intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Con cá mắt đỏ

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

74
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sông Thị Vải chảy ra biển Vũng Tàu, ở đoạn sông cách biển vài trăm thước, về phía trái có con rạch nhỏ chảy ngược lên tới một xóm nhà thưa thớt. Con rạch đó tên là rạch Lái, xóm nhà cuối con rạch là xóm Lái Ngọn. Tên rạch, tên xóm nghe ngộ nghĩnh, khó hiểu. Thằng Cu Lì bơi xuồng đưa Năm Nhơn vô xóm Lái Ngọn, nói với Năm Nhơn chữ “ngọn” ví như là ngọn cây, ngọn cỏ tại vì cái gốc của con rạch là ở đầu vàm. Chữ Lái có ý nghĩa gì thì...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Con cá mắt đỏ

  1. Con cá mắt đỏ TRUYỆN NGẮN CỦA DIỆP HỒNG PHƯƠNG Sông Thị Vải chảy ra biển Vũng Tàu, ở đoạn sông cách biển vài trăm thước, về phía trái có con rạch nhỏ chảy ngược lên tới một xóm nhà thưa thớt. Con rạch đó tên là rạch Lái, xóm nhà cuối con rạch là xóm Lái Ngọn. Tên rạch, tên xóm nghe ngộ nghĩnh, khó hiểu. Thằng Cu Lì bơi xuồng đưa Năm Nhơn vô xóm Lái Ngọn, nói với Năm Nhơn chữ “ngọn” ví như là ngọn cây, ngọn cỏ tại vì cái gốc của con rạch là ở đầu vàm. Chữ Lái có ý nghĩa gì thì phải vô hỏi ông nội nó. Rạch Lái dài chừng năm trăm thước, nước lợ, đục ngầu; hai bên bờ dừa nước, ô rô, mái dầm chen chúc. Tuy ở gần vàm, gần biển nhưng cây cối ít bị ảnh hưởng của nước mặn, có lẽ do chế độ bán nhật triều tác động trực tiếp với sông Thị Vải có bề mặt rộng, lòng sông sâu còn rạch Lái thì nhỏ bé. Mấy năm gần đây sông Thị Vải ô nhiễm nặng nhưng rạch Lái và khúc ngọn của con rạch, nước chưa đến nỗi ngả màu. - Tới nhà ông nội rồi cậu Năm – Cu Lì trở tay dầm đưa mũi xuồng vào sát bờ cho Năm Nhơn bước lên- Ông nội con ra kia cà! Năm Nhơn lên bờ, thấy ông Tám – ông nội thằng Cu Lì – liền gật đầu chào: - Tía khỏe hông? Ông Tám ờ rồi nói: - Vô nhà uống nước mầy Năm. Lâu quá hổng gặp. - Dà! Con bận công tác…- Năm Nhơn theo ông Tám vô nhà – Má đâu tía? - Ngoài vườn. Bả kiếm mớ rau trưa nay đãi mầy. - Ủa! Mà sao tía má biết con vô?
  2. - Tía nghe Cu Lì nói hôm qua. Độ chừng hôm nay mầy vô! Ông bà Tám có con là liệt sĩ nên được hưởng chế độ, tháng nào thằng Cu Lì cũng bơi xuồng ra ủy ban xã lãnh dùm. Lần nầy anh Năm Nhơn chủ tịch xã cầm tiền vô, vừa thăm hỏi vừa coi đời sống ông bà ra sao. Nhà ông Tám mái lợp lá dừa, vách ván, nền đất. Vô nhà, Năm Nhơn ngồi bên chiếc vạt tre gần cửa sổ nhìn ra sân, rồi nhìn quanh quẩn trong nhà. Anh hiểu được cảnh sống giãn đơn ở một vùng quê xa và sự trống trải của những người lớn tuổi. Lúc giao tiền tận tay ông bà Tám, Năm Nhơn thấy ông bà rất vui khi anh nói lời tình nghĩa và thắp nhang cho con trai ông bà, chớ chẳng mấy quan tâm đến tiền. Thằng Cu Lỳ lui cui ngoài rạch cất vó bắt cá để bà Tám làm món ăn trưa đãi Năm Nhơn. Cái vó nhẹ tênh chỉ có hai con cá lóc và một con cá kỳ lạ hồi nào tới giờ Cu Lì chưa từng thấy. Nó đem cá rọng trong khạp rồi nói với bà Tám. Bà Tám ra coi cũng không biết đó là cá gì? Ông Tám chột dạ khi nhìn con cá trắng, mắt đỏ hoe, mình nhiều ghẻ lốm đốm, miệng há hốc thở mệt nhọc. Ông Tám thắc mắc nhưng thấy nó thở phì phò nên biết nó ngộp. Ông biểu Cu Lì: - Thêm nước vô con. Nói bà nội làm cá lóc nghen. Chừa lại con cá đó! – Ông Tám thấy lòng hoang mang – Lúc rày có nhiều con cá lạ! Năm Nhơn hỏi: - Cá gì vậy tía? - Tía hổng biết. Năm Nhơn muốn ra về nên nói: - Tía nói má nấu cháo cá lóc tía ăn cho khỏe. Thăm tía má thôi, con về. Ông Tám gạt ngang: - Nói bậy! Bả làm cá cho tía con mình nhâm nhi. Làm với tía vài ly hổng được sao mậy? Trong lúc chờ bà Tám làm cá, ông Tám và Năm Nhơn ngồi uống nước, nói chuyện. Sựt nhớ lời Cu Lì, Năm Nhơn hỏi ông Tám về con rạch có tên khó hiểu, xóm nhà nầy, vàm
  3. sông kia sao đều có tên Lái. Ông Tám à một tiếng nói tên của nó liên quan đến sông nước của xứ nầy, liên quan đến một người làm nghề ghe rỗi. - Hồi xưa bà con ở đây đi câu, giăng lưới, chài hay vó cá đều đem cá tôm bán cho một ông lái làm nghề ghe rỗi, neo ghe ở đầu vàm. Ông lái rỗi mua cá của bà con trong nầy đem bán chợ An Thành, chợ sông Dinh ở Bến Đình. Ông bán rất được vì là cá đồng, cá sông còn tươi chong. Bà con mình gọi ổng là ông lái nên chỗ ông neo ghe gọi là vàm Lái, con rạch nầy là rạch Lái… Năm Nhơn à một tiếng. Ông Tám nói tới đây thì anh hiểu vấn đề. Thằng Cu Lì có nói về cái ngọn, cái gốc nên anh biết tại sao xóm nhà ở đây có tên là xóm Lái Ngọn. Ngọn là điểm cuối của con rạch. Ông Tám nói tiếp: - Hồi chiến tranh, tàu Mỹ ra vô bắn nát xứ nầy. Ông lái bỏ đi. Hòa bình lập lại, tôm cá cũng còn khá nhiều. Mấy năm nay, sông Thị Vải bị mấy cái nhà máy, nhứt là “thằng” Vedan, giết chết. Tôm cá ngoài sông hình như …“tiệt chủng”. Năm Nhơn rùng mình với lời nhận xét của ông Tám. Đúng là như vậy! Nước thải từ các nhà máy bên khu công nghiệp đổ vào sông Thị Vải làm con sông chết lần chết mòn, hàng chục cây số từ vàm Bà Riêu Lớn đến Suối Cá, nước sông trở màu nâu đen, cây cối bên bờ vàng cháy, héo khô. Người dân nuôi tôm, tôm chết hàng loạt. Các loại sinh vật khác như cá me, cá ngát, cá phèn … sống trong dòng nước ô nhiễm không chết ngay thì cũng lờ đờ, mắc bệnh và có thể đã bị biến dạng thành loại thủy quái dị kỳ? Năm Nhơn nghĩ đến con cá lạ mà Cu Lì vừa vớt lên, phải chăng đó là một con cá từ sông Thị Vải bị nhiễm độc, cố vượt thoát khỏi dòng nước hôi tanh và trong thời gian vượt thoát, nó đã biến dạng? Bà Tám dọn cháo cá lên, nói chỉ làm hai con cá lóc, con cá kia còn rọng. Cu Lì kê bàn ngoài hàng ba. Ông Tám và Năm Nhơn vừa ăn cháo, uống rượu vừa nói chuyện về cái chết của dòng sông bằng sự bức xúc có giới hạn của một người dân, của một chủ tịch xã. Chuyện con sông đang chết, các cấp chánh quyền đã ra sức ngăn chận, các nhà khoa học
  4. đã khảo sát, xác định nước thải từ các nhà máy đã làm sông ô nhiễm. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng nước sông vẫn dơ, ngày càng dơ, tôm cá chết sạch và các vùng đất lân cận đang dần bị ô nhiểm. Uống rượu, ăn cháo xong, Năm Nhơn xin phép ông Tám cho nghỉ vì anh thấy mệt. Ông Tám không ép, ngồi uống rượu một mình. Cu Lì giăng võng cho Năm Nhơn nằm nghỉ. Ngoài rạch gió thổi mạnh, lao xao tàu dừa báo hiệu nước lớn. Nước lớn có thể sẽ đẩy phần nước ô nhiễm trên mặt sông Thị Vải lùi vào bên trong nhưng không thể đẩy được các chất tạp nham từ lâu đã lắng sâu xuống đáy. *** - Chuyện anh biết là… một thôi! Ăn thua gì …– Cô gái nói với Năm Nhơn bằng giọng khàn khàn khi rót rượu vào ly mời anh. Ông Tám thấy Năm Nhơn uống nhiều nên cản: - Để tía uống. Hồi nảy mầy nói mệt mà. À cháu nè! – Ông Tám day sang cô gái, hỏi- Nhà cháu gần đây không? Bác thấy cháu không được quen … ờ mà … hình như cháu cũng không được khỏe. Con mắt cháu sao đỏ lòm vậy? Cô gái bưng ly rượu vừa rót, thay vì mời anh Năm, thì mời ông Tám: - Cháu mời bác. Nhà cháu trên vàm Bà Riêu Lớn, gần mấy khu công nghiệp. Bác Tám tinh ý quá. Cháu đang bị bệnh ...!
  5. Uống ly rượu cô gái rót hơi lưng, ông Tám khà nhẹ, giựt mình khi nghe cô nói mình đang mắc bệnh. Nhà cô phía trên sông Thị Vải, vàm Bà Riêu Lớn, vậy là ở ngay vùng nhiễm độc của nước thải từ các nhà máy. Cô gái nói như vậy thì nước thải không chỉ làm cho cá tôm mắc bệnh hay chết, mà cả con người…cũng ảnh hưởng? Cô gái dạ rồi nói với Năm Nhơn: - Lúc nảy em nói anh chỉ biết một là chỉ biết nước sông ô nhiễm, chất độc lắn xuống đáy sông; còn điều anh chưa biết là các con rạch, mạch nước ngầm, cây cối, chim chóc, khí trời… của vùng nầy đều nhiễm độc. Sức con người ta không thể nào giải độc được…! Trăm năm nữa cũng vậy thôi! Nghe cô gái nói, Năm Nhơn thấy lòng nặng trĩu. Mình là đại diện chánh quyền xã mà dân trong xã mùa màng thất bát, cá chết nổi đặc sông do bị nhiễm độc, mình chẳng giúp được gì, cũng chẳng yêu cầu được với cấp có thẩm quyền đòi kẻ “gây án” phải nhận trách nhiệm. Bồi thường mấy trăm triệu chẳng nghĩa lý gì khi môi trường bị hủy diệt. Anh biết tai họa về môi trường là thứ tai họa khủng khiếp nhứt và nó còn kéo dài nhiều năm sau nữa, đến đời con, đời cháu với những di chứng khó lường. - Tôi hỏi điều nầy có khi không phải, cô bỏ qua – Anh Năm Nhơn hỏi dè chừng- Có phải cô bị một chứng bệnh gì đó do nguồn nước sông ô nhiễm gây ra? Cô gái kéo tay áo, chỉ cườm tay có nhiều mận đỏ. Rồi day lưng lại, cô kéo vạt áo lên cho Năm Nhơn nhìn. Ở lưng cô gái, các đốm bệnh đã có màu nâu sậm. Cô rơm rớm nước mắt: - Em mất ba ngày, ba đêm … mới ra tới vàm Lái …– Đôi mắt cô gái bổng đỏ rực như hai hòn than cháy. Cô có vẻ mệt, ngừng nói lấy hơi - Hôm qua …nước lớn, em… vào trong ngọn. Ông Tám rót rượu mà lòng bán tín bán nghi. Để ly rượu đó, ông đứng dậy bước lẹ ra sàn nước nhà mình. Vài phút sau, ông Tám trở lại thì cô gái đã bỏ đi. Ông dòm quanh tìm kiếm chỉ thấy Năm Nhơn nằm ngủ trên võng. Ông lắc vai Năm Nhơn kêu:
  6. - Mới đó ngủ rồi! Năm Nhơn, con nhỏ có ghẻ đâu rồi? Anh Năm tỉnh giấc, ngơ ngác: - Tía nói ai? - Con nhỏ mới ngồi đây, mới rót rượu cho tao với mầy chớ ai? Nó bỏ đi đâu rồi? – Ông Tám nói một hơi lòng đầy nghi hoặc. Năm Nhơn ngồi dậy, dụi mắt: - Con nằm chút xíu mà ngủ quên, mơ mơ màng màng thấy con cá mình mẩy ghẻ chóc, gớm lắm tía! Ông Tám sững sờ: - Thôi tía biết rồi. Con nhỏ hồi nảy… Con cá lạ là… Thằng Cu Lì nghe tiếng ông nội vội chạy ra. Nghe ông Tám nói tới con cá lạ, nó thưa liền: - Bà nội kêu con thả nó, con thả xuống rạch rồi. Hai con mắt nó đỏ lòm hà nội! Xế chiều, Cu Lì đưa Năm Nhơn về xã. Nó bơi xuồng lẹ hơn lúc vô, mắt dáo dát nhìn xuống rạch, lòng bất an. Năm Nhơn nhìn mặt nước có nơi sủi tăm, có nơi đục ngầu nhiều rác rưởi bằng ánh mắt buồn. Con cá lạ bây giờ ở đâu? Nó sống được bao lâu với những biến chứng lạ kỳ, trong vùng nước yên bình ngày càng thu hẹp? Vũng Tàu, 12.2012
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2