DI TÍCH CHĂM Phần 2: Tháp Bằng An
lượt xem 16
download
DI TÍCH CHĂM Phần 2: Tháp Bằng An Tháp Bằng An thuộc làng Bằng An, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm trên đường 606, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 27 km về phía Nam. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Bằng An, vua Bhadravarman II cho xây dựng một đền thờ tên là Linga Paramesvara (thượng đế tuyệt đỉnh-một tên hiệu của thần Siva). Theo các nhà nghiên cứu thì tấm bia này được xây dựng vào khoảng năm 875 đến 977 CN. Bằng An là ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: DI TÍCH CHĂM Phần 2: Tháp Bằng An
- DI TÍCH CHĂM Phần 2: Tháp Bằng An Tháp Bằng An thuộc làng Bằng An, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm trên đường 606, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 27 km về phía Nam. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Bằng An, vua Bhadravarman II cho xây dựng một đền thờ tên là Linga Paramesvara (thượng đế tuyệt đỉnh-một tên hiệu của thần Siva). Theo các nhà nghiên cứu thì tấm bia này được xây dựng vào khoảng năm 875 đến 977 CN. Bằng An là ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát giác còn tồn tại đến nay (tháp Chánh Lộ ở Quảng Ngãi cũng có mặt bằng hình bát giác, nhưng đã sụp đổ từ lâu, không thể biết được hình dạng bên trên của nó). Chiều cao hiện nay của tháp trên 20m, đế tháp khá cao, thân tháp là một hình trụ bát giác, mỗi cạnh tường dài 4m. Phần tiền sảnh khá lớn, cửa ra vào ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa ra vào phụ. Tường tháp bằng phẳng, không có cửa giả, không có trụ ốp tường và hoa văn trang trí. Ở phần chân tường có các đường gờ kỷ hà loe dần ra tiếp xúc với phần đế tháp, trên đỉnh tường cũng được xây những đường gờ kỷ hà loe dần ra đỡ lấy vòm mái hình chóp, gồm 8 mái cong thu nhỏ dần và nhọn ở trên đỉnh. Trên các đường gờ dọc theo mái tháp còn để lại dấu vết của những vật trang trí kiến trúc bằng sa thạch. Chóp tháp đ ã bị rơi mất. Trước đây phần tiền sảnh bị hư hại nặng, được Công chánh Pháp trùng tu vào năm 1940, hai cửa phụ ra vào ở 2 bên tiền sảnh bị biến thành 2 cửa sổ. Bên ngoài tháp hiện nay còn 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch, chiếc vòng lục lạc của Gajasimha Bằng An giống như vòng lục lạc của Gajasimha Chánh Lộ và Chiên Đàn, bộ lông gáy được cách điệu, các móng chân được thể hiện rõ, chiếc vòi ngắn và cong lên. Dựa vào 2 pho tượng Gajasimha thuộc phong cách Chánh Lộ và mặt bằng của tháp Bằng An có hình bát giác như tháp Chánh Lộ, J.Boisselier đã định niên đại tháp Bằng An ngang với Chánh Lộ (thế kỷ XI). Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng kiểu thân tháp có hình trụ bát giác giống như những chiếc cột lớn bằng gạch hình bát giác ở di tích Đồng Dương và Pô- Nagar, do đó niên đại của tháp khoảng cuối thế kỷ IX-đầu thế kỷ X, còn 2 tượng Gajasimha được dựng vào thế kỷ sau, khi tháp vẫn còn là nơi thờ thần Siva.
