intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đánh giá sức hấp dẫn điểm đến du lịch Đồng Tháp

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Đánh giá sức hấp dẫn điểm đến du lịch Đồng Tháp" đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với 50 người tham gia để xác định rõ các vấn đề cần cải thiện nhằm tăng cường sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Đồng Tháp. Kết quả cho thấy tổng cộng 06 vấn đề quan trọng mà các nhà quản lí điểm đến cần chú ý, bao gồm: cơ sở vật chất và hạ tầng, loại hình và sản phẩm du lịch, chiến lược quảng bá, nguồn nhân lực, phát triển bền vững và các yếu tố khác như giá cả, hình ảnh điểm đến. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đánh giá sức hấp dẫn điểm đến du lịch Đồng Tháp

  1. ĐÁNH GIÁ SỨC HẤP DẪN ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH ĐỒNG THÁP Nguyễn Văn Vinh1, Chung Lê Khang2 Tóm tắt: Nghiên cứu này đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với 50 người tham gia để xác định rõ các vấn đề cần cải thiện nhằm tăng cường sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Đồng Tháp. Kết quả cho thấy tổng cộng 06 vấn đề quan trọng mà các nhà quản lí điểm đến cần chú ý, bao gồm: cơ sở vật chất và hạ tầng, loại hình và sản phẩm du lịch, chiến lược quảng bá, nguồn nhân lực, phát triển bền vững và các yếu tố khác như giá cả, hình ảnh điểm đến. Những kết quả này cho thấy sức hấp dẫn của Đồng Tháp trong lĩnh vực du lịch vẫn còn hạn chế. Các ý kiến từ cuộc phỏng vấn đã cung cấp thông tin quan trọng, từ đó làm căn cứ cho nhóm tác giả đề xuất các biện pháp quản lý nhằm nâng cao sức hấp dẫn của Đồng Tháp đối với thị trường khách du lịch nội địa. Từ khóa: du lịch Đồng Tháp, đánh giá sức hấp dẫn, điểm đến du lịch, sức hấp dẫn của điểm đến. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sự hấp dẫn của các điểm đến du lịch là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Các công trình mang tính lý luận của (Gearing, 1974) và (Sebastian Vengesayi, 2003) đã chỉ ra rằng sự hấp dẫn của các điểm đến là một vấn đề phức tạp và có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó hầu hết các nghiên cứu tập trung vào sự đánh giá của khách du lịch. Các tác giả này cho rằng sự hấp dẫn của các điểm đến phản ánh những cảm xúc và suy nghĩ từ phía khách du lịch về khả năng làm hài lòng nhu cầu của họ trong chuyến đi. Tuy nhiên, việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn vẫn chưa được thống nhất giữa các nghiên cứu, đặc biệt là việc hệ thống hóa các tiêu chí để xây dựng một cơ sở đánh giá chung về sự hấp dẫn. Điều này tạo ra một khoảng trống lý thuyết cần được chú ý để đi đến một cơ sở chung trong việc xác định và đánh giá sự hấp dẫn của các điểm đến. Đồng Tháp, một địa phương nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng. Ngành du lịch ở Đồng Tháp đang phát triển mạnh mẽ và dần trở thành một trong những ngành kinh tế chính của địa phương, phù hợp với mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2017. Theo dự thảo của “Đề án Phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030”, năm 2019, Đồng Tháp đứng thứ 4 về số lượng khách và thứ 7 về doanh thu du lịch so với các tỉnh, thành phố trong vùng 1 Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 2 Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
  2. 554 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Đồng bằng sông Cửu Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, 2022: 22); năm 2022, sau khi phục hồi từ đại dịch Covid-19, Đồng Tháp đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng như tiếp đón và phục vụ cho 3,5 triệu lượt khách, tăng 135,2% so với cùng kỳ năm 2021, thu về 1.664 tỷ đồng, tăng 195% so với cùng kỳ năm 2021 (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, 2022: 13). Tuy nhiên, ngành du lịch Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế như chuỗi sản phẩm du lịch chưa rõ ràng, cơ sở lưu trú thiếu sức chứa và nguồn nhân lực chưa đạt trình độ chuyên môn cao... Dựa trên các hạn chế về mặt lý thuyết và thực tiễn tại địa phương, nhóm tác giả lựa chọn đề tài “Đánh giá sức hấp dẫn điểm đến du lịch Đồng Tháp” với mục tiêu xác định các yếu tố tác động đến sự hấp dẫn, đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao sự hấp dẫn của điểm đến đối với khách du lịch nội địa. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN 2.1. Cơ sở lý thuyết Du lịch là một thuật ngữ phổ biến, tuy nhiên vẫn chưa có sự đồng thuận trong việc định nghĩa chung. Các tổ chức sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau, ví dụ như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định nghĩa du lịch là “hoạt động chuyến đi đến một địa điểm khác với môi trường sống thường xuyên, ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, giải trí hoặc với các mục đích khác trong thời gian ít hơn một năm.” (Nguyễn Minh Tuệ, 2014: 6). Luật Du lịch 2017 đặt ra rằng du lịch là “các hoạt động liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác” (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2017: 8). Đoàn Thị Hoa, trong quan điểm của mình, coi du lịch như một hoạt động đặc thù, mô tả nó là “tổng hợp các hiện tượng và mối quan hệ phát sinh từ tác động qua lại giữa khách du lịch, nhà kinh doanh, chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình thu hút và tiếp đón khách du lịch” (2018: 5). Từ các định nghĩa trên, có thể tổng kết một số điểm chính về bản chất của du lịch như sau: (1) Du lịch là việc rời khỏi nơi cư trú thường xuyên; (2) Thời gian thực hiện hoạt động du lịch của con người là trên 24 giờ và dưới 01 năm; (3) Mục đích của du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, vui chơi hoặc kết hợp với các mục đích hợp pháp khác, nhưng không bao gồm di cư hay tìm kiếm việc làm; (4) Du lịch còn liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ giữa các đối tượng như khách du lịch, nhà cung ứng, chính quyền và dân cư địa phương. Hiện nay, điểm đến du lịch là một khái niệm rộng, được nhiều tác giả đề cập đến trong nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất về định nghĩa điểm đến du lịch. Có thể kể ra một số định nghĩa được các tác giả sử dụng như sau: Theo UNWTO, điểm đến du lịch là không gian mà khách du lịch lưu trú ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch như dịch vụ hỗ trợ, điểm tham quan và tài nguyên du lịch. Nó
  3. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 555 được đặc trưng bởi ranh giới hành chính rõ ràng, quản lý có tổ chức và có khả năng cạnh tranh trên thị trường (2007: 1). Bùi Xuân Nhàn xem điểm đến du lịch là nơi có những đặc trưng tự nhiên hoặc điểm hấp dẫn nhân tạo có thể thu hút khách tham quan từ địa phương khác, tùy thuộc vào sức hấp dẫn đối với từng loại khách và là nơi khách du lịch đặt chân đến để thỏa mãn nhu cầu du lịch theo mục đích chuyến đi (2009: 33). Nguyễn Văn Mạnh và đồng nghiệp định nghĩa điểm đến du lịch là nơi có thể cảm nhận được qua đường biên giới địa lý, chính trị hoặc kinh tế, có tài nguyên du lịch hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu của du khách (2015: 341). Tác giả cũng phân loại điểm đến theo quy mô từ lớn đến nhỏ. Tóm lại, điểm đến du lịch có không gian địa lý xác định, tập hợp các tài nguyên du lịch có tiềm năng phát triển và yêu cầu khách du lịch lưu trú ít nhất một đêm. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả sử dụng khái niệm và phân loại điểm đến của Nguyễn Văn Mạnh và các đồng nghiệp làm cơ sở cho nghiên cứu của mình. Sức hấp dẫn của điểm đến du lịch là một khái niệm phức tạp và đa chiều, có thể được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau. Theo Sebastian Vengesayi, sức hấp dẫn của một điểm đến phản ánh cảm xúc và quan điểm của du khách về khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ (2008: 638). Lê Thái Phượng và đồng nghiệp cũng nhấn mạnh rằng sức hấp dẫn của điểm đến du lịch phản ánh đánh giá của khách du lịch về khả năng điểm đến đáp ứng nhu cầu của họ, dựa trên các yếu tố cụ thể như tài nguyên du lịch, tiện nghi, cơ sở hạ tầng, và các yếu tố vĩ mô như tình hình chính trị - kinh tế - xã hội, an toàn và chính sách (2021: 212). Các nghiên cứu cũng thể hiện sự đa dạng trong việc tiếp cận sức hấp dẫn của điểm đến. Kresic và Prebezac, chẳng hạn, tập trung vào việc phân tích các yếu tố vật chất như khí hậu, cảnh quan và hoạt động tại điểm đến, đồng thời đề cập đến sự hình thành hình ảnh tinh thần của điểm đến (2011: 499). Đoàn Thị Hoa nhấn mạnh vào khả năng thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch và khả năng cạnh tranh của điểm đến trên thị trường (2008: 1). Sự cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt, khiến điểm đến tập trung vào việc xây dựng hình ảnh và chất lượng dịch vụ để thu hút du khách. Khách du lịch ngày nay có quyền lựa chọn giữa nhiều điểm đến và sản phẩm du lịch khác nhau. Điểm đến nào đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ, sẽ thu hút được sự quan tâm và chọn lựa của khách du lịch. Điều này tạo ra một xu hướng mới, trong đó sức hấp dẫn của điểm đến được đánh giá chủ yếu từ góc độ cung, từ các yếu tố vật chất và hình ảnh hấp dẫn của điểm đến. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ít nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá sức hấp dẫn của điểm đến từ phía cung, và việc xác định các yếu tố ảnh hưởng chưa có sự thống nhất. Điều này tạo ra một thách thức trong việc hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng và phát triển của mỗi điểm đến du lịch 2.2. Cơ sở thực tiễn Tỉnh Đồng Tháp có diện tích tự nhiên là 3.382km2, có địa hình bằng phẳng chia thành hai vùng theo sông Tiền, giáp Campuchia ở phía Bắc và các tỉnh lân cận. Khí hậu là nhiệt đới ẩm gió mùa phù hợp khai thác du lịch quanh năm. Tài nguyên tự nhiên
  4. 556 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... phong phú với cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười và sông ngòi, vườn cây ăn trái. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại hình du lịch như sinh thái, trải nghiệm miệt vườn và sông nước. Các điểm du lịch tự nhiên tiêu biểu như Vườn quốc gia Tràm Chim và Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nơi tập trung nhiều loài sinh vật quý hiếm. Tài nguyên du lịch văn hóa của Đồng Tháp bao gồm các di tích lịch sử và văn hóa, cùng với các lễ hội truyền thống và ẩm thực đặc trưng. Với 101 di tích được xếp hạng và nhiều lễ hội truyền thống, Đồng Tháp thu hút nhiều du khách qua các điểm như Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quýt, hay Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ. Ẩm thực đặc trưng với các món ăn chế biến từ sen, cá và rau cũng là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch ở Đồng Tháp. Từ năm 2016 đến nay, du lịch Đồng Tháp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với lượng khách tăng nhanh, đóng góp vào 4,0 - 5,0% GDP và giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động. Tuy nhiên, mặc dù có lượng khách đến cao, doanh thu chỉ đứng thứ 07 về doanh thu trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, 2022: 22). Cơ sở lưu trú tại Đồng Tháp đã được nâng cấp, đầu tư theo tiêu chuẩn quốc gia, với 96 cơ sở lưu trú tư nhân có tổng số phòng là 1.856. Doanh thu từ hoạt động lưu trú năm 2022 tăng gấp 4,8 lần so với năm 2021, đạt 623.320 tỷ đồng và lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú tăng gấp 3 lần so với năm 2021, đạt 1.518.691 lượt (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, 2022: 13). Các khu, điểm du lịch tiêu biểu tại Đồng Tháp đã được cải thiện về cơ sở vật chất và định hình rõ ràng với 05 khu, điểm được công nhận, cùng với 89 điểm tham quan du lịch cộng đồng. Đồng Tháp đã xây dựng và khai thác 03 loại hình du lịch đặc trưng, bao gồm du lịch sinh thái, du lịch sông nước, và du lịch tham quan di tích văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, 2020: 3). Nhìn chung, tình hình phát triển du lịch tại Đồng Tháp đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Với tài nguyên tự nhiên phúc hậu và di sản văn hóa đa dạng, tỉnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Đây không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho Đồng Tháp mà còn giúp tạo việc làm cho địa phương. Cơ sở lưu trú và các điểm du lịch đã được nâng cấp, cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất và dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức trong việc tối ưu hóa doanh thu du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng sức hấp dẫn đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn trong tương lai. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp phỏng vấn sâu được xem là một công cụ quan trọng trong việc thu thập thông tin chi tiết và cụ thể, đồng thời giúp hiểu rõ nhiều khía cạnh của vấn đề nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành phỏng vấn sâu với một nhóm du khách để khám phá thái độ và cảm nhận của họ về sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Đồng Tháp. Dữ liệu thu thập từ các cuộc phỏng vấn đã được phân tích để
  5. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 557 làm rõ về các yếu tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách đối với hoạt động du lịch tại điểm đến này. Quá trình này đã mở ra nhiều khía cạnh mới trong nghiên cứu và đóng góp vào việc hiểu sâu hơn về đề tài. Tổng cộng, đã thực hiện 50 cuộc phỏng vấn sâu, với một mẫu đa dạng được lựa chọn để đảm bảo tính đại diện cho các nhóm du khách có đặc trưng nhân khẩu học và xã hội khác nhau. 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Kết quả khảo sát, phỏng vấn từ 50 đáp viên với câu hỏi “Theo anh/chị điểm đến du lịch Đồng Tháp cần cải thiện vấn đề nào để tăng sức hấp dẫn đối với du khách?”. Thông qua việc khảo sát và tổng hợp các ý kiến của khách du lịch nội địa, nghiên cứu nhận thấy có 06 vấn đề cần được các nhà quản lí điểm đến quan tâm bao gồm: (1) Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng; (2) Loại hình và sản phẩm du lịch; (3) Quảng bá; (4) Nhân lực; (5) Phát triển bền vững; (6) Các ý kiến khác (giá cả, hình ảnh điểm đến...). Qua đó cho thấy, sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Đồng Tháp còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Nhóm ý kiến về cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng: Khách du lịch cho rằng cần có biện pháp cải thiện, nâng cao và đầu tư thêm đối với cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch; các nhà hàng, khách sạn; các cơ sở mua sắm đặc sản địa phương, quà lưu niệm... Bên cạnh đó, đa số các ý kiến cho rằng cần quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông như đường xá, đèn điện, các phương tiện kết nối khu, điểm du lịch. Vấn đề được rút ra từ kết quả 25 cuộc phỏng vấn của các đáp viên số 1, 5, 6, 11, 12, 14, 17, 18, 19, 22, 23, 24, 25, 29, 31, 32, 33, 34, 36, 38, 40, 41, 47, 48, 50 (phụ lục Kết quả phỏng vấn). Nhóm ý kiến về loại hình và sản phẩm du lịch: Cần chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ của các loại hình và sản phẩm du lịch hiện có; đầu tư thêm các hoạt động mới (các hoạt động về đêm, các dịch vụ chăm sóc và nghỉ dưỡng) để đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch, đồng thời quá trình phát triển và đầu tư cần hướng đến mục tiêu tạo sự khác biệt, thể hiện tính đặc trưng của địa phương. Vấn đề được rút ra từ kết quả 15 cuộc phỏng vấn của các đáp viên số 1, 2, 3, 8, 9, 10, 16, 17, 19, 28, 31, 42, 45, 48, 49 (phụ lục Kết quả phỏng vấn). Nhóm ý kiến về quảng bá: Các ý kiến cho rằng cần tận dụng đa nền tảng và quảng bá rộng rãi hơn về các đặc trưng của điểm đến Đồng Tháp như các khu, điểm du lịch; các giá trị văn hóa, lịch sử, các làng nghề... Vấn đề được rút ra từ kết quả 11 cuộc phỏng vấn của các đáp viên số 1, 4, 7, 8, 18, 20, 26, 27, 32, 39, 45 (phụ lục Kết quả phỏng vấn). Nhóm ý kiến về nguồn nhân lực: Cần được quan tâm, đào tạo và cải thiện hơn về chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ phục vụ đối với khách du lịch. Vấn đề được rút ra từ kết quả 6 cuộc phỏng vấn của các đáp viên số 21, 31, 32, 33, 40, 43 (phụ lục Kết quả phỏng vấn). Nhóm ý kiến về phát triển bền vững: Các ý kiến hầu hết cho rằng cần quan tâm đến vấn đề giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; đề cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái đối
  6. 558 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... với khách du lịch; cần khai thác kết hợp với bảo vệ tài nguyên, tránh các tác động tiêu cực đến môi trường và phải hướng đến sự phát triển lâu dài. Vấn đề được rút ra từ kết quả 6 cuộc phỏng vấn của các đáp viên số 13, 30, 31, 35, 44, 46 (phụ lục Kết quả phỏng vấn). Nhóm ý kiến khác: Các ý kiến này quan tâm đến vấn đề giá cả (kết quả phỏng vấn số 9, 47) và hình ảnh điểm đến: cảnh quan tại các khu, điểm du lịch... (Kết quả phỏng vấn số 35, 37, 49) (phụ lục Kết quả phỏng vấn). 5. HÀM Ý NGHIÊN CỨU VÀ KẾT LUẬN Các ý kiến từ đáp viên góp phần cung cấp thêm căn cứ để nhóm tác giả đề xuất các hàm ý quản trị nhằm tăng sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Đồng Tháp đối với khách du lịch nội địa. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị giúp nâng cao sức hấp dẫn đối với khách du lịch nội địa. Một là, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng Cần thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng sử dụng của các trang thiết bị và chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú nhằm nhanh chóng phát hiện và có biện pháp đối với các vấn đề tại điểm đến. Để thực hiện có hiệu quả, các nhà quản lí cần xây dựng các bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn hiện hành tại Việt Nam; bên cạnh đó cần đảm bảo thực hiện định kỳ nhằm duy trì chất lượng của dịch vụ. Đối với vấn đề lưu trú cần nghiên cứu, đầu tư thêm các cơ sở có sức chứa lớn, đáp ứng cho các đoàn khách đông người. Cần đầu tư, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; nghiên cứu bổ sung các tuyến xe buýt nhằm kết nối các khu điểm du lịch, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết của địa phương. Hai là, đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch, hướng đến sự phát triển mang tính khác biệt và bền vững Tiếp tục triển khai thực hiện các loại hình và sản phẩm du lịch có hiệu quả trên bàn như loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, tâm linh... cùng các sản phẩm du lịch như: chèo xuồng trong kênh rạch, tham quan vườn trái cây... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung thêm các hoạt động vui chơi tại khu, điểm du lịch; đưa vào loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có, xác định đối tượng khách hàng và mức chi trả đối với hoạt động. Đặc biệt, cần quan tâm đến tính khác biệt bằng cách khẳng định thương hiệu của tỉnh trong các hoạt động du lịch; tận dụng các nguồn tài nguyên đặc trưng để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Các nhà quản lí du lịch cũng cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai và thực hiện có hiệu quả các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững; áp dụng thử nghiệm các bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững nhằm tạo cơ sở cho việc đánh giá tình hình phát triển tại địa phương, từ đó, có các định hướng nhằm góp phần phát triển du lịch một cách lâu dài.
  7. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 559 Ba là, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Đồng Tháp Đồng Tháp đang phát huy tốt hệ thống nhận diện thương hiệu của địa phương thông qua logo, các slogan quảng bá và biểu tượng bé Sen. Trên cơ sở đó, cần đẩy mạnh hệ thống thương hiệu vào các phương tiện truyền thông đại chúng, góp phần định vị hình ảnh du lịch của địa phương, quảng bá rộng rãi hơn đến với khách du lịch. Cần nghiên cứu, kiểm tra, cập nhật thông tin tại các trang web quảng bá du lịch; kết nối với các báo đài nhằm truyền tải thông tin một cách rộng rãi hơn; tham gia các hội chợ du lịch thường niên để kết nối với khách du lịch, các công ty đối tác; nghiên cứu xây dựng các kênh truyền thông tại các nền tảng mạng xã hội nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng. Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Cần thường xuyên kiểm tra chuyên môn của đội ngũ nguồn nhân lực nhằm rà soát, phân loại trình độ chuyên môn để tạo cơ sở cho việc tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo trong bối cảnh du lịch có nhiều thay đổi như hiện nay; cần có chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia đến thực hiện khảo sát, nghiên cứu; cần có các đề án nhằm hỗ trợ, khích lệ đối với các nghệ nhân để họ tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị tại các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các nhà quản lí điểm đến cần có biện pháp tuyên truyền đối với người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch, khuyến khích người tham gia vào đội ngũ nhân lực; định hình và xây dựng phong cách chuyên nghiệp, thái độ niềm nở đối với du khách, hướng đến mục tiêu mỗi người dân là một đại sứ du lịch. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ, có chuyên môn, nghiệp vụ tốt để làm việc trong các vị trí phù hợp để tạo động lực phát triển cho nhân lực của địa phương. Năm là, thu hút đầu tư Chủ động tìm kiếm các nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án đã đề ra; tích cực, chủ động tham gia các tổ chức xúc tiến về du lịch nhằm tiếp cận gần hơn đến các nhà đầu tư; giải quyết các dự án còn tồn đọng nhằm tạo ra môi trường đầu tư uy tín, có các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các cá nhân, tổ chức đến với Đồng Tháp; lập kế hoạch và sử dụng hợp lí, có hiệu quả nguồn ngân sách từ Trung ương. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Xuân Nhàn (2009). Marketing du lịch. Hà Nội: Đại học Thương mại. 2. Charles Edward Gearing, William Swart, Turgut Var (1974). Establishing a measure of touristic attractiveness. Journal of Travel Research, vol. 12, no. 4, 1-8. 3. Damir Krešić, Darko Prebežac (2011). Index of destination attractiveness as a tool for destination attractiveness assessment. Tourism: An International Interdisciplinary Journal, 59(4), pp.497-517.
  8. 560 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... 4. Đoàn Thị Hoa (2018). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sức hấp dẫn điểm đến du lịch biển đảo Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Luận văn Thạc sĩ. Ngành Kinh tế phát triển. Trường Đại học Nha Trang. Khánh Hòa. 5. Lê Thái Phượng, Tô Văn Hạnh, Phạm Thị Chi (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng đối với khách du lịch nội địa trong bối cảnh Covid - 19. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, Số 226(18), 211-202. 6. Nguyễn Minh Tuệ (2014). Địa lí du lịch. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Giáo dục Việt Nam. 7. Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Đình Hòa (2015). Giáo trình marketing du lịch. Hà Nội: NXB Đại học Kinh tế Quốc dân. 8. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Du lịch. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. 9. Sebastian Vengesayi (2003). A conceptual model of tourism destination competitiveness and attractiveness. ANZMAC 2003 Conference Proceedings Adelaide 01-03/12/2003: 637-647. 10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (2023). Dự thảo đề án Phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030. Đồng Tháp. 11. UBND tỉnh Đồng Tháp (2020). Số liệu thống kê liên quan công tác quản lí khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Đồng Tháp. 12. World Tourism Organization (2007). A practical guide to tourism destination management. World Tourism Organization. Phụ lục: Kết quả phỏng vấn Bảng: Ý kiến và vấn đề rút ra từ ý kiến của các đáp viên STT Ý KIẾN CỦA KHÁCH DU LỊCH VẤN ĐỀ ĐƯỢC RÚT RA - Loại hình và sản phẩm du lịch Để tăng sức hấp dẫn cho du khách tại Đồng Tháp, có thể cải thiện dịch vụ du lịch, 1 phát triển các tour trải nghiệm độc đáo, nâng cao chất lượng hạ tầng và quảng bá - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng hiệu quả về văn hóa, lịch sử đặc trưng của địa phương (Nữ, 21 tuổi, sinh viên). - Quảng bá Theo tôi thì điểm du lịch Đồng Tháp nên quan tâm đến việc mở rộng các địa điểm 2 - Loại hình và sản phẩm du lịch tham quan du lịch để du khách có thể có nhiều lựa chọn hơn (Nữ, 18 tuổi, sinh viên). Tôi thấy rằng du lịch Đồng Tháp còn ít loại hình du lịch, nên cần đầu tư thêm các loại 3 - Loại hình và sản phẩm du lịch hình du lịch mới để khách du lịch có nhiều sự lựa chọn hơn (Nam, 18 tuổi, sinh viên). Hiện tại Đồng Tháp có những địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng hoạt động quảng bá 4 tuyên truyền các địa điểm ấy chưa thực sự rộng rãi và thu hút khách (Nữ, 23 tuổi, - Quảng bá sinh viên). Tôi nhận thấy, vấn đề vệ sinh tại một số điểm du lịch còn khá hạn chế: nhà vệ sinh 5 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng chưa được sạch sẽ, số lượng ít... (Nam, 25 tuổi, viên chức - người lao động).
  9. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 561 Theo tôi, cần nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là 6 vấn đề giao thông: đường xá cần được hoàn thiện hơn, đầu tư thêm hệ thống chiếu - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng sáng... (Nữ, 18 tuổi, sinh viên). Hiện nay, điểm đến du lịch Đồng Tháp còn một vài hạn chế trong quảng bá, các trang web của địa phương chưa cập nhật các điểm tham quan mới, lượng thông 7 - Quảng bá tin tại các web còn ít, các quảng cáo của địa phương chưa thu hút (Nữ, 24 tuổi, viên chức - người lao động). Đa phần du khách đến Đồng Tháp theo dạng ghé tham quan một vài điểm hoặc chỉ - Loại hình sản phẩm du lịch 8 ở 1 đêm. Em nghĩ cần có thêm các lễ hội thu hút hơn, đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn các điểm du lịch sinh thái, khu du lịch… (Nữ, 21 tuổi, sinh viên). - Quảng bá Tôi cảm thấy giá cả các sản phẩm lưu niệm tại một số điểm du lịch còn chưa hợp lí. - Giá cả 9 Đồng thời chất lượng của một số hoạt động tại các điểm du lịch chưa hấp dẫn như dịch vụ trò chơi dân gian tại khu di tích Xẻo Quýt... (Nữ, 22 tuổi, sinh viên). - Loại hình và sản phẩm du lịch Càng tận dụng những tài nguyên du lịch sinh thái sẵn có tại Đồng Tháp và kết hợp với 10 những loại hình du lịch mới, hấp dẫn hơn để tạo ra điểm khác biệt giữa du lịch sinh - Loại hình và sản phẩm du lịch thái Đồng Tháp với du lịch sinh thái tại các tỉnh miền tây khác (Nữ, 22 tuổi, sinh viên). Theo tôi tỉnh Đồng Tháp cần cải thiện vấn đề cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch, cần 11 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng đầu tư nhiều hơn nữa về các điểm vui chơi, giải trí (Nữ, 22 tuổi, sinh viên). Đồng Tháp cần đầu tư nhiều hơn về khách sạn, nhà hàng và cơ sở hạ tầng đèn 12 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng đường... (Nam, 28 tuổi, viên chức - người lao động). 13 Ở đâu cũng vậy, yếu tố môi trường xanh sạch là quan trọng nhất (Nữ, 19 tuổi, sinh viên). - Phát triển bền vững Cần điều chỉnh về phương tiện giao thông như có thêm nhiều tuyến giao thông công 14 cộng kết nối các điểm du lịch trong địa phương, nâng cao chất lượng phương tiện - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng công cộng (Nam, 19 tuổi, sinh viên). Cần cải thiện yếu tố đặc tính hỗ trợ và yếu tố giải trí - mua sắm bằng việc tăng cường 15 các điểm mua sắm đặc sản và quà lưu niệm, mở rộng sức chứa của các cơ sở lưu trú... - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng (Nam, 18 tuổi, sinh viên). Tôi nghĩ là cần thêm khu dịch sinh thái nữa nhằm tận dụng các nguồn tài nguyên vốn 16 - Loại hình và sản phẩm du lịch có và đáp ứng được nhu cầu ngày đa dạng của khách du lịch (Nam, 22 tuổi, sinh viên). Cần phải tập trung phát triển công viên, tạo không gian vui chơi giải trí cho khách du - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng 17 lịch, kết hợp cùng với hoạt động chợ đêm để tăng sức hút đối với điểm đến du lịch Đồng Tháp (Nam, 18 tuổi, sinh viên). - Loại hình và sản phẩm du lịch Tôi cho rằng việc quảng bá cần được đẩy mạnh hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng như Tik Tok, Youtube, Facebook của địa phương. Ngoài ra, cần quan - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng 18 tâm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng như đường xá, cảnh quan đô thị để tạo dựng - Quảng bá hình ảnh hấp dẫn trong mắt du khách (Nữ, 19 tuổi, sinh viên). Đầu tư xây dựng các địa điểm du lịch nghiêm túc hơn, phương tiện di chuyển có - Loại hình và sản phẩm du lịch 19 nhiều sự lựa chọn cho du khách, đầu tư về vấn đề ăn uống, khu vui chơi giải trí cần nhiều trò chơi đa dạng hấp dẫn hơn (Nữ, 22 tuổi, sinh viên). - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng
  10. 562 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh các khu du lịch, các làng nghề, các giá trị văn hoá, 20 di tích lịch sử... trên nhiều nền tảng để du khách có thể biết đến, thấy thích thú và - Quảng bá tìm đến Đồng Tháp để trải nghiệm, tham quan (Nữ, 18 tuổi, sinh viên). Tôi cho rằng, cần quan tâm đến chuyên môn và thái độ phục vụ của nhân viên và 21 - Nguồn nhân lực người lao động tại các điểm du lịch (Nữ, 38 tuổi, doanh nhân). Theo tôi, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm 22 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng tại các cơ sở ăn uống (Nữ, 41 tuổi, doanh nhân). Tôi nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm nhiều hơn để 23 đảm bảo sức khỏe cũng như sự hài lòng của du khách đối với điểm đến Đồng Tháp - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng (Nam, 35 tuổi, viên chức - người lao động). Tôi thấy rằng quy mô của dịch vụ lưu trú tại Đồng Tháp chưa cao, nên cần nghiên 24 cứu, đầu tư và mở rộng thêm các khách sạn có tiêu chuẩn cao, sức chứa lớn (Nữ, 29 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng tuổi, doanh nhân). Theo tôi, các phương tiện công cộng cần được đầu tư, kết nối các điểm du lịch với 25 nhau để khách du lịch có thể tự do lựa chọn phương tiện và dễ dàng tiếp cận các - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng điểm du lịch tại địa phương (Nam, 23 tuổi, viên chức - người lao động). Tôi nhận thấy Đồng Tháp chưa xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, nên 26 cần có các chính sách và giải pháp nhằm tăng cường quảng bá, đưa hình ảnh điểm đến - Quảng bá Đồng Tháp đến gần hơn với công chúng (Nam, 33 tuổi, viên chức - người lao động). Theo tôi, nên có nhiều giải pháp để quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Tháp hơn nữa, 27 - Quảng bá để du khách có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn (Nữ, 22 tuổi, sinh viên). Ngoài các loại hình hiện tại, tôi nghĩ rằng điểm đến du lịch Đồng Tháp cần đầu tư 28 - Loại hình và sản phẩm du lịch thêm các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe (Nữ, 22 tuổi, sinh viên). Cần có thêm các cơ sở lưu trú từ 4 sao trở đi để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, 29 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng giải trí... (Nữ, 21 tuổi, sinh viên). Tôi nghĩ không cần cải thiện điểm đến du lịch đã rất đẹp, mà để tăng sức hấp dẫn đối với du khách thì tôi nghĩ du khách cần phải có ý thức hơn về bảo vệ môi trường 30 - Phát triển bền vững hạn chế xả rác, nếu được như vậy thì Đồng Tháp có thể đẹp hơn (Nữ, 22 tuổi, viên chức - người lao động). Đa dạng hóa các dịch vụ du lịch. Cải thiện các tuyến đường đến các điểm tham quan. - Loại hình và sản phẩm du lịch Khai thác phải kết hợp với bảo vệ để tránh việc tài nguyên du lịch xuống cấp. Tăng - Phát triển bền vững 31 cường training cho nhân viên về nghiệp vụ, luôn cập nhật những xu hướng mới để có cách đáp ứng nhu cầu của một thị trường luôn thay đổi như hiện nay (Nam, 20 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng tuổi, sinh viên). - Nguồn nhân lực - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng Vấn đề về phương tiện di chuyển, các hoạt động thực tế cho du khách, sự hiếu khách 32 - Nguồn nhân lực và nâng cao truyền thông (Nữ, 22 tuổi, sinh viên). - Quảng bá
  11. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 563 Tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp từ bản chất địa phương, cơ sở vật chất sạch sẽ, - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng 33 phong cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình (Nữ, 42 tuổi, doanh nhân). - Nguồn nhân lực Hiện nay, tôi nhận thấy điểm đến du lịch Đồng Tháp còn khá vắng các điểm du lịch, 34 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng các cửa hàng ăn uống, mua sắm (Nữ, 30 tuổi, buôn bán). Tôi cho rằng, môi trường cảnh quan cần được chú trọng hơn nữa, đầu tư hơn nhằm - Hình ảnh điểm đến 35 tăng sức hút đối với du khách nhưng cũng đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài của môi trường (Nữ, 42 tuổi, buôn bán). - Phát triển bền vững Tôi thấy nhiều tuyến đường dẫn vào các điểm du lịch còn nhỏ, tải trọng tương đối 36 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng thấp nên cần đầu tư mở rộng và nâng cao tải trọng (Nam, 20 tuổi, sinh viên). Theo tôi, cần chú trọng tạo dựng hình ảnh điểm đến gần gũi, thân thiện, kết hợp 37 với các biểu tượng của Đồng Tháp nhằm tăng sức hút đối với khách du lịch (Nữ, 20 - Hình ảnh điểm đến tuổi, sinh viên). Tôi cho rằng, điểm đến Đồng Tháp cần khắc phục thêm các vấn đề về chất lượng hệ 38 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng thống đường bộ, hệ thống đèn chiếu sáng... (Nam, 20 tuổi, sinh viên). Theo tôi, du lịch Đồng Tháp nên có nhiều hoạt động quảng bá hơn nữa (Nam, 32 39 - Quảng bá tuổi, buôn bán). Theo tôi, cần thêm dịch vụ giải trí, mua sắm, ăn uống của địa phương; có các phương - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng 40 tiện kết nối với thành phố; tăng cường hướng dẫn viên tại điểm (Nam, 45 tuổi, doanh nhân). - Nguồn nhân lực Nâng cấp hoạt động giao thông vận tải, đa dạng hóa, tạo sức hấp dẫn về hình thức, 41 - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng về phương tiện để thu hút du khách (Nam, 52 tuổi, viên chức - người lao động). Nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức hấp dẫn, cuốn hút trong các hoạt động du lịch 42 - Loại hình và sản phẩm du lịch (Nữ, 46 tuổi, viên chức - người lao động). Theo tôi, hướng dẫn viên tại điểm cần hoạt ngôn hơn, tương tác và trao đổi với khách 43 - Nguồn nhân lực du lịch nhiều hơn (Nữ, 20 tuổi, sinh viên). Theo tôi, cần chủ động đầu tư một cách chuyên nghiệp, không qua loa, hướng tới 44 phục vụ lâu dài, đồng thời cần chú trọng hơn về sinh thái vì phải bảo tồn thiên nhiên - Phát triển bền vững (Nam, 21 tuổi, sinh viên). Quảng bá nhiều hơn, cụ thể rõ ràng nhiều điểm du lịch, làm đa dạng hơn (Nữ, 27 - Quảng bá 45 tuổi, nghiên cứu sinh). - Loại hình và sản phẩm du lịch Tôi cho rằng khai thác cần kết hợp với bảo tồn vì tài nguyên có nguy cơ xuống cấp và 46 - Phát triển bền vững chủ động đi theo xu hướng để thu hút khách du lịch (Nam, 20 tuổi, sinh viên). Tôi nghĩ rằng các điểm du lịch cần có bảng giá niêm yết công khai tại các khu dịch vụ ăn uống, mua sắm; mở rộng và đầu tư thêm nhiều mặt hàng đặc sản của địa phương. - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng 47 Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển tại các khu điểm du lịch cũng cần được nâng - Giá cả cấp, đảm bảo an toàn cho du khách (Nữ, 20 tuổi, sinh viên).
  12. 564 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Tôi nghĩ rằng Đồng Tháp cần có nhiều hoạt động về đêm như mô hình chợ đêm, các - Loại hình và sản phẩm du lịch 48 khu vui chơi, giải trí... Đồng thời, cần đầu tư thêm các phương tiện vận chuyển như xe điện tham quan... (Nữ, 42 tuổi, buôn bán) - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng Theo tôi, Đồng Tháp cần hoàn thiện hơn về hệ thống đường giao thông; cũng như - Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng tạo dựng hình ảnh của một điểm đến tiện lợi, dễ kết nối và chú trọng thêm việc mở 49 - Hình ảnh điểm đến rộng các hoạt động vui chơi, giải trí theo xu hướng của thời buổi hiện nay (Nữ, 42 tuổi, buôn bán). - Loại hình và sản phẩm du lịch Đầu tư lại nhiều hơn các gian hàng với đa dạng hàng hóa, có nét đặc trưng riêng 50 - Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng mang tên khu du lịch sinh thái (Nữ, 24 tuổi, viên chức - người lao động). Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ kết quả phỏng vấn, 2024
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2