intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chú Sửu

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

40
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Rượu làng Vân chính hiệu, tới bến cả rồi, giờ đến màn trà Bắc hảo hạng, xin mời anh em thưởng thức. Rồi, tôi kể cho anh em nghe chuyện này. Nghe xong, anh em phải phát biểu xem tôi xử sự như vậy là đúng hay sai. Quý hớp một nước trà rồi khề khà kể... ... Ngoài chuyện lần đầu tiên được đi hội chùa Hương, tôi cũng muốn đi Yên tử, vịnh Hạ Long lắm, nhưng cái túi nó không cho phép. Chỉ còn đủ tiền đi Việt Bắc một chuyến, thăm lại chốn xưa, nơi tôi...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chú Sửu

  1. Chú Sửu TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MẠNH CƯỜNG - Rượu làng Vân chính hiệu, tới bến cả rồi, giờ đến màn trà Bắc hảo hạng, xin mời anh em thưởng thức. Rồi, tôi kể cho anh em nghe chuyện này. Nghe xong, anh em phải phát biểu xem tôi xử sự như vậy là đúng hay sai. Quý hớp một nước trà rồi khề khà kể... ... Ngoài chuyện lần đầu tiên được đi hội chùa Hương, tôi cũng muốn đi Yên tử, vịnh Hạ Long lắm, nhưng cái túi nó không cho phép. Chỉ còn đủ tiền đi Việt Bắc một chuyến, thăm lại chốn xưa, nơi tôi đã từng ở đến sáu năm trời. Hồi ấy mới mười sáu tuổi, vừa học xong lớp bảy, tôi phải khai tăng thêm hai tuổi nữa, để được tuyển dụng làm công nhân lâm nghiệp. Cán bộ của nghành lâm nghiệp về tận xã tuyển người. Bố tôi mất lúc tôi còn nhỏ. Một nách, mẹ tôi tảo tần nuôi ba đứa con lít nhít. Tôi là con cả, là cháu đích tôn nên bà nội tôi có phần cưng chiều lắm. Tôi được học hết lớp bảy cũng một phần nhờ cơm áo của bà nội phụ giúp. Muốn học lên cấp ba lắm, ngặt nỗi nhà tôi nghèo quá, trường lại xa. Từ nhà tôi tới trường cấp ba gần hai mươi cây số. Muốn học được, phải mang gạo, nước cáy, mắm cá, mắm tép đi xin ở trọ nhờ bà con ở gần trường. Được mùa, còn phải độn sắn, độn khoai. Những năm mất mùa, đói vêu vao. Làm sao mà học nổi đây? Đi làm công nhân tất có lương, có thể phụ mẹ tôi nuôi hai đứa em ăn học. Tôi xin khai tăng tuổi ở xã họ cũng xuê xoa cho. Lúc ấy phong trào đi xây dựng, phát triển kinh tế miền núi đang rầm rộ. Từng đoàn người xung phong đi khai hoang được nhà nước đánh ô tô về tận xã rước đi. Đến lâm trường học tập nội quy và lý thuyết khai thác, vận chuyển lâm sản vài ngày, đoàn chúng tôi được phân về các đội sản xuất. Đang ở đồng quê mắt nhìn hút tầm đồng ruộng mênh mông, tới đây, rừng bát ngát, đồi tiếp đồi, nứa và nứa. Thỉnh thoảng mới thấy lác đác vài ba cây gỗ to cao ở ven đồi, ai cũng có cái cảm giác tưng tức mắt một
  2. cách kỳ lạ. Lần đầu tiên nghe tiếng con chim kêu “bắt cô trói cột”, sau này người ta lái ra thành “khó khăn khắc phục”. Có loài kêu: thủ tỉ, thù thì, thật lạ, không giống như tiếng ếch nhái ở quê mình. Đội sản xuất của tôi có khoảng năm chục người. Họ đã ở đây hơn một năm, công việc có vẻ đã vào nề nếp. Bổ xung vào đội này gần một chục người, nhưng chỉ có tôi và Bân là hai người đã học hết lớp bảy. Đội trưởng vốn là anh du kích hồi chống pháp, cũng chỉ mới biết đọc biết viết, cộng trừ nhân, chia còn lúng túng. Đội phó kiêm kế toán mới học hết lớp bốn. Có nhiều người từ trên hai mươi tuổi trở lên, nhiều người còn mù chữ. Chú Sửu, khoảng bốn chục là người lớn tuổi nhất đội. Nghiễm nhiên tôi là người trẻ tuổi nhất đội. Hồi ấy người tôi còn rỏng rớt, mảnh khảnh. Cũng có kỳ không mướn được trâu, anh em tôi phải thay trâu kéo bừa. Còn chủ yếu, vào vụ cấy thì lo nhổ mạ, gánh mạ ra ruộng cho mẹ tôi. Tóm lại tôi chưa phải làm nhiều việc nặng nhọc bao giờ. Đến đây tôi được bổ sung vào tổ khai thác nứa. Mài con dao rựa dài khoảng hơn bốn mươi phân cho thật sắc. Quần áo bảo hộ màu xanh, bằng loại vải thật dầy, rộng thùng thình. Giầy vải đế cao su, tất cũng bằng loại vải thật dày. Ai cũng phải nai nịt thật chặt, không vắt nó chui được vào người thì tha hồ mà mất máu. Phải lựa những cây nứa già trong những bụi nứa mà chặt. Nứa non, nứa bánh tẻ, phải để lại cho chúng tiếp tục sinh sôi. Nứa năm đường kính từ bốn phân rưỡi trở lên, mỗi bó mười cây. Nứa bảy, đường kính từ ba phân trở lên, mỗi bó hai chục cây, chiều dài phải đủ bốn mét rưỡi. Nứa tép đường kính trung bình là hai phân, mỗi bó phải đủ bốn chục cây. Như vậy mỗi bó nứa thường nặng hơn bốn chục cân. Nứa là nguyên liệu để sản xuất ra giấy. Lâm trường tôi chuyên cung cấp sản phẩm cho nhà máy giấy Việt Trì. Do sức tôi còn yếu lẻo khẻo quá, anh em trong tổ người ta đã chặt xong, kéo nứa, vác nứa ra bãi rồi mà tôi vẫn còn đang loay hoay bó nứa. Xuống đồi thì kéo được hai bó trên hai vai. Lên đồi, tôi chỉ vác được một bó đã thở ra đằng tai. Hôm nào anh em trong tổ cũng phải tương trợ. Qua nửa tháng đi chặt nứa, biết tôi không kham nổi, đội trưởng bố trí cho tôi sang tổ vận chuyển. Chú Sửu khoảng bốn chục tuổi, cùng tôi chuyên cắt cỏ và dọn chuồng cho hơn một chục con trâu. Năm giờ sáng, kẻng báo thức, chúng tôi dậy tập thể dục, làm vệ sinh rồi xuống nhà ăn. Cơm độn ngô hoặc độn sắn tươi, thức ăn chủ yếu là cá biển ướp muối mặn chát, canh măng nứa, hoặc rau muống, rau cải. Bảy giờ sáng mọi người vào rừng,
  3. khoảng một giờ chiều là xong việc, trở về tắm rửa, khoảng hai giờ thì ăn cơm. Chiều mọi người được nghỉ, lo chuẩn bị công việc cho ngày mai. Anh em khai thác lo mài dao, giặt áo quần, giày tất. Anh em vận chuyển lo sửa sang, hoặc đóng xe quệt mới. Xe quệt là hai cây gỗ, đường kính khoảng mười lăm phân dài hơn hai mét, được gắn với hai thanh ngang dài gần một thước, để xếp được mười lăm bó nứa. Dùng dây ràng, níu thật chặt những bó nứa vào xe, cho trâu kéo từ bãi một trong rừng ra bãi hai ở ven đường quốc lộ. Về tổ vận chuyển, tôi cùng chú Sửu chuyên cắt cỏ và dọn chuồng trâu. Hơn một chục con trâu, qua một đêm chúng ị ra cơ man nào là phân! Giữa hai quả đồi bao giờ cũng là cái khe trũng. Chuồng trâu ở áp chân đồi. Phân trâu và cỏ thừa, chúng tôi phải dùng xẻng và bờ cào hắt xuống khe đồi. Nhìn đám phân trâu mỗi ngày một dâng đầy, chú Sửu cứ xuýt xoa: “Ở vùng xuôi mình có đám phân trâu này mà bón ruộng thì lúa tốt phải biết, thật là phí của giời. Ở đây hôm nào mưa rào thật to, phân trâu cứ thế trôi xuống suối. Sáng sáng tôi cùng chú Sửu quảy đôi sọt với cái liềm đi đến các khe đồi, dân miền rừng thường gọi là dộc. Cỏ thường mọc ở ven dộc. Cỏ ngon nhất thường mọc ở bờ ruộng lúa nước. Áp ruộng lúa hay có cỏ chỉ, cỏ mật. Hai thứ cỏ này trâu nó phàm ăn lắm. Bao giờ chú Sửu cũng ấn cỏ đầy hai sọt của mình, phải nặng đến bốn, năm chục cân. Biết sức tôi yếu chú chỉ xếp lổng chổng cho khoảng ba chục cân. Còn lại vài chục cân nữa chú chất đống bỏ đó. Hai chú cháu gánh cỏ về, rồi chú cho tôi đi lấy tiếp số cỏ còn lại. Biết tôi là chàng học trò vì nhà nghèo mà phải đi làm sớm, chú thương tình chỉ cho tôi gánh ít một. Đã thế khi tôi đi gánh chuyến cỏ thứ hai về thì chú đã dọn xong chuồng trâu. Hôm nào chậm trễ lắm, khi tôi về tới cũng chỉ phụ chú vài xẻng phân trâu. Thật tình nhiều phân trâu quá, hôi hám đến ghê người. Mấy ngày đầu tôi phát nôn, phát mửa ở chuồng trâu, sau phải lấy khăn bịt mũi, thở đằng mồm. Cách nào thì mùi phân trâu cũng tràn vào phổi. Tưởng đi làm công nhân là làm cái việc có vẻ sang sang một tý, chứ đâu cắt cỏ và hót phân trâu thế này, lắm lúc tẩn mẩn nghĩ ngợi, tôi cũng chạnh buồn. Thỉnh thoảng viết thư về cho bà nội và mẹ, tôi chỉ dám nói sơ sơ con vẫn khỏe mạnh, công việc làm vẫn tốt. Những năm ấy đang phát động phong trào ba sẵn sàng. Thanh niên sẵn sàng làm bất cứ
  4. công việc gì mà tổ chức, cơ quan giao phó. Thôi thì cũng tự an ủi mình, ta là thanh niên ba sẵn sàng. Cứ tám giờ tối, hai chú cháu phải ra bỏ cỏ cho trâu ăn. Có thế sáng mai đàn trâu mới đủ sức kéo mấy chuyến xe chở nứa từ rừng sâu ra ven quốc lộ. Những đêm mưa gió chú Sửu khoác áo tơi, bảo tôi cứ ở nhà, mình chú ra là được rồi. Áo tơi chú cũng bện lấy bằng lá cọ. Ăn cơm buổi chiều xong, ít khi chú nghỉ ngơi. Chú thường đi kiếm tre về chẻ ra tỉ mẩn đan sọt đựng cỏ, để cả hai chú cháu cùng dùng. Vốn là một tá điền, sau cải cách chú được chia hai gian nhà ngói, lại lấy được người vợ vừa trẻ vừa đẹp. Những lúc cắt cỏ xong, ngồi nghỉ giải lao một tý tôi hay tỉ tê hỏi chuyện. Mãi đến khi thân tình rồi chú mới kể cho nghe chuyện đời chú. Chú mồ côi cha mẹ từ hồi còn nhỏ. Cha mẹ chú chết ráo cả. Chết đúng vào cái năm đói ấy. Năm ấy trong làng, ngoài chợ, ven sông, bên đường, đâu đâu cũng có người chết. Năm ấy chú mới hơn mười tuổi, người chỉ có da bọc xương. Ông bà Cai thương tình nuôi chú cho đi chăn trâu cắt cỏ. Khi lớn lên thì cày bừa, cấy hái, làm hết mọi công việc của nhà nông. Ngày được hai bữa cơm no, áo quần rách rưới thì ông bà chủ lại may cho một bộ nhuộm nâu. Đến khi cải cách ruộng đất, có một bà là nông hội phụ nữ của làng bảo chú: “Nếu lấy cô Nhuần nhà ở xóm bên, thì bà sẽ nói với ông đội để chia cho chú hai gian nhà ngói, với ba sào ruộng, lại một phần tư con trâu”. Cô Nhuần, là vợ chú bây giờ, kém chú tới hơn mười tuổi, người trắng trẻo đẹp đẽ, cũng con nhà bần nông. Phải cái cô đã có chửa, bụng đã lùm lùm. Mọi người cứ vun vào, thôi thì cá vào ao ta, ta được. Chứ thẳng thừng ra có đến già chú cũng chẳng lấy được vợ. Chú kể tôi nghe, nhưng dặn - biết vậy chớ nói cho ai hay. Tôi nghĩ thầm, phải rồi, hồi cải cách ruộng đất dân ta vẫn thường nói: “Nhất đội, nhì giời”. Cái thai ấy có lẽ là của ông đội chăng. Chẳng thế chú đồng ý lấy cô Nhuần là được ưu tiên những hai gian nhà ngói, lại ba sào ruộng, với một đùi trâu. Suất ruộng của cô Nhuần cũng được tính chung với gia đình của cô. Chú không biết chữ. Anh đội trưởng giao cho tôi và Bân dạy bổ túc văn hóa. Cả đội có khoảng hơn một chục người không biết chữ. Chúng tôi thay nhau dạy họ học chữ cái và
  5. ghép vần. Mỗi tuần lễ học ba buổi, từ bốn giờ đến sáu giờ chiều. Chú Sửu không chịu học. Chú cứ lý do nào phải đan sọt, nào phải phụ giúp anh em chăn trâu, nào giúp nhà bếp chặt củi, chẻ củi. Chú nghĩ mình già rồi, hai tay lóng ngóng, cứng đơ, viết chữ làm sao được. Nên chú cứ giúp hết người này đến người khác. Lần ấy chú nhận được thư của vợ. Lá thư viết trên tờ giấy rọc từ vở học sinh, chữ to như con gà mái. Tôi đọc giúp chú, thư thế này: “Mẹ con em vẫn khỏe. Mình đừng gửi tiền bằng đường bưu điện nữa. Thu xếp độ mươi bữa nữa em lên thăm mình. Nhớ mình lắm, cũng muốn biết nơi mình ở, công việc làm của mình. Giấy ngắn tình dài, gặp nhau nói chuyện nhiều .” Tôi phì cười, có mấy câu vậy, chưa hết một phần ba tờ giấy, mà giấy ngắn tình dài. Mấy hàng chữ cong queo. Đúng là chữ của mấy bà học bình dân học vụ, của phong trào xóa nạn mù chữ. Chú Sửu bấm đốt ngón tay. Chú mới về phép năm cách nay chưa đầy bốn tháng. Chú mới ra bưu điện gửi tiền về quê. Lương chú mỗi tháng được bốn mươi tám đồng, trừ tiền ăn hết mười tám đồng. Chú chỉ giữ lại vài đồng tiêu vặt, còn bao nhiêu, cứ vài tháng lại ra bưu điện, gửi tiền về cho vợ con. Ở nhà quê chỉ có hạt gạo còn đồng mắm, đồng muối, manh quần, tấm áo, bao nhiêu thứ trông tất cả vào đồng lương của chú. Tôi nói với anh đội trưởng tình hình vợ chú Sửu sắp đến. Anh đồng ý cho tôi và chú ngăn nửa gian nhà thành một cái phòng khá kín đáo, có cửa bằng phên nứa tử tế. Mỗi gian nhà kê được bốn cái giường cá nhân. Tôi với chú Sửu ở nửa gian. Nhà cửa hồi ấy giống như cái lán thôi mà. Mái nhà lợp bằng lá cọ, xung quanh thưng bằng phên nứa. Mỗi gian có một cánh cửa cũng bằng phên nứa đan lóng đôi. Đêm mùa đông thì đóng cửa cho đỡ lạnh, mùa hè mở phanh ra cho mát mẻ. Vợ chú Sửu lên thăm chồng. Cả đội tôi giật mình, không ai ngờ vợ chú mà trẻ đẹp thế. Đôi mắt lá răm của vợ chú cứ lúng la, lúng liếng. Đôi mắt mà các cụ ngày xưa thường bảo: mắt ấy là thứ chuyên quẳng trai vào bụi rậm. Chú Sửu người đậm, hơi lùn, nước da rám nắng đỏ au. Đi bên cạnh, chú thấp hơn vợ nửa cái đầu. Mọi người trầm trồ khen vợ chú vừa trẻ vừa đẹp. Chú chỉ tủm tỉm cười, hiền thật hiền.
  6. Tôi là người ham đọc sách. Ngoài giờ lao động ra tôi chỉ chăm chú đọc sách. Cũng may lâm trường có một tủ sách, rất ít người mượn đọc. Chị văn thư của lâm trường kiêm trông coi tủ sách. Từ đội tôi về lâm trường bộ đường xa gần năm cây số. Mỗi lần đi mượn sách, tôi phải năn nỉ chị văn thư để mượn được vài ba cuốn, cho bõ công đi bộ từ đội lên. Vài lần tôi trả sách đàng hoàng, chị văn thư cũng dễ dãi hơn. Tôi có cuốn sổ để ghi chép những điều hay mà mình đọc được từ trong sách, giống như nhật ký. Cái sự vợ chú Sửu tới thăm, tôi ghi vào sổ, cũng thử để coi xem sự phán đoán của mình có đúng không. Y như rằng chưa tới bảy tháng sau khi vợ chú lên thăm, chú được tin vợ chú mới sinh thêm thằng cu nữa. Hơn một năm sau, vợ chú lại tới thăm. Hồi ấy giặc Mỹ đang đánh phá miền Bắc dữ dội, thế mà vợ chú vẫn lặn lội đến thăm chồng bằng được. Đi tầu, đi xe phải mất hơn hai ngày đường. Những lần vợ chú tới thăm, tôi lại phải đi sơ tán hàng tuần lễ. Được cái ở đội tôi luôn luôn có giường dư. Nếu mùa đông chúng tôi nằm chung nhau càng ấm. Tôi lại âm thầm ghi vào sổ ngày vợ chú tới. Và cũng bảy tháng sau vợ chú lại sinh ra một đứa con gái nữa. Mấy lần sinh ấy vợ chú đều không vội báo tin. Ở trong đội cũng có mấy người cùng làng với chú. Người nhà họ viết thư, tiện thể cũng báo tin cho chú mừng. Những nghi vấn, những ngờ vực về cái trò kẻ đúc cốt, người tráng men, tôi chỉ dám để trong lòng. Thậm chí nói ý, nói tứ với chú Sửu tôi cũng không dám. Người đời thường nói: Đối với những người rất hiền lành, một khi họ đã cục lên thì đến ông trời cũng chỉ còn bằng cái nắm đấm. Chú vẫn chắt bóp từng đồng lương, cứ hai tháng lại gửi tiền về cho vợ con. Tôi cứ nghĩ, nếu mình chọc vào, rất có thể chú điên lên không gửi tiền về thì bốn mẹ con nhà chị Nhuần tất phải khốn đốn lắm. Nhưng cứ để cho chú Sửu đổ mồ hôi, còm cọm nuôi ba đứa trẻ là con người khác, kể cũng tội thân cho chú. Nhưng ở đời suy đi còn phải xét lại. Ông tá điền Sửu, có cái mặt tròn tròn, mũi gẫy, cái trán thâm thấp, ngắn ngủn, là dân vai u thịt bắp, lại mù chữ, thả ra làm sao lấy được vợ. Đằng này đã lấy được người đẹp, vợ chú nhanh nhảu, ăn nói lại có duyên. Việc chú đi làm công nhân lâm trường cũng do người vợ ra sức vận động, ra sức tỉ tê, điều hơn lẽ thiệt. Ở nhà quê cái gì cũng trông vào
  7. hạt gạo. Cứ đội gạo ra chợ, bán đi mới mua được mắm muối, áo quần, tháng ba ngày tám so xúi lấy gì ra ăn. Chú đi làm công nhân là phải quá rồi. Mỗi năm được nghỉ mười ngày phép, được ôm ấp người vợ đẹp thế, sung sướng quá còn gì. Nhưng còn hơn ba trăm ngày trong năm, người đàn bà đẹp ấy tha hồ tằng tịu với bao nhiêu người đàn ông khác. Tôi nghĩ mà cứ xót xa thay cho chú Sửu. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn để trong lòng, lặng yên không dám nói… Sau một đợt ốm nặng, cứ sốt, y tá lâm trường cứ cho uống ký ninh, mãi nửa tháng sau tôi mới được đi bệnh viện tỉnh. Ở bệnh viện tỉnh, người ta thử máu, thử nước tiểu và kết luận tôi bị viêm thận sắp thành mãn tính. Khi sắp ra viện, tôi lang thang ở thị xã gần nửa ngày trời, cũng mua được vài cuốn sách quý. Thị xã có vài dãy phố ven sông Lô thật thơ mộng. Nghĩ tới chuyện có thể phải xa vùng đất này, lòng tôi cũng nao nao buồn. Nhưng thấy sức khỏe của tôi quá kém, không kham nổi công việc nặng nhọc. Tôi xin nghỉ việc, về quê lo uống thuốc nam, thuốc bắc đến nửa năm sau sức khỏe mới bình phục. Rồi vào lính, đi chiến trường, giải phóng Sài Gòn, tôi được trụ lại ở đây, lấy vợ, sinh con. Lâu lắm rồi, tôi mới trở về thăm lại nơi tôi từng sống và làm công nhân cắt cỏ, dọn chuồng trâu tới sáu năm trời. Chú Sửu đã mất, người con trai lớn đang là lính biên phòng. Người con trai thứ hai hiện là công nhân của lâm trường. Người con gái út là giáo viên cấp một ở quê. Hùng đưa tôi ra thăm mộ chú Sửu. Hùng không có nét gì giống chú Sửu. Giống mẹ nhiều hơn nên Hùng trắng trẻo, cao ráo, rất đẹp trai. Tôi hỏi Hùng: - Bố cháu mất lâu chưa? - Bố cháu đang chuẩn bị về hưu thì mất. Năm ấy bố cháu xuýt xoát sáu mươi tuổi. Đau bệnh có mấy ngày, lâm trường điện về, mẹ con cháu lên đến nơi thì bố cháu vừa tắt thở. Lâm trường lo ma chay cho bố cháu rất đàng hoàng. Thắp mấy nén nhang trên mộ, tôi thầm khấn cầu cho linh hồn chú thanh thản nơi chín suối. Mấy chục năm chú đổ biết bao nhiêu mồ hôi để nuôi lớn được ba con người, hiện đang có ích cho xã hội. Cuộc đời chú là cuộc đời của một con người cần mẫn. Chú làm
  8. những công việc tưởng như rất tầm thường, nhưng lại rất đẹp đẽ. Chú luôn sống vì mọi người. Lòng tôi thấy tiêng tiếc không được gặp chú, nhưng vẫn có một sự thanh thản lạ kỳ… Nhiều lúc tôi tự hỏi mình làm như vậy có đúng không? Biết mười mươi kẻ khác đúc cốt, chú chỉ là người tráng men, mà tôi vẫn cứ lặng yên. Theo các bác thì sao? Câu hỏi của Xuân Quý làm mấy anh em bạn bè chúng tôi còn đang phân vân chưa biết nên trả lời thế nào cho đúng, cho hay, thì vợ Quý, vốn là cựu sinh viên khoa Sử, nay là bà chủ quán cà phê, ngồi kế bên, quàng tay qua cổ chồng, cười tình với Quý một cái, rồi liếc xéo sang bọn tôi, vẫn cái giọng trong vắt thường ngày: - Các ông quen thói nghĩ, một trăm nhát cuốc vẫn cuốc giật vào lòng. Các ông cứ thử nghĩ cho chị Nhuần xem. Người đàn bà trẻ đẹp có đôi mắt lẳng lơ ấy, nếu cứ tha hồ làm tình, nhưng không mang bầu, liệu chị ấy có chịu lấy ông tá điền vừa già vừa xấu xí không? Đàn ông các ông thả cửa chọc ngoáy bậy bạ, xong việc, coi như không có chuyện gì xảy ra. Còn đàn bà, lỡ mang cái bầu là khốn khổ cả đời. Còn lẳng lơ ư? Đàn bà có đôi mắt mà các ông gọi là lẳng lơ, thực ra đó là đôi mắt đẵm tình. Trời cho đôi mắt đẹp ấy thật ra nó biểu hiện sức sống đang rừng rực, luôn khao khát yêu đương, yêu đương đến cuồng nhiệt. Những đôi mắt đẹp ấy như có ma lực, nó có sức hút ghê gớm, luôn hớp hồn đám đàn ông, làm cho chân tay các ông luống cuống, rụng rời. Các ông cứ thử nhìn vào những đôi mắt vô hồn, vô cảm, mặc dù nó được ngự trên những gương mặt xinh đẹp của đàn bà. Tự khắc các ông sẽ thấy ngay sự nhạt nhẽo, vô vị khi ở bên họ… Theo tôi, chị Nhuần chấp nhận làm vợ ông Sửu cả một đời người quả là hiếm có, thật là một sự nhẫn nhịn, không phải ai cũng làm nổi… Nói thì nói vậy nhưng anh Quý nhà này đừng có mà léng phéng, đi đúc cốt lung tung, rồi đổ thừa tại những đôi mắt đẹp nó hớp mất hồn đấy nhá. Vừa nói vợ Quý vừa nhéo vào ngực chồng một cái thật đau làm Quý ái lên một tiếng. Bọn tôi phì cười. Tôi chợt hiểu ra và kêu lên:
  9. - Ừ nhỉ, một nửa thế giới là đàn bà, họ cũng phải có những cái quyền chính đáng của họ chứ.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2