CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN<br />
XÃ HỘI HÓA CÁC DỊCH VỤ ĐÔ THỊ Ở HÀ NỘI<br />
<br />
TS. Nguyễn Duy Phong<br />
Trưởng phòng Tài chính giao thông đô thị,<br />
Sở Tài chính Hà Nội<br />
<br />
Trong suốt thập kỷ qua, cùng với cả nước Hà Nội đã đạt được tốc độ phát triển<br />
kinh tế cao, gắn liền với quá trình đô thị hóa nhanh. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp<br />
diễn trong tương lai và sẽ có nhiều tác động tích cực và tiêu cực đối với Hà Nội. Cùng<br />
với kết quả do phát triển kinh tế đem lại, Hà Nội đã, đang và sẽ còn phải đối diện với<br />
hàng loạt các vấn đề của đô thị như vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, cung cấp nước<br />
sạch, cũng như các dịch vụ thiết yếu khác.<br />
Với những nỗ lực giải quyết các vấn đề trên, hệ thống các dịch vụ đô thị (DVĐT)<br />
của Thành phố những năm qua đã được mở rộng và cải thiện rõ rệt. Mức chi ngân sách<br />
Thành phố hàng năm dành cho 7 lĩnh vực DVĐT thiết yếu năm 2009 đạt 2.740 tỷ đồng,<br />
dự toán 2010 đạt 3.250 tỷ đồng. Tuy nhiên, các DVĐT đang ngày càng trở nên bị quá tải<br />
trước nhu cầu xã hội ngày càng cao về loại hình, quy mô, khối lượng và chất lượng dịch<br />
vụ và cùng với đó đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, nếu không<br />
có các nguồn vốn đủ mạnh thì không thể triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng<br />
cung cấp của bất kỳ DVĐT nào, không có điều kiện cải thiện sức cạnh tranh và trình độ<br />
phát triển của Thành phố. Mặt khác, nếu chỉ trông chờ vào Ngân sách Nhà nước (NSNN),<br />
thì khó có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển các DVĐT, không mở rộng và đa dạng<br />
hoá các hình thức đầu tư phát triển DVĐT thì sẽ không có nhiều điều kiện để đưa công<br />
nghệ mới vào sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ<br />
hơn. Vì vậy, xã hội hóa chính là đa dạng hoá các nguồn vốn cho đầu tư, duy trì các<br />
DVĐT từ các khu vực kinh tế, nhằm làm cho mọi người dân, mọi tổ chức, mọi thành<br />
phần kinh tế nhận thức và thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn, lợi ích trong việc phát triển và<br />
thụ hưởng các DVĐT.<br />
Trong giai đoạn hiện nay, chính sách tài chính phục vụ sự phát triển, XHH các<br />
DVĐT là một bộ phận hợp thành quan trọng trong chính sách phát triển của Thành phố,<br />
tác động đến kết quả mọi mặt của hoạt động đô thị hiện đại, trước mắt cũng như lâu dài<br />
trong sự liên quan dây chuyền hữu cơ và tổng thể với các hoạt động kinh tế xã hội khác<br />
của Thủ đô. Việc hoàn thiện cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy phát triển, xã hội hóa các<br />
DVĐT thiết yếu trên địa bàn Thủ đô đang đặt ra như một nhu cầu cấp thiết cả về nhận<br />
thức khoa học, lẫn thực tiễn quản lý kinh tế - đô thị của chính quyền các cấp.<br />
1. Khái niệm, phân loại và vai trò DVĐT<br />
1.1. Khái niệm, phân loại DVĐT:<br />
DVĐT là hoạt động cung cấp các dịch vụ chung thiết yếu, bảo đảm thường xuyên<br />
liên tục, gắn liền với việc cung ứng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản, nhằm đáp ứng nhu<br />
cầu vật chất cho sinh hoạt của người dân tại các đô thị.<br />
Các DVĐT có nhiều loại hình, lĩnh vực đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau và do<br />
nhiều đối tượng cung cấp, bảo đảm. Một số DVĐT thiết yếu có tính chất công ích vừa<br />
đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của dân cư, vừa phục vụ lợi ích chung được Nhà nước bảo<br />
đảm, khuyến khích sử dụng thông qua hình thức tổ chức dịch vụ và bù đắp một phần chi<br />
phí. Các dịch vụ này đều có tính chất chung là mang tính đồng bộ và cộng đồng cao trong<br />
vận hành, công nghệ và được tổ chức theo một qui hoạch thống nhất, như hệ thống giao<br />
thông đô thị, hệ thống cấp nước, chiếu sáng, thoát nước, vệ sinh môi trường, cây xanh,<br />
vườn hoa...<br />
Nguồn tài chính chủ yếu cho DVĐT là từ NSNN địa phương và một phần do<br />
đóng góp trực tiếp của người dân. Doanh thu của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đô<br />
thị một phần được ngân sách nhà nước hỗ trợ, một phần từ các khoản đóng trực tiếp của<br />
người sử dụng và một phần nhỏ từ các hoạt động mang tính chất kinh doanh dịch vụ.<br />
DVĐT là hoạt động có tính chất kinh doanh nhằm thu được lợi nhuận. Nhà nước<br />
có trách nhiệm tạo ra hành lang pháp lý để kiểm tra, giám sát các tổ chức cung ứng nhằm<br />
đảm bảo chất lượng DVĐT cho xã hội, do vậy sự điều tiết của chính quyền nhằm xử lý<br />
những vấn đề quan trọng như chất lượng, giá cả đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng<br />
và tạo điều kiện cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ...<br />
Trước đây, chưa có một văn bản pháp quy nào quy định các loại hình DVĐT cụ<br />
thể. Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2005/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng<br />
sản phẩm, DVĐT với hơn 30 loại sản phẩm DVĐT, trong đó có một số DVĐT quan<br />
trọng cụ thể là:<br />
* Dịch vụ giao thông vận tải:<br />
Dịch vụ giao thông vận tải gồm 2 nội dung: Xây dựng, bảo trì hệ thống hạ tầng<br />
giao thông và vận tải hành khách công cộng.<br />
* Dịch vụ vệ sinh môi trường (VSMT):<br />
Dịch vụ VSMT bao gồm công tác thu gom, vận chuyển và xử lý các chất thải của<br />
hoạt động sản xuất và sinh hoạt của xã hội, đặc biệt là chất thải rắn và chất thải lỏng.<br />
Dịch vụ vận chuyển thu gom và xử lý rác thải thông thường được chia làm 3 công<br />
đoạn: Thu gom rác thải tại nguồn đến các bãi tập kết nhỏ, vận chuyển rác từ bãi tập kết<br />
nhỏ đến bãi đổ chung và công đoạn xử lý rác thải.<br />
Hệ thống thoát nước cũng liên quan trực tiếp đến môi trường sống. Nguyên tắc<br />
chung, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đều phải được xử lý tùy theo tính<br />
chất của từng nguồn nước thải rồi mới đổ ra hệ thống thoát nước chung.<br />
* Dịch vụ cung cấp nước sạch:<br />
Dịch vụ cung cấp nước sạch gồm 2 nội dung: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật<br />
truyền dẫn nước và cung ứng nước.<br />
* Dịch vụ bưu chính viễn thông: Là dịch vụ cung cấp mạng thông tin, liên lạc.<br />
Cùng với một số DVĐT khác, đây là dịch vụ có vai trò quan trọng không những cho sự<br />
phát triển kinh tế của cộng đồng, cá nhân mà còn có vai trò trong liên kết xã hội, liên kết<br />
cá nhân.<br />
* Một số loại DVĐT khác: Hiện nay, ngoài các DVĐT phổ biến trên, tồn tại một<br />
số loại DVĐT khác như: Dịch vụ công viên, cây xanh; Chiếu sáng công cộng, dịch vụ<br />
nghĩa trang…<br />
1.2. Vai trò của DVĐT trong đời sống xã hội:<br />
DVĐT có vai trò quan trong đối với mỗi xã hội, chất lượng của DVĐT là một<br />
trong những yếu tố thể hiện chất lượng cuộc sống của mỗi quốc gia. Nhìn vào chất lượng<br />
của DVĐT, người ta thấy được sự giàu có, trình độ phát triển của quốc gia đó.<br />
- DVĐT đảm bảo những điều kiện vật chất thiết yếu nhất cho các hoạt động kinh<br />
tế, xã hội tại các đô thị. Chỉ trục trặc trong một dịch vụ, một khâu nào đó như cấp, thoát<br />
nước, giao thông công cộng, VSMT… thì lập tức sẽ gây ra sự cố cho mọi hoạt động khác<br />
và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt xã hội và đời sống nhân dân. Ngược lại, một hệ<br />
thống các DVĐT hiện đại, đồng bộ, năng động sẽ tạo điều kiện để phát triển sản xuất, lưu<br />
thông góp phần nâng cao chất lượng sống và bản thân dịch vụ đó cũng sẽ mang tính cạnh<br />
tranh cao.<br />
- Xét trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế, các DVĐT như là hệ thống huyết mạch,<br />
tạo mối liên hệ giữa các bộ phận, giữa các khu vực của đô thị. Sự phát triển các DVĐT sẽ<br />
là một trong những điều kiện vật chất quan trọng cho sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã<br />
hội khác. Chính vì vậy chất lượng phát triển các DVĐT là một tiêu trí quan trọng để đánh<br />
giá trình độ phát triển của mỗi đô thị.<br />
Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển các DVĐT đòi hỏi một khối lượng đầu tư rất<br />
lớn của Nhà nước và doanh nghiệp để tổ chức duy trì, hỗ trợ đầu tư, tổ chức hoạt động…<br />
đó là trở ngại đáng kể đối với chính quyền đô thị. Song với nhận thức mới, coi phát triển<br />
DVĐT không phải là yếu tố đi sau, mà là yếu tố mở đường, là bộ phận cấu thành của phát<br />
triển KT - XH, vì thế các cấp chính quyền ngoài việc tăng đầu tư trực tiếp từ ngân sách,<br />
hỗ trợ gián tiếp thông qua các chương trình phát triển, chính sách lãi suất và bảo đảm sau<br />
đầu tư, còn đặc biệt trú trọng đến việc mở rộng xã hội hoá các lĩnh vực này.<br />
- Với vai trò thoả mãn nhu cầu tối thiểu, DVĐT có vai trò quan trọng trong cuộc<br />
sống, nó đảm bảo cho mọi người quyền được sử dụng những hàng hoá dịch vụ thiết yếu,<br />
tối thiểu thoả mãn nhu cầu của con người, đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của con<br />
người. Trong cơ chế thị trường, hoạt động cung cấp DVĐT còn có vai trò cải tạo tính<br />
khiếm khuyết của thị trường, nó bổ sung những hàng hoá dịch vụ cơ bản nhưng lại thiếu<br />
hụt ở thị trường do lợi nhuận đem lại từ các hoạt động này không cao.<br />
- Với đặc tính là khó đạt được lợi nhuận tối đa, nhanh chóng, hoạt động DVĐT<br />
cung cấp cho người dân quyền được hưởng như nhau, bình đẳng những lợi ích mà dịch<br />
vụ đem lại, không phân biệt người đóng nhiều hay đóng ít thuế vào ngân sách.<br />
- Nó như là một công cụ quan trọng nhằm đảm bảo sự liên kết về mặt xã hội, văn<br />
hoá, lãnh thổ, kinh tế của một cộng đồng, một nước hay rộng hơn là các liên minh nhằm<br />
tiến hành các chính sách phát triển, góp phần vào việc tạo ra mô hình xã hội tiến bộ.<br />
DVĐT tạo ra mối liên kết giữa cá nhân và xã hội, bảo vệ những người, những cộng đồng<br />
có nguy cơ bị đào thải, bị cô lập vẫn được hưởng thụ các dịch vụ cần thiết.<br />
- DVĐT là điều kiện không thể thiếu nếu muốn thực hiện các quyền cơ bản của cá<br />
nhân, của cộng đồng. Khi dịch vụ này thoả mãn được các nhu cầu cơ bản, nó ngày càng<br />
nâng cao chất lượng và khả năng phục vụ của xã hội, lúc đó nhiều DVĐT có vai trò quan<br />
trọng trong việc mở rộng khả năng hoạt động của cá nhân cũng như của cộng đồng.<br />
- Ngoài những vai trò trên, DVĐT còn giữ một vai trò không kém phần quan<br />
trọng liên quan đến các hiệu ứng ngoại lai, bao gồm cả những hiệu ứng tích cực và hiệu<br />
ứng tiêu cực. Một số DVĐT có đặc tính là thêm một người sử dụng không chỉ có lợi cho<br />
đối tượng này, mà còn có lợi cho cả những người sử dụng khác (bưu điện, viễn thông,<br />
giao thông). Như với khu vực dân cư lớn, phương tiện giao thông công cộng tiện dụng và<br />
giá rẻ thì lưu lượng các phương tiện cá nhân sẽ giảm và nhờ đó cũng giảm được chi phí<br />
giải quyết các vấn đề môi trường và tắc nghẽn giao thông đi kèm. Cũng có những hiệu<br />
ứng ngoại lai tác động đến việc phân bổ hoạt động trên phạm vi lãnh thổ, một số khu vực<br />
phát triển quá tập trung, trong khi đó một số khu vực thì cả mật độ dân số lẫn mức độ<br />
hoạt động đều thấp. Hiện tượng di chuyển từ một khu vực này sang một khu vực khác khi<br />
thái quá sẽ tạo ra những hiệu ứng tiêu cực do mật độ quá cao hay quá thấp. Các DVĐT<br />
hấp dẫn về chất lượng và giá cả sẽ là một thành tố quan trọng tạo nên một chính sách quy<br />
hoạch lãnh thổ có hiệu quả.<br />
Cũng vì vai trò quan trọng của các DVĐT trong đời sống, Nhà nước và các cấp<br />
chính quyền địa phương đều có trách nhiệm trong việc đảm bảo, tổ chức cung ứng phục<br />
vụ nhu cầu chung của xã hội, đồng thời luôn phải đổi mới phương thức hoạt động để thoả<br />
nhu cầu ngày càng cao của cá nhân, cộng đồng.<br />
<br />
<br />
2. Các hình thức tổ chức cung ứng DVĐT:<br />
Tổ chức cung ứng DVĐT ở mỗi nước có những đặc điểm khác nhau, tuỳ thuộc và<br />
quan điểm, pháp lý, kinh tế, công nghệ và khả năng quản lý của mỗi quốc gia. Trong xu<br />
thế các liên minh kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay,<br />
thì quan điểm của mỗi nước về tổ chức cung ứng DVĐT này cũng tuân thủ một số quy<br />
định chung phù hợp với các cam kết hợp tác khu vực và quốc tế. Hiện có nhiều cách tổ<br />
chức cung ứng DVĐT khác nhau, tựu chung lại có một số cách thức cơ bản sau:<br />
- Nhà nước trực tiếp cung ứng thông qua hoạt động của các doanh nghiệp công<br />
ích.<br />
- Nhà nước không trực tiếp cung ứng mà cho phép tư nhân, các tổ chức cung ứng<br />
(đơn vị ngoài Nhà nước cung cấp dịch vụ được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, hợp<br />
tác xã hoặc tổ hợp tác). Nhà nước dùng quyền lực can thiệp gián tiếp đến các dịch vụ<br />
nhằm đảm bảo các mục tiêu xã hội mà Nhà nước đề ra.<br />
Sự tham gia của các tổ chức ngoài Nhà nước, tư nhân vào việc cung ứng DVĐT<br />
cũng có một số hình thức:<br />
+ Những hoạt động do tư nhân tài trợ và phân phối hoàn toàn thông qua thị<br />
trường.<br />
+ Những hoạt động cung ứng mà do tư nhân tài trợ, Nhà nước dùng biện pháp ký<br />
hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp tư nhân để mua lại dịch vụ đó và giữ quyền phân<br />
phối dịch vụ.<br />
+ Những dịch vụ do Nhà nước tài trợ, nhưng các doanh nghiệp tư nhân phân phối<br />
thông qua việc ký hợp đồng với những cơ chế nhất định với Nhà nước.<br />
Hiện nay, Nhà nước vẫn thực hiện đầu tư và cung cấp dịch vụ này là cơ bản. Có<br />
một số hình thức cung ứng sau: Doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp liên doanh giữa<br />
Nhà nước và nước ngoài; doanh nghiệp tư nhân; hợp tác xã, tổ hợp tác. Các hình thức<br />
cung cấp DVĐT ở Việt Nam đang có nhiều bước đổi mới, việc tăng cường xã hội hoá<br />
DVĐT, chuyển giao hoạt động cung ứng dịch vụ này cho khu vực phi nhà nước nhằm thu<br />
hút nguồn lực xã hội và nâng cao khả năng phục vụ của DVĐT đang là hướng ưu tiên lựa<br />
chọn cho phát triển của chính quyền và cộng đồng.<br />
3. Công tác quản lý nhà nước và yêu cầu hoàn thiện cơ chế tài chính thúc đẩy<br />
xã hội hóa phát triển DVĐT<br />
3.1. Công tác quản lý nhà nước đối với DVĐT<br />
Do tính chất của DVĐT là phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cộng đồng, nhưng<br />
phải bảo đảm thu lợi nhuận và vì những yếu tố khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường<br />
đối với một số dịch vụ có tính công ích, nên Nhà nước luôn chịu trách nhiệm chính về<br />
việc cung ứng các DVĐT. Và cũng chỉ có Nhà nước mới có đủ quyền lực, tạo ra cơ chế<br />
để huy động các nguồn lực cần thiết cho việc cung ứng, trong đó có quyền thu thuế để tạo<br />
nguồn vốn tập trung.<br />
Không những ở Việt Nam, các nước trên thế giới, tuy có những hình thức tổ chức<br />
cung ứng DVĐT khác nhau nhưng hầu hết đều xác định vẫn cần có sự điều tiết của chính<br />
quyền nhằm đảm bảo chắc chắn nhiệm vụ cung cấp DVĐT của các loại hình sẽ được<br />
hoàn thành tốt để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chung của xã hội.<br />
Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc mở rộng các thành phần kinh tế tham gia<br />
cung ứng tạo ra tính cạnh tranh trong việc cung ứng dịch vụ; khi đó cạnh tranh có vai trò<br />
trong việc nâng cao tính hiệu quả của các dịch vụ công cộng. Vai trò to lớn của cạnh<br />
tranh tại bất cứ đâu là kích thích đổi mới, tạo sức ép đòi giảm giá để làm lợi cho người sử<br />
dụng và gián tiếp cho người dân đóng thuế. Sự điều tiết của chính quyền dưới một hình<br />
thức nào đó là một việc cần thiết, do hoạt động điều tiết xử lý những vấn đề quan trọng<br />
như giá cả, chất lượng của các DVĐT, những điều kiện cạnh tranh giữa các đơn vị cung<br />
ứng, hay những điều kiện cho phép những đơn vị mới tham gia…<br />
Công tác quản lý Nhà nước đối với DVĐT nhằm đảm bảo một số yêu cầu sau:<br />
- Sử dụng có hiệu quả nguồn NSNN chi phí cho các DVĐT.<br />
- Bảo đảm sự ổn định và công bằng trong tiêu dùng các DVĐT cho phát triển kinh<br />
tế – xã hội theo mục tiêu nhà nước đề ra.<br />
- Đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trước xã hội về các DVĐT.<br />
Khi trực tiếp cung ứng hay ủy nhiệm cho các thành phần khác cung ứng, Nhà<br />
nước thực hiện một số công tác quản lý cơ bản sau:<br />
- Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển đối với ngành DVĐT; đồng thời sửa<br />
đổi, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật, xây dựng các cơ chế, chính sách mới cho phù hợp<br />
với điều kiện mới cho hoạt động DVĐT.<br />
- Sử dụng các cơ chế, quy chế để điều tiết và kiểm soát các doanh nghiệp và các<br />
tổ chức tư nhân trong việc cung ứng DVĐT theo yêu cầu của Nhà nước. Chẳng hạn, Nhà<br />
nước cho phép các doanh nghiệp tư nhân cung ứng điện, nước… cho nhân dân, song sử<br />
dụng những quy chế bắt buộc đòi hỏi doanh nghiệp phải chịu sự quản lý về giá cả, tài<br />
chính, quản lý về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá dịch vụ, đòi hỏi doanh nghiệp phải<br />
cung cấp dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa…<br />
- Tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia cung ứng.<br />
Thông thường với các DVĐT, Nhà nước sử dụng biện pháp miễn giảm thuế hoặc trợ cấp<br />
cho những doanh nghiệp tham gia cung ứng. (Ở đây, Nhà nước dùng biện pháp miễn thuế<br />
hoặc trợ cấp, trợ giá với mục tiêu là một phần lợi ích này sẽ được chuyển lại cho người<br />
tiêu dùng qua mức giá thấp hơn.)<br />
- Thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cung ứng dịch vụ theo quy định<br />
cho phép. Nhà nước sử dụng những chế tài đối với các doanh nghiệp cung ứng cũng như<br />
đối với cá nhân sử dụng dịch vụ khi họ vi phạm đến các quy chế, chính sách về cung cấp<br />
và sử dụng DVĐT.<br />
- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, các cấp chính quyền Nhà<br />
nước trong quản lý hoạt động cung ứng DVĐT.<br />
3.2. Yêu cầu hoàn thiện cơ chế tài chính thúc đẩy phát triển các DVĐT<br />
Cơ chế tài chính nhằm thực hiện mục đích phát triển DVĐT được hiểu là phương<br />
thức để Nhà nước sử dụng các công cụ tài chính tác động vào hệ thống quản lý các hoạt<br />
động dịch vụ đó, nhằm định hướng, tổ chức, xây dựng và quản lý các hoạt động dịch vụ<br />
trên địa bàn. Để hoàn thiện, đổi mới, bổ sung cơ chế tài chính nhằm phát triển DVĐT đạt<br />
hiệu quả cần bảo đảm các yêu cầu sau:<br />
Thứ nhất, đa dạng hoá về phương thức quản lý:<br />
Trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, với một hệ thống<br />
cung cấp các dịch vụ đa dạng về hình thức và chủ sở hữu như hiện nay. Nhà nước không<br />
nên thực hiện một phương thức quản lý nhất loạt lên các đối tượng quản lý khác nhau.<br />
Hoạt động xe buýt, VSMT hay cung cấp nước sạch hiện nay và trong tương lai cả các<br />
hoạt động khác (như xe buýt nhanh BRT, xe điện trên cao, xe điện ngầm…) theo phương<br />
thức đấu thầu dịch vụ, hay đầu tư xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp tác<br />
Nhà nước và tư nhân (PPP), đặt hàng… đều cần áp dụng và đa dạng hoá các phương<br />
pháp quản lý thích hợp và linh hoạt trong một thể chế thống nhất.<br />
Trong tương lai, để phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực, đối<br />
với một số dịch vụ vận tải hiện đại, Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện các yêu cầu<br />
về giám sát quản lý trực tiếp dịch vụ đó, mà từng bước chuyển giao cho những tổ chức<br />
độc lập thực hiện giám sát hoặc có thể chuyển giao toàn bộ cho chính doanh nghiệp đang<br />
vận hành chủ động thực hiện theo cơ chế tự giám sát tổ chức vận hành.<br />
Thứ hai, kết hợp hài hoà giữa cơ chế quản lý của Nhà nước với việc tự vận động<br />
hạch toán kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.<br />
Các chức năng quản lý của Nhà nước chủ yếu là việc tạo cơ hội để các doanh<br />
nghiệp tiếp cận, tham gia, đầu tư, tổ chức vận hành các dịch vụ. Hướng dẫn, kiểm tra,<br />
giám sát và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của đơn vị khi tham gia, bảo đảm môi<br />
trường cạnh tranh, kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Còn các đơn<br />
vị, doanh nghiệp trong phạm vi được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu, phải chủ động<br />
đầu tư, tổ chức quản lý, vận hành nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời chấp hành đầy<br />
đủ nghĩa vụ trách nhiệm đối với Nhà nước và người sử dụng dịch vụ do mình cung cấp.<br />
Chức năng quản lý của Nhà nước về tài chính phải được thực hiện thông qua cơ<br />
chế quản lý, chính sách chế độ cụ thể và được vận hành một cách rõ ràng, minh bạch<br />
giảm bớt các khâu, các thủ tục hành chính từ phí các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo<br />
đảm chính sách đó được thực thi đạt hiệu quả tốt nhất.<br />
Thứ ba, tăng cường cải cách hành chính tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong<br />
cơ chế quản lý các khoản do Nhà nước chi trả cho các dịch vụ đô thị:<br />
- Cải cách hành chính trong khâu giám sát, nghiệm thu số lượng và chất lượng<br />
thực hiện các dịch vụ. Căn cứ xác định giá trị khối lượng sản phẩm dịch vụ được Nhà<br />
nước thanh toán, đương nhiên phải đảm bảo các tiêu trí do Nhà nước đặt ra, như về khối<br />
lượng, chất lượng, thời gian, qui trình vận hành…Song rút ngắn, giảm bớt những thủ tục<br />
hành chính trong quản lý Nhà nước thông qua cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách<br />
nhiệm của đơn vị cung ứng là hướng đi cơ bản nhằm đạt được những mục tiêu về cải<br />
cách hành chính.<br />
- Cải cách hành chính trong khâu thanh toán, quyết toán: Thực hiện chuyển đổi cơ<br />
chế cấp thanh toán từ thực thanh thực chi, sang cơ chế Nhà nước cấp thanh toán theo kết<br />
quả về khối lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng. Qua đó giảm các khâu cơ quan tài<br />
chính kiểm tra xét duyệt từng khối lượng thực hiện cụ thể của doanh nghiệp theo số liệu<br />
kiểm tra, phê duyệt của cơ quan giám sát, cơ quan chủ quản. Cơ quan tài chính chỉ thẩm<br />
tra về thủ tục, điều kiện, hạch toán các khoản chi trả và kiểm soát nguồn chi trả thanh<br />
toán. Kho bạc Nhà nước thực hiện các thủ tục về kiểm soát chi theo qui định.<br />
- Cải cách hành chính trong các quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trên cơ<br />
sở xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi phía trong việc lập kế hoạch hàng năm, giải<br />
quyết các vấn đề phát sinh trong năm, cấp phát và thanh toán. Loại trừ triệt để quan hệ<br />
xin – cho trong các khía cạnh công việc.<br />
Thứ tư, áp dụng phổ biến và triệt để phương thức đấu thầu, đặt hàng các dịch vụ<br />
đô thị:<br />
Việc chuyển từ phương thức thực thanh, thực chi sang phương thức đấu thầu, đặt<br />
hàng các sản phẩm DVĐT là việc Thành phố xác định rõ khối lượng dịch vụ cần được<br />
cung ứng, bảo đảm trong một thời gian nhất định (1 năm) để đặt ra các yêu cầu về cung<br />
ứng đối với các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện với chi phí được xác định phù hợp.<br />
Đối với Thành phố Hà Nội, cùng với quá trình đổi mới sắp xếp, cổ phần hoá<br />
doanh nghiệp thực hiện bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, khi thực hiện việc cung ứng<br />
các dịch vụ đô thị dù theo phương thức nào thì các doanh nghiệp không có sự phân biệt<br />
đối xử trong chính sách của Nhà nước. Không để đơn vị nào có một lợi thế tuyệt đối<br />
trong kinh doanh so với đơn vị khác.<br />
Việc đặt hàng, đấu thầu các dịch vụ đô thị sẽ tạo điều kiện để phân định rõ trách<br />
nhiệm trong cung ứng sản phẩm giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân: Nhà nước bỏ<br />
ra chi phí ngân sách để thu về dịch vụ được đáp ứng tốt nhất; doanh nghiệp có trách<br />
nhiệm cung ứng dịch vụ với chất lượng tốt nhất và chịu mọi trách nhiệm về các dịch vụ<br />
mình cung ứng và ngược lại sẽ được hưởng mọi lợi ích chính đáng nếu tiết kiệm, hợp lý<br />
hoá sản xuất, đổi mới công nghệ cung ứng dịch vụ; Người dân khi được hưởng các dịch<br />
vụ, có trách nhiệm đóng góp một phần chi phí, thông qua phí, lệ phí để giảm bớt gánh<br />
nặng của NSNN, đồng thời tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ<br />
được cung ứng.<br />
Ngoài ra, còn tạo cơ chế thanh toán chi phí rõ ràng minh bạch cũng như thực hiện<br />
các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước kể cả của doanh nghiệp cung ứng và của người<br />
được hưởng thụ dịch vụ.<br />
Thứ năm, áp dụng ngày càng triệt để nguyên tắc thị trường về định giá và thu phí<br />
dịch vụ đô thị:<br />
Nguyên tắc chung: Một là, ai được hưởng lợi ích từ dịch vụ nào thì phải trả tiền<br />
cho dịch vụ đó; Hai là, ai gây ra ô nhiễm, thiệt hại nào thì phải trả tiền để khắc phục ô<br />
nhiễm hoặc thiệt hại đó (đối với dịch vụ môi trường thì cả 2 nguyên tắc cùng được áp<br />
dụng một lúc để thu tiền dịch vụ).<br />
Dịch vụ đô thị có nhiều loại khác nhau, dịch vụ nào cũng cần phải chi phí nhưng<br />
việc bán ra và thu tiền về lại không giống nhau. Có thứ không thu được tiền từ người sử<br />
dụng và chính quyền Thành phố phải trả thay, lấy từ tiền thuế của dân (như công viên<br />
phục vụ lợi ích công cộng, cây xanh trên đường phố...); Có thứ thu một phần như vận tải<br />
bằng xe buýt, vệ sinh môi trường, thoát nước phần còn lại Nhà nước phải trả nốt các chi<br />
phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra, gọi là “trợ giá”. Người sử dụng có thể trả trực tiếp như vé<br />
xe buýt, phí vệ sinh môi trường hoặc trả gián tiếp thông qua thu phí nước thải phụ thu<br />
vào phí nước sạch, phí chiếu sáng công cộng phụ thu vào tiền điện sinh hoạt…<br />
Tính khả thi của xã hội hoá dịch vụ đô thị trước tiên liên quan đến giá cả dịch vụ<br />
do Nhà nước qui định theo các nguyên tắc:<br />
- Giá cả dịch vụ phải bảo đảm cho người cung cấp dịch vụ bù đắp một phần giá<br />
thành và phải có lãi. Căn cứ vào giá cả đó, người cung ứng dịch vụ nhận tiền từ bên đặt<br />
hàng (chính quyền Thành phố) hoặc nhận trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ. Khi nhận<br />
trực tiếp thì giá cả dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng, đặc<br />
biệt đối với người nghèo.<br />
Tuy nhiên, các DVĐT hiện nay, Nhà nước qui định: Trường hợp các khoản thu<br />
không đủ để bù đắp chi phí hợp lý thì được ngân sách Nhà nước cấp bù phần chênh lệch<br />
và bảo đảm lợi ích thoả đáng cho người lao động. (Điều 19, Luật DNNN). Vì vậy, khi<br />
đấu thầu hay đặt hàng dịch vụ thì việc xây dựng giá dịch vụ đô thị còn phải dựa trên cơ<br />
sở các định mức và đơn giá do các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xem xét quyết<br />
định.<br />
4. Một số kết quả bước đầu trong tổ chức bảo đảm các DVĐT ở HN<br />
Để từng bước nâng cao chất lượng cung ứng các DVĐT thiết yếu trên địa bàn<br />
năm 2006, Thành phố Hà Nội đã ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách quan trọng,<br />
trong đó có Quyết định số 36/2006/QĐ-UBND ngày 27/3/2006 ban hành Quy chế đấu<br />
thầu, đặt hàng các sản phẩm DVĐT.<br />
Việc ban hành, thực hiện quyết định trên bước đầu đã tạo ra những chuyển biến,<br />
tác dụng tích cực rõ rệt. Trong 7 lĩnh vực dịch vụ thiết yếu (bảo trì hệ thống hạ tầng giao<br />
thông; vận tải công cộng bằng xe buýt; vệ sinh môi trường; cấp nước; thoát nước; chiếu<br />
sáng; bảo trì công viên vườn hoa) từ chỗ chỉ do một số doanh nghiệp Nhà nước cung ứng,<br />
đến nay Hà Nội đã có tổng số 42 doanh nghiệp, tổ chức, HTX cung ứng các DVĐT trên.<br />
Chính quyền Thành phố đã chủ động trong công tác quản lý, điều hành ngân sách Thành<br />
phố để đáp ứng kịp thời các yêu cầu ngày càng đa dạng, tăng trưởng qui mô các DVĐT<br />
của Thành phố; tạo chủ động trong tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng cung ứng dịch<br />
của các tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước đấu thầu, đặt hàng; thực hiện tốt chủ<br />
trương xã hội hóa, đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, cung ứng các<br />
sản phẩm DVĐT.<br />
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện và nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị định<br />
số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố HN và một<br />
số văn bản qui phạm quan trọng khác..., thì một số cơ chế cũ có những bất cập, việc vận<br />
dụng cơ chế của Hà Nội (cũ) đối với các địa phương thuộc Hà Tây trước đây cũng gặp<br />
nhiều vướng mắc trở ngại; qui trình quản lý, nghiệm thu, thanh quyết toán đòi hỏi cần<br />
được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.<br />
Xuất phát từ yêu cầu đó, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, ngành Tài<br />
chính đã phối hợp với các ngành liên quan đã chủ động đánh giá lại tình hình thực hiện<br />
các cơ chế cũ của Thành phố từ đó xây dựng trình UBND Thành phố ban hành Quyết<br />
định số 113/2009/QĐ-UBND về “Quy chế đấu thầu, đặt hàng cung ứng các sản phẩm<br />
DVĐT trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:<br />
- Qui định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của UBND Thành phố, quận, huyện, thị xã<br />
là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đấu thầu, đặt hàng các DVĐT do cấp mình<br />
quản lý theo phân cấp.<br />
- Xác định thứ tự ưu tiên việc cung ứng các DVĐT lần lượt là: Đầu thầu – đặt<br />
hàng; qui định rõ các điều kiện để tổ chức đấu thầu các DVĐT mới đưa vào cung ứng và<br />
đặt hàng.<br />
- Thực hiện triệt để cải cách hành chính về thủ tục, qui trình; việc đặt hàng các<br />
DVĐT do ngân sách Nhà nước chi trả phải phù hợp với thời kỳ lập dự toán, giao dự toán<br />
ngân sách hàng năm của Thành phố;<br />
- Các qui định về thanh quyết toán chi phí sản phẩm DVĐT cũng được qui định<br />
cụ thể.<br />
Ngoài ra, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp<br />
cũng được qui định cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.<br />
Tóm lại, trong giai đoạn phát triển Thủ đô thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục<br />
hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính, tăng cường các hoạt động xã hội hóa phát triển các<br />
DVĐT, theo hướng khuyến khích sự đa dạng hóa các thành phần, các hình thức doanh<br />
nghiệp, các phương thức tổ chức thực hiện, các cơ chế quản lý, và đặc biệt là các chế độ<br />
ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích và tạo sự bình đẳng, thuận lợi tối đa cho các hoạt<br />
động xã hội hóa phát triển DVĐT. Cần có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế hỗ trợ và quản<br />
lý chi NSNN cho các DVĐT, đổi mới cơ chế quản lý đơn vị cung ứng DVĐT theo hướng<br />
doanh nghiệp hóa, thị trường hóa và cổ phần hóa; kết hợp hài hòa và hiệu quả các nguồn<br />
vốn trong và ngoài ngân sách; tăng cường tính tự chủ của các doanh nghiệp trong hoạt<br />
động sản xuất và cung ứng các DVĐT, tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế,<br />
đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà nước và phù hợp với các mục tiêu phát triển<br />
kinh tế xã hội chung mà thành phố đặt ra góp phần đảm bảo thủ đô ngày càng xanh, sạch,<br />
đẹp, phát triển bền vững, văn minh và hiện đại./.<br />