- Theo ý kiến chúng tôi, hình dáng bên ngoài của tháp Bằng An giống như chiếc Linga khổng lồ, đó chính là Linga Paramesvara mà vua Bhadravarman II đã cho xây dựng vào cuối thế kỷ IX, có thể tháp đã được tu sửa đôi lần, nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Theo khảo tả và bản vẽ của H.Parmentier, trước đây trong khu vực này còn dấu vết nền móng của 2 kiến trúc phụ nhỏ, một ở phía Tây Nam, một ở phía Đông Bắc tháp chính, nhưng ngày nay dấu vết của 2 kiến trúc phụ này đã bị biến mất vì lũ lụt. 2. Khu đền tháp Mỹ Sơn Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía Tây-Nam. Năm 1895, C. Paris cho phát quang khu tháp này. Năm 1898-1899, hai học giả Pháp là L. Finot và L. De Lajonquière đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu các văn bia. Năm 1901, H. Parmentier - kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ đã đến nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật. Những công trình nghiên cứu đầu tiên và cơ bản nhất về bi ký và kiến trúc tại Mỹ Sơn được L. Finot và H. Parmentier công bố trong kỷ yếu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (B.E.F.E.O) năm 1904. Căn cứ vào vị trí phân bố của nhóm tháp, H. Parmentier đã đặt tên các nhóm tháp theo mẫu tự Latinh: - Nhóm A và A' ( nhân dân địa phương thường gọi là tháp Chùa) gồm có 17 công trình. - Nhóm B,C,D ( tháp Chợ) có 27 công trình. - Nhóm E,F ( tháp Hố Khế) có 12 công trình. - Nhóm G có 5 công trình. - Nhóm H ( tháp Bàn Cờ) có 4 công trình. - Các công trình riêng lẽ: K,L,M,N. Cách đặt tên này chỉ mang tính chất quy ước để phân biệt các tháp cho tiện việc nghiên cứu, chứ nó hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt niên đại. Theo nội dung một tấm bia tại khu A Mỹ Sơn, vào khoảng cuối thế kỷ IV, vua Bhadravarman đã cho xây dựng một ngôi đền bằng gỗ để thờ thần Siva-Bhadresvara. Trong văn bia có đoạn:"...Bhadravarman dâng cho thần Bhadresvara một vùng đất vĩnh viễn; phía đông là núi Sulaha, phía nam là Đại sơn Mahaparvata, phía tây là núi Kusaka, phía Bắc là... (làm giới
- hạn). Ruộng đất trong phạm vi đó thì dâng với cả dân cư. Hoa lợi của khu này thì phải dâng lên thần..." (1). Cho đến nay người ta vẫn chưa biết rõ số lượng cũng như kiểu dáng của những ngôi đền được xây dựng tại Mỹ Sơn trước thế kỷ VII, bởi lẽ chúng đã bị thiêu hủy toàn bộ. Vào đầu thế kỷ VIII, vua Sambhuvarman cho xây dựng lại ngôi đền thờ Bhadresvara bằng gạch và đặt tên mới là Sambhu- Bhadresvara. Phần lớn các đền thờ chính ở Mỹ Sơn được xây dựng để thờ thần Siva dưới các tên gọi khác nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu vị thần- vua Bhadresvara của Mỹ Sơn chỉ mang tính chất địa phương, phải đến thế kỷ XI, vị thần chủ ở Mỹ Sơn với tên gọi Srisana-Bhadresvara mới trở thành thần chủ của toàn vương quốc Champa (2). Với khoảng 70 công trình xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, Mỹ Sơn là khu đền thờ Ấn Độ giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa, tại đây chúng ta có thể tìm thấy hầu hết các phong cách kiến trúc trong nghệ thuật Champa. Theo Ph.Stern, có thể chia ra: - Phong cách cổ (Phong cách Mỹ Sơn E1) thế kỷ VII - VIII gồm tháp E1, F1. - Phong cách Hòa Lai: thế kỷ VIII - nữa đầu thế kỷ IX, gồm các tháp A2, C7, F3. - Phong cách Đồng Dương: giữa thế kỷ IX - đầu thế kỷ X, có các tháp: A10, A11, A13, B4. - Phong cách Mỹ Sơn A1: thế kỷ X với các tháp A1, B2, B3, B5,B6 ,B8, C1, C2, C3, C4, C5, C6, D1, D2, D4, E7. - Phong cách Pô- Nagar: thế kỷ XI, có các tháp E4, F2. - Phong cách Bình Định: thế kỷ XII- XIII, gồm có các tháp B1, các tháp nhóm G, H, K... Đền tháp ở Mỹ Sơn được bố trí theo một tổng thể: - Đền thờ chính (Kalan) nằm ở giữa, tượng trưng cho núi Méru- theo quan niệm của Ấn Độ giáo, đây là trung tâm vũ trụ, nơi ngự trị của thần linh. Thông thường có một cửa quay về hướng Đông. - Tháp cổng (Gopura) ngay ở phía trước Kalan, có hai cửa thông nhau mở về hướng Đông và hướng Tây. - Mandapa, ngôi nhà dài tiếp với tháp cổng, dùng làm nơi đón tiếp khách hành hương, tiếp nhận lễ vật... - Cạnh đền thờ chính là ngôi tháp có một hoặc hai phòng, cửa chính quay về hướng Bắc, dùng làm nơi cất giữ các đồ tế lễ gọi là Kosa-Graha. - Ngoài ra quanh Kalan còn có các tháp phụ để thờ các vị thần phương hướng (Dispalakas), các vị thần tinh tú (Grahas) hoặc các vị thần phụ như Skanda, Ganesa...
- Mỹ Sơn không chỉ được mọi người biết đến bởi các công trình kiến trúc, nơi đây còn nổi tiếng bởi hàng trăm tác phẩm vô giá, có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Phần lớn những tác phẩm điêu khắc được tìm thấy vào những năm đầu của thế kỷ XX, đã được mang về trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng. Theo thống kê của người Pháp, trước năm 1946, tại Mỹ Sơn còn khoảng 50 công trình kiến trúc khá nguyên vẹn, nhưng qua 2 cuộc chiến tranh, nhất là vào năm 1969, không quân Mỹ đã ồ ạt ném bom vào thung lũng Mỹ Sơn, làm cho khu di tích này bị tàn phá nặng nề, nhiều công trình kiến trúc đã bị đánh sập hoàn toàn, trong đó có ngôi đền Mỹ Sơn A1 nổi tiếng. Sau năm 1975, ở Mỹ Sơn có khoảng 20 tháp còn giữ được hình dạng, nhưng không có cái nào nguyên vẹn. Để phục vụ cho công tác kiểm kê, khảo sát và trùng tu di tích, năm 1978, công việc phát quang và tháo gỡ mìn đã được tiến hành, 11 người bị mang thương tích và 6 người khác vĩnh viễn nằm xuống để đem lại bình yên cho mảnh đất này. Từ năm 1980, chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam-Ba Lan được thực hiện, kiến trúc sư Ba Lan Kazimier Kwiatkowski đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo về mặt kỹ thuật. Sau 10 năm được gia cố tu sửa, trung tâm kiến trúc bậc nhất của nghệ thuật Champa bắt đầu hồi sinh, Mỹ Sơn đã được trả lại phần nào dáng vẻ trước kia của nó, làm cho ta có thể hình dung được một đền thờ Ấn Độ giáo uy nghiêm kỳ vi của vương quốc Champa trong quá khứ. Trong thời gian này, nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị đã tiếp tục được tìm thấy, tất cả đang được trưng bày tại Mỹ Sơn. Khu di tích Mỹ Sơn đã được Bộ Văn Hóa Thông tin ra quyết định số 54- VH/QĐ ngày 29-4-1979, công nhận là DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT. Ngày 1-12-1999, trong phiên họp thứ 23 của Ủy Ban Di sản thế giới, Mỹ Sơn đã được ghi vào danh sách DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI. Ghi chú: (1) G.Maspéro- VƯƠNG QUỐC CHAMPA- Paris 1928, tr 64 (Bản dịch tiếng Việt của Lê Tư Lành). (2) Ngô Văn Doanh- THÁP CỔ CHAMPA, SỰ THẬT VÀ HUYỀN THOẠI-HÀ HỘI 1994, tr12-13. 3. Tháp Đồng Dương Địa điểm: xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ đã khai quật và xác định ở đây nguyên là một Phật viện lớn của vương quốc Chămpa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX- X.
- Nhiều hiện vật được phát hiện tại đây đã được đưa về bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Hiện nay tại khu vực Đồng Dương, các dấu tích nền móng của Phật viện đã bị vùi lấp, chỉ còn nhìn thấy một phần của một ngôi tháp, được gọi là tháp cổng. 4. Tháp Chiên Đàn Nhóm tháp Chiên Đàn nằm cạnh quốc lộ 1A thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65 km về phía Nam. Di tích gồm có 3 tháp xếp thành một hàng theo trục Bắc Nam, cửa ra vào ở hướng Đông. Cả 3 tháp có hình dạng gần giống nhau, mặt bằng tháp hình vuông, mái tháp là những tầng thu nhỏ dần lên trên. +Tháp Bắc: là tháp nhỏ nhất trong nhóm. Phần đỉnh tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn, cửa ra vào đổ mất phần tiền sảnh. Vòm cuốn trên cửa ra vào còn tương đối nguyên vẹn. Các cửa giả bị hư hại nặng. +Tháp Giữa: là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tốt hơn 2 tháp kia. Đỉnh tháp còn lại một tầng, tiền sảnh và phần cửa giả bị sụp mất phần chân. Chóp tháp bằng sa thạch rơi ngay sau tháp, gồm 2 thớt khá lớn ghép lại với nhau: thớt dưới là một hình bát giác, mỗi góc chạm nổi một lá đề, trên lá đề chạm mặt Kala, thớt trên tương tự thớt dưới nhưng nhỏ hơn và nhọn ở trên đỉnh, có chốt gắn vào lỗ ở thớt dưới. Trên chóp tháp còn dấu vết những lỗ khoan nhỏ và những đầu đinh bằng đồng, dường như trước kia người ta gắn những mảnh kim loại quý vào đây. +Tháp Nam: nhỏ hơn tháp Giữa và lớn hơn tháp Bắc. Phần mái tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng như các nhóm 3 tháp khác (Khương Mỹ, Dương Long, Hưng Thạnh, Hòa Lai), tháp Nam Chiên Đàn được xây dựng trước, tiếp theo là tháp Giữa, sau cùng là tháp Bắc. Trên thân các tháp ở Chiên Đàn không có hoa văn trang trí. Các trụ ốp tường và các đường gờ của khối chữ nhật hẹp dọc theo thân tháp làm cho tháp có vẻ cao hơn. Mỗi tháp có 3 cửa giả và một cửa ra vào, phía trên các cửa có vòm uốn cong và nhọn lên thành hình lá đề, giữa vòm cuốn có một bức phù điêu dạng lá đề (Tympan). Trong đợt trùng tu di tích vào năm 1989, các nhà khảo cổ đã khai quật quanh các tháp, làm lộ ra hệ thống chân tường và các trang trí chân tường bằng sa thạch cùng với hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị. Phần trang trí chân tường ở tháp Giữa còn tương đối nguyên vẹn nhất, đó là những thớt đá lớn ghép quanh chân tháp, được chạm trổ tinh vi, gồm hình những chiến sĩ cầm vũ khí nhảy múa
- cùng các vũ nữ, nhạc công, các Apsara, mặt Kala và Makara. Ở mặt bắc của tháp Giữa có cảnh một cặp voi quay đầu vào nhau, ở giữa là một cụm hoa lá sen, cặp voi trông sống động. Trong số các hiện vật phát hiện được ở Chiên Đàn có 2 bàn thờ chạm nổi hình hoa sen khá độc đáo, bàn thờ hình tròn, đường kính lớn nhưng mỏng, được để trên phần đế rời, mặt bàn thờ chạm 2 tầng hoa sen, mỗi tầng có 8 cánh hoa, ở giữa là gương sen lớn có những hạt sen tròn. Tại khu vực tháp Nam, người ta tìm thấy một bức Tympan Mahisasuramardini, nữ thần có 6 tay, 2 tay chắp lại trên đầu, 4 tay còn lại cầm cung, tên, đinh ba, vòng. Nữ thần đứng trên lưng một con bò, chân phải co lại, chân trái duỗi ra, hai bên nữ thần có hai người cầu nguyện. Có lẽ đây là tấm lá đề gắn trên vòm cửa ra vào của tháp Nam. Ngoài tượng người, ở Chiên Đàn có nhiều tượng động vật: rắn Naga, ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, voi, sư tử, nai...Tượng động vật ở Chiên Đàn được thể hiện bộ phận giới tính trông rất ngộ nghĩnh. Nhiều vật trang trí kiến trúc chạm trổ đầu makara phun ra người hoặc các động vật khác. Tượng người và động vật ở Chiên Đàn còn bảo lưu đôi nét của nghệ thuật Trà Kiệu, giai đoạn cuối thế kỷ X, nhất là hình ảnh những con voi đầu quay ngang với đôi tai to. Động tác múa của các vũ nữ Chiên Đàn mô phỏng theo các vũ nữ ở đài thờ Trà Kiệu, nhưng không còn vẻ mềm mại, trang phục cũng thay đổi, kiểu váy ngắn đến đùi, thắt lưng vải buông thành một vạt lớn, giống như một chiếc khố, cong và nhọn ở đầu mút. Đồ đeo ở cổ là một vòng bằng kim loại. Vào giữa năm 1997, các nhà khảo cổ đã khai quật tấm bia của khu tháp Chiên Đàn, đó là một tảng đá lớn, được mài bằng ở một mặt, trên đó có khắc 8 dòng chữ sanskrit. Cuối năm 2000, trong khi tôn tạo cảnh quang quanh khu tháp n ày, ở phía trước tháp Giữa đã tìm thấy một số mảnh tượng vỡ, do đó chúng tôi quyết định đào một hố 15 x 58m theo hướng Đông Tây của khu vực này. Kết quả khai quật đã phát lộ được một phế tích kiến trúc bằng gạch hình chữ nhật, có thể đây là phế tích của mandapa. Phia trước mandapa có 2 đế trụ bằng sa thạch, xa hơn về phía Đông là nền móng của công trình phụ khác, có lẽ là một tháp cổng (Gopura). Trong hố khai quật, còn tìm thấy trên 90 tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch, gồm tượng người, động vật và đồ trang trí kiến trúc... Trước đây, các nhà nghiên cứu người Pháp đã xếp các tác phẩm ở Chiên Đàn vào phong cách Chánh Lộ, thế kỷ XI-đầu thế kỷ XII.
