HNUE JOURNAL OF SCIENCE<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2019-0030<br />
Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2A, pp. 128-136<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ QUẢN LÍ<br />
DỰA VÀO NHÀ TRƯỜNG<br />
<br />
Vũ Thị Mai Hường<br />
Khoa Quản lí Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Quản lí dựa vào nhà trường ra đời trong trào lưu cải cách giáo dục theo<br />
hướng chuyển từ bình diện giáo dục trên lớp sang bình diện tổ chức nhà trường, tái<br />
cấu trúc hệ thống giáo dục và phong cách quản lí. Các yếu tố tác động tới quản lí<br />
dựa vào nhà trường phụ thuộc vào mức độ chuyển giao và phân bổ quyền lực và loại<br />
hình chương trình quản lí dựa vào nhà trường được tiếp nhận thực hiện trong thực<br />
tiễn. Việc xác định và thiết kế thang đo các yếu tố tác động tới mô hình này rất phức<br />
tạp vì có liên quan đến nhiều bên có liên đới cũng như hàng loạt những yếu tố đầu<br />
vào hoặc có thể đơn giản chỉ là một sự thay đổi trong việc phân bổ cụ thể nguồn lực<br />
nào đó. Bài viết tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng bên trong và bên ngoài đến quản lí<br />
dựa vào nhà trường và tiến hành khảo sát thực trạng các yếu tố đó tại các trường tiểu<br />
học trên địa bàn thành phố Hà Nội.<br />
Từ khoá: Quản lí, quản lí dựa vào nhà trường, các yếu tố ảnh hưởng, yếu tố bên<br />
trong, yếu tố bên ngoài.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Malenet Al định nghĩa: “Quản lí dựa vào nhà trường được xem như sự thay đổi cấu trúc<br />
quyền lực một cách chính thức, hay nói cách khác đó là sự phân cấp quản lí ở cấp độ trường<br />
học, từ đó, xác định các thành viên có quyền đưa ra những quyết sách nhằm duy trì, củng cố<br />
và phát triển nhà trường” [1; 28]. Từ khi xuất hiện vào nửa đầu thế kỉ XX đến nay quản lí<br />
dựa vào nhà trường đã trở thành xu thế rất phổ biến trong lĩnh vực quản lí giáo dục. Cuộc<br />
cải cách trong lĩnh vực quản lí giáo dục hướng đến trao cho nhà trường nhiều quyền tự<br />
chủ và trách nhiệm xã hội hơn. Cuộc cải cách lấy nhà trường làm trung tâm đã đóng vai trò<br />
quan trọng góp phần đổi mới hiện trạng chất lượng giáo dục nhiều nước trên thế giới. Quản lí<br />
dựa vào nhà trường đã được áp dụng ở các nước phát triển, đang phát triển; trên khắp các khu<br />
vực và châu lục; thúc đẩy các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống đang trong quá trình thay đổi phải<br />
đẩy nhanh hơn sự thay đổi của mình [1]. Các yếu tố tác động của quản lí dựa vào nhà trường<br />
phụ thuộc vào mức độ chuyển giao và phân bổ quyền lực, phụ thuộc vào loại hình hay cấp<br />
Ngày nhận bài: 19/2/2019. Ngày sửa bài: 19/3/2019. Ngày nhận đăng: 20/3/2019.<br />
Tác giả liên hệ: Vũ Thị Mai Hường. Địa chỉ e-mail:huongvtm@hnue.edu.vn<br />
<br />
128<br />
<br />
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lí dựa vào nhà trường<br />
độ quản lí dựa vào nhà trường được thực hiện trong thực tiễn. Xác định và thiết kế thang<br />
đo các yếu tố tác động tới quản lí dựa vào nhà trường rất phức tạp vì điều này liên quan<br />
đến nhiều bên có liên đới cũng như hàng loạt những yếu tố đầu vào hoặc có thể đơn giản<br />
chỉ là một sự thay đổi trong việc phân bổ cụ thể nguồn lực nào đó. Bài viết tìm hiểu các<br />
yếu tố ảnh hưởng đến quản lí dựa vào nhà trường và tiến hành khảo sát thực trạng các yếu<br />
tố đó tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí dựa vào nhà trường<br />
Một trong những tài liệu về quản lí dựa vào nhà trường do một số chuyên gia giáo<br />
dục đưa ra (ví dụ, Bauer et al. 1998) đề xuất rằng, các yếu tố tác động của các chương<br />
trình quản lí dựa vào nhà trường có thể gồm: a) “phạm vi”, b) “ra quyết định”, và c) “sự<br />
uỷ thác”. “Phạm vi” là cần làm sáng tỏ những mục đích do các thành viên của Hội đồng<br />
nhà trường đưa ra, hoặc những phương diện bị ảnh hưởng bởi các quyết định của nhà<br />
trường. “Ra quyết định” liên quan tới thực tiễn các nhà quản lí giáo dục thực hiện mô hình<br />
quản lí dựa vào nhà trường theo định hướng của Hội đồng trường. “Sự uỷ thác” liên quan<br />
đến sự tương tác giữa các thành viên cộng đồng hoặc Hội đồng nhà trường và cha mẹ học<br />
sinh [2, 3].<br />
Theo một số tác giả (Gertler et al. 2007 và Santibaurez 2006), đối với các chương<br />
trình quản lí dựa vào nhà trường thì có hàng loạt các yếu tố tác động trong quá trình thực<br />
hiện có thể làm thay đổi kết quả giáo dục của nhà trường. Khi việc cung cấp các yếu tố<br />
nguồn lực bên trong nhà trường thay đổi thì các kết quả giáo dục có thể thay đổi theo [4, 5].<br />
Các tác giả nghiên cứu yếu tố tác động đến quản lí dựa vào nhà trường ở hai khía<br />
cạnh sau:<br />
Thứ nhất là do những bên có liên quan ở cấp độ địa phương như các thành viên cộng<br />
đồng, cha mẹ, đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường và học sinh có nhiều thông<br />
tin về nhà trường hơn chính quyền trung ương. Điều này có nghĩa là những người ở địa<br />
phương sẽ có sự lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn cho nhà trường. Khi cần đưa ra các quyết<br />
định liên quan đến nhà trường, họ sẽ đưa ra quyết định sát với nhà trường hơn so với<br />
chính quyền trung ương, hoặc các lãnh đạo có thẩm quyền về giáo dục ở địa phương.<br />
Theo nghĩa này, điều quan trọng để tạo nên sự thay đổi trong nhà trường cần theo các lĩnh<br />
vực sau:<br />
- Các quyết định quan trọng về nhân sự (bao gồm các giáo viên và nhân viên hành<br />
chính) như: tuyển dụng, sử dụng, thời gian, luân chuyển và đào tạo giáo viên. Điều quan<br />
trọng không chỉ là biết được các phương diện được chuyển giao cho cấp độ nhà trường và<br />
tần suất được quyết định, mà còn cần phải xác định được một cách chính xác là ai là<br />
người ra quyết định. Ví dụ, cộng đồng hay cha mẹ học sinh có quyền thực sự đối với việc<br />
tuyển dụng và sử dụng giáo viên?<br />
- Các quyết định quan trọng về kinh phí: Ai sẽ là thành phần xem xét và quyết định<br />
những sự thay đổi về lượng chi tiêu liên quan đến cơ sở vật chất, quản lí hành chính, và<br />
đào tạo đội ngũ. Đồng thời, khi cần đầu tư thì ai là người được ra các quyết định đầu tư<br />
cho các lĩnh vực này.<br />
129<br />
<br />
Vũ Thị Mai Hường<br />
<br />
- Những thay đổi trong quá trình giáo dục: Quản lí dựa vào nhà trường có thể làm<br />
thay đổi phân bổ thời gian của các giáo viên đối với các nhiệm vụ giảng dạy, quản lí lớp<br />
và các cuộc họp với cha mẹ học sinh, các thành viên cộng đồng. Đồng thời, quản lí dựa<br />
vào nhà trường có thể góp phần làm giảm tỷ lệ vắng mặt của giáo viên trong các hoạt<br />
động chuyên môn và các hoạt động khác của nhà trường.<br />
- Huy động nguồn lực: Lôi cuốn sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng nhiều hơn vào<br />
các công việc của nhà trường, từ đó dẫn đến việc nhà trường có thể nhận được nhiều sự<br />
đóng góp và tài trợ bằng với số tiền mà chính quyền trung ương cấp hoặc từ tiền thuế của<br />
địa phương.<br />
Thứ hai là xét về mặt lí thuyết, quản lí dựa vào nhà trường có thể làm thay đổi đối<br />
với các kết quả giáo dục bằng việc tăng cường hơn sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ<br />
học sinh vào nhà trường, duy trì trách nhiệm và sự giám sát của những người đưa ra quyết<br />
định về quản lí nhà trường. Theo đó, nội dung này được thể hiện ở các vấn đề sau đây:<br />
- Lôi cuốn sự tham gia trực tiếp của cha mẹ học sinh và cộng đồng vào nhà trường:<br />
Cần khẳng định cơ chế chính thức của sự phối hợp hay sự hợp tác giữa các thành viên<br />
cộng đồng, cha mẹ và nhà trường (ví dụ như thông qua Hội đồng nhà trường), đồng thời<br />
xác định các thành viên, trách nhiệm của các thành viên trong cơ chế phối hợp này. Điều<br />
cốt yếu là xác định có bao nhiêu cuộc họp giữa cộng đồng và nhà trường cũng như các<br />
loại cuộc họp đó (ví dụ, các cuộc họp để ra quyết định hoặc chỉ vì các mục đích về thông tin).<br />
- Mối liên hệ giữa sự tham gia của cha mẹ học sinh và các quyết định ở cấp độ nhà<br />
trường: Mối liên hệ này sẽ góp phần làm sáng tỏ những yêu cầu hoặc sự khen ngợi, động<br />
viên khuyến khích của các thành viên cộng đồng đối với công việc giảng dạy, giáo dục<br />
của giáo viên dành cho học sinh trong nhà trường. Đồng thời, quan trọng là thông quan<br />
mối liên hệ chặt chẽ, nhà trường sẽ biết được những kiến nghị của các thành viên cộng<br />
đồng về các vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập của nhà trường và<br />
nhu cầu chi phí để kịp thời giải quyết các vấn đề này.<br />
- Sự thay đổi trong chính sách tài chính: Quản lí dựa vào nhà trường tích cực áp dụng<br />
hệ thống thông tin quản lý giáo dục (Education Management Information System - EMIS),<br />
hệ thống nhận biết tiến trình học tập của học sinh và hệ thống xác định những đầu vào tài<br />
chính. Khi tham gia vào các quá trình ra quyết định của nhà trường, các thành viên cộng<br />
đồng và cha mẹ học sinh hoàn toàn có thể thuyết phục được nhà trường làm thay đổi các<br />
khoản chí phí. Từ đó, những sự thay đổi trên có thể cải tiến công tác quản lí hành chính<br />
của nhà trường và cuối cùng là nâng cao kết quả giáo dục. Ví dụ, nếu có một hệ thống<br />
EMIS tốt hơn sẽ giải phóng cho giáo viên khỏi những công việc hành chính, sau đó họ có<br />
nhiều thời gian hơn dành cho công việc chuyên môn như tìm hiểu học sinh, thiết kế và tổ<br />
chức quá trình giảng dạy.<br />
- Sự thay đổi bầu không khí nhà trường: Sự lôi cuốn cộng đồng tham gia tất cả vào<br />
các quá trình và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường có thể dẫn đến sự thay đổi<br />
bầu không khí nhà trường, lớp học cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.<br />
Một yếu tố cần quan tâm khi thực hiện quản lí dựa vào nhà trường chính là sự thích<br />
ứng của quản lí dựa vào nhà trường với đặc trưng văn hoá, truyền thống, chế độ chính trị<br />
tại quốc gia nơi chính sách này được thực thi. Hầu hết các quốc gia chấp nhận quản lí dựa<br />
vào nhà trường để tạo ra sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng vào nhà trường, hoặc tăng<br />
130<br />
<br />
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lí dựa vào nhà trường<br />
thêm quyền lực của Hiệu trưởng và giáo viên, hoặc tăng mức độ thành tựu của học sinh,<br />
hoặc chuyển giao quyền lực của chính quyền, nhằm tạo ra cơ chế trách nhiệm đối với tiến<br />
trình ra quyết định ngày càng minh bạch hơn. Trong bất cứ trường hợp nào, việc trao<br />
quyền cho những bên có liên quan đến nhà trường sẽ tăng hiệu quả và cải tiến chất lượng<br />
dịch vụ giáo dục. Ngoài ra, để cải cách quản lí dựa vào nhà trường thành công cần có sự<br />
ủng hộ của chính quyền trung ương, địa phương và các bên có liên quan.<br />
Nhìn chung, chính phủ các quốc gia đã có nhiều cách để áp dụng các chỉ dẫn khác<br />
nhau nhằm thực hiện thành công cuộc cải cách quản lí dựa vào nhà trường. Đầu tiên,<br />
chính phủ trung ương cần làm cho các nhà chức trách phụ trách về giáo dục địa phương<br />
có trách nhiệm hơn bằng việc yêu cầu họ cùng tất cả các bên có liên quan với nhà trường<br />
tham gia vào các cuộc thảo luận đối với các vấn đề về nhà trường. Bên cạnh đó cũng cần<br />
sử dụng những phản hồi của các bên liên quan để thiết kế chính sách và can thiệp kịp thời<br />
để đáp ứng các nhu cầu địa phương. Song song với những thay đổi đó, chính phủ các<br />
quốc gia cũng nên thiết kế đánh giá tác động trong tương lai của các chương trình mới<br />
trước khi chúng được thực hiện đại trà. Xa hơn nữa, họ nên thực hiện đánh giá tác động<br />
một cách nghiêm ngặt đối với các chương trình hiện có. Những đánh giá này có thể do<br />
một nhóm liên quan đến việc phân tích và nghiên cứu của Bộ Giáo dục thực hiện, mặt<br />
khác cần khuyến khích các tổ chức độc lập đánh giá tác động của tất cả các chương trình.<br />
Cuối cùng các chính phủ các nước cần nâng cao nhận thức về cải cách quản lí dựa vào<br />
nhà trường ở cấp độ nhà trường và tuyên truyền phổ biến những điển hình tốt nhất về các<br />
chương trình quản lí dựa vào nhà trường trên toàn thế giới.<br />
Bản thân tính ưu việt của quản lí dựa vào nhà trường cũng đem lại sự vận dụng rộng<br />
rãi của mô hình này. Chi phí để thực hiện cải cách quản lí dựa vào nhà trường ít hơn so<br />
với những lợi ích mà nó mang lại. Rất nhiều cuộc cải cách quản lí dựa vào nhà trường có<br />
các mục tiêu kép. Thứ nhất đó là sự tham gia như là một cách tốt hơn để đạt được mục<br />
tiêu cao trong kết quả học tập của học sinh. Thứ hai là cải cách quản lí dựa vào nhà<br />
trường có mục đích khuyến khích sự quan tâm của cha mẹ học sinh với nhà trường như là<br />
cách để hỗ trợ chi phí tài chính thường xuyên cho nhà trường [2].<br />
Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí dựa vào nhà trường xuất phát từ bên trong<br />
và bên ngoài nhà trường. Các yếu tố bên ngoài bao gồm: Hệ thống văn bản pháp quy tạo<br />
điều kiện cho quản lí dựa vào nhà trường; Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; Nhận<br />
thức của lãnh đạo các cấp; Phong cách lãnh đạo các cấp; Nhận thức của cộng đồng; Chính<br />
sách tài chính cung cấp cho giáo dục Trình độ học vấn của cộng đồng; Chính sách sử<br />
dụng và tiếp nhận nguồn nhân lực; Cộng đồng, cơ quan quản lí giáo dục cấp trên hiểu về<br />
nhà trường<br />
Các yếu tố bên trong xuất phát từ đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cộng<br />
đồng và cha mẹ học sinh như: Sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ học sinh vào hội<br />
đồng trường để quyết định các vấn đề trọng tâm của nhà trường; Sự tham gia của giáo<br />
viên đối với các quyết định quản lí; Học sinh được khuyến khích tham gia vào các hoạt<br />
động giáo dục trong lớp học; Môi trường nhà trường có tính dân chủ, chia sẻ, cộng tác,<br />
cởi mở; Năng lực quản lí lãnh đạo của Hiệu trưởng; Nhận thức của hiệu trưởng về quản lí<br />
dựa vào nhà trường; Phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng<br />
Các yếu tố đó trong mỗi thời điểm khác nhau, tại mỗi quốc gia khác nhau sẽ có<br />
những tác động nhất định đến tính tự chủ và trách nhiệm xã hội của các nhà trường.<br />
131<br />
<br />
Vũ Thị Mai Hường<br />
<br />
2.2. Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí dựa vào nhà trường trong các<br />
trường tiểu học thành phố Hà Nội<br />
2.2.1. Tổ chức nghiên cứu thực trạng<br />
Mục đích nghiên cứu: Bài viết nghiên cứu tìm ra mức độ ảnh hưởng của các yếu tố<br />
bên trong và bên ngoài nhà trường có ảnh hưởng đến hiệu quả quản lí dựa vào nhà trường.<br />
Phương pháp nghiên cứu: Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu bằng bảng hỏi<br />
với hai phiếu hỏi có hai nội dung về thực trạng các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến quản<br />
lí dựa vào nhà trường; thực trạng các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến quản lí dựa vào nhà<br />
trường. Để đánh giá tính khách quan của các câu trả lời của các khách thể khảo sát,<br />
nghiên cứu có sử dụng thêm các câu hỏi phỏng vấn và quan sát bán cấu trúc.<br />
Khách thể khảo sát: 30 cán bộ quản lí phòng giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội;<br />
phỏng vấn bán cấu trúc đối với 03 hiệu trưởng và 03 giáo viên các trường tiểu học.<br />
Cách thức xử lí số liệu nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS để tính tần<br />
suất, điểm trung bình và hệ số tin cậy của phiếu khảo sát, từ đó rút ra các nhận định tổng<br />
quát về thực trang. Để đánh giá độ tin cậy của công cụ, đề tài dùng phương pháp đánh giá<br />
mức độ tương quan giữa các thành tố (item) trong cùng miền đo (internal consistency<br />
methods), sử dụng mô hình tương quan Alpha của Cronbach (Cronbach’s Coefficient<br />
Alpha). Trong nghiên cứu này, chỉ số Cronbach's Alpha đạt 0.627, điều này cho thấy độ<br />
tin cậy của thang đo định lượng theo quy ước: Từ 0.6 - 0.8: có độ tin cậy, do đó, thang đo<br />
nghiên cứu dùng có thể sử dụng được. Đây là căn cứ để có thể tiến hành phân tích kết của<br />
các bảng số liệu.<br />
2.2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng<br />
Kết quả nghiên cứu thực trạng được đề cập đến trong bảng số liệu 1 và 2 phía dưới.<br />
Đối với các yếu tố bên ngoài nhà trường, nhóm yếu tố có ảnh hưởng ít nhất là nhóm yếu<br />
tố liên quan đến cộng đồng thông qua hai item: “Nhận thức của cộng đồng”, “Cộng đồng,<br />
cơ quan quản lí giáo dục cấp trên hiểu về nhà trường” với điểm trung bình xếp thứ 8 và 9.<br />
Qua trao đổi với hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy, cô Nguyễn<br />
Thị A cho biết, “cộng đồng đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động của nhà<br />
trường, gần đây vai trò của cộng đồng cũng được đề xuất tăng cường hơn trong hoạt<br />
động của nhà trường nhưng hành lang pháp lí cho sự tham gia của lực lượng này, cụ thể<br />
là trong luật giáo dục không đề cập nên vai trò của họ trong sự phát triển của nhà trường<br />
nói chung và tính tự chủ của nhà trường nói riêng còn hết sức hạn chế”. Bên cạnh đó,<br />
một giáo viên tiểu học huyện Ba Vì cho biết, nhận thức không đồng đều của cộng đồng<br />
cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ảnh hưởng của họ trong hoạt động của nhà trường bị hạn chế.<br />
Yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng lớn đến quản lí dựa vào nhà trường được các khách<br />
thể khảo sát đánh giá với điểm trung bình cao là: “Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo các<br />
cấp” và những yếu tố liên quan đến văn bản chỉ đạo. Như vậy, cùng với khung lí luận về<br />
các yếu tố ảnh hưởng của quản lí dựa vào nhà trường thì yếu tố quản lí và lãnh đạo, quan<br />
điểm chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách cải cách giáo dục nói chung và<br />
quản lí dựa vào nhà trường nói riêng. Nếu các cấp lãnh đạo ủng hộ, đó là thời cơ thuận lợi<br />
cho sự thay đổi của các nhà trường; tuy nhiên, nếu không được ủng hộ thì đó là thách thức<br />
không dễ vượt qua.<br />
132<br />
<br />