ĐÔ THỊ HÓA VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ Ở<br />
SÀI GÒN - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ 1860 ĐẾN 2008<br />
<br />
NGUYỄN ĐỨC HÒA(*)<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Đô thị hóa là nhân tố quan trọng của mọi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế, thương<br />
mại. Quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh có những nét đặc trưng riêng gồm<br />
nhiều yếu tố phức hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.<br />
Trong lịch sử, do vị trí địa kinh tế cực kì thuận lợi về giao thương, nên quá trình đô thị hóa ở Sài<br />
Gòn diễn ra tương đối sớm và rất nhanh chóng. Ở Sài Gòn còn diễn ra quá trình đô thị hóa<br />
cưỡng bức dưới tác động chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân<br />
mới suốt hàng thế kỷ (1860-1975). Quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 1975,<br />
đặc biệt từ thời điểm mở cửa gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế mau chóng, đồng thời cũng kéo<br />
theo những biến đổi lớn lao và phức tạp về văn hóa cư dân đô thị với cả hai mặt tích cực và tiêu<br />
cực của nó.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
Urbanization is an important factor of every nation in its economic, commercial development.<br />
There are many features consisting of economic, political, social, and cultural factors in the<br />
process of urbanization in Saigon-Ho Chi Minh City.<br />
Through the history, thanks to the favourable geography position and good commercial<br />
conditions, the urbanization of Sai Gon appeared and developed rapidly. In Sai Gon, there was<br />
also a compulsory urbanization caused by wars conducted by French colonism and American<br />
neo-colonism during two centuries (1860-1975). After 1975, the process of urbanization in Ho<br />
Chi Minh City was really remarked since Viet Nam carried out open-door policy and renewal in<br />
1986. The quick urbanization creates economic development, but it also recuperates complicated<br />
both positive and negative changes in social and economic development of Ho Chi Minh City.<br />
The article suggests some solutions to make this city modern, civilized, and developed in the<br />
future.<br />
<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
<br />
Đô thị hóa là quá trình tất yếu của các quốc gia gắn với quá trình phát triển kinh tế công thương<br />
nghiệp. Nhìn từ góc độ lịch sử văn hóa, quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh<br />
có những nét đặc trưng gồm nhiều yếu tố phức hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Trong<br />
lịch sử, do vị trí địa kinh tế cực kì thuận lợi về giao thương, nên quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn<br />
diễn ra tương đối sớm và rất nhanh chóng. Tuy nhiên, không chỉ có nguyên nhân kinh tế chi<br />
phối, ở Sài Gòn còn diễn ra quá trình đô thị hóa cưỡng bức dưới tác động chiến tranh xâm lược<br />
của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân suốt hàng thế kỉ. Quá trình đô thị hóa ở thành<br />
phố Hồ Chí Minh sau giải phóng, đặc biệt từ thời điểm mở cửa gắn liền với sự tăng trưởng kinh<br />
tế mau chóng, nhưng đồng thời cũng kéo theo những biến đổi lớn lao và phức tạp về văn hóa cư<br />
dân đô thị với cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
(*)<br />
TS, Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn<br />
Bài viết đề cập đến vấn đề quá trình đô thị hoá Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh từ góc nhìn lịch<br />
sử-văn hoá trong khoảng thời gian trên.<br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
<br />
2.1. Quá trình đô thị hoá và những ảnh hưởng của nó ở Sài Gòn thời kỳ Pháp thuộc (từ năm 1860<br />
đến năm 1954)<br />
<br />
Ngay từ 1859-1860, Pháp đã phát triển Sài Gòn, nhằm mục đích khai thác tài nguyên, vật lực, để<br />
lấy chiến tranh nuôi dưỡng chiến tranh, đánh chiếm Nam Kỳ lục tỉnh và toàn cõi Đông Dương.<br />
Cuối năm 1859, lính thủy trên chiến hạm Catinat đã cùng công binh thuộc địa Pháp khai phá và<br />
làm con đường từ bến sông Sài gòn đến Nhà thờ Đức Bà dành riêng cho người Pháp đi lại.<br />
Khoảng 3000 giáo dân ở Đà Nẵng và phụ cận thành Gia Định đã đến đây lập phố xá, cửa hiệu<br />
phục vụ cho sinh hoạt, ăn ở của lính thủy và viên chức người Pháp (5). Ngày 22 tháng 2 năm<br />
1860, thực dân Pháp cho mở hải cảng Sài Gòn đón thương thuyền của Pháp và các nước Châu<br />
Âu và để xuất cảng lúa gạo, nông sản Nam Kì (2). Pháp bắt đầu cho xây dựng khu hành chính<br />
trung tâm, cùng hàng loạt các công trình giao thông, dinh thự, nhà thờ cùng các cơ sở hạ tầng,<br />
làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt của đô thị Sài Gòn.<br />
<br />
Sơ đồ quy hoạch đô thị Sài Gòn được Coffyn trung tá công binh Pháp vẽ trên cơ sở của Nghị<br />
định do Charner phác họa ngày 11-2-1861. Phác đồ này gồm nhiều khu hành chính, thương mại,<br />
nhà ở công chức Pháp, trại lính v.v. dành cho số dân là 500.000 người. Đề án của Coffyn được<br />
đánh giá là hết sức viển vông và bị người Pháp bác bỏ vì họ cho rằng không bao giờ Sài Gòn có<br />
đủ số dân đó (cả Nam Bộ lúc đó chỉ có gần 1 triệu dân). Coffyn đã đúng, nhưng có lẽ ông cũng<br />
chưa hình dung hết quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn lại diễn ra quá nhanh chóng. Đến năm 1865<br />
khi Sài Gòn và Chợ Lớn đã tiến sát vào nhau thì các làng quê nằm giữa hai thành phố này như<br />
Phú Thạnh, Tân Hòa, Phước Hưng, Tân Kiểng, An Đông v.v. đã bị đô thị hóa hết. Dân số gia<br />
tăng nhanh chóng năm 1880 tăng lên 10 vạn dân, 1929 tăng lên tới 30 vạn người.<br />
<br />
Ngày 15 tháng 3 năm 1874, Tổng thống Pháp kí sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Đầu thế<br />
kỷ XX, Chợ Lớn sáp nhập vào thành phố Sài Gòn và trở thành đô thị lớn nhất xứ Đông Dương<br />
thuộc Pháp. Điểm khởi đầu quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn là việc xây dựng phố Catinat và một<br />
hệ thống nhà thờ Công giáo ở khu vực người Việt và người Hoa (10). Năm 1898 Pháp bắt đầu<br />
xây dựng Dinh xã Tây, trị sở của chính quyền thực dân ở Sài Gòn, sau này được gọi là tòa nhà<br />
Đô chính Sài Gòn (11). Đến năm 1905, phố xá và khu vực đô thị, các công thự, các trục đường<br />
chính của đô thị Sài Gòn đã có phần bề thế hơn các thành phố khác ở Đông Nam Á như<br />
Singapore, Băng Cốc v.v. Khu vực đô thị phát triển nhanh tập trung ở các khu vực nay thuộc<br />
Quận 1 và một phần đất ở Quận 3 (8). Năm 1899 công ty Cahuzac ( thuộc tỉnh Bordeaux, Pháp)<br />
cho lắp đặt nhà máy xay chạy bằng máy hơi nước đầu tiên ở Nam Kì tại Khánh Hội. Cũng vào<br />
năm này, một công ty Pháp khác là Renard khánh thành nhà máy xay Chợ Lớn theo kỹ thuật<br />
châu Âu. Năm 1863, thực dân Pháp thành lập xưởng đóng tàu Bason có khả năng sửa chữa tàu<br />
viễn dương đi lại trên vùng biển Thái Bình Dương, đóng các tàu ven biển và tàu sông cùng xà<br />
lan. Năm 1872, công ty tư nhân Larrieu và Roque tổ chức việc đường vận tải thủy từ Sài Gòn đi<br />
Bà Rịa, Biên Hòa. Các công trình giao thông nối Sài Gòn với Lục tỉnh nhanh chóng được mở<br />
mang. Năm 1883, đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho bắt đầu hoạt động. Năm 1882, đường tàu điện<br />
Sài Gòn-Chợ Lớn được khánh thành (9). Từ năm 1925 cho đến năm 1935 là khoảng thời gian<br />
Sài Gòn phát triển nhanh chóng, năm 1931 Sài Gòn có diện tích khoảng 51km 2 (diện tích này<br />
cho đến 1968 vẫn không thay đổi bao nhiêu). Quá trình phát triển đô thị Sài Gòn đáp ứng nhu<br />
cầu cuộc sống của công chức Pháp ở một xứ thuộc địa. Họ cảm thấy sống thoải mái trong một<br />
không gian đô thị Sài Gòn, được tổ chức gần giống như ở các tỉnh lị miền Nam nước Pháp. Đó là<br />
những thành phố với những đại lộ rợp bóng cây và những ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiểu<br />
tân cổ điển, những khu cư xá thoáng mát, làm cho cuộc sống có vẻ thanh thản, dễ chịu.<br />
<br />
2.2. Đô thị hoá ở Sài Gòn-Gia Định và những ảnh hưởng của nó trong thời gian Mỹ tiến hành<br />
chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975)<br />
<br />
Sau khi hiệp định Giơnevơ được kí kết, Sài Gòn trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, Sài Gòn<br />
vào năm 1954 đã là một đô thị lớn với số dân 1,5 triệu người, nhưng diện tích hầu như không có<br />
biến đổi gì. Quân Mỹ tràn vào Sài Gòn càng đông thì các cao ốc cho thuê mọc lên càng nhiều.<br />
Chỉ riêng đường Trần Hưng Đạo đã có khoảng mười cao ốc từ 5 đến 10 tầng mọc lên bên cạnh<br />
những nhà trệt hay hai ba tầng đã được xây dựng từ trước (17). Bất chấp mĩ quan đô thị, các cư<br />
xá quanh các căn cứ quân sự thường được che chắn bằng hàng rào kẽm gai, tấm lưới chống đạn<br />
B.40 và thùng phuy chứa đầy cát và xi măng để làm ụ chiến đấu khi cần.<br />
<br />
Từ năm 1965 các đô thị miền Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, cơ sở hạ tầng mở rộng để<br />
phục vụ cho đội quân viễn chinh Mỹ (6). Công việc chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh, sân bay<br />
được mở rộng và xây dựng mới, khách sạn cao tầng, các building, đại lộ mở rộng cùng với đủ<br />
loại dịch vụ phục vụ cho đội quân xâm lược đông đảo. Khu công nghiệp duy nhất ở miền Nam<br />
được xây dựng ở Biên Hòa và một số xí nghiệp ở Sài Gòn-Chợ Lớn.<br />
<br />
Quá trình đô thị hoá dưới thời Mỹ thuộc đã gây nên nhiều hậu quả về văn hoá xã hội. Ngày càng<br />
có nhiều người giàu lên nhanh chóng, nhờ vào các hoạt động dịch vụ cho bộ máy chiến tranh<br />
xâm lược. Số những người tị nạn chạy trốn khỏi các vùng bị pháo binh và máy bay Mỹ bắn phá<br />
và phun rải chất độc hóa học dạt vào Sài Gòn ngày càng gia tăng. Tỉ lệ dân số đô thị miền Nam<br />
năm 1960 từ 10% so với tổng số dân tăng lên 30% năm 1965 (7). Những người dân nghèo thành<br />
thị phải sống chen chúc nhau trong những căn hộ chật hẹp, với hệ thống xử lí chất thải đô thị và<br />
nhà ở của người lao động rất lạc hậu như chung cư Ấn Quang gồm 850 căn hộ trên khu vực đất<br />
rộng 2,39ha hay chung cư Bàn Cờ với 1.260 hộ/3,62ha (18). Như vậy, đô thị thời này phát triển<br />
theo qui luật của một xã hội tiêu thụ hiện đại vừa mang tính lệ thuộc về kinh tế với nước ngoài,<br />
lại vừa có sự chi phối của các hoạt động quân sự do Mỹ điều khiển.<br />
<br />
Ngoài khối lượng lớn bom đạn dội xuống miền Nam (vượt xa Chiến tranh thế giới lần thứ hai),<br />
Mỹ và quân đội Sài Gòn còn dùng chất độc làm trụi lá cây để đẩy nông dân vào các trại tập<br />
trung. Một bộ phận quan trọng của nông dân bị đẩy ra khỏi ruộng đất canh tác, vốn là nguồn<br />
sống cơ bản của một xã hội nông nghiệp. Ước tính dè dặt nhất cho rằng trong các năm 1965-<br />
1968, có ít nhất 3 triệu nông dân bị đẩy khỏi làng quê, bị ép buộc vào sống trong các trại tập<br />
trung, hoặc họ trở thành dân tị nạn vào sống lang thang trong các đô thị lớn, chủ yếu là Sài Gòn.<br />
Hầu hết 3 triệu người tị nạn (chỉ tính từ 1965-1969) là nông dân mà nhà cửa ruộng vườn của họ<br />
đã bị bom đạn và chất độc hoá học huỷ hoại sạch để cắt nguồn tiếp tế cho “Việt cộng”. Người<br />
nông dân bị đẩy vào những trại tị nạn ở đô thị với kẽm gai rào quanh, thực chất là một trại tập<br />
trung và là dạng nhà tù trá hình. Mỗi người tị nạn là nạn nhân của sự ngược đãi và tài sản của họ<br />
đều bị huỷ diệt, mối liên hệ giữa họ và tổ tiên (mồ mả cha ông) bị xâm phạm. Một học giả Mỹ<br />
nhận xét những người tỵ nạn ở Sài Gòn đều chết dần chết mòn về thể chất, suy sụp về tinh thần<br />
trong đời sống các trại tập trung, đó là lỗi do chính người Mỹ gây ra (20).<br />
<br />
Trong các khu tập trung dân, do chính sách đô thị hoá cưỡng bức, nên mật độ dân cư tăng nhanh.<br />
Những “khu tị nạn” với diện tích thường từ 2-4 km2 mà phải chứa từ 1,5 vạn đến 3 vạn người.<br />
Tình trạng ăn ở chen chúc tồi tệ và thiếu vệ sinh một cách kinh khủng như ăn đói, thiếu nước<br />
uống và tắm rửa, thiếu thuốc men khi đau ốm, đã làm cho người dân bị cưỡng ép vào đây đi đến<br />
chỗ chết dần, chết mòn. Trong các thành thị và các khu dồn dân, bệnh lao, bệnh phong và các<br />
bệnh hoa liễu đã trở thành phổ biến. Ở Sài Gòn có 15.000 người mắc bệnh phong đi lang thang<br />
trên đường phố. Như AFP đã đưa tin vào ngày 25/3/1971, 2/3 số người bị bệnh ở Huế là mắc<br />
bệnh lao (21). Năm 1971, Jean Mayer cố vấn đặc biệt của Nixon về dinh dưỡng đã cảnh báo<br />
rằng: chính sự thiếu ăn tại nhiều vùng ở miền Nam Việt Nam và những chứng bệnh nguy hiểm<br />
như phù thũng, thiếu máu và lao sẽ gia tăng, nếu như chương trình huỷ diệt thực phẩm bằng chất<br />
độc hoá học vẫn tiếp tục (22).<br />
<br />
Năm 1960, 20% dân miền Nam sống trong các vùng đô thị. Tỉ lệ đó lên 26 phần trăm năm 1964,<br />
36% năm 1968, năm 1971 còn tăng cao hơn nữa, một tốc độ tăng gấp năm lần so với tất cả các<br />
nước kém phát triển trong cùng thập kỷ. Dân cư tăng rất nhanh ở ngoại thành Sài Gòn, nhưng ở<br />
nội thành tỉ lệ tăng không lớn so với các đô thị khác như Cần Thơ, Đà Nẵng, Biên Hoà, Huế<br />
v.v... Đến năm 1971 số dân ở Sài Gòn chiếm 43 % toàn bộ số dân đô thị Miền Nam, nhưng nếu<br />
không tính vùng ngoại ô, thì tỉ lệ đó là 1/5. Nhìn chung, sự phát triển dân số đô thị Sài Gòn chủ<br />
yếu là nguyên nhân chiến tranh, còn lí do kinh tế thì rất phụ. Vào năm 1971, 3/4 những người<br />
dân đô thị ở Sài Gòn không phải sinh ra ở đây (3).<br />
<br />
Làn sóng khổng lồ nông dân chạy về làm cho dân số Sài Gòn tăng gấp 3 lần, đến năm 1969 là<br />
12.740 người trên một dặm vuông, là một trong những mật độ cao nhất thế giới (4, 32). Dân tị<br />
nạn tăng vọt ở các trại tập trung và đô thị đã gây ra những đổ vỡ nền tảng đạo đức và băng hoại<br />
đời sống xã hội miền Nam Việt Nam, dù vào đầu năm 1969 con số người tị nạn tụt xuống còn<br />
50% so với trước đây. Ngày15/9/1971 tổng giám đốc y tế Sài Gòn thú nhận bệnh hoa liễu đang<br />
tràn lan khắp thành thị và vùng nông thôn do chính quyền Sài Gòn kiểm soát (23). Hiện tượng<br />
thường thấy là trẻ con đánh giày, con gái bán “bar” hoặc một số làm điếm, nhiều bé gái mới 13,<br />
14 tuổi đã sa vào mãi dâm, cũng đã mắc bệnh này. Quá trình”đô thị hoá cưỡng bức” đã phá hoại<br />
những yếu tố văn hoá truyền thống thôn quê và đẻ ra bao tệ nạn xã hội.<br />
<br />
Về phương diện kinh tế, đời sống các đô thị miền Nam Việt Nam hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc<br />
kéo dài chiến tranh xâm lược của Mỹ. Khi người dân quê chạy về đô thị, thì các yếu tố truyền<br />
thống gắn với đời sống làng xã cũng mất theo. Nền văn hoá cổ truyền của người Việt Nam bị<br />
huỷ diệt ngay tại các đô thị (1) và thay thế vào đó một trật tự xã hội hoàn toàn sống phụ thuộc<br />
vào người Mỹ.<br />
<br />
Các chương trình khai quang của Mỹ từ 1961 đến 1972, đặc biệt là chương trình phá hoại hoa<br />
màu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng<br />
nông thôn miền Nam Việt Nam nơi có tới 80% dân số là nông dân. Nó đã tạo nên quá trình đô<br />
thị hóa cưỡng bức, làm xáo trộn và gây ra những tác hại toàn diện đối với môi trường và kinh tế<br />
xã hội miền Nam Việt Nam.<br />
<br />
2.3. Khái quát về đô thị hoá và ảnh hưởng của nó ở Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975 đến<br />
năm 2008<br />
<br />
Sau năm 1975, dân số Sài Gòn đã lên tới 3,5 triệu người, và hiện nay đạt đến con số hơn 8 triệu<br />
người, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn phức tạp cho việc phát triển của thành phố. Trong những<br />
năm 1975-1985 quá trình đô thị hóa diễn ra chậm chạp, chưa có có quy hoạch tổng thể và còn<br />
thiếu những công trình xây cất lớn (ngoài một số đề án hợp tác còn dang dở với Liên Xô).<br />
<br />
Chính sách kinh tế mở cửa và đổi mới của đất nước sau năm 1986 đã tạo ra sự kích thích và điều<br />
kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh<br />
được coi là khu vực phát triển năng động nhất cả nước và quá trình đô thị hoá ở đây diễn ra hết<br />
sức nhanh chóng, đó là vấn đề đang thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các nhiều nhà khoa học<br />
trong và ngoài nước.<br />
Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh<br />
trong những năm gần đây đã đưa đến nhiều biến chuyển lớn về mặt kinh tế-xã hội, làm thay đổi<br />
bộ mặt thành phố và nâng cao mức sống về mọi mặt của bộ phận lớn dân cư. Bên cạnh những<br />
mặt tích cực, quá trình đô thị hoá cũng nảy sinh nhiều vấn đề nan giải, nhất là vấn đề lao động và<br />
việc làm. Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại những khu vực mới được đô thị<br />
hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh không những quyết định sự phát triển kinh tế mà còn góp phần<br />
không nhỏ vào việc làm lành mạnh hoá cuộc sống đô thị. Đô thị hoá đi đôi với tăng trưởng kinh<br />
tế là một quá trình đem đến nhiều kết quả tích cực, hợp quy luật. Việc thu hút đầu tư, mở rộng và<br />
phát triển các ngành sản xuất cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các khu công nghiệp, khu chế<br />
xuất trên địa bàn thành phố đã đem lại nhiều công ăn việc làm, thu hút thêm nhiều lao động và<br />
góp phần làm giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên chiều hướng thất nghiệp đang gia tăng diễn ra<br />
tại Thành phố Hồ Chí Minh lại là một thực tế đáng báo động. Theo số liệu của Cục thống kê<br />
thành phố cho thấy năm 1991 số lượng người chưa có việc làm là 502.319 người và đến năm<br />
1993 là 524.997 người (19).<br />
<br />
Bên cạnh vấn đề cấp bách là giải quyết việc làm của người dân, thì Thành phố Hồ Chí Minh còn<br />
phải đối diện với vấn đề về ô nhiễm môi trường. Do sự tăng dân số cơ học nhanh và có nhiều<br />
khu công nghiệp nằm trong thành phố nên tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sông,<br />
nước ngầm đặc biệt nghiêm trọng. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm kênh<br />
rạch. Mỗi ngày, hệ thống kênh rạch và sông Sài Gòn phải hứng chịu trên 1 triệu m 3 nước thải<br />
sinh hoạt, gần 400.000 m3 nước thải công nghiệp, 4.000-5.000 tấn rác thải sinh hoạt và 7 tấn rác<br />
thải y tế chưa qua xử lý (14). Theo báo cáo kết quả quan trắc, chất lượng nước ngầm tại Thành<br />
phố Hồ Chí Minh đang có chiều hướng ô nhiễm hữu cơ gia tăng, cả về số lượng lẫn mức độ ảnh<br />
hưởng. Đặc biệt trong tháng 9 năm 2007, có đến 8/22 lỗ khoan trong thành phố không có nước,<br />
điều này cho thấy lượng nước ngầm bị triệt để khai thác ngày càng tăng khiến cho mực nước<br />
ngầm bị hạ thấp nghiêm trọng (15). Bầu không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang bị<br />
ô nhiễm đến mức báo động đỏ. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm năm 2003<br />
có khoảng 800 nhà máy, xí nghiệp lớn và hơn 30.000 cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ nằm<br />
xen lẫn trong các khu dân cư gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng năm,<br />
các nhà máy xí nghiệp này thải vào không khí 578 tấn bụi, 78 tấn SO2, 84 tấn CO2. Ngoài ô<br />
nhiễm do bụi, không khí tại thành phố còn chứa nhiều hơi khí độc phổ biến nhất là anhydrit<br />
sulfurơ (SO2), khí oxyt carbon (CO2 ), carbua hydro, v.v và một số hơi kim loại độc hại như chì,<br />
cadmi, antimoan, v.v. Số lượng xe cơ giới cao của thành phố cũng là một nguồn gây ô nhiễm<br />
không khí (16).<br />
<br />
Quá trình đô thị hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ diễn ra ở khu vực trung tâm thành<br />
phố mà còn diễn ra ở những vùng ven thành phố như Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè,<br />
v.v. Sự chuyển đổi kinh tế-xã hội đã dẫn đến nhiều biến đổi của vùng ven đô, khi có sự thay đổi<br />
về ranh giới hành chính, những làng xã lọt vào đô thị cũng có sự thay đổi lớn về cấu trúc dân cư,<br />
một bộ phận dân cư nông thôn thuộc làng xã được xác nhận với khu vực đô thị mới hình thành.<br />
Lúc này, người nông dân bị cuốn theo vòng xoáy của đô thị hoá, dần dần mất đi tư liệu sản xuất,<br />
diện tích đất canh tác tại một số quận huyện ngày càng co hẹp lại.<br />
<br />
Đô thị hoá đã kéo theo sự biến đổi tất yếu của phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc. Khoảng cách<br />
giữa người giàu và người nghèo ngày càng xa. Hiện tượng nông dân chuyển nghề đang diễn ra<br />
nhưng nghề nghiệp của họ hoặc là không phù hợp, hoặc là không đáp ứng được đòi hỏi của thị<br />
trường lao động mới mẻ. Con số không nhỏ những người nông dân sau khi bán đất cho các dự án<br />
biến thành dân nghèo thành thị, không nghề nghiệp ổn định. Theo thống kê năm 1996 thành phố<br />
có 577.000 người nhập cư (12). Họ phải làm đủ mọi nghề bằng lao động phổ thông để mưu sinh<br />
kiếm sống và họ có cuộc sống rất bấp bênh. Đơn cử như quận Tân Bình, quận có số dân nhập cư<br />
đông nhất. Theo số liệu điều tra, ở Tân Bình năm 1996 có tới 50% người nhập cư làm nghề thợ<br />
hồ, thợ mộc, thợ may, 11.5% làm nghề tự do, 14% thất nghiệp và 525 nữ tiếp viên nhà hàng (24).<br />
<br />
Quá trình đô thị hoá không chỉ làm biến đổi xã hội mà nó còn làm biến đổi những giá trị văn hoá<br />
trong giới trẻ. Theo thống kê, khoảng 94.6% giới trẻ không thích đi nghe cải lương, tuồng<br />
98.6%, chèo là 95.8%, không đi sinh hoạt ở các trung tâm văn hoá là 72.45 đến 93% (13).<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
<br />
Tóm lại, quá trình đô thị hoá tại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1860 đến nay đã trải<br />
qua rất nhiều biến đổi nhìn từ góc độ văn hóa, lịch sử. Trong quá trình toàn cầu hoá, hội nhập mở<br />
cửa hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang trở thành một thành phố rất năng động, có<br />
đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế và phát triển của đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh hiện<br />
nay là vùng đô thị lớn nhất nước ta, là trung tâm kinh tế văn hoá năng động nhất nước. Dân số<br />
hiện nay trên 8 triệu người với mật độ gần 3.100 người / km 2 , dự báo là đến năm 2020 dân số<br />
thành phố sẽ là 12 triệu người, đặt ra những vấn đề nan giải cho các nhà quản lý đô thị trong định<br />
hướng phát triển và quy hoạch để biến Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị văn minh, sạch đẹp.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
1. Nam Chinh (1970), 14 triệu dân Việt Nam trước hiểm họa cuả vũ khí hóa học và vi trùng, Tin<br />
Sáng, (283), 19/3/1970, tr.2.<br />
2. Nguyễn Đức Hòa (1998), Thương cảng Sài Gòn 1860-1954, Luận án Cao học Lịch sử, Đại<br />
học Tổng hợp TP.HCM, tr.12.<br />
3. Gabrien Kolko (1991) Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Quân đội nhân dân Hà nội, tr. 208-<br />
209.<br />
4. Francois Sully (1969), South Vietnam’s Urban Revolution, News Week, Jan, 20, 1969, p.32.<br />
5. Trần Văn Giàu (1987), Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Thành phố Hồ Chí<br />
Minh, tr.260.<br />
6. Trần Văn Giàu (1987), Sđd…, tr.387.<br />
7. Trần Văn Giàu (1987), Sđd…, tr.389.<br />
8. Ngô Huy Huỳnh (2000), Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, NXB. Xây dựng, tr 248-251.<br />
9. Ngô Huy Huỳnh (2000), Sđd…, tr 248-251.<br />
10. Trần Như Thanh Tâm (2006), Lịch sử địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục,<br />
tr.52.<br />
11. Trần Như Thanh Tâm (2006), Sđd…, tr.47.<br />
12. Tôn Nữ Quỳnh Trân (1999), Văn hoá làng xã trước thách thức của đô thị hoá tại thành phố<br />
Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.25.<br />
13. Tôn Nữ Quỳnh Trân (2002), Phát triển đô thị bền vững, Nxb Khoa học xã hội, tr.396.<br />
14.http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%A<br />
D_Minh, Theo bách khoa điện tử, Thành phố Hồ Chí Minh.<br />
15.http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%A<br />
D_Minh, Theo bách khoa điện tử, Thành phố Hồ Chí Minh.<br />
16.http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%A<br />
D_Minh., Theo bách khoa điện tử, Thành phố Hồ Chí Minh.<br />
17. http://www.hochiminhcity, Sài Gòn dưới thời Mỹ Ngụy, Theo đại cương lịch sử Việt Nam<br />
tập 3.<br />
18. http://www.hochiminhcity.gov.vn, Sài Gòn dưới thời Mỹ Ngụy, Theo đại cương lịch sử Việt<br />
Nam tập 3.<br />
19. http://www.pso.hochiminhcity.gov.vn/an_pham/thanh_pho_ho_chi_minh_25_nam/B13.htm,<br />
Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, Lao động trên địa bàn thành phố.<br />
20. Ủy Ban các học giả Hoa Kỳ nghiên cứu về các vấn đề châu Á (1971), Đông Dương máu lửa,<br />
(Trường Sơn dịch), Độc lập, (445), 14/7/1971, tr.2.<br />
21. Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh (1972), Tập tài liệu về việc Đế quốc Mỹ sử dụng chất độc<br />
hoá học và tác dụng phá hoại cuả chất độc đối với môi trường Việt Nam, Mục lục Hồ sơ số 102,<br />
Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, tr. 7 - 28.<br />
22. Ủy Ban các học giả Hoa Kỳ nghiên cứu về các vấn đề châu Á (1971), Đông Dương máu lửa,<br />
(Trường Sơn dịch), Độc lập, (449), 18/7/1971, tr.2.<br />
23. Ủy Ban các học giả Hoa Kỳ nghiên cứu về các vấn đề châu Á (1971), Đông Dương máu lửa,<br />
(Trường Sơn dịch), Độc lập, (449), 18/7/1971, tr.2.<br />
24. http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/nam2004/thang8/12272/, Hoài Nam, Bấp bênh cuộc<br />
sống người lao động.<br />