intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Danh thần xứ Nghệ với nghìn năm Thăng Long

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

88
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đã nói danh sĩ, danh tướng phải đề cập đến danh thần. Nhiều danh sĩ, danh tướng đã trở thành danh thần. Danh thần là gì? Thần là bề tôi, chỉ người làm quan có tiếng giỏi. Theo sử sách, danh thần xứ Nghệ đều là những người tài giỏi, có nhân cách, có nghĩa khí, trọng đạo lý làm người, sống gần gũi quần chúng, yêu nước, dám cản việc trái, dám trình bày việc phải mà không sợ những kẻ có chức trọng, quyền cao hơn, mang nhiều chính nghĩa cao. ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Danh thần xứ Nghệ với nghìn năm Thăng Long

  1. Danh thần xứ Nghệ với nghìn năm Thăng Long Đã nói danh sĩ, danh tướng phải đề cập đến danh thần. Nhiều danh sĩ, danh tướng đã trở thành danh thần. Danh thần là gì? Thần là bề tôi, chỉ người làm quan có tiếng giỏi. Theo sử sách, danh thần xứ Nghệ đều là những người tài giỏi, có nhân cách, có nghĩa khí, trọng đạo lý làm người, sống gần gũi quần chúng, yêu nước, dám cản việc trái, dám trình bày việc phải mà không sợ những kẻ có chức trọng, quyền cao hơn, mang nhiều chính nghĩa cao. Đã nói danh sĩ, danh tướng phải đề cập đến danh thần. Nhiều danh sĩ, danh tướng đã trở thành danh thần. Danh thần là gì? Thần là bề tôi, chỉ người làm quan có tiếng giỏi. Theo sử sách, danh thần xứ Nghệ đều là những người tài giỏi, có nhân cách, có nghĩa khí, trọng đạo lý làm người, sống gần gũi quần chúng, yêu nước, dám cản việc trái, dám trình bày việc phải mà không sợ những kẻ có chức trọng, quyền cao hơn, mang nhiều chính nghĩa cao. Học rộng, đỗ cao, có nhiều công lớn đối với tổ quốc giang sơn, kẻ văn, người võ. Khi chiến tranh cũng như hòa bình, họ đều nuôi một ý chí tiết tháo, một hoài bão muốn giúp ích nước nhà. Hoài bão muốn giúp ích nước nhà ấy, tùy từng lúc từng thời, từng quan niệm mà có nội dung khác nhau, song nhìn chung, gặp lúc nợ nước thù nhà phải trả, hay lúc triều đình cần có mưu, có trí tuệ sáng suốt để giữ nền bình trị, để ứng phó với ngoại bang, để giữ thể diện quốc gia,… họ đều giữ vững châm ngôn vàng đá: “Giàu sang không bị cám dỗ, uy vũ không bị khuất phục”. Đã làm cha mẹ dân, từ lúc đi học họ đã nghĩ đến câu: “Cách vật trí tri, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nói đến các danh thần xứ Nghệ, Nguyễn Xuân Ôn có câu thơ: Non nước Châu Hoan đẹp tuyệt vời Sinh ra trung nghĩa biết bao người1 Họ coi: Sống có võng lọng là sống nhớp
  2. Chết không đao gươm là chết nghiệp2 Gặp lúc gian nan họ không nghiêng ngả mà luôn giữ lòng cô trung. Tấm lòng cô trung của họ, quân địch phải sợ hãi “Nhất phiến cô trung tặc đởm hàn” (Phan Đình Phùng). Bài viết này chỉ đề cập một số danh thần xứ Nghệ từ Hậu Lê, tức là từ cuối đời Lê Chiêu Thống (1787-1788) trở về trước, thời gian thủ đô ở Thăng Long. Dưới đây là một số danh thần tiêu biểu được sử sách nói đến nhiều: 1. Hồ Tông Thốc (Thế kỷ XIV): Danh thần đời Trần, người làng Thổ Thành, xã Thái Trạch, nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, đỗ trạng nguyên những năm Thiệu Khánh (1370-1372), đời vua Trần Nghệ Tông được giữ chức Học sĩ Viện Hàn lâm, sau đó vào cuối đời Trần Phế Đế (1377-1388), ông được thăng đến chức An phủ sứ rồi Thừa chỉ Viện Hàn lâm, kiêm Trung thư lệnh Viện thẩm hình, tước Đường quận công. Thời gian làm Trung thư lệnh Viện thẩm hình, ông đã từng truy tố, xét hỏi nhiều vụ kiện một cách ngay thẳng, công minh, trừng trị nhiều tham quan ô lại. Một lần đi sứ nhà Nguyên (Trung Quốc), qua đền thờ Hạng Vũ, ông có đề bài thơ chữ Hán, mà đây là bản dịch: Non nước trăm hai ruổi bụi hồng,3 Đem đoàn tử đệ đến Quan Trung4. Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh,5 Tuyết rã Hồng Môn đấu ngọc không6. Thua chạy trời xui đường Trạch Tả7, Quay về đất lấp nẻo Giang Đông8. Năm năm lặn lội hoài công cốc, Còn được vùi trong mả Lỗ Công9.
  3. Bài thơ cho Hạng Vũ là một anh hùng cái thế, song xoay thiên hạ không lấy trí, lấy nhân làm gốc, mà chỉ lấy cường lấy bạo làm chính, dùng hình pháp trái thường, hung uy quá tệ,… nên cuối cùng thất bại thảm hại. Bài thơ cho ta thấy rõ sĩ khí của một danh thần Đại Việt. 2. Nguyễn Biểu (?- 1413): Danh thần đời Hậu Trần, quê ở xã Bà Hồ, sau đổi là Minh Hồ, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) thời cuối Trần. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần (1409- 1413), khi vua Trần Trùng Quang lãnh đạo, được giữ chức Điện tiền thị ngự sử. Vì không hiểu đúng dã tâm của kẻ thù, vua Trần Trùng Quang muốn dùng thương lượng để giành lại quyền tự chủ. Năm 1413, mặc dù đã phải rút quân vào Hóa Châu (Huế), Trùng Quang vẫn cử ông làm sứ thần sang nhà Minh cầu phong. Khi đi qua vùng Nghệ An, tướng Minh là Trương Phụ cho bắt ông lại. Vốn là người yêu nước lại bất khuất nên khi Trương Phụ bắt ông lạy, ông không chịu. Giặc bày tiệc, dọn cỗ đầu người mời ông ăn. Ông bình tĩnh, dùng đũa khoét lấy mắt rồi nuốt. Trương Phụ kinh dị, đã thả ông đi. Nhưng vừa đến sông Yên Quốc thì giặc cho người đuổi theo bắt ông lại. Biết rõ dã tâm của giặc, ông bèn viết vào cầu 7 chữ “Nhất nguyệt, thất nhật, Nguyễn Biểu sử” (Ngày mồng 7 tháng 7, Nguyễn Biểu chết). Trở lại thành Nghệ An, ông đã mắng vào mặt Trương Phụ “Trong lòng thì mưu lấy nước người ta mà ngoài mặt thì phô trương là quân nhân nghĩa, đã hứa lập con cháu họ Trần mà lại lập quận huyện; không những cướp của cải mà còn sát hại sinh dân, thật là quân giặc bạo ngược”. Đúng như ông dự đoán, Trương Phụ tức giận đã sai trói ông ở cột cầu Yên Quốc, để nước lên dìm chết. Đời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông tuyên dương tiết nghĩa, cho lập đền thờ ông ở Bình Hồ, phong là Nghĩa Sĩ đại vương. Một danh sĩ đã đề câu liễn: Ma tặc thất thanh thiên địa động Đề kiều thất tự cổ kim bi. Dịch nghĩa:
  4. Chửi giặc một thôi đất trời cảm động Đề câu bảy chữ, xưa nay (mọi người) đều thương xót. 3. Bùi Cầm Hổ (1390-1483): Danh thần thời Lê sơ, quê làng Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, nay cũng là xã Đậu Liêu thuộc thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Lúc nhỏ du học ở kinh sư, nổi tiếng là thông minh, tuấn tú, đặc biệt về việc minh oan cho một phụ nữ trong vụ án dâng cháo lươn cho chồng ăn, chồng bị chết. Việc đến tai Lê Thái Tổ, vua cho làm quan đến chức Đô đài ngự sử. Không qua thi cử mà được cất nhắc làm quan cao, buổi đầu đình thân không chịu, song qua một số việc cụ thể, nhất là hôm lễ ở Thái miếu, họ tâu với vua là cử ông đọc văn tế. Đang đọc, có người chơi khăm, đèn nến trên điện bỗng tắt, ông cứ đọc trầm không sai một chữ. Vua càng khen là người có tài. Năm Ất Mão (1433), Lê Lợi cử ông sung chức phó sứ sang Trung Quốc. Người Minh bảo ông: “Về gây nổi loạn trong triều chính sẽ phong vương cho”. Ông đáp: “Tôi sang đây, vâng lệnh vua giữa quốc thể, không phải để phản lại vua tôi, bán nước cho quý quốc”. Người Minh giận lắm song cũng rất phục ông. Đời vua Lê Thái Tông, năm 1438, ông xin chứa lương thực để đề phòng việc biên ải phía Bắc. Vua nghe theo. Mùa đông năm ấy, ông lại được sung làm phó sứ sang Minh để giải quyết việc rắc rối về biên giới thuộc địa phương phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây. Ông đã hoàn tất mọi việc một cách tốt đẹp. Thời Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), ông được thăng làm Tham tri chính sự. Trải thờ 3 triều vua, lúc nào cũng thanh liêm chính trực, có nhiều kế sách hay, nổi tiếng danh thần một thời. 4. Ngô Trí Hòa (1563-1628): Danh thần thời Lê, quê xã Lý Trai, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, con của Ngô Trí Trai. Lúc nhỏ thông minh, học giỏi, nổi tiếng là thần đồng. Năm 28 tuổi ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Nhâm Thân, niên hiệu Quang Hưng (1592). Cùng khoa ấy, cha ông là Ngô Trí Tri đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ.
  5. Ngô Trí Hòa làm quan nhiều nơi: Sơn Tây, Thanh Hóa, rồi về triều. Làm quan đến chức Hiệp mưu tá lý dực vận tán trị công thần, Hộ bộ thượng thư kiêm Tế tửu quốc tử giám rồi lên đến chức Thiếu Bảo, tước Phú Xuân hầu. Khi đi sứ nhà Minh, ông đối đáp giỏi, làm tròn sứ mệnh vua, rạng rỡ sứ thần Đại Việt10. Những năm Hoằng Định (1601-1619), được cử làm tướng đem quân đánh giặc ở Hải Dương, Lạng Sơn, Sơn Tây, Tuyên Quang, được tấn phong Dực vận công thần. Như vậy, ông là người văn võ kiêm toàn. Ngô Trí Hòa nổi tiếng về một bài Khải gửi cho chúa Trịnh Tùng, nêu 6 điều cần thiết để sửa sang chính trị, trong 6 điều thì 5 điều nói đến dân: nuôi sức dân, không phiền dân, giúp dân có của thừa, để dân ở yên lành và bảo vệ tính mệnh cho dân. Ở quê, ông chiêu dân lưu tán, thành lập một khu dân cư, đó là thôn Đông Trai, giúp dân làng Phương Lịch đắp đê ngăn mặn, lại mở chợ, khai hoang, làm lợi lâu dài cho dân. Khi mất được tặng Thái phó, tước Xuân quận công. Triều đình hạ chiếu cho lập đền thờ và giao Tiến sĩ Thượng thư Nguyễn Nghi viết văn bia. Hiện có câu đối: Lưỡng quốc Trạng nguyên, thiên hạ hữu, Đồng khoa phụ tử, thế gian vô Dịch: Trạng nguyên hai nước, thiên hạ có Phụ tử đồng khoa, thế gian không Và tấm bia đá khắc bài văn bia nói trên dài 2.662 chữ. 5. Hồ Sĩ Dương (1621-1681): Danh thần đời Hậu Lê. Người xã Hoàn Hậu nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Xuất thân nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi ông ăn học. Tư chất thông minh, học rất giỏi. Hoàn cảnh lúc nhỏ rất
  6. khó khăn. Ông và mẹ ông phải lấy đình chợ Nồi làm nhà và hàng ngày ngồi bán nước ở chợ Nồi để sống qua ngày. Bước đường khoa cử của ông cũng lận đận. Thi hương đỗ giải Nguyên năm Ất Dậu (1645), nhưng mãi đến năm Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức 4 (1652) ông mới đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Năm Vĩnh Thọ 2 (1659), đậu khoa Đông các, đứng thứ 2. Ông làm quan đến chức Tham tụng kiêm thượng thư Bộ Hình, kiêm Đông các đại học sĩ, Giám tu quốc sử, rồi cùng Phạm Công Trứ, được giao sửa lại bộ Đại Việt sử ký tục biên. Tác phẩm có Trùng san Lam Sơn thực lục, Trung Hưng thực lục, Hoan Châu phong thổ ký, Hồ thượng thư gia lễ. Trong thời gian làm quan, khi giữ chức Binh bộ tả thị lang đã có lần ông được cử làm Chánh sứ sang triều đình nhà Thanh và 5 lần được cử đi giao thiệp tranh cãi với nhà Thanh về những vụ xảy ra ở biên giới. Sự hiểu biết chính xác về biên giới quốc gia và tài đối đáp của ông đã được quan lại nhà Thanh đánh giá ngang với Mạc Đình Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh. Khi về hưu, ông quan tâm tổ chức cho dân xây cống đắp đập, cải tạo đồng ruộng. Ông còn chiêu dân nghèo bốn phương lập ra các làng Đồng Bạch (nay là Như Bá, thuộc xã Quỳnh Bá); Đồng Vực (nay là Thọ Vực) thuộc xã Quỳnh Thọ và Tiên Đội (nay vẫn là Tiên Đội) thuộc xã Quỳnh Hoa. Khi mất, dân các làng trên tôn ông là thần khai canh thờ làm Thành hoàng, gọi ông là quan Hầu Thượng Bụt. 6. Nguyễn Văn Giai (1554-1628): Danh thần đời Lê trung hưng, quê làng Phù Lưu, nay thuộc xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Thuở nhỏ, ông theo học một thầy trong vùng, những chi dùng thường ngày rất thiếu thốn. Là người có sức khỏe, ông thường phải đi gánh thuê để kiếm ăn và mua sắm dầu đèn, giấy bút. Học giỏi, năm 26 tuổi trúng Hội nguyên khoa Canh Thìn, năm Quang Hưng thứ 3 (1580), rồi sau đó, trong một khoa thi Đình, ông đỗ Đình nguyên nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp). Buổi đầu được cử làm Hiến sát sứ tỉnh Thanh Hóa, tham gia đoàn sứ bộ nhà Minh giải quyết tốt đẹp những vụ việc rắc rối ở biên giới, biện minh cho việc
  7. Trịnh phò Lê chứ không phải cướp ngôi Lê. Năm 1592, họ Trịnh làm chủ Thăng Long, ông được thăng làm Thượng thư bộ Lại chưởng lục bộ, kiêm Đô sát viện ngự sử, hàm Thiếu phó, tước Lễ quận công. Năm 1600, theo Trịnh Tráng lập công đánh bại Mạc Khánh Vương ở Thái Nguyên. Năm Vĩnh Tộ, Quý Hợi (1623), Trịnh Xuân gây biến, vua phải vào Thanh Hóa cùng các danh thần khác. Ông lập hai công, vừa đi theo vua giúp việc quân, dẹp được nội biến do Trịnh Xuân khởi xướng, vừa đánh thắng được cuộc phản kích của Mạc Kính Khoan, vì thế ông được thăng Thiếu úy, gia tặng Dực vận tán trị công tần, rồi Thăng Thiếu bảo. Là vị quan nghiêm nghị, cương trực, tội phạm dù là hoàng thân quốc thích và cả người thân thuộc của gia đình, ông đều theo phép nước mà hành xử, làm cho vua Lê chúa Trịnh và các quan phải kính nể. Dân chúng gọi ông là Hầu Thượng Ngật (vì ông ăn rất khỏe). Làm quan trải 3 triều, công lao rất lớn đối với nhà Lê trong buổi đầu trung hưng. Năm Mậu Thìn (1628) ông qua đời, thọ 75 tuổi. Triều đình tặng Thái tể Đại tư đồ. Nhiều nơi làm đền thờ, đền chính ở Phù Lưu. 7. Hồ Sĩ Đống (1739-1785): Danh thần đời Lê Hiến Tông, người làng Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, đỗ Đình nguyên đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông. Ông làm quan cả văn lẫn võ, từng cầm quân đi đánh các thế lực chống đối vua Lê chúa Trịnh trong Nam. Năm 1777, Trịnh Sâm sai Thượng thư Võ Trần Thiệu làm chánh sứ, bí mật mang tờ biểu xin thay ngôi nhà Lê. Giữa đường, Võ Trần Thiệu lâm bệnh qua đời ở hồ Động Đình. Hồ Sĩ Đống là phó sứ đốt tờ biểu làm như không có việc gì. Lúc về, Trịnh Sâm biết nhưng đành im lặng, thăng ông làm Hộ bộ tả thị lang. Trịnh Khải phái ông đi xem xét các vùng Thuận Quảng. Về kinh, ông giữ chức Quyền phủ sự, sau thăng Đồng Tham Tụng, tước Dao Đình hầu.
  8. Lúc xem xét vùng Thuận Quảng, ông rất lo lắng về địa thế và tình hình ở vùng này, tâu xin rút tướng Ngô Cầu về, thay tướng khác tài giỏi hơn để đủ trí dũng và tài năng giữ yên vùng viễn trấn này. Vua chúa không chấp thuận, về sau việc biến phát sinh, mới thấy ông là người sáng suốt. Năm 1784, loạn kiêu binh xảy ra, Bùi Huy Bích mời ông giúp đỡ ổn định được tình hình. Năm 1785, bị bệnh mất tại Thăng Long, thi hài được đưa về chôn cất ở Quỳnh Đôi. Sau khi mất, được truy tặng chức Thượng thư bộ Binh, tước Ban quận công. Hồ Sĩ Đống là người có đức tính gương mẫu, sống khuôn phép, không để sắc đẹp cám dỗ, không vì tình riêng mà nâng đỡ ai (ngay cả em ruột là Hồ Sĩ Chích, bài làm kém, ông vẫn đánh hỏng học vị Tiến sĩ), làm quan to mà không có của dư, lúc gần chết cũng chỉ bàn việc nước, ít nghĩ đến việc nhà. Đương thời, dư luận đặt ra nhiều câu chuyện, cho rằng ông có thể thông cảm được với thần minh. Điều đó chứng tỏ ông là người sáng suốt, công tâm, có uy tín lớn. 8. Phan Tất Thông (1532-1604): Danh thần đời Hậu Lê. Quê xã Hạ Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Ông đỗ Hương cống năm nào chưa rõ, chỉ biết năm 23 tuổi đỗ Đệ nhất giao chế khoa, tam danh (thám hoa) khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình 6 (1554) đời vua Lê Trung Tông. Làm quan Đông các, rồi Thừa chánh sứ, sau thăng Hộ bộ thượng thư, tước Hòa Mỹ hầu. Phan Tất Thông được người đời ca ngợi là ông quan thanh liêm, chính trực. Công lớn của ông là sau khi họ Mạc bị đánh thua, vua cử ông giao hảo với nhà Minh. Mấy lần được cử lên biên giới, ông đã dùng học vấn và trí tuệ của mình, khôn khéo ứng xử với quan lại nhà Minh, hoạch định được kế hoạch giữ yên đường biên giới, góp phần bảo vệ lãnh thổ quốc gia, bảo vệ nền thái bình cho nhân dân hai nước. Khi về trí sĩ, ông đã chiêu dân phiêu tán, tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất. Ông còn bỏ tiền của dựng đình, xây nhà, sửa cầu,… cho dân làng và phát chẩn cho dân nghèo. Khi gặp năm gió bão, nắng hạn, mất mùa, cảnh tình đói khổ. Ông đã sáng tạo một điệu nhạc trống, gọi là Nhạc trống Hạ Thành, từng đi biểu diễn nhiều
  9. nơi, kể cả ở kinh đô Thăng Long trong dịp lễ Thái bình diên yến (1592). Khi ông mất, dân làm đền thờ, tôn là Phúc thần. 9. Phạm Kinh Vỹ (1691-1758): Danh thần thời Hậu Lê, còn có tên là Phạm Công Liên, quê xã Thổ Hào, nay là xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương. Học giỏi, đỗ Giải nguyên trường thi Nghệ An rồi đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) dưới triều vua Lê Dụ Tông. Ông làm quan trải 2 triều vua Lê Dụ Tông và Lê Hiển Tông. Khi ông làm Thừa chính sứ đã có công dẹp “loạn” ở Hải Dương và Tuyên Quang. Năm 1746, giữ chức Giám tri diên đạo Nghệ An, ông luôn bênh vực người dân bị vu oan, bị chà đạp và xét xử thẳng thắn bọn quan tham ô lại. Ông còn có công chiêu dân đói nghèo, tổ chức khai khẩn đất hoang lập ra một xóm ở xã Thanh Giang. Tương truyền một lần đi sứ Trung Hoa, ông đã tìm cách lấy một giống sâm mang về trồng ở làng quê mình, sau trở thành sâm Thổ Hào mà đời còn truyền tụng. Khi ông mất, nhân dân nhớ ơn lập đền thờ. 10. Nguyễn Phùng Thời (1685-1754): Danh thần đời Hậu Lê, quê làng Trường Thọ, xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường, nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Thời thiếu niên và thanh niên nhà nghèo, vừa đi học vừa đi cày thuê để kiếm sống; nhưng thông minh học giỏi, khoa thi hương năm Tân Mão đậu Hương cống, khoa thi Hội năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716) được bổ làm Giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn. Từ đó, trải nhiều chức quan, năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đời Lê Ý Tông được cử giữ chức Tế tửu quốc tử giám. Sang đời Cảnh Hưng năm thứ 10 (1749) đời vua Lê Hiển Tông được thăng Tả thị lang bộ hình, tước Lâm Xuyên hầu. Trong thời gian này, ông được cử dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc giải quyết
  10. việc tranh chấp biên giới ở vùng núi Tạ Long (phía Bắc tỉnh Lào Cai) nơi có mỏ đồng rất lớn. Công việc thắng lợi, ông về triều rồi xin làm trí sĩ. Năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754), ông qua đời, được truy phong Công bộ thượng thư, Vinh lộc đại phú, tước Lâm Xuyên hầu, được nhân dân làm đền thờ. 11. Nguyễn Nghiễm (1708-1776): Danh thần đời Hậu Lê, quê làng Tiên Điền nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 16 tuổi (1724) đỗ Cử nhân; năm 1731 đỗ Hoàng giáp, làm quan dưới hai triều vua Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông, sở trường cả văn chương và võ bị. Ông đã từng làm Tham vụ tán lý rồi về Kinh làm Tế tửu quốc tử giám, Thừa chỉ Viện Hàn lâm, Tổng tài quốc sử quán kiêm Thiên đô ngự sử rồi Thượng thư bộ công, tước Xuân Lĩnh hầu rồi Thượng thư bộ Hộ thăng Tham tụng tể tướng được vào chầu ở điện Kinh Diên. Năm 1774, ông cùng Hoàng Ngũ Phúc cầm quân đi đánh Phú Xuân khi về được phong tước Xuân quận công. Khi mất ông được ban tên truy là Trung Cần, phong phúc thần. Nguyễn Nghiễm là nhà chính trị có tài, tận tụy phục vụ lợi ích của nhà vua. Mọi công việc được giao, dù ở trong trấn, nơi biên ải hay ở kinh kỳ, khi làm quan văn hay làm việc võ, việc nhỏ, việc lớn, ông đều hoàn thành nhiệm vụ. Ông trở thành rường cột của quốc gia, là chỗ dựa của nhà vua và triều đình. Bằng tài năng và tính gan dạ của mình, ông đã chèo lái, giữ được phần nào kỷ cương phép nước đang cơn chao đảo, lung lay, giúp nhà Lê thoát khỏi vòng sụp đổ. Về kinh tế, ông đã tổ chức việc khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh nông trang ở Nghệ An, Thanh Hóa, lập đồn điền ở Trường Yên (Ninh Bình), tổ chức đúc tiền đồng ở Nghệ An để tận dụng nguyên liệu và nhân công vùng này. Ông cũng hoàn thành việc xây dựng hệ thống dịch trạm từ Thăng Long lên tận Lạng Sơn và từ Thăng Long vào đến đèo Ngang giúp cho việc giao thông liên lạc được nhanh chóng.
  11. Ngoài ra, Nguyễn Nghiễm cũng là nhà văn hóa lỗi lạc. Về sử có tập Việt sử bị lãm với nhiều nhận xét xác đáng, tinh khiết về các sự kiện lịch sử nước nhà, Phan Huy Chú khen ông là bậc “danh bút”. Ông còn có tập Đoàn thành đồ chí, ghi chép rất đầy đủ về trấn Lạng Sơn. Về thơ văn, ông có các tập Cổ lễ nhạc thi văn, Quân trung liên vịnh, Xuân đình tạp vận và bài phú nôm nổi tiếng Khổng tử mộng Chu Công. Gia đình Nguyễn Nghiễm là một thế gia vọng tộc, nổi tiếng ở Thăng Long, cha là Nguyễn Quỳnh, đỗ hương thí tam trường, anh là Nguyễn Huệ, đỗ Tiến sĩ năm 1733, em là Nguyễn Trọng đỗ Hương cống làm Thừa chánh sứ Lạng Sơn. Con trưởng Nguyễn Khản, đỗ Tiến sĩ làm Tham tụng đời Lê Cảnh Hưng, con thứ là Nguyễn Nễ làm Tả phụng nghi triều Tây Sơn, con thứ nữa là đại thi hào Nguyễn Du làm Tham tri bộ Lễ đời Gia Long,… Tại đền thờ ông ở Tiên Điền có câu đối: Lưỡng triều danh tể tướng Nhất thế đại nho sư * * * Tôi đã đề cập 11 danh thần người xứ Nghệ mà còn có thể đề cập nhiều danh thần nữa từ đời Trần đến hết đời Hậu Lê. Như hai cha con Lê Kính (1587- 1659) và Lê Hiệu (1637-1735), cha đậu Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, tước Thạc Đình hầu. Khi mất được tặng Thái bảo, tước Nhạc quận công. Còn con đậu Hoàng giáp khoa Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái 1 (1643) làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư, Tham tụng (Tể tướng) có đi sứ Trung Quốc. Như Lê Quảng Chí (1451-1533) và Lê Quảng Ý (1453-1526) hai anh em ruột người làng Thần Đầu, nay thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Anh đỗ Đình Nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ, Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9 (1478) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Đông các đại học sĩ, sau thăng Lê bộ tả thị lang,
  12. đứng đầu Hàn Lâm viện, khi mất được truy tặng Thượng thư; em đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống 2 (1450), đời vua Lê Hiếu Tông, làm quan đến Chưởng Hàn lâm viện sự, kiêm Đề lĩnh tứ thành quân vụ, tước Bảng quận công. Rồi ba ông con cháu họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần, Nam Đàn. Ông là Nguyễn Trọng Thường đỗ Tiến sĩ năm Vĩnh Thịnh 6 (1712) đời Lê Thế Tông, làm quan đến chức Lại bộ hữu thị lang nổi tiếng là mẫn cán, có mưu cơ, năm Đức Long 3 (1734) được cử đi sứ nhà Thanh. Con là Nguyễn Trọng Đương và cháu là Nguyễn Trọng Đường đều đỗ Tiến sĩ, làm quan to trong triều và đều phụng mệnh đi sứ nhà Thanh. Người phương Bắc làm thơ tặng, có câu rằng: “Tam thế y man bái thánh nhân” (Ba đời áo mũ bái thánh nhân - thánh nhân đây là đức Khổng Tử). Có thể kể thêm Cao Quýnh (1439-?), Dương Trí Trạch (1585 - 1662), Chu Huy Diễn (1555-?), Hồ Phi Tích (1664 - 1733), Nguyễn Đình Cổn (1652-1685), Phan Nhân (1401-?), Phan Nhân Tường (1514 - 1576),… Họ đều học giỏi, có tài đậu cao và đến làm quan to chức trọng trong triều đình ở Thăng Long và đều có công với nước với dân. Tóm lại, qua 11 danh thần mà tôi đã đề cập tương đối cụ thể trên cùng một số danh thần mà tôi vừa liệt kê và bao danh thần khác nữa từ đời Hậu Lê trở về trước, chúng ta thấy rằng: 1) Họ đều là con em ở đất địa linh xứ Nghệ, mang dòng máu thông minh, hào hùng, bất khuất của nhân dân xứ Nghệ. Cha mẹ họ, làng xóm họ chẳng giàu có gì, nhưng đã vất vả lao động chắt chiu nuôi họ bằng hạt lúa củ khoai, bằng cả truyền thống hiếu học, cần học và khổ học của quê hương. Bản thân họ với ý chí vươn lên, họ cố học tập, cố sôi kinh, nấu sử, càng học trí tuệ họ càng tỏa sáng và qua bao phen lều chõng từ Hương thi lên Hội thi và Đình thi, họ sung sướng khi có tên trên bảng vàng ở bậc đại khoa (Tiến sĩ). Ra đời với phương châm là hành đạo chứ không hành lạc, có thể họ làm quan ở ngay đất kinh kỳ Thăng Long, có thể ở địa phương khác rồi mới được về Thăng Long, song tắm gội văn hóa đất Tràng An, nơi trai thanh gái lịch, nơi tụ hội của
  13. bao danh sĩ, danh tướng, danh thần, cọ xát với bao đại khoa, đại thần, trí giả khác trong cả nước, nhất là Đông Đô - Thăng Long và tứ trấn, để với phương châm hành đạo như vừa nói trên, với bản lĩnh của người xứ Nghệ; trong quá trình phò vua giúp nước, họ đã ra sức học hỏi, phát huy, đề xuất được nhiều ý kiến hay, làm được nhiều việc tốt, việc giỏi về chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội; về kinh tế và văn hóa, việc nhỏ trọn vẹn mà việc lớn cũng trọn vẹn làm cho đất nước ngày càng ổn định, càng phú cường, làm cho Thăng Long ngày càng rạng rỡ là thủ đô của quốc gia Đại Việt. Nói danh thần xứ Nghệ với nghìn năm Thăng Long là nói những đóng góp về đường lối, về chủ trương, về cơ mưu có tính chất sáng tạo, chiến lược làm chuyển biến cơ đồ đất nước của danh thần xứ Nghệ và cả hành động táo bạo trong thực tiễn nữa qua quá trình hưng phế, thái bĩ, trị loạn của đất nước, trong đó có Thăng Long. Nói danh thần xứ Nghệ với nghìn năm Thăng Long cũng là nói bao danh thần xứ Nghệ với học vị tiến sĩ, với vốn học vấn uyên bác, đã từng được nhà vua cử giữ chức Tế tửu quốc sử giám, Thừa chỉ Viện Hàn lâm, quốc sự, thị giảng, thị độc,… Đó phải chăng là đào tạo nhân tài cho đất nước, trong đó có cả con em Thăng Long hay sao! Nói danh thần xứ Nghệ với ngàn năm Thăng Long cũng là nói bao danh thần xứ Nghệ được các nhà vua cử đi sứ nhà Nguyên Mông, nhà Minh, nhà Thanh. Chưa nói nhiều, với 11 danh thần tôi vừa kể trên, đã có 10 danh thần được cử đi sứ Trung Quốc. Các vị danh thần xứ Nghệ mà là sứ thần này khi sang đất Thiên triều đã tỏ rõ sĩ khí của sứ thần Đại Việt. Hồ Tông Thốc đã phê phán Hạng Vũ qua một bài thơ. Nguyễn Biểu đã chửi vào mặt Trương Phụ là quân giặc bạo ngược. Bùi Cầm Hổ đã nói thẳng vào mặt bọn quan lại nhà Minh khi chúng định mua chuộc ông: “Tôi sang đây vâng mệnh vua giữ quốc thể không phải để phản lại vua tôi, bán nước cho quý quốc”. Tài đi sứ của Hồ Sỹ Dương được đánh giá ngang với Mạc Đình Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh. Nguyễn Phùng Thời đi sứ
  14. giải quyết được việc tranh chấp giữa ta và Trung Quốc về phần đất phía Tây tỉnh Lào Cai trong đó có mỏ đồng rất lớn ở Tụ Long (nhưng tiếc thay khi Pháp xâm lược Việt Nam, theo Hiệp ước năm 1892, giữa triều đình nhà Mãn Thanh với thực dân Pháp một phần đất ấy lại về Trung Quốc). Nói chung lại, các danh thần xứ Nghệ đi sứ Trung Hoa đều giữ được quốc thể, mệnh vua, làm tròn được việc lớn, bảo vệ được biên cương, giữ được tiết tháo, không lung lay trước uy vũ và những lời mua chuộc của đối phương. Danh thần xứ Nghệ như vậy, chẳng phải là ngàn năm với quốc gia Đại Việt mà cũng là ngàn năm với thủ đô Thăng Long hay sao! Hào khí Thăng Long sáng lên, rực rỡ hơn lên về học vấn, tài năng và nhân cách của các danh thần trong đó có các danh thần xứ Nghệ. Mà hào khí xứ Nghệ cũng lộng lẫy, thấm đẫm hơn bởi đã sinh ra được những danh thần trung nghĩa tuyệt vời cho đất nước, cho xứ sở ra làm quan phần lớn chỉ hành đạo chứ không hành lạc. Họ sống với đạo lý làm người như tôi đã nói trong trang đầu bài viết này. Họ ít để tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn mà để chữ đức, chữ nhân cho con cháu, cho nhân dân. Nên khi qua đời danh thần nào cũng được nhân dân tôn là phúc thần lập đền thờ.¢ CHÚ THÍCH 1. Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, Nxb Văn học 1977, bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Hà Văn Đại. 2. Câu đối ứng tác của Hoàng Phan Thái 3. Nhà Tần đóng đô ở Quan Trung là nơi hiểm yếu, 2 người ở trong có thể chống với 100 người ở ngoài, vì thể mới gọi là “Non nước trăm hai”. 4. Chỉ việc Hạng Vũ đem quân vào Quan Trung, bắt Chương Hàm phải đầu hàng, sau đó chôn sống mấy vạn quân Tần, giữ Quan Trung. 5. Nói việc Hạng Vũ khi đã lọt qua cửa Hàm Cốc, đốt Cung A Phòng của nhà Tần.
  15. 6. Tiệc ở Hồng Môn, Phạm Tăng quân sư của Hạng Vũ định giết Lưu Bang mà Hạng Vũ không nghe để Lưu Bang thoát về nước. Phạm Tăng tức giận chém tan cái chén ngọc của Trương Lương biếu. Đấu ngọc không nghĩa là đấu ngọc thành không; Tuyết rã là những mảnh ngọc của cái đấu ngọc vỡ thành vụn tơi bời trong bữa tiệc. 7. Hạng Vũ bị vây ở Cai Hạ, đêm phá vòng vây chạy đến Âm Lăng, hỏi thăm đường thì bị một cụ già đánh lừa bảo đi sang phía tả, Vũ đi sang phía ấy liền mắc một cái đầm lớn, than là trời định hại ta, may mà một số quân đến cứu mới chạy tiếp. 8. Hạng Vũ đến Ô Giang, người lái thuyền khuyên Hạng Vũ vượt sông sang Giang Đông rồi sẽ tính kế quay về nhưng Vũ nghĩ rằng không còn mặt mũi nào mà nhìn thấy bô lão Giang Đông, nên không nghe, tuốt gươm tự vẫn. 9. Lỗ Công: tức Tước công nước Lỗ. Tước này Hạng Vũ được Sở Hoài Vương phong khi cùng Tống Nghĩa đem quân đi đánh Tần cứu Triệu. Hạng Vũ tự vẫn, Hán Cao Tổ lấy lễ tước Lỗ Công làm ma cho Hạng Vũ. 10. Về nước ông được ca ngợi “Vị long đẩu tọa, Khuê diệu tín phù” (Sáng như Bắc Đẩu, rực rỡ như Ngọc Khuê)
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2