YOMEDIA
ADSENSE
Cẩm nang du lịch Bình Phước
83
lượt xem 13
download
lượt xem 13
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bình Phước là vùng đất biên cương giàu đẹp của tổ quốc với những những cánh rừng cao su bạt ngàn, nơi đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc với tiếng chày giã gạo trên sóc bombo. Hơn 40 năm đã đi qua, bom đạn chiến tranh đã bị đảy lùi. Bình phước của ngày hôm nay sở hữu trong mình những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Cẩm nang du lịch Bình Phước
- CẨM NANG DU LỊCH BÌNH PHƯỚC LỜI GIỚI THIỆU Bình Phước là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng trong khu vực Đông Nam bộ, là cửa ngõ vào các tỉnh Tây Nguyên qua Quốc lộ 14, nằm ở vùng đất biên cương của tổ quốc, tỉnh có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn. Bình Phước là nơi hội tụ nhiều dân tộc. Đến với Bình Phước để khám phá những cảnh quan thiên nhiên sinh động, những di tích lịch sử đã làm nên mảnh đất hào hùng, tận hưởng những sản phẩm du lịch, tham quan di tích lịch sử, rừng nguyên sinh Bù Gia Mập, núi Bà Rá, khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ, sóc Bom Bo … Chúng tôi mong muốn rằng, qua những trang thông tin trong cuốn sách, quý độc giả, những người dành nhiều tình cảm sâu lắng cho quê cho quê hương qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sỹ Xuân Hồng… sẽ hiểu thêm về con người Bình Phước mến khách và nhân hậu, biết thêm về tỉnh Bình Phước mới lạ, hấp dẫn với những di tích và cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Được sự thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông Đại Việt (DAVICOM) và Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản “Cẩm nang du lịch Bình Phước”. Hy vọng cuốn sách sẽ là hành trang du lịch, là nhịp cầu thông tin để hướng dẫn độc giả đến vùng đất Đỏ Miền đông Bình Phước một cách thuận lợi nhất. Trong quá trình thu thập thông tin, tư liệu, hình ảnh và biên soạn không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong quý độc giả quan tâm góp ý để cuốn sách hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau. Ban biên soạn TỔNG QUAN BÌNH PHƯỚC Bình Phước là vùng đất biên cương giàu đẹp của tổ quốc với những những cánh rừng cao su bạt ngàn, nơi đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc với tiếng chày giã gạo trên sóc bombo. Hơn 40 năm đã đi qua, bom đạn chiến tranh đã bị đảy lùi. Bình phước của ngày hôm nay sở hữu trong mình những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị. Mảnh đất ấy là quê hương của những con người mến khách, là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa độc đáo đa dạng của 41 dân tộc Việt Nam. Tất cả những thế mạnh về lịch sử, văn hóa tự nhiên và con người đã tạo nên cho Bình Phước một nét hấp dẫn kỳ lạ và biến nơi này trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của miền Đông Nam Bộ. 1
- Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 6.871,5 km2. Trong đó trên một nửa diện tích là đất đỏ Bazan. Bình Phước nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính, gồm 3 thị xã: Đồng Xoài, Phước Long, thị xã Bình Long và 8 huyện: Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và dân số 950.000 người (2015). Từ lâu Bình Phước được biết đến là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời. Nhiều di chỉ khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu có niên đại cách đây 2.000 năm như: đàn đá, thành đất cổ, các công cụ bằng đá, gốm thuộc nền văn minh thời kỳ tiền sử và các con sông lớn như sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn chảy qua kết hợp với dạng địa hình vùng lãnh thổ là cao nguyên và đồi núi, để hình thành hồ, thác và các công trình thủy điện tạo nên khung cảnh non nước hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh đó tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Đồn điền cao su Phú Riềng, nhà tù Bà Rá, Khu căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, sóc Bom Bo... Bình Phước còn là nơi có nhiều cảnh quan tự nhiên đang ẩn mình trong các khu rừng bạt ngàn như: thác Đăk Mai, Đăk Bô, hồ suối Cam, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên, núi Bà Rá … DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA, DANH THẮNG THỊ XÃ ĐỒNG XOÀI Chùa Quang Minh Tọa lạc bên quốc lộ 14 thuộc phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, chùa Quang Minh được bà con Phật tử lập nên năm 1952 và được trùng tu lại năm 1990. Hàng năm, vào dịp giao thừa, rằm tháng Giêng, tháng 4, tháng 7, rất nhiều du khách cùng bà con Phật tử đến lễ chùa, thắp nhang cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình và bản thân. Di tích Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài Tọa lạc tại phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Đầu năm 1965, phong trào đấu trang của nhân dân ta ở miền Nam đã có những bước phát triển mới, Quân ủy và Bộ chỉ huy miền quyết định mở chiến dịch Phước Long Đồng Xoài, Đồng Xoài được chọn là chiến trường trọng điểm của chiến dịch trong năm 1965. Tượng đài Đồng Xoài được xây dựng năm 2005 gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau thể hiện cho ý chí, sức mạng của quân và dân ta 2
- trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Tượng đài là sự thể hiện cho lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh và các dân tộc từ ba miền của đất nước Bắc Trung Nam về đây sinh sống và sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng. Hồ suối Cam Hồ suối Cam tọa lạc tại phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Hồ có diện tích 237 ha (trong đó diện tích mặt hồ tự nhiên là 68,92 ha), đây là hồ tích nước tự nhiên lớn nhất ở thị xã Đồng Xoài. Nước hồ quanh năm trong xanh, cảnh quan sinh động, nên thơ với các nhà hàng, quán ăn ín bóng trên mặt hồ. Đây là một trong những khu dự án trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh với nhiều dự án được triển khai. HUYỆN PHÚ RIỀNG Đền Hùng Tọa lạc tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, đền Hùng là công trình dân tỉnh Bình Phước tỏ lòng tôn kính các vị vua Hùng đã có công lập và giữ nước. Hàng năm vào ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), lãnh đạo các cấp và nhân dân trong tỉnh tổ chức lễ dâng hương rất trang trọng để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng. Di tích Cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng (Mả Thằng Tây) Tọa lạc tại ngã tư Phú Riềng, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đây là bia đá do thực dân Pháp xây dựng năm 1933 để tưởng nhớ Quận trưởng More một trong những tên cầm quyền khét tiếng tàn ác của thực dân Pháp trên địa bàn quận Bà Rá thời bấy giờ. Tại quận Bà Rá, chính quyền thực dân Pháp đã thực hiện chính sách chiếm hữu thâm độc, dùng mọi thủ đoạn vắt kiệt sức lao động và làm nhục sắc tộc của đồng bào S’tiêng. Vì bản sắc dân tộc và không thể tiếp tục cuộc sống khắc nghiệt, đồng bào S’tiêng đã nhất tề đứng lên đấu tranh để chống lại kẻ thù. Năm 1933, hai anh em Điểu Môn và Điểu Mốt (Sóc Bù Sum) từng tham gia phong trào nghĩa quân của thủ lĩnh N’Trang Lơng vào những năm 1920, đã đứng lên vận động quy tụ được 200 thanh niên dân tộc S’tiêng tham gia nghĩa quân. Sau khi được thành lập, nghĩa quân đã bàn bạc, lên kế hoạch tiêu diệt Quận trưởng More. Ngày 25/10/1933, nghĩa quân tổ chức mai phục, More cưỡi ngựa thúc lính tra xét dân đi xâu thì rơi vào ổ phục kích của nghĩa quân. Quận trưởng More và binh lính tháp tùng đã bị nghĩa quân của ông Điểu Môn và Điểu Mốt tiêu diệt. 3
- Thực dân Pháp sau khi đàn áp cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng đã lập bia tưởng niệm tên Quận trưởng More và gây lòng thù hận với đồng bào dân tộc. Nhưng đối với nhân dân ta, đây là nơi ghi dấu chiến tích vang dội, một chiến công đã đi vào lòng mỗi người dân Bà Rá, có ý nghĩa và giá trị lịch sử vô cùng to lớn, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập tự do của đồng bào S’tiêng nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Ngày 29/5/1989, Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng – xã Phú Riềng chống thực dân Pháp ngày 25/10/1933 là di tích lịch sử quốc gia. Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng nằm trên dòng sông Bé thuộc huyện Phú Riềng. Cùng với hai công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Đơn, nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng được xây dựng và vận hành không chỉ đóng góp cho nguồn điện quốc gia mà còn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, tạo điều kiện phát triển thủy sản và du lịch. Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ Địa điểm lý tưởng cho các hoạt động cắm trại dã ngoại, huấn luyện TeamBuilding, tham quan vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng, Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ với tổng diện tích 72ha bao phủ bởi đồi trà, vườn cây ăn trái, vườn thú… sẽ mang đến du khách những trãi nghiệm thú vị khi đến Bình Phước. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản địa phương như cá lăng nướng lá điều, gà nướng gia vị Bombo, canh thụt, cơm lam, cỗ lá heo rừng…trong bầu khí hậu thiên nhiên thoáng mát với đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp. Khu du lịch tọa lạc tại xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước THỊ XÃ PHƯỚC LONG Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/03/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Năm 1940, bà tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại, bà bị giặc Pháp bắt và đưa lên giam cầm tại nhà tù Bà Rá. Trong những tháng ngày ở nhà tù Bà Rá, bà đã trồng một vườn cây ăn trái với nhiều loại cây như: khế, vú sữa, ổi…Hiện nay, vườn cây chỉ còn lại hai cây khế và hai cây vú sữa. Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định là một trong số ít di tích lưu niệm của bà còn được giữ lại, ghi dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng của bà trong thời kỳ bị cầm tù ở nhà tù Bà Rá (1940 1943). Để mãi mãi ghi nhớ một chặng đường hoạt động cách mạng của nữ tướng, Vườn cây 4
- lưu niệm bà Nguyễn Thị Định đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 25/12/2004. Miếu Bà Rá Nằm trên trục lộ ĐT 741, xã Sơn Giang, thị xã Phước Long, miếu Bà Rá do các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại nhà tù Bà Rá cùng nhân dân địa phương xây dựng nhằm tôn vinh những người đã hy sinh vì tổ quốc. Hàng năm vào các ngày mùng 1, 2, 3 tháng 3 Âm lịch, nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các vị tiền bối có công khai phá vùng đất Bà Rá, các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì đất nước và cầu cho quốc thái dân an. Di tích lịch sử danh thắng núi Bà Rá Thác Mơ Núi Bà Rá trước đây nổi tiếng là một trong những nơi rừng thiêng nước độc và nhiều thú dữ, nên thực dân Pháp xây dựng nhà tù Bà Rá để giam cầm các chiến sĩ cách mạng. Núi Bà Rá cao 723 m thuộc thị xã Phước Long, có tổng diện tích 1.054 ha, xung quanh núi cây cối tốt tươi, tạo cho núi Bà Rá một vẻ đẹp hùng vĩ. Đứng trên lưng chừng núi, du khách có thể nhìn thấy cả một khu vực rộng lớn của thị xã Phước Long xinh đẹp và di tích nhà tù Bà Rá. Đồi Bằng Lăng là thắng cảnh nằm trong khu vực núi Bà Rá rất thơ mộng. Từ chân núi đi lên, có một con đường nhựa thoai thoải dẫn du khách tới đồi Bằng Lăng, nơi đây còn có bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Núi Bà Rá trong hai cuộc chiến giải phóng dân tộc. Hang dơi Hang Bà Bảy tuyết thuộc quần thể sinh thái núi Bà Rá Thác Mơ, thị xã Phước Long. Đây từng là nơi trú ẩn của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tới đây, du khách cảm nhận không khí dịu mát, làn nước suối trong xanh, ánh nắng len lỏi qua khe đá chiếu vào hang tạo nên ánh sáng lung linh huyền ảo. Hồ thủy điện Thác Mơ Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, đoàn cán bộ ngành địa chất, Tài nguyên và Điện lực Việt Nam đã tìm ra một thung lũng giữa vùng rừng núi hoang sơ. Sau gần một thập kỷ thi công, dòng sông Bé đã được chặn lại thành một vùng ngập nước mênh mông, hồ Thác Mơ với diện tích lên tới 12.000ha và nhà máy thủy điện được hình thành. Hồ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Mơ, công suất gần 08 tỷ kw/năm, là nguồn điện năng quan trọng của các tỉnh miền Đông Nam Bộ và góp phần tích cực vào việc cải tạo môi trường sinh thái tỉnh Bình Phước. Xung quanh hồ được bao bọc bởi đồi núi nhấp nhô, rợp bóng cây rừng xanh mát, giữa lòng hồ mênh mông là 10 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích các đảo hơn 200 ha. 5
- Đến Hồ Thác Mơ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển hồ trên cao nguyên với làn nước trong xanh, cảnh quan thơ mộng mà còn có thể buông lưới, thả câu, hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình với những bè cá, đảo nhỏ nhấp nhô trong sương mai, những cánh cò bay lượn, tiếng hót líu lo của đàn chim bay về làm tổ… Đặc biệt hơn khi được thưởng thức món cá lăng, cá chình sông Bé kèm theo hoa chuối rừng Bà Rá và vài chum rượu bên bếp lửa hồng. Tượng đài chiến thắng Phước Long Tượng đài là niềm tự hào về lịch sử đấu tranh anh dũng trong kháng chiến chống mỹ của quân và dân tỉnh Phước Long. Chiến dịch đường 14 Phước Long được mở màng từ đêm 13 tháng 12 năm 1974 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975. Chiến dịch có ý nghĩa như một trận đánh trinh sát chiến lược, thử sức đối với hai bên cũng như thăm dò phản ứng của quốc tế, nhất là của Hoa Kỳ để mở đầu cho những diễn biến tiếp theo của Chiến dịch Mùa Xuân 1975 đưa đến chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam Huyện Bù Gia Mập Vườn Quốc gia Bù Gia Mập Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, có diện tích tự nhiên 26.032 ha. Vườn Quốc gia nằm trong vùng địa lý sinh vật Đông Nam bộ, nơi bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm như: hổ, bò rừng… và nhiều loại thực vật quý như: cẩm lai, trắc, gụ, giáng hương, cây họ dầu … Thác Đăkmai 1 Thác Đăkmai thuộc huyện Bù Gia Mập, có độ cao 15 m, là một trong những thác nước đẹp nằm ở phụ lưu trên dòng chảy của sông Bé. Đến đây, du khách thấy được sự hùng vĩ của thiên nhiên khi nhìn dải thác trắng xóa đột ngột đổ xuống như reo vui, mời gọi du khách hãy đến với Bình Phước, đến với vùng đất đỏ miền Đông. Điểm cuối đường ống dẫn dầu Di tích là điểm cuối của hệ thống đường ống xăng dầu nối từ hậu phương miền Bắc (Lạng Sơn, Móng Cái), qua hai tuyến ống Đông và Tây Trường Sơn đến hội tụ tại điểm cuối cùng ở Bù Gia Mập (107 0 09’98’’kinh độ Đông, 120 08’65’’ vĩ độ Bắc), thuộc tỉnh Phước Long cũ (tỉnh Bình Phước ngày nay), với tổng chiều dài là 4.990km. Đến đầu năm 1975 hệ thống đường ống xăng dầu đã hoàn chỉnh, đảm bảo vững chắc việc cung cấp xăng dầu cho tuyến vận tải chiến lược và chiến trường miền Nam trong đó có chiến trường B2 trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. 6
- HUYỆN CHƠN THÀNH Di tích Đình thần Hưng Long Tọa lạc tại khu phố 5, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, Đình thần được xây dựng vào khoảng năm 1850. Vào ngày mùng 1 và ngày 15 Âm lịch hàng tháng, người dân và du khách thập phương đến đình thắp nhang cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khu sinh thái hồ thủy lợi Phước Hòa: Tọa lạc tại huyện Chơn Thành với ưu thế có diện tích mặt nước lớn, không khí trong lành nơi đây là địa điểm lý tưởng cho những ai ham thích những hoạt động thư giãn như câu cá, dạo chơi cùng gia đình sau những tuần làm việc vất vả. Tương lai hồ Phước Hòa sẽ được ưu tiên phát triển du lịch sinh thái với những khu biệt thự mọc lên ven hồ, hạ tầng phục vụ du lịch hi vọng sẽ đem lại bộ mặt tươi mới tại điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh Bình Phước. HUYỆN HỚN QUẢN Khu du lịch sinh thái hồ Sóc Xiêm Thuộc xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, hồ Sóc Xiêm là một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn và thú vị. Hồ nằm giữa thung lũng yên ả cạnh rừng cao su xanh bạt ngàn soi bóng. Đến đây du khách câu cá, thư giãn trên thảm lá, lắng nghe tiếng gió lao xao, tìm hiểu phong tục tập quán của dân tộc S’tiêng sinh sống ven hồ. Di tích Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô Tàu Ô là tên gọi xuất phát từ suối Tàu Ô chảy ngang qua Quốc lộ 13 tại ấp 4, xã Tân Khai. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ, Chốt chặn Tàu Ô có vị trí cách cống Tàu Ô (đoạn suối Tàu Ô chảy qua Quốc lộ 13) khoảng 400m về hướng Bắc. Đây là một điểm chốt quan trọng trong hệ thống chốt chặn của Sư đoàn 7. Sau khi Lộc Ninh được giải phóng, quân ta bao vây thị xã An Lộc, gián tiếp uy hiếp Sài Gòn. Trước tình hình đó, địch điều binh chi viện cho thị xã An Lộc và tái chiếm Lộc Ninh. Để thực hiện kế hoạch giải tỏa đường 13, địch tập trung lực lượng lớn như: Bộ binh, cơ giới, thiết giáp, sử dụng nhiều phương thức chiến tranh, các loại phương tiện, trang bị vũ khí hiện đại nhằm tiêu diệt trận địa chốt chặn của Sư đoàn 7. Từ ngày 05/4/1972 đến ngày 28/8/1972, trên một đoạn đường dài gần 20km đoạn từ cầu Cần Lê đến Nam Chơn Thành lấy Tàu Ô làm điểm chốt chính, Sư đoàn 7 cùng quân dân địa phương với lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo, vận dụng linh hoạt cách đánh với khẩu hiệu “Chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống”, qua đó 7
- đánh bại mọi cuộc tiến công tiêu diệt chốt của địch, khiến địch bị bất ngờ về chiến thuật. Năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phối hợp với Sư đoàn 7 xây dựng Tượng đài Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô với diện tích 11.451,7m 2, bao gồm 2 hạng mục công trình chính: Nhà bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ Sư đoàn 7 và liệt sĩ thuộc các lực lượng vũ trang địa phương đã hy sinh tại đây và Tượng đài chiến thắng Tàu Ô. Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 29/3/2012. Di tích Đình thần Tân Khai Đình thần Tân Khai được xây dựng vào năm 1901 để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và ghi nhớ công ơn những người khai hoang lập làng, các bậc tiền hiền và để nhớ về quê xưa làng cũ. Cuối thế kỷ thứ XIX, lớp cư dân đầu tiên di cư từ vùng đất Tân Khánh – Bà Trà đến vùng Tân Khai sinh cơ lập nghiệp. Đến năm năm 1912, thực dân Pháp thành lập làng Tân Khai, lấy chữ “Tân” từ “Tân Khánh” và “Khai” là khai hoang, khai phá. Do nhiều biến cố của lịch sử, từ năm xây dựng lần đầu năm 1901 cho đến nay, Đình thần Tân Khai đã trải qua 11 lần di dời. Đình là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Hằng năm, tại di tích diễn ra hai lễ hội lớn. Đình thần Tân Khai được UBND tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 18/8/2014. Di tích Đình thần Thanh An Đình thần Thanh An là một di tích có giá trị lịch sử văn hóa mang đậm nét kiến trúc của một ngôi đình Nam Bộ. Đình là nơi lưu giữ được phần lớn nếp sinh hoạt, nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam, là một thiết chế văn hóa mang màu sắc tâm linh trong quan niệm đa thần và thờ thần của người Việt Nam nói chung và người dân Thanh An, huyện Hớn Quản nói riêng, nhằm tỏ lòng kính trọng đối với thần linh, Thành hoàng và cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Hàng năm Đình có các lễ chính là Lễ Kỳ Yên (13/2 Âm lịch), Lễ Cầu Bông (09/10 Âm lịch). Với những giá trị của di tích Đình thần Thanh An đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 17/8/2015. THỊ XÃ BÌNH LONG Di tích Mộ 3.000 Cách trung tâm văn hóa thị xã Bình Long không xa là khu mộ tập thể 3.000 người, nơi Mỹ ngụy đã chôn những người dân vô tội chết trong chiến 8
- dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Sau ngày đất nước giải phóng, chính quyền tỉnh đã xây dựng thành khu mộ khang trang và được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa ngày 01/04/1985. Di tích Dinh tỉnh trưởng Bình Long Nằm ở trung tâm thị xã Bình Long, dinh tỉnh trưởng Bình Long là nơi ở và làm việc của tỉnh trưởng tỉnh Bình Long (thời Mỹ, Ngụy), sau này được trùng tu lại. Đến đây du khách tham quan ngôi nhà được thiết kế hài hòa kết hợp lối kiến trúc Đông và Tây, xem những cây cảnh cổ có hình dáng độc đáo. Trường tiểu học An Lộc B (trường Quốc Quang) Trường Tiểu học An Lộc B nằm trong quần thể di tích danh thắng của thị xã Bình Long. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972). nơi này trở thành điểm giao tranh giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và ngụy quân Sài Gòn. Ngày nay, đến tham quan trường, du khách còn thấy nhiều vết bom đạn in trên tường. Thác số 4 Nằm cách trung tâm thị xã Bình Long 10 km, thác số 4 được biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên yên bình xen lẫn tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau, tiếng lá xào xạc trong gió… tất cả những âm thanh đó hòa quyện vào nhau như một bản nhạc làm cho khung cảnh xung quanh thác thêm sinh động. Tại đây còn có khu nghỉ dưỡng độc đáo với những dãy nhà nghỉ tiện nghi, ấm cúng. Di tích Mộ tập thể lực lượng vũ trang an ninh An Lộc Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 1975), thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long (nay thuộc thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), là cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn nên có vị trí quan trọng, là “tuyến đầu chặn đứng sự tấn công của Cộng sản”. Trong trận đánh tháng 7/1970, quân Ngụy đã dùng xe Jeep kéo lê 06 chiến sỹ đã hi sinh sau đó vứt xuống giếng nước. Giếng nước nơi yên nghỉ của những chiến sỹ tham gia cách mạng. Để tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ đã ngã hi sinh cho nền độc lập dân tộc, ngày 25/12/2011 UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với tên gọi Mộ tập thể lực lượng vũ trang an ninh An Lộc. Di tích Đình thần Tân Lập Phú Đình thần Tân Lập Phú được xây dựng vào năm 1923, đây là nơi ghi dấu những người Việt đến vùng đất này khai hoang khẩn ấp, lúc đầu là những binh lính lưu đồn của triều đình nhà Nguyễn và gia đình họ. Phần đông binh lính người Việt đi lưu trú ở đây là dân từ các tỉnh miền Trung và Nam bộ. 9
- Đến vùng đất Bình Long, những cư dân di cư đến đây tiến hành khai hoang khẩn ấp, trong quá trình định cư tại nơi ở mới của mình, dân làng đã gặp nhiều khó khăn từ thiên tai dịch bệnh, thú dữ hoành hành, nạn cướp quấy nhiễu dân lành… lúc bấy giờ Triều đình Nhà Nguyễn đã đặc phái ông Trịnh Hậu vào cai quản vùng đất này. Trải qua nhiều năm ông đã cùng nhân dân trong làng khai khẩn mở rộng đất làng, săn đuổi thú rừng, xóa nạn cướp bóc, cuộc sống của dân làng được ổn định, ngày càng thịnh vượng và phát triển. Với những công lao to lớn và sự uy danh của mình, ông được triều đình Nhà Nguyễn sắc phong chức Trung Đẳng Thần. Thấy được công lao to lớn của ông, các bậc tiền nhân, các vị chức sắc cùng dân làng thời ấy kẻ góp công, người góp của lập ngôi đình để thờ ông và xem ông là Thành hoàng bổn cảnh của vùng đất Tân Lập Phú, Bình Long. Đình thần Tân Lập Phú là dấu ấn quan trọng trong quá trình vận động dân cư, quá trình giao thoa văn hóa, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nơi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức theo thường lệ ngày 16 tháng 02 và ngày 09 tháng 9 âm lịch Đình thần Tân Lập Phú tổ chức lễ Kỳ Yên và lễ Cầu Bông diễn ra từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đình còn là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng tổng hợp, một không gian văn hóa tiêu biểu trong đó có những giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình, biểu diễn. Với ý nghĩa đó, Đình là trung tâm văn hóa, là bảo tàng sống về văn hóa làng của người dân Bình Long nói riêng và Bình Phước nói chung. Đình còn lưu giữ được nét kiến trúc truyền thống Nam bộ, là địa điểm tham quan, về nguồn, là nơi gửi gắm tâm linh, niềm tin, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an của nhân dân trong vùng. Đình được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 18/8/2015. HUYỆN LỘC NINH Di tích Cắn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ 1973 đến 1975 (Căn cứ Tà Thiết) Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1972 – 1975 hay còn gọi là “Rừng Chính phủ” tọa lạc tại sóc Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vùng giải phóng được mở rộng là một thuận lợi lớn cho việc xây dựng căn cứ. Để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ chỉ huy Miền đã dời từ huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) về Căn cứ Tà Thiết. 10
- Căn cứ Tà Thiết được xây dựng từ năm 1973, diện tích 16km2, bao gồm: nhà ở, nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đã từng sống, chiến đấu, làm việc và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam như các đồng chí: Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Lê Đức Anh với các hạng mục: Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Nhà Chính ủy, Hội trường… Nhà và các hạng mục đều được xây dựng theo lối nửa chìm nửa nổi (trừ nhà ở, nhà làm việc của đồng chí Trần Văn Trà), cột, kèo làm bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, nép mình dưới những tán cây lớn và những bụi le đan cài chằng chịt nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, thuận tiện, an toàn trong sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo. Tại Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã diễn ra các sự kiện trọng đại: Nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt năm 1975, nơi đây đã thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh một chiến dịch thần tốc, táo bạo, để giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích lịch sử quốc gia đến ngày 23/12/2015 di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Cửa khẩu Lộc Thịnh Tonle chàm Trong những năm gần đây việc trao đổi, mua bán hàng hóa tại cửa khẩu Tà VátTonle Chàm ngày càng phát triển. Chính vì thế việc nâng cấp và đổi tên cửa khẩu phụ Tà Vát Tonle Chàm thành cửa khẩu chính Lộc ThịnhTonle Chàm, là động lực để tăng cường giao thương, hợp tác kinh tế, chính trị và sự đoàn kết giữa hai nước Việt Nam Camphuchia. Trong tương lai, khi tuyến đường sắt xuyên Á được xây dựng và khai thác song với quốc lộ 13, thì cửa khẩu là cửa ngõ thuận lợi để đi từ Bình PhướcPhnompenh, Xiemriep, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà Giao tế) `Ngày 07/04/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên được giải phóng ở miền Nam. Sau đó, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tập trung các cơ quan chính trị, quân sự, hậu cần…Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1911, là văn phòng làm việc của Công ty cao su Xét Xô của Pháp (dùng để quản lý việc khai thác mủ cao su ở Lộc 11
- Ninh). Nhà được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số nên nhân dân trong vùng vẫn quen gọi là nhà “Cao Cẳng”. Sau Hiệp định Paris được ký kết, trước nhu cầu tình hình công tác trên mặt trận ngoại giao, tháng 3/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thống nhất chọn vị trí nền ngôi nhà “Cao Cẳng” xưa (đã bị phá hủy trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972) để xây dựng trụ sở cách mạng, với đồ án thiết kế là của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngôi nhà được xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong nước và quốc tế nên tên gọi “Nhà Giao Tế” ra đời từ đó. Năm 1973, tại đây diễn ra hội nghị quân sự bốn bên, gồm: Đại diện phái đoàn Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại diện phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện phái đoàn quân sự Mỹ và đại diện phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng hòa. Hội nghị bốn bên bàn về việc thực thi các điều khoản đã được ký trong Hiệp định Paris dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế (ICCS) gồm bốn nước: Ba Lan, Canada, Hunggary và Indonesia. Nhà Giao Tế đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 12/12/1986. Khu trưng bày hiện vật điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh Khu trưng bày nằm trong khuôn viên nhà giao tế Lộc Ninh tại thị trấn Lộc Ninh. Đến đây du khách nhìn lại các hiện vật thời chiến tranh, di ảnh các vị lãnh đạo nổi tiếng trong quân đội nhân dân Việt Nam, được biết về các dụng cụ, khí tài quân dụng làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh. Đây là điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch về nguồn, nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng cho các thế hệ thanh niên. Di tích Sân bay quân sự Lộc Ninh Nằm trong trung tâm thị trấn Lộc Ninh, sân bay do thực dân Pháp xây dựng và đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng vào mục đích quân sự. Từ năm 1973 đến năm 1975, sân bay còn là nơi đón tiếp và tiễn đưa các phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về Sài Gòn dự Hội nghị ban liên lạc quân sự 4 bên; tiếp đón hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng của ta từ các nhà tù của địch trở về. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia ngày 12/12/1986. Di tích Chùa Sóc Lớn Đây là ngôi chùa Khmer được xây dựng năm 1931 tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Ngôi chùa Khmer gắn liền với phật giáo Nam Tông Tiểu thừa, qua tiếng nói, chữ viết, các lễ hội truyền thống, các hình 12
- thức nghệ thuật như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Chùa Khmer là sự tổng hòa các sắc thái riêng của văn hóa Khmer gồm: Phong tục, tập quán, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật dân gian, kiến trúc và điêu khắc, hội họa... Từ xa xưa, người Khmer đến chùa lễ Phật, trẻ em đến chùa học chữ, thanh niên vào chùa để tu học làm người. Chùa trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; người Khmer thường có câu “nơi nào có người Khmer, nơi ấy có chùa”. Đã từ lâu những ngôi chùa Khmer là thế đối trọng với những ồn ào của cuộc sống, ngôi chùa Khmer thông qua các vị sư sãi đã góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, mỗi khi nó bị xâm phạm, bị tổn thương, ngôi chùa là nơi làm trong sạch bầu không khí cộng đồng, là nơi tĩnh tâm, làm dịu đi những căng thẳng trong tâm hồn. Người Khmer bảo vệ ngôi chùa như bảo vệ cuộc sống của chính mình, ngôi chùa trở thành một nơi ẩn chứa sức mạnh tinh thần, nền tảng đạo đức, luân lý... Mỗi ngôi chùa không chỉ là một không gian văn hóa mà còn mang một không gian thiêng, thánh thiện, con người khi bước vào ngưỡng cửa của chùa như bước vào thế giới thanh tịnh. Với người Khmer từ lúc sinh ra, trưởng thành cho đến lúc qua đời, mọi sự buồn vui đều diễn ra ở ngôi chùa. Đặc biệt ở đây chùa còn có chức năng là một ngôi trường dạy chữ, dạy đạo lý, đóng vai trò của một thiết chế giáo dục, do vậy càng làm tăng thêm sự kính trọng của nhân dân với các nhà sư và ngôi chùa Khmer. Về kiến trúc, chùa Khmer được xem như một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần, cả về lịch sử lẫn nghệ thuật ... Từ cổng chùa đến kiến trúc Chánh điện, từ kiến trúc Sala đến kiến trúc nhà Tăng, mỗi công trình đều là một chỉnh thể mỹ thuật hoàn hảo nó chứa đựng triết lý sâu xa với trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay điêu luyện của nghệ nhân người Khmer. Những bức tượng Phật trang nghiêm với tòa sen đồ sộ tỏa sáng sự thông thái và lòng nhân hậu từ bi, với những hình tượng chim thần ưỡn ngực đỡ lấy mái chùa thật khỏe khoắn và dũng mãnh với hình tượng rắn thần NaGa được gắn lên mái chùa, cong vút, vẽ lên nền trời xanh một đường cong kỳ ảo, như mời gọi đức Phật hãy dừng lại để ban phước cho dân lành ... tất cả được thể hiện hết sức sinh động, với màu sắc nguyên thể, tương phản, cực kỳ rực rỡ, đã phản ánh cảm xúc và tâm hồn thuần hậu, chân chất của người Khmer, nó là bản sắc, là cốt cách tạo nên nền văn hóa dân tộc độc đáo và bền vững, trải với thời gian nền văn hóa ấy chỉ càng đẹp thêm mà không mất đi. Ngôi chùa Khmer là một bảo tàng giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Khmer, ngôi chùa còn là sự kết tinh các giá trị đạo đức, thẩm mỹ và nghệ thuật. 13
- Di tích Bệnh viện Lộc Ninh Công trình kiến trúc thời Pháp thuộc Cụm kiến trúc nhà cổ xây dựng từ thời Pháp, thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, xưa kia được dùng làm bệnh viện của chế độ cũ. Đến đây, du khách sẽ khám phá kiểu kiến trúc lạ mắt gồm khối bê tông hình vòm, từng khối nhà nhấp nhô, đường nét kiến trúc uốn lượn như sóng đại dương. Đây là cụm kiến trúc có một không hai của vùng Đông Nam Bộ. Thành đất cổ hình tròn Lộc Ninh Thành đất cổ xây dựng theo dạng “thành tròn” được phát hiện ở huyện Lộc Ninh, là khu vực cư trú và phòng thủ của cư dân cổ xưa. Tại thành đất cổ hình tròn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những hiện vật bằng đá, bằng gốm và rìu đá mài nhẵn 4 mặt có niên đại 2.000 năm. Đó là minh chứng cho sự có mặt của những tộc người cổ xưa trên đất Bình Phước. Di tích Bồn xăng kho nhiên liệu VK98 Còn được gọi là Tổng kho nhiên liệu VK98, xây dựng tại xã Lộc Quang. Bồn xăng kho nhiệu liệu VK98 là nơi tiếp nhận xăng dầu từ miền Bắc chuyển vào và tập kết tại tổng kho này. Từ đây, xăng dầu được phân tán cung cấp cho toàn chiến trường miền Nam. Ngày 21/4/1989, di tích kho xăng Lộc Quang được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đến ngày 09/12/2013, di tích Bồn Xăng Kho nhiên liệu VK98 huyện Lộc Ninh và di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước nằm trong hệ thống di tích Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Di tích Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (19731975) Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 19731975, thuộc xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh. Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, trở thành “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1973, Bộ Chỉ huy Miền đã rời căn cứ từ huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) về căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh Bình Phước) và Cục Hậu cần Miền chuyển từ Campuchia về lập căn cứ tại khu vực Hồ Cầu Trắng (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh). Cục Hậu cần Miền, phục vụ kháng chiến, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 10/3/2014. Di tích Địa điểm chiến thắng Dốc 31 Năm 1968, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, ở Lộc Ninh, phong trào đấu tranh được đẩy mạnh nhưng đơn vị vũ trang ở đây quy mô còn nhỏ, tác chiến theo kiểu du kích, không có khả năng 14
- tác chiến độc lập. Ngày 26/4/1968, Huyện ủy Lộc Ninh ra quyết định lấy phiên hiệu của Đại đội vũ trang huyện Lộc Ninh thành Đại đội 31 (lấy tên theo địa bàn đóng quân tại Dốc 31 thuộc làng 2). Tháng 12/1979, Đại đội 31 đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Địa điểm chiến thắng Dốc 31 được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 07/01/2013. Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đã được đầu tư xây dựng cùng với tuyến quốc lộ 13 đã được hoàn thành. Hiện nay quốc lộ 13 đã khai thác tuyến du lịch quốc tế đi qua cửa khẩu Hoa Lư của tỉnh Bình Phước với lộ trình thành phố Hồ Chí Minh Bình Phước vào Campuchia theo Quốc lộ 7 qua hai tỉnh Kratié và Stưng Treng, tiếp nối Quốc lộ 13 sang Lào để tham quan Vientiane hay Pakse và đến tỉnh Ubon (Thái Lan) với quãng đường khoảng 500km. Đây là một cửa khẩu phát triển của tỉnh Bình Phước đã được thông xe vận tải đường bộ qua Ba nước Việt NamCampuchia và Lào. HUYỆN BÙ ĐỐP Nhà máy thủy điện Cần Đơn Được xây dựng trên sông Bé, huyện Bù Đốp, nhà máy thủy điện Cần Đơn là công trình thủy điện lớn thứ hai của tỉnh Bình Phước, hàng năm cung cấp hàng triệu KW điện cho điện lưới quốc gia, đảm bảo cung ứng nước tưới, cải thiện việc điều tiết nước sinh hoạt và công nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa … Ngoài ra, công trình thủy điện này còn tạo ra cảnh quan đẹp, có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch như: du thuyền, dã ngoại… Khu du lịch sinh thái 10.000 ha Bù Đốp Bù Gia Mập Thuộc huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước, đang được ngành du lịch Bình Phước quan tâm phát triển thành loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Khu du lịch cách trung tâm hành chính huyện Bù Đốp khoảng 7 Km, Khu du lịch được hình thành với cuộc sống trên bến dưới thuyền và làng chài nhỏ ven sông. Hành trình khám phá dòng sông tuyệt đẹp với màu nước trong xanh cây cỏ hai bên bờ sông và hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, như rừng khộp đặc trưng của vùng Đông Nam bộ. Những màu xanh của tán rừng in bóng xuống dòng sông, đưa khách về với thiên nhiên, để cảm nhận cảnh đẹp của các hòn đảo nhỏ được phủ kín rừng lồ ô xen gỗ. Trong các đảo nhỏ có một vài dân tộc sinh sống với văn hóa truyền thống và các lễ hội cùng thưởng thức các món ăn mang hương vị vùng sơn cước. Cửa khẩu Quốc Gia Hoàn Diệu 15
- Cửa khẩu thuộc địa phận xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, Cửa khẩu đang trong quá trình đầu tư để nâng tầm thành của khẩu quốc tế nối với Vương quốc Camphuchia. Đến với cửa khẩu quý khách được sống trong bầu không khí trong lành, tìm hiểu cuộc sống của người dân ở vùng biên giới cũng như mua những mặt hàng tại vùng biên giới. HUYỆN ĐỒNG PHÚ Hồ suối Giai Nằm trên địa bàn hai xã Tân Lập, Tân Tiến và một phần thị trấn Tân Phú, hồ suối Giai cách thị xã Đồng Xoài khoảng 12 km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km. Nơi đây có nhiều cảnh quan đẹp, hữu tình, không khí mát mẻ, làn nước trong xanh, là nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch: nghỉ dưỡng, du ngoạn trên thuyền tham quan các lồng nuôi cá bè, câu cá giải trí và tổ chức các loại hình thể thao cảm giác mạnh như: lướt sóng, lái canô cao tốc. Trang trại trái Quý Đông Vường cây ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, có diện tích rộng 20 ha, trồng các loại cây Sầu Riêng; măng cụt; bơ; Mỹ; Mít Thái và quýt đường….Đến với trang trại, du khách được thưởng thức các loại hoa trái của khu vực Miền Đông nam bộ, nhất là Sầu Riêng. Hiện nay trang trại đã có một cửa hàng bán các loại thực phẩm sạch tại thị xã Đồng Xoài Hồ suối Lam Cách thị xã Đồng Xoài 15 km, tại xã Thuận Phú, hồ suối Lam mặt nước êm đềm, quanh năm in bóng những rặng cao su xanh mướt. Đến hồ suối Lam, du khách có thể chèo thuyền lênh đênh trên mặt hồ, cảm nhận sự trong lành của thiên nhiên hòa quyện cùng âm thanh kỳ ảo của núi rừng. Nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng (Phú Riềng Đỏ) Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng (Phú Riềng Đỏ) tọa lạc tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Nơi đây, vào ngày 28/10/1929 đã thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ làm nền móng của phong trào cách mạng sau này. Đồn điền cao su Phú Riềng thuộc Công ty Michelin được thành lập tại làng Phú Riềng, quận Bà Rá, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Công ty Cao su Đồng Phú). Khi đầu tư khai thác và phát triển cao su tại đây, tư bản Pháp đã tuyển mộ trai tráng từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào để làm dân phu với 16
- cuộc sống khổ cực mà kho tàn ca dao đã có câu “ Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo”; “Địa ngục trần gian”, nơi mà “Mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân ngã xuống”. Bị đánh đập, cúp phạt tàn nhẫn nhưng mỗi phản ứng chống lại của công nhân dù lớn hay nhỏ đều bị đàn áp khốc liệt. Năm 1928, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Bắc kỳ cử đi “vô sản hóa” ở đồn điền cao su Phú Riềng. Trước tình hình đó, để lãnh đạo các phong trào đấu tranh của công nhân, tháng 4/1928 tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập và hoạt động ngay trong lòng địch do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (Nguyễn Văn Vĩnh) làm Bí thư cùng với đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Phạm Thư Hồng, đồng chí Tạ, đồng chí Hòa, đồng chí Doanh và đồng chí Song. Đây chính là bộ phận đầu não lãnh đạo các hoạt động đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng. Từ tổ chức cơ sở này, ngày 28/10/1929, bên bờ suối Làng 3, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, còn được gọi là Chi bộ Phú Riềng. Sự ra đời của Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng Chi bộ Phú Riềng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh cách mạng, nhanh chóng lãnh đạo công nhân cao su đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú, đòi quyền lợi cho tầng lớp dân phu. Đặc biệt là cuộc bãi công của 5.000 công nhân cao su năm 1930 làm nên Phú Riềng Đỏ anh hùng, phá tan “Địa ngục trần gian”. Sau 08 ngày (từ ngày 30/01/1930 06/02/1930), cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, ảnh hưởng sâu rộng và để lại bài học sâu sắc cho cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh Phú Riềng Đỏ đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lên một bước thắng lợi. Với những giá trị lịch sử tiêu biểu nói trên, ngày 12/02/1999, di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. HUYỆN BÙ ĐĂNG Cầu 38 Cầu nằm trên quốc lộ 14, ranh giới giữa 2 xã Minh Hưng và Đức Liễu, huyện Bù Đăng, là vùng ngập của lòng hồ Thác Mơ, Hồ nước trong xanh xen lẫn đảo nhỏ thấp thoáng, là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách sau những ngày khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Sóc Bom Bo Thuộc thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Khu bảo tồn có diện tích 113, 04 ha, được đầu tư 298 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành giai đoạn 17
- I và đưa vào đón khách từ ngày 16/10/2015. Đến với Bom Bo du khách sẽ có dịp ôn lại năm tháng sôi động của đồng bào S’tiêng hướng về cách mạng, được hòa mình vào âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng, uống rượu cần, thưởng thức thịt nướng, cùng thanh niên nam nữ biểu diễn các điệu múa, nghe Già làng kể chuyện về sóc Bom Bo bên ánh lửa hồng … Thác Đứng Thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, thác Đứng là một trong những thác nước đẹp, nằm giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cây, thác cao khoảng 4 5 m, rộng khoảng 10 m, hai bên bờ là những thảm cỏ, cây cổ thụ, lác đác điểm những chùm hoa phong lan, càng làm cho phong cảnh của thác thêm thơ mộng… Bến đò thôn 1 Bến đò thôn 1, thuộc xã Đồng Nai. từng là nơi chở các đoàn quân cách mạng của quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam và lương thực ra mặt trận. Ngược dòng sông, du khách sẽ thưởng ngoạn cảnh đẹp hai bên bờ sông, ngắm những thác nước trắng xóa chảy dọc dòng sông, nhiều loại hoa quý mọc bên bờ sông đẹp như một công viên giữa thiên nhiên đại ngàn. Trảng cỏ Bàu Lạch Trảng cỏ Bù Lạch tọa lạc tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Giữa bạt ngàn núi, rừng xuất hiện những trảng cỏ và hồ nước kết nối nhau thành một thảo nguyên rộng chừng 500 ha với 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau. Có trảng rộng chỉ 05 – 10 ha, nhưng trảng rộng nhất, đẹp nhất có diện tích gần 140 ha gọi là trảng lớn nằm giữa một vùng đồi núi xen giữa những cảnh rừng bao la với nhiều cây cổ thụ in nghiêng soi bóng trên mặt hồ. Đi dọc trảng cỏ, du khách có thể thấy những thác nước nhỏ với tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, tiếng lá cây xào xạc trong gió… Bù Lạch vào đầu mùa khô cỏ chuyển thành màu vàng úa, nhiều loại hoa dại khoe sắc tím, vàng… Cuối mùa khô cả trảng cỏ chuyển sang màu vàng rực nhưng chỉ cần một cơn mưa đầu mùa là màu xanh mướt như ngọc lại trỗi dậy. Gần các trảng cỏ là làng của đồng bào dân tộc M’nông, S’tiêng, Mạ, Châu Ro… rất thích hợp cho du khách ghé thăm và tìm hiểu các lễ hội truyền thống, thưởng thức món đặc sản của người bản địa như cơm lam, thịt nướng, rượu cần. Đến với Bù Lạch, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một số thác tự nhiên như: Thác Đứng, thác Pan Toong, thác Bù Xa… nhưng độc đáo nhất là 18
- thác Voi có chiều cao khoảng 15m và chiều rộng 8m mà đồng bào dân tộc gọi là Nokrop, xưa kia là nơi quần tụ của muông thú, nhất là những đàn voi rừng kéo về tắm mát và uống nước trên mặt hồ nơi đỉnh thác. Thác Voi Thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, thác Voi có độ cao khoảng 15 m. Vào mùa mưa, nước đổ từ trên thác xuống thành một màu trắng xóa trông rất đẹp và thơ mộng, dòng nước uốn lượn quanh co trước khi đổ vào sông Đồng Nai và đắm mình vào không gian tĩnh lặng của núi rừng. Hệ thác ghềnh trên sông Đồng Nai Hệ thác ghềnh trên sông Đồng Nai thuộc địa phận xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Đến đây, du khách chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên ngã ba ba tỉnh Bình Phước Đắk Nông Lâm Đồng, nơi có các bãi đá trải dài, tìm hiểu về sự kỳ bí của hệ ghềnh, thác Luồng, vịnh đãi Vàng, ghềnh Công Viên … những tên gọi gắn liền với sự kỳ bí của người S’tiêng, thưởng thức đặc sản của sông Đồng Nai như: cá lăng nướng trui, … tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người M’nông, S’tiêng … Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên Thuộc địa phận huyện Bù Đăng, Vườn Quốc gia nằm trong quần thể khu dự trữ sinh quyển Vườn quốc gia Cát Tiên được thế giới công nhận năm 1998. Đây là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có cảnh quan đẹp, có hệ động, thực vật đa dạng như: bò rừng, tê giác, bò Bonten, ngan cánh trắng, gà so cổ hung… VĂN HÓA LỄ HỘI Lễ hội miếu Bà Rá Tọa lạc tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Miếu Bà Rá được xây dựng từ năm 1943, là chứng tích ghi dấu cuộc sống cùng cực của những người mộ phu, những người tù nhân bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Bà Rá. Miếu Bà Rá là một công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Miếu Bà Rá không chỉ là nơi thờ cúng tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi ghi dấu sự xâm lược của thực dân Pháp trên vùng đất Phước Long. Miếu Bà Rá là sự giao thoa văn hóa các dân tộc, các vùng miền trên đất Bình Phước, nơi hội tụ của 41 dân tộc anh em. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 1, 2, 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm Lễ hội Quốc tổ Hùng Vương Được tổ chức vào ngày 10 3 Âm lịch hàng năm tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu 19
- sắc của nhân dân đối với các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ thanh thiếu niên. Lễ hội Phá Bàu Lễ hội có nhiều cách gọi khác nhau, trong đó Phá Bàu hay Tát Bàu là cách gọi của người Việt. Người Xtiêng gọi Lễ hội này là “Hanh Tranh” hoặc “Hanh Nrôk”, được dịch là đi Bàu hoặc Tát Bàu. Trong văn học dân gian của cư dân này có cả một câu chuyện dài về lễ hội tuy nhiên đều có nghĩa là đi bàu. Theo đặc điểm cư trú truyền thống, nơi người Khmer và Xtiêng sinh sống (gọi là Sóc) thường có một Bàu nước tự nhiên cách đó không xa. Cư dân trong khu vực xem đó là tài sản chung của cả cộng đồng, già làng là người đại diện quản lý. Hằng năm các loài thủy sản nước ngọt (chủ yếu là các loại cá) sinh sống. Sau một mùa mưa hồ đầy nước, cá thiên nhiên sinh sản vừa đủ lớn cũng là lúc có thể tiến hành đánh bắt. Cũng theo luật lệ của sóc, cư dân ở Sóc khi chưa được phép của Già làng – chưa đến mùa lễ hội thì không một ai được quyền đánh bắt cá ở Bàu nước này, các cư dân ở sóc khác cũng phải tuân theo những tục lệ chung như thế. Nếu ai vi phạm mà bị phát hiện sẽ bị Già làng phạt rất nặng (bắt một vài con cá nhưng có thể bị phạt một con trâu). Thời gian tổ chức Lễ hội thích hợp là vào gần cuối mùa nắng, khi nước trong Bàu đã cạn chỉ còn sâu dưới 1m, việc bắt cá ở Bàu có thể tiến hành thuận lợi. Thời gian tổ chức Lễ hội Phá Bàu của người Xtiêng thường có ngày không cụ thể, cố định mà thay đổi hằng năm tuy vào sắp xếp của các Sóc. Ngược lại, Lễ hội Phá Bàu của người Khmer thường được tổ chức trước Lễ Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Lễ hội Chol Chnam Thmây Đây là tết cổ truyền của đồng bào Khmer, được tổ chức trung tuần tháng Tư hàng năm tại các chùa, các phum sóc. Lễ Chol Chnam Thmây diễn ra tưng bừng, náo nhiệt, những nghi lễ đón mừng năm mới như: Lễ rửa tượng Phật, lễ hội té nước và đi lễ chùa cầu an, làm bánh tét… Lễ hội đâm trâu Lễ được tổ chức vào những dịp mừng chiến thắng, cầu an, phá điềm xấu cho buôn làng. Nghi thức đâm trâu được tổ chức trước sân nhà Rông của buôn làng. Lễ hội đâm trâu là một sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp cao, có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian tham gia vào lễ hội gồm: múa hát, uống rượu cần, đánh cồng chiêng … Lễ hội quay đầu trâu mừng lúa mới Đây là lễ hội cổ truyền của dân tộc S’tiêng đã có từ lâu đời. Sau khi thu hoạch xong mùa lúa, để tạ ơn trời đất, họ tổ chức đâm trâu để ăn mừng, đầu trâu sẽ được tặng cho một họ khác. Họ được tặng đầu trâu sang năm tổ chức lễ hội và tặng lại đầu trâu cho dòng họ mình vay năm trước. Cứ như thế, lễ hội quay đầu trâu diễn ra hàng năm sau mùa thu hoạch và kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12. 20
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn