ĐIÊU KHẮC Ở KINH BẮC
lượt xem 13
download
Tượng Ngọc nữ, thế kỷ 18-19, chùa Dâu .Nghệ thuật có một vị trí đặc biệt trong bất cứ nền văn minh nào, bởi vì mọi hoạt động hành vi, âm thanh vốn không thể lưu giữ lại (trong xã hội cổ), chỉ còn lại những di vật vật chất. Điêu khắc ở Kinh Bắc là phần còn lại lâu đời và liên tục nhất của văn hóa Kinh Bắc, trong khi không thể quả quyết Quan họ ra đời vào thời điểm nào, bài ca nào là cổ nhất, sáng tác năm bao nhiêu, thì chắc chắn ta biết...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: ĐIÊU KHẮC Ở KINH BẮC
- ĐIÊU KHẮC Ở KINH BẮC Tượng Ngọc nữ, thế kỷ 18-19, chùa Dâu
- Nghệ thuật có một vị trí đặc biệt trong bất cứ nền văn minh nào, bởi vì mọi hoạt động hành vi, âm thanh vốn không thể lưu giữ lại (trong xã hội cổ), chỉ còn lại những di vật vật chất. Điêu khắc ở Kinh Bắc là phần còn lại lâu đời và liên tục nhất của văn hóa Kinh Bắc, trong khi không thể quả quyết Quan họ ra đời vào thời điểm nào, bài ca nào là cổ nhất, sáng tác năm bao nhiêu, thì chắc chắn ta biết tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích là năm 1057. Điêu khắc trước hết là dung mạo con người, vẽ thẩm mỹ của thời đại sinh ra nó, sau đó là tính cách, phục trang, là hình ảnh sống của phần lịch sử đã chết. Địa vực Kinh Bắc cổ rất rộng, bao gồm cả tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, hết huyện Gia Lâm (của Hà Nội) sát với địa vực của Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Tây. Địa vực này có lẽ được xác định vào thời Hậu Lê, có ý nghĩa như một miền văn hóa riêng biệt. Vì thế tách riêng Bắc Ninh hiện nay, mà nghiên cứu nghệ thuật cổ là không thỏa đáng. Có lẽ phải nghiên cứu nghệ thuật Bắc Ninh trong phạm vi và tương quan rộng Kinh Bắc. Tuy nhiên phong cách nghệ thuật phổ quát thời Lý - Trần (thế kỷ 11-14) xác định nghệ thuật chỉ có một phong cách Đại Việt chung. Nghệ thuật từng địa phương không có ý nghĩa gì. Tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích, năm 1057, cao 2,77m, là pho tượng hoàn hảo nhất của phong cách nghệ thuật. Vẻ đôn hậu viên mãn, thần thái phi cá tính, những nếp áo lan tỏa như làn sóng nước và những hoa văn chạm khắc bệ tượng dầy như màn đăng ten nói lên một vẻ đẹp Phật tính hoàn hảo. Cột biểu chùa Dạm (1086-1094), biến thái từ biểu tượng
- Linga - Yoni Champa, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương và con rồng thăng hoa từ mặt đất, mặt nước lên bầu trời. Những di vật khác như 10 con thú đá (ngựa, tê giác, voi, trâu, sư tử), tượng Đầu người mình chim Phật Tích, hoặc mở rộng lên những chạm khắc đá chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng cho thấy sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc và điêu khắc ở Kinh Bắc trong thời đại nhà Lý, một loại kiến trúc có hơi hướng của dòng ấn Độ - Khmer. Chùa Dâu có lịch sử lâu đời nhất ở Bắc Ninh, gắn với truyền thuyết Man Nương thời Sỹ Nhiếp, từ thế kỷ 2, và gắn với dòng Thiền Tỳ ni đa lưu chi (569-582), nhưng di tích sớm nhất là những vì kèo và chạm khắc vì kèo theo phong cách nghệ thuật thời Trần (1226-1400), rất tương tự với chạm khắc tuyệt đẹp ở chùa Thái Lạc ở Văn Lâm (Hưng Yên) cách đó không xa và cũng thờ Pháp Vân, trong hệ thống Tứ pháp rộng. Điêu khắc của tín ngưỡng Tứ pháp rất đặc biệt, thần tượng chủ yếu gồm: bà Man Nương, và Mây - Mưa - Sấm - Chớp, đều cùng tư thế tay giơ lâm pháp, tay cứu độ, thân trên để trần rất thon thả, gợi cảm, thân dưới quấn váy. Các tượng Tứ pháp xuất hiện ở diện rộng ở các huyện Gia Lâm (Hà Nội), Thuận Thành (Bắc Ninh), Văn Lâm (Hưng Yên), Thường Tín (Hà Tây), và vùng Pháp Vân (Hà Nội) tức là các địa bàn liền nhau bên bờ sông Hồng, sông Dâu và sông Châu Giang. Tuy nhiên các tượng Tứ pháp hiện tại chỉ có niên đại sớm là thế kỷ 16-17. Ba pho tượng Tam thế ở chùa Ngọc Khám, theo văn bia, có thể xuất hiện đầu thế kỷ 17 (1608), nhưng theo phong cách mà các nhà nghiên
- cứu mỹ thuật đưa ra, tượng theo truyền thống Lý, nhưng khối hình gắn với nghệ thuật thế kỷ 15. Ba thế kỷ 16 - 17 - 18 là thời kỳ thịnh đạt của ba khu vực điêu khắc đình làng, điêu khắc Phật giáo và điêu khắc lăng mộ. Điêu khắc đình làng thể hiện tinh thần thế tục sâu sắc và phi tôn giáo. Người nông dân sinh hoạt thường nhật trong làng xã thế nào, được phản ánh như thế trong các chạm khắc trong đình. Đình Lỗ Hạnh (1576), đình Thổ Hà (1686), đình Diềm (1692), đình Đình Bảng (1736) đều tiêu biểu cho kiểu thức kiến trúc nhà sàn, mái cong, hệ thống chịu lực dựa trên các hàng cột, và tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc nhiều tầng, nhiều lớp, bẻ vặn hình tượng cho tính biểu cảm. Điêu khắc Phật giáo chùa Tam Sơn, chùa Diềm, chùa Dâu, đặc biệt chùa Bút Tháp với một hệ thống quy củ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, tượng chân dung các bà hoàng và hoàng thân quốc thích Lê - Trịnh, trong đó pho Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay (1647-1656) do nhà điêu khắc họ Trương thực hiện là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Các chùa trong địa vực Kinh Bắc cũ như Kiến Sơ, Sủi, Đa Tốn đều có những tác phẩm đầy phẩm chất linh thiêng dưới dáng vẻ con người cụ thể sinh động. Thế kỷ 18 tiêu biểu là cặp tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ chùa Dâu thể hiện tính chân thực hồn hậu vô tiền khoáng hậu. Điêu khắc lăng mộ, chủ yếu bằng đá, tập trung ở Hiệp Hòa, thuộc Bắc Giang hiện nay, là khát vọng của các quan lại Hậu Lê thoái chí trước cảnh nội chiến tương tàn, tìm sự giải thoát cho kiếp khác. Nhìn ở diện rộng và đặt điêu khắc Kinh Bắc trong tương quan chung với nghệ thuật đồng bằng Bắc Bộ, sẽ tìm thấy một tiến trình đồng bộ,
- trong sự chi phối của tinh thần Nho - Lão - Phật, nền dân chủ tự phát làng xã, và những suy đồi của các chính thể phong kiến. Điêu khắc đình làng ở Hà Tây, đình Tây Đằng, Chu Quyến, Đông Lỗ, ở Nam Định đình Hương Lộc, Cự Trữ, ở Vĩnh Phú đình Hương Canh, Ngọc Canh, Thổ Tang, ở Bắc Giang đình Cao Thượng, Phù Lão, trong chiều sâu của điêu khắc đình làng này, đình ở Bắc Ninh rất chuẩn mực về kiến trúc (như đình Diềm, đình Đình Bảng) nhưng tính biểu cảm của phù điêu ít hơn. Chạm khắc đình Bắc Ninh mang nhiều nét trang trí thuần túy. Hiện tượng tượng Quan âm nhiều tay, nhiều mắt khởi phát trong thế kỷ 16, với ý nghĩa một vị bồ tát từ bi nhìn thấy nhiều nỗi đau khổ, có khả năng cứu vớt nhiều chúng sinh. Quan âm chùa Hạ (Vĩnh Phú) 42 tay, Quan âm chùa Bối Khê (Hà Tây) 14 tay, Quan âm chùa Đa Tốn (Gia Lâm) 652 tay, còn Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn chùa Bút Tháp, 42 tay lớn, 958 tay nhỏ cũng đồng thời là mắt luôn, cấu trúc như một đóa hoa sen đang nở trong vòng hào quang lan tỏa, là đỉnh cao của nghệ thuật tượng Quan âm. Sau Quan âm Bút Tháp, thế kỷ 18 còn nhiều tượng đẹp như Quan âm chùa Sủi (Gia Lâm), chùa Trăm Gian (Hà Tây), chùa Mía (Hà Tây) rồi kết thúc ở một tác phẩm chói lọi khác là Quan âm 112 tay thế kỷ 19 chùa Tây Phương (Hà Tây). Loạt tượng chân dung hoàng thân, quốc thích chùa Bút Tháp, gần gũi trực tiếp với loạt tượng chân dung vua Lê Thần Tông và 6 bà hoàng chùa Mật (Thanh Hóa), như thể được làm ra cùng một phường thợ.
- Thực chất thì Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đi lại và xuất hiện cả ở chùa Mật lẫn Bút Tháp. Điêu khắc đá lăng mộ thế kỷ 17, 18 ở Kinh Bắc cũng không xa lạ với điêu khắc đá lăng mộ quan lại ở Thanh Hóa. Cách xếp đặt võ sỹ, quan hầu, voi, ngựa đăng đối qua trục thần đạo được dẫn dắt ngay từ những lăng mộ vua Lê thế kỷ 15 ở Lam Kinh. Những chạm khắc đá - con rồng ở đền thờ Lê Văn Thịnh, lan can và tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp trở thành những biệt lệ của hình khối ngọt ngào trên tảng đá cứng rắn. Nếu tính mỗi làng có một đình, một chùa, một đền với hàng chục pho tượng, chạm khắc phù điêu, trang trí, bia đá, chưa kể các lăng mộ, di sản điêu khắc ở Bắc Ninh rất đồ sộ, trong đó không hiếm các tác phẩm xuất sắc nhất. Các làng cổ đều phát triển theo các triền sông Thương, sông Cầu, sông Hồng và trong quá khứ là sông Tiêu Tương, sông Dâu. Mạch phát triển của nghệ thuật cũng đi theo lưu vực các con sông này. Điêu khắc cổ chủ yếu sinh ra từ tôn giáo, phục vụ cho tín ngưỡng tôn giáo, trước hết là thần tượng nhằm thức tỉnh đời sống huyền hoặc trong con người, gây lòng xác tín nội tâm và hướng thiện, thẩm mỹ là cái vỏ bên ngoài và là yếu tố kể đến sau cùng. Qua kho tàng này người ta có thể nhận thấy con người Việt Nam nói chung, Kinh Bắc nói riêng trong lịch sử và trong sinh hoạt trần thế, khi thời đại đã qua đi. Cái mạch điêu khắc nhân văn đó ngày nay đã đứt đoạn, dòng sông nghệ thuật điêu khắc đã ngừng chảy, không như các làn điệu Quan họ vẫn tình tứ bên bãi dâu, sườn non. Chúng đọng lại trong các di tích và bị đánh cắp, tô vẽ bừa bãi dưới danh nghĩa công đức tu tạo. Còn kịp thời gian để bảo
- tồn, lưu giữ báu vật và tìm về đời sống tâm hồn Việt trong muôn khuôn mặt xa xưa. Phan Cẩm Thượng Chú thích - Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Kinh Bắc nam giáp trấn Sơn Nam, trấn Hải Dương, bắc giáp trấn Thái Nguyên, đông tiếp giáp Lạng Sơn. Gồm phủ Từ Sơn 5 huyện, phủ Bắc Hà 4 huyện, phủ Lạng Sơn 6 huyện, phủ Thuận An 6 huyện. - Chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự), Phượng Hoàng, Tiên Sơn, Bắc Ninh 1057. Chùa Dạm (Thần Quang tự), Nam Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh, 1086- 1094. Chùa Dâu (Diên ứng tự) Thuận Thành, Bắc Ninh. Chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự) Lạc Hồng, Văn Lâm, Hải Hưng. Chùa Ngọc Khám, Khám, Thuận Thành, Bắc Ninh. Chùa Tam Sơn (Cảm ứng tự), Từ Sơn, Bắc Ninh. - Đình Lỗ Hạnh - Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang, 1576. Đình Thổ Hà, Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, 1686. Đình Cao Thượng - Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang, thế kỷ 17. Đình Phù Lão - Đào Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang thế kỷ 17. Đình Diềm - Viêm Xá, Hòa Long, Bắc Ninh, 1692. - Lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Lăng họ Đỗ - Nội Duệ, Đình Cả, Tiên Sơn, Bắc Ninh.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Điêu khắc thời Lê Sơ (1428 – 1527)
12 p | 2233 | 50
-
Nghệ thuật điêu khắc đình làng ở Bắc Bộ
13 p | 290 | 34
-
Kiến Trúc Điêu Khắc Đình Làng Bắc Bộ
26 p | 313 | 33
-
Đình Chèm - Nét kiến trúc nghệ thuật cổ kính ở Bắc Bộ
4 p | 163 | 16
-
Chùa Bút Tháp, ngôi cổ tự danh tiếng vùng Kinh Bắc
9 p | 95 | 14
-
20 ưu và nhược điểm của botox
8 p | 79 | 8
-
Kinh ngạc trước nghệ thuật vẽ tranh 3D đường phố
6 p | 108 | 7
-
ĐIÊU KHẮC MỸ THUẬT Ở KINH BẮC
8 p | 57 | 7
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn