intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

34
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung phân tích những cơ hội và thách thức từ hai hiệp định CPTPP và EVFTA tác động đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp khuyến nghị nhằm giúp cho ngành thủy sản nước ta tận dụng được những cơ hội từ quá trình hội nhập.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

  1. CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN XUẤT KHẨU THỦY SẢN CỦA VIỆT NAM NEW-GENERATION FREE-TRADE AGREEMENTS AND THEIR EFFECTS ON SEAFOOD EXPORT OF VIETNAM TS. Phạm Thị Bạch Tuyết Trường Đại học Sài Gòn Tóm tắt Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Xuất khẩu thủy sản đang có nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị xuất khẩu khi hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) mà Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên rất nhiều thách thức cũng đặt ra cho ngành thủy sản của nước ta liên quan đến các vấn đề như chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, rào cản kĩ thuật,.... Bài viết tập trung phân tích những cơ hội và thách thức từ hai hiệp định CPTPP và EVFTA tác động đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp khuyến nghị nhằm giúp cho ngành thủy sản nước ta tận dụng được những cơ hội từ quá trình hội nhập. Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do, thủy sản, xuất khẩu Abstract Seafood which is one of the key export products of our country with its constantly rising export turnover has made Vietnam become one of the largest seafood exporters all over the world. Vietnam seafood exporters are having great opportunities to expand the market, improve the quality and increase the export value when two New-generation free- trade agreements (CPTPP, EVFTA) into which Vietnam has entered come into effect. However, the seafood industry has also faced many challenges related to product quality, rules of origin, origin tracing and authenticity system, technology barriers... This article will focus on the analyzing the opportunities and challenges brought by CPTPP, EVFTA and their effects on seafood export activities of Vietnam, while proposing some recommended solutions that helps the seafood industry take advantage of opportunities from the integration process. Keywords: Free trade agreement (FTA), seafood, export 1. Đặt vấn đề Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương ở trong khu vực và quốc tế. Hiện nay Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 16 hiệp định thương mại tự 598
  2. do (FTA) gồm đã thực thi 12 FTA, ký và chuẩn bị phê chuẩn 1 FTA, đang đàm phán 3 FTA. Trong năm 2019 tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt dấu mốc quan trọng với việc nước ta đẩy mạnh tham gia và thực thi các FTA “thế hệ mới”, gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019 và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết ngày 30/6/2019, dự kiến có hiệu lực năm 2020. Đây là những FTA có mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng và lộ trình ngắn hơn so với đa số các FTA mà nước ta đã ký kết và tham gia trước đây. CPTPP và EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó thủy sản là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều khi hiệp định có hiệu lực. Trong hơn 20 năm qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 621,4 triệu USD (1995) tăng lên 8.787,1 triệu USD (2018) với mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 13%/năm. Quá trình tăng trưởng này đã đưa Việt Nam trở thành một trong năm nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,78 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2017, là một trong sáu mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, sau điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; da giầy. Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 161 thị trường, trong đó có các thị trường lớn đạt trên 1 tỷ USD như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Những kết quả trên có sự đóng góp rất lớn nhờ tham gia tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó thủy sản là một trong những ngành đi đầu về hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh những FTA thế hệ cũ, việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nước ta, giúp cho thị trường xuất khẩu thủy sản ngày càng rộng mở, cơ hội từ ưu đãi thuế quan xuất nhập khẩu, khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thủy sản, tăng sức cạnh tranh với các nước khác. Tuy nhiên, sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia CPTPP và EVFTA như các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành... Để tận dụng được lợi thế từ CPTPP và EVFTA cũng như tránh những hạn chế, bất lợi do những thách thức mang lại, chúng ta cần phải có những giải pháp để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích từ hiệp định, đưa ngành thủy sản của nước ta có thể cạnh tranh, phát triển một cách bền vững. 2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu Hiệp định thương mại tự do (Free trade agreement - FTA) về cơ bản, là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhằm mục đích tự do hóa thương mại về một hoặc một số nhóm mặt hàng nào đó bằng việc cắt giảm thuế quan, có các quy định nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên với nhau. Các FTA truyền thống được đàm phán, ký kết trong giai đoạn đầu, thường có phạm vi hẹp, mức độ tự do hóa hạn chế, thường chỉ bao gồm các cam kết tự do hóa thương mại trong lĩnh vực thương mại hàng hóa (xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 70-80% số dòng thuế). Một số ít có thêm các cam kết tự do hóa thương mại dịch vụ (mở cửa thêm các 599
  3. dịch vụ so với mức mở cửa trong WTO) và các nguyên tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh... Ngày nay, các FTA "thế hệ mới" có phạm vi cam kết rộng hơn, không chỉ bao gồm các nội dung cam kết về chính sách thuế quan, chính sách phi thuế quan đối với hàng hóa, dịch vụ... mà còn mở rộng sang các lĩnh vực mới, đề cập tới vấn đề tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các biện pháp hạn chế định lượng, các rào cản kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, lao động, thương mại điện tử, bảo hiểm và môi trường... Hiện nay có một số loại FTA mà Việt Nam tham gia như sau: - FTA khu vực: là FTA được ký giữa các nước trong cùng một tổ chức khu vực. Ví dụ AFTA. - FTA song phương: được ký giữa 2 nước (FTA giữa Việt Nam và Chi Lê, Việt Nam - Nhật Bản..). - FTA đa phương: được ký giữa nhiều đối tác khác nhau. Ví dụ như CPTPP...; - FTA được ký giữa một tổ chức với một nước: FTA được ký giữa một bên là tổ chức ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc...; FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU. Tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. FTA thế hệ mới sẽ tạo cơ hội trong việc gia tăng giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ hàng rào thuế quan bị bãi bỏ (thường về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực); giúp cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh nhờ sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ hơn như vận tải, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu vật tư, trang thiết bị; là cơ hội tăng cường hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất hàng giá trị gia tăng...Bên cạnh đó FTA cũng tạo ra những thách thức cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến các vấn đề như quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, sự gia tăng cạnh tranh và vấn đề lao động, môi trường... Bài viết chủ yếu sử dụng nguồn số liệu thứ cấp thu thập từ Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương để sử dụng phân tích, đánh giá thực trạng xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong giai đoạn 1995 - 2018 và cơ hội cũng như thách thức trong thời gian tới. Ngoài ra các thông tin và số liệu trong bài viết cũng kế thừa và tổng hợp từ các nghiên cứu đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí và các trang thông tin chính thức của các bộ ngành liên quan. Các phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu này là phương pháp thu thập, xử lí số liệu thống kê, phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp tài liệu, phương pháp bảng biểu, biểu đồ. 3. Nội dung nghiên cứu 3.1. Nội dung của các Hiệp định tự do thế hệ mới đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 nước thành viên tham gia (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, 600
  4. Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Đây là một hiệp định tự do thế hệ mới với mức cam kết mở cửa mạnh và phạm vi cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực đã đem lại cơ hội rất lớn cho nhiều ngành kinh tế của nước ta. Thủy sản là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều khi CPTPP có hiệu lực, nó không chỉ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu mà còn giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao chất lượng để phát triển bền vững. Mức cam kết thuế quan trong CPTPP được mỗi thành viên đưa ra có mức cắt giảm thuế quan khá mạnh đối với ngành thủy sản có thể xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với tất cả các dòng thuế thủy sản của Việt Nam là 8 nước Australia, New Zealand, Canada, Brunei, Malaysia, Singapore, Chile, Peru. Còn Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan ngay với khoảng 65% (317/484) các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, theo lộ trình 6 - 16 năm sẽ cắt giảm và xóa bỏ thuế với các sản phẩm thủy sản như 8 năm với cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, một số loại cá ngừ khác, 16 năm với cá nishin, saba, cơm, thu, Minh Thái, nục;.... Cam kết thuế quan với thủy sản của Mexico là xóa bỏ ngay 41% số dòng thuế (106/255) các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, xóa bỏ theo lộ trình từ 3 - 16 năm với các sản phẩm thủy sản còn lại. Tính đến ngày 30/10/2019 đã có 7 nước phê chuẩn CPTPP, trong đó 6 nước Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và Việt Nam có hiệu lực từ 14/1/2019. Đối với 4 nước chưa phê chuẩn CPTPP (Brunei, Chile, Malaysia, Peru) nên các cam kết thuế quan vẫn chưa có hiệu lực. Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ. Về xuất khẩu thủy sản, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước, đạt 1,44 tỷ USD năm 2018. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có FTA nào với các quốc gia trong khu vực này. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết ngày 30/6/2019, dự kiến có hiệu lực năm 2020. Thủy sản là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực với các cam kết xóa bỏ ngay khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 đến 7 năm, riêng với cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Cam kết trên tạo nhiều cơ hội cho hàng thủy sản của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, được hưởng nhiều ưu đãi với lộ trình miễn thuế xuống 0%, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Bảng 1: Cam kết mở cửa trong CPTPP và EVFTA cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam Cam kết thuế quan của CPTPP cho Việt Cam kết thuế quan của EU Nam cho Việt Nam Thủy sản - Đối với Australia, New Zealand, - Xóa bỏ ngay khoảng 601
  5. Canada, Brunei, Malaysia, 50% số dòng thuế ngay Singapore, Chile, Peru: Cam kết khi Hiệp định có hiệu xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp lực. định có hiệu lực đối với tất cả các - 50% số dòng thuế còn sản phẩm thủy sản của Việt Nam. lại được xóa bỏ theo lộ - Mexico: Xóa bỏ thuế quan ngay trình từ 3 đến 7 năm. khi Hiệp định có hiệu lực với - Riêng với cá ngừ đóng khoảng 41% (106/255) các sản hộp và cá viên áp dụng phẩm thủy sản của Việt Nam. Cắt hạn ngạch thuế quan lần giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình lượt là 11.500 tấn và 3 - 16 năm kể từ khi Hiệp định có 500 tấn. hiệu lực với các sản phẩm thủy sản còn lại. - Nhật Bản: Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 65% (317/484) các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 6 - 16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với các sản phẩm thủy sản còn lại. Nguồn: [5], [6] Bên cạnh các cam kết về mặt thuế quan còn có rất nhiều vấn đề liên quan đến các biện pháp phi thuế quan trong CPTPP và EVFTA tác động đến ngành thủy sản như hàng rào kỹ thuật trong thương mại, biện pháp an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ..., trong đó tiêu chuẩn về lao động và môi trường rất đáng quan tâm trong ngành thủy sản. Hàng rào kỹ thuật trong thương mại: Để có thể xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước CPTPP và EU, nước xuất khẩu phải tuân thủ các nguyên tắc trong quy trình chế biến, đóng gói sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đối với EU quy định rất chặt chẽ với các loại dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thủy sản trong quá trình sơ chế, bảo tồn môi trường: Các sản phẩm thủy sản được nhập khẩu vào EU phải có Giấy chứng nhận đánh bắt được hợp thức hóa bởi cơ quan có thẩm quyền. Chứng nhận áp dụng cho tất cả sản phẩm đã chế biến hoặc chưa qua chế biến, trừ cá nước ngọt, cá cảnh và một số loại thân mềm khác. Biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật: Các doanh nghiệp cần phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ cơ sở sản xuất (bao gồm cơ sở hạ tầng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP). Ngoài ra, các doanh nghiệp chế 602
  6. biến và xuất khẩu thủy sản cần lưu ý một số quy định chung của EU liên quan tới quy tắc vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, dư lượng cho phép một số chất nhất định với sản phẩm thủy sản... Quy tắc xuất xứ: Trong CPTPP và EVFTA, quy tắc xuất xứ Chương III của sản phẩm thủy sản khá chi tiết và cụ thể với những quy định về xuất xứ thuần túy, xuất xứ nội khối và xuất xứ một phần với mục đích để đảm bảo hàng hóa phải được sản xuất chủ yếu trong khu vực Hiệp định thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định. Ngoài ra, CPTPP và EVFTA đều có cam kết về ngăn ngừa đánh bắt hải sản quá mức, giảm đánh bắt các loài chưa trưởng thành, tuân thủ các biện pháp bảo tồn, khai thác cạn kiệt. Cam kết về môi trường: Thủy sản là ngành có liên quan chặt chẽ tới môi trường, đặc biệt là vấn đề khai thác tài nguyên thủy sản và xử lý chất thải từ quá trình đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Vì vậy, các cam kết về môi trường sẽ tác động đến ngành thủy sản, không vì lợi ích thương mại mà giảm tiêu chuẩn môi trường. Trong CPTPP có cam kết về đánh bắt hải sản, ngăn ngừa đánh bắt quá mức, giảm đánh bắt các