Nhà văn<br />
NGUYỄN HUY TƯỞNG<br />
(1912 – 1960)<br />
Quê quán: Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội<br />
* Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, năm 1996<br />
Đêm hội Long Trì trong khuôn khổ một cốt truyện gọn, đã lôi<br />
cuốn được nhiều người xem. Những khung cảnh sinh hoạt tinh thần<br />
thi vị, tình yêu e ấp và thơ mộng, tội ác lộng hành, sự phẫn nộ của<br />
quần chúng, bi kịch của kẻ thủ phạm và cũng là nạn nhân, sự trừng<br />
phạt của công lý… tất cả lần lượt diễn biến qua từng trang sách với<br />
nhiều màu sắc đạo lý và thẩm mỹ.<br />
Giáo sư Hà Minh Đức<br />
CÙNG MỘT TÁC GIẢ<br />
Văn xuôi:<br />
• Đêm hội Long Trì<br />
• An Tư<br />
• Truyện anh Lục<br />
• Bốn năm sau<br />
• Sống mãi với Thủ đô<br />
• Lá cờ thêu sáu chữ vàng<br />
• Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng<br />
• Những truyện hay viết cho thiếu nhi<br />
• …<br />
<br />
Kịch:<br />
• Vũ Như Tô<br />
• Cột đồng Mã Viện<br />
• Bắc Sơn<br />
• Những người ở lại<br />
• Anh Sơ đầu quân<br />
• Lũy hoa (kịch bản điện ảnh)<br />
<br />
LỜI NÓI ĐẦU<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
Năm 1942, khi tiểu thuyết Đêm hội Long Trì được đăng tải trên<br />
tạp chí Tri tân thì đó có thể coi là một chứng chỉ để Nguyễn Huy<br />
Tưởng chính thức khẳng định mình trên văn đàn. Từ sự khởi đầu đầy<br />
chững chạc này, chỉ trong vòng mấy năm ông cho ra tiếp tiểu thuyết<br />
An Tư và đặc biệt, vở kịch Vũ Như Tô, tác phẩm rồi đây sẽ trở thành<br />
kiệt tác của ông.<br />
Cũng với Đêm hội Long Trì, người đọc sớm nhận thấy ở Nguyễn<br />
Huy Tưởng một ngòi bút có khuynh hướng lịch sử không trộn lẫn.<br />
Cho đến khi ấy, tấn bi kịch trong gia đình chúa Trịnh Sâm với sự can<br />
dự của người đẹp Đặng Thị Huệ đã được nhiều tác giả khai thác, từ<br />
Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút (Chuyện cũ trong phủ chúa),<br />
Ngô gia văn phái với cả một trường đoạn nổi tiếng trong Hoàng Lê<br />
nhất thống chí, cho đến Nguyễn Triệu Luật với tiểu thuyết Bà Chúa<br />
Chè... Đến lượt mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tiếp tục khai thác<br />
đề tài này, nhưng theo một cách hoàn toàn khác. Nếu như các tác<br />
phẩm trước đó thường đi sâu vào chuyện riêng tư của nhà chúa, với<br />
sự đam mê nữ sắc của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, âm mưu và tham<br />
vọng của Đặng Tuyên phi, sự càn rỡ của Cậu Trời Đặng Lân... trong<br />
khuôn khổ gia đình ít vượt khỏi khuôn viên phủ chúa, thì ở Đêm hội<br />
Long Trì, quy mô đề tài cùng các tuyến nhân vật được mở rộng hơn<br />
rất nhiều. Ngay ở chương đầu tiểu thuyết, cảnh lễ hội bên hồ Long Trì<br />
đã hướng câu chuyện ra ngoài khung cảnh thiên nhiên với nhiều chất<br />
sinh hoạt đời thường: cảnh người ta đi dự hội, trai thanh gái lịch<br />
chen vai đua sắc khoe tài; cảnh người ta bất kể sang hèn, sà vào các<br />
hàng quán, mặc cả, ăn quà, với không ít lả lơi, phóng túng… Và chính<br />
trong không khí hội hè dân dã ấy, các nhân vật chính, phụ, lịch sử và<br />
hư cấu đã lần lượt xuất hiện: nhân vật lịch sử như chúa Tĩnh Đô<br />
Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ; nhân vật có thật nhưng với ít<br />
nhiều hư cấu như Quận mã Đặng Lân và Quận chúa Quỳnh Hoa, nạn<br />
nhân của gã; nhân vật hoàn toàn do tác giả sáng tạo nên, như thi sĩ<br />
Bảo Kim cùng nhóm bạn văn nhân của chàng, và đặc biệt, quan Hộ<br />
thành binh mã sứ Nguyễn Mại, người được chúa tin cậy giao trọng<br />
trách giữ việc trị an kinh thành.<br />
<br />