- Tuy nhiên ở Chiên Đàn còn có những tác phẩm mang tính kế thừa từ phong cách Trà Kiệu, và một số bức chạm thể hiện sự chuyển tiếp từ phong cách Chánh Lộ sang Tháp Mẫm, vì thế, gần đây số nhà nghiên cứu cho rằng nên thay cái tên "phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định" bằng tên gọi phong cách Chiên Đàn, bởi những tác phẩm điêu khắc tìm được ở Chiên Đàn đã bộc lộ những yếu tố địa phương tương đối rõ nét; sự thay đổi về thủ pháp điêu khắc và hoa văn trang trí không quá đột ngột, các tác phẩm điêu khắc ở đây vẫn giữ được một số chi tiết của giai đoạn trước, đồng thời xuất hiện những yếu tố mới làm tiền đề cho giai đoạn sau, cho thấy sự chuyển biến khá liên tục của phong cách Chiên Đàn trong nghệ thuật điêu khắc Chăm từ cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XII. 5. Tháp Khương Mỹ Di tích Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, gần Quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 75km về phía Nam. Nhóm tháp Khương Mỹ gồm có 3 tháp, xếp một hàng theo trục Bắc-Nam, cửa ra vào ở hướng Đông, là kiểu tháp Champa truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch. *Tháp Bắc: là tháp nhỏ nhất trong nhóm, có một cửa ra vào và 5 cửa giả (1 cửa ở phía Tây, ở tường phía Bắc và Nam mỗi bên có 2 cửa). Tiền sảnh tháp bị sụp đổ một phần. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, tâm của vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành dạng lá đề. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, dọc các trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường. *Tháp Giữa: lớn hơn tháp Bắc, được bảo tồn tương đối tốt. Cũng có một cửa ra vào và 5 cửa giả như tháp Bắc. Vòm cuốn trên cửa được tách làm 2 tầng, cấu tạo bởi các lớp hoa văn thảo mộc cách điệu, uốn cong ở đầu mút, lá có rãnh sâu, trên đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành hình lá đề. Phần chân và đỉnh của các trụ đỡ vòm cuốn chạm 2 tầng hoa sen cách điệu. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, chạm trổ hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau. *Tháp Nam: Là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tương đối tốt, cấu trúc gần như 2 tháp kia, nhưng trên mỗi mặt tường chỉ có 4 trụ ốp tường. Hoa văn trang trí trên các trụ ốp tường và các mảng tường là các dải hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với hoa văn hình thoi. Theo Ph. Stern, tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Champa xuất hiện một số mô-típ trong nghệ thuật kiến trúc Khmer: kiểu cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu. Các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi đường
- chéo và các đóa hoa cách điệu. Đó là kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX-đầu thế kỷ X. Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Nam được xây dựng đầu tiên, sau đó là tháp Giữa và cuối cùng là tháp Bắc. Phần lớn các tác phẩm ở Khương Mỹ đang được trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng. Trong đó có thể kể đến đài thờ ký hiệu 22.8 tìm thấy ở Khương Mỹ năm 1901. Đây là một bệ thờ độc đáo thể hiện 2 cỗ xe ngựa ở 2 mặt, 2 mặt kia là hình hoa sen và rùa. Người điều khiển xe ngựa mặc một chiếc sampot theo phong cách Trà Kiệu, nhưng bộ ria rậm là dấu hiệu bảo lưu từ phong cách Đồng Dương. Hai pho tượng Dvarapala ký hiệu 9.4 và 9.5 có gương mặt dữ tợn, tay phải vung kiếm, đứng dạng chân, đầu đội mũ miện có đính 5 đóa hoa bảo lưu từ phong cách Đồng Dương. Bức phù điêu ký hiệu 17.6 thể hiện thần Krisna nâng núi Govahana, gương mặt của thần còn sót lại đôi nét của phong cách Đồng Dương, y phục là loại sampot ngắn tới đầu gối, thắt lưng vải to bản với một dải buông xuống phía trước chạm đất giống như một chiếc khố dài, đó là kiểu y phục chưa xuất hiện ở giai đoạn Đồng Dương. Pho tượng thần Vishnu 4 tay (được bảo quản tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), thể hiện thần Vishnu có khuôn mặt hiền từ hơn các pho tượng thuộc phong cách Đồng Dương mặc dù vẫn còn đôi môi dày, ria mép rậm. Đầu đội Kirita-mukuta, y phục gần giống như thần Krisna nâng núi Govahana... Được sự cho phép của Bộ VH-TT, đầu tháng 7 năm 2007, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam và Khoa Sử trường ĐHKHXH&NVQG Hà Nội tiến hành khai quật phát lộ chân tháp Khương Mỹ để chuẩn bị cho việc tu bổ di tích. Tại Tháp Nam, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện 17 khối sa thạch có trang trí ở chân tuờng phía Nam và phía Tây của tháp. Đây là những khối đá có công năng bao giữ phần chân đế bằng gạch của tháp, đồng thời cũng để trang trí cho tháp; đáng chú ý là các khối đá nầy không xếp liền kề nhau mà được xen kẽ với các mảng chạm khắc bằng gạch. Trên các khối đá nầy thể hiện một số cảnh sinh hoạt của loài khỉ. Những tượng khỉ nầy dường như có liên quan đến trường ca Ramayana, một pho sử thi nổi tiếng của Ấn Độ. Kết thúc đợt khai quật 2007-2008, đã tìm thấy 124 hiện vật, gồm có các loại phù điêu, tượng người; tượng động vật như rắn Naga, khỉ, ngựa, voi; các loại trang trí chân tường, trang trí góc tháp; chóp tháp... Do tìm thấy nhiều tác phẩm mang tính chất Vishnu giáo nên một số nhà nghiên cứu cho rằng Khương Mỹ là một khu đền thờ thần Vishnu.
- Các tác phẩm điêu khắc ở Khương Mỹ đã thể hiện được sự chuyển tiếp từ những nét mạnh mẽ, dữ dội của phong cách Đồng Dương sang những nét nhẹ nhàng, trang nhã của phong cách Trà Kiệu, do đó các nhà nghiên cứu đã xếp chúng vào phong cách riêng: phong cách Khương Mỹ -đầu thế kỷ X.. 6. Di tích Trà Kiệu Di tích Trà Kiệu thuộc làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; cách thành phố Đà Nẵng khoảng 45 km về hướng Tây Nam, trên đường 610. Những dấu vết của các đoạn tường thành, đền tháp cùng những tác phẩm điêu khắc đã khiến các nhà học giả Pháp chú ý. Bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ XIX, C. Paris và C. Lemire đã sưu tầm các tác phẩm điêu khắc ở Trà Kiệu. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, L. Finot và H. Parmentier bắt đầu khảo sát dấu vết tường thành và các kiến trúc. Năm 1927-1928, J. Y. Claeys đã tổ chức khai quật với quy mô khá lớn. Toàn bộ nền móng của các nhóm tháp phía bắc trong thành nội đã được phát hiện, cùng với hàng chục điểm thám sát khác trong thành. Nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá đã được tìm thấy. Với kết quả khai quật đó, J. Y. Clayes đã phát họa được quy mô của tòa thành cổ, đồng thời chứng minh được thành Trà Kiệu chính là kinh thành Simhapura của vương quốc Champa. Theo các thư tịch cổ thì kinh thành Simhapura được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ IV dưới triều vua Bhadravarman. Trong các cuộc chiến tranh xảy ra giữa vương quốc Champa và các nước phía bắc như Trung Hoa và Đại Việt, kinh thành Simhapura nhiều lần bị tàn phá, nhưng nơi đây vẫn là trung tâm chính trị của vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ. Đến đầu thế kỷ XI, khi vùng đất phía Bắc bị đe dọa, người Chăm phải dời kinh đô vào vùng Vijaya. Phần lớn những tác phẩm điêu khắc được phát hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng, gồm nhiều tượng thờ, đài thờ, các vật trang trí kiến trúc...Trong đó phải kể đến đài thờ Linga-Yoni ký hiệu 22.2, mà phần đế đài thờ được chạm trổ cả 4 mặt, nội dung những cảnh chạm liên quan đến đạo Vishnu. Một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác là một phần của đài thờ lớn, ký hiệu 22.5, thể hiện những nhạc công và những vũ nữ mà người ta thường gọi là đài thờ "Vũ nữ Trà Kiệu".
- Những tác phẩm điêu khắc ở Trà Kiệu cho thấy sự chuyển hóa rõ ràng trong nghệ thuật Champa, hình thành nên phong cách Trà Kiệu nổi tiếng từ giữa đến cuối thế kỷ X. Ngoài tượng người, tượng động vật đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật Champa giai đoạn Trà Kiệu, chim thần Garuđa, Naga, Voi, Sư tử... được bố trí hài hòa trong tổng thể kiến trúc. Từ năm 1985 đến 1990, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã có nhiều cuộc đào thám sát và khai quật tại Trà Kiệu. Kết quả nghiên cứu ở khu vực đồi Bửu Châu cho thấy, trong di tích còn có nhiều đồ gốm dân dụng, đồ tế lễ của người Chăm cổ. Trong tầng dưới cùng của hố khai quật, các nhà khảo cổ còn phát hiện được nhiều mảnh gốm giống như gốm Sa Huỳnh và những chiếc vò hình quả trứng rất thô. Trong số những đoạn thành còn lại, các nhà khảo cổ đã khai quật cắt ngang qua đoạn thành phía Nam, có chiều cao so với mặt ruộng hiện nay khoảng 3m. Chân thành dày 6 m, gồm có 3 lớp: lớp tường gạch phía ngoài dày 1,30m, ở giữa có một lớp đất sét dày 3,30m, lớp tường gạch phía trong dày 1,4m, mặt cắt ngang tường thành có hình thang cân, dấu vết để lại cho thấy tòa thành đã bị sụp đổ và được xây dựng lại nhiều lần. 7. Khu phế tích An Mỹ Đầu năm 1982, trong khi đào mương ngang qua cánh đồng ở khu vực An Mỹ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, nhân dân địa phương đã phát hiện một khu phế tích Champa, cách nhóm tháp Chiên Đàn khoảng 1,5 km về phía Tây-Nam. Khu phế tích rộng khoảng 500m2, nền gạch phân bố thành nhiều cụm, có thể trước kia ở đây có một tháp lớn và vài 3 tháp nhỏ. Nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị đã được phát hiện: - Bức Tympan cao 76 cm thể hiện thần Laksmi ngồi xếp bằng trên bệ hoa sen, 2 tay cầm 2 đóa sen, đầu đội Kirata-mukuta, 2 mắt hơi khép lại, mũi tẹt, cánh mũi rộng, môi dày, miệng rộng mỉm cười, 2 tai đeo đôi khuyên tai hình con đỉa. Thân trên để trần, thân dưới khoác một sampot đơn giản. Quanh viền Tympan trang trí hoa văn cánh sen cách điệu. Niên đại bức Tympan khoảng thế kỷ XI. - Bốn tượng thần canh giữ phương hướng ngồi trên những chiếc bệ vuông: Isana cưỡi bò, Brahma cưỡi ngỗng, Indra cưỡi voi và Agni cưỡi tê giác. Bốn pho tượng này có niên đại khoảng thế kỷ X. - Ba bức phù điêu bán thân của một nam thần và 2 nữ thần được chạm trổ nổi trên 3 phiến đá hình vuông: + Bức phù điêu nam thần còn tương đối nguyên vẹn. Đầu đội một chiếc mũ trang trí 3 đóa hoa, đóa hoa ở giữa lớn hơn 2 đóa hoa 2 bên, hoa có hai tầng cánh; tầng ngoài có 10 cánh, tầng trong có 9 cánh, ở giữa nhụy hoa kéo dài xuống. Đầu tóc xoăn và dày phủ xuống hai vai. Hai tai bị tóc phủ kín, chỉ lộ ra hai khuyên tai
- tròn và lớn. Nam thần có gương mặt vuông, đôi mắt lớn có chạm rõ con ngươi, hai hàng lông mày cong và dài, hai cánh mũi rộng, môi dày miệng rộng và mỉm cười, ria mép mảnh, vểnh lên ở hai đầu mút. Phần thân dưới đến ngang ngực, được thể hiện đơn giản, chiếc vòng cổ lớn chạm hình thảo mộc xoắn xít. Hai vai rộng nhưng ngực lại lép. + Bức phù điêu thể hiện một nữ thần có gương mặt vuông, hai má bầu bĩnh. Tóc được búi ở trên thành 3 lọn tóc lớn nghiêng về bên trái, được thắt lại bằng một ruban có trang trí 3 đóa hoa tròn nhỏ, phần tóc phía sau xõa ngang vai. Hai hàng lông mày mỏng, đôi mắt lớn có con ngươi, cánh mũi rộng, đôi môi dày, miệng mỉm cười. Nữ thần có đôi tai dài, đeo hai khuyên tai lớn chấm vai. Trên cổ đeo một vòng kiềng lớn chạm những cánh hoa kết thành chuỗi. Bộ ngực căng tròn. + Bức phù điêu thể hiện một nữ thần có gương mặt trái xoan, bị hư hại nặng nhưng vẫn còn thấy được những nét chính, tương tự như vị Nữ thần kia nhưng cặp mắt không có con ngươi. Cả 3 bức phù điêu trên đều có vầng hào quang phía sau đầu của nhân vật. Theo các nhà nghiên cứu, 3 bức phù điêu này chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Môn- Dvaravati (một nền nghệ thuật của Thái Lan từ thế kỷ VI-XI), đồng thời mang những yếu tố của nghệ thuật Chăm giai đoạn Đồng Dương như gương mặt vuông, cánh mũi rộng, đôi môi dày, mũ có trang trí 3 đóa hoa lớn. Theo chúng tôi, niên đại của 3 bức phù điêu này vào khoảng cuối thế kỷ VIII-đầu thế kỷ IX. Đặc biệt tại di tích có một bàn thờ Linga-Yoni rất lớn, được ghép lại bằng nhiều phiến sa thạch. Linga là một trụ đá cao 170cm, đường kính 58cm, chia làm 3 phần gần bằng nhau: phần dưới hình tứ giác, tượng trưng cho Brahma, thần sáng tạo thế gian. Phần giữa hình bát giác, tượng trưng cho Vishnu, thần bảo tồn thế gian. Trên cùng hình tròn, tượng trưng cho Siva, thần hủy diệt và tạo dựng. Yoni là một thớt sa thạch hình vuông cạnh 170cm, có vòi nhô ra, ở giữa có lổ vuông để Linga lọt vào. Tất cả được đặt trên chân đế gồm 4 tảng sa thạch vuông ghép lại. Toàn bộ bàn thờ cao 270cm. Theo các nhà nghiên cứu đây là bệ thờ Linga-Yoni lớn nhất của nghệ thuật Champa. Bệ thờ này có niên đại khoảng cuối thế kỷ VIII- đầu thế kỷ IX. Ngoài ra trong khu vực còn nhiều đồ trang trí kiến trúc. Tuy khu tháp An Mỹ đã bị sụp đổ từ lâu, nhưng qua các tác phẩm điêu khắc còn để lại, ta có thể biết đây là một khu tháp lớn, được bắt đầu xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, được tu sửa và xây dựng thêm vào các thế kỷ sau. 8. Khu phế tích Phú Hưng Di tích Phú Hưng thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 76km về phía Nam cách nhóm tháp Khương Mỹ khoảng 1 km về phía Đông Nam, di tích này là một nhóm tháp lớn đã sụp đổ từ lâu. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, người Pháp đã tìm thấy một số tác phẩm như: Makara, Naga, khỉ, sư tử...
- Sau năm 1975, nhiều hiện vật khác được tiếp tục phát hiện như Skanda, Kinnara, vật trang trí kiến trúc... Năm 1994, nhân dân địa phương lại tìm thấy những tác phẩm điêu khắc có giá trị: + Tympan chạm thần Vishnu có 4 tay ngồi xếp bằng trên tòa sen, đầu thần đội Kirita-mukuta hình chóp, gương mặt vuông tươi tắn, 2 hàng lông mày mỏng và cong, đôi mắt hình khuy áo không có con ngươi, miệng tươi cười, 2 tai đeo đôi khuyên tai hình hoa lớn chấm vai, giống như loại khuyên tai của các nhân vật trên bệ thờ Trà Kiệu (ký hiệu 22.5 tại Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng). Cổ thần đeo một chuỗi hạt lớn, thân trên để trần. Ở dưới mặc một sampot ngắn. Bốn tay cầm 4 vật tượng trưng cho lửa, nước, đất và không khí. + Tượng nữ thần Laksmi-vợ của thần Vishnu, ngồi xếp bằng, hai bàn chân hướng lên trên, đầu đội Kirita-mukuta. Gương mặt vuông, tươi cười, hai hàng lông mày mỏng gần giao nhau, mắt gần như khép lại, mũi thẳng, 2 tai đeo khuyên tai dài chấm vai, cổ đeo một vòng kiềng lớn, thân trên để trần, ngực đầy đặn, eo nhỏ, thân dưới mặc một sampot ngắn, 2 tay cầm 2 đóa sen (đã bị gãy). + Tympan thể hiện thần Brahma có 4 đầu (chiếc đầu thứ 4 không thể thấy được). Thần ngồi xếp bằng trên tòa sen, các cánh sen lật ra bên ngoài. Đầu đội Kirita-mukuta, hai hàng lông mày mỏng, đôi mắt hình khuy áo không có con ngươi. Hai tai đeo khuyên tai hình hoa như tượng thần Vishnu nói trên. Hai tay cầm hai đóa sen, cổ đeo một vòng kiềng lớn, thân trên để trần, thân dưới mặc một sampot ngắn, vạt trước có 2 múi cong về phía bên trái. + Tượng voi cao gần 1m, được thể hiện sinh động, chân như đang bước đi, đầu quay ngang, đôi tai lớn, vòi voi cong về phía sau. Đầu voi đội mũ miện giống như những con voi thuộc phong cách Trà Kiệu. Những tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phú Hưng được xếp vào giai đoạn đầu của phong cách Mỹ Sơn A1, niên đại của chúng vào khoảng đầu đến giữa thế kỷ X. Ở Phú Hưng, ngoài đền thờ chính rất lớn, còn có 2-3 công trình phụ nhỏ. Trên đường thẳng từ nhóm tháp Khương Mỹ đến Phú Hưng còn rải rác một số trụ đá, bệ đá và một số vật trang trí kiến trúc khác. Theo một số người già ở địa phương, trước đây có một con đường lát gạch kéo dài từ Khương Mỹ đến Phú Hưng.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn