intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam" sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã mang lại cho Việt Nam nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều hạn chế: Tăng trưởng chưa thật sự bền vững, xã hội và môi trường còn nhiều vấn đề bất cập... Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu để hướng tới phát triển kinh tế xanh. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

  1. ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH Ở VIỆT NAM TS. Phạm Thị Huyền Trường Đại học Hải Phòng Email: huyenpt@dhhp.edu.vn Tóm tắt: Hiện nay, phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để phát triển kinh tế xanh, nền kinh tế các quốc gia phải thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bởi mô hình tăng trưởng đó không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và tiến bộ, công bằng xã hội. Kể từ khi đổi mới đến nay, kinh tế của Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang kết hợp mô hình theo chiều rộng với chiều sâu. Sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã mang lại cho Việt Nam nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều hạn chế: Tăng trưởng chưa thật sự bền vững, xã hội và môi trường còn nhiều vấn đề bất cập... Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu để hướng tới phát triển kinh tế xanh. Từ khóa: Kinh tế xanh, mô hình tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng. INNOVATING DEVELOPMENT SCHEME TO BOOST GREEN ECONOMY IN VIETNAM Abstract: Nowadays, developing green economy is the inevitable trend in order to have a stable economic growth of countries worldwide, including Vietnam. To have a green economy, the countries' economies have to use a model of process-oriented development, for it not only boosts economic growth but also protects the ecosystem, social advancement and equality. Ever since the innovation, Vietnam's economy has witnessed a shift from a model of value-oriented development to process-oriented development. That shift in development model has brought multiple positive results but also several disadvantages: development is not truly stable, society and environment has numerous issues, etc. Therefore, in the upcoming future, Vietnam needs to continue shifting from a model of value-oriented development to process-oriented development, with the vision of green economy growth. Keywords: Green economy, development schemes, innovate development schemes 1. Đặt vấn đề Tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản để đánh giá thành tựu nền kinh tế, phản ánh trình độ phát triển kinh tế của quốc gia trong mỗi thời kỳ nhất định. Sau 36 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, 481
  2. tạo tiền đề quan trọng để nước ta thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô và phát triển xã hội. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian vừa qua đã có những chuyển biến cơ bản về cách thức vận hành, động lực và cấu trúc. Bước đầu mô hình tăng trưởng cho phép khai thác tốt tiềm năng của nền kinh tế. Kinh tế đạt nhiều thành tựu quan trọng: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức khá cao; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định... Mô hình tăng trưởng đó còn tạo ra được cơ chế phân bổ và phân phối sản lượng tương đối phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, góp phần cải thiện và tạo bước tiến đáng kể về phát triển xã hội trên nhiều mặt, như thu nhập và mức sống cho các tầng lớp nhân dân... Tuy nhiên, trong thực tế mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế: Tăng trưởng dựa quá nhiều vào gia tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ. Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm lực của nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng thiếu tính bền vững. Năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp; công nghệ sản xuất phần lớn lạc hậu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm... Trong quá trình tăng trưởng, các vấn đề xã hội và môi trường cũng còn nhiều bất cập. Nguy cơ tái nghèo cao và khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Trong xã hội còn nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống... Môi trường bị ô nhiễm nặng nề, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái...Vì vậy, tất yếu Việt Nam phải hướng tới phát triển kinh tế xanh - mô hình kinh tế đảm bảo sự phát triển bền vững. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu Kinh tế xanh (Green Economy) là mô hình kinh tế ngày càng được các nước đề cập đến nhiều trong quá trình phát triển. Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) khởi xướng ý tưởng về “kinh tế xanh” vào năm 2008, bắt nguồn từ thực tế khi đó thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học (sự gia tăng phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính” và mất cân bằng sinh thái), khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhiên liệu, khủng hoảng nước sạch... Trước thực tế mô hình kinh tế cũ có quá nhiều mặt hạn chế do để có tăng trưởng chủ yếu phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch và sử dụng quá mức các nguồn lực tự nhiên mà không quan tâm đến vấn đề môi trường và xã hội, vì vậy, thế giới phải tìm kiếm một mô hình phát triển kinh tế mới vừa giúp tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ mất cân bằng sinh thái và đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững; gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Từ đó, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái. Còn theo Liên Hợp Quốc, kinh tế xanh là nền kinh tế đem đến mô hình tăng trưởng kinh tế mới thân thiện với các hệ sinh thái của trái đất và góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Dựa trên nền tảng sản xuất kinh tế, kinh tế xanh giúp giảm thiểu phát thải, giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm chi phí môi trường. Như vậy, có thể hiểu đơn giản, kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Kinh tế xanh vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường. Phát triển kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu 482
  3. đến môi trường và hệ sinh thái. Kinh tế xanh là sự kết hợp ba thành tố: kinh tế, môi trường, xã hội. Trong đó, những hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường và hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng nhằm đảm bảo tính bền vững. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên bị phá hoại nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, thì việc phát triển kinh tế xanh là điều hết sức cần thiết ở mỗi quốc gia. Kinh tế xanh sẽ là một hướng đi mới cho nền kinh tế. Việc chuyển đổi từ nền kinh tế nâu (Brown Economy) (nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các loại nhiên liệu hóa thạch, tăng nguy cơ hủy hoại, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên và không xem xét đến các vấn đề xã hội) sang nền kinh tế xanh là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Bởi mô hình này không chỉ thân thiện, bảo vệ môi trường mà nó còn tác động tích cực đến thị trường lao động và làm cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trở nên bền vững hơn, chất lượng cuộc sống nâng cao và giảm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong thực tế, đã có những nghiên cứu về kinh tế xanh và mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Những tư tưởng, quan điểm về kinh tế xanh và mô hình tăng trưởng đã được đề cập đến trong Văn kiện đại hội Đảng XII, XIII của Đảng. Trên báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9/11/2022, tác giả Lê Nguyễn đã nghiên cứu về hướng đi tất yếu của kinh tế xanh. Trên tạp chí Ngân hàng ngày 3/11/2022, ThS. Đoàn Thị Cẩm Thư có bài viết về kinh tế xanh - kinh nghiệm quốc tế và bài học với Việt Nam.... Còn tác giả Vũ Lê Tùng Giang đã nghiên cứu về đổi mới mô hình tăng trưởng theo tinh thần Đại hội XIII (tạp chí Kinh tế và Dự báo ngày 4/2/2022) và TS Nguyễn Thị Miền có nghiên cứu về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2011-2018 và giải pháp cho giai đoạn tiếp theo (Tạp chí điện tử Lý luận chính trị ngày 29/1/2020) và nhiều bài viết của các tác giả khác. Tuy nhiên, chưa có bài viết nào tập trung nghiên cứu vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng để hướng tới phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Do vậy, trên cơ sở kế thừa, tham khảo các nghiên cứu đã công bố và sử dụng phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương pháp thu thập dữ liệu, phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh... tác giả bài viết tập trung nghiên cứu việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển kinh tế xanh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Mô hình tăng trưởng kinh tế hướng tới phát triển kinh tế xanh Tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản để đánh giá thành tựu nền kinh tế, phản ánh trình độ phát triển kinh tế của quốc gia trong mỗi thời kỳ nhất định. Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về quy mô sản lượng của nền kinh tế hay sự gia tăng tổng sản phẩm quốc dân trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Tăng trưởng kinh tế có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Tuy tăng trưởng kinh tế chưa phải là điều kiện đủ nhưng nó là điều kiện cần trước tiên để quốc gia khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân 483
  4. cư. Nó còn là cơ sở để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô như: tạo việc làm, giảm thất nghiệp và tạo điều kiện vật chất cho củng cố an ninh, quốc phòng, củng cố chế độ chính trị. Đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế còn là điều kiện tiên quyết cho việc chống tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước phát triển. Để tăng trưởng kinh tế có hai mô hình: tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng theo chiều sâu. Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng là mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư (đặc biệt vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), nguồn lao động chất lượng thấp và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mô hình tăng trưởng này sẽ khai thác được nhiều các yếu tố đầu vào của sản xuất (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, sức lao động) nhưng lại làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhanh chóng bị cạn kiệt, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, hiệu quả đầu tư thấp, phân hóa giàu nghèo sâu sắc... do năng suất lao động thấp, chất lượng tăng trưởng kém. Tăng trưởng theo mô hình này, các quốc gia có thể phải đối mặt với tình trạng kinh tế, xã hội phát triển kém bền vững, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hiện tại mà cả tương lai. Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu có đặc trưng chủ yếu là nâng cao hiệu quả của các yếu tố sản xuất trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Ở mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trong giá trị tổng sản phẩm xã hội, đóng góp tỷ trọng của các ngành có hàm lượng khoa học cao tăng lên. Tăng trưởng theo chiều sâu không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, mà còn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện phúc lợi xã hội và tạo tiền đề để nâng cao mức sống của dân cư (không chỉ đời sống vật chất tăng, mà chất lượng các dịch vụ xã hội và môi trường sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể). Với đặc trưng của hai mô hình tăng trưởng đó thì để phát triển kinh tế xanh, nền kinh tế các quốc gia phải hướng tới và thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. 3.2. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay 3.2.1. Thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1986 - 2022. Trong 36 đổi mới (1986 - 2022), kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục, cụ thế: Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1986 - 2022 Đơn vị tính: % Năm Tốc độ Năm Tốc độ Năm Tốc độ tăng tăng tăng trưởng trưởng trưởng kinh tế kinh tế kinh tế 1986 2,8 1991 5,81 1996 9,34 1987 3,6 1992 8,7 1997 8,15 1988 6,0 1993 8,08 1998 5,76 1989 4,7 1994 8,83 1999 4,77 1990 5,1 1995 9,54 2000 6,79 Trung bình 4,4 Trung bình 8,2 Trung bình 7,0 484
  5. thời kỳ thời kỳ thời kỳ 2001 6,89 2006 8,23 2011 5,89 2002 7,08 2007 8,48 2012 5,03 2003 7,34 2008 6,23 2013 5,42 2004 7,79 2009 5,32 2014 5,98 2005 8,43 2010 6,78 2015 6,68 Trung bình 7,5 Trung bình 7,0 Trung bình 5,9 thời kỳ thời kỳ thời kỳ 2016 6,21 2021 2,4 2017 6,8 2022 8,02 2018 7,1 2019 7,0 2020 2,91 Trung bình 6,004 Trung bình 5,21 thời kỳ thời kỳ Nguồn: Tổng cục Thống kê Bảng 2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ở Việt Nam giai đoạn 1986 - 2022 Đơn vị tính: % 1986 - 1991 - 1996 - 2001 - 2006 - 2011 - 2016 - 2021 - Giai đoạn 1990 1995 2000 2005 2010 2015 2020 2022 Trung bình 4,4 8,2 7 7,5 7 5,9 6 5,2 thời kỳ Nguồn: Tổng cục Thống kê 485
  6. Biểu đồ 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ở Việt Nam giai đoạn 1986 - 2022 Thời kỳ 1976 - 1985, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 2%/năm thì đến thời kỳ 1986 - 1990 tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4,4%/năm; thời kỳ 1991 - 1995: 8,2%/năm; thời kỳ 1996 - 2000: 7,0%/năm; thời kỳ 2001 - 2005: 7,5%/năm; thời kỳ 2006 - 2010: 7,0%/năm; thời kỳ 2011 - 2015: 5,9%/năm; thời kỳ 2016 - 2019: 6.8%. Còn trong ba năm xảy ra đại dịch Covid 19, mặc dù hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm thì Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 4,4%, là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thế giới. Như vậy, 36 năm qua Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Năm 2001, sau 15 năm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam mới đạt 405USD/năm thì đến năm 2022, sau 36 năm đổi mới, GDP đạt khoảng 393,76 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.000 USD/người/năm (Tổng cục Thống kê, 2022). Với mục tiêu tăng trưởng nhanh, đưa Việt Nam vào nhóm nước trung bình của thế giới trên cơ sở khai thác các lợi thế của đất nước nên mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2011 chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng. Mô hình tăng trưởng này đã giúp nước ta khai thác được các lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và đã mang lại kết quả tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Tuy nhiên, trong mô hình tăng trưởng này, cơ cấu ngành chuyển dịch chậm, cơ cấu đầu tư bất hợp lý, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Tăng trưởng thiếu sự gắn kết với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, chưa hướng đến phát triển kinh tế xanh,. Vì vậy, ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), khi kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X; nhìn lại 10 năm thực hiến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, trong đó có nêu rõ: Kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước; một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng đầu tư, khai thác tài nguyên; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc. Công nghiệp chế tạo, chế biến phát triển chậm, gia công, lắp ráp còn chiếm tỉ trọng lớn. Cơ cấu kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Cơ cấu trong nội bộ từng ngành cũng chưa thật hợp lý. Năng suất lao động xã hội thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện. Đầu tư vẫn dàn trải. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư còn thấp, còn thất thoát, lãng phí, nhất là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển chậm, thiếu đồng bộ (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011) và trong kỳ Đại hội này, Đảng ta đã xác định phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Như vậy, kể từ năm 2011, Việt Nam đã xác định phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững hướng tới phát triển kinh tế xanh. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2011 đến nay đã khắc phục được nhiều 486
  7. nhược điểm của mô hình tăng trưởng trước đó. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu giúp Việt Nam không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng mà còn phải nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nền kinh tế đã chuyển dần từ việc tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng nguồn vốn, tài nguyên thiên nhiên và lao động tay nghề thấp sang tăng trưởng dựa vào tri thức, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từ năm 2011 đến năm 2022, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 88,12%; tỉ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống còn 11,88%. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn 27,5% (Tổng cục Thống kê, 2022). Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại một số những hạn chế, yếu kém: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc; kinh tế phục hồi còn chậm, tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp, cải thiện còn chậm; năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp; công nghệ sản xuất phần lớn còn lạc hậu. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn hạn chế, hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ. Trước thực tế đó, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra định hướng và mục tiêu cho đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng”, “mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu”, “chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, 43). Đây là quan điểm mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. 3.2.2. Đánh giá chung về mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1986 - 2022 * Thành công: 36 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 39%, vượt mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đề ra (35%); năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016-2020. Các nguồn lực cho đầu tư phát triển được huy động mạnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 10,6%/năm; thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế ngành chuyển biến tích cực. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP giảm; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững. Tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ tăng, một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh và từng bước hiện đại hóa. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực trong quá trình 487
  8. chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, từ đó đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, hướng tới phát triển kinh tế xanh. *Hạn chế Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm lực của nền kinh tế. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng được phát triển kinh tế xanh. Năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp; công nghệ sản xuất phần lớn lạc hậu. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn hạn chế, hệ số sử dụng vốn (ICOR) cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm... Trong quá trình tăng trưởng các vấn đề xã hội và môi trường cũng còn nhiều hạn chế. Nguy cơ tái nghèo cao và khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Trong xã hội còn nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống... Việc điều tra cơ bản, quy hoạch và sử dụng tài nguyên còn bất cập. Công tác bảo vệ môi trường thể hiện nhiều yếu kém. Chất lượng môi trường nhiều nơi tiếp tục xuống cấp, việc thích ứng với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng. Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm. (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021). Những hạn chế trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân cơ bản là mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ, còn năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng, chưa đảm bảo phát triển kinh tế xanh. Do vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng để hướng tới phát triển kinh tế xanh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho quốc gia trong chỉnh thể kinh tế thế giới. 3.3. Một số giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam 3.3.1. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - dịch vụ * Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế và có mối quan hệ khăng khít, bởi để thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng, phải cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm khắc phục những khuyết tật, những hạn chế nảy sinh trong quá trình tăng trưởng; đồng thời phải xây dựng một cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu của mô hình tăng trưởng. Đổi mới mô hình tăng trưởng là xác lập cách thức vận hành nền kinh tế còn cơ cấu lại nền kinh tế là việc thực hiện cách thức vận hành nền kinh tế đã được lựa chọn. Thời gian tới, Việt Nam cần “tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và 488
  9. chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế” (Quyết định 1658/QĐ-TTg, 2011). Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: - Tập trung hoàn thành tái cơ cấu ba trọng tâm gồm: Cơ cấu lại đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. - Từng bước cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia. - Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Rà soát, bổ sung chiến lược phát triển công nghiệp, từng bước hạn chế các ngành công nghệp phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ, giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái. * Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có năng suất lao động thấp sang các ngành có năng suất lao động cao, tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp - dịch vụ Năng suất lao động - yếu tố quyết định hiệu quả kinh tế trong mô hình tăng trưởng trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ và lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng. Do vậy, nếu nước ta có tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp cao thì năng suất lao động chung sẽ thấp vì năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với ngành công nghiệp và dịch vụ. Vì thế, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam cần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ ngành nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu (các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng ...) và các ngành dịch vụ có lợi thế, các dịch vụ cao cấp, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao (viễn thông, du lịch...) 3.3.2.. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động Khoa học, công nghệ tiên tiến có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đảm bảo sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Mặc dù năng 489
  10. suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng và hiệu quả sử dụng lao động thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập... Vì vậy trong thời gian tới để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể là một “cơ hội vàng” để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Có thể nói, xu thế toàn cầu hóa, thương mại điện tử xóa bỏ mọi khoảng cách chính là cơ hội cho các doanh nghiệp hòa nhập nhanh chóng với cách mạng công nghiệp 4.0 và quan trọng hơn là rút ngắn khoảng cách về trình độ sản xuất của Việt Nam với các nước có nền công nghiệp phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội lớn để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giúp các doanh nghiệp đạt được lợi thế về chi phí sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) vào quá trình vận hành, sản xuất. Thực tế cho thấy, để không bị tụt hậu, các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình nên đã đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào dây chuyền sản xuất, quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, hệ thống phân phối hàng hoá... từ đó từng bước tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Để tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nước ta cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu chung trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú (bao gồm hợp tác nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, tổ chức hội thảo, hội nghị, trình diễn công nghệ, hội chợ triển lãm công nghệ...) Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế khuyến khích, tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa ... Các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như khả năng ứng dụng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Tích hợp các công nghệ tiên tiến để cải tiến quy trình sản xuất, đồng thời vẫn phải bảo đảm khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời bảo vệ được môi trường, hướng tới phát triển xanh, đảm bảo sự phát triển bền vững. 3.3.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 490
  11. Ở nước ta, một trong những nguyên nhân chủ yếu của năng suất lao động thấp khiến mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu là chiều rộng do trình độ tay nghề của người lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm còn cao. Trên thực tế, công tác giáo dục, đào tạo của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về chất và lượng. Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm do thị trường lao động không có nhu cầu thì cũng không ít doanh nghiệp rất khó khăn để tuyển dụng được công nhân kỹ thuật, lao động qua đào tạo nghề đúng lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu số lao động nghề đã qua đào tạo sau khi tuyển vào làm việc, bởi phần lớn lao động đã qua đào tạo hiện nay vẫn thiếu kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng thực hành... Ưu thế về nhân công giá rẻ bây giờ trở thành bất lợi cho sự phát triển công nghiệp giai đoạn mới, đồng thời đặt gánh nặng lên nền kinh tế trong việc giải quyết việc làm cho một số lượng lớn nhân công trình độ thấp. Cho nên trong thời gian tới, nước ta cần thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thực hiện điều đó, nước ta tiếp tục phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, nhất là các trường cao đẳng nghề. Các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ cần tăng cường đào tạo kỹ năng thực hành, cải tiến chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội. Doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên có nơi thực tập trong quá trình học tập, đồng thời hợp tác với nhà trường trong việc đào tạo sinh viên theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế gắn kết giữa việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao với việc sử dụng, đãi ngộ đội ngũ đó trong các doanh nghiệp. Ngoài ra, các hiệp hội ngành, nghề cũng cần tích cực tham gia công tác đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động. 3.3.4. Gắn kết hài hòa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Hiện nay, Việt Nam đang khởi động Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Chương trình Nghị sự 2030 được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc tháng 9 năm 2015 đã đưa ra tầm nhìn, định hướng phương pháp thực hiện, các quan hệ đối tác và hành động toàn cầu nhằm đưa phát triển bền vững thành hiện thực trên toàn thế giới trong giai đoạn 15 năm tới. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam xác định thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, lồng ghép hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng ngành, từng địa phương.” Trong thời gian tới, để gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung vào giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho khu vực nông thôn vì đại đa số người nghèo đang sống ở khu vực này. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển kinh tế khu vực nông thôn để xóa đói, nghèo, giảm khoảng cách phân hóa giàu, nghèo trong xã hội. Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với mức tăng năng suất lao động. Bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. Nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội. 491
  12. Huy động các nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo. Khuyến khích sự hỗ trợ, tham gia của các doanh nghiệp vào công tác xóa đói giảm nghèo (thông qua hoạt động đầu tư, công tác thiện nguyện...) Tăng vốn đầu tư cho các địa phương khó khăn từ nguồn vốn của Nhà nước, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ quốc tế. 3.3.5. Gắn kết hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững theo mô hình kinh tế xanh, Việt Nam cần gắn kết hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường để vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thế hệ hiện tại mà không làm phương hại đến nhu cầu và khả năng sử dụng các nguồn tài nguyên của các thế hệ tương lai, như quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Nền kinh tế hướng tới phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cacbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021). Để gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước ta cần: - Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các chủ thể kinh tế về tăng trưởng, phát triển bền vững; chấm dứt lối tư duy ưu tiên tăng trưởng cao trước, còn việc bảo vệ môi trường có thể thực hiện sau. - Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Gắn kết vấn đề bảo vệ môi trường vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cần có chiến lược, quy hoạch khoa học để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. - Áp dụng biện pháp kinh tế trong quản lý môi trường. Các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc đều cho thấy đánh thuế cao vào các hoạt động gây ô nhiễm môi trường là biện pháp hữu hiệu nhất bảo vệ môi trường. - Thúc đẩy tăng trưởng xanh Tăng trưởng xanh là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) định nghĩa: tăng trưởng “xanh” là thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng “xanh” là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn... Với quan niệm nào thì tăng trưởng xanh cũng hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng này để tăng trưởng bền vững. Ngày 01/10/2021, Chính phủ nước ta đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tổng quát: “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào 492
  13. mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu” (Quyết định 1658/QĐ-TTg, 2021). Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, nước ta cần thực hiện một số biện pháp sau: + Nâng cao nhận thức trong các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về tăng trưởng xanh đảm bảo cho phát triển bền vững. + Định hướng tăng trưởng xanh đã được thể chế hóa trong cơ chế, chính sách phải làm căn cứ để thu hút, khuyến khích đầu tư cả của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Việc thu hút vốn đầu tư phải gắn với những điều kiện đảm bảo “công nghệ xanh”, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, kiên quyết loại bỏ công nghệ gây ô nhiễm môi trường... Ngoài ra cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các chủ doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, như sử dụng các nguồn năng lượng sạch, chú ý tới vấn đề xử lý chất thải... + Rà soát cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tiêu dùng của nền kinh tế, từng bước thay đổi quy trình, phương thức sản xuất truyền thống, nhất là trong nông nghiệp, triển khai các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; thu hẹp những ngành nghề sử dụng nhiều tài nguyên, thải nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường; có các biện pháp truyền thông phù hợp để hình thành thói quen tiêu dùng “xanh”: lên án, tẩy chay các sản phẩm, dịch vụ không thân thiện với môi trường... 5. Kết luận Sau 36 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, tạo tiền đề quan trọng để nước ta thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô và phát triển xã hội. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng đó cũng còn rất nhiều hạn chế, như tăng trưởng chưa thật sự bền vững, xã hội và môi trường còn nhiều vấn đề bất cập... ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước do mô hình tăng trưởng của nước ta chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, hướng tới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển kinh tế xanh, đảm bảo sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, bài viết đã đề xuất một số giải pháp để nền kinh tế nước ta tiếp tục chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đồng thời tăng trưởng phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và tiến bộ, công bằng xã hội. nhằm hướng tới phát triển kinh tế xanh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật. 4. http://www.thuvienphapluat.vn, Quyết định 1658/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. 5. http://www.gso.gov.vn, Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội. 493
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2