loài chưa trưởng thành; cam kết không trợ cấp các tàu cá bị liệt vào danh mục đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU). Với EVFTA phải tuân thủ các biện pháp bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, cam kết trao đổi hợp tác thông tin về các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát, giám sát, thực thi các biện pháp quản lý đánh bắt hải sản. Về lao động: Cả CPTPP và EVFTA đều có nhóm nguyên tắc lao động cơ bản trong tuyên bố của ILO năm 1998, bao gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Đối với ngành thủy sản là ngành sử dụng nhiều lao động, lại có môi trường lao động khá đặc thù. Vì vậy, các cam kết về lao động sẽ tác động gián tiếp đến các doanh nghiệp và người lao động trong ngành thủy sản, đặc biệt phải chú ý đến các trường hợp liên quan đến yếu tố lao động trẻ em và lao động mùa vụ. 3.2. Khái quát tình hình xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu lớn đứng thứ sáu trong số các sản phẩm xuất khẩu của cả nước. Trong những năm qua, xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trưởng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. Trong giai đoạn 1995 - 2000, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng từ 621,4 triệu USD năm 1995 lên 1,478 tỉ USD năm 2000. Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (có hiệu lực năm 2001) và tham gia hội nhập sâu vào kinh tế thế giới đã mở ra cánh cửa cho hàng xuất khẩu Việt Nam nói chung và hàng thủy sản nói riêng được tiếp cận với các thị trường lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng nhanh chóng từ 1,478 tỉ USD năm 2000 lên 5,016 tỉ USD năm 2010, đến năm 2018 đạt 8,787 tỉ USD. Năm 2018 xuất khẩu thủy sản đạt 8,787 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2017. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm tôm, cá tra, cá ngừ, mực và bạch tuộc, cua ghẹ và giáp xác... 603
  7. Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam giai đoạn 1995-2018 (triệu USD) Nguồn: [2], [3] Năm 2018 xuất khẩu tôm đạt trên 3,55 tỷ USD, chiếm 41,1% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trong đó tôm chân trắng đạt 2,44 tỷ USD, tôm sú đạt 817,3 triệu USD. Mặt hàng tôm được xuất khẩu sang 89 thị trường, trong đó 10 thị trường lớn nhất gồm EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 95,9% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam đạt 838,3 triệu USD (chiếm 23,6% tổng giá xuất khẩu tôm Việt Nam). Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo xuất khẩu sang EU, chiếm tỷ trọng áp đảo 82% tổng các sản phẩm tôm xuất sang EU. Anh, Hà Lan, Đức là 3 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất trong khối EU. Cơ hội xuất khẩu tôm sang thị trường EU sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm sẽ về mức 0%. Mặt hàng cá tra xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD, chiếm 25,2% giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước, trong đó, cá tra tươi, ướp lạnh, đông lạnh đạt 2,24 tỷ USD; cá tra chế biến đạt 21,1 triệu USD. Cá tra được xuất khẩu được sang 129 thị trường, trong đó 8 thị trường lớn nhất gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và UAE với tổng kim ngạch xuất chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam về cá tra với kim ngạch đạt 243,9 triệu USD, chiếm 10,8%. Cá ngừ xuất khẩu đạt 652,9 triệu USD, trong đó cá ngừ tươi, ướp lạnh, đông lạnh đạt 346,5 triệu USD và cá ngừ chế biến đạt 325,8 triệu USD. Về thị trường, cá ngừ xuất khẩu được sang 101 thị trường, trong đó 8 thị trường lớn nhất gồm Hoa Kỳ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Mexico và Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ cả nước. Mực và bạch tuộc đạt giá trị xuất khẩu 672,3 triệu USD với 9 thị trường xuất khẩu chủ lực gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Isarel, Đài Loan và Australia chiếm 98,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mực và bạch tuộc của cả nước (Bảng 2). 604
  8. Bảng 2: Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2018 Sản phẩm Kim ngạch Tăng trưởng so Thị trường chính thủy sản (triệu USD) với năm 2017 Tôm các EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, 3.550,0 -6,6% loại Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Cá tra 2.260,0 25,6% Mexico, Brazil, Colombia, UAE Hoa Kỳ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Cá ngừ 652,9 12,2% Canada, Mexico, Trung Quốc Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Mực và 672,3 7,5% Trung Quốc, Hoa Kỳ, Isarel, Đài Loan, bạch tuộc Australia Nguồn: [1] Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 161 nước trên thế giới, trong đó 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 5 thị trường này trong năm 2018 đạt 6,32 tỷ USD, chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, năm 2018 xuất khẩu đạt 1,63 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 18,5%; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ là tôm, cá tra, cá ngừ và cua ghẹ. Đứng thứ hai là thị trường EU với giá trị xuất khẩu đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 16,4%; các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuột, mực, nhuyễn thể và các loại thủy sản đông lạnh... Tiếp theo là Nhật Bản đạt 1,39 tỷ USD, chiếm 15,8%; tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trung Quốc xuất khẩu đạt 996 triệu USD, chiếm 11,3% và Hàn Quốc xuất khẩu đạt 864,9 triệu USD, chiếm 9,8%. Hình 2: Cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam năm 2018 (%) Nguồn: [1] 605
  9. 3.3. Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới a. Cơ hội Thứ nhất, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, được hưởng nhiều ưu đãi về mặt thuế quan. CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết về mặt mở cửa thị trường, dỡ bỏ hàng rào thuế quan sâu hơn so với các FTA mà Việt Nam tham gia trước đó. Thủy sản được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn về cắt giảm thuế quan ngay khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng lên, thị trường được mở rộng, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Các nước thành viên CPTPP đều là những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các nước CPTPP đạt giá trị 2,209 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Trong 11 nước thuộc CPTPP, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 1,378 tỷ USD, tiếp theo là Canada (239,78 triệu USD), Australia (197,04 triệu USD), Mexico (115,48 triệu USD), Malaysia (114,22 triệu USD), Singapore (113,15 triệu USD)... Tôm là mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất sang các nước CPTPP với 970,485 triệu USD; tiếp đó là hải sản với 910,324 triệu USD; cá tra 328,348 triệu USD [4]. Trong CPTPP, hầu hết tất cả các nước đều cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với tất cả các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, tạo nhiều cơ hội cho nhóm hàng thủy sản tiếp cận với các thị trường này, trong đó xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đáng chú ý, Canada, một thị trường lớn của Việt Nam chưa có FTA cam kết xóa bỏ 100% các dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực. Đối với Mexico, một thị trường đang duy trì thuế cao cũng cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 41% (106/255) các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 3 - 16 năm với các sản phẩm thủy sản còn lại. Mặc dù là nước có mức cam kết mở cửa hạn chế nhất đối với thủy sản Việt Nam trong nhóm CPTPP, tuy nhiên, mức cam kết này vẫn mang lại nhiều lợi ích thuế quan đáng kể cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này khi so với mức thuế MFN mà Mexico áp dụng cho các sản phẩm thủy sản nhập khẩu là 13,51% đối với thủy sản tươi và 18% đối với chế phẩm thủy sản. Nhật Bản, thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam cũng cắt giảm thuế sâu hơn cho thủy sản Việt Nam so với hai Hiệp định thương mại tự do song phương đã được thực thi trước đó (FTA ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)) và được hưởng lợi từ nguyên tắc cộng gộp từ 11 nước thành viên CPTPP. Các cam kết trên sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu sang các nước thành viên, đặc biệt là các thị trường lớn, những đối tác thương mại chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico; New Zealand và Australia cũng là những thị trường tiềm năng với sức tiêu thụ sản phẩm thủy sản đang tăng nhanh. Đối với hiệp định EVFTA, cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là vô cùng lớn khi được tiếp cận với thị trường của 28 quốc gia thành viên EU chưa có FTA nào với 606
  10. Việt Nam. Đồng thời, đây lại là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, đứng thứ 2 sau thị trường Mỹ, luôn chiếm trên 16%-17% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, tôm và cá tra là sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường EU, tôm chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các sản phẩm nhập khẩu lớn nữa là cá ngừ, mực và bạch tuộc. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Tôm nguyên liệu sẽ về mức thuế 0% từ mức hiện tại là 12.5%; thuế sản phẩm tôm về 0% từ 20% hiện tại. Các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực...) sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 20%. Mực và bạch tuộc đông lạnh đang chịu mức thuế 6 - 8% sẽ giảm ngay về 0%,[4]... Đây sẽ là cơ hội lớn góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất nhì của Việt Nam những năm qua. Tham gia CPTPP và EVFTA không chỉ giúp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi từ những thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm như Nhật Bản, EU, Australia, Canada. Hơn nữa tỉ trọng thủy sản của Việt Nam trong kim ngạch nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường còn khá khiêm tốn, vì thế dư địa phát triển thị trường còn nhiều. Trong CPTPP, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên thủy sản của nước ta còn chiếm thị phần rất nhỏ từ nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản. Đối với sản phẩm cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác chỉ chiếm thị phần 4,83%; các sản phẩm chế phẩm từ cá chiếm thị phần 14,14%. Canada lần lượt là 7,34% và 30,7%; Australia là 13,7% và 12,3%; Mexico là 16,7% và 0,7%... Nếu chúng ta biết tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định mang lại thì sẽ là cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường, gia tăng giá trị và thị phần xuất khẩu. Thứ hai, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thủy sản Việt Nam đang có vị thế cạnh tranh mạnh mẽ với các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới do một số nước đối thủ với Việt Nam đều chưa ký FTA với các nước đối tác thuộc nhóm CPTPP và EVFTA nên đây sẽ là lợi thế cạnh tranh về mặt thuế nhập khẩu thủy sản khi Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi hơn. Tại thị trường các nước thành viên CPTPP, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về thị phần xuất khẩu các sản phẩm thủy sản là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,... Khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ trong cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường này, từ đó sẽ có cơ hội tăng thị phần xuất khẩu. Ví dụ như Canada, một thị trường thế mạnh về xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cam kết xóa bỏ 100% dòng thuế nhập khẩu với thủy sản Việt Nam sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực. Việt Nam hiện đang đứng đầu xuất khẩu tôm (tôm đông lạnh và tôm chế biến) vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu tôm của Canada. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam là Ấn Độ nhưng nước này không phải thành viên CPTPP nên đây là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh thị phần với Ấn Độ. Hay cá ngừ Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ khoảng trên 1,1% thị phần, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng lợi thế cạnh tranh với Thái Lan và Trung Quốc, hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam nhưng không được hưởng mức thuế 0% do không phải là thành viên của CPTPP. 607
  11. Đối với thị trường EU, các nước đối thủ về xuất khẩu thủy sản với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippine đều chưa ký FTA song phương mà chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP (ưu đãi thuế quan phổ cập). Do vậy, khi FTA EVFTA có hiệu lực Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với hầu hết các nước xuất khẩu cạnh tranh. Ví dụ như tôm, mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của nước ta. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức 20% xuống 0%, các sản phẩm tôm khác được giảm theo lộ trình 3 - 5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Với lợi thế được cắt giảm thuế, tôm Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với EU (Ấn Độ, Thái Lan). Ngoài ra, việc Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan nhập khẩu thủy sản khi tham gia CPTPP và EVFTA là cơ hội giúp cho thủy sản nước ta nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh nhờ sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ hơn như vận tải, thức ăn chăn nuôi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, cũng như giảm chi phí đầu vào đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, trang thiết bị máy móc, công nghệ để phục vụ chế biến xuất khẩu. Mức độ cam kết thuế quan của Việt Nam cho thủy sản nhập khẩu từ các nước CPTPP khá cao, xóa bỏ ngay 83% (305/369) số dòng thuế và xóa bỏ theo lộ trình từ 4-11 năm các dòng thuế còn lại. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 270 triệu USD thủy sản từ các nước CPTPP, chiếm gần 16% nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó một tỉ lệ lớn khối lượng nhập khẩu là nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu. Vì vậy, tham gia CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí trong nhập khẩu. Thứ ba, cơ hội tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định của thị trường các nước. Trong các Hiệp định tự do thế hệ mới, bên cạnh cam kết về mặt thuế quan còn có các cam kết phi thuế quan khác như phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm... Thị trường trong CPTPP và EVFTA đều là những thị trường lớn và là những thị trường khó tính, vì vậy các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà các thị trường này đòi hỏi đối với sản phẩm thủy sản cũng rất cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải có những thay đổi, tìm hiểu, tiếp cận và thực hiện đúng các yêu cầu cam kết. Việc thủy sản nước ta xâm nhập được vào thị trường EU hay Nhật Bản sẽ giúp cho hàng thủy sản Việt Nam có thể tiếp cận tới các thị trường còn lại của thế giới. b. Thách thức Đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan Để được hưởng ưu đãi về thuế, phi thuế quan trong hai hiệp định CPTPP và EVFTA, sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ nghĩa là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm phải được nuôi trồng, thu hoạch trong nước. Những sản phẩm nhập nguyên liệu từ các nước ngoài Hiệp định về chế biến xuất khẩu sẽ không được áp dụng việc cắt giảm thuế. Thời gian qua, quy mô công suất các nhà máy chế biến thủy sản nước ta tăng nhanh, trong khi số lượng và chất lượng nguyên liệu thủy sản đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho chế biến xuất khẩu không đủ cung cấp nên hàng năm các doanh 608
  12. nghiệp chế biến Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn thủy sản nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Năm 2018 kim ngạch nhập khẩu thủy sản đạt 1,72 tỷ USD, nhiều nhất là cá các loại (39%), tôm (28%), cá ngừ (20%), mực và bạch tuộc (8%), cua ghẹ và giáp xác (3%), nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (2%)..., ngoài một phần dành cho tiêu dùng thì chủ yếu là nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu (khoảng 80 - 85%). Các thị trường nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam gồm Ấn Độ, Na Uy, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Indonesia, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Chile và Hoa Kỳ. Như vậy với những sản phẩm chế biến xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ những nước không thuộc CPTPP, EU thì sẽ không được cắt giảm thuế quan. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Còn đối với nguồn nguyên liệu trong nước, chúng ta chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất với người nuôi trồng thủy sản. Nguồn nguyên liệu phân tán, khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ làm cho việc kiểm soát chất lượng càng khó khăn, vì vậy việc đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc là một thách thức lớn đối với ngành thủy sản của nước ta hiện nay. Gia tăng xu thế bảo hộ với các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, chống trợ cấp... có nhiều quy định mới và phức tạp hơn. Các nước thuộc nhóm CPTPP và EU đều là những thị trường lớn, đồng thời cũng là thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Ví dụ như cam kết trong EVFTA, CPTPP làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản. CPTPP yêu cầu các thành viên phải ngăn ngừa đánh bắt quá mức, quá năng lực; giảm đánh bắt ngẫu nhiên các loài không phải mục tiêu và chưa trưởng thành; thúc đẩy sự phục hồi các loài bị khai thác quá mức; không trợ cấp cho hoạt động đánh bắt có tác động tiêu cực tới các đàn cá đã trong tình trạng đánh bắt quá mức; không trợ cấp cho tất cả các tàu cá vi phạm khai thác IUU. Còn trong EVFTA yêu cầu tuân thủ các biện pháp bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản nêu trong các Công ước được liệt kê; cam kết hợp tác chặt chẽ trong vấn đề IUU; cam kết hợp tác, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát, giám sát, thực thi các biện pháp quản lý đánh bắt hản sản. Ngày 23/10/2017, EU chính thức cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, kiểm tra gắt gao truy xuất nguồn gốc đối với hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vì chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Điều này đã gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề này thì khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và không tận dụng được những ưu đãi từ hiệp định mang lại. Ngoài ra những yêu cầu chặt chẽ về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ là một khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực kỹ thuật, công nghệ và tài chính hạn chế, việc tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ rất khó đáp ứng được. Cả CPTPP và EVFTA đều có quy định về lao động trong ngành thủy sản, nhưng ngành thủy sản nước ta hiện vẫn còn làm theo mùa vụ nên việc ký hết hợp 609
  13. đồng, bảo hiểm, đào tạo, thậm chí kể cả độ tuổi lao động nhiều nơi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu quy định. 3.4. Một số khuyến nghị Các hiệp định FTA thế hệ mới mang lại cho ngành thủy sản Việt Nam rất nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó là không ít khó khăn và thách thức. Do vậy, để tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ quá trình hội nhập, ngành thủy sản cần thực hiện một số giải pháp sau: a. Về phía nhà nước Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin. Hiện nay nhiều doanh nghiệp của nước ta vẫn chưa chủ động và chưa nắm rõ các cơ hội cũng như thách thức từ các hiệp định FTA Việt Nam đang tham gia. Vì vậy cần hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin về các hiệp định FTA Việt Nam tham gia; cũng như những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng đối với từng mặt hàng xuất khẩu, trong đó có hàng thủy sản để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đáp ứng các yêu cầu trong quá trình xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA Việt Nam là thành viên. Đồng thời các cơ quan nhà nước có liên quan cũng đẩy mạnh hoạt động phổ biến chuyên sâu về các yêu cầu đối với hàng thủy sản xuất khẩu như quy tắc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, môi trường, lao động... cho doanh nghiệp xuất khẩu và người tham gia sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết để tận dụng các cơ hội cho sản phẩm xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm thủy sản thông qua các biện pháp quản lý theo hệ thống từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu. Có những biện pháp xử lí mạnh đối với những doanh nghiệp vi phạm về quy định an toàn thực phẩm. Hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp chế biến nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến lớn, có thiết bị công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng có khả năng cạnh tranh được trên thị trường, hạn chế xuất khẩu sản phẩm sơ chế. Tổ chức xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và sản phẩm thủy sản của Việt Nam nói riêng. Các cơ quan nhà nước cần phối hợp với doanh nghiệp tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng và thương hiệu tại các nước, nhất là các thị trường lớn. Thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế nhằm giới thiệu và quảng bá những sản phẩm mang thương hiệu Việt đến người tiêu dùng thế giới biết. B. Về phía doanh nghiệp Các doanh nghiệp thủy sản cần phải thực hiện đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa để có thể tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan. Cần tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng, tìm nguồn cung nguyên liệu từ các đối tác thuộc FTA. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ các nội dung liên quan trong hiệp định để có thể tận dụng tối đa các ưu đãi từ hiệp định. Các doanh nghiệp thủy sản cần phải nắm rõ các yêu 610
  14. cầu của từng thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn kĩ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có thể đáp ứng được các yêu cầu, mỗi doanh nghiệp phải từng bước khắc phục các hạn chế hiện nay bằng cách kiểm soát chặt chẽ quy trình từ nuôi trồng đến khai thác và chế biến thủy sản. Đối với vấn đề nuôi thủy sản, cần đảm bảo nguồn cung giống có chất lượng, kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi trồng, sử dụng thức ăn và thuốc cho thủy sản. Đối với thủy sản đánh bắt, cần thực hiện nghiêm các yêu cầu về kiểm soát, thống kê và các quy trình khác liên quan tới khai thác, đánh bắt thủy sản; áp dụng công nghệ trong xử lý, bảo quản sản phẩm sau khai thác theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong các hoạt động liên quan tới việc tiếp cận các thị trường cũng như kịp thời cập nhật những thay đổi từ thị trường xuất khẩu, nhất là các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kĩ thuật, quy tắc xuất xứ... để nhanh chóng có các giải pháp ứng phó. 4. Kết luận Các hiệp định tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về mặt thuế quan, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cơ hội là rất lớn xong thách thức đối với thủy sản của Việt Nam cũng không nhỏ, đáng kể nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để được hưởng ưu đãi. Để bước ra sân chơi lớn, để nắm được các cơ hội, các doanh nghiệp thủy sản phải nhanh nhạy với thị trường, đầu tư công nghệ và quy trình sản xuất khép kín nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xuất khẩu để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm so với các nước cạnh tranh khác, từ đó đưa thủy sản Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Công thương, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018, Nhà xuất bản Công thương, Hà Nội, 2019. 2. Tổng cục Hải quan, Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và năm 2018, https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx? 3. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê Việt Nam các năm, https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=720. 4. Tổng cục Thủy sản, Hiệp định CPTPP và EVFTA tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/khcn-htqt/hiep-dinh-cptpp-va- evfta-tao-co-hoi-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-thuy-san. 5. Trung tâm WTO và hội nhập VCCI, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)(tóm lược), http://www.trungtamwto.vn/download/19285/ttwto-tom- luoc-evfta.pdf. 6. Trung tâm WTO và hội nhập VCCI, Sổ tay doanh nghiệp: CPTPP và Ngành Thủy sản Việt Nam, http://www.trungtamwto.vn/download/19221/6.-vcci-cptpp-thuy-san.pdf. 611
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2