intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đánh giá mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động của sinh viên vùng Đông Nam Bộ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu của nghiên cứu này hướng đến phân tích mức độ tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng để thích ứng với nghề nghiệp và mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động của sinh viên vùng Đông Nam Bộ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đánh giá mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động của sinh viên vùng Đông Nam Bộ

  1. ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TỰ TIN KHI THAM GIA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CỦA SINH VIÊN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ Lê Anh Vũ1 Tóm tắt: Chủ đề về mức độ tự tin của sinh viên vùng Đông Nam Bộ khi tham gia thị trường lao động chưa được đề cập nhiều trong các nghiên cứu có liên quan. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp dựa trên kết quả khảo sát 6165 sinh viên vùng Đông Nam Bộ bằng định lượng và trích dẫn 06 phỏng vấn sâu đã được chọn lọc. Mục tiêu của nghiên cứu này hướng đến phân tích mức độ tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng để thích ứng với nghề nghiệp và mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động của sinh viên vùng Đông Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng ở mức khá. Bên cạnh đó, sinh viên chưa thực sự tự tin khi tham gia vào thị trường lao động. Có sự khác biệt trong đánh giá của sinh viên theo loại hình trường, khối ngành và theo năm học. Từ những kết quả này, cho thấy rất cần có những chính sách hỗ trợ sinh viên thích nghi với môi trường học tập mới. Các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người học và đẩy mạnh liên kết đào tạo với doanh nghiệp để giúp sinh viên nhanh chóng thích nghi với công việc sau khi ra trường. Từ khóa: sinh viên, tự tin, thị trường lao động ASSESSING THE CONFIDENCE LEVELS OF SOUTHEAST REGION STUDENTS IN ENTERING THE LABOR MARKET Abstract: Research in the Southeast has not thoroughly examined the topic of students' self-assurance levels in relation to their involvement in the job market. The article utilizes mixed research methods, incorporating the findings from a quantitative survey of 6,165 students in the Southeast region as well as references to six specifically chosen in-depth interviews. The objective of this study is to examine the extent to which students in the Southeast area appraise their learning results, their ability to adjust to occupations, and their confidence while entering the labor market. Evidence from research indicates that students possess a commendable level of self-assessment of their learning outcomes and skills. Furthermore, students lack self-assurance regarding their ability to work in the workforce. The institution's specific characteristics, the student's chosen field of study, and the academic year all have an impact on student assessments. These findings indicate a significant requirement for policies aimed at facilitating students' adjustment to the novel learning environment. Educational institutions should prioritize mental health care for students and establish strong partnerships with businesses to facilitate a smooth transition into the workforce upon graduation. Keywords: students, confidence level, labor market 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Năm 2023, vùng này đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ước tính 5,06%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước là 5,05%. Thu ngân sách nhà nước của vùng đạt 690 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,2% tổng thu ngân sách. Ngoài ra, Đông Nam Bộ đã thu hút 11.390 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 31,1% tổng vốn FDI của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2023). Về giáo dục, mặc dù số trường đại học của Đông Nam Bộ chỉ chiếm 22,95% nhưng Đông Nam Bộ là khu vực có tỉ lệ sinh viên (SV)/vạn dân cao nhất, 373 1. TS, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Việt Nam (Thu Dau Mot University, Vietnam). Corresponding email: vula@tdmu.edu.vn 291
  2. SV/vạn dân (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2023). Với đặc thù như đã trình bày, vùng Đông Nam Bộ cũng là nơi thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên khắp cả nước. Về mặt nghiên cứu, kết quả khảo sát từ phía doanh nghiệp trong lĩnh vực doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp trên các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng thực hành, ngoại ngữ, tác phong làm việc và kỹ năng nghề nghiệp cho thấy chỉ có 5% tổng số SV tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức độ không đạt (Tuyết, 2022). Trước đó, báo cáo về thế hệ trẻ của Hội đồng Anh được thực hiện vào năm 2020 phản ánh, tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ khi có đến 37% người tham gia phỏng vấn dù có nhiều hoàn cảnh khác nhau đều có ý định khởi nghiệp kinh doanh vì họ cảm thấy có quyền quyết định và tự do hơn làm việc cho người khác. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, người trẻ trong nghiên cứu này cũng cho rằng giáo dục chính quy dường như không cung cấp được bộ kỹ năng đầy đủ cần thiết cho khả năng được tuyển dụng vào thế kỉ XXI khi Nhà trường chỉ đáp ứng khoảng 30% kỹ năng cần cho công việc tương lai (2020). Kết quả khảo sát tại Đồng Nai năm 2018 do Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội thực hiện mẫu khảo sát gồm 800 SV cũng phản ánh SV có những kỳ vọng lớn lao về về công việc như thu nhập cao, đúng chuyên môn, có cơ hội thăng tiến,... Do đó, để đạt được sinh viên cần xác định được mục tiêu học tập cụ thể và có kế hoạch thực hiện một cách khoa học, hiệu quả để những kỳ vọng có thể thành sự thật sau khi rời ghế nhà trường (Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội, 2018). Từ kết quả tổng quan, dường như chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến mức độ tự tin của SV vùng Đông Nam Bộ khi tham gia thị trường lao động hoặc chỉ đề cập ở quy mô của một địa phương cụ thể như nghiên cứu ở Đồng Nai hay Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì lẽ đó, bài viết góp phần bổ sung thêm hướng nghiên cứu này. Nội dung chính của bài viết đề cập đến hai nội dung chính bao gồm: là (1) mức độ tự đánh giá kết quả học tập và kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động và (2) mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động của SV vùng Đông Nam Bộ. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Phương pháp nghiên cứu định lượng Về dung lượng mẫu, bài viết dựa trên ý kiến của 6165 SV đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học công lập và ngoài công lập ở vùng Đông Nam Bộ được khảo sát trên nền tảng REDCap từ ngày 1/6/2023 đến ngày 30/6/2023. Cách thức chọn mẫu được thực hiện theo cách thuận tiện dựa trên các đặc điểm về giới tính, ngành học, năm học, nơi ở của sinh viên,... mà chúng tôi đề ra để có thể phân tích và so sánh. Về thang đo, các tiêu chí đánh giá về mức độ tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng được kế thừa và chỉnh sửa bổ sung từ các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (2018) và Hội đồng Anh (2020). Đối với mức độ tự tin tham gia thị trường lao động, chúng tôi thiết kế dựa trên thang đo Likert có 5 mức độ bao gồm: (1) Cảm thấy rất lo lắng (2) Không được tự tin lắm (3) Bình thường; (4) Tự tin và (5) rất tự tin. Dữ liệu được xử lý và phân tích bằng phần mềm SPSS phiên bản 20.0, các thủ tục thống kê được sử dụng bao gồm: thống kê mô tả (tần số, phần trăm, và điểm trung bình) và thống kê suy diễn với các kiểm định tham số (Chi-Square, T-test, ANOVA,), phi tham số (Kruskal-Wallis) và phân tích tương quan Pearson. Trong nghiên cứu này, các kiểm định thống kê được thực hiện ở độ tin cậy là 95%. 2.2. Phương pháp nghiên cứu định tính Số lượng SV tham gia phỏng vấn đến từ vùng Đông Nam Bộ là 16 người, trong bài viết có trích dẫn ý kiến của 06 SV tham gia trả lời phỏng vấn sâu. Đối với dữ liệu định tính, chúng tôi áp dụng phương pháp phân tích theo chủ đề (thematic analysis) là một quá trình phân đoạn, phân loại và xem lại các khía cạnh của dữ liệu trước khi diễn giải cuối cùng (Grbich, 2007) với quy trình bao gồm các bước: (1) mã hóa (code) nhằm tìm ra các phạm trù (category), các chủ đề (themes); (2) mô tả dữ liệu; (3) khám phá ý nghĩa dữ liệu; (4) tìm kiếm mối quan hệ giữa các phần khác nhau của dữ liệu và (5) giải thích những điểm tương đồng và khác biệt và các mối quan hệ rõ ràng. 292
  3. Dữ liệu định tính được mã hóa, xử lý và phân tích bằng phần mềm NVIVO 14, theo hướng mã hóa theo trường hợp và phân tích mối liên hệ theo các đặc điểm của mẫu khảo sát như giới tính, loại hình trường và năm học, dựa trên codebook đã xây dựng. Phương pháp này giúp đảm bảo tính khoa học và hệ thống trong quá trình phân tích và lý giải dữ liệu nghiên cứu. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Mô tả mẫu nghiên cứu Bảng 1. Mô tả mẫu định lượng Tần số Đặc trưng cá nhân Tần suất (%) (người) Nam 1642 26,6 Giới tính Nữ 4523 73,4 Năm 1 2990 48,5 Năm 2 1920 31,1 Năm học Năm 3 1005 16,3 Năm 4 trở lên 250 4,1 Công lập 4384 71,1 Loại hình Dân lập 1655 26,8 trường Khác 126 2,0 Cao đẳng 562 9,1 Bậc học Đại học 5603 90,9 Khoa học tự nhiên 623 10,1 Khoa học xã hội và nhân văn 1517 24,6 Kinh tế - Ngoại thương 1040 16,9 Khối ngành Khoa học kỹ thuật và công nghệ 597 9,7 Khoa học sự sống 763 12,4 Khối nghệ thuật 525 8,5 N = 6165 (Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 6/2023) Bảng 1 mô tả đặc trưng của mẫu định lượng với tổng số 6165 SV, được phân loại theo các đặc trưng cá nhân như giới tính, năm học, loại hình trường, bậc học và khối ngành. Về giới tính, có 4523 nữ SV, chiếm 73,4% tổng số mẫu và 1642 nam SV, chiếm 26,6% tổng số mẫu tham gia khảo sát. Theo năm học, số sinh viên tham gia khảo sát có chiều hướng giảm dần theo năm khi sinh viên năm nhất có tỷ lệ tham gia khảo sát cao nhất với 2990 SV tương ứng 48,5%. Trong khi đó chỉ có 250 SV từ năm bốn trở lên, chiếm 4,1% tổng số mẫu. Về cấp học, có 5603 SV bậc đại học, chiếm 90,9% và còn lại là 562 SV cao đẳng tương đương với 9,1%. Ở loại hình trường, SV công lập tham gia khảo sát nhiều hơn với 71,1% (4384 SV), phần còn lại là SV ngoài công lập (28,9% tương đương 1781 SV). Ở tiêu chí khối ngành, SV khối Khoa học xã hội và nhân văn tham gia nhiều nhất với tỷ lệ 24,% và ít nhất là SV khối nghệ thuật với 8.5% (xem thêm bảng 1). Về mẫu nghiên cứu định tính, dữ liệu được trích dẫn từ những trường hợp như sau: Bảng 2. Thông tin mẫu nghiên cứu định tính Họ và tên Lê Thị Tâm Trần Bảo Phạm Hồng Trần Thanh Cao Thanh Phạm Thành Vy Thanh Hiền Tú Long Giới tính Nữ Nữ Nam Nữ Nam Nam Ngành học Kế toán Kiến trúc Thiết kế đồ họa Ngôn ngữ Anh Công tác Cơ khí xã hội Năm học 4 3 2 2 4 3 (Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 6/2023) 293
  4. (Để đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, tên các nhân vật trong bài viết này đều đã được thay đổi.) 3.2. Mức độ tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng để thích ứng với nghề nghiệp Trong phần này, chúng tôi muốn tìm hiểu về mức độ tự đánh giá của SV về kiến thức và kỹ năng hiện có để thích ứng với nghề nghiệp theo 05 mức từ thấp nhất là kém đến cao nhất là xuất sắc. Kết quả khảo sát được thể hiện ở bảng 3 dưới đây: Bảng 3. Mức độ tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng theo loại hình trường Ngoài Kiểm định Công lập Chung công lập T- test (Sig.) Kết quả học tập 3,10 3,24 3,17 0,00 Phương pháp tư duy 3,06 3,11 3,08 0,027 Khả năng sáng tạo 3,04 3,09 3,06 0,013 Kỹ năng nghiên cứu khoa học 2,67 2,70 2,68 0,261 Kỹ năng làm việc nhóm 3,37 3,49 3,43 0,000 Sử dụng ngoại ngữ 2,75 2,79 2,77 0,174 Quản lý cảm xúc 3,28 3,33 3,31 0,062 N = 6165 (Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 6/2023) Việc sinh viên tự đánh giá kết quả học tập và kỹ năng của chính mình mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển và nâng cao năng lực cá nhân. Tự đánh giá giúp SV hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của mình. Bằng cách nhận biết được điểm mạnh, sinh viên có thể tận dụng và phát triển chúng, còn điểm yếu sẽ là động lực để cải thiện và phát triển. Điểm trung bình chung ở các tiêu chí tự đánh giá cho thấy điểm trung bình đánh giá nằm trong khoảng từ 2,68 đến 3,42 tương ứng với mức khá. Trong đó, “kỹ năng làm việc nhóm” được SV vùng Đông Nam Bộ trong mẫu khảo sát chọn ở mức điểm cao nhất với 3,43 điểm và thấp nhất là “nghiên cứu khoa học” với 2,68 điểm. Điểm đáng chú ý là một kỹ năng rất quan trọng là “sử dụng ngoại ngữ” cũng được đánh giá khá thấp khi chỉ có 2,77 điểm. Kết quả khảo sát này phản ánh SV chưa thật sự tự tin về khả năng ngoại ngữ của mình và ngoại ngữ vẫn tiếp tục là một trong những rào cản đối với SV. Điều này cần hết sức được lưu tâm khi ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên trong việc học tập, tương tác xã hội và phát triển cá nhân. Bằng cách sử dụng kiểm T-test cho hai trung bình độc lập được sử dụng để so sánh sự khác biệt về mức độ tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng giữa SV trường công lập và ngoài công lập, chúng tôi nhận thấy SV các trường ngoài công lập thường tự đánh giá cao hơn ở hầu hết các tiêu chí so với sinh viên các trường công lập. Những yếu tố như kết quả học tập, phương pháp tư duy, khả năng sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê giữa hai nhóm sinh viên. Đơn cử như ở “kỹ năng quản lý cảm xúc” điểm trung bình của SV của trường ngoài công lập là 3,49 cao hơn so với SV trường công lập có điểm đánh giá là 3,37 điểm. Để so sánh theo năm học, chúng tôi sử dụng kiểm định phi tham số Kruskal Wallis để phân tích sự khác biệt trong tự đánh giá kết quả học tập và kỹ năng theo năm học cho thấy cho thấy sự khác biệt đáng kể về mức độ tự đánh giá kết quả học tập và kỹ năng giữa SV các năm học (xem thêm Bảng 4). 294
  5. Bảng 4. Mức độ tự đánh giá về kết quả học tập và kỹ năng theo năm học Năm 4 Kiểm định Năm 1 Năm 2 Năm 3 trở lên Kruskal Wallis (Sig.) Kết quả học tập 2999,86 3175,05 3148,36 3107,61 0,001 Khả năng sáng tạo 3034,46 3080,07 3170,47 3211,25 0,022 Kỹ năng nghiên cứu khoa học 3031,86 3187,02 2984,98 3060,81 0,009 Kỹ năng làm việc nhóm 3014,52 3185,52 3102,51 3036,24 0,005 Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ 3024,55 3030,22 3135,37 3145,39 0,070 Kỹ năng quản lý cảm xúc 3092,59 3114,82 3124,91 2555,43 0,000 N = 6165 (Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 6/2023) Ở “Kết quả học tập” và “kỹ năng làm việc nhóm” điểm trung bình xếp hạng của SV năm 2 và năm 3 là cao hơn năm 1, điều này cho thấy SV mới vào đại học thường phải đối mặt với nhiều thách thức về học thuật và xã hội, dẫn đến kết quả học tập chưa cao. Kết quả này cũng khá phù hợp với nghiên cứu của Tinto (1993) về sự thích nghi của SV năm đầu khi tác giả cũng cho rằng SV năm đầu thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường học tập mới. Đối với “khả năng sáng tạo” và “nghiên cứu khoa học”, SV năm 4 có điểm trung bình xếp hạng cao nhất với các kết quả lần lượt là 3211,25 và 3187,02 điểm trung bình xếp hạng. Nghiên cứu của Kuh (2008) cũng chỉ ra rằng SV năm cuối thường có kỹ năng nghiên cứu tốt hơn do họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua các dự án và hoạt động nghiên cứu. Một điểm đáng lưu ý là “kỹ năng quản lý cảm xúc”, SV năm 4 lại có điểm trung bình xếp hạng thấp nhất cho thấy những áp lực của SV trước khi tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm. Đây có thể là lý do để giải thích tại sao sinh viên năm 4 trở lên tự đánh giá thấp về khả năng quản lý cảm xúc. Áp lực của SV năm cuối cũng được Schaufeli và các cộng sự (2002) phản ánh trong nghiên cứu sự căng thẳng và kiệt sức ở SV Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan. Theo đó, SV năm cuối thường đối mặt với áp lực lớn từ việc hoàn thành chương trình học và chuẩn bị cho giai đoạn ra trường, bao gồm tìm kiếm việc làm. Schaufeli và các cộng sự (2002) ghi nhận rằng SV năm cuối có xu hướng gặp nhiều áp lực hơn, điều này phù hợp với việc SV năm cuối tự đánh giá thấp về khả năng quản lý cảm xúc. Ở khả năng “sử dụng ngoại ngữ”, kết quả kiểm định cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các năm học. Tuy nhiên, xét về điểm trung bình xếp hạng trong mẫu nghiên cứu này thì có sự tăng nhẹ theo các năm học, xu hướng này có thể giải thích là do SV năm cuối thường cải thiện kỹ năng này vì nhu cầu chuẩn bị cho công việc sau khi tốt nghiệp (Nguyễn Thị Lan, 2020). Những dữ liệu khi chúng tôi phân tích theo chủ đề dựa trên ý kiến trả lời phỏng vấn sâu của SV vùng Đông Nam Bộ cho thấy, điều mà các bạn tự tin nhất khi đánh giá năng lực của mình thường được nhắc đến là “kiến thức chuyên môn”, “kiến thức xã hội”, “nhiệt tình”, “đam mê”,… ở chiều ngược lại, điều mà SV cảm thấy thiếu tự tin nhất lại là “kỹ năng giao tiếp” và đặc biệt là “ngoại ngữ”. Chúng tôi chọn chia sẻ ý kiến của bạn Tú là sinh viên năm 4 ngành Công tác xã hội ở Thủ Đức, bạn đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và đã trải qua những đợt thực tập tại các trung tâm Công tác xã hội nên tự tin vào khả năng chuyên môn của mình. Tuy nhiên, khả năng giao tiếp và tiếng Anh lại là rào cản lớn của bạn: “Mình ở giữa tự tin và tự ti, bình bình, trung dung. Mình tự tin ở chỗ đủ vững chuyên ngành để thực hiện công việc người ta giao. Còn tự ti là việc giao tiếp của mình không được trôi chảy lắm, thứ hai là tiếng Anh, đó là hai điểm mình tự ti. (PVS 30, nam, năm 4, Công tác xã hội, Thủ Đức) Rào cản về ngoại ngữ tiếp tục được bạn Hiền, một SV năm hai của ngành Ngôn ngữ Anh nhưng chính bạn cũng chưa thật tự tin về khả năng ngôn ngữ của mình: 295
  6. “Tiếng Anh của chị như kiểu nguyên tảng đá to nó đè lên lưng của mình, hồi trước mình xin vô rạp chiếu phim làm, trong CV phỏng vấn có mục ngành học, mình cũng để là ngành Ngôn ngữ Anh nhưng khổ cái là chỗ trình độ tiếng Anh họ để các mức giỏi, khá, trung bình thì mình không có dám đánh giỏi, khá mà mình đánh trung bình nhưng mà mình cũng sợ nha tại trung bình là người ta cũng đã phải giao tiếp ổn, phải giao tiếp nằm ở mức cơ bản nhất luôn á. Xong đến lúc đi làm kiểu rạp phim sẽ hay có khách nước ngoài á nên là mấy anh chị ngành khác kiểu người ta không có chú ý đến ngôn ngữ á nên người ta kêu mình lên nói với khách, mình cũng kiểu run nhưng mình vẫn nói mặc dù có sai ngữ pháp nhưng nhìn chung người nước ngoài họ vẫn hiểu, nhưng áp lực ngang là tự nhiên mình quên mất từ đó nên nói như thế nào luôn á” (PVS 49, nữ, năm 2, Ngôn ngữ Anh, Thủ Đức) Câu chuyện của bạn Hiền chia sẻ còn phản ánh thực trạng là bạn chưa có nhiều cơ hội thực hành giao tiếp nên khi gặp khách hàng bạn dễ rơi vào trạng thái lúng túng. Điều này cho thấy việc tăng cường hỗ trợ từ phía các trường đại học và cung cấp thêm cơ hội thực hành sẽ giúp sinh viên nâng cao tự tin và kỹ năng ngoại ngữ, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động. Những kết quả nghiên cứu mà chúng tôi đã phản ánh thể hiện mức độ tự đánh giá của SV trong mẫu khảo sát ở vùng Đông Nam Bộ về kết quả học tập và kỹ năng của bản thân. Nhìn chung, SV đều đánh giá ở mức khá, so sánh theo loại hình trường, SV ngoài công lập đánh giá năng lực của bản thân mình là cao hơn so với SV công lập. Nhìn theo năm học, SV năm 1 dường như gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi môi trường học tập nên có mức độ đánh giá thấp hơn SV các năm tiếp theo. Điều đáng lưu ý là SV năm 4 lại cho rằng kỹ năng quản lý cảm xúc là thấp nhất khi so sánh giữa các năm học. Những kết quả này là những gợi ý cho các cơ sở giáo dục cần triển khai các hoạt động hỗ trợ SV nâng cao năng lực về chuyên môn và kỹ năng mềm để có thể thích ứng tốt với thị trường lao động. 3.3. Mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động Biểu đồ 1. Mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động (Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 6/2023) Bình thường (40,9%): Kết quả khảo sát từ 6165 SV vùng Đông Nam Bộ cho thấy có đến 42,8% SV cảm thấy “không được tự tin lắm” và “ cảm thấy rất lo lắng”. Điều này phản ánh nhiều sinh viên cảm thấy họ chưa đủ chuẩn bị để bước vào thị trường lao động, có thể do thiếu kinh nghiệm hoặc kiến thức thực tế. Những ý kiến từ phỏng vấn sâu cho thấy nhận định này là có cơ sở, bạn Tâm là một SV năng động khi tích cực tham gia các phong trào Đoàn – Hội và các cuộc thi liên quan đến nghề nghiệp để tích lũy kinh nghiệm cho biết: 296
  7. “Mình nghĩ là mình không có tự tin, tại vì tùy những công ty khác nhau mà họ áp dụng những hình thức kế toán khác nhau, những con số sẽ thay đổi với cách làm việc của họ khác nhau nữa nên sinh viên mới ra trường chắc chắn không thể nào thích nghi kịp… Tại vì trong trường những kiến thức và kỹ năng chỉ học trên sách vở, chứ không áp dụng thực tiễn nên sinh viên mới ra trường thì làm gì có thể đem kiến thức trên sách mà áp dụng thực tế được.” (PVS05, nữ, năm tư, Kế toán, TP.Hồ Chí Minh) Trường hợp của bạn Vy là nữ SV Kiến trúc năm 3 ở TP Hồ Chí Minh cho rằng vì còn chưa tốt nghiệp nên bạn cũng còn phân vân: “Em nghĩ là em cũng chưa biết nữa. Tại vì cũng còn khoảng khá lâu để tốt nghiệp. Chắc là em cũng chưa rõ lắm nhưng mà nếu mà giờ mà đoán trước lúc đó thì em nghĩ là chắc em sẽ chưa tự tin lắm giống như một phần là em còn khoảng 1 - 2 năm nữa em mới tốt nghiệp, nên là em chưa biết cái lúc mà ra trường thì cái trình độ chuyên môn của em như thế nào, nên là em chưa tự tin lắm. Với lại, một phần nữa là hiện tại cái ngành này nó cũng đang khá đông, nên là cái mức độ cạnh tranh làm việc nó cao, nên là cũng làm em không tự tin lắm.” (PVS35, nữ, năm ba, Kiến trúc, TP Hồ Chí Minh) Có thể việc chưa đến thời điểm tốt nghiệp làm Vy chưa suy nghĩ nhiều về mức độ tự tin của mình, tuy nhiên điều đó cũng tạo ra sự mơ hồ và lo lắng về khả năng đạt được mục tiêu học tập. Ngoài ra, việc lo lắng về việc không biết chắc chắn trình độ chuyên môn của mình sẽ như thế nào khi ra trường, khiến họ cảm thấy chưa tự tin về tương lai nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Vy còn cảm nhận thị trường lao động đầy cạnh tranh có thể tạo ra áp lực với bạn, khiến Vy cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ ở Việt Nam do Hội đồng Anh thực hiện vào năm 2020 cũng phản ánh ý kiến chia sẻ của đáp viên thảo luận nhóm về kiến thức và kỹ năng học ở trường chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% kỹ năng cần cho công việc tương lai, các đáp viên thảo luận nhóm tập trung cho rằng, tính phi ứng dụng của chương trình học Việt Nam cho những nhóm cá nhân đặc thù chính là một trong những nguyên nhân chính cho tỉ lệ bỏ học và gây khó khăn cho khả năng thích ứng của sinh viên với cơ hội nghề nghiệp. Cũng đề cập về sự thiếu tự tin nhưng Thanh là SV năm 2 chuyên ngành thiết kế đồ họa ở TP Hồ Chí Minh lại lý giải việc bạn không tự tin theo một suy nghĩ riêng của mình: “Mình cảm thấy không tự tin lắm. Bởi vì bản thân mình cho là nếu mà mình tự tin quá mình sợ mình không phân biệt được tự tin với tự cao. Nếu mà bước ra thị trường lao động thì mình đầu tiên phải khiêm tốn trước và mình phải cố gắng trước cái đã. Khi mà mình cố gắng và bản thân mình cảm thấy đã đủ rồi thì đó là lúc mình mới nên tự tin. Bởi vì khi mà mình cố gắng đủ thì cái kiến thức về mặt xã hội, về mặt thị trường lao động của mình cũng là tương đối rồi thì lúc đấy mình mới tự tin về khả năng của bản thân” (PVS37, nam, năm hai, Thiết kế đồ họa, TP Hồ Chí Minh) Có thể thấy Thanh có một quan điểm rất sâu sắc về sự cân bằng giữa tự tin và tự cao, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khiêm tốn và nỗ lực không ngừng. Đây là một quan điểm rất giá trị và cần thiết trong môi trường học tập và làm việc. Nghiên cứu về tư duy phát triển, C. Dweck (2006) nhấn mạnh rằng việc duy trì một tư duy mở, luôn học hỏi và phấn đấu là cách tốt nhất để phát triển bản thân. Quan điểm của Thanh phù hợp với tư duy này, khi bạn nhấn mạnh việc nỗ lực và học hỏi trước khi tự tin. Trong bài viết này, chúng tôi còn so sánh mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động theo các tiêu chí về loại trường, năm học và ngành học (Xem bảng 5) 297
  8. Bảng 5. Mức độ tự tin tham gia vào thị trường lao động theo loại hình trường và ngành học Mức độ tự tin tham gia vào thị trường lao động Loại hình trường* Ngành học* Công Ngoài KHTN KHXH&NV KT-NT KHKT&CN KHSS NT SP lập công lập 2,60 2,50 2,52 2,46 2,50 2,59 2,76 2,61 2,65 N = 6165; * Trung bình có ý nghĩa ở mức 0,05 (Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 6/2023) Kết quả kiểm định T-test về sự khác biệt giữa SV công lập và ngoài công lập cho thấy có ý nghĩa thống kê khi SV công lập lại có mức độ tự tin cao hơn SV ngoài công lập. Trong khi đó, về mức độ đánh giá kết quả học tập và kỹ năng mà chúng tôi đã phân tích lại có kết quả ngược lại. Từ việc lọc dữ liệu định tính theo loại hình trường, chúng tôi nhận thấy có những ý kiến của SV đến từ các trường công lập có uy tín với điểm thi tuyển đầu vào rất cao và quá trình học có sự sàng lọc kỹ lưỡng phản ánh sự tự tin của họ khi tham gia vào thị trường lao động như ý kiến của Long là SV ngành cơ khí của một trường đại học công lập nổi tiếng ở TP Thủ Đức chia sẻ: “Sinh viên khoa mình, trường mình đa phần ra trường là có việc làm (cười). Mình thấy mấy anh khóa trên từ năm 3 là đã có cơ hội đi làm rồi chỉ sợ không dám đi làm nhiều vì ảnh hưởng việc học thôi. Nói chung, mình tự tin về cơ hội việc làm khi ra trường, vấn đề là phải cố gắng học và tìm kiếm kinh nghiệm thực tế. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao học để ra trường chứ lo kiếm chỗ làm mà không tốt nghiệp được cũng như không.” (PVS16, nam, năm ba, Cơ khí, TP Thủ Đức) Khi phân tích sự khác biệt giữa SV các khối ngành trong đánh giá mức độ tự tin khi tham gia thị trường lao động. Kết quả kiểm định phương sai một yếu tố one way ANOVA cho thấy có sự khác biệt theo xu hướng SV các ngành thiên về khoa học, kỹ thuật và khối ngành sư phạm có mức độ tự tin cao hơn so với sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV). Đơn cử như điểm trung bình đánh giá của SV khối ngành khoa học xã hội và nhân văn chỉ là 2,46 ở mức “không được tự tin lắm” so với 2,76 của nhóm khoa học sự sống. Trong một nghiên cứu về năng lực và khả năng đáp ứng việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số của Nguyễn Đức Lộc và cộng sự (2022) cũng cho thấy mức độ tự đánh giá về thái độ và kiến thức để đáp ứng nhu cầu việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số của SV khối KHXH&NV cũng là thấp nhất so với các khối khác. Điểm đáng lưu ý kết quả phân tích tương quan giữa mức độ tự tin và mức độ tự đánh giá kết quả học tập và kỹ năng có mối tương quan với nhau (xem Bảng 6). Bảng 6. Tương quan giữa mức độ tự tin tham gia thị trường lao động với mức độ tự đánh giá kết quả học tập và kỹ năng Kết quả Phương Khả năng Kỹ năng Kỹ năng Sử dụng Quản lý học tập pháp tư sáng tạo nghiên cứu làm việc ngoại cảm xúc duy nhóm ngữ Mức độ tự Hệ số 0,164** 0,231** 0,261** 0,205** 0,199** 0,106** 0,148** tin tham Pearson gia thị Sig. (2 0,000 0,000 0,000 0,000 0,000 0,000 0,000 trường lao đuôi) động N = 6165; ** Mối tương quan có ý nghĩa ở mức 0,01 (2 đuôi). (Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 6/2023) Mặc dù hệ số tương quan đều nằm trong khoảng từ 0,164 đến 0,261 và là tương quan yếu (Cohen, 1992) nhưng kết quả phân tích này có thể cho thấy khi SV đánh giá cao kết quả học tập và kỹ năng của mình thì mức độ tự tin tham gia thị trường lao động của họ có khả năng tăng lên. Đơn cử như hệ số tương quan Pearson được tính toán để xem xét mối liên hệ giữa hai biến: mức độ tự tin tham gia thị trường lao động và Khả năng sáng tạo. Kết quả cho thấy, hai biến có mối tương quan 298
  9. thuận với nhau ở mức yếu với r(6165) = 0,261; p
  10. trường học để hỗ trợ SV, chăm sóc và phát triển toàn diện về tâm lý, xã hội và nghề nghiệp. Vai trò của phòng công tác xã hội là cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo SV có một môi trường học tập và phát triển toàn diện, giúp họ tự tin và sẵn sàng bước vào thị trường lao động và cuộc sống sau khi tốt nghiệp. - Trong hoạt động đào tạo, Nhà trường cần tăng cường vai trò ngày càng quan trọng của doanh nghiệp. Chính vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối với các doanh nghiệp để thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội thảo, chương trình hỗ trợ thực tập sinh. Cao hơn nữa là các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, ngày hội việc làm giúp SV có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình và xây dựng mạng lưới quan hệ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà trường còn có thể tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng mềm, các khóa học về văn hóa công sở có sự tham gia của doanh nghiệp nhằm giúp SV nắm bắt được các kỹ năng và kiến thức thực tế cần thiết để làm việc trong doanh nghiệp, giúp gia tăng khả năng tìm việc sau khi tốt nghiệp. Lời cảm ơn: Tác giả cảm ơn sự tài trợ của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam qua đề tài “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay”. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023). Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050. Cohen, J. (1992). “A power primer”. Psychological bulletin, 112 (1), 155-159. Dweck, C.S. (2006). Mindset: The New Psychology of Success. Random House Grbich, C. (2007). Qualitative Data Analysis: An Introduction. London: Sage. Hội đồng Anh (2020). Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam. Kuh, G.D. (2008). “High-Impact educational practices”. Peer Review, 10(4), 30-31. Lan, N.T. (2020). “Khả năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên đại học ở Việt Nam”. Tạp chí Khoa học Giáo dục, 36(2), 123-135. Lopatto, D. (2007). “Undergraduate research experiences support science career decisions and active learning”. CBE Life Sciences Education, 6(4), 297-306. Loc, N.D., Vu, T.M.H., Vu, L.A., & Chau, N.N.T. (2022). “The study on awareness, ability and policy suggestions to meet job requirements of the digital transformation”. International Journal of Instruction, 15(2), 1017-1038. Pascarella, E.T., & Terenzini, P.T. (2005). How College Affects Students: A Third Decade of Research. Jossey-Bass. Schaufeli, W.B., Martinez, I.M., Pinto, A.M., Salanova, M., & Bakker, A.B. (2002). “Burnout and Engagement in University Students: A Cross-National Study”. Journal of Cross-Cultural Psychology, 33(5), 464-481. Tinto, V. (1993). Leaving College: Rethinking the Causes and Cures of Student Attrition. University of Chicago Press. Tierney, P., & Farmer, S.M. (2002). “Creative self-efficacy: Its potential antecedents and relationship to creative performance”. Academy of Management Journal, 45(6), 1137-1148. Tuyết, T.T.M. (2022). “Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Tạp chí Cộng sản điện tử. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825408/doi-moi-giao- duc-dai-hoc-o-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap.aspx. Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (2018). Báo cáo đề tài khảo sát xã hội nhận diện xu hướng lựa chọn giá trị sống của sinh viên tỉnh Đồng Nai hiện nay. NXB Trẻ. 300
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2