Chỉ hai lần khóc
lượt xem 3
download
“Cậu, mình không thể yêu cậu!”. Khi Thuỳ nói điều ấy với Nam không hề do dự, Nam tưởng như trái tim lần đầu biết rung động của hắn bị ai đó nắm nghẹt lại. Nam không muốn hỏi: “Vì sao?” hay bất cứ câu gì tương tự. Hắn buồn rũ rượi đưa mắt nhìn xuống một bên chân tật nguyền của mình. Hắn thấy tội nghiệp nụ hồng lần đầu tiên hắn tặng một người với niềm hy vọng hão quá thể. “Cậu nghĩ sao vậy? Làm sao tớ có thể yêu một người khiếm khuyết? Tớ cần một...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chỉ hai lần khóc
- Chỉ hai lần khóc TRUYỆN NGẮN CỦA VÕ THU HƯƠNG “Cậu, mình không thể yêu cậu!”. Khi Thuỳ nói điều ấy với Nam không hề do dự, Nam tưởng như trái tim lần đầu biết rung động của hắn bị ai đó nắm nghẹt lại. Nam không muốn hỏi: “Vì sao?” hay bất cứ câu gì tương tự. Hắn buồn rũ rượi đưa mắt nhìn xuống một bên chân tật nguyền của mình. Hắn thấy tội nghiệp nụ hồng lần đầu tiên hắn tặng một người với niềm hy vọng hão quá thể. “Cậu nghĩ sao vậy? Làm sao tớ có thể yêu một người khiếm khuyết? Tớ cần một chỗ dựa. Chỗ dựa ấy thậm chí chả chắc chắn bằng cái thân tớ thì tớ nương vào làm gì?”. Như chưa đủ để Nam thất vọng, Thùy tàn nhẫn dội thêm những gáo nước buốt lạnh. Tháng ba, sinh nhật tuổi mười bảy năm ấy, lần đầu tiên trái tim Nam biết đập lỗi nhịp, bỗng lạnh như chưa bao giờ lạnh hơn. Nam lặng im, khó nhọc, xiêu vẹo kéo những bước chân trên vạt cỏ mềm mới nhú. Namtránh mặt Thùy, tránh cả những con đường có thể chạm mặt nhau. Dù Nam biết rõ, nếu gặp, Thùy vẫn sẽ cười toe toét khoe hàm răng khấp khểnh ngỗ ngược như không có chuyện gì xảy ra. Chơi với Thuỳ từ thời bé tí, ngày Nam còn cả đôi chân nguyên vẹn, cùng chạy nhảy, chơi lò cò, có khi Nam nghĩ, Nam hiểu Thùy cũng như hiểu chính mình vậy. Cơn sốt năm sáu tuổi cướp hết sức lực của một bên chân. Mẹ Nam khóc, mẹ Thùy khóc, Thùy và Nam không khóc. Thùy bảo, có gì đâu, mai mốt Nam muốn đi đâu, Thùy cõng theo Nam. Lúc nào Thuỳ cũng ở cạnh bên, Nam không phải sợ. Nói thế nhưng Thùy không phải cõng Nam lần nào. Mẹ Thùy tặng Nam chiếc xe lăn rất vừa vặn, Thùy thường đẩy Nam đi học cùng mỗi khi đến lớp. Thi thoảng Thuỳ mượn được chiếc xe đạp của mẹ lại chở Nam ra triền đê sông Lam chơi. Cũng độ tháng ba như
- thế này, gốc hoa gạo ven sông bắt đầu kết nụ đơm bông, những nụ hoa đầu tiên nở bung năm cánh rực lửa khoe sắc… Cái gốc hoa gạo ven sông găm vào kí ức. Mỗi khi buồn Thùy, buồn chuyện gì mà không giải tỏa được, Nam vẫn âm thầm tìm ra đây, như hôm nay. Dạo này Thuỳ không đi học cùng Nam. Mẹ Nam chừng đoán được, bảo: “Lớn rồi, cứ bám theo nhau ngại lắm!”. Nam cười buồn buồn, tự đẩy xe đi một mình. Không có Thùy, đoạn đường dài xa ngái. Nam chợt chột dạ, hay là Thùy giận. Mà không, tính Thùy đâu phải thế, thích gì, ghét gì, yêu gì là Thuỳ thể hiện ngay. *** Thùy bất ngờ tìm Nam, bảo: “Tớ có bạn trai rồi nhá!”. “Ai?” – Nam giật mình. “Anh ấy làm quen mình trên mạng, anh là thầy giáo tận Sài Gòn”. Nam bồn chồn: “Này, cậu phải cẩn thận”. “Cẩn thận gì mà cẩn thận. Cậu đừng đa nghi” – Thùy vặn vẹo. Bỗng Thùy đổi giọng mềm mỏng: “Nam dạy cho tớ đàn bản “Mối tình đầu” đi!”. Tránh ánh mắt dò hỏi của Nam, Thùy trở nên bẽn lẽn, má ửng ửng hồng: “Tớ muốn lần đầu tiên gặp mặt, anh ấy sẽ ấn tượng về tớ. Chủ nhật này anh ghé về đây!”. Nam xót xót trong lòng vẫn gượng cười: “Ừ được”. Trước đây, lũ con gái trong lớp vẫn hay theo Nam học đàn, riêng Thùy chẳng thèm quan tâm, bảo: “Nam đàn Thùy nghe được rồi, cần chi học”. Giờ chẳng đơn giản như thế nữa. Thùy dần thay đổi từ khi có bạn trai. Cho đến khi, Nam thấy lạ lạ là hình như không phải mình đang né Thùy nữa mà là Thùy đang né mình, lúc nào không rõ. Lớp mười hai, thời gian ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học đuổi nhau đi, quay mòng chóng vánh. Hôm vừa đi học về, Nam gặp mẹ tất tả chạy sang ngõ nhà Thùy, hình như nhà bên ấy có chuyện. Mẹ kể: Thùy dại lắm, nó mang bầu mà giấu kín, đi đâu cũng thắt lưng buộc bụng. Tới tháng thứ bảy mà nó buộc chặt, giấu kỹ tới mức không ai hay. Tay “thầy giáo” mà Thùy yêu thực chất là một sinh viên ra trường mãi chưa xin được việc, nhận được vài mối dạy kèm. Khi gặp chuyện mới đánh bài ngửa với Thùy rằng: “Thân anh đây còn chưa lo xong, lo gì nổi thân em và con cái”. Nó quất ngựa truy phong, không ai buồn đi tìm vì
- chẳng biết tìm được không hay chỉ thêm xấu hổ. Thùy đẻ con trong toilet nhà trường, phần vì tức mình, phần vì sợ lộ, bỏ con trong thùng rác. Chẳng ai biết đứa bé chết lúc nào… Mẹ thở dài thườn thượt. Ngưng một lúc, mẹ kể: Đứa bé sinh non tháng thứ bảy, chắc chẳng có duyên nợ với đời. Con Thùy vẫn đáng thương hơn đáng trách, người ta đi đẻ có mẹ có con, có bác sĩ hộ lí đỡ giùm. Nó một thân một mình vượt cạn, nông nổi, tội nghiệp, còn may mà mạng lớn nên vẫn sống. Tội nghiệp mẹ nó, xỉu lên xỉu xuống khi bất ngờ nghe chuyện. Ai mà ngờ nó mang bầu, mấy hôm gặp, nói chuyện, mẹ nó còn bảo con Thuỳ dạo này ăn nhiều, ngủ nhiều, mập, xấu quá! Khổ thế, công an mà không về tận nhà điều tra thì mẹ nó vẫn không biết. Namnghe khó tin như chuyện của ai khác. Khi Nam qua nhà, gặp một Thùy khác hẳn. Mái tóc nhuộm màu hạt dẻ xơ xác như những sợi râu ngô khô cuối chiều. Mắt Thùy căng mọng. Thùy bảo lúc này đừng hỏi gì, đừng nói gì, Thùy chỉ lo mẹ chết thì Thùy cũng không thể nào sống nổi. Mẹ Thùy đau tim lâu năm, bây giờ chẳng biết ra sao bên phòng cấp cứu. Namhiểu đối với Thùy, mẹ quan trọng đến mức nào. Dạo bé, có lần Nam và Thuỳ đi chơi về, vừa vào đến nhà thì gặp cảnh bố Thùy đang nhấc cao đầu mẹ, kề con dao sát cổ cứa như người ta cắt tiết gà. Cũng may con dao cùn, máu rịn đỏ, mẹ Thuỳ sợ tới độ chỉ lắp bắp, nước mắt rịn dài từng dòng. Thùy gào khóc kêu cứu. Cha Thùy vào tù, để lại gánh nặng thêm cho một mẹ một con và vết thương to như vết sần trên những gốc cây cổ thụ trên cổ mẹ Thuỳ. Ngày công an bắt cha đi, Thùy lạnh lùng bảo: Thế còn hơn. Mỗi mùa giá rét, vết thương trên cổ mẹ Thùy bầm tím, đau nhức, Thùy lại nghĩ tới cha ai oán. Thùy bỗng thở hắt: “Theo cậu, mẹ tớ có chết không?”. Nam quát: “Nói bậy gì thế?”. “Thật đấy, tối qua lúc tớ mê man đi còn nghe mẹ tớ bảo sống nhục thế này thì chết đi còn hơn. Người chết đi còn hơn phải là tớ chứ?!”. Giọng Thùy ướt sũng. Nam chẳng biết chia sẻ gì, đưa tay vuốt mái tóc bơ phờ của Thùy: “Cậu dựa vào vai tớ mà khóc, nhé!”.
