intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chuyển đổi số trong nông nghiệp - Xu thế và gợi mở đối với Việt Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

6
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Chuyển đổi số trong nông nghiệp - Xu thế và gợi mở đối với Việt Nam" đề cập đến các vấn đề: (i) phân tích vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp; (ii) chính sách chuyển đổi số tại một số các quốc gia; (iii) đề xuất một số gợi mở đối với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chuyển đổi số trong nông nghiệp - Xu thế và gợi mở đối với Việt Nam

  1. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP - XU THẾ VÀ GỢI MỞ ĐỐI VỚI VIỆT NAM Võ Thị Hoài* Khoa Luật-Trường Đại học Sài Gòn * Tác giả liên hệ: vthoai@sgu.edu.vn TÓM TẮT Là một quốc gia có truyền thống lâu đời về nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam hiện đã xác định được chỗ đứng của mình tại nhiều thị trường của các nước lớn trên thế giới. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số hiện đang được xem là chìa khóa để dẫn tới bước đột phá trong nông nghiệp. Tuy nhiên, dù chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực thì ứng dụng chuyển đối số vào nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết đề cập đến các vấn đề: (i) phân tích vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp; (ii) chính sách chuyển đổi số tại một số các quốc gia; (iii) đề xuất một số gợi mở đối với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Từ khóa: chuyển đổi số nông nghiệp; nông sản chuyển đổi số 1. Đặt vấn đề Chuyển đổi số được đề cập ở Việt Nam từ năm 2018. Đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QD- TTg: Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” như một khẳng định về đường lối phát triển kinh tế xã hội phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đến này nhiều lĩnh vực đã đạt được thành công nhất định trong tiến trình chuyển đổi số. Với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế”, hiện nông nghiệp Việt Nam đã đạt một số thành công trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã khẳng định vị thế của mình sau khi chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn được xem là ngành gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong tiến trình chuyển đổi số. Vì vậy nghiên cứu, đánh giá về chuyển đổi số trong nông nghiệp; nhìn nhận tình hình chuyển đổi số của các quốc gia khu vực để tìm hướng đi phù hợp cho Việt Nam vẫn là những nghiên cứu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu Chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ từ năm 2020 với việc Chính phủ chính thức ban hành một loạt các kế hoạch nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số như: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020: Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022: Phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng, và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023”. Trên cơ sở chủ trương của Nhà nước xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành một số văn bản xây dựng kế hoạch cụ thể cho tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cụ thể như Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022: Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 1837/QĐ-BNN-CĐS ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023. Những chủ trương này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều hoạt động chuyển đổi số cũng đã được các hợp tác xã ứng dụng vào sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm. Các quốc gia trên thế giới cũng rất quan tâm đến việc chuyển đổi số trong nông nghiệp và coi đó như chìa khóa dẫn tới thành tựu đột phá cho lĩnh vực này. Để giữ và mở rộng được thị trường xuất khẩu hàng hóa ra các nước trên thế giới, Việt Nam cũng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong mối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm lương thực và dân số ngày càng gia tăng. 64
  2. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, trên cơ sở tham khảo các tài liệu, số liệu đáng tin cậy, bài viết sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để từ đó có những đánh giá thực tiễn và đề xuất hợp lý, cần thiết cho vấn đề nghiên cứu. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1 Tính cấp thiết của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đến năm 2050, để đủ lương thực cho dân số toàn cầu, tổng sản lượng thực phẩm cần có sẽ phải tăng thêm 70% so với hiện tại. Để tăng sản lượng lương thực của toàn thế giới lên 70%, thì sản lượng canh tác tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước tại khu vực Châu Á sẽ cần phải tăng gần gấp đôi. Điều này sẽ là khó khăn khi hiện tượng suy thoái đất, nước, biến đổi khí hậu trên thế giới không ngừng gia tăng. Cũng theo FAO để đáp ứng nhu cầu lương thực cho tương lai, 80% mức tăng cần thiết phải tạo ra từ tăng năng suất và cường độ canh tác dày hơn - và chỉ 20% đến từ việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy chuyển đổi số thực sự là giải pháp quan trọng cho chiều hướng phát triển nông nghiệp trong hiện tại và tương lai. Sở dĩ nói như vậy vì chuyển đổi số có thể mang đến các tác dụng tích cực như: - Tiết kiệm thời gian, công sức, nguồn nhân lực: Hiện nay ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như thế giới đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nhân lực ngày càng già hóa và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ kế cận. Nguyên nhân lớp trẻ không mặn mà với công việc làm nông vì cho rằng đây là công việc tẻ nhạt, vất vả và không mang lại nguồn thu nhập kỳ vọng. Tình trạng di cư ra thành phố hoặc ra nước ngoài làm việc gia tăng khiến cho nguồn nhân lực nông nghiệp ngày càng thiếu hụt và không được bổ sung kịp thời. Vì vậy, bên cạnh thúc đẩy việc thu hút nhân lực phục vụ cho ngành nông nghiệp thì việc ứng dụng công nghệ của chuyển đổi số sẽ giúp cho việc sản xuất được nhanh hơn, tiết kiệm sức lao động hơn. Khi Robot tự động có thể hỗ trợ thay thế con người trong rất nhiều khâu của quá trình sản xuất, khi các ứng dụng như máy bay không người lái, máy móc tự động cày bừa, tưới tiêu, thu hoạch, hệ thống gieo trồng tự động... giúp định vị chuẩn xác vị trí sẽ rút ngắn được thời gian sản xuất so với hình thức truyền thống trước đây và công việc nhà nông không còn là công việc đòi hỏi quá nhiều sức lực. - Hỗ trợ tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hóa: Chuyển đổi số trong nông nghiệp cung cấp các công cụ và thiết bị thông minh của trí tuệ nhân tạo Al được trang bị cảm biến như cảm biến đất có thể đo đạc độ ẩm, pH và dinh dưỡng của đất để biết cần bổ sung gì cho đất; phân tích, dự báo thông tin thời tiết, khí hậu giúp nông dân xác định thời điểm tốt nhất để gieo trồng, thu hoạch và chăm sóc cây trồng cũng như có thể điều chỉnh kế hoạch và phát triển các biện pháp ứng phó với sự thay đổi của khí hậu, từ đó làm giảm đi nguy cơ cây trồng hay vật nuôi bị sâu bệnh hoặc mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết. Ứng dụng VR vào nông nghiệp có thể mô phỏng các tình huống khác nhau, giúp nông dân chủ động lập kế hoạch và chuẩn bị cho tương lai mà không cần phải thực hiện các hoạt động thí nghiệm trên thực tế để chờ đợi kết quả hoặc đón nhận sự thất bại không lường trước... - Giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng tránh sự lãng phí sản phẩm và cân bằng được nguồn cung cầu nông sản: Các ứng dụng của công nghệ Blockchain và hệ thống quản lý thông tin địa lý hỗ trợ cho việc cung cấp các thông tin về nguồn gốc, quá trình sản xuất của sản phẩm. Qua việc quét mã QR người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, từ đó lựa chọn được sản phẩm mà mình tin tưởng. Các nền tảng trực tuyến cũng hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và người nông dân, từ đó các bên nhanh chóng nắm bắt được cung - cầu để có thể điều chỉnh một cách phù hợp với mong muốn của các bên. Chuyển đổi số giúp cho sự liên kết chặt chẽ chuỗi kết nối 3F: Feed-Farm-Food, tạo thành một hệ thống từ trang trại đến nhà máy chế biến đến siêu thị cung cấp nguồn hàng cho người tiêu dùng để quản lý hiệu quả nhằm tránh thất thoát, hao hụt, giúp xử lý nhanh mọi sự cố trong quy trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Một nghiên cứu cho thấy, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; làm giảm mức độ tổn thất rất lớn đối với nông sản (ví dụ như mức độ tổn thất đối với lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%) (Lê Linh, 2020) 3.2. Ứng dụng của chuyển đổi số vào nông nghiệp của một số nước trên thế giới 3.2.1. Chuyển đổi số trong nông nghiệp Nhật Bản. Theo Cơ quan quản lý về nông nghiệp của Nhật Bản (MAFF) “nông nghiệp thông minh là một hình thức nông nghiệp đổi mới kết hợp các công nghệ tiên tiến như robot và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nhằm mục đích nâng 65
  3. cao hiệu quả lao động và cải thiện chất lượng sản xuất”. Nhật Bản vốn không phải là quốc gia có lợi thế để phát triển nông nghiệp vì hai phần ba diện tích là đồi núi, bên cạnh đó họ còn phải đối mặt với khó khăn do số lượng nông dân trong nước đang giảm dần; độ tuổi của nông dân Nhật Bản lại ngày càng tăng (hiện trung bình đang là 67 tuổi). Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đặt mục tiêu phải đạt 45% khả năng tự cung cấp lương thực vào năm 2030 dù hiện tại họ đang có tỷ lệ tự cung cấp lương thực thấp nhất trong số tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo Báo cáo tại Smart Farming Technology in Japan and Opportunities for EU Companies, Nhật Bản cho rằng chuyển đổi số chính là giải pháp để họ đạt được mục tiêu về nông nghiệp trong tương lai. Năm 2016, Văn phòng Nội các Nhật Bản tuyên bố rằng họ đang tìm cách biến nông nghiệp thành một lĩnh vực tăng trưởng bằng cách sử dụng Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo (AI). Cơ quan quản lý về nông nghiệp (MAFF) đã công bố lộ trình mở rộng kinh doanh sang các công nghệ và dịch vụ nông nghiệp thông minh. Với sự giúp đỡ của các nhà sản xuất, chính quyền thành phố, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia và khu vực tư nhân, có hơn 121 địa điểm sản phẩm đang tiến hành các hoạt động dự án nông nghiệp thông minh. Nông dân có thể sử dụng cảm biến, mạng truyền thông, máy bay không người lái, AI, robot và các bộ phận khác của IoT để phân tích, quản lý, xử lý, ra quyết định và triển khai dữ liệu. Họ có thể sử dụng vô số điểm dữ liệu của mình nhờ vào vệ tinh thời tiết, radar, cũng như hệ thống quan sát Trái đất và viễn thám, để theo dõi điều kiện thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm. Hình ảnh vệ tinh và GPS cũng có thể được sử dụng để giám sát việc bón phân, tưới nước, quan sát điều kiện đất đai và dự báo năng suất cây trồng. AI có thể giúp nông dân lựa chọn cây trồng sáng suốt hơn và chọn ra những hạt giống lai tốt nhất. Ngoài ra, kết nối di động có thể giúp nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn và ổn định kinh tế. Nhật Bản đang sử dụng IoT và AI để đạt được những tiến bộ trong việc tưới tiêu, với dữ liệu được thu thập từ các cảm biến đất và ánh sáng. AI phân tích dữ liệu để xác định lượng nước và phân bón phù hợp cần thiết, giúp phương pháp này bền vững hơn nhiều. Đặc biệt chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp Nhật Bản sẽ tập trung vào tính toàn diện để mang lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, hiện tại thị trường nông nghiệp thông minh ở Nhật Bản được phân thành sáu nội dung: (1) Canh tác chính xác bao gồm việc áp dụng các thành tựu của: Hệ thống dẫn đường GPS (đặc biệt dành cho máy kéo); Lái tự động; Hệ thống Robot phương tiện (bao gồm hệ thống không người lái) (2) Ứng dụng hệ thống Robot nông nghiệp bao gồm: Robot nông nghiệp (ví dụ: robot cơ sở như robot ghép cây); Robot thao tác (ví dụ: robot thu hoạch); Robot hỗ trợ (3) Ứng dụng hệ thống Drone: sử dụng máy bay không người lái vào phục vụ các công việc như: Phun thuốc nông nghiệp; Dịch vụ giám sát... (4) Ứng dụng hỗ trợ trồng trọt: Dịch vụ đám mây cho nông nghiệp (Quản lý công việc nông trại qua internet); Thiết bị kiểm soát môi trường phức tạp (ví dụ: kiểm soát nhiệt, ánh sáng, thông gió, độ ẩm, v.v.); Hỗ trợ sản xuất chăn nuôi bò sữa và chăn nuôi (5) Ứng dụng hỗ trợ quản lý: Ứng dụng các phần mềm kế toán nông nghiệp; Hỗ trợ kế toán cho các tập đoàn nông nghiệp; Hệ thống hỗ trợ quản lý (ví dụ: sử dụng dữ liệu khí hậu)...giúp các nông trại có thể quản lý và vận hành hoạt động của mình một cách hiệu quả. (6) Giải pháp hỗ trợ bán hàng: áp dụng các thành tựu như ICT để kết nối các bên tham gia và tối ưu hóa quy trình bán hàng (kết nối nhà sản xuất với JA và doanh nghiệp thực phẩm để đạt được sự tối ưu trong việc bán sản phẩm); thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ bán hàng (ví dụ: sử dụng dữ liệu khí hậu);....(ECOS GmbHN. TemmenJ. Schilling, 2021) 3.2.2. Chuyển đổi số trong nông nghiệp của Trung Quốc Theo Zhao Chunjiang và các cộng sự (2021), trong bài viết Development Strategy of Smart Agriculture for 2035 in China, đã cho thấy, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu năm 2025 phải thực hiện được các đột phá trong công nghệ then chốt phổ biến liên quan đến dữ liệu lớn trong nông nghiệp. Cụ thể như quản trị và tích hợp dữ liệu lớn về nông nghiệp, phổ biến nhận thức về dữ liệu lớn và đào tạo chuyên sâu về dữ liệu lớn; xây dựng các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật của dữ liệu lớn về nông nghiệp cũng như xây dựng một Trung tâm dữ liệu lớn về nông nghiệp và nông thôn kỹ thuật số nhằm hỗ trợ cho việc khám phá dữ liệu và thu thập kiến thức. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng đạt được các mục tiêu trong việc phát triển máy bay không người lái; thúc đẩy ứng dụng của máy móc và thiết bị nông nghiệp tự động; tăng cường R&D (Research and Development) cơ bản cho AI nông nghiệp, ứng dụng VR (công nghệ thực tế ảo) và các công nghệ khác. Đến năm 2025, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong nông nghiệp của Trung Quốc dự kiến sẽ tiến triển đáng kể. Cụ thể, mức độ kỹ thuật số của đồng ruộng, cơ sở, chăn nuôi, gia cầm, thủy sản lần lượt là 25%, 45%, 50% và 30%. Tỷ lệ 66
  4. lưu thông chuỗi lạnh của nông sản tươi dự kiến sẽ vượt quá 40%, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có khả năng truy xuất nguồn gốc chất lượng và an toàn vượt quá 25% và tỷ trọng nền kinh tế nông nghiệp kỹ thuật số trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế sơ cấp ngành vượt quá 15%. Độ phủ của các trang thương mại điện tử tại các khu vực nông nghiệp không được dưới 85% . Đến năm 2035, số hóa và kết nối mạng toàn bộ chuỗi ngành nông nghiệp cũng như những tiến bộ mang tính bước ngoặt sẽ được hiện thực hóa trong nông nghiệp thông minh và Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc nông nghiệp toàn cầu. Cụ thể, mức độ kỹ thuật số của đồng ruộng, cơ sở vật chất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản dự kiến lần lượt là 50%, 70%, 75% và 75%. Tỷ trọng nền kinh tế nông nghiệp số trong GDP của ngành công nghiệp cơ bản sẽ vượt 70%. Để đạt được các mục tiêu này, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thực hiện 04 nhiệm vụ phát triển trọng tâm gắn với nông nghiệp thông minh ở Trung Quốc: (i) Triển khai cơ sở hạ tầng mới trong nông nghiệp để tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp thông minh; (ii) Thúc đẩy chuyển đổi số sản xuất và xây dựng trang trại thông minh theo đợt; (iii) Xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch và tuyến phòng thủ an toàn, chất lượng; (iv) Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa công nghệ; (v) Ưu tiên khái niệm sinh thái xanh theo hướng đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon (Zhao Chunjiang và cộng sự, 2021). Những thông tin của các nước Trung Quốc và Nhật Bản nói riêng và nhiều nước khác trên thế giới nói chung đã có thấy các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề cải thiện được năng suất và chất lượng hàng nông sản; thúc đẩy nông thôn phát triển theo hướng hiện đại và trở thành ngành mũi nhọn. Nhiều giải pháp được đặt ra nhưng chuyển đổi số vẫn là một giải pháp được coi là trọng yếu với hi vọng mang tới những đột phá lớn cho nông nghiệp. Vì vậy, Việt Nam cũng không thể bàng quan nếu như không muốn mình bị thua kém các nước trên thế giới. 3.3. Thực tiễn chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2023 đã đạt được một số thành tựu như: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng được nhân rộng như các hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng BigData, IoT, AI trong quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi, công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước; ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất. Đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp, như: Công ty TH đã áp dụng SAP S/4 HANA (High-Performance Analytic Appliance) một thành tựu lớn mới nhất của khoa học điện toán vào đột phá về năng suất và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Công ty Nafoods đã tập trung đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng IoT (Internet vạn vật) vào việc phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi số, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị Namis, áp dụng công nghệ phần mềm ERP, CRM, công nghệ truy xuất nguồn gốc cây giống. Công ty Masan xây dựng mạng lưới Point of Life (POL), đây là hệ sinh thái số offline-to-online với 3 thành phần chính: Sản phẩm, dịch vụ Masan cung cấp; hạ tầng thương mại kết nối tất cả các bên trong hệ sinh thái và thứ ba là một nền tảng công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu thông qua trí tuệ nhân tạo và máy học cũng như con người và tổ chức của Masan... Lũy kế đến nay, cả nước có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm Hậu Giang, Phú Yên; Bạc Liêu, Thái Nguyên; Quảng Ninh và 01 Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung bộ; có 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có 499 vùng có ứng dụng công nghệ cao; có 290 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (trong đó có 70 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); có 1.930 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2023). Nhà nước cũng quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao như Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 30/NQ-CP quy định chính sách ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% cho khoản tiền ít nhất là 100.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP quy định cho doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% -80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt. Bên cạnh đó còn có các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính…Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì nhìn chung tình trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn chậm và tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Trong số 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các hợp tác xã này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng (Vân Nguyễn, 2023) 67
  5. 3.4. Một số kiến nghị đề xuất nhằm thúc đẩy có hiệu quả tiến trình chuyển đổi số vào nông nghiệp tại Việt Nam - Đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp: Tăng cường mối liên kết giữa người nông dân - nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các ứng dụng của khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Kinh nghiệm thực tiễn và là người trực tiếp ứng dụng của người nông dân; trình độ, kiến thức của các nhà khoa học; sự đầu tư tài chính của doanh nghiệp là ba yếu tố cần phối kết hợp chặt chẽ trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc phát triển sản xuất cũng như bảo tồn và nuôi dưỡng các nguồn lực tự nhiên. - Kiến nghị đối với Nhà nước trong việc ban hành các chính sách đối với nông nghiệp: Khó khăn lớn nhất của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp là chi phí đầu tư cho chuyển đổi cao, các mô hình chuyển đổi số phù hợp với quy mô lớn trong khi nông nghiệp Việt Nam còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Mô hình hoạt động nông nghiệp ở Việt Nam được tổ chức theo 3 hình thức hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam có 9.123 nghìn đơn vị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tính đến thời điểm ngày 1/7/2020. Trong đó, có trên 9.108 nghìn hộ; 7.418 hợp tác xã; 7.471 doanh nghiệp. Các hộ gia đình làm nông nghiệp thường có quy mô nhỏ, thiếu vốn, vì vậy việc đầu tư cho chuyển đổi số khó có khả năng thực hiện. vì vậy cần thiết thúc đẩy sự liên kết của các nông trại, thông qua vai trò của Liên minh các Hợp tác xã nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội phụ nữ để cùng chia sẻ nguồn lực về công nghệ số. Nhà nước nên có chính sách ưu đãi và khuyến khích các thành tựu của chuyển đổi số ứng dụng cho quy mô nhỏ để phù hợp với điều kiện đặc thù của nền nông nghiệp Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện chính sách về đất đai nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng quỹ đất trên diện rộng thông qua việc liên kết, chuyển nhượng đất giữa nông dân và doanh nghiệp. - Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp: Ngành nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực có thể làm chủ được công nghệ số vì lý do dân số làm nông nghiệp ngày càng già đi. Nguồn nhân lực trẻ kế cận là con em những người nông dân lại không mặn mà với việc kế nghiệp. Trình độ học vấn của trẻ em nông thôn càng lên cao càng thiếu hụt. Kết quả điều tra cho thấy, cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỉ lệ đi học chung giữa thành thị và nông thôn càng lớn, cụ thể: ở cấp trung học cơ sở, tỉ lệ đi học chung ở thành thị cao hơn tỉ lệ đi học chung của ở nông thôn là 3,4 điểm phần trăm; mức chênh lệch này ở cấp trung học phổ thông là 13,0 điểm phần trăm, trong khi ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỉ lệ đi học chung (100,9% so với 101,0%) (Tổng điều tra dân số, 2019). Điều này khiến cho yêu cầu về nhân lực làm nông nghiệp có kỹ năng, trình độ làm chủ công nghệ, có trình độ về ngoại ngữ để có thể thực hiện chuỗi kết nối thương mại toàn cầu trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, chính sách thúc đẩy về giáo dục đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp cần được chú trọng, thông qua các chính sách ưu đãi về học phí, hệ thống trường đào tạo nghề chú trọng các ngành phục vụ cho nguồn nhân lực chuyển đổi số về nông nghiệp. Có chính sách đào tạo chuyên gia về nông nghiệp để làm tốt công việc chuyển giao vận hành công nghệ số cho người nông dân. 4. Kết luận Được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp từ xưa đến nay đều đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Ông cha ta ngày xưa đã cho rằng “dĩ nông vi bản”, quan điểm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy ưu tiên cho phát triển nông nghiệp phù hợp với xu thế chung là một chính sách hợp lý cần được đặc biệt quan tâm TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. (2023). Báo cáo Tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam. (2018). Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam. (2010). Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn Điều tra lao động và việc làm. (2019). Công bố kết quả Tổng điều tra dân số 2019. Truy xuất từ nguồn https://datacollection.gso.gov.vn/dieutralaodongvieclam/cong-bo-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-2019# Ecos GmbHN, TemmenJ. Schilling. (2021). Smart Farming Technology in Japan and Opportunities for EU Companies 68
  6. Government of Japan. (2023). Transforming Agriculture from Space to Empower Smallholder Farmers. Truy xuất từ nguồn https://www-japan-go- jp.translate.goog/kizuna/2023/12/transforming_agriculture_from_space.html?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl= vi&_x_tr_pto=sc Lê Linh. (2020). Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, truy xuất https://dangcongsan.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe-voi-su-nghiep-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc/diem-nhan- khoa-hoc-va-cong-nghe/phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-563993.html Tổng cục Thống kê (2022). Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020. Truy xuất từ nguồn https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-dieu-tra- nong-thon-nong-nghiep-giua-ky-nam-2020/ Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020: Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam. (2022). Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam. (2022). Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022: Phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng, và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023” Vân Nguyễn. (2023). Phát triển nông nghiệp bền vững nhờ số hóa. Truy xuất từ nguồn https://vneconomy.vn/phat-trien- nong-nghiep-ben-vung-nho-so-hoa.htm Zhao Chunjiang , Li Jin, Feng Xian. (2021). Development Strategy of Smart Agriculture for 2035 in China. Truy xuất từ nguồn https://www-engineering-org- cn.translate.goog/en/article/29561/detail?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc 69
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
13=>1