CHỮA TRỊ TẮC PHỔI KINH NIÊN
lượt xem 3
download
Bài trước, chúng ta tìm hiểu những yếu tố đưa đến bệnh tắc phổi kinh niên, cùng những triệu chứng do căn bệnh gây ra, và cách định bệnh. Bài kỳ này, chúng ta bàn đến những cách chữa trị căn bệnh. Sự chữa trị nhắm việc làm giảm các triệu chứng giúp người bệnh khỏe hơn, vui sống, đồng thời kiểm soát căn bệnh, những lúc nó muốn trở nặng. Quan trọng hơn, là làm chậm bớt sự tiến triển của bệnh, vì, không như suyễn, qua cơn rồi thôi, tắc phổi kinh niên sẽ ngày càng nặng....
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: CHỮA TRỊ TẮC PHỔI KINH NIÊN
- CHỮA TRỊ TẮC PHỔI KINH NIÊN Bài trước, chúng ta tìm hiểu những yếu tố đưa đến bệnh tắc phổi kinh niên, cùng những triệu chứng do căn bệnh gây ra, và cách định bệnh. Bài kỳ này, chúng ta bàn đến những cách chữa trị căn bệnh. Sự chữa trị nhắm việc làm giảm các triệu chứng giúp người bệnh khỏe hơn, vui sống, đồng thời kiểm soát căn bệnh, những lúc nó muốn trở nặng. Quan trọng hơn, là làm chậm bớt sự tiến triển của bệnh, vì, không như suyễn, qua cơn rồi thôi, tắc phổi kinh niên sẽ ngày càng nặng. Việc chữa trị gồm nhiều mặt, chữa bằng thuốc, bằng giải phẫu, vấn đề dinh dưỡng, …, song trong phạm vi bài kỳ này, chúng ta bàn về cách chữa bằng thuốc và giải phẫu. Bỏ thuốc lá Bỏ thuốc đi thôi, bạn ơi, nếu bạn bị tắc phổi kinh niên (nếu bạn chưa bị, cũng... bỏ thuốc đi thôi, bạn ơi, để khỏi mang bệnh sau này, mang bệnh sẽ khổ lắm, và sự chữa trị thường tốn kém). Hãy nghĩ đến sức khỏe của chính bạn đang lần hồi suy kém, và bao người thân đang trông nhờ nơi bạn. Chưa
- kể, bạn hút thuốc, những người chung quanh cũng chịu ảnh hưởng. Ngoài ý chí muốn thôi, không hút nữa, hiện có nhiều thuốc giúp bạn bỏ thuốc lá dễ dàng hơn. Thuốc dãn ống phổi (bronchodilators) Các thuốc dãn ống phổi giữ phần quan trọng trong việc chữa trị. Ống phổi nghẹt, cần được làm rộng ra, thông hơn với những thuốc có tác dụng dãn ống phổi. Thuốc dãn ống phổi nhiều loại, với nhiều tên khác nhau: Proventil, Ventolin, Albuterol, Volmax, Atrovent, Spiriva, ... Có thuốc tác dụng ngắn, có thuốc tác dụng dài, dùng tùy trường hợp bệnh nặng hay nhẹ. Thuốc dạng bơm xịt thường được chuộng hơn, do chúng ít gây tác dụng phụ. Thuốc steroid Thuốc steroid, như Prednisone, rất tốt trong những trường hợp bệnh trở nặng cần chữa trong bệnh viện, nhưng với những trường hợp bệnh đã ổn định, có cần dùng nó về lâu về dài hay không, bác sĩ cần rất nhiều thận trọng để thẩm định. Vì thuốc steroid có thể gây nhiều tác dụng phụ độc hại. Khi bệnh ổn định, thuốc uống steroid thường được thay bằng thuốc steroid dùng với dạng bơm xịt (như các thuốc xịt Qvar, Flovent, Pulmicort, ...)
- Thuốc phối hợp Như các bệnh cao áp huyết, tiểu đường, khi một thuốc không kiểm soát được căn bệnh, chúng ta cần dùng đến nhiều thuốc phối hợp. Hiện có nhiều viên thuốc trong chứa 2 chất thuốc (có khi 3) phối hợp với nhau để c ùng chữa căn bệnh. Các viên thuốc phối hợp ra đời ngày càng nhiều, giúp việc chữa trị nhiều bệnh thành giản dị hơn. Bệnh tắc phổi kinh niên cũng vậy, có những thuốc xịt như Combivent trong chứa hai loại thuốc dãn ống phổi khác nhau, hay như thuốc hít AdvairDiskus trong chứa chất thuốc dãn ống phổi và chất thuốc steroid. Thuốc ho Chúng ta không nên dùng nhiều thuốc ho vì ho là phương cách cơ thể giúp ta tống xuất những đàm nhớt ứ đọng trong bộ hô hấp. Dùng thuốc ho, cơ chế phòng vệ này của cơ thể ta bị ảnh hưởng, ta bớt ho, nhưng đàm nhớt ứ đọng không được tống xuất ra có thể gây sưng phổi. Dưỡng khí Với những trường hợp thiếu dưỡng khí trong máu nhiều quá (nồng độ dưỡng khí trong máu lúc nghỉ ngơi vẫn dưới 55 mm Hg, dù đã tận lực chữa bằng
- thuốc), dưỡng khí dùng thở thêm ở nhà (oxygen therapy) giúp người bệnh dễ chịu nhiều và tăng thêm tuổi thọ. Dưỡng khí dùng thêm ở nhà rất đắt, có thể gây nổ cháy, nên, tạm dùng dưỡng khí như vậy trong 1 đến 3 tháng, rồi ta sẽ thẩm định lại, xem người bệnh đã khá hơn, không còn cần đến dưỡng khí, hoặc vẫn cần dùng nó dài lâu. Chích ngừa Người tắc phổi kinh niên cần chích ngừa cúm hàng năm, và chích ngừa sưng phổi gây do vi trùng “Streptococcus pneumoniae” (antipneumococcal vaccine). Giải phẫu Một số nhỏ các trường hợp tắc phổi kinh niên chữa bằng giải phẫu. Giải phẫu thay phổi (lung transplantation) giúp kéo dài cuộc sống, với điều kiện người bệnh hội đủ một số đòi hỏi (tuổi dưới 60, bệnh từ từ tiến triển thêm, không sống được 2 năm nếu không thay phổi, tinh thần vững vàng, dinh dưỡng đầy đủ, dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không có bệnh hẹp tắc động mạch tim, gan còn tốt). Cắt bỏ những bọc khí vô dụng chèn ép
- những chỗ phổi chung quanh còn tốt (bullectomy) là một cách chữa bằng giải phẫu khác. Bài kỳ sau chúng ta sẽ bàn đến những khía cạnh khác của sự chữa trị bệnh tắc phổi kinh niên. TAGS: Chữa trị tắc phổi kinh niên, Bỏ thuốc lá, Thuốc dãn ống phổi (Bronchodilators), Thuốc steroid, Prednisone, Thuốc ho, Dưỡng khí, Streptococcus pneumoniae (Antipneumococcal vaccine), Giải phẫu thay phổi (Lung transplantation), Bullectomy, Nguyen Van Duc CHỮA TRỊ TẮC PHỔI KINH NIÊN (tiếp theo) Phổi người tắc phổi kinh niên mỏng manh, dễ bị nhiều yếu tố khiến các ống dẫn không khí vào phổi (xin gọi tắt là các ống phổi) co thắt, hẹp tắc thêm, đồng thời, còn khiến đàm nhớt tiết ra nhiều hơn trong các ống ấy. Khi đàm nhớt tiết ra quá như vậy, ho khạc không xuể, sẽ ứ lại trong các ống phổi, đút nút chúng, khiến chúng tắc thêm. Người bệnh thở thêm khó, ho dữ hơn, khạc đàm nhiều và khác với bình thường. Có khi, cơn trở nặng gây tình trạng suy hô hấp (respiratory failure) rất nguy hiểm. Bài kỳ này, chúng ta bàn về việc chữa trị căn bệnh những lúc nó trở nặng.
- Nhiễm trùng, do siêu vi trùng (virus) hoặc vi trùng (bacteria), là nguyên nhân được biết rõ nhất hay làm tắc phổi kinh niên trở nặng. Nhiều siêu vi, như siêu vi “influenza” gây cúm, siêu vi “adenovirus” gây cảm, có thể làm tắc phổi kinh niên trở nặng. Về phía vi trùng, các con có tên “Streptococcus pneumoniae”, “Haemophilus influenzae”, “Myocoplasma pneumoniae”, “Moraxella (Branhamella) catarrhalis” hay là thủ phạm gây những cơn trở nặng. Ô nhiễm môi trường, sưng phổi (pneumonia), máu đông từ nơi khác bắn lên phổi (pulmonary emboli), phổi ngập nước (pulmonary edema), khí trong màng phổi (pneumothorax) là những tình trạng cũng làm tắc phổi kinh niên trở nặng. Cho nên, khi người tắc phổi kinh niên đột nhiên trở nặng, khó thở quá, phải vào nhà thương, bác sĩ sẽ cho chụp phim ngực (“chest X-ray”, chúng ta hay quen miệng gọi sai là “phim phổi”) để xem người bệnh có sưng phổi, hoặc máu đông bắn lên phổi, phổi ngập nước, khí trong màng phổi, ... Những lúc bệnh trở nặng, các ống phổi thêm hẹp tắc, không đưa đủ không khí vào phổi. Trong không khí có dưỡng khí (oxygen), được phổi hấp thu, rồi đưa vào máu. Khi bệnh trở nặng, cơ chế hấp thu dưỡng khí trong phổi cũng thêm xáo trộn. Hậu quả là trong máu thiếu dưỡng khí. Máu thiếu
- dưỡng khí, sẽ không cung ứng đủ dưỡng khí, một nhu cầu sống còn, đến các cơ quan. Sự chữa trị có mục đích đưa thêm được dưỡng khí vào máu, giúp người bệnh khạc bớt đàm nhớt, làm các ống phổi bớt hẹp tắc, tăng cường sức mạnh cùng sức chịu đựng của các bắp thịt dùng trong việc hô hấp. Sự chữa trị cũng nhắm việc chữa nguyên nhân khiến tắc phổi kinh niên trở nặng (như nhiễm trùng, máu đông bắn lên phổi, ...), chữa những xáo trộn điện giải nếu có (electrolyte abnormalities), đồng thời, ngăn ngừa các biến chứng gây do tac phổi kinh niên trở nặng. Để đạt những mục đích kể trên, nhiều việc cần phải làm: 1. Thuốc dãn ống phổi (bronchodilators): Các thuốc làm dãn ống phổi chế dùng dưới nhiều dạng: uống, bơm xịt, chích. Trong cơn nguy cấp khi bệnh trở nặng, thuốc dạng bơm xịt tốt nhất, tác dụng nhanh, ít gây phản ứng. Các thuốc dãn ống phổi dạng bơm xịt hay được dùng: Proventil, Ventolin, Albuterol, Alupent, ... Vấn đề là biết sử dụng thuốc bơm xịt đúng cách, chứ không thuốc vào đến miệng rồi thuốc lại ra. Một dụng cụ gọi là “spacer device” gắn vào chai thuốc bơm xịt, giúp chúng ta dùng thuốc dễ hơn.
- Các vị có tuổi, quá yếu vì bệnh, hoặc không biết cách sử dụng chai thuốc bơm xịt, có thể dùng một máy bơm thuốc gọi là “nebulizer”. Thuốc pha chế sẵn, đổ vào nebulizer, và khi nebulizer hoạt động, máy sẽ bơm hơi thuốc lên để người bệnh hít thuốc vào phổi.So sánh tác dụng giữa hai cách dùng, của chai thuốc xịt inhaler và của máy nebulizer, người ta thấy nếu biết cách sử dụng chai thuốc bơm xịt cho đúng, máy nebulizer không đem thuốc vào phổi nhiều hơn chai thuốc xịt inhaler. Tuy vậy, những lúc bệnh trở nặng, thuốc xịt inhaler có thể khó dùng đúng cách, và nebulizer dễ dùng hơn. 2. Thuốc bơm xịt loại anticholinergic: Trong những trường hợp viêm ống phổi kinh niên (chronic bronchitis), thuốc bơm xịt loại “anticholinergic” như Atrovent được xem hữu hiệu ngang với các thuốc bơm xịt làm dãn ống phổi kể trên. Thuốc Atrovent rất lành, ít gây phản ứng. Trong cơn khốn khó của người bệnh, nhiều bác sĩ dùng cả thuốc dãn ống phổi (Proventil, Ventolin, Albuterol, Alupent, ...) lẫn Atrovent cũng vẫn được, tuy có tài liệu cho rằng việc dùng thuốc chung như vậy có lẽ cũng không làm tăng hiệu quả thêm bao nhiêu. 3. Thuốc steroid:
- Với những trường hợp trở nặng, thuốc uống steroid như Prednisone giúp phổi làm việc hữu hiệu hơn, khiến triệu chứng thuyên giảm. Prednisone dùng với lượng 30-60 mg mỗi ngày, trong 7-10 ngày. Những trường hợp nặng cần chữa trong bệnh viện, chất steroid là một vũ khí quan trọng để chống trả căn bệnh. Đầu tiên, thuốc steroid truyền tĩnh mạch có tên Solu-Medrol được dùng với lượng 60-125 mg mỗi 6-12 tiếng, trong vòng vài ngày. Sau đó, Solu-Medrol được thay bằng Prednisone, 30-60 mg mỗi ngày, rồi nhanh chóng giảm lượng và ngưng sau một thời gian ngắn. 4. Trụ sinh: Với những người tắc phổi kinh niên bệnh trở nặng quá, khạc ra nhiều đàm đặc, vàng hoặc xanh như mủ, bác sĩ thường dùng thêm trụ sinh để diệt vi trùng, khiến đàm giảm đi, và người bệnh dễ thở hơn. Trụ sinh dùng phải diệt được các vi trùng Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Moraxella (Branhamella) catarrhalis, chẳng hạn các trụ sinh Septra, Augmentin, Doxycycline, Zithromax, Vantin, Cefprozil, Ceftin, Levaquin, Tequin, Cipro, ...
- Bệnh trở nặng hơn bình thường, nhưng không đến nỗi quá, người bệnh không khạc đàm nhiều, đàm không vàng hoặc xanh, không cần đến trụ sinh. (Người bệnh suyễn trở nặng không cần đến trụ sinh, và người thường chúng ta, không mang bệnh tắc phổi kinh niên, khi nhiễm cảm hoặc cúm, dù có khạc ra đàm, cũng không cần đến trụ sinh. Việc dùng trụ sinh cần thận trọng, phải có chỉ định y khoa rõ rệt, bác sĩ không nên cho chỉ vì người bệnh muốn có trụ sinh; sử dụng trụ sinh bừa bãi sẽ tạo ra nhiều dòng vi trùng kháng thuốc nguy hiểm, chưa kể sự tốn kém và các tác dụng phụ không tốt có thể xảy ra của thuốc.) Khi nào người bệnh cần vào chữa trong bệnh viện? - Khi sự chữa trị bên ngoài không hiệu quả. - Khi người bệnh yếu quá, không còn đủ sức đi từ phòng nọ sang phòng kia trong nhà. - Khi người bệnh không ăn, không ngủ được vì khó thở. - Khi người bệnh có thêm những bệnh quan trọng khác. - Các triệu chứng đã nặng dần từ nhiều ngày trước, và cứ nặng thêm. - Tri giác người bệnh đa lơ mơ, không còn tỉnh táo.
- - Đo nồng độ dưỡng khí trong máu thấy nó tệ quá. Người bệnh cần vào chữa trong bệnh viện được theo dõi bằng “arterial blood gas” (lấy máu động mạch, thường là ở cổ tay, để theo dõi nồng độ dưỡng khí trong máu). Người bệnh được cho thở dưỡng khí để giữ nồng độ dưỡng khí trong máu ít nhất trong khoảng 60-70%. Sau đó, người bệnh được chữa ngay với các thuốc bơm xịt làm dãn cuống phổi cứ mỗi 1-4 tiếng (Proventil, Ventolin, Alupent, ...), thuốc bơm xịt loại anticholinergic (như Atrovent), thuốc steroid (truyền tĩnh mạch Solu-Medrol trong vài ngày, rồi đổi sang thuốc uống Prednisone). Trụ sinh cũng cần cho những vị khạc ra nhiều đàm đặc, có màu. Nếu phim ngực chụp ra thấy có sưng phổi, bác sĩ cho cấy trùng đàm, xem vi trùng nào là đứa gây loạn, hầu dùng trụ sinh cho đúng. Với sự chữa trị như vậy, đa số người bệnh sẽ qua cơn nguy khốn. Thỉnh thoảng có trường hợp bệnh trở nặng quá gây suy hô hấp, người bệnh cần đến máy giúp thở, trong lúc căn bệnh được tận lực chữa trị. Bệnh tắc phổi kinh niên (chronic obstructive pulmonary disease, gọi tắt COPD), khác với bệnh suyễn (asthma), khi trở nặng có thể rất nặng, dễ đ ưa đến suy hô hấp.
- Bệnh nào cũng thế, nếu chúng ta hiểu biết, chúng ta sẽ giúp bác sĩ chữa trị hữu hiệu hơn (vì thế y khoa ở Mỹ họ rất chú trọng đến việc hướng dẫn người bệnh hiểu biết về vấn đề sức khỏe của mình). Sự hiểu biết cũng giúp chúng ta ít tin vào những lời quảng cáo nhảm, hao tiền mua những thuốc nghe, đọc quảng cáo thì rất bùi tai nhưng thực ra vô bổ. Bác sĩ NGUYỄN VĂN ĐỨC
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn