intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đánh giá môi trường đầu tư của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm phân tích, đánh giá môi trường đầu tư của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương gồm các vấn đề sau: quy mô doanh nghiệp, thị phần và doanh số kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn và hoạt động xuất nhập khẩu…qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận, góp phần khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đánh giá môi trường đầu tư của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương

  1. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG Huỳnh Thị Thanh Loan1 1. Trường Đại học Thủ Dầu Một; Email: loanhtt@tdmu.edu.vn TÓM TẮT Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới, vì vậy việc ra quyết định đầu tư của các doanh nghiệp (DN) để tăng quy mô và hiệu quả cũng như đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất để bắt nhịp với dòng chảy của sự phát triển chung là rất quan trọng. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm phân tích, đánh giá môi trường đầu tư của các DN tại tỉnh Bình Dương gồm các vấn đề sau: quy mô DN, thị phần và doanh số kinh doanh của DN, tiếp cận nguồn vốn và hoạt động xuất nhập khẩu…qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận, góp phần khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Từ khóa: môi trường đầu tư, doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương. Abstract THE ASSESSMENT OF THE INVESTMENT ENVIRONMENT OF BUSINESSES IN BINH DUONG PROVINCE Vietnam's economy is increasingly developing and integrating more deeply into the region and the world, so the investment decision-making of enterprises to increase scale and efficiency as well as scientific and public investment technology into production to keep pace with the flow of common development is very important. The objective of this study is to analyze and evaluate the investment environment of enterprises in Binh Duong province, including the following issues: size of enterprises, market share and sales of enterprises, access to capital and import and export operations... thereby, creating favorable conditions to promote enterprises to boldly invest, expand their scale, develop production and business, increase profits, contribute to exploiting potentials and develop socio-economic in Vietnam in general, and Binh Duong province in particular. Key words: investment environment, enterprises, Binh Duong province. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế đang từng bước hồi phục trở lại, dù xung đột Nga - Ukraina bùng phát từ tháng 2-2022 và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 8% vào năm 2022, dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,3% vào năm 2023, nguyên nhân là do nhu cầu trong nước và xuất khẩu giảm mạnh. Nhưng nền kinh tế Việt Nam được đánh giá tốt khi tăng trưởng GDP thuộc diện cao nhất trên thế giới, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô ở mức tốt. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng chậm lại diễn ra vào cuối năm 2022, do đó việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ góp phần tạo việc làm, tạo ra sản phẩm và dịch vụ, đóng 345
  2. góp vào nguồn thuế, góp phần làm tăng trưởng GDP, đồng thời nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Dương đứng thứ 2 trong cả nước về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2022, tỉnh gồm có 4.092 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ USD, tăng 28,1% so với năm 2021. Vì vậy, đầu tư của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Đặc biệt, trong tình hình khó khăn hiện nay thì môi trường đầu tư của doanh nghiệp của tỉnh đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của toàn xã hội. 2. THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TẠI BÌNH DƯƠNG Từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 2005, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng đã tạo ra một làn sóng mới trong phát triển doanh nghiệp, số lượng, quy mô, đầu tư, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… tăng rất nhanh và đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã thu hút được 6.235 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, với tổng số vốn là 40.165,5 tỷ đồng; 1.681 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 62.900 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 20,3% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký mới tăng 4,9% so với cùng kỳ (cả nước có trên 208.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại). Như vậy, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, DN thành lập mới trong năm 2022 đã tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, cho thấy việc thu hút DN đầu tư mới được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh. Nhưng việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của DN chủ yếu là DN vừa và nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư vốn phát triển DN, chính sách thu hút đầu tư, phát triển DN chưa thật sự đáp ứng nhu cầu phát triển,… Quy mô vốn thấp sẽ hạn chế đến việc đổi mới công nghệ, tận dụng cơ hội kinh doanh và khả năng cạnh tranh của DN trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó nội dung quan trọng là cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tiết giảm cho phù hợp với quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế thì yêu cầu khai thông, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, nhất là DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn. Theo báo cáo của UBND tỉnh, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương quý I/2023, thì so với cùng kỳ năm 2022, GRDP của tỉnh bị sụt giảm chủ yếu đến từ sự suy giảm của khu vực công nghiệp và xây dựng. Nguyên nhân sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm; nhiều ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao giảm so với cùng kỳ năm 2022 như: Giường tủ, bàn, ghế giảm 69,4%, sản phẩm từ cao su và plastic giảm 29,7%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 24,8%; da và các sản phẩm có liên quan giảm 14,8%; sản xuất trang phục giảm 9,9%... Kéo theo hơn 180.000 lao động bị giảm giờ làm, hơn 29.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng và có khoảng 22.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2023 trên địa bàn tỉnh khoảng 8.000 đến 10.000 lao động. Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong năm 2022 Bình Dương đã thu hút 3,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 48,8% so với cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu hàng hóa ước đạt 34,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 6% so với cùng kỳ. Trị giá nhập khẩu hàng hóa ước đạt 25,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,03% so với cùng kỳ. Cán 346
  3. cân thương mại hàng hóa của tỉnh xuất siêu 9,1 tỷ đô la Mỹ (tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt 732,5 tỷ đô la Mỹ; xuất siêu 11,2 tỷ đô la Mỹ) ... Tuy nhiên, đầu quý I/2023 thì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường xuất khẩu chính giảm do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 18,7% và kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 14%. Nguyên nhân là do sức mua thị trường quốc tế giảm do lạm phát ở nhiều quốc gia, chính sách tiền tệ bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế và dự báo khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào năm 2024; việc gián đoạn chuỗi cung ứng được dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế - đầu tư - thương mại hậu dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các DN cũng gặp trở ngại rất nhiều trong việc về thủ tục cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy, nỗi lo di dời nhà máy, khó tiếp cận nguồn vốn, thu mua nguyên liệu đầu vào và những bất ổn đến từ nền kinh tế vĩ mô, Từ ngày 15/3/2023, Ngân hàng nhà nước đã ban hành quyết định về điều chỉnh mức lãi suất điều hành giảm từ 0,5-1%. Điều này sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN cho rằng, gói vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay duy trì quá cao. Bên cạnh đó, việc tiếp cận khách hàng của ngân hàng vẫn còn đơn lẻ, chưa bám sát địa bàn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tăng cường thông tin đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng nhằm chia sẻ những khó khăn vướng mắc, tiếp cận tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Một dấu hiệu khác cũng phản ánh mặt tối trong bức tranh DN trong năm 2022, có 610 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động, giải thể, tăng trên 23% so với năm 2021 (Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương). Nguyên nhân là do hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt thời gian dài đều ở mức thấp khiến phần lớn doanh nghiệp không dám mở rộng quy mô, thậm chí số doanh nghiệp dự định giảm quy mô hoặc đóng cửa vẫn tiếp tục ở mức cao. Để sự phát triển sớm ổn định hơn, cộng đồng DN trong nước vẫn cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các Bộ, ngành. 3. GỢI MỞ ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN 3.1 Phát triển quy mô doanh nghiệp Về phía các nhà hoạch định chính sách, nên liên kết các nhà đầu tư, DN, Trung tâm xúc tiến việc làm, các cơ sở đào tạo nghề theo cơ chế thích hợp trong công tác thu hút, tuyển dụng lao động. Hỗ trợ tối đa các DN, nhà đầu tư trong quá trình tuyển dụng lao động của DN. Tăng cường năng lực hoạt động của các trung tâm xúc tiến việc làm, nhất là việc tuyển lao động đáp ứng nhu cầu các DN ở khu công nghiệp (KCN); các trung tâm này luôn lưu trữ thông tin số lượng lớn của các ứng viên để sẵn sàng cung cấp cho DN bất cứ lúc nào. Lựa chọn các trung tâm xúc tiến việc làm đã có kinh nghiệm, năng lực và giao cho trung tâm này thực hiện nhiệm vụ tuyển dụng lao động trước tiên là cho các DN trong KCN. Nghiên cứu hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho DN đối với những lao động được tuyển dụng từ một năm trở lên và được đào tạo tiếp, như vậy sẽ khuyến khích các DN mạnh dạn chi tiền đào tạo cho người lao động, về phía người lao động vừa được nâng cao trình độ, vừa được làm việc lâu dài hơn. Tiến hành khảo sát, cập nhật thường xuyên nhu cầu lao động của DN về số lượng, trình độ chuyên môn, cũng như căn cứ vào định hướng khuyến khích phát triển các lĩnh vực SXKD để có kế hoạch đào tạo đáp ứng kịp thời nhu cầu của DN về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề. Định hướng đào tạo cho các trường Trung cấp, Cao đẳng Nghề theo các chương trình, nghề nghiệp phù hợp với ngành nghề có nhu cầu mời gọi đầu tư. Tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động đáp ứng yêu cầu của DN. Khuyến khích các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề và các cơ sở đào tạo hợp tác, liên kết chặt chẽ với DN kể cả gửi học viên thực tập ở các DN, hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng. Bên 347
  4. cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách ở địa phương cũng nên thường xuyên tổ chức các buổi hội chợ, xúc tiến thương mại cũng như các lớp học chuyên đề để DN có thể cập nhật được thông tin, công nghệ mới, giúp DN có được sự lựa chọn thích hợp hơn khi quyết định đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ sản xuất hay đổi mới quy trình quản lý của mình. Về phía các DN, để thu hút và đảm bảo lực lượng lao động ổn định thì DN nên tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động, trả lương và các chế độ khác cho người lao động đầy đủ và hợp lý, chăm lo bảo hộ lao động, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các sự nghiệp phúc lợi khác theo đúng chế độ quy định và điều kiện DN có, đặc biệt là chăm lo nơi ăn, ở lâu dài cho công nhân. 3.2 Mở rộng thị phần và nâng cao doanh số kinh doanh của DN Về phía các nhà hoạch định chính sách thì nên tích cực tham gia các cuộc đàm phán thương mại song phương, đa phương để giúp sản phẩm của DN có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các thị trường khác nhau trên thế giới. Thường xuyên tổ chức các buổi hội chợ, giới thiệu sản phầm, xúc tiến thương mại để các DN có thể quảng bá sản phẩm của mình đến nhiều thị phần khách hàng khác nhau. Bên cạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ DN tăng doanh số bán hàng, các nhà hoạch định chính sách cũng nên hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm của DN để đảm bảo sản phẩm của DN cung cấp là chất lượng và đồng nhất. Biểu dương các DN sản xuất kinh doanh xuất sắc nhằm gia tăng giá trị, hình ảnh của DN đối với khách hàng. Về phía DN, nên thường xuyên có kế hoạch thay đổi mẫu mã, cập nhập xu hướng tiêu thụ của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đẩy mạnh doanh số tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đến công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm để thu hẹp khoảng cách giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bộ phận nghiên cứu thị trường của DN cần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng tiêu dùng trong tương lai để có kế hoạch sản xuất phù hợp, sản phẩm làm ra đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. DN cũng cần chủ động tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, các sự kiện quảng bá sản phẩm để giới thiệu sản phẩm của DN với khách hàng trong lẫn ngoài nước. Ngoài ra, các DN cũng nên có kế hoạch đầu tư tìm hiểu về các thị trường quốc tế nhằm nắm bắt thị hiếu cũng như những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm ở các thị trường này. Trên cơ sở đó hoạch định một chiến lược kinh doanh lâu dài, đầu tư đổi mới công nghệ để sản phẩm làm ra đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu của những thị trường này. 3.3 Doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, đa dạng và nhanh chóng các nguồn vốn khác nhau Về phía các nhà hoạch định chính sách, cần xây dựng các chế tài để xử lý nghiêm các hành vi gian lận khi vay vốn, nhất là đối với trường hợp các tổ chức tín dụng cho các DN không đủ điều kiện vay vốn. Một khi các tổ chức tín dụng quản lý chặt việc thẩm định dự án và hạn chế được việc tài trợ cho các dự án chưa đủ tiêu chuẩn thì sẽ giảm thiểu được rủi ro cho các tổ chức này, giúp các tổ chức tài chính hoạt động hiệu quả hơn, thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, chi phí tài trợ cho các dự án đầu tư cũng sẽ thuyên giảm, giúp phân bổ nguồn vốn đến các dự án đầu tư hiệu quả hơn. Về phía DN, DN có động lực để đầu tư thì trước mắt các DN cần giảm thiểu bớt tỷ lệ nợ trong cơ cấu vốn của mình. Khi tài trợ cho hoạt động đầu tư thì các DN nên ưu tiên sử dụng các nguồn vốn khác như nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại hoặc phát hành thêm cổ phần. Có thể nhận thấy lãi vay là một trong những khoản chi phí nặng nhất của việc vay vốn, làm thuyên giảm động lực vay vốn của DN để thực hiện các dự án đầu tư, do đó để giảm bớt gánh nặng cho DN thì lãi suất nên được điều chỉnh phù hợp để giảm bớt khó khăn cho DN và khuyến khích DN đầu tư phát triển thêm. Ngoài ra, chi phí kiệt quệ tài chính, rủi ro khi vay nợ để đầu tư cũng là các kênh làm gia tăng chi phí của các khoản vay, dẫn đến thuyên giảm quyết định đầu tư của 348
  5. DN, do đó khi thực hiện thẩm định những dự án cho vay, các tổ chức tín dụng nên nâng cao chất lượng công tác thẩm định cũng như công tác đánh giá rủi ro hơn là sử dụng lãi suất để làm công cụ kiểm soát việc vay vốn của DN. 3.4 Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Về phía các nhà hoạch định chính sách, nên tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa nhanh hơn các thủ tục hải quan trong hoạt động xuất khẩu. Tích cực tham gia, ký kết các cuộc đàm phán thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu. Với thế mạnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhanh chóng xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, bao gồm các hình thức truyền thống như hội chợ giới thiệu sản phẩm, kết nối cung - cầu lẫn sàn giao dịch điện tử, kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, các cơ quan Trung ương và địa phương cùng với các hiệp hội doanh nghiệp có liên quan phải có biện pháp thông tin nhanh cũng như khuyến cáo cụ thể, kịp thời cho từng loại hình doanh nghiệp, từng ngành hàng sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu thụ nội địa về các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết để doanh nghiệp hạn chế tác động bất lợi đồng thời khai thác thế mạnh tạo ra lợi nhuận và năng lực cạnh tranh cao hơn. Về phía DN, các DN cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm của DN mình theo hướng sản xuất những loại hàng hóa có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường khu vực và thế giới. Tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế so sánh để tăng khả năng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và thị trường mới, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU và các nền kinh tế mới nổi. DN cần đặt mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng hàng hóa của DN, tuy nhiên chất lượng hàng hóa cần đi đôi với việc điều chỉnh giá thành hợp lý, đa dạng hóa mẫu mã, cải tiến bao bì, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng quy định về hàng rào kĩ thuật,… sao cho phù hợp với thị hiếu, thông lệ quốc tế và pháp luật các quốc gia nhập khẩu hàng hóa. Các DN bên cạnh việc khai thác lợi thế là giá nhân công thấp thì cũng nên cải tiến công nghệ sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu hao hụt khi sản xuất, từ đó hạ được giá thành sản phẩm. Các DN nên thường xuyên cập nhật, nhanh chóng tiếp cận, phân tích các thông tin về thị trường thế giới, thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm, tiếp thị, hội thảo quốc tế,… nhằm tìm hiểu về nhu cầu sản phẩm ở các thị trường khác nhau và cũng là cơ hội để DN có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm của DN đến với khách hàng quốc tế. Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng, ký kết hợp đồng,… tránh trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các chính sách can thiệp từ Nhà nước như trợ giá, trợ cấp. Các DN nên chủ động cập nhật thông tin qua các kênh như Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại hoặc Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương,… DN cũng nên nghiên cứu kỹ về thị trường xuất khẩu, tìm hiểu về thói quen, văn hóa tiêu dùng của khách hàng ở các thị trường tiềm năng, đánh giá khách quan thực lực của DN cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm, khả năng tiếp thị và năng lực tài chính của DN để xác định hình thức xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp thông qua đại lý. DN nên có kế hoạch nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý, trong đó tập trung đào tạo ở các lĩnh vực như trình độ hoạch định và thực hiện chính sách, đàm phán quốc tế, tranh tụng thương mại quốc tế, nắm bắt kịp thời các điều ước mới của quốc tế, nâng cao trình độ ngoại ngữ,… Bên cạnh đó, nên quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, công nhân lành nghề để có thể sử dụng thành thạo các công nghệ, thiết bị hiện đại chuyên ngành nhằm sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. 349
  6. 4. KẾT LUẬN Với những nỗ lực của chính lực lượng DN phát triển, vươn lên thay đổi tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị, nắm bắt thị trường, đổi mới công nghệ,... còn đòi hỏi có những cơ chế, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả của Nhà nước để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy DN tăng cường đầu tư, phát triển DN mới ngày càng bền vững hơn thông qua các nghiên cứu sâu về phát triển DN, đầu tư phát triển của DN. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Xuân Phong (2006). Quản trị dự án đầu tư, NXB Bưu điện. 2. Quốc Hội (2005). Luật Doanh nghiệp 60/2005/QH11 2005. 3. Tổng cục thống kê (2021). Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, tỉnh Bình Dương, Tổng cục thống kê. 4. Tổng cục thống kê (2022). Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, tỉnh Bình Dương, Tổng cục thống kê. 5. VCCI (2021). Báo cáo thường niên doanh nghiệp VN 2020. 6. VCCI (2022). Báo cáo thường niên doanh nghiệp VN 2021. 350
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2