- Đó là lần đầu tiên Nam thấy Thùy khóc. Ngày bé, bao lần ngã đau Nam muốn khóc nhưng nhìn qua mắt Thùy vẫn ráo hoảnh, nên thôi. *** Namvào học đại học, Thùy bảo mai mốt Thùy sẽ lên tìm “thằng chả” trả thù. Nói xong Thùy cười lớn, chẳng biết đùa hay thật. Nam lên gần một năm thì Thùy lên. Lúc này Nam lo sợ thật, nghĩ biết đâu Thùy làm liều. Sau lần Thùy mang bầu, sinh con không ai biết, Nam chẳng còn dám tin rằng mình hiểu Thùy nữa. Nam giữ Thùy ở lại phòng trọ người bạn hàng xóm, dặn dò bạn canh cẩn mật. Được một buổi thì Thuỳ biết ý, cáu: “Tớ không điên đâu, tớ lên đây để đi hát, kiếm tiền, tớ muốn làm ca sĩ”. Thùy đi thử giọng xin hát ở phòng trà, chấp nhận giá cat – xê bèo bọt nhất, hát vào giờ khuya khoắt nhất, khi khách khứa đã ra về cả. Những ngày đầu, Nam đi theo, chờ đưa đón. Thi thoảng, lúc không bận bịu bài vở, Nam mang theo đàn đệm đàn cho Thùy. Tiếng ghi ta như lời thầm thì hoà theo giọng khàn trầm buồn của Thùy: “Em xin tuổi nào, còn tuổi nào cho em, mùa thu trong mắt em cay…”. Nam phiêu diêu nhìn gương mặt trang điểm nhẹ của Thùy. Gương mặt đã có nét đàn bà từng trải nhưng vẫn đẹp như thiên thần, khoé mắt hình như ướt ướt. Nam chợt xốn xang nghe như trong bập bùng tiếng ghi ta là hình ảnh bập bùng hoa gạo vừa nhóm lửa thương yêu trên những cành khô ven sông quê. Chỉ hát ba hôm, Thùy có khách là một anh chàng ngoại quốc chạy theo xin name – card. Thùy bẽn lẽn: “Tớ có làm gì đâu mà có name card, cậu bảo anh ấy có yêu thương thì qua đây nghe tớ hát, thế là đủ chia sẻ nhau rồi”. Nam ngạc nhiên, Thuỳ trở nên già dặn sau cú ngã ấy quá thể. Mỗi buổi Thùy hát, anh chàng ngoại quốc nán lại đến cuối giờ để tặng những bông hoa hồng. Thùy vẫn nhờ Nam luôn đứng bên cạnh để làm phiên dịch vì vốn liếng Tiếng anh của Thùy chẳng được mấy chữ ngoài xin chào, tạm biệt… Thùy háo hức nhờ Nam dạy thêm tiếng anh, Thuỳ líu lo ca hát trong căn phòng trọ nhỉnh hơn mười mét vuông như chú chim sơn ca trong chiếc lồng cũ kĩ, chật chội, Thùy nâng niu những nụ hồng được tặng từ một khán giả quen thuộc. Nhìn những nụ hồng Thùy hôn hít sau mỗi buổi đi hát, Nam chợt chạnh lòng nhớ tới nụ hồng mười bảy ngày nào của mình.
- Thùy quyết định xếp quần áo vào balô, chào Nam, qua chỗ ở mới. “Cậu đi đâu?”. Nam giật mình nghĩ Thùy có quen ai trong Sài Gòn ngoài mình và thằng cha đã làm Thùy phải bước qua một ngã rẽ khác? Thùy như đoán được, nheo nheo mắt: “Bí mật. Tớ sẽ nói với cậu sau. Cậu yên tâm, tớ quên thằng giáo viên Sở Khanh kia rồi”. Namkhông chở Thùy đi hát từ đó, không đệm đàn cho Thuỳ hát từ đó. Cũng từ đó, trong số tiền chi tiêu tiết kiệm của túi tiền sinh viên, Nam bỏ ra những trăm ngàn đáng kể để mua vé, mua cà phê ngồi nghe Thùy hát. Nam luôn là người khách cuối cùng ra về, ngồi trong góc khuất thiếu sáng của phòng trà, nhìn Thùy leo lên xe SH của anh chàng ngoại quốc, vù đi êm như ru. Nam chạnh lòng thương Thùy. Vốn tiếng anh của Thùy thậm chí vẫn chẳng thể nói quá ba câu ngoàii xin chào, xin lỗi, tạm biệt và dăm ba từ Nam vừa dạy. Phòng trà ca nhạc chẳng rộng nhưng hình như chưa bao giờ Thùy nhận ra Nam, dù Nam luôn đưa mắt nhìn theo chờ đợi. Có đêm mưa, khách tan đã lâu Thùy vẫn một mình bé nhỏ mong manh bên khóm trúc. Thùy gọi điện năm phút một lần, nhìn đồng hồ liên tục, thở dài liên tục. Nam xót xa khập khiễng lại gần: “Cậu ở đâu, tớ đưa về?”. Thùy mím môi, điệu bộ duy nhất Thùy vẫn giữ như hồi còn là một cô bé: “Thôi, mình chờ Jimmy. Cậu về trước đi, anh ấy hay ghen lắm”. Đọc được thoáng lo âu trong mắt Nam, Thùy cười tươi rói khoe: “Tớ ở Phú Mỹ Hưng, nhà cao cửa rộng, cậu khỏi lo”. Nam đứng lừng khừng chưa quá một phút thì Thùy lại đẩy: “Đi, đi, cậu đừng đứng đây, anh ấy hay ghen lắm”. Nam trống rỗng ngồi xa xa. Chờ tới khi anh chàng ngoại quốc tới đón Thùy, Nam mới yên tâm ra bãi xe trở về. Thật lạ, chờ hơn một tiếng đồng hồ, Thùy vẫn chẳng nhận được nửa lời giải thích, xin lỗi. Cũng có khi như thế lại hợp lí vì những lời giải thích của chàng ngoại quốc sẽ thành thừa thãi với một người bất đồng ngôn ngữ như Thuỳ. *** Người ta nói ăn ở với nhau cố cho được ba bảy hăm mốt ngày, nhưng ngày thứ hai mươi thì Thùy lầm lũi quay lại tìm Nam nơi xóm trọ với một bên má bầm tím. Nam nghiến răng, tay nắm chặt nắm đấm, nghĩ có thể tung mạnh một quả vào mặt kẻ làm Thùy ra nông nỗi thế. Thuỳ nắm tay Nam, gỡ nhẹ từng ngón buông lỏng ra, bảo: “Ích gì Nam, tại
- mình dại trai mà ra thế. Hắn đón con khác về, đuổi mình đi mà mình không đi, mới bị hắn vứt cả người lẫn túi ra khỏi cửa…”. Thuỳ nói với thái độ thản nhiên, mắt ráo hoảnh. Nam hình dung ra cảnh Thùy bé nhỏ bị thằng Jimmy to con vứt ra đường mà xa xót, con người chứ có phải con chó, con mèo hay nắm giẻ rách đâu. Buổi tối, Thùy đau không đi hát, ngồi thu lu nơi góc nhà nhắn tin. Một lúc, Thùy đưa máy điện thoại, bảo: “Cậu dịch cho tớ cái”. Nam nhìn qua, thằng cha Jimmy thanh minh đó là một người bạn đồng nghiệp của hắn đến chơi và đã đi. Hắn đang ở nhà chờ Thùy về nấu cơm. Ăn xong sẽ cùng nhau vui vẻ... Nam chưng hửng, chẳng rõ hắn coi Thùy là gì. Dịch cho Thùy xong, Nam còn chưng hửng hơn khi thấy Thùy cười khì hồn nhiên xếp đồ quay lại. Thùy sung sướng: “Tớ biết mà, anh ấy chỉ yêu tớ, anh ấy gọi tớ là hơ – nì (honey) cơ mà”. - Cậu quay lại, cậu không nghĩ tới cảm giác bị vứt ra đường như thế nào à? – Nam bực dọc, lỡ lời. Thùy đứng sững. Chừng vài giây, Thuỳ mím môi: “Cả cậu cũng không hiểu tớ?!”. Nam thấy day dứt khi bị trách ngược. Muốn nói gì đó để giữ Thùy lại nhưng biết không thể giữ con ngựa bất kham trong Thùy. Trước khi bước qua cửa, Thuỳ nắm tay Nam lắc lắc: “Cậu yên tâm, con bé Thùy khờ khạo cả tin ngày xưa chết rồi. Bây giờ, tớ không lừa người thì thôi, ai lừa nổi tớ. Mà tớ có còn gì nữa đâu để lừa lọc hả cậu?”. Với tính cách Thùy, dù có lừa người hay bị người lừa thì Nam tin vẫn chẳng bớt đau khổ là mấy. Namvẫn giữ thói quen đến phòng trà ca nhạc nghe Thuỳ hát. Có hôm Thùy không hát, Nam cuống quýt như bị nước sôi lửa bỏng gọi điện thoại. Bên dây đằng kia Thùy vô tư cười nói: “Cậu quên à? Hôm nay sinh nhật mình mà! Mình ở nhà với Jimmy”. Sinh nhật Thùy thì Nam nhớ chứ quên sao được, nhưng chẳng hiểu sao khi không thấy Thuỳ đi hát Nam vẫn cuống quýt đến vậy. Câu trả lời tỉnh rụi của Thùy khiến Nam thấy bề bộn trong lòng. Nambắt đầu một buổi sáng cuối tuần bằng việc mở đài FM nghe ca nhạc. Đang nghe Cry on my shoulder của Super Stars thì Thùy lại xách ba lô nặng trĩu đến, vẻ mặt Thùy còn
- sầu thảm, nặng trĩu hơn lần trước. Thùy bối rối bảo: “Đồng nghiệp” hắn lại đến. Nhưng lần này khác, tớ biết chắc đó chẳng phải đồng nghiệp. Tớ chẳng bao giờ quay về đó, bất cứ lí do gì”. Lần này, Nam chẳng muốn hỏi gì thêm khi lòng quặn thắt thấy mắt Thùy sũng nước. Thùy đánh trống lảng: “Tối qua, tớ mơ thấy cây gạo ngoài bến sông trổ hoa đỏ rực cậu ạ. Nếu đang ở nhà, tớ sẽ ra đứng dưới gốc cây gạo. Dựa lưng vào thân cây mà lầm bầm chửi rủa thằng Jimmy cho chán chê rồi mới quay về”. Thùy cười gượng gạo. “If you want cry, cry on my shoulder”… Bỗng dưng, Thùy bật khóc. Có lẽ vì bài hát buồn, quá buồn… Lần thứ hai Nam thấy Thùy khóc.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Hai số Phận
346 p | 129 | 37
-
THƯỢNG ĐẾ CŨNG ... VÀNG HOE
2 p | 56 | 7
-
Càn Long Du Giang Nam - Hồi 8
26 p | 69 | 6
-
Xuân về với núi
10 p | 48 | 5
-
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Hồi Thứ Tám Mươi Ba
7 p | 96 | 5
-
Người thứ hai, con ếch và sợi chỉ đỏ
12 p | 75 | 5
-
Người thứ hai, con ếch và sợi chỉ đỏ
7 p | 62 | 4
-
Xóm sở Mỹ
13 p | 67 | 4
-
Mùa Thu Thay Áo
2 p | 71 | 4
-
Cô Gái Mắt Trong
4 p | 43 | 3
-
Cây Khóc
2 p | 60 | 3
-
Ta buông tay nhau nhé!
6 p | 64 | 2
-
Ốm vì yêu
7 p | 58 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn