intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh mới

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

7
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung bài viết "Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh mới" phân tích thực trạng một số mô hình đào tạo bậc đại học chính hiện nay ở Việt Nam và xác định những yếu tố nội tại và bên ngoài mô hình ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch để đáp ứng được yêu cầu hội nhập và thích ứng với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh mới

  1. ĐỔI MỚI TƯ DUY VÀ GIẢI PHÁP CHO MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN ... NHÂN LỰC DU LỊCH CHẤT LƯỢNG CAO TRONG BỐI CẢNH MỚI PGS.TS. Phạm Trung Lương1 Tóm tắt: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng của đất nước với khu vực và quốc tế dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là mục tiêu của công tác đào tạo du lịch nói chung và đào tạo bậc đại học du lịch nói riêng. Đó cũng chính là mục tiêu chiến lược của công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tại Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL ngày 29/09/2011 Vủa Bộ VHTTD phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch và nhiệm vụ chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo cho giai đoạn phát triển mới đến năm 2030. Nội dung bài viết phân tích thực trạng một số mô hình đào tạo bậc đại học chính hiện nay ở Việt Nam và xác định những yếu tố nội tại và bên ngoài mô hình ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch để đáp ứng được yêu cầu hội nhập và thích ứng với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bài viết đề xuất một số giải pháp mang tính gợi ý cần lồng ghép trong chiến lược phát triển trường đại học hướng đến mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch. Từ khoá: đào tạo đại học, mô hình đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, du lịch. 1. MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO Đối với mọi xã hội, ở bất cứ thời điểm nào, con người luôn đóng vai trò là nguồn lực chính, là trọng tâm của sự phát triển. Chính vì vậy, nguồn nhân lực luôn là sự quan tâm của mọi xã hội, không phân biệt thể chế chính trị. Nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ lao động có trình độ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao, có thái độ (tự giác, đạo đức 1 Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA).
  2. 40 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... nghề nghiệp, cầu thị,…) và năng lực (sức khoẻ, ý chí, năng động,..) để hoàn thành xuất sắc công việc được giao, đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng lao động và xã hội. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngoài những “tố chất ” trên, nguồn nhân lực chất lượng cao còn phải có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong môi trường cạnh tranh cao ở tầm khu vực và quốc tế. Cho đến nay, ở Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là đội ngũ lao động bao gồm những người có học vấn có trình độ từ cao đẳng trở lên, nghệ nhân trong các lĩnh vực và lao động có kỹ năng nghề. Đó là những tiêu chí về trình độ học vấn và kỹ năng, tuy nhiên, những tiêu chí về khả năng đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng lao động, xã hội và yêu cầu hội nhập còn chưa được cụ thể hoá. Hiện nay, ở Việt Nam, có nhiều mô hình đào tạo phát triển nguồn nhân lực bao gồm: – Mô hình đào tạo chuyên ngành: Theo đó, đào tạo nhân lực sẽ được thực hiện tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành hoặc đa ngành ở các cấp đào tạo: trung cấp, cao đẳng và đại học. Ở phần lớn các cơ sở đào tạo theo mô hình này không có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu “mô phỏng” hoạt động thực tế để qua đó có thể trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề cần thiết, hay nói một cách khác, ở các cơ sở đào tạo theo mô hình này, sinh viên không thể thực tập ngay tại trường. Hoạt động thực tập thường được thực hiện tại những doanh nghiệp mà cơ sở đào tạo có mối quan hệ đối tác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính chủ động và chất lượng đào tạo. Đây là mô hình khá phổ biến hiện nay trong hệ thống các trường có đào tạo các ngành cần kỹ năng như du lịch. – Mô hình đào tạo “Trường – Khách sạn”: Đây là mô hình mà ở đó trong hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của trường có một cấu phần quan trọng là “khách sạn” nơi được trang bị các điều kiện cần thiết để sinh viên có thể thực tập các kỹ năng về quản lý và cung cấp dịch vụ khách sạn, nhà hàng và đại lý lữ hành như một doanh nghiệp du lịch. Đây là mô hình đào tạo du lịch bậc đại học, cao đẳng khá phổ
  3. Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn... 41 biến ở các nước có ngành du lịch phát triển. Mô hình này có khả năng khắc phục được nhược điểm của mô hình trên. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này, cần có đầu tư lớn và những chính sách phù hợp để “Trường – Khách sạn” không chỉ là nơi thực tập tốt mà còn là cơ sở kinh doanh du lịch được hưởng những chính sách đặc thù bởi tính chất riêng biệt của nó so với những khách sạn kinh doanh thông thường. Ở Việt Nam, một số cơ sở đào tạo theo mô hình này đã được hình thành với sự hỗ trợ của quốc tế như Trường Cao đẳng Du lịch Huế, Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng,… – Mô hình đào tạo liên thông: Đây là mô hình đào tạo “đa cấp trình độ” được tích hợp trong một cơ sở đào tạo cho phép sinh viên có nhiều khả năng lựa chọn trong khả năng của mình về tài chính và thời gian theo học, đặc biệt trong việc tiếp cận với đào tạo ở đẳng cấp quốc tế. Ở mô hình này, các chương trình đào tạo được thiết kế theo hệ thống mô-đun từ trình độ trung cấp đến trình độ đại học. Sinh viên hoàn thành được một số mô-đun nhất định theo quy định sẽ được cấp chứng chỉ/bằng ở trình độ đào tạo tương đương và sẽ được bảo lưu kết quả hoàn thành mô-đun trọn đời. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên, vì một lý do nào đó (chữa bệnh, kiếm tiền để học, thực hiện nghĩa vụ quốc gia,...) phải dừng học trong một thời gian dài sẽ có cơ hội tiếp tục học để đạt được trình độ bậc học cao hơn nếu còn nguyện vọng. Nếu hệ thống mô-đun được thiết kế theo các tiêu chuẩn quốc tế, thì sinh viên có thể lựa chọn cơ sở đào tạo trong nước hoặc quốc tế trong cùng hệ thống theo sở thích. – Mô hình doanh nghiệp đào tạo: Đây là mô hình mà ở đó cơ sở đào tạo được thành lập như một bộ phận của doanh nghiệp (thường là các tập đoàn lớn) hoặc dưới dạng doanh nghiệp cổ phần có chức năng đào tạo với sự tham gia cổ phần chi phối của doanh nghiệp. Ở mô hình đào tạo này, hoạt động đào tạo thường gắn liền với các chuyên ngành trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, mô hình Trường Đại học FPT, mô hình Trường Cao đẳng nghề Du lịch SaigonTourist, mô hình Trường Đại học Văn Hiến (TP Hồ .
  4. 42 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Chí Minh), mô hình Trung tâm đào tạo nghề Du lịch Yasaka (Nha Trang),… là những ví dụ điển hình. Ở mô hình này, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ được thay thế bằng “Hội đồng quản trị” và dưới đó là “Hội đồng điều hành” (tương tự như Ban Giám hiệu) hoặc sẽ là “Hội đồng trường” với đại diện của các bên tham gia đào tạo, đặc biệt là doanh nghiệp. – Mô hình “Đào tạo – nghiên cứu – khởi nghiệp”: Trong thời gian gần đây, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, tự động hoá và trí tuệ nhân tạo đã làm biến đổi sâu sắc các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là biến đổi trong cách thức giao tiếp giữa con người với kho tàng tri thức, cách thức tạo ra và sử dụng tri thức. Những biến đổi này có tác động trực tiếp đến các cơ sở đào tạo, cách thức các trường thực hiện sứ mạng của mình, và cách xã hội nhìn nhận về vai trò của các cơ sở đào tạo. Trong bối cảnh này, chức năng giảng dạy và nghiên cứu của các cơ sở đào tạo không còn mang tính “độc quyền” trong việc mang tri thức đến cho sinh viên bởi sinh viên có thể tiếp nhận tri thức không chỉ từ nhà trường mà còn từ kho tàng tri thức nhân loại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Đặc điểm này đặt ra yêu cầu bức thiết đối với các cơ sở đào tạo cần phải có “sứ mạng” thứ ba là “khơi nguồn” đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp cho sinh viên. “Sứ mạng” này chính là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo trong bối cảnh hội nhập và phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Như vậy, trong mô hình này, hai chức năng truyền thống chính của nhà trường là đào tạo và nghiên cứu có quan hệ tương hỗ mật thiết sẽ được đặt trong “hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp”. Các giảng viên (bao gồm cả các chuyên gia là giảng viên thỉnh giảng) và sinh viên cùng nhau hình thành các nhóm nghiên cứu. Sinh viên sẽ được tiếp thu kiến thức từ giảng viên thông qua hoạt động nghiên cứu và được khuyến khích sáng tạo với các ý tưởng khởi nghiệp trong tương lai trên cơ sở những gợi ý của các chuyên gia. Ngược lại, các giảng viên sẽ được bổ sung các kiến thức để làm phong phú, sâu sắc hơn các bài giảng, giáo trình của mình từ chính các kết quả nghiên cứu chung của cả nhóm, trong đó có sinh viên.
  5. Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn... 43 Đối với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mỗi mô hình trên sẽ đều có những lợi thế và hạn chế phụ thuộc vào năng lực đào tạo (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng tài chính, khả năng liên kết trong và ngoài nước,...), mức độ linh hoạt trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội với những biến đổi không ngừng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập. Cho dù lựa chọn mô hình đào tạo nào hoặc kết hợp một số mô hình trong một cơ sở đào tạo, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ phụ thuộc vào trình độ đội ngũ giảng viên, tính phù hợp của chương trình đào tạo, mức độ kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo – thực hành – nghiên cứu và khởi nghiệp mà còn phụ thuộc vào khả năng của cơ sở đào tạo trang bị cho sinh viên các kỹ năng mềm cần thiết cho việc thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao sau khi tốt nghiệp như kỹ năng tư duy độc lập, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp,... cũng như mức độ thích hợp của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật giảng dạy của cơ sở đào tạo. Đây là những yếu tố nội tại của cơ sở đào tạo ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Bên cạnh các yếu tố nội tại của cơ sở đào tạo được đề cập, một số yếu tố quan trọng từ bên ngoài có ảnh hưởng đến mô hình đào tạo và nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ sở đào tạo, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần được quan tâm bao gồm: – Hệ thống chính sách đào tạo: cần phải có những chính sách phù hợp, trong đó nổi bật là chính sách thu hút giảng viên có trình độ từ bên ngoài bao gồm cả các giảng viên từ các cơ sở đào tạo có danh tiếng trong khu vực và trên thế giới; chính sách nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên cơ hữu; chính sách khuyến khích gắn kết hoạt động giảng dạy với hoạt động nghiên cứu; chính sách hỗ trợ nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật đào tạo; v.v. Việc xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống chính sách cần không có sự phân biệt đối với các cơ sở đào tạo có hình thức sở hữu khác nhau.
  6. 44 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... – Sự can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý đến hoạt động đào tạo, theo đó, cho đến nay, tính tự chủ (tương đối) của các cơ sở đào tạo ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được tôn trọng cho dù chủ trương đẩy mạnh tính tự chủ của các cơ sở đào tạo luôn được nêu trong không ít văn kiện của các cấp quản lý. Việc “phân bổ” chỉ tiêu đầu vào cho các các cơ sở đào tạo theo các chuyên ngành thường không sát với thực tế “cầu” của xã hội gây nên tình trạng “thừa – thiếu” đầu vào giữa các chuyên ngành tại các kỳ tuyển sinh, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. – Yêu cầu của hội nhập đối với nguồn nhân lực, theo đó nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cần đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng lao động nói riêng và của xã hội nói chung theo các tiêu chuẩn quốc gia mà còn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn ở tầm khu vực và quốc tế để sinh viên khi tốt nghiệp có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn đào tạo khu vực và quốc tế. Đây là yếu tố tạo “sức ép” rất lớn đến hoạt động đào tạo để có thể có được nguồn nhân lực chất lượng cao từ góc độ hội nhập quốc tế. 2. THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO Ở VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Hiện nay, ở Việt Nam, hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chủ yếu được thực hiện ở một số loại hình cơ sở đào tạo gồm: - Đào tạo tại các trường đại học; - Đào tạo tại hệ thống các trường trung cấp và cao đẳng nghề chuyên ngành du lịch; - Đào tạo tại các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghề du lịch; - Đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch ở nước ngoài. Đối với hoạt động đào tạo ở trong nước, mô hình phổ biến hiện nay là mô hình đào tạo chuyên ngành hoặc đa ngành như đã đề cập ở trên. Phần lớn các cơ sở đào tạo thuộc sở hữu nhà nước, các cơ sở thuộc sở hữu tư nhân còn hạn chế.
  7. Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn... 45 Ngoài mô hình chủ đạo trên, một số mô hình như mô hình đào tạo “Trường – Khách sạn”, mô hình doanh nghiệp đào tạo cũng đã được hình thành với số lượng các cơ sở đào tạo rất hạn chế. Hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch với mô hình đào tạo hiện tại như đề cập ở trên đã bộc lộ một số bất cập bao gồm: – Không có cơ sở đào tạo bậc đại học chuyên ngành du lịch mà chỉ có các khoa đào tạo chuyên ngành du lịch ở các cơ sở đào tạo bậc đại học các chuyên ngành khác. Chính vì vậy các chương trình đào tạo bậc đại học chuyên ngành du lịch rất khác nhau do các cơ sở đào tạo bậc đại học quyết định có tính đến tính đặc thù chuyên ngành của mình. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra bậc đại học chuyên ngành du lịch. – Thiếu mô hình “Học viện” gắn hoạt động đào tạo với nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng các chương trình đào tạo do không cập nhật được các kết quả nghiên cứu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo du lịch. – Hệ thống quản lý các cơ sở đào tạo đến nay bị phân hóa, chồng chéo và có sự khác biệt về quy định chương trình khung, chuẩn đầu ra. Trong đó, gồm các khối cơ sở đào tạo giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp về chuyên môn (kể cả các cơ sở đào tạo do các Bộ, các ngành, các địa phương hay tư thục) và khối cơ sở đào tạo nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Các quy chế về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định, tiêu chuẩn giáo viên, quản lý học sinh, sinh viên,… cả hai Bộ đều làm riêng. Giữa 2 khối này có sự khác biệt về phương thức đào tạo (một bên đào tạo theo tín chỉ, còn bên kia đào tạo theo môn học hoặc mô-đun) với tiêu chuẩn kiểm định khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, theo đó có sự khác biệt về năng lực tốt nghiệp của người học từ 2 hệ thống đào tạo. Thực tế cho thấy những người tốt nghiệp ở hệ thống các trường đào tạo nghề (theo quy định của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội) ra trường làm nghề tốt hơn, song làm quản lý và điều hành thì kém hơn so với những người tốt nghiệp các trường thuộc hệ thống đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  8. 46 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... – Hệ thống đào tạo cũng không giống nhau ở các trường (tên môn học hay học phần, số tín chỉ, đề cương chi tiết học phần, yêu cầu thi và đánh giá,…), nên cũng xảy ra hiện tượng không công nhận lẫn nhau, nên sinh viên khi tốt nghiệp bậc trung cấp, bậc cao đẳng ở trường này muốn học liên thông lên bậc đại học ở trường khác hay tốt nghiệp đại học muốn học thạc sĩ ở trường khác, thì phải học bổ sung các học phần (mất thời gian và tốn kém). Còn việc học liên thông từ các trường nghề sang hệ thống các trường đào tạo cao đẳng và đại học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và quản lý chương trình đào tạo) cũng không được, dẫn đến những người tốt nghiệp các trường nghề, sau một thời gian làm việc tốt, có năng lực quản lý và điều hành, các doanh nghiệp muốn đề bạt lên các chức danh cao hơn thì gặp khó khăn do họ không có bằng đại học. - Sự phát triển nhanh của một số ngành như du lịch luôn đi kèm với nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong ngành Du lịch, đặc biệt khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị. Điều này dẫn đến sự phát triển ồ ạt các cơ sở đào tạo về du lịch ở các địa phương, ở các trường trong khi thiếu, thậm chí không có giáo viên chuyên ngành, không có hệ thống cơ sở thực tập,… Trước thời điểm Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học có hiệu lực từ ngày 25/11/2017, đào tạo du lịch bậc đại học thường được hợp thức dưới một số mã chuyên ngành có liên quan như Việt Nam học (Văn hóa Du lịch, Văn hóa - Du lịch, Hướng dẫn Du lịch,…), Địa lý du lịch, quản trị kinh doanh (Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị Kinh doanh Du lịch và Khách sạn, Quản trị Khách sạn, Quản trị Lữ hành,…). Hệ quả của tình trạng này là tên bằng tốt nghiệp cũng khác nhau: Cử nhân Du lịch học, Cử nhân Du lịch, Cử nhân Việt Nam học, Cử nhân Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Cử nhân Quản trị Khách sạn,… dẫn đến tình trạng khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng sẽ không biết được khả năng chuyên môn và năng lực của sinh viên có các bằng cử nhân khác nhau để bố trí vị trí công việc phù hợp.
  9. Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn... 47 Một số nguyên nhân chính của tình trạng trên bao gồm: - Chưa có sự thay đổi mang tính đột phá trong việc lựa chọn mô hình đào tạo, theo đó mô hình đào tạo chủ yếu hiện nay vẫn theo “vết mòn” có từ thời nền kinh tế bao cấp, thiếu tầm nhìn trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0; Đối với chức năng nghiên cứu, các cơ sở đào tạo vẫn đang theo đuổi những hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu nhằm vào mục tiêu công bố trên các tập san khoa học, và chạy theo những thành tích xếp hạng. Có rất ít nghiên cứu gắn với hoạt động chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp bên ngoài nhà trường. Kết quả là nhà trường ngày nay vẫn tiếp tục tồn tại theo lối cũ, ít có sự đổi mới về tư duy như cách đây vài thập kỷ. Phần lớn các trường vẫn hoạt động như cách đây vài thập kỷ, tức dựa trên một niềm tin coi việc đào tạo sinh viên sao cho khi ra trường kiếm được việc làm là mục tiêu cao nhất của nhà trường, thay vì đào tạo sinh viên thành những người dám chấp nhận rủi ro và thách thức để thể nghiệm những ý tưởng mới mẻ và trở thành người tạo ra việc làm chứ không chỉ là đi tìm việc làm. - Hoạt động đào tạo còn mang nặng tính hành chính của thời kỳ “bao cấp”, chưa tôn trọng nguyên tắc “Cung – Cầu” trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội, theo đó việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo còn mang tính “xin – cho”, thiếu căn cứ thực tiễn trong dự báo nhu cầu xã hội đối với cấp đào tạo. Hệ quả là tình trạng tuyển sinh ngành thừa, ngành thiếu còn phổ biến trong nhiều cơ sở đào tạo; các cơ sở đào tạo không được tự chủ trong hoạt động tuyển sinh; - Thiếu chính sách phù hợp, theo đó chính sách đào tạo hiện nay không đảm bảo sự công bằng với các khối đào tạo (ưu tiên đối với khối công lập trong lập mã ngành, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, v.v.), không hấp dẫn đối với các giảng viên trình độ cao trong và ngoài nước. - Hạn chế về năng lực đào tạo, theo đó thiếu cả về số lượng đội ngũ giảng viên (cơ hữu và thỉnh giảng) và về chất lượng đội ngũ
  10. 48 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... giảng viên (trình độ nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, khả năng nghiên cứu khoa học, khả năng sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng sư phạm,...) Chính vì vậy, nguồn nhân lực của nhiều ngành, điển hình như ngành du lịch hiện nay là “vừa thiếu, vừa yếu” hoặc “vừa thừa, vừa thiếu”. Về bản chất, nhiều ngành hiện đang thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc, thừa nhân lực không đáp ứng yêu cầu công việc và đặc biệt là thiếu nhân lực có chất lượng cao. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định như sau: Kết quả đào tạo không đáp ứng được yêu cầu phát triển của các ngành ở cả trình độ đại học và nghề. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu về số lượng nhân lực đặc biệt là nhu cầu về nhân lực chất lượng cao. Kết quả điều tra chưa đầy đủ cho thấy năng lực của sinh viên được tuyển chọn so với yêu cầu vị trí công việc thì phần lớn còn thiếu cả kiến thức (knowledge); thiếu các kỹ năng (skill) bao gồm kỹ năng cứng (về nghề, về tin học,...) và kỹ năng mềm (về giao tiếp ứng xử, về ngoại ngữ) và thiếu cả thái độ (attitude) làm việc chuyên nghiệp. Thực trạng này càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh đó cần có sự thay đổi tư duy về mô hình đào tạo, nhất là trong hệ thống các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo với mục đích để sinh viên khi ra trường vừa có kiến thức quản lý và điều hành, vừa lại có kiến thức nghề chuyên môn một cách chuyên nghiệp và bài bản, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập. 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HƯỚNG ĐẾN MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP Để có thể có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập ngày càng toàn diện của Việt Nam với khu vực và quốc tế, một số giải pháp sau cần được quan tâm bao gồm: - Đổi mới tư duy trong đào tạo, theo đo, hoạt động đào tạo nhân lực phải được vận hành dựa trên nhu cầu xã hội theo nguyên
  11. Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn... 49 tắc “cung – cầu”; kết hợp có hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội. Các nguồn lực này phải được quản lý và sử dụng có hiệu quả theo tư duy quản trị doanh nghiệp; – Trên cơ sở đổi mới tư duy về đào tạo, cần lựa chọn mô hình đào tạo phù hợp, theo đó cần thay đổi mô hình đào tạo hiện nay và thay vào đó là mô hình mà ở đó hoạt động đào tạo phải gắn với hoạt động nghiên cứu, gắn với thực hành kỹ năng nghề và phát huy được về thực chất tính tự chủ của cơ sở đào tạo trong việc tuyển sinh đầu vào, tuyển dụng giảng viên,… theo cơ chế thị trường có sự hướng dẫn của quản lý nhà nước. Xây dựng và phát triển Học viện Du lịch chính là mô hình hiệu quả gắn hoạt động đào tạo với nghiên cứu mà nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam cũng như ở các nước có du lịch phát triển thực hiện thành công. Mô hình đào tạo cần được thay đổi theo hướng đảm bảo tính liên thông giữa các bậc đào tạo và tạo cơ hội để sinh viên có thể theo học suốt đời và có thể nhận chứng chỉ/bằng ở các cấp học tương ứng sau khi hoàn thành các môn học theo quy định để xin việc làm. Với mô hình đào tạo liên thông các bậc học từ trung cấp đến đại học trong một cơ sở đào tạo, việc thiết kế chương trình đào tạo phải được thực hiện dưới dạng hệ thống mô-đun với sự phân cấp cho từng bậc đào tạo, trong đó chú trọng kết hợp chặt giữa lý thuyết và thực hành, đặc biệt là thực hành về kỹ năng nghề. Bên cạnh đo, chương trình đào tạo phải được thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế và mang tính liên thông giữa các bậc đào tạo cũng như liên thông giữa các cơ sở đào tạo trong nước với khu vực và quốc tế. Cùng với sự đổi mới về mô hình đào tạo là đổi mới về tổ chức của cơ sở đào tạo, trong đó đặc biệt quan trọng là đổi mới mô hình quản lý của Ban lãnh đạo nhằm có được hoạt động quản trị có hiệu quả nhất. - Đổi mới chính sách đào tạo theo hướng tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở đào tạo (xây dựng chương trình đào tạo, chính sách đãi ngộ, thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ, tuyển sinh, cấp
  12. 50 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... chứng chỉ/bằng,...); nhà nước tạo môi trường đào tạo cạnh tranh lành mạnh, giám sát thực thi pháp luật, kết nối hợp tác mang tầm khu vực và quốc tế và hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu. Chú trọng chính sách nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cơ hữu về đào tạo và nghiên cứu; chính sách thu hút các giảng viên có trình độ từ bên ngoài, bao gồm cả các nghệ nhân, các chuyên gia đang làm việc trong các doanh nghiệp và cả các giảng viên quốc tế. Xây dựng các chính sách hỗ trợ việc tạo lập sự kết nối bền vững, hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần của “Hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp” bao gồm: các cơ sở đào tạo, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu – phát triển, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ quan truyền thông, quỹ đầu tư, và các cơ quan nhà nước; thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xuất phát từ nền tảng giáo dục – đào tạo về đổi mới sáng tạo nâng cao sức cạnh tranh của các cơ sở đào tạo trên cơ sở nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. – Hạn chế những can thiệp cụ thể của Nhà nước đối với tổ chức nhân sự cơ sở đào tạo, đặc biệt đối với mô hình “doanh nghiệp đào tạo”; tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở đào tạo để các cơ sở đào tạo có thể phát huy được tốt nhất chức năng “Đào tạo – Nghiên cứu – Khởi nghiệp” trong mối quan hệ giữa Nhà nước – Cơ sở đào tạo – Doanh nghiệp với sự hỗ trợ về chính sách tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. – Tăng cường vai trò của Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) và của các Hiệp hội Đào tạo chuyên ngành với tư cách là tổ chức đầu mối xây dựng chương trình thống nhất về đào tạo ở các bậc đào tạo; phản biện về chuyên môn đào tạo du lịch và là “cầu nối” giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010). Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020. Hà Nội, 2010.
  13. Đổi mới tư duy và giải pháp cho mô hình đào tạo nguồn... 51 2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2011-2020. Hà Nội. 3. Trần Duy Liên (2016). “Đề xuất thay đổi mô hình đào tạo nguồn nhân lực trong ngành Du lịch ở các trường đại học, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”. Tuyển tập Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN. Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/12/2016. 4. Nguyễn Văn Lưu (2019). “Phát triển nguồn nhân lực du lichụ trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Tuyển tập Hội thảo quốc gia Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. TP Nha Trang, ngày 9/05/2019. . 5. Phạm Thị Ly (2015). “Vai trò của trường đại học trong xây dựng môi trường sáng tạo khởi nghiệp”. Tuyển tập Hội thảo quốc tế ASEAN Innovation and Entrepreneurship Developers Network: The Roles of Universities and Training Organizations in Innovation Ecosystem Development, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9-10/12/2015.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2