intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đánh giá chất lượng nước kênh E, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ bằng chỉ số chất lượng nước năm 2019-2020

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

27
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Đánh giá chất lượng nước kênh E, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ bằng chỉ số chất lượng nước năm 2019-2020 được thực hiện nhằm đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt tại kênh E thông qua chỉ số VN_WQI, cảnh báo đến cơ quan quản lý môi trường địa phương có những giải pháp kịp thời để giảm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cho cộng đồng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đánh giá chất lượng nước kênh E, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ bằng chỉ số chất lượng nước năm 2019-2020

  1. ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG NƯỚC KÊNH E, HUYỆN VĨNH THẠNH, THÀNH PHỐ CẦN THƠ BẰNG CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG NƯỚC NĂM 2019 - 2020 Trần Thị Thanh Tâm, Trần Mỹ Linh, Nguyễn Công Thuận, Nguyễn Võ Châu Ngân Trường Đại học Cần Thơ Tóm tắt Nghiên cứu sử dụng chỉ số VN_WQI để đánh giá chất lượng nước tại kênh E ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân tại khu vực này. Mẫu nước mặt được thu trong hai mùa (mùa mưa, mùa khô) và so sánh kết quả phân tích với QCVN 08-MT:2015/BTNMT, đồng thời tính toán chỉ số VN_WQI để đánh giá chất lượng nguồn nước kênh. Kết quả nghiên cứu cho thấy các thông số DO, TSS, BOD5, COD, NH4+, PO43- đều vượt QCVN-08:2015/BTNMT (cột A2, B1); chỉ riêng các thông số pH, tổng Coliform đạt yêu cầu theo QCVN-08:2015/BTNMT. Chỉ số VN_WQI của các mẫu nước trên kênh E có giá trị dao động từ 68 - 86 cho thấy nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm mức độ nhẹ. Cần quan tâm chất lượng nước đoạn giữa kênh vì đây là vị trí tiếp nhận lượng nước thải lớn từ nhiều nguồn thải khác nhau. Để bảo vệ nguồn nước mặt tại kênh E cần có những biện pháp quản lý tốt các nguồn thải từ các hoạt động sinh hoạt, chăn nuôi. Từ khóa: Chỉ số chất lượng nước VN_WQI; Kênh E; Nước mặt; Ô nhiễm nước mặt. Abstract Applying WQI to evaluate surface water quality - case study on E canal, Vinh Thanh district, Can Tho city This study applied the VN_WQI value to assess the current status of surface water quality at E canal in Thanh An commune, Vinh Thanh district, Can Tho city, improving the living conditions of local community in this area. Surface water samples were collected and analysed in two seasons (rainy season, dry season), the results compared with the national standard of surface water quality QCVN 08-MT:2015/BTNMT, and calculated the VN_WQI values to assess the quality of water sourrce. Research results show that parameters of DO, TSS, BOD5, COD, NH4+, PO43- all exceed the QCVN-08:2015/BTNMT (columns A2, B1); only pH and total Coliform met the requirements according to the QCVN-08:2015/BTNMT. The VN_WQI values of water samples on E canal ranges from 68 to 86 showing that water sourrce is being lightly polluted. It is necessary to pay attention to the water quality in the middle of the canal because this is the location where receives a large amount of wastewater from various sources. In order to protect surface water in E canal, it is necessary to have measures to well manage waste sources from domestic and livestock activities. Keywords: Water quality index VN_WQI; E canal; Surface water; Surface water pollution. 1. Giới thiệu Là một phần của nền văn minh sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cần Thơ có hệ thống sông rạch dày đặc với nguồn tài nguyên nước phong phú, cụ thể gồm nguồn nước mặt do Sông Hậu đem lại, nước ngầm và nước mưa đảm bảo đầy đủ nước ngọt phục vụ đa mục tiêu về sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với áp lực gia tăng dân số, đô thị hóa không kiểm soát, tập quán sinh sống lâu đời và hạn chế về ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã dẫn đến sự suy giảm chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường nước mặt và tài nguyên nước mặt tại thành phố (Tp.) Cần Thơ. Hội thảo Quốc gia 2022 345
  2. Mặc dù là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng tại các huyện của Tp. Cần Thơ vẫn diễn ra các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Kênh E thuộc xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh là kênh dẫn nước từ rạch Cái Sắn phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh tế của người dân ở đây. Dọc theo tuyến kênh E, người dân đã và đang phát triển mạnh mẽ các hoạt động nông nghiệp và các hình thức chăn nuôi khác nhau. Từ đó, các nguồn thải từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất nông nghiệp và các nguồn thải từ các chuồng chăn nuôi gia súc đã đổ ra đã và đang có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước tại đoạn kênh này [1]. Chỉ số chất lượng nước WQI (Water Quality Index) là một chỉ số tổ hợp được tính toán từ các thông số chất lượng nước xác định thông qua một công thức toán học. WQI lần đầu tiên được giới thiệu bởi Viện Vệ sinh quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1965 [2], sau đó nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng chỉ số WQI để đánh giá nhanh chất lượng nước. Tại Việt Nam, từ năm 2010 trở về trước chỉ có một vài nghiên cứu sơ khởi về WQI. Mô hình đưa ra bởi Tôn Thất Lăng [4] áp dụng phương pháp Delphi sử dụng các thông số BOD, TN, DO, SS, pH, Coliform tính WQI cho sông Đồng Nai; Sử dụng các thông số BOD, COD, DO, SS, pH, tổng Coliform tính WQI cho sông Hậu. Nhóm nghiên cứu của Phạm Thị Minh Hạnh [5] chia chỉ số chất lượng nước thành 2 loại là chỉ số chất lượng nước cơ bản IB và chỉ số chất lượng nước tổng hợp IO. Chỉ số IB được tính bởi 8 thông số gồm có COD, BOD5, DO, độ đục, SS, N - NH4+, P - PO4- và tổng Coliform. Đối với chỉ số IO thì ngoài 8 thông số trên còn được tính thêm pH, nhiệt độ, các kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nước nên cung cấp nhiều thông tin hơn cho việc đánh giá chất lượng nước. Gần đây, ở miền Bắc, một nghiên cứu có ngưỡng thời gian khá dài từ 2008 đến 2018 đánh giá chất lượng nước lưu vực Sông Cầu thông qua 22 vị trí thu mẫu [6]. Tính toán chỉ số WQI ghi nhận chất lượng nước lưu vực Sông Cầu đạt tiêu chuẩn tưới trong cả mùa khô và mùa mưa, trong mùa khô chất lượng nước ở thượng nguồn tốt hơn khu vực hạ nguồn. Năm 2018, chỉ số chất lượng nước (WQI) bước đầu được áp dụng để đánh giá chất lượng nước biển vịnh Bắc Bộ và trong số 48 điểm khảo sát có 1 điểm tại khu vực Đông Bắc ở mức chất lượng nước kém, 15 điểm tại khu vực Đông Bắc và vùng biển ven bờ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế ở mức chất lượng nước trung bình, 14 điểm tại khu vực vịnh Bắc Bộ, Đông Bắc và đảo Cồn Cỏ ở mức chất lượng nước tốt, 18 điểm còn lại tại khu vực vịnh Bắc Bộ và đảo Bạch Long Vĩ ở mức chất lượng nước rất tốt [7]. Ở tỉnh Cà Mau, chỉ số chất lượng nước được khảo sát tại 52 điểm từ năm 2017 - 2018, kết quả cho thấy hầu hết các vị trí đều ghi nhận giá trị WQI ô nhiễm nặng và không đạt tiêu chuẩn cấp nước tưới. Năm 2019, Tổng cục Môi trường đã hướng dẫn cập nhật phương pháp tính chỉ số VN_WQI [3] và khuyến khích các địa phương công bố chỉ số này đến cộng đồng. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt tại kênh E thông qua chỉ số VN_WQI, cảnh báo đến cơ quan quản lý môi trường địa phương có những giải pháp kịp thời để giảm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cho cộng đồng. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Đối tượng - địa điểm nghiên cứu Nghiên cứu thực hiện trên đối tượng là môi trường nước mặt và các hộ dân sinh sống dọc theo kênh E tại địa bàn ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ. Địa điểm thu mẫu: Dọc tuyến kênh E, lấy 3 vị trí (đầu M1, giữa M2 và cuối kênh M3). Tần suất thu mẫu: 2 đợt - mùa mưa (Tháng 10/2018) và mùa khô (Tháng 3/2019). 346 Hội thảo Quốc gia 2022
  3. 2.2. Phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Thu thập số liệu sơ cấp Điều tra, khảo sát thực địa tại khu vực nghiên cứu về nguồn nước, nguồn thải. - Chọn ngẫu nhiên 50 hộ dân sống dọc theo hai bên kênh E để khảo sát và phỏng vấn bằng bảng hỏi soạn sẵn. - Lấy mẫu nước trên kênh E phân tích các thông số đánh giá chất lượng nước: Nhiệt độ, pH, DO, TSS, BOD5, COD, N - NH4+, P - PO43-, tổng Coliform. Các phương pháp thu mẫu, trữ và di chuyển mẫu, phân tích mẫu tuân theo các tiêu chuẩn hiện hành. Hình 1: Vị trí khu vực nghiên cứu Hình 2: Ô nhiễm trên tuyến kênh thu mẫu Bảng 1. Vị trí thu mẫu nước mặt trên kênh E Vị trí Tọa độ (X, Y) Mô tả 10°10’12.0”N, Ở đầu kênh, tiếp giáp rạch Cái Sắn. Nước có màu xanh, có mùi hôi nhẹ. M1 105°20’06.7”E Xung quanh có lục bình. Ở giữa kênh, cách vị trí M1 khoảng 3 km. 10°11’22.6”N, M2 Nước có màu xanh đục, có mùi hôi tanh. Xung quanh có nhiều lục bình. Ở vị 105°19’06.6”E trí lấy mẫu nước này xung quanh có bóng cây. Ở cuối kênh, cách vị trí M2 khoảng 3 km, tại đây là ngã tư nơi tiếp giáp với 10°12’33.5”N, M3 một kênh nhỏ dẫn nước vào nội đồng. 105°18’11.9”E Nước có màu xám, có mùi hôi tanh. Xung quanh có lục bình. Hội thảo Quốc gia 2022 347
  4. Kết quả phân tích của các mẫu nước được so sánh giữa hai đợt thu mẫu và với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT [8]; Sử dụng giá trị cột A2 (dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp hoặc các mục đích sử dụng khác như loại B1 và B2; Giá trị cột B1 (dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự). Bảng 2. Phương pháp phân tích mẫu nước Chỉ tiêu Phương pháp pH Đo trực tiếp bằng máy đo HI98127 (TCVN 6492:2011) Nhiệt độ DO Phương pháp Iod (TCVN 7324:2004) TSS Phương pháp lọc và xác định trọng lượng (TCVN 6625:2000) BOD5 (20 oC) Phương pháp Winkler cải tiến (TCVN 6001-2:2008) COD Phương pháp Dicromate đun kín (TCVN 6491:1999) N - NH4+ Phương pháp chưng cất và chuẩn độ (TCVN 5988:1995) P - PO43- Phương pháp đo phổ (TCVN 6202:2008) Tổng Coliform Phương pháp nhiều ống (TCVN 6187-2:1996) 2.2.2. Tính toán giá trị VN_WQI Nghiên cứu này tính toán giá trị VN_WQI theo hướng dẫn của Quyết định số 1460/QĐ- TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng cục Môi trường. Theo đó, các thông số sử dụng để tính giá trị VN_WQI trong nghiên cứu này gồm 03 nhóm, bao gồm: - Nhóm I: Thông số pH. - Nhóm IV (thông số hữu cơ và dinh dưỡng): Gồm các thông số DO, BOD5, COD, N - NH4, P - PO4. - Nhóm V (thông số vi sinh): Thông số tổng Coliform. Với 3 nhóm thông số đo đạc đã thỏa để tính toán chỉ số VN_WQI vì theo yêu cầu cần có tối thiểu 3/5 nhóm thông số, trong đó bắt buộc phải có nhóm IV. Riêng nhóm II (thông số thuốc bảo vệ thực vật) và nhóm III (thông số kim loại nặng) không có số liệu đo đạc. Chỉ số chất lượng nước được tính theo thang điểm (khoảng giá trị VN_WQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để đánh giá chất lượng nước đáp ứng cho nhu cầu sử dụng. Bảng 3. Thang đánh giá chất lượng nước [3] Khoảng giá trị Chất lượng Phù hợp với mục đích sử dụng Màu sắc VN_WQI nước 91 - 100 Rất tốt Sử dụng tốt cho cấp nước sinh hoạt Xanh nước biển Sử dụng cho cấp nước sinh hoạt nhưng cần các 76 - 90 Tốt Xanh lá cây biện pháp xử lý phù hợp Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục 51 - 75 Trung bình Vàng đích tương đương khác Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích 26 - 50 Xấu Da cam tương đương khác Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý 10 - 25 Kém Đỏ trong tương lai Ô nhiễm Nước nhiễm độc, cần có biện pháp khắc phục, < 10 Nâu rất nặng xử lý 348 Hội thảo Quốc gia 2022
  5. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Kết quả khảo sát hộ dân 3.1.1. Hiện trạng sử dụng nước của người dân khu vực nghiên cứu Kết quả phỏng vấn hộ dân cho thấy trước đây kênh là nguồn cung cấp nước chủ yếu phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, nhưng từ khi nâng cấp đường giao thông thì các hộ dân đều thải chất thải sinh hoạt trực tiếp xuống kênh đã làm cho chất lượng nước kênh ngày càng giảm, có mùi hôi gây khó chịu, làm mất mỹ quan nơi đây. Nguyên nhân là do đường giao thông gần sát với nhà dân nên họ không thể đào rãnh thoát nước ngang đường để dẫn nước thải ra đồng ruộng. Phỏng vấn ngẫu nhiên 50 hộ dân sống cặp hai bên bờ kênh E cho thấy hiện nay người dân sử dụng nước cho ăn uống chủ yếu là nước máy chiếm 61 %; 29 % số hộ sử dụng nước mưa và còn lại 10 % số hộ sử dụng nước giếng cho việc ăn uống. Như vậy không có hộ dân sử dụng nước từ kênh cho nhu cầu ăn uống. Kết quả khảo sát cho thấy số hộ dân sử dụng nước máy cho mục đích sinh hoạt chiếm khoảng 76 %; 16 % hộ sử dụng nước giếng và 8 % hộ dân sử dụng nước mưa cho mục đích sinh hoạt. Phần lớn các hộ dân đều sử dụng nước máy cho mục đích sinh hoạt. Hình 3: Tỉ lệ người dân sử dụng nước cho ăn uống (trái) và cho sinh hoạt (phải) 3.1.2. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân Hình 4: Tình hình xử lí rác thải sinh hoạt (trái) và nước thải sinh hoạt (phải) Số liệu điều tra 50 hộ dân sống dọc tuyến kênh E cho thấy có khoảng 61,2 % hộ dân xử lý rác thải sinh hoạt theo phương pháp đốt; 25,4 % hộ dân vứt rác thải trực tiếp xuống kênh và 13,4 % hộ thu gom rác thải sinh hoạt vào thùng. Ở khu vực này hiện nay chưa có đội ngũ thu gom rác đi đến và đa số người dân sinh sống ở đây đều cho rằng nguồn nước ở kênh E đã ô nhiễm từ lâu và đã không thể được sử dụng nước; thêm vào đó một bộ phận nhỏ người dân thiếu ý thức nghĩ rằng vứt rác xuống kênh vẫn sẽ không gây ảnh hưởng gì. Sự thiếu ý thức này đã và đang gây ô Hội thảo Quốc gia 2022 349
  6. nhiễm môi trường nước bởi chính bản thân của rác và việc thải các chất rắn bất hợp lý vào nguồn nước gây tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nguồn nước và lây lan các dịch bệnh. Việc sử dụng nước cho các mục đích sinh hoạt hàng ngày như tắm, giặt giũ, tẩy rửa,… tùy theo điều kiện từng hộ gia đình mà có những cách xử lý nước thải sinh hoạt khác nhau. Đa số nước thải sinh hoạt được hộ dân đổ trực tiếp xuống kênh chiếm 51 % hộ dân và 49 % hộ dân đổ vào hố thu gom của gia đình. Khảo sát thực tế cho thấy 88 % hộ gia đình có nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sau khi xử lý qua hầm tự hoại tương đối an toàn với môi trường. Vẫn còn 12 % hộ gia đình thải trực tiếp chất thải vệ sinh xuống kênh do các hộ gia đình này ở cặp sát với bờ kênh nên diện tích đất nhỏ, một phần cũng do thiếu ý thức. Lượng chất thải này có nguy cơ gây ô nhiễm cao cho nguồn nước của kênh, đồng thời có khả năng gây ra các dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân ở đây. Khảo sát ngẫu nhiên 50 hộ dân sống ven kênh E có 42 hộ dân chăn nuôi gia súc và 8 hộ không chăn nuôi. Chủ yếu các hộ chăn nuôi heo, trong đó có 47,6 % hộ nuôi dưới 20 con; 42,9 % hộ nuôi từ 20 - 50 con và 9,5 % hộ nuôi trên 50 con. Kết quả phỏng vấn cho thấy có 49,97 % hộ dân xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm ủ biogas; 21,43 % hộ dân chứa chất thải chăn nuôi trong hố đào; 28,6 % hộ dân xả trực tiếp nước thải chăn nuôi xuống kênh không qua xử lý. Chất thải chăn nuôi xả ra kênh có thể làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân do chăn nuôi nhỏ, mang tính tự phát, người dân ít chú ý đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Hình 5: Tình hình xử lý nước thải từ nhà vệ sinh (trái) và nước thải chăn nuôi (phải) Người dân cho biết hiện nay số lượng heo đang suy giảm vì dịch bệnh lây lan diện rộng gây ra chết hàng loạt. Có 86,67 % hộ dân mang heo đi chôn và có 13,33 % hộ dân vứt xác heo chết trực tiếp xuống kênh. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng đến môi trường và gây mất mỹ quan tại kênh E. Bên cạnh đó, có 17 % (19/50 hộ) cho rằng nước thải thuốc BVTV từ đồng ruộng cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm chất lượng nước kênh. Người dân sử dụng nguồn nước ở kênh để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Khi hết mùa vụ, người dân thường bơm nước từ đồng ruộng xả trực tiếp ngược vào kênh, cuốn theo những chất độc hại đối với nguồn nước kênh như thuốc diệt cỏ, phân bón, thuốc đặc trị ốc bươu vàng,… Tuy nhiên, khi phỏng vấn thì có 16 % (8/50 hộ) không quan tâm đến môi trường; 40 % hộ dân thường xuyên quan tâm đến vấn đề môi trường qua đài phát thanh, truyền hình, báo đài,…; Có 44 % hộ gia đình thỉnh thoảng quan tâm về vấn đề này. Tất cả các hộ dân đều mong muốn chất lượng nước kênh được phục hồi như trước nhưng họ không nghĩ rằng sự thiếu ý thức của mình cũng góp phần không nhỏ làm cho nước kênh ngày càng bị ô nhiễm hơn. 350 Hội thảo Quốc gia 2022
  7. Hình 6: Xử lý xác động vật chết Hình 7: Người dân quan tâm đến môi trường 3.2. Đánh giá chất lượng nước mặt tại kênh E Kết quả pH đo được ở đợt 1 cho thấy giữa các vị trí thu mẫu hầu như không có sự biến động, pH dao động từ 7,4 - 7,5, đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/ BTNMT. Trong đợt 2 giá trị pH tương đối thấp hơn ở đợt 1, dao động trong khoảng 6,8 - 7,1. Với nồng độ này so sánh với QCVN đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép. Như vậy có thể đánh giá chất lượng nước ở đây không bị ô nhiễm phèn. Giá trị pH thích hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải qua xử lý. Giá trị DO trong đợt 1 không có sự chênh lệch giữa các vị trí thu mẫu, dao động từ 5,09 - 5,85 mg/L, đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép của cột A2 và B1 của QCVN 08-MT:2015/ BTNMT. Tuy nhiên, ở đợt thu mẫu lần 2, giá trị DO giảm mạnh và dao động từ 1,03 - 1,84 mg/L, thấp hơn giá trị cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A2) từ 2,7 - 4,8 lần. Thậm chí so với cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT thì giá trị DO ở cả ba vị trí thu mẫu đều quá thấp, nguồn nước bị thiếu oxy trầm trọng. Giá trị DO có sự khác biệt giữa các điểm thu mẫu, vị trí M1 và M3 luôn có giá trị DO cao hơn vị trí M2 vì đây là vị trí đầu và cuối kênh, có sự tiếp nhận nguồn nước từ nơi khác đổ vào, cùng với lượng ghe xuồng qua lại nhiều, làm tăng khả năng khuếch tán oxy từ không khí vào nước. Đợt thu mẫu lần 2 trong mùa khô, hàm lượng chất hữu cơ trong nước cao tiêu thụ nhiều oxy trong nước. Giá trị DO quá thấp sẽ làm ảnh hưởng đến các động vật thủy sinh, đồng thời làm ảnh hưởng đến khả năng làm sạch của nguồn nước. Hình 8: Giá trị pH (trái) và DO (phải) ở các vị trí thu mẫu qua hai mùa Giá trị BOD5 trong đợt thu mẫu 1 dao động từ 9 - 11 mg/L hầu như không chênh lệch giữa 3 vị trí thu mẫu. Nếu so với cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT thì các điểm đều vượt mức Hội thảo Quốc gia 2022 351
  8. cho phép (BOB5 = 6 mg/L) từ 1,5 - 1,84 lần. Tuy nhiên khi so với cột B1 thì các mẫu đều đạt yêu cầu (BOD5 = 15 mg/L). Ở đợt thu mẫu thứ 2, giá trị BOD5 có sự chênh lệch lớn giữa các vị trí M1, M3 (6 mg/L, 7 mg/L) với vị trí M2 (15 mg/L); Đồng thời có biến động so với đợt thu mẫu 1, giá trị cao hơn tại vị trí M2 nhưng lại thấp hơn ở hai vị trí M1 và M3. Giá trị BOD5 tại điểm M2 đều cao qua 2 đợt thu mẫu cho thấy tình trạng ô nhiễm hữu cơ cao tại vị trí này. Tương tự, giá trị COD ở đợt 1 dao động từ 14,5 - 15,5 mg/L, đợt 2 dao động từ 12,6 - 35,8 mg/L. So với cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT thì trừ mẫu thu thập vào mùa khô tại vị trí M2, tất cả các mẫu thu còn lại đều có giá trị COD nằm trong khoảng cho phép (COD = 30 mg/L). Hình 9: Giá trị BOD5 và COD ở các vị trí thu mẫu qua hai mùa Giá trị NH4+ ở các vị trí thu mẫu mùa mưa dao động từ 1,24 - 1,92 mg/L, vượt QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 từ 4,1 - 6,4 lần, thậm chí vượt cột B1 từ 1,4 - 2,1 lần. Giá trị NH4+ ở vị trí M3 là cao nhất (1,92 mg/L), đây là điểm nhận nước thải từ các chuồng trại chăn nuôi nhiều nhất. Vị trí M1 có NH4+ thấp nhất (1,24 mg/L); Đây là vị trí tiếp giáp với rạch Cái Sắn nên nước đã bị pha loãng. Đợt thu mẫu mùa khô giá trị NH4+ thấp hơn đợt 1 với giá trị cao nhất là 0,7 mg/L (vị trí M2) và thấp nhất là 0,33 mg/L (vị trí M3). So với cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT thì các giá trị đều vượt mức cho phép từ 1,1 - 2,3 lần, nhưng nếu so với cột B1 thì tất cả các giá trị đều đạt yêu cầu. Ở đợt thu mẫu lần 2, các hộ dân chăn nuôi đã giảm số lượng heo đáng kể vì dịch bệnh có thể là nguyên nhân làm giảm nồng độ NH4+ trong nước kênh. Hình 10: Giá trị NH4+ và PO43- ở các vị trí thu mẫu qua hai mùa 352 Hội thảo Quốc gia 2022
  9. Hình 11: Đồ thị biểu diễn giá trị Coliform ở 3 vị trí thu mẫu qua 2 mùa Giá trị PO43- ở các vị trí thu mẫu mùa mưa dao động từ 0,09 - 0,24 mg/L, so với cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT thì điểm M2 và M3 vượt giới hạn cho phép (PO43- = 0,2 mg/L). Tuy nhiên, khi so với cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT thì tất cả các điểm đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn (PO43- = 0,3 mg/L). Đợt thu mẫu mùa khô có giá trị PO43- dao động khoảng 0,15 - 0,31 mg/L cao hơn đợt 1. Vị trí M2 có giá trị PO43- cao nhất là 0,31 mg/L, vượt cột B1 của quy chuẩn; Các điểm còn lại đều nằm trong giới hạn của cột B1. Điều này có thể là do thu mẫu đợt 1 là vào cuối mùa mưa và thủy triều lên đã pha loãng nồng độ PO43- trong nước. Giá trị PO43- khá cao cho thấy bên cạnh nước thải sinh hoạt có thể còn một lượng dưỡng chất từ các hoạt động canh tác nông nghiệp. Các hộ dân sinh sống ở đoạn giữa kênh có thể bơm tháo nước từ ruộng xả trực tiếp vào kênh cuốn theo một lượng phân bón, thuốc BVTV, thuốc diệt ốc,… Giá trị TSS ở đợt thu mẫu mùa mưa dao động từ 18 - 26 mg/L, nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A2). Tuy nhiên, đến đợt thu mẫu mùa khô giá trị TSS tăng cao hơn mùa mưa và vượt cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT từ 1,43 - 2,08 lần. Nếu so với cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT, mẫu nước thu ở vị trí M3 vượt 1,25 lần, vị trí M1 vượt 1,1 lần, chỉ có vị trí M2 nằm trong khoảng giới hạn của quy chuẩn cho phép. Giá trị TSS tăng cao ở vị trí M1 và M3 có thể do dòng chảy mạnh ở đầu kênh và ghe xuồng lưu thông làm xáo trộn các vật chất lơ lửng trong nước. Ngoài ra tại các vị trí này tiếp nhận một lượng lớn rác thải và nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi từ các hộ dân sống dọc theo tuyến kênh. Tổng Coliform ở đợt lấy mẫu mùa mưa không chênh lệch giữa các vị trí thu mẫu, dao động từ 2100 - 2400 MPN/100 mL. Đợt thu mẫu mùa khô có tổng Coliform thấp hơn mùa mưa dao động từ 930 - 1100 MPN/100 mL. Giá trị Coliform cao nhất là ở điểm M2 và M3 là 1000 MPN/100 mL; Thấp nhất ở M1 là 930 MPN/100 mL. Tổng Coliform qua hai đợt thu mẫu vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. 3.3. Đánh giá chất lượng nước theo chỉ số VN_WQI Kết quả tính toán giá trị VN_WQI được trình bày trong Hình 10. Giá trị VN_WQI càng nhỏ minh họa cho chất lượng nguồn nước càng kém. Ở mùa mưa, giá trị VN_WQI tại ba vị trí thu mẫu dao động từ 76 - 82 và không có sự biến động lớn giữa các điểm thu mẫu. Ở mùa khô, giá trị của VN_WQI nằm trong khoảng dao động từ 68 - 86, có sự biến động lớn. Giá trị VN_WQI cao nhất và thấp nhất của các lần đo không thống nhất, đợt đo mùa mưa cao nhất là M3 và thấp nhất là M2, trong khi đợt đo mùa khô lần lượt là M1 và M2. Theo hướng dẫn phân loại chất lượng nguồn nước của Tổng cục Môi trường, chất lượng nước tại vị trí M1 và M3 trên kênh E qua hai mùa thu mẫu có giá trị VN_WQI màu xanh lá cây, tức là chất lượng nước tốt có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp; riêng vị trí M2 có giá trị VN_WQI màu Hội thảo Quốc gia 2022 353
  10. vàng, chất lượng nước ở mức trung bình chỉ được sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Hình 12: Diễn biến giá trị VN_WQI qua 2 mùa Có thể thấy chất lượng nước tại kênh E vào mùa khô ô nhiễm hơn mùa mưa. Vị trí M2 có giá trị VN_WQI thấp nhất do đây là khu vực tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, rác thải và các chất thải chăn nuôi chưa được xử lý mà xả trực tiếp ra kênh. Bên cạnh đó, tại vị trí M2 là khu vực nhận một lượng nước thải từ kênh nội đồng phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp đổ ra. Điều này không những chỉ có nguy cơ đe dọa đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân sinh sống nơi đây mà còn tác động đến môi trường sống của các động vật thủy sinh. Vì vậy, nếu không có biện pháp kiểm soát, khắc phục, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm thì chất lượng nước tại kênh E sẽ ngày càng suy giảm hơn. Như đã giới thiệu ở phần đầu, kênh E là thủy vực chịu tác động của các nguồn ô nhiễm đặc thù từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, do đó khi tính toán giá trị VN_WQI cần phải có nhóm thông số ô nhiễm thuốc BVTV (Nhóm II - thông số thuốc bảo vệ thực vật gồm Aldrin, BHC, Dieldrin, DDTs, Heptachlor và Heptachlorepoxide). Tuy nhiên, các thông số quan trắc trong nghiên cứu này chưa có nhóm thuốc bảo vệ thực vật nên giá trị VN_WQI tính toán được chưa chính xác và chưa thực sự phản ánh đúng thực trạng ô nhiễm chất lượng nguồn nước trong kênh E. 4. Kết luận và kiến nghị Kết quả phân tích mẫu nước thu thập tại kênh E, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho thấy chất lượng nước mặt trên kênh đã bị ô nhiễm. Nguồn nước trong kênh bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất dinh dưỡng dẫn đến thiếu oxy trầm trọng. Một số chỉ tiêu như DO, TSS, COD, NH4+, PO43- đã vượt giới hạn cho phép của tiêu chuẩn chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/ BTNMT. Các thông số pH, tổng Coliform vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A2 và B1. Kết quả tính toán giá trị VN_WQI ghi nhận khu vực đầu và cuối kênh có chất lượng nước khá tốt, tuy nhiên ở đoạn giữa kênh chất lượng nước chỉ ở mức trung bình. Một số hộ dân sống dọc kênh chưa nhận thức tốt về vấn đề vệ sinh môi trường. Hầu hết nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình đều thải trực tiếp xuống kênh. Đa số người dân được phỏng vấn cho rằng nước thải từ hoạt động chăn nuôi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt tại kênh E. Bên cạnh đó việc vứt rác thải sinh hoạt và xác động vật chết vẫn còn nhiều. Do đó, cơ quan phán lý nhà nước về bảo vệ môi trường cần tăng cường giáo dục nhận thức cho học sinh và người dân địa phương về vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước. Vận động người dân không xả rác thải, nước thải, chất thải chăn nuôi xuống kênh, giới thiệu cách thức xử lý phù hợp. 354 Hội thảo Quốc gia 2022
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ (2021). Báo cáo hiện trạng môi trường thành phố Cần Thơ 5 năm (2015 - 2020). UBND thành phố Cần Thơ. [2]. Lumb A., Sharma T. C., Bibeault J. F. (2011). A review of genesis and evolution of Water Quality Index (WQI) and some future directions. Water Quality Exposure and Health 3(1), 11. DOI: 10.1007/s12403 - 011 - 0040 - 0. [3]. Tổng cục Môi trường (2019). Quyết định số 1460/QĐ-TCMT ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng nước Việt Nam (VN_WQI). Bộ Tài nguyên và Môi trường. [4]. Tôn Thất Lãng (2009). Nghiên cứu chỉ số chất lượng nước để đánh giá và phân vùng chất lượng nước Sông Hậu. Tập 584, Số 08. Tạp chí Khí tượng Thủy văn. [5]. Pham Thi Minh Hanh, Suthipong Sthiannopkao, Dang The Ba, Kyoung-Woong Kim (2011). Development of water quality indexes to identify pollutants in Vietnam’s surface water. Journal of Environmental Engineering, 137(4), 273 - 283. [6]. Cao Truong Son, Nguyen Thị Huong Giang, Trieu Phuong Thao, Nguyen Hai Nui, Nguyen Thanh Lam, Vo Huu Cong (2020). Assessment of Cau River water quality assessment using a combination of water quality and pollution indices. Journal of Water supply: Research and technology - Aqua, 69 (2), 160 - 172. Doi: 10.2166/aqua.2020.122. [7]. Lê Văn Nam, Trần Đức Thạnh, Nguyễn Văn Thảo, Đặng Hoài Nhơn, Lê Xuân Sinh, Cao Thị Thu Trang, Dương Thanh Nghị, Phạm Thị Kha, Nguyễn Thị Thu Hà (2021). Bước đầu áp dụng chỉ số chất lượng nước (WQI) để đánh giá chất lượng nước biển vịnh Bắc Bộ năm 2018. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 20(4B) 171 - 181. Doi: 10.15625/ 1859-3097/15831. [8]. Le, T. Q., Nguyen, V. K., Nguyen, T. V. D. (2022). Assessment of surface water quality and some main rivers’ capacity of receiving wastewater in Ca Mau province, Vietnam. The Journal of Agriculture and Development, 21(3), 53 - 66. [9]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. BBT nhận bài: 30/9/2022; Chấp nhận đăng: 31/10/2022 Hội thảo Quốc gia 2022 355
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2