YOMEDIA
ADSENSE
Chùa lịch sử Kim Chương tự
80
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Hai ngôi chùa cổ của trấn Phiên An được tác giả Gia Định thành thông chí khảo tả là Giác Lâm tự và Kim Chương tự. Kim Chương tự là ngôi chùa gánh lấy hầu hết những thăng trầm của lịch sử đất Gia Định. Lúc được coi là ngôi “đại bửu sát”, lúc chỉ còn là ngôi chùa lá nhỏ hoang tàn ở ven Đồng Tháp Mười.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chùa lịch sử Kim Chương tự
- Chùa lịch sử Kim Chương tự Hai ngôi chùa cổ của trấn Phiên An được tác giả Gia Định thành thông chí khảo tả là Giác Lâm tự và Kim Chương tự. Kim Chương tự là ngôi chùa gánh lấy hầu hết những thăng trầm của lịch sử đất Gia Định. Lúc được coi là ngôi “đại bửu sát”, lúc chỉ còn là ngôi chùa lá nhỏ hoang tàn ở ven Đồng Tháp Mười. Giờ đây, những gì còn lại ở đó là những di vật quý hiếm của lịch sử, của lịch sử Phật giáo, của lịch sử mỹ thuật đất Gia Định xưa… Chùa Kim Chương “Ở phía Tây Nam trấn hơn 4 dặm, về phía Bắc quan lộ. Ở giữa là Phật điện, trước sau có Đông Tây đường, sơn môn, phương trượng, kinh thất, hương viện, và phạn đường chạm trổ tô sơn, tốt đẹp rộng cao, phía Bắc chùa có suối nước ngọt bốn mùa dưới đất chảy tràn ra ướt dầm cả đường đi. Năm Ất Hợi (1755), đời vua Thế Tông năm thứ 18 (Nguyễn
- Phúc Khoát) có thầy Tăng ở Qui Nhơn là Đạt Bản hòa thượng đến lập chùa ở đây, được vua ban cho tấm biển đề là “Kim Chương tự”. Khi Đạt Bản mất, truyền lại cho đồ đệ là Quang Triệt. Năm Ất Mùi (1775), Hòa nghĩa đạo Lý tướng quân lập chúa Mục vương (Nguyễn Phúc Dương) tại đây, lại sắc ban một lần nữa. Quang Triệt mất, Quang Trạm kế, Quang Trạm mất, Quang Tuệ nối. Năm Đinh Dậu, niên hiệu Gia Long 12 (1813), Thần võ quân Phó tướng Trần Nhân Phụng vâng theo di chỉ Cao hoàng hậu ban tiền 10.000 quan để trùng tu chùa và chỉnh lý những kinh tạng, trống chuông cho thêm vẻ trang nghiêm. Hiện nay là một đại bửu sát (ngôi chùa danh thắng) ở Gia Định”(1). Chú thích đôi điều Điều lưu ý trước nhất là tên chùa: chùa Kim Chương trong Đại Nam nhất thống chí (biên soạn hồi 1865-1882)(2) gọi là chùa “Thiên Trường” và được sắc tứ là “Phổ Quang Thiên Sơn tự” và trong Bản đồ thành Gia Định (do Trần Văn Học vẽ năm 1815)(3) lại ghi là chùa “Kim Chung”. Về địa điểm tọa lạc của chùa Kim Chương, “ở phía Tây Nam trấn hơn 4 dặm, về phía Bắc quan lộ” nay là khoảng ngã tư Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh, đại thể là nơi chùa Lâm Tế ngày nay. Quan lộ là đường đi nối liền vị trí này về miền Đông Nam Bộ ra Trung, Bắc và hướng kia về miền Tây Nam Bộ. Vị trí chùa Kim Chương như vậy là tọa lạc ở khu vực lỵ sở của trấn Phiên An, tức dinh trấn. Trấn thủ dinh hồi sau 1698 (khi Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập phủ Gia Định), kiêm luôn tri huyện Tân Bình và tri phủ Gia Định, lấy đồn dinh (dinh hiểu là doanh trại) “làm chỗ cho quan tham mưu cư trú” đóng ở “chợ Điều Khiển”. Điều khiển là chức quan được đặt ra sau năm 1731 có nhiệm vụ thống lãnh toàn bộ lực lượng quân đội các trấn để đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên khổn. Trương Phước Vĩnh được chúa phong cho chức Điều khiển đó, đặt nha thự ở phía Nam dinh trấn. Chợ Điều khiển gần dinh quan Điều Khiển nên được gọi tên như vậy. Chợ này nằm trên đường quan lộ (Nguyễn Trãi) và tọa lạc khoảng giữa ngã sáu Phù Đổng với chợ Thái Bình.
- Chùa Kim Chương như vậy là ngôi chùa được xây dựng ở khu vực gần lỵ sở của dinh trấn và gần chợ Điều Khiển. Xét các dữ liệu khác từ Gia Định thành thông chí thì chùa nằm trong khu vực phát triển. Ngoài chợ Điều Khiển, chệch qua bên phía bên kia là chợ Tân Kiểng (718/10, đường Trần Hưng Đạo, P.2, quận 5): “chợ phố trù mật, thường năm đến ngày Tết Nguyên đán, có cuộc chơi vân xa và đu tiên, đáng gọi là một chợ lớn”(4). Các dữ liệu này chỉ ra Kim Chương tự là ngôi chùa của chốn thị thành chứ không phải là ngôi sơn tự. Lại cũng ở vùng chợ Tân Kiểng, năm 1770, có con hổ dữ “đi lạc” vào nhà dân kêu gào dữ tợn. Đồn dinh phái binh lính đến vây bắt, nhưng hổ dữ không ai dám xúc phạm đến. Qua ngày thứ ba có “nhà sư vân du là Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng xin vào bắt hổ cho dân”. Hồng Ân bị hổ vồ chết. Trí Năng tiếp viện đánh trúng đầu hổ chết. Người tại chợ cho Ân là có nghĩa khí, đem an táng tại chỗ đấy, rồi xây tháp(4). Nay tháp không còn nhưng còn bài vị “Cậu Ân” thờ trong đình Tân Kiểng. Dẫn lại sự kiện này từ Gia Định thành thông chí để nêu ra giả định rằng phải chăng chùa Kim Chương là nơi lui tới của các nhà sư vân du từ nơi khác đến đất Gia Định. Ở đây cũng không loại trừ, hai thầy trò Hồng Ân và Trí Năng vốn trước đó đã tá túc nơi Kim Chương tự. Ở đó, họ nghe được tin cọp dữ hại người bèn xách côn ra chợ đánh cọp. Cũng không loại trừ họ là các nhà sư đồng hương Qui Nhơn của Đạt Bản hòa thượng, Tổ khai sơn của Kim Chương tự, bởi lẽ như Gia Định thành thông chí miêu tả thì Hồng Ân và Trí Năng là hai nhà sư võ nghệ cao cường, đó là cái sở đắc đặc biệt của dân Bình Định. Chùa Kim Chương liên tục được chúa ban biển, sắc tứ và được Cao hoàng hậu để lại di chỉ ban một vạn quan tiền để trùng tu nhà chùa, chỉnh lý kinh tạng, trống chuông. Điều này cho thấy đây là một trong ngôi chùa công/quan tự của thời đó. Việc chúa Nguyễn Phúc Khoát ban tấm biển “Kim Chương tự” cho chùa vốn bắt nguồn từ “truyền thống” của các đời chúa trước, chẳng hạn như trường hợp “Sắc tứ Hộ Quốc tự” (1734), “Sắc tứ Vạn An tự” (1710) ở Trấn Biên. Điều này cho thấy cho đến trước khi Gia Long lên ngôi, các chúa Nguyễn còn tuân thủ chủ kiến “Nho Thích song hành”, tức Nho giáo chưa thật sự trở thành chính thống. Chính
- vì vậy, các chúa Nguyễn khi loạn lạc, ngay cả Nguyễn Ánh khi còn bôn tẩu, đều lấy chùa làm nơi nương náu. Nguyễn Phước Thuần và Nguyễn Phước Dương chạy vào Gia Định đã tá túc ở chùa Kim Chương và chuyện phế lập do Lý Tài dàn dựng cũng diễn ra ở đây. Do vậy nên Mục vương Nguyễn Phước Dương lại sắc tứ cho chùa. Nói chung, bị quân Trịnh rồi Tây Sơn tấn công, Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần rút chạy vào Gia Định, rồi bị áp lực của Lý Tài phải nhường ngôi chúa cho Mục vương Nguyễn Phước Dương (Tân Chính vương). Rốt cục, hai năm sau, cả hai đều bị Tây Sơn bắt giết. Các phe phái chống Tây Sơn lần lượt hợp nhất dưới ngọn cờ của Nguyễn Ánh từ năm 1778. Lịch sử Gia Định bước vào thời kỳ nội chiến Nguyễn Ánh – Tây Sơn, Nho giáo cũng được hưng khởi dần thành hệ ý thức chính thống của Nguyễn Ánh trong quá trình tiến về Phú Xuân, rồi Thăng Long. Nước mất chùa tan Đầu năm 1858, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định và bắt đầu mở rộng phạm vi chiếm đóng. Lật lại các bản đồ chiến sự 1860-1861, chúng ta thấy Pháp chiếm các ngôi chùa cổ để thiết lập cái gọi là “phòng tuyến chùa chiền” (lignes des pagodes) để chống lại các cuộc tấn công của quân ta. Bắt đầu từ phía Tây thành Gia Định vào Chợ Lớn, phòng tuyến gồm các chùa: 1/ Pagode avancée (còn gọi là pagode Barbé, tức chùa Khải Tường; 2/ Pagode des mares; 3/ Pagode des Clochetons; 4/ Pagode Chinoise (hay pagode Cây Mai)… Nói chung, giặc Pháp chiếm hầu hết các chùa làm đồn, rồi sau đó phá hủy cốt để xóa “dấu vết cựu trào” và cũng để gạt bỏ các “di tích ngoại đạo”. Nói cách khác, làm một công để đạt cả hai việc: chính trị và văn hoá-tín ngưỡng. Trong danh sách các chùa trên, ngôi chùa được thực dân Pháp gọi là “Pagode des mares” (chùa ở nơi có nhiều “ao vũng”, sau này gọi là thành Ô-Ma) là khu vực có chùa Kim Chương và đền Hiển Trung. Đền Hiển Trung xây dựng năm 1795, trùng tu năm 1804 để thờ các công thần đã từng theo giúp Nguyễn Ánh, trong đó đứng đầu là Võ Tánh và Ngô
- Tùng Châu. Đó là một di tích cựu trào nên trước sau gì cũng cần phá bỏ – theo quan điểm của kẻ xâm lược. Còn chùa Kim Chương vốn là ngôi quan tự nên năm 1859, khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, đã được Tăng chúng cấp tốc tháo dỡ và chở tượng Phật rút về “vùng căn cứ” của quân đồn điền: nay thuộc xã Mỹ Thiện (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ở đây, về sau, chùa đổi tên là chùa Hội Thọ. Trải qua bao cuộc chiến và thời gian đến nay, chùa bảo lưu được một số bài vị Tổ và Phật tượng của Kim Chương tự. Nhờ các bài vị tổ mà chúng ta biết được đó là “hậu thân” của ngôi đại bửu sát của xứ Nam Trung hồi thế kỷ XVIII và các Phật tượng ở đây là di tích mỹ thuật của đất Gia Định được tạo tác cách nay chí ít gần 200 năm. Di vật còn lại Tập hợp các di tượng ở đây có hai loại: tượng làm bằng đất sét và tượng gỗ. Tượng đất sét được tạo tác bằng kỹ thuật đắp tượng rỗng – gọi chung là tượng nê tố – khá công kỹ, từ kiểu thức lẫn đường nét hoa văn trang trí. Tuy hiện nay không còn lành lặn, nhưng những gì còn lại cho thấy tượng được tạo tác bằng kỹ pháp chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc về qui phạm đồ tượng học Phật giáo. Chính ở chất liệu và kỹ pháp tạo hình của tượng nên đây là di tượng có giá trị lịch sử mỹ thuật thuộc loại quý hiếm cần được bảo tồn. Tượng gỗ ở đây hiện còn: 1/ Phật Thích ca sơ sinh; 2/ Địa Tạng Vương Bồ tát; 3/ Bộ tượng Thập điện Minh vương; 4/ Bồ Đề Đạt Ma; 5/ Tiêu Diện Đại sĩ. Nhìn chung, đa phần các tượng gỗ này được tạo tác do các thợ điêu khắc gỗ có tay nghề cao, đạt được trình độ chuyên nghiệp. Điều này thể hiện rõ ở thế dáng đăng đối, trang nghiêm, biểu thị oai nghi của các loại tọa thức và mặt khác, trình độ tạo tác cũng thể hiện ở việc xử lý nhân diện tượng: có chú ý đến những khác biệt về tuổi tác (già/ trẻ), phong thái (trang nghiêm / thư thái) v.v…trong mỗi tượng của bộ Thập điện Minh vương. Ở đây chúng ta dễ nhận ra nét tĩnh lự ở tượng Bồ Đề Đạt Ma và nét sinh động của tượng Địa Tạng Vương Bồ tát được tạc trong tư thế “kỵ thú” với tọa thức thanh nhàn đế vương
- (Raja lilasana) và thức thí vô úy ấn (Vitarka-mudra). Nói cách khác, việc xử lý thế dáng tượng bằng cách chọn lựa toạ thức, ấn quyết như vậy ắt phải được thực hiện bởi người nghệ nhân già dặn về tay nghề và có một tri kiến nhất định về đồ tượng học Phật giáo. Ở một mức độ dè dặt nhất định, khi so sánh với tượng Phật gỗ do vua Minh Mạng dâng cúng cho Quốc Ân Khải Tường tự năm 1832(5), chúng ta có thể đồ rằng, tượng Phật gỗ của Kim Chương tự này là do nghệ nhân ở kinh đô Phú Xuân tạo tác. Đoán định này cũng căn cứ trên kết quả nghiên cứu về các thế hệ tượng gỗ ở xứ Gia Định :thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, ở Gia Định chưa có đội ngũ nghệ nhân tạc tượng Phật gỗ đạt trình độ chân phương và nghiêm túc như vậy. Nói chung, Kim Chương tự là ngôi chùa gánh lấy hầu hết những thăng trầm của lịch sử đất Gia Định. Lúc được coi là ngôi “đại bửu sát”, lúc chỉ còn là ngôi chùa lá nhỏ hoang tàn ở ven Đồng Tháp Mười. Giờ đây, những gì còn lại ở đó là những di vật quý hiếm của lịch sử, của lịch sử Phật giáo, của lịch sử mỹ thuật đất Gia Định xưa. Chúng cần có được một chế độ bảo quản đặc biệt cho đời sau.
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn