YOMEDIA
ADSENSE
Cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt
2
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Trong bài viết này, người viết khảo sát những tản văn của Lê Minh Nhựt được in trong tập Sớm mai chợt nhớ hàng rào trổ bông (NXB Trẻ, 2019) để tìm hiểu cảm quan sinh thái của một nhà văn luôn đồng hành với đất và người Nam Bộ.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt
- CẢM QUAN SINH THÁI TRONG TẢN VĂN CỦA LÊ MINH NHỰT Nguyễn Thị Cẩm Vân 1 1. Lớp CH22VH01, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Lê Minh Nhựt là một tác giả xuất thân từ vùng đất Cà Mau với những sáng tác giàu dữ liệu sinh thái. Người viết sử dụng phương pháp tiếp cận lí thuyết phê bình sinh thái cùng các phương pháp khác như lịch sử - xã hội, phân tích, tổng hợp để tìm hiểu cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt. Nhà văn thể hiện sự tiếc nhớ về không gian sống một thời của vùng sông nước Nam Bộ, xót xa những giá trị tinh thần truyền thống bị mai một trong xã hội hiện đại và lắng nghe, học hỏi những điều tốt đẹp từ thiên nhiên trong tản văn của mình. Sự nhạy cảm, tinh tế trong cảm nhận về thiên nhiên, những suy ngẫm mang chiều sâu triết học, ngôn ngữ đậm chất thơ đã làm nên vẻ đẹp của tinh thần sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt. Từ khóa: Lê Minh Nhựt, sinh thái, tản văn, văn học Nam Bộ. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong tiến trình phát triển của nhân loại, đặc biệt là giai đoạn từ nửa sau thế kỉ XX, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Nhân loại từng ngày phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới môi trường sinh thái như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đất đai,... Ngoài những vấn đề sinh thái tự nhiên thì sinh thái tinh thần con người của bị ảnh hưởng bởi tiến trình hiện đại hóa. Đó là sự mai một của các giá trị tinh thần truyền thống, sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất,... Phê bình sinh thái hình thành và phát triển trong bối cảnh sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần đối mặt với rất nhiều nguy cơ, hiểm họa ảnh hưởng đến sự tồn vong của con người trên trái đất. Cũng như các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, vùng đất Nam Bộ phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường sinh thái trước xu thế hiện đại hóa. Cảm quan sinh thái có mặt trong sáng tác của nhiều nhà văn Nam Bộ, trong đó có nhà văn Lê Minh Nhựt. Trong các truyện ngắn, truyện dài đã ra mắt, Lê Minh Nhựt đề cập đến những vấn đề sinh thái đang nhức nhối ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Đó là chuyện quy hoạch, giải tỏa đất đai ở nông thôn, sự biến dạng của làng quê truyền thống, chuyện người nông dân bỏ đất tìm tới các khu đô thị,… Tản văn của Lê Minh Nhựt, số lượng tác phẩm tuy không nhiều nhưng thể hiện cảm quan sinh thái rất đậm nét. Đọc tản văn của Lê Minh Nhựt, ta thấy được tình yêu nồng nàn dành cho vùng đất, con người Nam Bộ cùng những thông điệp sâu sắc về môi trường sinh thái. Trong bài viết này, người viết khảo sát những tản văn của Lê Minh Nhựt được in trong tập Sớm mai chợt nhớ hàng rào trổ bông (NXB Trẻ, 2019) để tìm hiểu cảm quan sinh thái của một nhà văn luôn đồng hành với đất và người Nam Bộ. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Nghiên cứu đề tài Cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt, bài viết vận dụng phương pháp lịch sử - xã hội và phương pháp tiếp cận tác phẩm từ lí thuyết phê bình sinh thái: dựa vào đặc điểm tình hình lịch sử, xã hội có liên quan để phân tích, lí giải những nội dung mang tinh thần sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt; vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái để nhận diện, phân tích, đánh giá cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt. Trong quá trình nghiên cứu, người viết còn sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp: phân tích những cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt; tổng hợp những nội dung đã phân tích, đánh giá giá trị của tản văn Lê Minh Nhựt dưới góc nhìn phê bình sinh thái. 498
- 3. NỘI DUNG 3.1. Sơ lược về phê bình sinh thái Phê bình sinh thái xuất hiện tại Anh, Mỹ vào những năm cuối thế kỷ XX trong bối cảnh môi trường toàn cầu bị khủng hoảng trầm trọng. Phê bình sinh thái (Ecocritisim) còn được gọi bằng những cái tên khác như “Thi pháp sinh thái” (Ecopoetics), “Phê bình văn học môi trường” (Environmental literary criticism), “Sinh thái học văn học” (Literary ecology), “Phê bình văn học và môi trường” (Environmental literary criticism), “Phê bình xanh” (Green studies), “ Sinh thái lãng mạn” (Romantic ecology). Giới nghiên cứu đã có nhiều tranh luận về tên gọi thống nhất, hai thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất là “Phê bình sinh thái” (Ecocricism) và “Nghiên cứu văn học và môi trường” (Study of literature and environment). Nhân loại đã trải qua nhiều cảm quan trong mối quan hệ với tự nhiên. Thời cổ đại thì sợ hãi, sùng kính; thời trung đại thì thân thiện, chan hòa; thời hiện đại thì xem thường và cưỡng đoạt. Ở thế kỷ XX, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp con người thực hiện tham vọng chinh phục và chiếm đoạt tự nhiên. Các lý thuyết phê bình văn học như chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa tân lịch sử,... đều lấy luận thuyết “nhân loại trung tâm” làm nền tảng. Các nhà phê bình sinh thái phản đối thuyết “trung tâm luận” của văn hóa hiện đại. Họ cho rằng đây là sai lầm trong nhận thức khiến nhân loại phải gánh chịu những nguy cơ, hiểm họa sinh thái. Họ đề cao “sinh vật trung tâm”, “trái đất trung tâm” và “sinh thái trung tâm”. Họ không xem con người là trung tâm của vũ trụ, họ đề xuất một cái nhìn bình đẳng đối với vạn vật. Các nhà phê bình sinh thái còn cho rằng cuộc khủng hoảng sinh thái bên ngoài hiện nay là sự phản ánh của cuộc khủng hoảng tinh thần bên trong của con người. Đó là con người thiếu nhận thức về tính thiêng liêng của sự sống, thiếu sự kết nối giữa bên ngoài và bên trong, giữa cá nhân và tất cả tạo vật. Con người không thể giải quyết khủng hoảng sinh thái bên ngoài nếu không có ý thức về sự khủng hoảng tinh thần bên trong. Cho nên, nghiên cứu văn học dưới góc nhìn phê bình sinh thái không chỉ tìm hiểu khủng hoảng của môi trường sinh thái tự nhiên mà còn tìm hiểu khủng hoảng tinh thần của con người. Các nhà sinh thái học cho rằng mỗi hành vi, phẩm chất, thành quả của con người đều phải được xem xét trong mối quan hệ với tự nhiên. Con người phải nhìn nhận lại phương thức sống của mình, xem xét lại các tư tưởng về văn minh, văn hóa của mình để đề xuất, điều chỉnh thái độ, hành vi của mình đối với tự nhiên. Phê bình sinh thái là một cuộc cách mạng về thế giới quan của con người. Phê bình sinh thái là “làm xanh lại nghiên cứu văn học, đưa văn học trở thành một ngành khoa học mở, vượt ra khỏi chuyên môn hẹp của mình, hấp thu khoa học địa lý nhân văn, tâm lý học, xã hội học nhân loại, triết học, sử học,...” (Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2017, tr. 175). 3.2. Các cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt 3.2.1. Tiếc nhớ không gian sống một thời của vùng sông nước Nam Bộ Trong tản văn của mình, Lê Minh Nhựt đã nhiều lần nhắc đến những hình ảnh quen thuộc, đã thành biểu tượng của vùng sông nước Nam Bộ. Những cái tên tác giả đặt cho tản văn của mình chứa đựng những hình ảnh ấy cùng nỗi tiếc nhớ, hoài niệm như Cọng rơm trong lòng, Nỗi nhớ nhà sàn, Đã thôi cù lao, Sớm mai chợt nhớ hàng rào trổ bông, Ươm hạt vườn xưa, Bông sậy về đâu,…. Cây rơm, nhà sàn, đèn dầu, hàng rào dâm bụt,… là hình ảnh in đậm trong kí ức của những thế hệ sinh ra từ thập niên 80 của thế kỉ XX trở về trước. Đó là những hình ảnh gắn liền với cuộc sống nghèo khó, thiên nhiên còn hoang sơ, con người với thiên nhiên hòa hợp, gắn bó với nhau. Trong Cọng rơm trong lòng, Lê Minh Nhựt tái hiện hình ảnh thân quen ở vùng đất Nam Bộ thời chưa có máy gặt đập lúa. Người nông dân gặt lúa, đập lúa, giê lúa bằng tay, nhà nào cũng có một đống rơm mới tinh chất cao đến đỉnh nhà, từng cọng rơm thơm mùi nắng gió. Đống rơm là nơi trẻ con chơi tàu trượt, khoét thành hang để ngủ. Rơm dùng để bó chổi, nấu cơm, gốc rạ dùng nấu nước tắm để chữa bệnh. Rơm trở thành một phần kí ức không thể quên của những đứa trẻ sinh ra ở vùng sông nước. Cọng rơm vàng là hình ảnh tuổi thơ, của quê hương, là sợi dây nối kết những người con xa xứ với quê cha đất tổ. Tác giả đã có một sự so sánh, liên tưởng rất thú vị “tóc đen sẽ thành tóc trắng và có khi cũng làm lòng người từ đen thành bạc, nhưng rạ rơm muôn đời vẫn cứ vàng” (Lê Minh Nhựt, 499
- 2019, tr. 12). Nhưng bây giờ, hình ảnh đống rơm chất cao ngất trước sân nhà không còn nhìn thấy nữa. Máy gặt đập liên hợp đã đảm nhiệm toàn bộ các công đoạn của việc thu hoạch lúa. Rơm rạ được đốt ngay trên ruộng sau khi thu hoạch xong. Những người con xa quê tìm về cánh đồng vào mùa thu hoạch chỉ nhìn thấy những vệt đen chằng chịt trên mặt ruộng, lơ thơ vài nhánh rạ nham nhở, lạc loài. Hình ảnh đó khiến lòng người rỗng không như có cái gì vừa tan biến. Trong Nỗi nhớ nhà sàn, Lê Minh Nhựt đưa ta về với một hình ảnh quen thuộc ở vùng đất Cà Mau, quê hương của tác giả. Đó là hình ảnh những ngôi nhà sàn ven biển với kiểu dáng giống hệt nhau. Chúng nằm dọc hai bên mé sông, sâu trong những vuông tôm, lối dẫn từ nhà ra mé sông là những cây róng được ghép lại với nhau thành những chiếc cầu như một tín hiệu kết nối với thế giới bên ngoài. Từ ngôi nhà đến đồ nội thất trong nhà đều được làm từ gỗ cây đước, loài cây đặc trưng của vùng đất ven biển. Những trụ nâng của nhà sàn như những trụ bê tông vững chãi ngâm mình qua bao mùa nước mặn. Bây giờ, những ngôi nhà sàn ấy không còn nữa, chỉ còn trơ lại những cây trụ đỡ như “những dấu chấm than của chủ nhân để lại, báo tin rằng mình vừa dọn nhà” (Lê Minh Nhựt, 2019, tr. 29). Chạm vào những trụ ấy, ta như thấy trăm lần mùa nước tràn về. Những người ly hương bật khóc vì sự biến mất của những ngôi nhà sàn để nhường chỗ cho những con tàu đưa rước khách, vốn đem lại cơ hội kiếm sống cao hơn. Một hình ảnh khác được tác giả nhắc tới trong tản văn với biết bao hoài niệm là hình ảnh những ngọn đèn dầu. Khi chưa có điện, hầu như nhà nhà đều sử dụng đèn dầu. Với nhiều người, ngọn đèn dầu là hình ảnh của một thời cơ cực nhưng với Lê Minh Nhựt, ngọn đèn dầu là một kí ức đẹp không thể nào quên. Đó là ngọn đèn mang mùi ưu tư của người nông dân trong những đêm không ngủ do vụ mùa thất bát. Ngọn đèn giúp kẻ bôn ba thiên lý vơi bớt sự lạnh lẽo, cô đơn. Ngọn đèn dầu đặt trên bàn học của các cô cậu học trò, ngọn đèn thắp sáng bàn thờ gia tiên, soi cho cô con dâu vá lưới, soi cho bà mẹ chồng lùa gà vịt về chuồng, châm điếu thuốc cho lão ngư ông. Cùng thời với ngọn đèn dầu là thời của những ngôi nhà không cửa, quay mặt ra biển, quanh năm lộng gió. Những ngôi nhà không cửa như một minh chứng cho cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên, cuộc sống vô tư, không mang nặng tư tưởng sở hữu, không có sự đề phòng, bất an. Ban ngày, những ngôi nhà no căng gió và mùi khơi xa; ban đêm, những ngôi nhà ấy lấp lóe ánh sáng của những ngọn đèn dầu. Khi đi ngang qua những ngôi nhà ấy, người lữ khách rộn lên niềm ấm áp nhưng đang ở gần bếp lửa gia đình. Đối với tác giả, ánh đèn dầu như “những ánh mắt đầy niềm hào sảng và an nhiên mà càng ngày càng có nhiều người thèm thuồng tìm lại vì trót đã đánh mất” (Lê Minh Nhựt, 2019, tr. 33). Khi điện thắp sáng muôn nơi từ thành thị tới nông thôn, người ta nhớ những ngọn dầu vì nó gợi nhớ “một thứ không gian chậm rãi, ấm cúng, đậm mùi người” (Lê Minh Nhựt, 2019, tr. 33). Ở các thành phố cũng như vùng nông thôn hiện nay, chúng ta thường nhìn thấy hình ảnh những hàng rào bê tông xi măng bao quanh các ngôi nhà. Nhà càng giàu thì hàng rào càng lớn, càng đồ sộ, kiên cố. Những hàng rào bê tông ấy khiến tác giả thổn thức nhớ những hàng rào dâm bụt - một hình ảnh quen thuộc của những ngôi nhà ở miền Tây Nam Bộ trong Sớm mai chợt nhớ hàng rào trổ bông. Khi dâm bụt trổ bông, cả một khoảng sân trước nhà được bao bọc bởi một dải băng đỏ rực. Có nhà, hàng rào là một bộ sưu tập đủ màu sắc: đỏ, vàng cam, vàng nhạt, trắng pha hồng. Hàng rào dâm bụt là nơi những đứa trẻ tụ tập chơi nhà chòi, cúng cuội, trốn tìm, bắt trùn đất cho đàn gà con lăng xăng chạy theo sau. Hàng rào ấy cùng với chiếc cổng tre chẳng dùng để rào cản ai, bọn trẻ con vạch hàng rào chui qua chui lại. Hàng rào ấy là nơi để người khách dù quen hay lạ ý tứ dừng chân gọi chủ nhà. Người khách có thể mang về một mớ cây dâm bụt được chủ nhà gửi tặng nếu mảnh sân nhà còn trống. Khi những hàng rào dâm bụt thân thương ấy bị thay thế bởi những hàng rào xi măng giăng lưới sắt hay kẽm gai, tác giả cảm nhận sự kiên cố, kín đáo và cả sự khô khan, hờ hững. Hàng rào bê tông là một biểu hiện cho thấy đời sống vật chất của người dân được cải thiện nhưng đồng thời cũng gợi lên sự ngăn cách, ý thức đề phòng cảnh giác của người với người trong xã hội hiện đại. Theo tác giả, “xây lên bức tường, vô tình, chủ nhà tạo nên cảm giác gián đoạn giữa không gian bên trong và bên ngoài, vô hình buộc luôn sợi dây ngần ngại vào bước chân của láng giềng” (Lê Minh Nhựt, 2019, tr. 56). Làn sóng đô thị hóa đã khiến không gian vùng sông nước có nhiều biến đổi. Sự thay đổi đó là một xu thế tất yếu, có hân hoan nhưng cũng có tiếc nuối trong lòng của những người yêu vùng đất 500
- Nam Bộ với những đặc điểm sinh thái đặc thù của nó. Trong tản văn của mình, Lê Minh Nhựt cảm nhận tinh tế những giá trị tinh thần ẩn đằng sau những hình ảnh quen thuộc trong đời sống. Mỗi cái cây, ngọn cỏ, mỗi vật dụng xung quanh ta đều chứa đựng biết bao hồi ức, kỉ niệm, thể hiện lối sống, nếp nghĩ, tình cảm của con người. Hoài niệm của tác giả về những hình ảnh của một thời đã qua ẩn chứa sự khao khát một không gian sống trong lành, nơi con người và thiên nhiên giao hòa với nhau. Nhà văn cũng thể hiện nhận thức sâu sắc về mối tương quan của sinh thái tự nhiên và sinh thái tinh thần. Xã hội càng hiện đại thì con người càng xa rời tự nhiên, xa rời đồng loại của mình. Khi một hình ảnh quen thuộc của không gian sống mất đi thì một vẻ đẹp, một tính cách nào đó của con người cũng biến mất mà chúng ta vô tình không nhận thấy hoặc cố ý không thừa nhận. 3.2.2. Xót xa những giá trị tinh thần truyền thống bị mai một trong xã hội hiện đại hóa Cuộc sống hiện đại không chỉ làm biến đổi không gian sống mà còn tác động đến tính cách, thói quen sinh hoạt cùng những phong tục, tập quán của con người. Trong tản văn của Lê Minh Nhựt thường có sự xuất hiện của một nhân vật được tác giả gọi là “người già”. “Người già” ấy là hiện thân của cái tôi tác giả, là hình ảnh đại diện cho một lớp người sinh ra vào buổi giao thời, họ luôn tiếc nhớ cái cũ và chưa thích ứng được với cái mới. Trong tản văn Người già đi đám, Lê Minh Nhựt mô tả tỉ mỉ khung cảnh một đám cưới ở làng quê thời hiện đại qua cảm nhận của một “người già”. Đám cưới đãi ba hiệp với lượng khách mời đông đảo từ bà con cô bác tới hàng xóm láng giềng, bạn bè đồng nghiệp và những người khách có chút “dây mơ rễ má” với bên vợ bên chồng nhưng “mười tầm đại bác bắn chưa tới”. Đám cưới không còn là ngày báo hỉ họ hàng mà trở thành dịp “ân đền oán trả” với nhau theo cách nói hài hước của tác giả. Do đám cưới quá đông khách nên việc tiếp đãi có nhiều điểm khiến “người già” không hài lòng. Bọn thiếu niên được huy động chạy bàn, móng tay dài nhúng vào thức ăn, những ly trà đá chẳng kịp rửa còn nồng mùi thức ăn của người uống trước. Nhạc giật đùng đùng với hai hàng loa và những bài hát không hợp tuổi khiến “người già” cảm thấy như bị tra tấn trong chuồng cọp. Đám cưới ở quê nhưng hiện đại, mọi khâu từ dựng rạp tới nấu nướng, dọn dẹp, phục vụ âm thanh, nhạc sống đều mướn hoàn toàn. Nhà trai nhà gái chỉ việc chào hỏi khách, cụng ly bàn này bàn kia, vừa lắng nghe thực khách phàn nàn vừa để mắt tới cái thùng hình trái tim màu đỏ đựng tiền mừng của khách. Thực đơn đãi tiệc thì pha trộn món tây với món ta. Do đám đãi nhiều hiệp nên nhiều khách mời tới sớm chẳng kịp thấy mặt cô dâu. “Người già” đi đám về hai lỗ tai cứ ong ong, bụng thì óc ách bởi món tây món ta chỏi nhau. Người già thốt lên “Đám tiệc bây giờ khác xưa quá!”. Với giọng điệu hài hước, cách kể chuyện dí dỏm, tác giả khiến người đọc vừa cười vừa suy ngẫm về đám cưới thời nay. Ta không còn nhìn thấy cảnh họ hàng, làng xóm quây quần mổ lợn, mổ bò, dựng rạp như đám cưới xưa. Vì thế, tình làng nghĩa xóm cũng vơi đi ít nhiều. Đám cưới thời hiện đại là dịp để trả nợ, để kiếm tiền, nhiều khách nhưng ít niềm vui, hỗn tạp giữa cái mới và cái cũ. Trong Tình trầu, tác giả đề cập đến sự biến mất của một lớp người cùng một phong tục lâu đời là tục ăn trầu. Tác giả đã so sánh tục ăn trầu thời xưa và thời nay để người đọc cảm nhận rõ sự mai một của một phong tục vốn là niềm tự hào hàng ngàn năm của dân tộc. Ngày xưa, miếng trầu là “đầu câu chuyện”, là một phương tiện để giao tiếp, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Các bà già ăn trầu thường nhờ đứa cháu mang trầu cau biếu cho bà hàng xóm hoặc sang hàng xóm mượn miếng vôi, miếng cau khô. Miếng trầu, miếng cau như là một tín hiệu để các bà già thông báo với nhau: Mình vẫn còn tồn tại. Thời nay, kiếm một người ăn trầu đã khó, kiếm một mảnh vườn còn trồng cả trầu cả cau còn khó hơn. Những miếng trầu vẫn còn xuất hiện trong mâm lễ vật đám cưới ngày nay nhưng sau đám cưới, chúng bị vất đi lăn lóc ở một góc nào đó cho đến khi về với đất. Ngày xưa, người già mua trầu cau lựa rất tỉ mỉ: lá trầu không mỏng, không dày, không già, không non, cuống và đuôi phải đều nhau. Người ăn trầu và người bán trầu không xem đó là một cuộc mua bán mà là một duyên gặp gỡ, là cuộc viếng thăm của những người bạn già lâu năm không gặp. Ngày nay, người ta mua trầu không phải để ăn, để gặp gỡ, họ tùy tiện nhặt một ốp trầu bán ngoài chợ đem về nhà để bày biện cho xong một dịp nào đó. Các phong tục xưa vẫn hiện diện trong đời sống hôm nay nhưng không còn cái hồn như xưa, những giá trị tinh thần thiêng liêng của nó đã mất đi. Tâm tư của những người dân quê phải rời xa làng quê, bị ném vào không gian xa lạ, ồn ào, bức bối của đô thị được Lê Minh Nhựt đề cập đến trong tản văn Trò chuyện với người già. Họ phải rời xa ngôi nhà nép trong vườn cây trái bên dòng kênh xanh rờn dừa nước. Họ không còn những buổi sớm 501
- mai dạo bước nhàn nhã trong vườn tìm trái cây chín bói, không còn cành khô rơi để nhặt về làm củi, không còn những người bạn trầu tìm đến nhà chơi vào những buổi chiều để ăn trầu và thở than chuyện con cháu. Người trẻ đắm chìm trong công việc mưu sinh, không học được cách trò chuyện với người già. Người già vô tình gặp một người lạ, nói chuyện thì thầm cả buổi cho thỏa nỗi nhớ quê sẽ bị người trẻ cằn nhằn vì sợ người già bị “người ta gạt”. Cuộc sống nơi phố thị khiến người già lạc lõng, không tìm được một người để nói chuyện với mình. Những năm cuối đời, người già thường đắm chìm trong một vùng kí ức mà họ đặt tên là “hồi đó”. Qua câu chuyện của những người già trong tản văn Lê Minh Nhựt, người đọc cảm nhận được sự cô đơn, lạc lõng của một lớp người trong xã hội hiện đại. Họ sống nơi phố xá đông người, nhộn nhịp nhưng lại không có người để trò chuyện. Họ không thể thích nghi với cuộc sống hiện đại nhưng khép kín, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn chỉ còn trong kí ức. Những ngôi nhà cao tầng, những hàng rào bê tông kiên cố, tâm lí luôn nghi ngờ, đề phòng trong đối nhân xử thế của người thành phố là rào cản vô hình ngăn cách con người với con người. Cuộc sống hiện đại hóa với sự tôn thờ vật chất và muôn vàn áp lực khiến con người đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của mình cũng được Lê Minh Nhựt đề cập đến trong tản văn. Với lối viết kiệm lời, không đao to búa lớn, Lê Minh Nhựt kể cho ta nghe những câu chuyện nhỏ trong đời sống về sự mai một của những tính cách vốn được xem là “căn tính” của con người Nam Bộ. Trong Say chưa đủ nhớ, tác giả kể lại câu chuyện đi mua hoa chưng ngày Tết vào đêm ba mươi cùng vợ. Người vợ chọn mua một lượt bốn chậu hoa, giá tám ngàn một chậu mà không hề kì kèo trả giá. Cô gái bán hoa cam kết là hoa sẽ nở đúng sáng mùng ba Tết. Người vợ vui vì mua được hoa với giá quá hời, trong lòng rộn rã chờ ngày hoa nở. Nhưng đến hết mùng hoa vẫn không nở được một nụ nào. Đến sáng mùng mười, cả bốn chậu hoa cùng rũ xuống thảm hại. Người bán hoa đã xịt keo tóc lên nụ hoa để hoa không nở được. Sự thành thật của con người đã biến mất trước sức mạnh của đồng tiền. Hoa không còn đẹp vì sự ma lanh, gian xảo của người buôn bán. Trong Người ở xứ hiền, tác giả kể câu chuyện của đôi vợ chồng làm nghề chăn vịt. Họ sống giản dị, hạnh phúc, thỉnh thoảng có những trận cãi vả vì những lí do không đâu. Khi đó, bao nỗi niềm “huỵch tẹt” ra hết. Hàng xóm tưởng họ sẽ chia đàn vịt, đường ai nấy đi sau trận cãi nhau nhưng họ vẫn sống vui vẻ, đầm ấm như trước. Họ coi cãi nhau là một thứ “gia vị” để cuộc sống của họ thêm đậm đà. Thế nhưng, vài năm sau, người ta phát hiện hai vợ chồng không cãi nhau nữa, họ cũng không nói chuyện với nhau rồi họ nhanh chóng chia tay. Qua câu chuyện của vợ chồng chăn vịt, tác giả cho rằng người dân vùng Nam Bộ vốn “máu nóng”, miệng đi liền với tay chân, ghét hay thương đều nói thẳng, giận cũng là thương. Lối cư xử lạnh tanh, nhìn nhau như cõi vô hình không phải là tính cách của người Nam Bộ. Kiểu thương ghét bộc lộ ra ngoài là một dấu hiệu để nhận biết “người quê mình” nhưng bây giờ dấu hiệu ấy không còn nữa. Một người bạn của tác giả về quê tác giả chơi đã nhận xét “Người xứ này hiền hết sức”. Hiền để thủ thân, hiền để an toàn, hiền vì có một tảng đá vô hình nào đó treo lơ lửng trên đầu buộc họ phải hiền. Cái hiền đó là báo hiệu của sự “hết gia vị” trong mối quan hệ giữa người với người. Không ai dám khiêng tảng đá ấy quăng đi hoặc đem chôn nó vì sợ những rủi ro, thương tích. Tảng đá ấy là gì mà khiến những người thẳng tính, nồng nhiệt trở nên khép nép, không dám thể hiện cảm xúc của mình? Tác giả bỏ lửng câu trả lời, mỗi người đọc sẽ có câu trả lời của riêng mình về sự biến mất của tính bộc trực, thẳng thắn của người dân Nam Bộ. Sự mai một của những giá trị tinh thần truyền thống là một điều không thể tránh khỏi khi cuộc sống con người phát triển theo xu thế hiện đại, hội nhập thế giới. Trong tản văn của mình, Lê Minh Nhựt thể hiện sự yêu quý những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người, đặc biệt là của người dân vùng đất Nam Bộ. Nhà văn nhắc nhở mỗi người chúng ta phải nhận thức được sự mai một của những giá trị tinh thần truyền thống trước xu thế hiện đại hóa, biết trân trọng và chung tay giữ gìn chúng. Đây là một thông điệp về sinh thái tinh thần đầy ý nghĩa trong tản văn của Lê Minh Nhựt. 3.2.3. Lắng nghe, học hỏi những điều tốt đẹp từ thiên nhiên Phê bình sinh thái bác bỏ quan niệm con người là trung tâm, tôn trọng sự tồn tại bình đẳng của mọi sinh vật trong vũ trụ. Các nhà văn, nhà thơ xem thiên nhiên là biểu tượng của cái đẹp, là người thầy dạy con người những bài học vĩ đại trong cuộc sống. Trong tản văn của mình, Lê Minh Nhựt đã chỉ ra những bài học từ thiên nhiên, đã lắng nghe những nỗi niềm của thiên nhiên. 502
- Lê Minh Nhựt gọi mùa mưa ở Nam Bộ là “mùa phong lưu”, đó là mùa người dân Nam Bộ được thiên nhiên đãi cho những bữa tiệc thịnh soạn. Đầu mùa mưa có ốc lác “loại thịt sạch nhất trần đời” (Lê Minh Nhựt, 2019, tr. 35), giữa mùa mưa có cá rô đồng ngậm sữa với vài chục loại rau mọc đầy ngoài đồng, cuối mùa mưa là mùa cá về “đứng ở họng đìa nhìn thấy từng cú nhảy tưng bừng của những con cá lóc mọc râu, tiếng xé nước phăm phăm của bầy rô mề, chen chúc bóng lưng đen bóng của đám thác lác” (Lê Minh Nhựt, 2019, tr. 36). Theo tác giả, đất trời hào phóng với con người, nhờ thiên nhiên ưu đãi, nhiều người thoát nghèo, gây dựng được cơ ngơi. Và trớ trêu, khi đã giàu lên nhờ thiên nhiên, họ lại chuẩn bị hành trang cho con họ thoát khỏi đồng đất. Con người chỉ biết nhận quà từ đất trời năm này qua năm khác đến khi vụ mùa thất bát, “đi săn” về tay không thì lại cảm khái “Đất đai bây giờ, thiệt tình, không hiểu nổi!” (Lê Minh Nhựt, 2019, tr. 38). Tác giả cho rằng dân mình sống với đất đủ lâu nhưng vẫn chưa hiểu hết ngọn ngành nết đất. Con người ích kỉ, chỉ biết nhận, chưa biết cho, vô ơn với thiên nhiên. Thiên nhiên hào phóng với con người nhưng thiên nhiên cũng cần sự thấu hiểu, đền đáp. Sự mất cân bằng giữa cho và nhận là nguồn cội tạo nên các nguy cơ sinh thái. Biết nhận, biết cho, biết ơn, biết kìm chế lòng tham của mình là bài học con người cần học trong mối quan hệ với mẹ thiên nhiên. Trong tản văn Học ở cây, tác giả viết về những biền lá dừa nước dọc hai bên bờ sông đổ ra biển. Trong chiến tranh, những biền lá dừa như một hàng rào, một chiến lũy bảo vệ những người chiến sĩ. Chúng chịu những viên đạn của kẻ thù ghim thẳng vào thân. Mối mọt lần theo vết đạn trên thân cây tạo thành những cái hốc. Cây không thể chữa lành được vết thương, cây không kể đi kể lại những nỗi đau phải chịu trong chiến tranh, cây không nhức nhối vì căm hờn. Cây mời chim về làm tổ trong những cái hốc trên thân cây. Cây vẫn nhớ về nỗi đau nhưng cây biết tự xoa dịu nó bằng cách nuôi dưỡng đàn chim - hiện thân của hòa bình, ngay trên chính vết thương của mình. Với tác giả, cây dừa nước là hiện thân của lòng bao dung, biết vượt qua nỗi đau để cống hiến cho người, làm đẹp cho đời. Con người cần học cách kể về chiến tranh mà không luận chuyện thắng thua, thù hận, không gieo thêm bất kì tiếng súng vào lòng. Ngày con người kể về chiến tranh bằng giọng tha thứ cũng là ngày con người học được cách xoa dịu đau thương từ cây cối an nhiên quanh mình. Những suy ngẫm của tác giả về thiên nhiên, về cách con người nhìn về chiến tranh sau cuộc chiến rất sâu sắc, rất nhân văn. Thiên nhiên nuôi dưỡng con người, thiên nhiên làm đẹp cho cuộc sống con người và thiên nhiên cũng như con người: cần sự sống, cần hạnh phúc, cần sự thấu hiểu, đồng cảm. Đó là tư tưởng sinh thái của Lê Minh Nhựt thể hiện trong tản văn Vài giọng chim quen. Con người thường nghe tiếng chim chìa vôi, bìm bịp, tu hú cất lên bất chấp giờ giấc, mùa màng ở những vườn cây sau nhà. Đó là tiếng của những con chim bị lẻ bạn. Người bạn đời của chúng đã bị con người biến thành thức ăn hoặc nằm trong những hũ rượu thuốc tráng dương bổ thận. Sau sự hả hê vì săn được chim, con người lại bị ám ảnh bởi tiếng gọi vô vọng của con bìm bịp mái gửi con bìm bịp trống, bởi đôi mắt đỏ ngầu của con chim trống nhớ con chim mái đậu trên cây me. Rồi một ngày, tiếng chim quen ấy cũng không còn nghe thấy bởi lũ chim không còn nơi trú ngụ, ngoài vườn chỉ còn sót lại vài bụi dừa nước, mấy nhánh bần còi cọc. Tác giả đã lắng nghe, cảm nhận nỗi cô đơn của loài chim trong từng tiếng hót, cảm nhận nỗi đau, sự bất lực, nỗi căm hờn của những sinh vật nhỏ bé không thể bảo vệ mình trước lòng tham và sự vô tâm của con người. Vạn vật có linh hồn, hãy yêu thiên nhiên, đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình, hãy học những bài học giản dị, sâu sắc mà thiên nhiên dạy cho con người. Đó là thông điệp của Lê Minh Nhựt qua những tản văn giàu tinh thần sinh thái. 4. KẾT LUẬN Từ những phân tích bên trên, ta có thể thấy, tản văn của Lê Minh Nhựt chứa đựng nhiều cảm quan sinh thái. Sự biến mất của những hình ảnh biểu tượng một thời, sự biến dạng của không gian làng quê trước làn sóng đô thị hóa, sự mai một của các giá trị tinh thần truyền thống là những vấn đề sinh thái được Lê Minh Nhựt đề cập đến trong tản văn của mình. Nhà văn cũng chỉ ra những nguyên nhân tạo nên sự biến đổi của môi trường sinh thái và những bài học con người cần nhận thức để bảo vệ môi trường sinh thái. Sự nhạy cảm, tinh tế trong cảm nhận về thiên nhiên, những suy ngẫm mang 503
- chiều sâu triết học, ngôn ngữ đậm chất thơ đã làm nên vẻ đẹp của cảm quan sinh thái trong tản văn của Lê Minh Nhựt. Cùng với Nguyễn Ngọc Tư và một số nhà văn Nam Bộ khác, Lê Minh Nhựt đã mang đến cho văn xuôi Nam Bộ tinh thần sinh thái đậm đà. Sáng tác những tác phẩm chứa đựng tinh thần sinh thái là cách các nhà văn thể hiện tình yêu đối với đất và người ở phía Nam tổ quốc, là cách để các nhà văn gắn bó, đồng hành với mọi người thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường sinh thái. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thị Hà (2021). Tản văn Việt Nam từ 1986 đến nay (Luận án tiến sĩ). Trường Đại học Hồng Đức: Thanh Hóa. 2. Hoàng Thị Hạnh (2018). Tản văn Nguyễn Ngọc Tư dưới góc nhìn phê bình sinh thái (Luận văn thạc sĩ). Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương. 3. Hoàng Phước Lộc (2017). Những trang văn dậy mùi đất, truy cập ngày 28/4/2024, từ http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/nhung-trang-van-day-mui-dat-10470_3693.html 4. Sơn Nam (2004). Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ. 5. Lê Minh Nhựt (2019). Sớm mai chợt nhớ hàng rào trổ bông. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ. 6. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017). Rừng khô, suối cạn, biển độc ... và văn chương. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. 7. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2018). Sinh thái học tinh thần và những gợi dẫn cho nghiên cứu văn xuôi Nam Bộ. Kỉ yếu hội thảo: Phê bình sinh thái: Lí luận và ứng dụng, Tháng 1/2018, Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 143-159. 8. Bùi Thanh Truyền, Hoàng Thị Tú Anh (2020). Tư tưởng sinh thái Phật giáo trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XXI. Tạp chí khoa học Đại Học Văn Hiến, 7 (2), 3-11. 9. Bùi Thanh Truyền (2018). Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ. 10. Bùi Thanh Truyền (2018). Tản văn Nam Bộ đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn phê bình sinh thái. Kỉ yếu hội thảo: Phê bình sinh thái: Lí luận và ứng dụng, Tháng 1/2018, Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 176-193. 504
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn