intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Du lịch xanh và du lịch văn hóa - Giải pháp phát triển bền vững kinh tế địa phương (Nghiên cứu trường hợp Di sản văn hóa thế giới Hội An, Quảng Nam)

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Du lịch xanh và du lịch văn hóa - Giải pháp phát triển bền vững kinh tế địa phương (Nghiên cứu trường hợp Di sản văn hóa thế giới Hội An, Quảng Nam)" vận dụng phương pháp nghiên cứu chính của khoa học lịch sử, văn hóa, du lịch. Đồng thời kết hợp với các phương pháp liên ngành, xuyên ngành như: xã hội học, nhân học, kinh tế, bảo tồn - bảo tàng,... Ngoài ra, nghiên cứu so sánh cũng được khai thác trong giải quyết các vấn đề đặt ra. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Du lịch xanh và du lịch văn hóa - Giải pháp phát triển bền vững kinh tế địa phương (Nghiên cứu trường hợp Di sản văn hóa thế giới Hội An, Quảng Nam)

  1. DU LỊCH XANH VÀ DU LỊCH VĂN HÓA - GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG (Nghiên cứu trường hợp Di sản văn hóa thế giới Hội An, Quảng Nam) Đào Vĩnh Hợp1 Tóm tắt: Hội An (Quảng Nam) được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999. Nhiều năm qua, thành phố di sản này đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh lợi thế về hệ thống di tích kiến trúc cổ đặc sắc cùng đặc trưng văn hóa vùng miền độc đáo cho phát triển kinh tế - xã hội, thành phố này cũng đã và đang đối mặt với tác động lớn từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và dịch bệnh. Trước tình hình này, Hội An chủ động đi tiên phong trong việc phát triển nhiều loại hình du lịch mới độc đáo. Trên cơ sở hệ thống hóa những lý luận cơ bản về du lịch xanh, du lịch văn hóa và phát triển bền vững, bài viết sẽ đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển các loại hình du lịch này tại Hội An. Qua đó, cũng gợi ý một số giải pháp cho phát triển bền vững Hội An. Từ khóa: Du lịch xanh, du lịch văn hóa, phát triển bền vững, Hội An (Quảng Nam). 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thành phố Hội An hiện nay trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Hội An có diện tích 6.068km2, tọa độ địa lý: vĩ độ Bắc: 15o15’26” đến 15o55’15”, kinh độ Ðông: 108o17’08” đến 108o23’10”. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê ngày 01/04/2019, dân số Hội An là 98.599 người; hành chính chia thành 9 phường: Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Nam, Cẩm Phô, Cửa Đại, Minh An, Sơn Phong, Tân An, Thanh Hà và 4 xã: Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Tân Hiệp (xã đảo nằm trên Cù Lao Chàm) (Tổng cục Thống kê, 2020: 26). Nhờ sự nỗ lực lớn trong bảo tồn khu phố cổ Hội An, đặc biệt là kiến trúc khu phố cổ, nên ngày 4/12/1999, Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc UNESCO đã ghi tên Hội An vào danh mục các di sản văn hóa thế giới (Cục Di sản văn hóa, 2019). Hội An được mệnh danh là thành phố di sản và du lịch. Hội An (Quảng Nam) những năm gần đây đã trở thành điểm đến nổi tiếng của miền Trung và Việt Nam. Du lịch Hội An tuy phát triển rất mạnh mẽ nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức cần giải quyết, nhất là trước ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường... Du lịch xanh, du lịch văn hóa là phạm trù quan trọng của du lịch bền vững trước bối cảnh mới. Vốn được mệnh danh là Di sản Văn hóa thế giới tiêu biểu và thời gian qua đã có nhiều thành tựu trong phát triển du lịch. Vậy, Hội An có tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên cùng lợi thế giá trị lịch sử, văn hóa nào cho 1 Trường Đại học Sài Gòn.
  2. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 301 phát triển thương hiệu du lịch xanh, du lịch văn hóa? Hội An có phải là điển hình cho việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên hài hòa, hợp lý và bền vững cho phát triển du lịch theo hướng du lịch tăng trưởng xanh? Trong thời gian tới, cần có giải pháp nào cho phát triển bền vững Hội An, đặc biệt là du lịch? Nghiên cứu về Di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam) nói chung và ngành du lịch Hội An không phải là chủ đề mới. Thực tế cho thấy, du lịch Hội An cũng đối mặt trước nhiều khó khăn, nhất là trước bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai, thị trường cạnh tranh... Tuy nhiên, với tiềm năng và lợi thế vốn có của một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, có thế mạnh tài nguyên đặc biệt, du lịch Hội An (Quảng Nam) đã có những hướng đi phù hợp, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch mới (du lịch xanh, du lịch văn hóa) gắn với phát triển bền vững. Bài viết vận dụng phương pháp nghiên cứu chính của khoa học lịch sử, văn hóa, du lịch. Đồng thời kết hợp với các phương pháp liên ngành, xuyên ngành như: xã hội học, nhân học, kinh tế, bảo tồn - bảo tàng,... Ngoài ra, nghiên cứu so sánh cũng được khai thác trong giải quyết các vấn đề đặt ra. 2. LÝ LUẬN VÀ KHÁI NIỆM 2.1. Du lịch xanh và du lịch văn hóa Theo Điều 4, Luật Du lịch của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN ) (2017), Luật số: 09/2017/QH14, ký ngày 19/6/2017 thì: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa (Quốc hội nước CHXHCN, 2017: 1-6). “Du lịch xanh” là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương (Nguyễn Văn Đính, 2021: 41). Tại Diễn đàn Du lịch xanh, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường (Trung tâm Thông tin du lịch, 2019). Hiện nay, phát triển du lịch xanh là hướng đi mới đầy triển vọng và là xu thế tất yếu trong phát triển du lịch ở Việt Nam và thế giới. “Du lịch văn hóa” là loại hình mà du khách muốn được cảm nhận bề dày lịch sử - văn hóa của một nước, một vùng thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, những phong tục, tập quán còn hiện diện (Trần Văn Thông, 2003: 96-97). Ngày nay, du lịch văn hóa trở thành loại hình du lịch mới và khá phổ biến. Theo chương 1, Điều 3 của Luật Du lịch nước ta thì: “Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai
  3. 302 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại” (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2017: 2). 2.2. Phát triển du lịch bền vững Phát triển bền vững bao trùm các mặt của đời sống xã hội, nghĩa là phải gắn kết sự phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, gìn giữ và cải thiện môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh (Viện Chiến lược phát triển, 2001: 122). Chương 1, Điều 3, mục 4 của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (năm 2020) đã đưa ra định nghĩa: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020). Theo Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 thì: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2017: 1). 3. TIỀM NĂNG DU LỊCH XANH, DU LỊCH VĂN HÓA CỦA HỘI AN VÀ THỰC TRẠNG KHAI THÁC 3.1. Tiềm năng Vùng đất Hội An (Quảng Nam) có bề dày lịch sử lâu đời nằm ở miền Trung Việt Nam và may mắn được thiên nhiên ban tặng cho những điều kiện tự nhiên thuận lợi. Trải qua hàng ngàn năm giao lưu kinh tế - văn hóa đã tạo cho đô thị cổ Hội An ngày nay có được một kho tàng di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) vô giá. Có thể thấy, đây là hội tụ của vùng đất, thiên nhiên và con người như Trần Quốc Vượng đã từng nhận xét “Hội An - Đó là một sự hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng” (Trần Quốc Vượng, 1991: 52). Vùng đất này có tiềm năng trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó thế mạnh lớn nhất về du lịch xanh và du lịch văn hóa. Cụ thể: Phía Đông Hội An nối với biển Đông qua cửa Đại. Đồng thời còn có đảo Cù Lao Chàm sở hữu hệ sinh thái động thực vật đặc thù. Hội An có nhiều địa điểm sinh thái cho phát triển du lịch xanh như: rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh), làng rau Trà Quế (Cẩm Hà). Các làng nghề truyền thống, cánh đồng lúa tại ngoại ô phố cổ Hội An như làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), đồng lúa và khu làng gốm (Thanh Hà). Về di sản văn hóa, theo số liệu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tính đến 31/12/2014, trên địa bàn Hội An hiện có 1.429 di tích, trong đó có 1.328 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ) (Ủy ban Nhân dân (UBND)
  4. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 303 TP. Hội An, 2015: 173). Bên cạnh đó là một nền tảng văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo với sắc thái rất riêng. 3.2. Du lịch Hội An và thực trạng phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa 3.2.1. Phát triển du lịch Hội An Hội An đã xây dựng cơ cấu kinh tế đa ngành nghề và đã biết tận dụng thế mạnh của một di sản văn hóa thế giới để phát triển các ngành dịch vụ phục vụ cho du lịch (Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008: 32). Hội An trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng. Trong 5 năm (2016-2019), ngành du lịch Hội An giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Bình quân giai đoạn, tổng lượng khách đến Hội An tăng 26,5%/năm. (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình thành phố Hội An, 2021). Sáng ngày 15/11/2021, thành phố Hội An mở cửa đón khách tham quan trở lại sau đại dịch. Từ đó đến nay, du lịch Hội An đã phục hồi rất khởi sắc (Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Quảng Nam, 2021). Hàng năm, Hội An đều được các tổ chức du lịch quốc tế vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín. Trong tốp 25 điểm đến là “xu hướng nổi bật nhất năm 2023” của Tripadvisor (một trong số nền tảng du lịch lớn nhất thế giới) do du khách bình chọn, Việt Nam có 2 điểm đến là phố cổ Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh. Phố cổ Hội An xếp vị trí thứ 2/25. Ngày 31/10/2023, Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024), trong năm 2023, Hội An đón 4 triệu lượt khách (tăng 99,79% so với cùng kỳ); trong đó khách quốc tế đạt 3 triệu lượt (tăng 327,63% so với cùng kỳ). 3.2.2. Thực trạng phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa của Hội An UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3570/QĐ-UBND, ngày 04/12/2021 ban hành Bộ Tiêu chí du lịch xanh trong một số loại hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Phòng XTĐT, 2021). Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành kế hoạch phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025 với mục tiêu đưa du lịch Quảng Nam phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Năm du lịch quốc gia của tỉnh Quảng Nam - năm 2022 đặt ra chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”. Hội An là địa phương đầu tiên được tỉnh chọn xây dựng mô hình du lịch xanh theo “Bộ Tiêu chí du lịch xanh”. Đây là cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp khác học tập, nhân rộng (Quốc Hải, 2022). Trong số 14 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động du lịch cam kết thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam 2022, Hội An chiếm số lượng lớn. 14 đơn vị đó bao gồm: Four Season The Nam Hai, Silk Sense Resort Hoi An Reveside, La Siesta Hoi An Resort&Spa, Êmm Hội An Hotel, Sea’lavie Boutique Hoi An Resort&Spa, An Villa Hội An, Mr. Tho Garden Villas, Công ty TNHH Emic Hospitality, Công ty TNHH du lịch Duy nhất Đông Dương,
  5. 304 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Công ty Hoi An Express, Công ty TNHH Emic Travel, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, Văn phòng Hướng dẫn tham quan Đô thị cổ Hội An (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2022). Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng thôi thúc chính quyền và doanh nghiệp ở Hội An tìm hướng đi cho ngành du lịch, trong đó có phát triển du lịch xanh. Một số kết quả điển hình như: Năm 2022, UBND TP. Hội An ban hành “Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025”. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, các điểm đến gồm khu di sản Hội An, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rừng dừa Cẩm Thanh được công nhận là “điểm đến xanh” (Phan Sơn, 2022). Trong 6 tháng đầu năm 2022, Phòng Văn hóa - Thông tin Hội An đã phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam tổ chức khảo sát, đánh giá khả năng triển khai thực hiện “Bộ Tiêu chí du lịch xanh” tại khu phố cổ và làng rau Trà Quế. Hội An đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch xanh, thực hiện thí điểm mô hình “Du lịch xanh”. Nhiều mô hình du lịch xanh từng bước trở thành điển hình trên diễn đàn du lịch cả nước như: làng du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, du lịch nói không với túi nylon ở Cù Lao Chàm, tour vớt rác trên sông Hoài, du lịch xanh làng rau Trà Quế, du lịch Hội An - thượng nguồn Thu Bồn… Nhiều khu du lịch đã đầu tư để cải tạo, nâng cấp điểm đến này theo hướng du lịch xanh, bền vững, tiêu biểu như Victoria Hoi An Beach Resort & Spa (phường Cửa Đại). Một số phong trào, hoạt động cũng được phát động như phong trào “Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam với Go Green - Du lịch xanh”. Ngoài ra, các làng nghề truyền thống, cánh đồng lúa tại ngoại ô phố cổ Hội An cũng đã được nhiều du khách quốc tế yêu mến khám phá, tận hưởng không gian yên bình, tìm hiểu về nền nông nghiệp lúa nước. Nhiều tour, sản phẩm du lịch đặc sắc trên các cánh đồng lúa, làng nghề sinh thái được du khách yêu thích như: “Một ngày làm nông dân”, cưỡi trâu, đạp xe dạo quanh các cánh đồng lúa... Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch được nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm. Nhờ đó đã giúp du khách có những phút giây thư giãn, hòa mình trải nghiệm cùng đời sống người dân; giúp nhiều nông dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, làm du lịch xanh an toàn, bền vững; đồng thời tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch xanh, thân thiện và góp phần bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn nghề truyền thống địa phương. Song song đó, năm 2022, Hội An tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng chương trình năm du lịch quốc gia. Festival biển “Hội An - Cảm xúc mùa hè” (tháng 6 và 7 năm 2022) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn tại bãi biển An Bàng, Tân Thành, Cửa Đại và đảo Cù Lao Chàm. Chợ phiên Hội
  6. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 305 An tại khu vực vườn tượng An Hội, chợ phiên đã thực hiện nói không với túi nylon. Chương trình “Người Hội An du ngoạn Hội An” giúp nâng cao hiểu biết về giá trị văn hóa, lịch sử của Hội An và các mô hình du lịch xanh cho cư dân thành phố. Đặc biệt, ngày 4/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 784/ QĐ-BVHTTDL công nhận nghề trồng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ đó tạo điều kiện, động lực để cộng đồng gìn giữ, phát huy tốt hơn trong tương lai, hướng đến làng rau Trà Quế trở thành điểm đến du lịch kết hợp: du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, lễ hội… gắn với phát triển bền vững. Như vậy, nhiều năm qua, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng như cộng đồng du lịch Quảng Nam và Hội An đã nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm theo xu hướng du lịch xanh, du lịch văn hóa. Hội An trở thành địa phương đi tiên phong trong định hướng xây dựng và phát triển mô hình du lịch xanh dựa trên cơ sở phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn, kết hợp khai thác hợp lý tài nguyên sinh thái. Du lịch xanh, du lịch văn hóa đã và đang tạo nên sự đa dạng loại hình du lịch cho Hội An, Quảng Nam. Qua đó, không chỉ tạo sinh kế, thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy tốt những giá trị văn hóa, sinh thái, thay đổi nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống, môi trường di sản. 4. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP Để Hội An có thể phát triển thành công các mô hình du lịch mới này, góp phần nâng cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của thương hiệu du lịch Hội An, bài viết đưa ra một số gợi ý giải pháp sau: Thứ nhất, ưu tiên khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững Hội An có nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên du lịch (gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa) cho phát triển loại hình du lịch xanh, du lịch văn hóa. Đây cũng là thế mạnh của du lịch Hội An. Do đó, du lịch Hội An cần bám sát tiêu chí phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp. Đồng thời gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý du khách trong và ngoài nước thường có xu hướng về những điểm du lịch có không khí trong lành mát mẻ vừa muốn kết hợp giữa tham quan với nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe. Đón bắt xu hướng phát triển du lịch hiện nay, các điểm đến du lịch tại Hội An cần nghiên cứu và đa dạng hóa thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch: du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch xanh (“tour xanh”, “khách sạn xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”, “nhà hàng xanh”), du lịch làng nghề gắn với nghỉ dưỡng, giải trí, hội nghị, hội thảo,… Ngoài những điểm di tích văn hóa, lịch sử trong phạm vi khu phố cổ, du lịch Hội An cần chú ý khai thác những
  7. 306 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... khu vực ngoại ô, các điểm đến như du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, chiêm nghiệm: Bãi biển An Bàng, Rừng dừa Bảy Mẫu, khu du lịch sinh thái Cù Lao Chàm, Làng gốm Thanh Hà, Làng mộc Kim Bồng, Làng rau Trà Quế,… Thực tế cho thấy Hội An là một trong những địa phương chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thời gian qua, tác động của BĐKH, đặc biệt là các đợt mưa lũ đã làm cho nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị trong khu phố cổ, tiêu biểu là các ngôi nhà cổ bằng gỗ bị hư hại, xuống cấp. Cùng với đó là các hiện tượng ẩm mốc, mối mọt, bám rêu,… trên các cấu kiện của di tích do các hiện tượng thời tiết xấu, đột ngột, kéo dài như nắng nóng, khô hanh, mưa bão, lũ... Ngoài ra, khoảng 7km bờ biển ở Hội An hơn một thập niên qua phải “vật lộn” với xói lở. Hiện tượng xói lở bờ sông Hoài vào mùa mưa lũ đã tạo nên hiện tượng xói lở hàm ếch ăn sâu vào tuyến đường, đặc biệt là tuyến đường Bạch Đằng sát bờ sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kiến trúc và sinh hoạt của người dân. Các chuyên gia về BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai nhận định trong khoảng 50 năm tới, mực nước biển vùng đô thị Hội An - Đà Nẵng có thể tăng lên tầm 30cm so với hiện nay, đến cuối thế kỷ có thể tăng nhanh đột ngột hơn (Lan Anh, 2023). Do đó, Hội An cần đẩy mạnh triển khai và nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH cho người dân, những người làm du lịch tại địa phương và du khách. Bên cạnh các biện pháp bảo vệ di sản thì về lâu dài cũng cần hướng đến các sản phẩm du lịch tái tạo (tái tạo tài nguyên, phát triển những sản phẩm dịch vụ mới gần gũi thiên nhiên…) để du lịch không quá phụ thuộc vào các tài nguyên có sẵn, giúp tái tạo tài nguyên du lịch chứ không chỉ là khai thác, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Thứ hai, Hội An cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chương trình du lịch xanh. Trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo tính độc đáo, hấp dẫn của vùng miền Căn cứ trên bộ tiêu chí “Đánh giá để cấp nhãn du lịch xanh cho điểm tham quan du lịch” của Tổng cục Du lịch Việt Nam và góp phần thực hiện “Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam”, trong quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Hội An, cần có những đề xuất cụ thể cho việc xây dựng điểm đến du lịch xanh. Thành phố cũng cần vận động các đơn vị kinh doanh du lịch và xây dựng chương trình du lịch xanh hay các điểm đến xanh. Cụ thể, phát triển du lịch xanh tại thành phố Hội An cần phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí xanh trong: “Xây dựng nội quy xanh; Xây dựng công trình, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và văn hóa; Xử lý rác thải theo quy trình xanh; Xây dựng bãi đỗ xe, bến tàu xanh; Xây dựng nhà vệ sinh công cộng xanh; Xây dựng hệ thống nhà hàng xanh”. Cùng với khai thác lợi thế sẵn có, những sản phẩm như “tour xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”, “khách sạn xanh” hay “nhà hàng xanh” hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách về du lịch xanh Hội An. Hội An cần đặc biệt chú ý đến yếu tố môi trường trong phát triển du lịch xanh. Đây là một trong những thành tố quan trọng quyết định chất lượng đô thị và phát triển
  8. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 307 bền vững nói chung. Đảm bảo được môi trường tự nhiên trong lành là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch xanh. Với Hội An, công tác bảo vệ môi trường còn gắn bó mật thiết với bảo tồn di sản và định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trong thời gian tới. Thành phố cần tiếp tục mở rộng, phát triển các ý tưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động của Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, xây dựng nền kinh tế xanh. Ngoài ra, cũng cần đặc biệt quan tâm đến sản phẩm du lịch. Chú trọng đặc biệt đến vùng biển Cù Lao Chàm. Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm thì cũng cần định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, bởi nguồn tài nguyên trên xã đảo có hạn nhưng đang chịu áp lực về hạ tầng, vệ sinh môi trường. Cần tập trung phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch xanh; tổ chức các hoạt động thiên về du lịch xanh, sử dụng các sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường. Thành phố cũng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch xanh; hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ lao động du lịch có kỹ năng, nghiệp vụ về thực hành du lịch xanh; triển khai các ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển du lịch xanh; quảng bá, xúc tiến du lịch xanh Hội An; tham gia các hội chợ - triển lãm du lịch, các chuỗi sự kiện về phát triển du lịch xanh… Như vậy, với tinh thần chung phát triển du lịch xanh, bền vững, Hội An cần hướng đến việc phát triển đi kèm với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra cộng đồng sống thân thiện, nhân văn với du khách. Cuối cùng, giải pháp tổng hợp khác cho phát triển bền vững Di sản văn hóa thế giới Hội An Nhằm tận dụng lợi thế, hạn chế mặt tiêu cực và hướng đến phát triển bền vững, Hội An cần kiên định mục tiêu phát triển du lịch bền vững, thực hành tiêu chí du lịch xanh, nương tựa vào tự nhiên và giá trị văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng Quảng Nam và Hội An. Chỉ có phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh, du lịch văn hóa thì con người và các di sản mới được bảo vệ một cách tốt nhất. Hơn bao giờ hết, Hội An rất cần sự chung tay phối kết hợp của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch để phát triển bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố Hội An. Hội An cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên du lịch với lợi ích mang lại từ việc khai thác, phát huy giá trị của các nguồn tài nguyên này thông qua hoạt động du lịch - dịch vụ. Cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đặc biệt là nhận thức của nhân dân trong khai thác các giá trị tài nguyên vốn có của thành phố.
  9. 308 HỘI THẢO DU LỊCH QUỐC GIA: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH... Cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể ̣ là các chuyên viên khảo cổ, kiến trúc, lịch sử,… để nghiên cứu toàn diện Hội An và kịp thời xử lý khoa học các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương trước tác động của BĐKH. Song song đó, cũng cần đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng, có trình độ, chuyên môn hóa, tính nghiệp vụ cao và chuyên nghiệp để tham gia hoạt động du lịch như quản trị doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên, lễ tân… Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch xanh thông qua đào tạo về du lịch xanh, trước hết là đối với các nhà quản lý ngành du lịch của thành phố, các nhà quản trị doanh nghiệp ngành du lịch,… Có kế hoạch đào tạo ở nước ngoài đối với các cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý. Nếu được đào tạo bài bản và hoạt động có hiệu quả thì đây sẽ là nguồn tài nguyên quý giá trong quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch của thành phố. Bên cạnh đó, Hội An cũng cần chủ động xây dựng các chính sách quảng bá du lịch lâu dài, kích cầu, phục hồi du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Song song với đó, cũng cần nâng cao chất lượng các chương trình, dịch vụ phục vụ du lịch... Cần học tập kinh nghiệm của các nước trong xây dựng các chương trình quảng bá du lịch (dự án, trưng bày, triển lãm…). Qua đó, nhằm giới thiệu du lịch Hội An, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch xanh, bền vững. Phối hợp với UNESCO để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá thành phố Hội An ra thế giới. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào du lịch xanh tại thành phố Hội An. Đặc biệt, trong suốt trong quá trình hoạch định, quản lý và phát triển du lịch, cần phải chú ý đến các vấn đề khác như: Luật Du lịch, Luật Bảo tồn văn hóa, Luật Môi trường, và các quy định, điều lệ về cảnh quan đô thị... 5. KẾT LUẬN Miền Trung Việt Nam, trong đó có Hội An (Quảng Nam) trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Qua 20 năm kể từ khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận “Di sản văn hóa thế giới”, danh hiệu này đã mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Hội An phát triển mạnh mẽ. Với tiềm năng, lợi thế vốn có, kinh nghiệm phát triển du lịch một thành phố di sản, cộng với chiến lược phát triển thành phố Hội An thời gian qua cho thấy Hội An hoàn toàn có thể phát triển du lịch theo hướng bền vững. Các chiến lược xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch xanh trong thời gian qua hứa hẹn sẽ mang lại ý nghĩa to lớn đối với địa phương, giúp du lịch Hội An tạo ra năng lực cạnh tranh lành mạnh, vừa thích ứng với tác động BĐKH, vừa đáp ứng xu thế tình hình mới. Với những phân tích, nhận định và gợi ý giải pháp đưa ra trong bài viết, hy vọng rằng thành phố Hội An sẽ thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố “sinh thái - văn hóa - du lịch” và phát triển bền vững toàn diện hơn nữa kinh tế - văn hóa -
  10. Phần 2: DU LỊCH BỀN VỮNG 309 xã hội. Từ đó, để Hội An chẳng những mãi là điểm đến ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam và phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường. (2020). Luật Bảo vệ môi trường, sửa đổi năm 2020, từ http://duthaoonline.quochoi.vn (Thư viện Quốc hội - Văn phòng Quốc hội). Truy cập ngày 8/3/2023. 2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (2022), (2024). Từ https://bvhttdl.gov.vn. Truy cập ngày 10/02/2024. 3. Cục Di sản Văn hóa. (2019). “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới”. Từ http://dsvh.gov. vn. Truy cập ngày 6/3/2023. 4. Lan Anh. (2023). “Phát triển đô thị miền Trung thích ứng với BĐKH - Đô thị ven biển Quảng Nam: Phát triển theo hướng sinh thái và bền vững”. Từ https://baotainguyenmoitruong.vn. (Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường), ngày 8/3/2023. 5. Nguyễn Văn Đính. (2021). “Phát triển du lịch xanh Việt Nam”. Tạp chí Môi trường số 1/2021, tr.41-43. 6. Phan Sơn. (2022). “Hội An triển khai phát triển du lịch xanh”. Từ https://baoquangnam.vn. Truy cập ngày 15/9/2023. 7. Phòng XTĐT. (2021). “Quảng Nam ban hành Bộ Tiêu chí du lịch xanh”. Từ https://htdn. quangnam.gov.vn. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Truy cập ngày 10/12/2023. 8. Quốc Hải. 2022. “Hội An tiên phong du lịch xanh”. Từ https://baoquangnam.vn, ngày 12/3/2023. 9. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. (2017). Luật Du lịch, Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017. 10. Tổng cục Thống kê. (2020). Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Hà Nội: NXB Thống kê. 11. Trần Quốc Vượng. (1991). “Vị thế địa lịch sử và bản sắc địa-văn hóa của Hội An”. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 51-62. 12. Trần Văn Thông. (2003). Quy hoạch du lịch: những vấn đề lý luận và thực tiễn, Trường ĐHDL Văn Lang. Khoa Du lịch: Tài liệu lưu hành nội bộ. 13. Trung tâm Thông tin du lịch. (2019). “Du lịch xanh: Hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam”. Từ https://vietnamtourism.gov.vn. Tổng cục Du lịch. Truy cập ngày 16/3/2023. 14. Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình thành phố Hội An. (2021). “Chương trình du lịch hấp dẫn, an toàn tại Hội An từ ngày 20/3-01/5/2021”. Từ http://www. hoianworldheritage.org.vn. Truy cập ngày 8/12/2023. 15. UBND TP. Hội An. (2015). Di tích-danh thắng Hội An. Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng. 16. Viện chiến lược phát triển. (2001). Cơ sở khoa học của một số vấn đề trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, NXB Chính trị Quốc gia: Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2