nhất, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số  1165/QĐ- UBND ngày 29/04/2022 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm phục vụ phát triển du lịch như: Đường cất hạ cánh số 2 và Nhà ga Quốc tế mới - Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh; Cảng Du lịch Nha Trang; Hạ tầng giao thông đô thị Nha Trang; Hạ tầng giao thông cần thiết cho việc mở rộng không gian phát triển du lịch về phía tây Nha Trang, Diên Khánh, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh và Vân Phong. Điểm yếu (W-Weaknesses) 1. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Khánh Hòa còn gặp bất lợi do thiên tai. Do có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, các sông suối trên địa bàn tỉnh đều ngắn, độ dốc lớn nên khi có những trận mưa lớn sẽ gây ra hiện tượng lũ trên các hệ thống sông, ngập lụt độ thị và sạt lở đất ở vùng núi, ven sông gây thiệt hại về người và tài sản, nhiều công trình hạ tầng, giao thông, thủy lợi bị sập, hư hỏng. Nắng nóng, hạn hán cũng thường xuyên xảy ra ở vùng này, nhiều ngày không mưa hoặc nếu có chỉ là những cơn mưa rào nhỏ trong 4 tháng nửa đầu mùa khô, gây tác động xấu đối với con người, cây trồng và vật nuôi. Nhiệt độ cao, mưa bất thường ảnh hưởng đến lịch trình di chuyển, sinh hoạt của du khách, nhiều chuyến du lịch biển có thể gặp nhiều rủi ro hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch của nhà hàng, khách sạn. 2. Về du lịch nội địa, các giải pháp kích cầu trong xúc tiến quảng bá vẫn chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh trong các hoạt động du lịch Khánh Hòa so với các tỉnh lân cận khác còn chưa cao. 3. Sản phẩm du lịch vẫn chưa được đầu tư đổi mới, chưa nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ, nhất là vào mùa cao điểm. Du lịch Khánh Hòa chưa đa dạng hóa về hình thức và nội dung, chưa khai thác nhiều các sản phẩm du lịch bổ trợ, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch mà hiện nay chỉ tập trung khai thác du lịch biển với các dịch vụ thuần túy. Các loại hình du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa địa phương thiếu sức hút đối với du khách. 4. Các hoạt động lấn biển gây sức ép và quá tải đối với cân bằng sinh thái trong khi công tác bảo tồn chưa được quan tâm, chú trọng. Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Phát triển du lịch bền vững cùng với bảo vệ tài nguyên môi trường vẫn còn là vấn đề có nhiều khúc mắc.
  6. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 193 Cơ hội (O- Opportunities) 1. Sau thời gian người dân ở nhà để phòng, chống dịch thì thời điểm bình thường mới là cơ hội thuận lợi để kích cầu, phục hồi du lịch. Vốn là điểm du lịch biển yêu thích của du khách trong nước, Nha Trang - Khánh Hòa thu hút khách nội địa với vẻ đẹp của thiên nhiên. Đây là thời cơ để phát triển nguồn khách nội địa, khôi phục hoạt động du lịch, lấy lại đà tăng trưởng của địa phương. 2. Khánh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch giúp thu hút vốn đầu tư FDI và tạo sự phát triển kinh tế cho tỉnh và khu vực. Tỉnh ủy Khánh Hòa khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nâng cấp, tăng cường phát triển nhiều dịch vụ du lịch mới, nâng cao chất lượng phục vụ. Khánh Hòa luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với hệ thống các chính sách ưu đãi. 3. Thành phố Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa ngoài vị thế là một trung tâm du lịch của Việt Nam còn là nơi được chọn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - thể thao lớn của Thế giới như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu Trái Đất, lễ hội du thuyền quốc tế Nha Trang cùng với Festival Biển Nha Trang được tổ chức 2 năm một lần đã góp phần quảng bá du lịch Khánh Hòa với thế giới, thu hút khách trong nước và nước ngoài đến tham gia và khai thác cơ hội đầu tư. Thử thách (T- Threats) 1. Thách thức về công tác tăng cường khả năng thích ứng để bước vào một thời kỳ mới của du lịch như phát triển công nghệ số. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào hệ thống kinh doanh du lịch mang lại nhiều lợi ích trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0. Các lợi ích mang lại cho doanh nghiệp như giảm chi phí vận hành, tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, tiếp cận rộng hơn các đối tượng khách hàng, tăng tính liên kết trong hệ thống thông tin du lịch,… 2. Thách thức cạnh tranh rất mạnh từ các tỉnh lân cận và các quốc gia có thương hiệu du lịch trong cùng khu vực châu Á. Những yếu tố cạnh tranh đòi hỏi tỉnh Khánh Hòa phải có sự đầu tư thay đổi các loại hình sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh. 3. Du lịch quốc tế của Khánh Hòa đang bị động và phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Trước khi đại dịch xảy ra, khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa phần lớn đến từ Trung Quốc và Nga (chiếm 80 - 90% tổng số khách du lịch quốc tế, riêng du khách Trung Quốc chiếm gần 74%). Khách từ các thị trường Châu Âu, Úc, Mỹ, Canada... có xu hướng ít hơn. Tuy nhiên đến đầu năm 2022, tình hình bất ổn về chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch của Khánh Hòa khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Khách Nga là thị trường khách quốc tế lớn thứ hai của du lịch Khánh Hòa, sau Trung Quốc. Nhưng từ tháng 2/2022 đến nay, thị trường khách Nga hủy tour đến Việt Nam do đồng Rúp mất giá và chiến sự kéo dài. Trong 9
  7. 194 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón khoảng 6.700 lượt khách Nga, chiếm 4,3% lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa. Hiện trạng này không chỉ làm mất cân đối thị trường khách quốc tế mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của du lịch Khánh Hòa về lâu dài. 3. GIẢI PHÁP TẠO SỰ ĐỘT PHÁ TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH CỦA TỈNH KHÁNH HÒA ĐÁP ỨNG TÌNH HÌNH MỚI Kết hợp S - T 1. Tỉnh Khánh Hòa cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể, đẩy mạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cao cấp như tour ngắm thành phố từ trên cao bằng trực thăng hoặc khinh khí cầu, tour du lịch thủy phi cơ bay ngắm vịnh Nha Trang, các hoạt động giải trí về đêm…, tăng sức hấp dẫn cho các chương trình du lịch theo xu hướng phát triển bền vững như phát triển các loại hình du lịch mới, tiềm năng như du lịch văn hóa, du lịch MICE, công vụ, thể thao, mạo hiểm… 2. Với điều kiện giao thông thuận lợi, ngành du lịch Khánh Hòa cần xem xét mở rộng hợp tác liên kết chặt chẽ với du lịch các địa phương trong Vùng duyên hải Nam Trung Bộ để phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh chung về du lịch của vùng, tạo nên tính đồng nhất cho các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và các địa bàn trọng điểm du lịch. Kết hợp W - T 1. Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững thì tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng các chiến lược phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh. Bên cạnh việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên để kinh doanh du lịch, tỉnh cần có các chương trình hành động cụ thể chú trọng công tác bảo tồn các nguồn tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên biển. 2. Các doanh nghiệp ngành du lịch cần xây dựng chiến lược marketing phù hợp với tình hình mới, tập trung đầu tư chất lượng nội dung các kênh bán hàng trực tuyến nhằm tiếp cận và thu hút thêm nhiều khách hàng mới, bên cạnh việc xây dựng các chiến lược kinh doanh lâu dài và ngắn hạn theo nhu cầu xã hội. Việc doanh nghiệp du lịch áp dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh với các tỉnh lân cận và các quốc gia khác. Các doanh nghiệp thông qua việc tiếp cận và tương tác nhanh chóng với khách hàng, tăng cường việc chăm sóc và phục vụ khách hàng tốt hơn sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp rõ rệt. 3. Tìm kiếm, mở rộng thị trường: xây dựng các chiến lược sản phẩm để mở rộng thị trường khách du lịch với việc đan xen sản phẩm và thị trường với nhau như: chiến lược sản phẩm cũ - thị trường cũ; chiến lược sản phẩm mới - thị trường cũ; chiến lược
  8. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 195 sản phẩm cũ - thị trường mới; chiến lược sản phẩm mới - thị trường mới xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách. 4. Ngành du lịch cần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành hệ thống truyền thông số phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch, thay thế dần các phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với thị trường hiện nay, ví dụ xây dựng mô hình 3D cho các điểm du lịch nổi tiếng, kinh doanh trực tuyến, quản trị sự kiện trực tuyến, và tư vấn liên quan đến xu hướng quản trị du lịch và khách sạn thông minh. Kết hợp O - S  1. Đẩy mạnh phát triển du lịch biển: tận dụng nguồn tiềm năng du lịch biển dồi dào để đưa Khánh Hòa thành trung tâm du lịch biển hàng đầu Việt Nam và là điểm nghỉ dưỡng biển nổi tiếng trên thế giới. Ưu tiên truyền thông về điểm đến an toàn - văn minh - thân thiện kết hợp với du lịch bổ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan và trải nghiệm văn hóa địa phương. 2. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch như Festival, hội chợ kết hợp với các chương trình nhạc nước kết hợp ánh sáng tạo sự mới mẻ thu hút thị trường khách hàng trẻ tuổi. 3. Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các loại hình du lịch ở nông thôn gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái ở các địa phương như Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa... Gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật, bảo vệ môi trường. Kết hợp O - W 1. Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt vào những mùa cao điểm cần có các biện pháp đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch. Trong công tác đào tạo hướng dẫn viên du lịch quốc tế, ngoài việc yêu cầu nắm vững kiến thức chuyên ngành thì người học cần đáp ứng cả yêu cầu về kĩ năng và yêu cầu về thái độ. Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần xem xét đổi mới cơ chế chính sách, giải pháp đổi mới chương trình đào tạo, bổ sung các môn học ứng dụng, đặc biệt là công nghệ thông tin trong du lịch góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường và đáp ứng cung cấp hướng dẫn viên du lịch quốc tế trước nhu cầu hội nhập và phát triển. 2. Phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư cho xây dựng hệ thống các cơ sở phục vụ “sự kiện Marketing”, tăng cường thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn kinh doanh du lịch lớn. Để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau đại dịch COVID-19, các bộ, ngành, cơ quan, Nhà nước quản lý cần đưa ra những chính sách thích hợp về đầu tư tài chính, vay vốn, lãi suất ngân hàng, điều chỉnh hoãn, giảm các loại thuế, phí có liên quan… Quan trọng nhất là trong quá trình khôi phục cần nghiên cứu kĩ lưỡng lộ trình phát triển, tái cấu trúc các điểm đến du lịch, tái cấu trúc hệ thống sản phẩm du lịch và tái cấu trúc thị trường khách hàng.
  9. 196 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 4. KẾT LUẬN Các tác động từ đại dịch COVID-19 đến du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hoà nói riêng đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức đồng thời cũng đưa ra các cơ hội để du lịch tỉnh Khánh Hòa phục hồi, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững. Thông qua việc phân tích tác động của đại dịch COVID-19 bằng phương pháp SWOT đối với ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa, tác giả đưa ra một số giải pháp góp phần giúp Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực, góp phần phục hồi ngành du lịch, thu hút khách du lịch trong thời gian tới. Để có thể thích ứng, phục hồi và phát triển sau dịch bệnh, ngành du lịch cần có sự chung tay của nhà nước và sự đột phá chuyển mình của doanh nghiệp theo một số giải pháp mà bài viết đã đưa ra. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2021). “Rã đông” cho ngành du lịch Khánh Hòa sau dịch COVID-19”. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (https://bvhttdl.gov.vn/ ra-dong-cho-nganh-du-lich-khanh-hoa-sau-dich-covid-19-20211019153340449.htm). 2. Bùi Thị Hải Yến (2020). Tuyến điểm Du lịch Việt Nam. NXB Giáo dục Việt Nam. 3. Đình Lâm (2023). “Tăng trưởng GRDP của Khánh Hòa: Dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung”. Cổng thông tin điện tử Báo Khánh Hòa (https://baokhanhhoa.vn/ kinh-te/202312/tang-truong-grdp-cuakhanh-hoadan-dau-khu-vuc-bac-trung-bo-va-duyen- hai-mien-trung-b1d4913). 4. Nguyễn Hoàng Phương (2012). Phân tích SWOT trong chiến lược kinh doanh. NXB Thông tin và truyền thông. 5. Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa (2023). “Báo cáo công tác Du lịch”. Cổng thông tin điện tử Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa (https://sdl.khanhhoa.gov.vn/tin-chi-tiet/id/1374/Bao-cao-cong- tac-Du-lich-Nam-2023). 6. Trung tâm Thông tin Du lịch (2021). “Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO): Khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm 73,9%, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm”. Cổng thông tin điện tử Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (https://vietnamtourism.gov.vn/post/35610). 7. Xuân Thành (2023). “Du lịch Khánh Hòa: Hứa hẹn bứt phá trong năm 2024”. Cổng thông tin điện tử Báo Khánh Hòa (https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202312/du-lich-khanh-hoa- hua-hen-but-pha-trong-nam-2024-0734544).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2