intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cánh cửa

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

51
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thỉnh thoảng, những tiếng động bất thường từ con đường nhỏ chạy vắt ngang khu apartment vang động làm người thiếu phụ giật mình, ngừng tay nghe ngóng. Đêm xuống sâu trong khu phố tồi tàn với những dãy apartment tiếp nhau và những mái nhà có cùng một màu xám đục, như những chiếc móng chân để dài, gọt nhọn, châu vào nhau

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cánh cửa

  1. Cánh cửa Du Tử Lê Thỉnh thoảng, những tiếng động bất thường từ con đường nhỏ chạy vắt ngang khu apartment vang động làm người thiếu phụ giật mình, ngừng tay nghe ngóng. Đêm xuống sâu trong khu phố tồi tàn với những dãy apartment tiếp nhau và những mái nhà có cùng một màu xám đục, như những chiếc móng chân để dài, gọt nhọn, châu vào nhau. Nhưng trong một vài căn nhà, đâu đó, người ta vẫn còn nghe được tiếng TV mở lớn; hay tiếng nhạc vội vã, hối thúc hoặc thều thào... Trước mặt người thiếu phụ, bừa bãi trên mặt thảm loang lổ vết dầu mỡ, cà phê, kẹo cao su dính bết thành từng vệt dài, như những con đỉa khô dẹp lép; là những món hàng còn nguyên giấy dán giá, hoặc những cuống ghi giá tiền, xỏ qua những sợi giây nylon, nằm tênh hênh, như một khoe khoang lộ liễu. Những tấm khăn mặt nằm cạnh chai thuốc Aspirine. Những vỉ kim khâu nằm đè lên mấy gói kẹo. Những hộp Alka Seltzer thập thò dưới những cuộn giấy đi cầu còn trong bao bọc có in hình hoa sặc sỡ. Vương vãi ở góc nhà, một ít vật dụng lộn xộn khác. Hầu hết là đồ nhật dụng. Cái bàn chải đánh răng. Bịch viết Bic. Dăm ba thỏi kẹo chewing gum. Ít cuộn len. Vài lưỡi dao cạo râu. Dăm hộp súp bò. Ít gói mì gói... Thiếu phụ thọc sâu vào cái bị xách, lôi ra (có lẽ tự đáy giỏ) một vỉ thịt bò còn tươi. Nàng vứt trước mặt, tay kia, quăng mạnh chiếc giỏ vào một góc nhà. Chiếc giỏ xách chạm vào cửa closet bật tiếng kêu ọ ọe trên chiếc giường nhỏ phía sau lưng bên tay phải nàng. Lúc này, thiếu phụ mới quay lại.
  2. Trên giường, trong tấm chăn dày, một đứa nhỏ vừa trở mình. Đứa nhỏ chừng trên dưới một tuổi. Da trắng xanh. Mắt nhắm nghiền. Vẫn ngủ. Bên cạnh nó, bầu sữa cạn, xẹp. Thấy rõ những vết ố bám dọc mặt trong của chiếc bình. Thiếu phụ chăm chú nhìn con. Đứa nhỏ bỗng giẫy giụa như thể trong giấc mơ, nó thấy đang bị đánh đập. Nó thét. Tiếng thét thất thanh, khiến người thiếu phụ cũng giật mình. Nàng đưa tay đập nhẹ nhẹ trên đống chăn mền. Đứa nhỏ khóc nức nở. Người đàn bà vỗ nhanh tay hơn. Nàng ru: Ầu ơ... con tôi khát sữa bú tay Ai cho bú thép ngày rày mang ơn Ầu ơ... gió đưa bụi chuối sau hè Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ... ầu ơ... Trong đêm, giữa tiếng TV và tiếng nhạc giật, tiếng ru của người đàn bà, cất lên, lọt ra, nghe lạc lõng, trơ trọi, thê lương một cách thảm hại, bất nhẫn. Càng ru giọng thiếu phụ càng trở nên xa vắng, rời rã hơn. Giả thử đám người dị chủng chung quanh nếu nghe lọt vài tiếng, có thể họ dám nghĩ đó là tiếng vọng, từ một cõi âm u nào, của những oan hồn không thể thoát khỏi dương gian. Thiếu phụ càng ru bao nhiêu, đứa nhỏ càng khóc lớn hơn bấy nhiêu. Như thể, đứa nhỏ không quen với những cung cách vỗ về, dỗ dành thân ái ấy. Tiếng khóc của nó, mỗi lúc mỗi thêm gay gắt, đôi khi tới chỗ bằn bặt. Giống như có một bàn tay vô hình nào đang xiết chặt thêm chiếc cổ gầy héo của nó. Giữa những cơn khóc ngất, là tiếng kêu thảng thốt của đứa nhỏ - tiếng kêu tựa cũng phát ra, tự trong cơn mơ: “Mẹ... mẹ... mẹ...” Đó là những tiếng kêu yếu ớt của một con mèo con mới đẻ, nhiều hơn là tiếng kêu của một con người. Những lúc ấy, thiếu phụ phải ngừng ru để trả lời con bắng một giọng hết sức âu yếm, thiết tha. Cái thiết tha không thể dối trá và, chỉ có thể phát xuất tự đáy lòng của những người mẹ đứt ruột thương con. Nàng đáp:
  3. “Mẹ đây. Mẹ đây con!” Tuy người mẹ kiên nhẫn và cố gắng, đứa nhỏ, như vẫn không thấu hiểu lòng thương yêu bao la của mẹ. Nó vẫn không tỏ dấu đã nghe lọt tai một câu trả lời nào. Nó vẫn khóc từng chập và, toàn thân rung động dưới lớp chăn dày. Người đàn bà chừng như không chịu đựng được nữa, nàng bồng nó. Ôm sát ngực. Hơi hướm của người mẹ có thể đã giúp cho đứa nhỏ cảm thấy yên tâm phần nào. Tiếng khóc của nó, bắt đầu dịu xuống. Thiếu phụ lại ru con. Lần này nàng ru nó bằng những bài hát ru của miền Bắc. À... ơi... con ơi con ngủ cho ngoan Cha con đi chảy nước non Cao Bằng... À... ơi... cái cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Ông ơi ông vớt tôi nao Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng Có xáo thì xáo nước trong Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Làm như người đàn bà cho rằng khi nàng đổi những bài hát ru như vậy, đứa nhỏ sẽ hài lòng hơn và sẽ thôi khóc. Nhưng dù cho thiếu phụ có ru bằng điệu ru nào và, giọng có ngọt ngào đến đâu, thì đứa nhỏ cũng vẫn khóc tỉ tê. Chốc chốc nó lại nghẹn ngào, thảng thốt “Mẹ... mẹ... mẹ” Có thể là những lời hát ru của người đàn bà chỉ khiến nó thêm tủi thân, đau đớn? Cứ mỗi lần đứa nhỏ nấc lên, gọi mẹ như vậy, thiếu phụ lại đổi giọng, đập đập vào lưng con, và trả lời:
  4. “Mẹ đây... mẹ đây con...” Dưới ngọn đèn treo lơ lửng trên trái bếp, bóng người đàn bà ôm đứa con trên chiếc giường sắt hắt nghiêng xuống mặt thảm, bị những món hàng bừa bộn, cắt xén thành một hình thù sứt mẻ, quái dị. Một giây bất ngờ, người đàn bà chợt nhìn thấy chiếc bóng của mình trên mặt thảm. Cái hình thù xa lạ, cổ quái khiến nàng bặt tiếng ru... Giữa lúc đó, ngoài đường hẻm có những tiếng động lớn và, tiếng những bước chân đi thình thịch. Thiếu phụ ôm chặt đứa con vào ngực. Đứa nhỏ, như cũng bị giật mạnh ra khỏi giấc ngủ. Nó cũng thình lình, bặt im tiếng khóc. Có thể đứa nhỏ đã quen với những giờ phút bị bỏ ở nhà một mình, cho nên, nó có những phản xạ tinh nhanh và khôn ngoan hơn những đứa nhỏ khác? Thiếu phụ liếc nhìn những món hàng đang còn bày bừa trên mặt thảm. Nàng hấp tấp nhoài người ra quơ vội những thứ đó dúi vào gầm giường. Khi bàn tay thiếu phụ chạm vào vỉ thịt bò, hơi lạnh từ vỉ thịt làm nàng rùng mình. Và người đàn bà khựng lại. Trên khuôn mặt nàng vẻ tuyệt vọng lộ rõ. Nàng ngồi bệt xuống. Khi không, những giọt lệ lăn trên đôi má nàng hóp sâu, giữa lúc đứa nhỏ mở lớn mắt ngây ngô nhìn nàng. Nó nhoẻn miệng cười. Nụ cười bình an, hoan hỉ. ***** Người đàn bà rụt rè hé mở cửa nhưng ngập ngừng, không dám bước vào. Người đàn ông đeo kính trắng, ngồi sau chiếc bàn lớn đầy hồ sơ, sách báo, tài liệu, ngước mặt, thân mật : -Mời chị, chị cứ vào. Người đàn ông đứng lên, dợm bước. Người đàn bà lách vào. Cánh cửa khép lại phía sau với những tiếng động của tấm mành plastic. Thiếu phụ khép nép ngồi xuống chiếc ghế da lớn đặt trước bàn người đàn ông. Một tay đặt trên bàn, một tay đặt trên đùi. Thiếu phụ im sững như tượng,
  5. Người đàn ông mở lời trước, trong lúc tay lục tìm đống hồ sơ : - Chị nên khai thật. Phải khai thật tôi mới giúp chị được... Đây rồi. Hồ sơ của chị đây rồi. Người đàn ông mở tấm bìa màu đỏ, trong đó kẹp nhiều giấy tờ, hầu hết là những bản photocopy. Thiếu phụ vẫn im sững. Vẻ mệt mỏi và tuyệt vọng như đã giết chết mọi khí sắc trên mặt nàng. Toàn thể khuôn mặt thiếu phụ lúc này, nhìn từ phía nào, cũng chỉ có thể nghĩ đó là một xác chết mới được đem ra từ nhà xác. Lật nhanh một số trang, đọc lướt những hàng chữ có gạch xanh, đỏ, người đàn ông tiếp : - Bên cảnh sát cho tôi biết họ bắt được chị lần này là lần thứ ba. Hai lần trước họ đã tha. Lần này, họ nói họ không thể bỏ qua được. Tội ăn cắp ở đây, bị kết án nặng lắm. Tôi không hiểu tại sao chị cứ tiếp tục? Thiếu phụ vẫn không trả lời. Nét mặt nàng không biến đổi. Vẫn là khuôn mặt nhợt nhạt không khí sắc của một xác chết. Người đàn ông kiên nhẫn tiếp : - Tôi muốn giúp chị lắm. Dù sao chúng ta cũng là người đồng hương. Tôi tin, tôi hiểu phần nào hoàn cảnh của chị. Hoàn cảnh chung, của nhiều người! Nhưng chị phải cho tôi biết lý do thực. Thực sự, tại sao chị cứ tiếp tục... Ai cũng có lúc túng quẫn. Nhưng cũng có lúc phải thôi. Đằng này, tôi có cảm tưởng ở chị là một sự thường xuyên... Thường xuyên... Tại sao vậy? Người đàn ông ngừng nói. Anh chợt cảm giác tiếng nói của anh đang rơi vào khoảng không. Sự im lặng ngột ngạt chen giữa hai người. Cuối cùng, thiếu phụ mở miệng. Giọng nàng khô khan, không che giấu vẻ bất cần, liều lĩnh của một kẻ đã cùng đường : - Tôi cần những thứ đó. Người đàn ông tỏ dấu hài lòng về sự mở miệng của thiếu phụ :
  6. - Để gửi về Việt Nam? - Phải. - Chị còn nhiều thân nhân kẹt lại không? - Nhiều - Là bao nhiêu? - Tất cả. Trừ tôi. Người đàn ông ngả ra, dựa vào lưng ghế, ngước mặt lên trần nhà : - Tôi cũng vậy. Kẹt hết. Trừ tôi và vợ con. Một thoáng im lặng lại đi qua. Lần này sự im lặng diễn ra trong ngậm ngùi, trong tưởng niệm. Như phút tưởng niệm những người đã chết. Thiếu phụ nhìn xuống bàn tay trơ vơ trên đùi mình. Nàng nói. Giọng nàng không còn đeo cái mặt nạ nghìn cân của phản ứng bướng bỉnh, cùng đường nữa. Lúc này, nàng có lại cái giọng tội nghiệp, thê lương như những lúc phải dỗ dành con trong đêm khuya. - Chẳng giấu gì ông, tôi qua đây đến hôm nay là đúng hai năm một tháng. Tôi nguyên là một giáo sư trung học. Ông cũng hiểu... thành phần của tôi cũng không đến nỗi nào. Chồng tôi là một sĩ quan bị đi học tập cải tạo. Ông ấy trốn về được... Ông cũng hiểu... chúng tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc vượt biên. Ít năm sau, chúng tôi ra đi. Hoặc sống sót. Hoặc vùi thân đáy biển. Còn hơn để cho chúng tìm ra, đến tận nhà và lại tù ngục. Hiềm nỗi chúng tôi không có tiền! Ông cũng hiểu... (Dường như thiếu phụ thích dùng mấy chữ này để mở đầu cho một câu nói mới?) chúng tôi không còn gì. Không còn bất cứ một thứ gì sau bốn năm sống với Cộng sản. Nhà tôi không còn cha mẹ. Riêng cha tôi, tệ hại hơn, ông bị đưa ra Bắc rất sớm. Tôi còn mẹ và sáu đứa em. Vì tương lai của tôi, vì thương con rể, là nhà tôi, mẹ tôi bán tất cả đồ đạc. Luôn cả ngôi nhà của bà, để lo cho chúng tôi đi. Chúng tôi đi thoát. Và... và (thiếu phụ bỗng nghẹn ngào) chúng tôi có con. Nhưng nhà tôi không muốn sống với tôi, khi con tôi chưa được ba tháng!
  7. Người đàn bà nghiến răng, như cố dằn lại hoặc, kiềm chế xúc động của mình. Nàng nói tiếp: - Ông cũng hiểu tôi không có chọn lựa nào khác! Tôi phải nuôi bảy miệng ăn ở Việt Nam. Tôi không thể để cho mẹ già và, bầy em dại của tôi biết rằng, ở đây, tôi đang sống những ngày như thế này... Như thế này. Ở đây... Tôi có trách nhiệm... Tôi có trách nhiệm... Ông cũng hiểu... Người đàn bà ôm ngực. nàng không nói được nữa. Người đàn ông cúi mặt, lộ vẻ lắng nghe, chia sẻ. Ông hỏi : - Giờ anh ấy ở đâu thưa chị? Thiếu phụ lắc đầu : - Xin ông đừng hỏi. - Tại sao vậy? Tôi hỏi theo nghề nghiệp. Không hề có ý tò mò hay xúc phạm gì đến... - Không. Tôi hiểu. Tôi không nghĩ gì hết. Chỉ xin ông đừng hỏi. Vậy thôi. Người đàn ông vẫn chưa buông tha : - Chính cảnh sát cũng muốn có câu trả lời ấy. Mặt thiếu phụ đanh lại : - Tôi cũng đã nói với cảnh sát là tôi không biết cha đứa con tôi là ai. Ông cũng hiểu... (Thiếu phụ dùng lại ba chữ này. Chưa nói tiếp thì nàng đã đưa tay bưng lấy ngực. Vẻ mặt mặt nàng không lộ đau đớn mà ương quyết.) Vẻ cương quyết của người đàn bà khiến người đàn ông rùng mình, lắc đầu : - Thôi. Chị không muốn nói thì thôi... Thiếu phụ sửa lại thế ngồi : -Tôi đến đây để xin ông một ân huệ. Vậy tốt hơn hết, ông nên trả lời cho tôi biết, ông có giúp tôi hay không? Có hay không? Tôi chỉ cần điều đó.
  8. Giọng người đàn bà trở lại vẻ đanh chắc, lạnh lẽo, bất cần ban đầu. -Tất nhiên. Tôi nhận lời giúp chị. Tôi đã nhận lời. Tôi chỉ yêu cầu chị trước hết là phải tin tôi và nghe theo những lời tôi hướng dẫn. Vậy thôi. - Ông bảo tôi phải làm gì? - Nhận tội. - Nhận tội? Thiếu phụ hỏi lại người đàn ông, cùng lúc với những bắp thịt trên mặt nàng co thắt lại, như những miếng cao su hơ trên lửa. Hình ảnh đứa con trong căn phòng ẩm mốc chờn vờn trước mặt nàng. Nàng thấy nó khóc bần bật như có một bàn tay vô hình nào đang xiết chặt chiếc cổ gầy héo của nó. Tuồng người đàn ông đoán được phần nào ý nghĩ của thiếu phụ. Anh nói : - Tuy tôi chưa trở thành luật sư thực thụ, những tôi biết, ở trường hợp bị bắt quả tang như trường hợp này, chỉ có cách kêu gọi sự khoan hồng của ông tòa. Nếu chị tiếp tục chối, tòa sẽ triệu tập một bồi thẩm đoàn nhân dân. Tù hay tha ở xứ này, đôi khi cũng tùy thuộc vào sự tốn kém mà tòa án phải trả cho mỗi vụ xử. Chị hãy nghe và tin tôi. Nên nghe tôi... (Người đàn ông nói, như năn nỉ). Dẫu sao, tôi với chị cũng là đồng hương. Thứ đồng hương ê chề, khốn khổ của cảnh đời tỵ nạn... Trước mắt thiếu phụ lúc này, dường như còn rõ ràng hơn nữa, hình ảnh đứa con trong căn phòng ẩm mốc, và những món hàng ăn cắp được từ các cửa hàng bách hóa hay siêu thị. Ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế da lớn mà người đàn bà có cảm tưởng như chiếc ghế đang lắc lư thay nhịp đong đưa của chiếc võng ru con. Nàng nghe được lần đầu tiên, giọng ru con của một kể nào khác: À... ơi... con cò đậu cọc cầu ao Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua... Không phải giọng của nàng. Đúng rồi. Không phải giọng nàng. Nhưng, người đàn bà ứa lệ.
  9. ***** Đứng trước vành móng ngựa, thiếu phụ nói : - Thưa ông Tòa, tôi nhận có ăn cắp một ít món hàng của siêu thị X., ngày... Ở đường... Quan Tòa : - Tại sao chị làm vậy? Chị có biết như vậy là phạm tội không? - Thưa Tòa, tôi biết. Nhưng tôi phải làm. Tôi phải nuôi mẹ già và 6 đứa em ở Việt Nam. - Đó không phải là bổn phận của chị. Những người đó có tay chân không? Họ có mắt mũi, đầu óc không? - Thưa Tòa, không. Có tiếng cười bật vang cuối phòng xử. Ông Tòa giận dữ gõ búa : - Im lặng. Chị kia. Chị định kể chuyện cười trước Tòa hay sao đây? Thiếu phụ mặt xám ngoét, run rẩy : - Thưa Tòa không. - Thế nghĩa là gì? - Thưa ông Tòa, tôi chỉ muốn nói, người dân, nhất là người dân của một nước thua trận... thì dù cho họ còn đủ tay chân, mắt mũi, đầu óc, thì họ cũng vẫn bị người Cộng sản biến họ thành phế nhân. Phế nhân ở cả hai phương diện thể chất và tinh thần. -Cách gì Tòa có thể tin được chuyện kỳ quái như chị kể? -Thưa... tôi chịu. Tôi có chứng minh cụ thể với ông Tòa. Hoặc ông Tòa tin tôi, hoặc không mà thôi. (Thiếu phụ bậm môi, suy nghĩ?) Tuy nhiên thưa ông Tòa, sự kiện tôi liều lĩnh chấp nhận ở tù, bỏ con cho chính phủ nuôi... chỉ vì ít món hàng không quá năm chục bạc, để cứu mạng cả gia đình tôi... thì tôi xin ông Tòa hiểu cho phần nào những gì tôi đã nói với ông Tòa...
  10. Phòng xử im phắc. Hình như mọi người bị choáng váng bởi những điều người đàn bà mới trình bày. Một điều không thể tưởng tượng mà, có thật. Sự choáng váng ặp tới chính ông Tòa. Lát sau, ông nói : - Phần chị, chị có thấy còn điều gì cần nói thêm không? Thiếu phụ vịn cả hai tay vào vành móng ngựa. Dường như chị cảm được hơi lạnh từ mảnh gỗ cong hình móng ngựa, xuyên buốt thân thể mình. Nàng như một tàu lá héo, rũ xuống. Nàng lắc đầu. Nhắm mắt. Buông xuôi. -Không thưa Tòa. Tôi chỉ có chừng đó điều để nói. Trước mắt nàng, lúc này, hình ảnh con nàng chao qua, chao lại, cùng tiếng khóc bần bật (như có bàn tay vô hình nào đang xiết chặt chiếc cổ khô héo của nó). ***** Thư gửi người đàn bà trong truyện. Thưa chị, Tôi đã bàng hoàng và xúc động, một buổi tối khi đến thăm anh Sơn ở văn phòng luật sư của anh ấy. Chính Sơn là người kể tôi nghe chuyện của chị. Trong chúng ta, có biết bao nhiêu bà mẹ, bao nhiêu đứa em, bao nhiêu đứa con từng giờ, từng phút chờ chết giữa quê nhà. Tôi cũng còn kẹt lại một mẹ già. Tôi cũng còn kẹt lại một đàn con. Một bày cháu... Mẹ tôi, con tôi, từ sáu năm qua, cũng đã sống lay lắt bằng những tấm khăn mặt, những thỏi chewing gum, những vỉ alka aeltzer... Chị tôi, bày cháu tôi, từ sáu năm qua, cũng đã phải sống thoi thóp nhờ vào những cuộn chỉ, những vỉ kim khâu, những bánh xà phòng, những cây bút bíc... Thưa chị, tôi nghĩ tôi hiểu và chia xẻ được với chị ít nhiều. Tôi cũng biết, người Mỹ không thể nào hiểu nổi tại sao người cộng sản lại đồng nghĩa với việc chặt tay, bẻ chân, đâm mù mắt... người dân, những đồng bào, ruột thịt của họ...
  11. Cũng như có một số người Mỹ cho rằng chúng ta bỏ xứ ra đi vì lý do kinh tế! Trong khi họ quên, không một ai có thể chỉ vì lý do kinh tế mà chọn con đường thập tử nhất sinh trên biển cả! Chọn cái chết! Trong lịch sử nhân loại, chưa có một dân tộc nào điêu linh như dân tộc Việt. Người Mỹ đã lên tới cung trăng, nhưng mặt nào khác, họ lại là những kẻ sống giữa thời tiền sử, khi họ không thể quan niệm rằng, có những người con, những người vợ, những người mẹ sẵn sàng vào tù vì thân nhân của họ, như chúng ta. Kính thưa chị, tôi cũng muốn nhân đây, bày tỏ lòng kính trọng chị, khi mà một số phụ nữ khác của chúng ta, đã, đang muốn bỏ chồng con, lấy ngoại nhân, chỉ vì cái bề ngoài to lớn và vật chất dồi dào, tưởng chừng như có thể bảo đảm cho họ cả đời... Riêng chị, chị lại chọn đứng một mình như cây... Ôi! Những ngọn cây cao thấu trời xanh, rễ sâu về tận nguồn cội... Thưa chị, một lần nữa, nếu tình cờ chị có đọc được những dòng chữ này, xin chị hiểu cho, tôi viết với tất cả lòng ngưỡng mộ và hổ thẹn của cá nhân tôi: Du Tử Lê, đã sáu năm mà vẫn còn sống một cách vô nghĩa nơi quê người!
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2