Đặc trưng dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam với công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển
lượt xem 5
download
Trong bài viết này, làm rõ những đặc trưng dấu ấn biển (trong đó văn hóa các tộc người ở vùng biển cận duyên và những giá trị, ý nghĩa của nó tác động rất lớn đến công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam), đồng thời khẳng định tầm quan trọng và những tính chất của đặc trưng biển trong văn hóa Việt Nam đối với quá trình phát triển bền vững kinh tế biển hiện nay.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Đặc trưng dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam với công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển
- ĐẶC TRƯNG DẤU ẤN BIỂN TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM VỚI CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN Nguyễn Minh Giang*1 Tóm tắt: Biển đã và đang tồn tại nhiều dấu ấn khác nhau trong văn hóa các tộc người ven biển cận duyên Việt Nam, đặc biệt là các tộc người Nam Đảo và cả người Kinh, Hoa, Khmer, Ngái sau khi giao lưu, cộng cư lâu dài với các cộng đồng người Nam Đảo ở ven biển từ Đông Bắc Việt Nam đến Nam Việt Nam. Dấu ấn biển thể hiện rõ nét trong hầu hết các thành tố của văn hóa Việt Nam, bao gồm các dạng thức văn hóa cư trú, văn hóa trang phục, văn hóa ẩm thực và văn hóa tín ngưỡng. Trong bài viết này, chúng tôi làm rõ những đặc trưng dấu ấn biển (trong đó văn hóa các tộc người ở vùng biển cận duyên và những giá trị, ý nghĩa của nó tác động rất lớn đến công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam), đồng thời khẳng định tầm quan trọng và những tính chất của đặc trưng biển trong văn hóa Việt Nam đối với quá trình phát triển bền vững kinh tế biển hiện nay. Từ khóa: văn hóa, văn hóa biển, văn hóa Việt Nam. CHARACTERISTICS OF SEA FACTOR IN VIETNAMESE CULTURE AND ITS VALUES TO THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF MARINE ECONOMY Abstract: Sea has got along with the Vietnamese ethnical cultures, especially the Malayo ethnic groups, and also the Kinh, the Hoa, the Khmer, the Ngai since the long-term ethnical exchanges with the Malayo ethnic groups. The sea factor is shown in most fields of Vietnamese traditional culture, including resident culture, costume culture, culinary culture, and religious culture. This article specifically clarifies the characteristics of those imprints of the sea in the Vietnamese ethnical cultures, its values, and its meanings toward the sustainable development of the marine economy in Vietnam. Thereby, this article affirms the roles and characteristics of the sea imprint in Vietnamese culture toward the sustainable development of the marine economy nowadays.. Keywords: sea, culture, marine culture, Vietnamese culture. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Lãnh thổ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền toàn vẹn luôn gắn liền với không gian biển đảo, vùng đất và vùng trời. Vì vậy, bảo vệ biển đảo cũng là bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn của chủ quyền quốc gia, đặc biệt là một quốc gia có lợi ích gắn với nhiều điều kiện địa hình, địa mạo, địa lý nhân văn đa dạng, phong phú như Việt Nam. Từ buổi * Học viên cao học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
- ĐỊA LÍ VĂN HÓA 237 bình minh của lịch sử dân tộc, cư dân nông nghiệp thời nguyên thủy ở Việt Nam đã biết khai thác nguồn tài nguyên biển, tận dụng và thích nghi, đối phó với biển bằng nhiều cách cải tạo tự nhiên. Quá trình chinh phục môi trường biển đó đã tạo nên dấu ấn văn hóa biển sâu sắc được sinh thành và nuôi dưỡng bởi cơ sở kinh tế, sản xuất gắn liền với vùng biển rộng lớn, trọn vẹn bờ biển phía Đông của bán đảo Đông Dương (Đinh Thị Hương Giang, 2020). Sự đa dạng, phong phú nguồn tài nguyên biển giữa các vùng văn hóa tạo ra những tiềm năng to lớn khác nhau cho các cộng đồng cư dân khác nhau ở các vùng miền của Việt Nam (Hoàng Văn Khải, 2020). Trong quá trình cộng cư lâu dài với người Chăm và các tộc người Nam Đảo ở miền Trung Việt Nam, các cộng đồng cư dân Việt đã tiếp thu và kế thừa một hệ thống lối sống, tín ngưỡng và thiết chế văn hóa mang đậm dấu biển. Đó là hệ giá trị văn hóa mang lại ấm no, hạnh phúc cho các cộng đồng cư dân Việt Nam, là một trong những tiêu chí cốt lõi để đánh giá sự phát triển bền vững của một mô hình kinh tế (Nguyễn Ngọc Hòa, 2020). Vì vậy, việc phân tích và làm rõ những dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam để thấy rõ hơn những giá trị có thể khai thác được cho công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam đã đưa ra và đi vào hiện thực hóa chiến lược quốc gia về biển từ năm 2007 đến nay. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đặc biệt phân tích những dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam được thể hiện trên các lĩnh vực văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa tín ngưỡng và văn học dân gian của các tộc người còn lưu giữ đặc trưng sắc thái “biển cận duyên” trong văn hóa tộc người đó, bao gồm cư dân ở Đông Bắc Việt Nam, cư dân thuộc nhóm Nam Đảo hay Mã Lai Đa Đảo (người Raglai, người J’rai, người Ê-đê, người Chăm ở miền Trung Việt Nam từ tiểu vùng văn hóa xứ Huế đến tiểu vùng văn hóa đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ), người Khmer, người Việt (Kinh) và người Hoa ở tiểu vùng văn hóa Nam Bộ. Thông qua các kết quả rút ra được từ nội dung phân tích, chúng tôi mong muốn góp phần chứng minh những đặc trưng cơ bản, vai trò và giá trị quan trọng nhất của những dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam đối với công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay. 2. CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài bài viết sử dụng dữ liệu thứ cấp từ các công trình công bố của các tác giả trong nước về văn hoá biển truyền thống Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá vùng, văn hoá dân gian, văn hoá tộc người… đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, các luận văn, luận án đã được thực hiện tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM giai đoạn 2006 - 2019. Bằng phương pháp phân tích - tổng hợp tài liệu, bài viết còn kế thừa các thành tựu nghiên cứu của các khoa học liên quan đến nội dung của đề tài như Dân tộc học, Sử học,
- 238 KHOA HỌC ĐỊA LÍ NHÂN VĂN VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN Văn học, Văn hóa học, Khu vực học. Phương pháp lịch sử - logic được bài viết sử dụng để phân tích dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam trên các lĩnh vực thuộc văn hóa các tộc người ở Việt Nam trong lịch sử từ thời nguyên thủy đến thời hiện đại (thế kỷ XXI), cũng như trong mối quan hệ biện chứng giữa hình thái cư trú - môi trường biển - trang phục truyền thống, giữa hình thái tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống - môi trường biển - kho tàng tri thức văn hóa - văn học dân gian. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Dấu ấn biển trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt Nam Trong quan hệ ảnh hưởng biện chứng giữa môi trường tự nhiên và con người, môi trường tự nhiên không hoàn toàn quyết định các hoạt động của cộng đồng cư dân sinh sống tại đó. Điều kiện địa lý tự nhiên chỉ góp phần xác định rõ hơn những cơ hội, nhu cầu của con người (Đinh Thị Dung, 2008). Ở Việt Nam, qua những bằng chứng về sự hình thành nghề đi biển, nghề làm muối, kĩ thuật đóng ghe bầu vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, quá trình trao đổi buôn bán bằng đường biển với nước ngoài và các lễ hội truyền thống của ngư dân ven biển, cho thấy con người đã mưu sinh gắn liền với môi trường biển cận duyên từ giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh, Hạ Long, Bàu Tró, Đông Sơn (Nguyễn Thị Thanh Thủy, 2020). Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ văn hóa biển với nội hàm là hệ giá trị do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình tồn tại lấy biển làm nguồn sống chính. Đất gieo trồng không đủ nuôi sống tuyệt đại đa số chủ thể sống ở vùng đất ven biển, nên cuộc sống của họ phải mang tính bán ngư - bán nông; chủ thể của văn hóa biển đó phải là một lực lượng quan trọng góp nên truyền thống văn hóa biển trong tâm thức chung của cộng đồng để biển chi phối ít nhất một nửa số hoạt động và suy nghĩ trong mọi lĩnh vực của cộng đồng hoặc biển phải chi phối toàn bộ suy nghĩ và hoạt động trong mọi lĩnh vực của một nửa số cư dân trong cộng đồng là chủ thể của văn hóa biển đó (Trần Ngọc Thêm, 2012). Khởi nguyên người Việt là những cư dân lấn biển, khai thác biển nên chất biển trong văn hóa Việt luôn hiện hữu. Biển gắn bó không ngừng với đời sống văn hóa của người Việt từ trong lịch sử đến hiện tại. Khoảng 10.000 năm trước, vào thời kỳ đồ đá giữa, cư dân Mongoloid từ Tây Tạng đã thiên di đến vùng phía Bắc Đông Dương, hỗn hôn với cư dân Melanesien bản địa tạo ra chủng Indonesien là tổ tiên của các dân tộc thuộc nhóm Mã Lai Đa đảo (Nam Đảo) (Trần Ngọc Thêm, 1996, tr.55). Cơ tầng văn hóa biển đã được xây đắp từ thời lập quốc trong những câu chuyện dân gian của quá trình hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc. Từ huyền thoại về thời lập quốc đến những ghi chép được tích lũy qua các thời đại đã tạo nên ý thức sâu sắc về biển, tư duy hướng biển và cho thấy người Việt đã sớm gần gũi với biển, chinh phục biển, làm chủ biển khơi (Nguyễn Văn Kim, 2011, tr.33). Giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới, đồng bằng châu thổ Bắc Bộ vẫn chưa được định hình hoàn chỉnh, làng chài Cái Bèo (Cát Bà, Hải Phòng) là nơi người Việt cổ đã sinh sống và
- ĐỊA LÍ VĂN HÓA 239 khai thác động vật biển từ khoảng 5.600 năm trước Công nguyên. Họ đã từng bước khai thác nguồn lợi sinh vật biển, để lại nhiều bằng chứng khảo cổ học như hàng tạ xương cá biển sống xa bờ, thuyền mảng và lưới vó. Trong khi đó, tại khu vực đồng bằng duyên hải Thanh Hóa, người Việt cổ đã bắt đầu hoạt động đánh cá, bắt sò điệp bằng chì lưới và duy trì kĩ thuật chế tác đồ đá và đồ gốm. Họ để lại nhiều cồn chứa vỏ sò điệp, xương và vỏ giáp xác động vật nhỏ. Như vậy, người Việt cổ đã triển khai đánh cá ven và xa bờ, khai thác sò điệp thuộc đới ven bờ từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh (Nguyễn Khắc Sử, 1999, tr. 6-8). Ngoài ra, người Việt cổ còn làm nghề đóng thuyền bao gồm cả thuyền chiến, thuyền buôn và thuyền biển phục vụ cho hoạt động sinh sống và khai thác tài nguyên ven biển1 (Eberhard, 1968, tr.397). Dải đất văn hóa chạy dài ven biển Nam Trung Bộ từ duyên hải Phú Yên đến Bình Thuận “là khu vực khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, nên con người ở đây đặc biệt cần cù. Họ thạo nghề biển, bữa ăn của con người vùng này cũng giàu chất biển” (Trần Ngọc Thêm, 1996, tr.62). “Người Việt cùng với người Chăm, Raglai, J’rai, Ch’ru là những tộc người mà văn hóa của họ đã góp phần tạo nên các sắc thái văn hóa vùng Nam Trung Bộ” (Ngô Đức Thịnh, 2004, tr.235). Yếu tố biển trong văn hóa Nam Trung Bộ còn lưu giữ trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, dân ca, văn học dân gian của họ, trong thế giới quan tự nhiên đã từng chiếm vị trí cao trong các trò chơi, trong phần hội của các nghi lễ vòng đời, những tập quán, nghi thức tế lễ (Trần Kiêm Hoàng, 2009, tr.40). Cư dân các dân tộc thuộc nhóm Nam Đảo đã không còn phổ biến truyền thống đi biển như trước kia. Tuy nhiên, họ vẫn lưu giữ dấu vết văn hóa nguyên thủy có yếu tố biển sâu đậm trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Người Kinh vẫn tiếp tục khai thác biển trong quá trình Nam tiến suốt nửa thiên niên kỷ trở lại đây và đã góp phần duy trì truyền thống văn hóa biển mà họ đã học hỏi, tiếp thu được trong quá trình trao đổi kinh tế, giao lưu tộc người (Ngô Đức Thịnh, 2004, tr.7). Từ cuối thời đá mới đến đầu thời kim khí, vùng duyên hải phía Bắc - miền Trung và Nam Bộ của Việt Nam đã đồng thời xuất hiện những trung tâm văn hóa biển có mối liên hệ chặt chẽ với các nền văn hóa khác ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á hải đảo, Tây Nam Á… Vùng biển của người Việt cũng đã trở thành nơi giao lưu sản vật giữa các nền văn hóa khu vực (Nguyễn Văn Kim, 2011, tr.43). Sự gia tăng giao thương khu vực đã đem lại sự phong phú sức sống cho cư dân Việt cổ, hình thành nên “đường viền văn hóa biển mang đậm yếu tố Nam Đảo” là một trong những cội nguồn của văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vượng, 2003, tr.20). Từ quá trình định cư ven biển, trên những cánh đồng vươn ra biển cận duyên, môi trường sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt dần bị lớp giao lưu văn 1 Theo các cuốn của Trang Tử và Mặc Địch, Ngô và Việt là hai nước có trình độ đóng thuyền cao nhất, cả thuyền chiến và thuyền buôn, thuyền biển. Cả hai đều là những tộc người Bách Việt. Người Tanka đến nay vẫn chuyên sống bằng nghề sông nước ở miền Nam Trung Hoa cũng là một trong những tộc Bách Việt chưa bị Hán hóa.
- 240 KHOA HỌC ĐỊA LÍ NHÂN VĂN VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN hóa với phương Bắc trọng động, cực đoan che phủ, đến khi tiếp xúc với người Chăm, nó đã được đánh thức cội nguồn cơ tầng bản địa văn hóa biển Đông Nam Á trong tiềm thức người Việt. “Cách giải quyết các thách thức trong quá trình Nam tiến của người Việt di cư đã khiến họ bỏ lại đằng xa cái quá khứ bị khuất lấp bởi vỏ bọc Nho giáo để trở lại với cơ tầng văn hóa bản địa gốc Đông Nam Á của họ” (Li Tana, 1999, tr.217). Yếu tố biển giữ vai trò chủ đạo trong cơ tầng hình thành và phát triển văn hóa biển Việt Nam. Người Việt Nam đã đối diện với núi rừng, rồi vươn ra đại dương, nếm trải và thấu hiểu sức mạnh cũng như năng lực tiềm ẩn của biển. Môi trường biển và văn hóa biển không chỉ là nhân tố cấu thành mà còn là nhân tố nuôi dưỡng, là động lực phát triển mạnh mẽ văn hóa Việt Nam trong quá trình giao lưu - tiếp xúc với khu vực và thế giới, thực hiện ước vọng về một vị thế quốc gia biển mang tên Việt Nam (Nguyễn Duy Dũng & Dương Văn Huy, 2016, tr.22). Nhờ khí hậu hải dương thuận lợi cho sự phát triển các loài thực vật, biển đã góp phần làm nên một trong hai đặc tính ưu trội không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam (Trần Quốc Vượng, 2003, tr.35). Mô hình bữa ăn truyền thống Việt Nam “cơm - cá” là một bản sắc thể hiện nguồn lương thực tạo ra nó, phương thức chế biến và cả phong vị, thói quen trong ăn uống của người Việt Nam. Nhiều câu tục ngữ, ca dao đặc biệt đề cao vai trò của cá trong bữa ăn như: “Ngon cá để vạ cho cơm”, “Con cá đánh ngã bát cơm”, “Đắt cá hơn rẻ thịt”, “Cơm với cá như mạ với con” (Ngô Đức Thịnh, 2004, tr.135). “Vùng Nghệ - Tĩnh đường bờ biển ưỡn cong lồi ra phía biển, đến Phan Rang - Phan Thiết, luồng cá biển chạy gần bờ nên mặn mòi chất biển, mắm trở thành thành tố hữu cơ hàng ngày trong văn hóa ẩm thực” (Trần Quốc Vượng, 2003, tr.403). Vì vậy, trong cơ cấu bữa ăn của người Việt ở Trung Bộ, sản phẩm từ cá biển chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong bữa ăn, không giống như sản phẩm cá nước ngọt chiếm vị trí chủ yếu ở bữa ăn Bắc Bộ. Các làng ngư nghiệp làm nghề đánh cá khá đậm nét và thuần nhất, việc khai thác thủy sản cũng vượt trội hơn so với nông nghiệp. Nước mắm được sử dụng phổ biến ở Trung Bộ, không giống như nước tương vốn là sản phẩm từ trồng trọt được sử dụng phổ biến ở Bắc Bộ (Nguyễn Thị Hải Lê, 2010, tr.41-42). Cơ cấu bữa ăn của người Việt ở Nam Bộ lại được ưu đãi với tôm, cua, cá đồng là các món từ thủy sản quan trọng, không thể thiếu. Các món ăn được chế biến đa dạng, phong phú, bộc lộ niềm vui của con người trước thiên nhiên no đủ: “Cá đồng, cá biển, cá sông / Ốc, đuông, ba khía, chim cùng tôm cua” hay “Đạo nào bằng đạo đi buôn / Xuống biển, lên nguồn, gạo chợ, nước sông”. Người Việt Nam còn sử dụng rượu gạo ngâm với rắn biển, cá ngựa, bào ngư, hải sâm để bồi bổ sức khỏe, yến sào để trị động kinh, đau dạ dày, lao phổi, phục hồi sức khỏe người mới ốm dậy, các loại gia vị cay để khử chất tanh trong cá biển và các loại cá cơm, cá thu, cá nục để sản xuất nước mắm vừa giàu dinh dưỡng, đậm hương sắc, vừa cung cấp nhiệt năng, kích thích chất đạm thực vật trong cơm và rau (Nguyễn Thị Hải Lê, 2010, tr.49-51). Cá thu, cá chim, mực ống và cá ngừ đại dương cũng là nguyên liệu chính để
- ĐỊA LÍ VĂN HÓA 241 chế biến món ăn trong bữa cơm những gia đình ngư dân Lộ Diêu (Bình Định) (Nguyễn Quốc Trung, 2018, tr.81). Với môi trường sống và sinh tồn là biển, chịu sự chi phối những tặng phẩm của biển đã ban cho con người, nguồn hải sản dồi dào nên ẩm thực của người Việt ở đảo Phú Quý mang đặc trưng tính biển sâu sắc. Các loại hải sản tươi và hải sản khô vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng như cá thu, cá ngừ, cá mú, cá nục, cá hồng, cá mối, cá bớp, cá bống, cá cơm cũng là thực phẩm sử dụng trong các bữa ăn thường ngày của người Việt ở đảo Phú Quý (Đỗ Hồng Phương, 2019, tr.37-38, 42-43). Về trang phục, cư dân Việt cổ ở giai đoạn văn hóa Hòa Bình đã chuộng đồ trang sức được làm từ vỏ nhuyễn thể biển như vỏ sò, vỏ ốc phân bố dọc miền duyên hải từ Đài Loan đến Trung Bộ Việt Nam (Trịnh Sinh - Nguyễn Văn Huyên, 2001, tr.126-127). Trong các công trình nghiên cứu văn hóa Nam Đảo của Liên Xô, trang phục của những người đi biển và đánh bắt cá được nhận định là mặc áo choàng dài, quấn tấm choàng quanh người, hoặc dùng vải che bằng vỏ cây (Ngô Đức Thịnh, 2006, tr.576). Dấu ấn đó vẫn còn tồn tại trong trang phục váy truyền thống của người Raglai là một tấm vải lớn được quấn quanh người và giắt một mũi bên hông. Màu nền trang phục của người Raglai thường là đen hoặc xanh nước biển đậm, không phải màu xanh lá cây rừng (Trần Kiêm Hoàng, 2009, tr.90). Bên cạnh việc mang yếu tố biển, hoa văn sọc ngang như hồi quang về các con sóng biển cuồn cuộn hoặc êm đềm còn mang nghĩa băng qua, lội qua, lặn qua trong ngôn ngữ Raglai. Các loại hoa văn này cũng được gặp ở những vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người phụ nữ như cái sàng sảy, cái gùi, túi ví (Trần Kiêm Hoàng, 2009, tr.91), “Hoa văn chủ yếu là hình sao, tam giác, hình sóng nước, chữ thập, dấu nhân… nối nhau” (Sakaya, 2003, tr.66). Do sống trong môi trường biển cả, các phương tiện vận chuyển trên biển như thuyền và thúng rất quan trọng trong đời sống ngư dân Lộ Diêu (Bình Định). Thuyền nan và thuyền thúng là hai phương tiện được sử dụng nhiều nhất trong đời sống của họ. Khi đánh bắt xong, ngư dân từ thuyền nan mang hải sản qua đèo Lộ Diêu ra trung tâm xã để trao đổi, buôn bán. Họ cũng có thể trực tiếp đi thuyền ra bến bán hải sản ngay trong ngày. Ngư dân Lộ Diêu còn sử dụng thuyền nan để đi công việc, lễ hội ở các nơi khác. Chỉ đến khi con đường bê tông dọc theo trung tâm xã được xây dựng, số lượng xe đạp, xe máy mới có thể gia tăng nhanh chóng, sử dụng được ở đây (Nguyễn Quốc Trung, 2018, tr.86). Để tận dụng lợi thế của tự nhiên, dễ dàng cho ghe tàu neo đậu và các hoạt động của nghề biển, đa phần nhà cửa người Việt ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) lại phân bố dọc ven biển, nên ngôi nhà phải xây sát vào nhau thật kiên cố để chống gió ứng phó với điều kiện bất lợi của tự nhiên. Các nhà đều có tường thành cao xung quanh bằng bê tông để tránh gió từ biển thổi thẳng vào nhà. Để tận dụng nguồn vật liệu sẵn có, những ngôi nhà gần bờ biển (Đỗ Hồng Phương, 2019, tr.45-46). Về tôn giáo - tín ngưỡng dân gian, thời Lý - Trần, Việt điện U linh tập và Lĩnh Nam chích quái đã cho thấy lờ mờ dáng hình vị thần đá, thần sông, thần biển trong tột cùng
- 242 KHOA HỌC ĐỊA LÍ NHÂN VĂN VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN ẩn kín của các sự kiện được trình bày qua ngôn từ hoa mỹ. Những lớp đất văn hóa trong các sách ấy đã cho thấy những tầng lớp thời gian cụ thể, trong vùng đất độc lập thu hẹp tác động không nhỏ đến việc sáng tạo ra những vị thần. Bên cạnh đó, những tù binh Champa được Lý Thánh Tông đưa về cũng đã làm đa dạng hóa tình hình dân cư đất nước. Thiên Y A Na được trở thành một vị thần bảo trợ của nước Việt, sau đó lại khoác chiếc áo Mẫu Liễu Hạnh vào các điện phủ chúa đến đầu thế kỷ XIX, thần Po Yan Dari trở thành Bà Banh thì được hưởng cúng tế đến thời nhà Nguyễn. Nhiều vị thủy thần khác cũng đã được ghi chép với hình ảnh khác biệt trong cách hoài thai, sinh ra, cũng như cách thờ cúng. Có thần biến thành Long Vương, có thần nhập thành Tứ vị thánh nương của người Việt, có thần đồng hóa với bà Thiên Hậu hỗ trợ lưu dân đi buôn trên vùng biển cận duyên (Tạ Chí Đại Tường, 1989, tr.8-10). Nhiều di tích đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, mộ thờ cá Ông, Thành hoàng làng, Tứ vị Thánh nương, thần Long Hải, tổ tiên được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn (Nguyễn Thị Việt Hưng, 2016, tr.80-81). Cá Ông hay Ông Nam Hải, Ông Chuông là một loài vật thiêng được ngư dân khắp vùng biển Bắc Bộ đến ven biển Nam Bộ thờ cúng, đó là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm niềm tin của ngư dân lênh đênh trên biển trong gian khó, hiểm nguy. Trong tâm thức của các làng chài, cá Ông chỉ cứu những người ăn ở hiền đức, có duyên với Ông, nên mới có trường hợp ngư dân vẫn bị đắm thuyền dù đã hết lời cầu khấn Ông cứu giúp. Bên cạnh trông thờ phụ thuộc vào Ông, ngư dân cũng chủ động giúp Ông mắc cạn. Đó là hiện thân của phúc thần linh thiêng, nên xác Ông lụy ở đâu sẽ được rước vào bờ mai táng, nó thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa con người với tự nhiên, cũng như triết lý sống hòa hợp với tự nhiên của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Tục thờ cá Ông không chỉ mang đậm tính chất vùng biển, mà còn chứa đựng nhiều giá trị đạo đức quan trọng, thể hiện truyền thống bảo vệ môi trường sinh thái và truyền thống cố kết cộng đồng, tạo ra lễ hội giúp ngư dân tái tạo năng lượng cho ngày lao động mới. Nhìn chung, tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải Nam Trung Bộ là biểu hiện sinh động của đời sống văn hóa gắn liền với biển. Các tín ngưỡng thờ cá Ông, nữ thần Thiên Y A Na, âm hồn không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân mà còn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các bộ xương cá Ông, lăng cá Ông, bảo tàng, bản sắc phong thần Nam Hải, đền, miếu thờ Thiên Y A Na còn là những di sản văn hóa biển rất quý giá về mặt khoa học cần vừa gìn giữ, bảo tồn, vừa phải phát huy (Bùi Đức Mậu, 2020, tr.38-43). 3.2. Các giá trị của dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam đối với công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển Sự đa dạng, phong phú nguồn tài nguyên biển giữa các vùng văn hóa tạo ra những tiềm năng to lớn khác nhau cho các cộng đồng cư dân khác nhau ở các vùng miền của Việt Nam (Hoàng Văn Khải, 2020). Văn hóa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, nó không chỉ chịu tác động của kinh tế là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, mà nó còn chịu sự tác động của các thành tố khác trong kiến trúc thượng tầng như tư tưởng, tôn giáo, pháp luật. “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, tôn giáo, nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở
- ĐỊA LÍ VĂN HÓA 243 kinh tế phát triển. Nhưng tất cả chúng đều tác động lẫn nhau và tác động đến cơ sở kinh tế” (Phạm Duy Đức, 2008, tr.75). Trong khi văn hóa có thể làm cho kinh tế phát triển bền vững, tạo nên khác biệt trong kinh doanh, hoạt động kinh tế cũng mang lớp áo văn hóa đặc trưng riêng của nó. Văn hóa là nền tảng và động lực để xây dựng và phát triển kinh tế, là trụ cột góp phần đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội, tạo nên nền tảng tinh thần phát triển bền vững đất nước (Phạm Duy Đức, 2020, tr.59-62). Quan điểm phát triển kinh tế biển Việt Nam được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có “Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển”. Quan điểm này xác định phát triển bền vững kinh tế biển phải gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của cộng đồng dân cư ven biển, chủ thể trực tiếp tham gia phát triển kinh tế biển bền vững. Các thiết chế văn hóa luôn tương tác với cơ sở kinh tế, đồng thời tác động trở lại tới sự phát triển kinh tế. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay với các cộng đồng cư dân ven biển đang vấp phải thách thức khi va chạm xung đột với các yếu tố văn hóa truyền thống, thuộc về cơ tầng văn hóa bản địa mang đậm tính biển sâu sắc của họ. Một thiết chế kinh tế gọn gàng, linh hoạt vận hành theo mối quan hệ tự do, rộng mở, không quá nhiều ràng buộc khác sẽ là động lực góp phần phát triển văn hóa và kinh tế song hành, cùng tiến tới một mô hình phát triển bền vững đối với cộng đồng. Một mô hình phát triển kinh tế biển bền vững không thể chỉ dựa vào các chỉ số kinh tế, mà còn phụ thuộc vào mức độ cải thiện chất lượng cuộc sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Tăng trưởng kinh tế biển không phải là hằng số duy nhất cho sự nâng cao chất lượng dân sinh của các cộng đồng cư dân ven biển, nó tồn tại song song với các biến số khác, đó là: nền tảng tinh thần của cộng đồng có được phát triển lành mạnh không, tổ chức quản lý xã hội có dân chủ thực sự không và điều kiện giáo dục - đào tạo, đạo đức có được thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi không? Vì vậy, có thể nói, thấu hiểu tường tận yếu tố biển đã ăn sâu đậm trong văn hóa các tộc người ở Việt Nam, đặc biệt là trong văn hóa các cộng đồng cư dân sinh tụ ven vùng biển cận duyên là một trong ba trụ cột quan trọng để mô hình chính sách phát triển kinh tế biển bền vững được hiện thực hóa thành công. Vì vậy, giữ gìn và phát huy dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam sao cho phù hợp, thích nghi với nhu cầu chuyển biến không ngừng theo sự vận động và phát triển của xã hội là mối quan hệ cơ bản cần được giải quyết một cách hài hòa để phát triển bền vững kinh tế biển. Các món ăn mang đậm dấu ấn biển, những ngôi nhà sàn, nhà gươn, nhà dài truyền thống của cư dân vùng biển cận duyên chính là những tài nguyên đắc lực góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế du lịch biển bền vững, từ đó cho thấy lợi thế của vùng biển cận duyên Việt Nam qua hình ảnh là một vùng biển có bề dày lịch sử, giàu sắc thái văn hóa tộc người độc đáo. Không gian đặc sắc này không chỉ là một vùng tham quan du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với hệ sinh thái biển tươi mát, đem lại thu nhập đáng kể góp phần
- 244 KHOA HỌC ĐỊA LÍ NHÂN VĂN VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân sinh sống gắn liền với vùng biển đó, mà còn là một địa chỉ văn hóa - lịch sử quý báu góp phần khuyến khích sự tìm hiểu, nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa biển của các cộng đồng, tộc người sinh sống lâu đời ở vùng biển cận duyên của Tổ quốc, từ đó đảm bảo chức năng giáo dục, kế tục lịch sử của văn hóa nói chung và văn hóa biển Việt Nam nói riêng. Dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam không ngừng vận động và biến đổi theo nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân các tộc người sinh sống gắn liền với môi trường biển. Vì vậy, việc kế thừa và phát huy dấu ấn biển trong văn hóa các tộc người đó cũng phải theo quy luật phát triển xã hội, trên cơ sở không chỉ kế thừa, giữ gìn các giá trị đạo đức - lịch sử - giáo dục của văn hóa biển Việt Nam mà còn phát huy, phát triển có gạn lọc, chắt lọc những giá trị tinh hoa của cộng đồng trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Bản thân giá trị lịch sử, giá trị đạo đức và giá trị giáo dục của những dấu ấn văn hóa biển Việt Nam cũng không ngừng vận động và bị thải bỏ bởi chính cộng đồng đã sản sinh ra nó, do sự thay đổi nhu cầu của cộng đồng đó trong bối cảnh mới, với tầm nhìn mới. Phát triển bền vững kinh tế biển chỉ có thể hiện thực hóa thành công nếu các thiết chế trở thành công cụ hữu hiệu giúp đảm bảo những giá trị tích cực, có lợi cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Các tộc người Nam Đảo (Mã Lai Đa Đảo), người Việt (Kinh), Khmer đều có chung cơ tầng văn hóa bản địa gốc Đông Nam Á (Austroasiatique), nên dù dấu ấn biển trong văn hóa mỗi tộc người có mức độ đậm nhạt khác nhau, thể hiện trên các lĩnh vực khác nhau và cũng gắn liền với bề dày lịch sử không giống nhau, nhưng tính cách văn hóa chung của họ cho thấy văn hóa ứng xử của họ với môi trường biển, cũng như các giá trị chung về văn hóa biển của các tộc người đó để lại, được lưu giữ và kế thừa đều thể hiện một mong muốn đặc trưng là sống hòa hợp với thiên nhiên. Họ là chủ thể sáng tạo dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam, là thành phần chủ yếu trong lực lượng duy trì, chuyển giao tiếp tục những dấu ấn biển đó làm nên bộ phận thành tố không thể thiếu cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam gắn liền với môi trường biển Đông Nam Á. Họ cũng là khách thể chịu tác động rõ rệt nhất, nặng nề nhất và trực tiếp nhất bởi công cuộc phát triển bền vững kinh tế. Do đó, họ không chỉ cần giáo dục, tuyên truyền ý thức giữ gìn dấu ấn biển trong văn hóa tộc người truyền thống của họ cho thế hệ thanh thiếu niên kế tục và phát huy, mà họ còn cần phải được tạo điều kiện thuận lợi để hiểu rằng chính nền văn hóa biển truyền thống của họ là một nguồn tài nguyên vô giá, cần được khai thác hiệu quả để phát huy hết tính độc đáo, sáng tạo, những lợi thế phù hợp trong bối cảnh mới, với tầm nhìn mới phục vụ cho quá trình thực hiện chiến lược biển quốc gia của Việt Nam, cũng chính là phục vụ cho mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của chính họ. Về giá trị lịch sử, dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam để lại nhiều bằng chứng sống động, thiết thực, không thể chối bỏ về lịch sử tận dụng và đối phó với môi trường biển của các tộc người Nam Đảo, người Việt (Kinh), Khmer trong hàng nghìn năm qua,
- ĐỊA LÍ VĂN HÓA 245 bao gồm các đền thờ Quan Âm Nam Hải, Lăng Cá Ông Nam Hải, các đình làng vùng biển cận duyên của đất nước, các lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng, cũng như các bộ trang phục truyền thống của tộc người, các món ăn dân gian được lưu truyền qua các thế hệ, và qua cả các ngôi nhà sàn, nhà rông, nhà gươn, nhà dài, đình làng là những nơi sinh hoạt cộng đồng lưu giữ nhiều dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam sâu sắc nhất. Trong khi đó, với giá trị văn hóa, dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam đã phục vụ thiết thực cho các nhu cầu sinh hoạt thường nhất của cộng đồng cư dân vùng biển cận duyên Việt Nam, từ nhu cầu sinh hoạt vật chất như ăn mặc, cư trú, trang phục, phục sức, cơm no áo ấm, phòng tránh thiên tai đến các nhu cầu sinh hoạt tinh thần như tâm linh, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, kể chuyện, lưu giữ kho tàng tri thức dân gian của cư dân bản địa vùng biển cận duyên về quản trị tài nguyên thiên nhiên, phát triển sản xuất, sinh hoạt kinh tế, quản lý xã hội… Bên cạnh những giá trị đó, dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam còn có giá trị kinh tế, đối với các lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến phát triển bền vững du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh - tôn giáo - tín ngưỡng, đào tạo nghề thủ công - mỹ nghệ truyền thống. Dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam còn mang tính đặc thù, khác biệt với văn hóa biển ở các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy, đây là một lợi thế mà các địa phương ven biển Việt Nam có thể tận dụng để triển khai các sáng kiến khoa học nhằm phát triển bền vững nền kinh tế địa phương, phát huy các đặc trưng vốn có của cộng đồng, quảng bá hình ảnh văn hóa biển Việt Nam sâu rộng hơn đến bạn bè quốc tế. 4. KẾT LUẬN Dấu ấn biển thể hiện tương đối đậm nét trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, gắn liền với ý thức dân tộc về “núi - sông”, “biển - trời” quê hương, với nhiều cội nguồn lịch sử - văn hóa tộc người khác nhau, với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - kinh tế quan trọng. Trong đó, giá trị chủ yếu của dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam có thể được tận dụng để khai thác triệt để, phát huy hiệu quả cho công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển hiện nay là tinh thần thống nhất trong đa dạng, tinh thần tôn trọng tính đặc thù và tính lịch sử của những dấu ấn biển còn được lưu giữ trong văn hóa các tộc người vùng biển cận duyên Việt Nam, tính tổng hợp, tính dung hợp cao, không phát triển biệt lập một cách cực đoan, mà luôn bổ sung và phát triển cho phù hợp với nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Việt. Dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam có giá trị vĩnh cửu, là dấu ấn tư liệu sống, bằng chứng sinh động, không thể chối bỏ cho lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc Việt Nam gắn bó mật thiết với vùng trời và vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Các giá trị lịch sử - văn hóa - kinh tế của dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam có mối quan hệ biện chứng hữu cơ với nhau, chịu ảnh hưởng chi phối bởi nhau và cũng tác động lẫn nhau, cũng như tác động tới sự phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam. Việc thấu hiểu những đặc trưng và giá trị của dấu ấn biển trong văn hóa Việt Nam sẽ góp phần không chỉ nâng cao sức mạnh kinh tế biển của Việt Nam, mà còn củng cố bằng chứng lịch sử - văn hóa sống động về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
- 246 KHOA HỌC ĐỊA LÍ NHÂN VĂN VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Xuân Biên (1998), Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998. 2. Phan Văn Dốp, Phan Xuân Viện (1990), Truyện cổ Raglai, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 3. Đinh Thị Dung (2008), Bài giảng Địa văn hóa và các vùng văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2008. 4. Nguyễn Duy Dũng & Dương Văn Huy (2016), “Văn hóa biển đảo Việt Nam trong cái nhìn tham chiếu với khu vực Đông Nam Á”, Nghiên cứu Văn hóa, số 6/2016, tr.11-23. 5. Phạm Duy Đức (2008), Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008. 6. Phạm Duy Đức (2020), Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020. 7. Eberhard (1968), The local cultures of South and East China, German. 8. Đinh Thị Hương Giang (2021), Bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam hiện nay, Cộng sản, số 6/2021 (968). 9. Quách Thị Hà & Nguyễn Thị Thanh (2021), Phát triển kinh tế biển bền vững ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, số 2/2021. 10. Phan Thị Hiền (2018), Văn hóa biển đảo trong các tác phẩm hội họa của một số họa sĩ Khánh Hòa, Tạp chí Khoa học, Đại học Khánh Hòa, số 02/2018, tr.82-88. 11. Nguyễn Ngọc Hòa (2020), Văn hóa với phát triển kinh tế biển bền vững, Lý luận chính trị, số 12/2020. 12. Trần Kiêm Hoàng (2009), Biển trong văn hóa người Raglai, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2009. 13. Nguyễn Thị Việt Hưng (2016), Nghiên cứu biến đổi văn hóa của cộng đồng cư dân ven biển Hậu Lộc, Thanh Hóa: tiếp cận từ phương diện lý thuyết, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8/2016, tr.75-82. 14. Karl Marx - Engels (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 15. Hoàng Văn Khải (2020), Phát triển kinh tế biển Việt Nam - tiềm năng và thách thức, Cộng sản, số 01/2020. 16. Nguyễn Văn Kim (2011), Người Việt với biển, Nxb. Thế giới, Hà Nội 2011. 17. Nguyễn Thị Hải Lê (2010), Biển trong văn hóa người Việt, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2010. 18. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1999. 19. Bùi Đức Mậu (2020), Tín ngưỡng của cư dân ven biển Nam Trung Bộ, Thông tin Khoa học xã hội, số 10/2020, tr.38-42.
- ĐỊA LÍ VĂN HÓA 247 20. Đỗ Hồng Phương (2019), Yếu tố biển trong đời sống văn hóa của người Việt ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG TP. Hồ Chí Minh ,2019. 21. Sakaya (2003), Nghề thủ công truyền thống của người Raglai ở Ninh Thuận, Dân tộc học, số 126, tr.66. 22. Trịnh Sinh - Nguyễn Văn Huyên (2001), Trang sức của người Việt cổ, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2001. 23. Nguyễn Khắc Sử (1997), Văn hóa biển tiền sử Việt Nam: mô hình và giả thiết, Khảo cổ học, số 3/1997, tr.16-28. 24. Nguyễn Khắc Sử (1999), Yếu tố núi - biển trong thời tiền sử Bắc Việt Nam, Khảo cổ học, số 109, tr.03-17. 25. Nguyễn Khắc Sử (2005), Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005. 26. Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996. 27. Trần Ngọc Thêm (2012), Văn hóa biển đảo và văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa (cái nhìn Nha Trang), Hội Người đi biển Việt Nam, , truy cập ngày 14/07/2021. 28. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004. 29. Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006. 30. Nguyễn Thị Thanh Thúy (2020), Phát huy giá trị văn hóa biển đảo ở Việt Nam, Kinh tế và đời sống, số 9/2020. 31. Nguyễn Quốc Trung (2018), Đời sống văn hóa của cư dân làng chài truyền thống Lộ Diêu (Hoài Nhơn, Bình Định), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2018. 32. Tạ Chí Đại Tường (1989), Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn nghệ. 33. Viện nghiên cứu Đông Nam Á (1996), Biển với người Việt cổ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996. 34. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Chùm ảnh: Lễ hội ma kiểu Việt Nam
13 p | 224 | 21
-
Dân tộc Pù Péo - Tên gọi khác Ka Beo
7 p | 215 | 20
-
Vai trò của người Hoa trong việc hình thành và phát triển các trung tâm thương mại ở Nam Bộ (Thế kỷ XVII-XIX)
12 p | 117 | 13
-
Lễ hội của cư dân biển Bắc Trung Bộ và những giá trị đặc sắc
6 p | 273 | 7
-
Một số biện pháp tu từ trong tiêu đề bài báo tiếng Trung Quốc và tiếng Việt
6 p | 114 | 6
-
Toàn tập Văn kiện Đảng bộ tỉnh Hà Giang (1960-1963) - Tập 2
702 p | 16 | 5
-
Sự biến đổi trong lễ hội Ông Bổn tại Phước An miếu, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
10 p | 7 | 5
-
Sự tồn tại tư tưởng chính trị Hàn Phi trong lịch sử các nhà nước phong kiến phương Đông
11 p | 53 | 5
-
"Đặc sản" Miền Tây Ô
6 p | 90 | 4
-
Tìm hiểu về Địa bạ Thừa Thiên: Phần 1
131 p | 38 | 3
-
Dấu ấn của Edgar Allan Poe trong truyện khoa học giả tưởng của Viết Linh
8 p | 87 | 3
-
Vấn đề cải cách, xây dựng quân đội trong các phong trào duy tân ở Châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan) thời cận đại
4 p | 62 | 3
-
Thành ngữ, cách ngôn trong giáo dục và đào tạo trên bình diện văn hóa, xã hội, ngôn ngữ
9 p | 40 | 2
-
Biển trong truyện kể dân gian Nam Trung Bộ
8 p | 48 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn