intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Gắn kết nguồn nhân lực trong cộng đồng người Khmer vào hoạt động phát triển du lịch tại thành phố Trà Vinh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

32
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết đề cập đến cộng đồng người Khmer tại thành phố Trà Vinh, thông qua bảng câu hỏi khảo sát kết hợp với phương pháp điền dã, chúng tôi có được những nhận định và đánh giá về thực trạng phát triển du lịch trong cộng đồng người Khmer; Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần phát huy vai trò và gắn kết nguồn nhân lực trong cộng đồng người Khmer với hoạt động du lịch tại thành phố Trà Vinh.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Gắn kết nguồn nhân lực trong cộng đồng người Khmer vào hoạt động phát triển du lịch tại thành phố Trà Vinh

  1. HUFLIT International Conference On Ensuring A High-Quality Human Resource In The Modern Age - Oct 16, 2020 doi: 10.15625/vap.2020.0090 GẮN KẾT NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER VÀO HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI THÀNH PHỐ TRÀ VINH Lê Yến Chi1, Trần Thị Ngọc Thủy2 1 Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh 2 Lớp Đại học Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành khóa 2017, Trường Đại học Trà Vinh yenchi@tvu.edu.vn, tranthingocthuytv@gmail.com TÓM TẮT: Gắn kết nguồn nhân lực trong cộng đồng địa phương thông qua các loại hình du lịch đã trở nên phổ biến và đạt được hiệu quả trong nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, môi trường vùng dân tộc thiểu số. Là địa phương có lợi thế về văn hóa Khmer, tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn xã hội hóa hoạt động du lịch vào đời sống cộng đồng vùng dân tộc. Họ là chủ nhân trực tiếp của tất cả tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn, là nguồn nhân lực trọng yếu tham gia tích cực và có vai trò quyết định vào quá trình tạo nên chất lượng các sản phẩm du lịch tại điểm đến. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến cộng đồng người Khmer tại thành phố Trà Vinh, thông qua bảng câu hỏi khảo sát kết hợp với phương pháp điền dã, chúng tôi có được những nhận định và đánh giá về thực trạng phát triển du lịch trong cộng đồng người Khmer; từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần phát huy vai trò và gắn kết nguồn nhân lực trong cộng đồng người Khmer với hoạt động du lịch tại thành phố Trà Vinh.. Từ khóa: Du lịch cộng đồng, nhân lực du lịch, văn hóa Khmer Trà Vinh. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Nhân lực du lịch đó là lực lượng lao động trong ngành và trong cộng đồng xã hội tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động du lịch với một năng lực tay nghề, trình độ nhận thức nhất định cùng với những phẩm chất tối thiểu về thể lực, trí tuệ, đạo đức,… (Huỳnh Quốc Thắng, 2013: tr.159). Khi đề cập đến khái niệm nguồn nhân lực du lịch thì không chỉ đề cập đến những lao động nghiệp vụ phục vụ khách trực tiếp mà còn cả lao động quản lý, lao động làm công tác đào tạo và các lao động gián tiếp khác phục vụ khách du lịch. Lao động gián tiếp bao gồm những công việc cung ứng, hỗ trợ cho các hoạt động trực tiếp phục vụ khách du lịch như: cung ứng thực phẩm cho khách sạn, nhà hàng; cung ứng hàng hóa cho các cửa hàng bán lẻ phục vụ khách du lịch, đào tạo nhân lực du lịch, xây dựng khách sạn, sản xuất phương tiện vận tải khách du lịch, các trang thiết bị phục vụ khách du lịch. Lao động trực tiếp bao gồm những công việc trực tiếp phục vụ khách du lịch như trong khách sạn, nhà hàng, lữ hành, các cửa hàng bán lẻ phục vụ khách du lịch, cơ quan quản lý du lịch… Trong đó, lao động trực tiếp phục vụ du khách bao giờ cũng ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm du lịch. Nói đến nguồn nhân lực trong cộng đồng địa phương là muốn nhấn mạnh đến cộng đồng dân cư tại chỗ với tư cách là chủ nhân trực tiếp của tất cả tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn của địa phương; đồng thời là chủ thể trực tiếp đóng vai trò tích cực, quyết định đối với các hoạt động du lịch liên quan đến các hoạt động khai thác tài nguyên đó. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở tính đến ngày 01/04/2009 của Tổng cục thống kê, cộng đồng người Khmer có dân số trung bình đông (1.260.640 người), xếp thứ 5 sau các tộc người Kinh, Tày, Thái và Mường (Trương Thị Kim Thủy, 2019: tr.120). Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh năm 2019 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2012 - 2018, dân tộc Khmer là 329.662 người (89.429 hộ), chiếm 31,53 %. Theo đó, Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra các quan điểm phát triển chung cho ngành du lịch Việt Nam với các nội dung chủ yếu: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc”. Tháng 02 năm 2017, Ban thường vụ tỉnh ủy ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: “Tập trung phát triển mạnh du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Xã hội hóa trong các hoạt động du lịch, hình thành phong cách thanh lịch, mến khách của người dân địa phương đối với du khách. Xây dựng thương hiệu du lịch Trà Vinh”. Đặc biệt, trong đề án “Xây dựng sản phẩm Du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được phê duyệt tại Quyết định 194/QĐ- BVHTTDL ngày 23/01/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xác định: “sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Trà Vinh là văn hóa Khmer”. Những giá trị văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ được thể hiện trên nhiều phương diện, cả vật chất lẫn tinh thần. Chính quá trình toàn cầu hoá giúp người Khmer hiểu hơn và tiếp cận dễ dàng hơn với các nền văn hoá, văn minh khác nhau nhưng đồng thời cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ từ việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Và trong bài viế t này, chúng tôi tập trung nhấn mạnh đến cộng đồng người Khmer tham gia vào hoạt động phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa của người Khmer tại Thành phố Trà Vinh.
  2. 254 GẮN KẾT NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER VÀO HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI THÀNH PHỐ TRÀ VINH II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER TẠI THÀNH PHỐ TRÀ VINH A. Vài nét về cộng đồng người Khmer tại Thành phố Trà Vinh Theo Luật Du lịch Việt Nam (2017): “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Theo tác giả Bùi Thị Hải Yến (2012) và cộng sự trong công trình “Du lịch cộng đồng” đã định nghĩa “Du lịch cộng đồng là phương thức phát triển bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch. Cộng đồng nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; của chính quyền địa phương cũng như chính phủ và nhận được phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nhằm phát triển cộng đồng, bảo tồn, khai thác tài nguyên môi trường du lịch bền vững, đáp ứng các nhu cầu du lịch phong phú, có chất lượng cao và hợp lý của du khách, để mọi tầng lớp dân cư đều có thể được sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm du lịch” (Bùi Thị Hải Yến, 2012: tr.35-36). Như vậy, hoạt động du lịch cộng đồng hướng tới, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, vì mục tiêu phát triển cộng đồng và mục tiêu bảo tồn. Nói đến cộng đồng người Khmer tại thành phố Trà Vinh, họ sống trải đều khắp các phường từ Phường 1 đến Phường 9 và một phần ở xã Long Đức nên sự phát triển văn hóa vừa diễn ra chậm chạp vừa có xu hướng khép kín, mang nặng tính bảo thủ. Song, với truyền thống văn hóa tộc người, đặc biệt là tính bảo lưu truyền thống khá mạnh mẽ dưới sự điều khiển của tổ chức xã hội khá rõ ràng (phum, sóc) đã tạo nên sự thống nhất trong việc phát triển xã hội Khmer theo một chiều hướng nhất định. Đây có thể là một đặc điểm nổi bật mang tính độc đáo của người Khmer – yếu tố tác động của việc không gian bị ngăn cách không ảnh hưởng lớn đến sự vận động, phát triển của xã hội Khmer ở những vùng khác nhau, đặc biệt là trên phương diện văn hóa tinh thần. Bảng 1. Sự phân bố người Khmer trên địa bàn Thành phố Trà Vinh Số nhân khẩu Số hộ người Khmer Phường/Xã người Khmer (ĐVT: người) (ĐVT: người) Phường 1 281 1.327 Phường 2 29 129 Phường 3 12 55 Phường 4 11 36 Phường 5 141 808 Phường 6 160 885 Phường 7 592 3.054 Phường 8 1.482 6.007 Phường 9 1.628 7.032 Xã Long Đức 552 2.071 Tổng số 4.888 21.404 (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2020) Bảng 2. Danh sách nghệ nhân tiêu biểu trên địa bàn Thành phố Trà Vinh TT Họ tên Địa chỉ Lĩnh vực Nghệ thuật 1. Thạch Chân Khóm 8, Phường 9, thành phố Trà Vinh (Soạn giả) Nghệ thuật 2. Sơn Cân Khóm 6, Phường 9, thành phố Trà Vinh (Điêu khắc hội họa) Nghệ thuật 3. Thạch Suông Phường 8, thành phố Trà Vinh (Điêu khắc hội họa) NNUT 4. Ngô Thị Xuân Phường 8, thành phố Trà Vinh (Tri thức dân gian) (Nguồn: Ban quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh)
  3. Lê Yến Chi, Trần Thị Ngọc Thủy 255 Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2020 thể hiện ở Bảng 1 cho thấy, trên địa bàn thành phố Trà Vinh, cộng đồng người Khmer tập trung đông nhất tại các Phường 7, Phường 8 và Phường 9 với số nhân khẩu lần lượt là 3.054 nhân khẩu, 6.007 nhân khẩu và 7.032 nhân khẩu; đặc biệt, thành phố cũng là nơi sản sinh ra những nghệ nhân ưu tú thể hiện ở Bảng 2, đây là điều kiện thuận lợi về nguồn lực cộng đồng địa phương khi gắn kết hoạt động du lịch trong không gian văn hóa cộng đồng người Khmer. Bên cạnh đó, thành phố Trà Vinh là trung tâm diễn ra các sự kiện văn hóa lớn toàn tỉnh, các lễ hội được tổ chức quy mô hàng năm, tiêu biểu là Lễ hội Ok Om Bok (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) diễn ra tại Khu di tích danh thắng Ao Bà Om thuộc khóm 4, phường 8, Thành phố Trà Vinh), nhiều ngôi chùa Khmer đẹp, cổ kính như: chùa Âng, chùa Kom Pong (chùa Ông Mẹt),..., hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố được trang bị khá tốt, có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách trong quá trình tham quan du lịch. B. Thực trạng phát triển du lịch trong cộng đồng người Khmer tại Thành phố Trà Vinh Nhằm phát triển du lịch gắn với cộng đồng người Khmer tại thành phố Trà Vinh, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và nâng cao năng lực cộng đồng tham gia du lịch như: mở lớp tập huấn về du lịch, hỗ trợ vay vốn, cải thiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan khu vực phát triển du lịch, tăng cường kênh thông tin quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng Khmer,.... Chúng tôi sử dụng Bảng câu hỏi khảo sát để tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các đối tượng là các giảng viên giảng dạy du lịch, cán bộ làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, các cán bộ làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, khách du lịch với số phiếu thu được 138/150 phiếu (đạt tỷ lệ 92 %). Sau khi tổng hợp phiếu khảo sát, thu được kết quả như sau: Bảng 3. Kết quả đánh giá đối với cộng đồng địa phương Điểm trung Tỷ lệ đồng Nội dung khảo sát bình ý (%) Chân thật, gần gũi, thân thiện với du khách 4,24 77,1 Có thái độ lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng du khách 4,39 81,2 Cộng đồng dân cư nhận thức được lợi ích của du lịch đem lại 3,80 62,5 Người dân có những kỹ năng cơ bản để đón tiếp và phục vụ khách 3,72 58,3 Có nhận thức tốt về khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa 4,00 71,7 truyền thống (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát) Sự chân thật, gần gũi mến khách của người dân địa phương khi tham gia làm du lịch được đánh giá cao (81,2 %). Bên cạnh đó, họ có nhận thức tốt đối với công tác khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, đồng thời có ý thức tốt trong việc bảo vệ, gìn giữ vốn tài nguyên đặc sắc của cộng đồng dân tộc Khmer với tỷ lệ đồng ý đạt 71,7 %. Tuy nhiên, người dân chưa được trang bị tốt về các kỹ năng trong quá trình đón tiếp và phục vụ khách, điều này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: hoạt động khai thác du lịch chỉ mới bắt đầu trong khoảng thời gian ngắn, trình độ học vấn của người dân thấp, cộng đồng địa phương chưa được tham gia tập huấn đào tạo về nghiệp vụ du lịch cũng như chưa thực sự nhận thấy được các lợi ích mang lại từ hoạt động du lịch. Bảng 4. Kết quả đánh giá đối với tài nguyên văn hóa Khmer Nội dung khảo sát Điểm trung Tỷ lệ đồng bình ý (%) Kiến trúc nhà ở của người Khmer hấp dẫn 4,13 73,9 Kiến trúc chùa của người Khmer hấp dẫn 4,57 87,0 Các lễ hội truyền thống của người Khmer hấp dẫn 4,13 73,9 Các nghề và làng nghề truyền thống của người Khmer hấp dẫn 4,26 78,3 Ẩm thực của người Khmer hấp dẫn 4,00 67,4 Văn hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Khmer hấp dẫn 4,20 76,1 (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát) Bảng 4 thể hiện sự đánh giá rất cao đối với chất lượng tài nguyên văn hóa của người Khmer, tất cả các yếu tố về kiến trúc nhà ở, chùa Khmer, lễ hội, các nghề và làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống điều rất đặc sắc, hấp dẫn khách tham quan, trải nghiệm. Điều này một lần nữa được khẳng định khi hầu hết
  4. 256 GẮN KẾT NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER VÀO HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI THÀNH PHỐ TRÀ VINH khách du lịch điều mong muốn quay trở lại Trà Vinh với tỷ lệ 95,7 % và sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn bè, người thân về điểm du lịch với tỷ lệ 97,8 %. Bảng 5. Kết quả đánh giá đối với chất lượng dịch vụ Nội dung khảo sát Điểm Tỷ lệ đồng trung bình ý (%) Phong cách phục vụ của nhân viên chuyên nghiệp 3,50 50 Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 3,89 65,2 Đảm bảo an toàn khi tham quan và lưu trú 4,00 73,9 Du khách có nhiều lựa chọn khác nhau về các dịch vụ trong chương trình 3,30 43,5 tham quan Giá cả hợp lý 4,00 69,6 (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát) Phong cách phục vụ của nhân viên bao gồm thái độ, tư thế, điệu bộ, tác phong, cử chỉ, lời nói, hành động,….của tất cả những người tham gia phục vụ khách du lịch như: hướng dẫn viên, các nhân viên làm việc tại các điểm tham quan, các nhà hàng, các điểm lưu trú cũng như cung cách phục vụ của người dân trong quá trình đón tiếp và phục vụ khách. Đội ngũ nhân lực hiện nay vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng, theo đánh giá của khách du lịch về sự chuyên nghiệp trong phong cách phục vụ chỉ đạt trên mức bình thường (3,5/5). Thiếu hướng dẫn viên tại điểm, công tác hướng dẫn được thực hiện bởi các bạn sinh viên (cộng tác viên) là chính. Bên cạnh đó, khách chưa có nhiều lựa chọn về các dịch vụ trong chương trình tham quan. Các vấn đề về giá cả, an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn khi tham quan và lưu trú đạt được tỷ lệ đồng ý tương đối cao hơn (trên 65 %). Bảng 6. Kết quả đánh giá đối với môi trường du lịch Nội dung khảo sát Điểm Tỷ lệ đồng trung bình ý (%) Người dân có ý thức bảo vệ môi trường cao 3,57 52,2 Môi trường trong lành, xanh, sạch đẹp 4,02 78,3 Truyền thống văn hóa địa phương được giữ gìn và phát huy tốt 4,07 76,1 Không có tệ nạn ăn xin, mê tín, chèo kéo khách 3,85 69,6 Điều kiện an ninh tốt 3,83 63,0 (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu khảo sát) Du lịch thành phố Trà Vinh trong những năm qua vẫn còn trong trạng thái ngủ yên, chưa có nhiều khởi sắc, hoạt động du lịch chưa đạt đến mức vượt quá khả năng kiểm soát, chưa xuất hiện rõ nét những tác động tiêu cực do điểm đến vượt quá sức chứa. Vì vậy, môi trường du lịch nơi đây vẫn giữ được cảnh quan trong lành. Đặc biệt, Ao Bà Om được mệnh danh là “Đà Lạt miền Tây” với những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát quanh năm kết hợp với cảnh quan chùa Khmer ẩn hiện trong những tán cây cao vút luôn mang đến cảm giác thanh bình cho du khách thập phương. Tệ nạn ăn xin, mê tín, chèo kéo khách và điều kiện an ninh tương đối tốt và được đảm bảo. Đây là những vấn đề cần được kiểm soát và quản lý chặt chẽ nếu muốn hoạt động du lịch phát triển tốt. Tuy nhiên, người dân chưa có ý thức cao đối với việc bảo vệ môi trường. Trong một đoạn phỏng vấn về du lịch thì du khách có nhận xét: “Còn về mặt chưa được, em nghĩ là về vấn đề môi trường vì tụi em cũng đang tập trung về rác thải nên em thấy người dân ở đây chưa được tuyên truyền một cách rộng rãi hoặc chưa có nhận thức mình phải hạn chế sử dụng ly giấy, ly nhựa hoặc là bao bì… rác thải khá là nhiều ở địa phương khác và tại thành phố Trà Vinh vẫn còn nét như vậy.” (Trích biên bản phỏng vấn số 02)*. * Lê Yến Chi (2019), Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của người Khmer tại tỉnh Trà Vinh, Luận văn Thạc sĩ Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM
  5. Lê Yến Chi, Trần Thị Ngọc Thủy 257 III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM GẮN KẾT NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER VÀO HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI THÀNH PHỐ TRÀ VINH A. Nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với hoạt động phát triển du lịch Cộng đồng dân cư tại các điểm đến đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phối hợp với nhà cung ứng dịch vụ du lịch để khai thác tài nguyên du lịch. Trong một chừng mực nào đó, họ cũng là tài nguyên du lịch tại chỗ, là đối tượng tham quan tìm hiểu, thẩm nhận các giá trị văn hóa của du khách. Cộng đồng dân cư tại các điểm đến tác động đến tài nguyên du lịch tại cộng đồng của họ (về môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn, văn hóa bản địa,….) với những mặt tích cực và tiêu cực. Họ ứng xử với du khách với tư cách là chủ thể tại chỗ vừa tiếp thu, vừa sáng tạo ra những giá trị cho văn hóa du lịch. Họ góp phần rất quan trọng trong việc giữ gìn, tôn tạo, làm giàu và phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch ở địa phương. Văn hóa du lịch còn xem cộng đồng dân cư tại điểm đến như một đối tượng cần được nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch (Phan Huy Xu và cộng sự, 2016: tr.340-341). Như vậy, khả năng bền vững của du lịch phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động phục vụ trong lĩnh vực du lịch như: nhân viên hướng dẫn tham quan, cung cấp các dịch vụ về ăn uống, ở, vui chơi giải trí… mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và du khách, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của địa phương. Cần thường xuyên nâng cao nhận thức về các tác động của du lịch đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường đến cộng đồng địa phương thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch và phải được tiến hành trước khi cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch được bắt đầu với các nhóm nhỏ theo cách “cầm tay chỉ việc”từ đó nhân rộng ra. Các khóa học được tổ chức bởi các chuyên gia dự án, các chương trình phát triển du lịch của địa phương, nếu có các doanh nghiệp lữ hành phối hợp đào tạo để người dân hướng đến khách hàng thì sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn. Tăng lợi ích kinh tế từ du lịch cho cộng đồng địa phương, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh để người dân tham gia các hoạt động kinh doanh khác nhau, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng tham gia kinh doanh du lịch, tăng lợi ích từ các hoạt động đó. Cần nghiên cứu và phân loại các dịch vụ mà cộng đồng địa phương có khả năng cung cấp, tránh tình trạng “học theo” các hộ khác để kinh doanh và sau một thời gian phải bỏ vì không có khách. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer về văn hóa và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; phát huy tinh thần chủ động, tích cực nỗ lực của đồng bào và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình. Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho con em đồng bào dân tộc Khmer nhằm góp phần gìn giữ và phát huy tốt những giá trị truyền thống của dân tộc qua các thế hệ. B. Tăng cường các hình thức du lịch gắn với các giá trị văn hóa cộng đồng người Khmer tại Thành phố Trà Vinh Các giá trị văn hóa của người Khmer tại Thành phố Trà Vinh nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung rất đa dạng về hình thái sinh hoạt cộng đồng văn hóa cả về vật chất và tinh thần tạo điều kiện thuận lợi trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Khmer tại thành phố Trà Vinh theo mô hình du lịch cộng đồng cho du khách trong và ngoài nước. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu thực địa, chúng tôi có những đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên các yếu tố hấp dẫn của nguồn tài nguyên văn hóa Khmer trong quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Trà Vinh như sau: - Du lịch trải nghiệm tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer: Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, tâm linh với 143 ngôi chùa Khmer cổ kính†. Trong tổng số 11 chùa Khmer tại thành phố Trà Vinh (Trần Hồng Liên, 2014: tr.48), có nhiều điểm chùa có thể khai thác hoạt động du lịch như: chùa Âng, chùa Kom Pong (chùa Ông Mẹt)…. Khi tổ chức hoạt động tham quan tại các điểm chùa không nên dừng lại ở giới hạn nghe thuyết minh khái quát lịch sử, kiến trúc…. Cần có thêm có các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách. Ngoài việc tham quan kiến trúc chùa Khmer, có thể tạo thêm hoạt động cho khách trải nghiệm các khóa tu nghe sư thuyết giảng, ngồi thiền trong thời gian ngắn. Qua đó, khách có thể cảm nhận và hiểu thêm về văn hóa Khmer, Phật giáo Nam tông,... Ngoài ra, khách có thể thưởng thức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trong khuôn viên chùa vào buổi tối, tham gia lớp học tiếng Khmer giao tiếp cơ bản do các vị sư trong chùa giảng dạy, tham gia trải nghiệm các điệu múa như: RomVong, Saravan, Lăm Liêu,… - Du lịch gắn với văn hóa ẩm thực: Nhu cầu thưởng thức ẩm thực, đặc sản địa phương càng quan trọng hơn đối với khách du lịch. Ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, phục vụ cho nhu cầu về ăn uống đơn thuần mà đã trở thành mục đích của chuyến đi. Các món ăn ngon và các loại đặc sản độc đáo tại một địa phương sẽ tạo thành điểm nhấn khó quên trong lòng du khách. Tại Thành phố Trà Vinh, ẩm thực của người Khmer ngày càng được du khách yêu thích và trở thành những món ngon không thể thiếu trong mỗi hành trình. Nên bổ sung các hoạt động để khách du lịch † Huyện Trà Cú: 44 chùa, huyện Cầu Ngang: 23 chùa, huyện Cầu Kè: 22 chùa, huyện Tiểu Cần: 15 chùa, huyện Châu Thành: 17 chùa; huyện Duyên Hải: 07 chùa; huyện Càng Long: 04 chùa (Theo Hội Đoàn kết sư sãi tỉnh Trà Vinh).
  6. 258 GẮN KẾT NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER VÀO HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI THÀNH PHỐ TRÀ VINH được xem biểu diễn hoặc tham gia chế biến các món ăn (bún nước lèo, bánh tét Trà Cuôn, cốm dẹp, bánh tét cốm dẹp, canh sim lo, các loại bánh truyền thống (bánh ống, bánh lá mơ,...) và trực tiếp trải nghiệm các công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu để du khách hiểu hơn về ẩm thực người Khmer. - Du lịch gắn với làng nghề thủ công truyền thống: Nghề, làng nghề và các sản phẩm từ làng nghề được xem như là tài nguyên du lịch quý giá phục vụ cho việc tìm hiểu văn hóa, tham quan, vui chơi, giải trí. Khách du lịch có thể trực tiếp xem và tham gia vào một số công đoạn sản xuất, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh tại làng nghề. Cách làm này là phương tiện giao lưu, quảng bá văn hóa của người Khmer một cách sâu rộng và có hiệu quả, góp phần tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Để có thể phát triển du lịch thì các làng nghề cần được đầu tư nhiều hơn trong đó chú ý đến việc phân chia thành hai khu vực: một khu trưng bày sản xuất các mặt hàng, một khu vực để khách cùng xem các nghệ nhân biểu diễn và cùng trải nghiệm kỹ thuật nghề. - Du lịch gắn với nghệ thuật biểu diễn truyền thống: Khách du lịch đến với thành phố Trà Vinh chưa có nhiều sự lựa chọn đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ,…. làm thế nào để níu chân du khách lưu lại lâu hơn tại thành phố Trà Vinh là việc làm cần thiết. Cần thành lập các nhóm biểu diễn nhạc cụ cố định tại các điểm du lịch cộng đồng Khmer như chùa, phum sóc để phục vụ du khách. Tăng cường các hoạt động bổ trợ trong chương trình tour để du khách hiểu hơn về nghệ thuật biểu diễn của người Khmer trước khi được thưởng thức như: tham quan bảo tàng, tìm hiểu văn học Khmer, xem nghệ nhân trổ tài chế tác mặt nạ, nhạc cụ, trang phục,… cho các nhân vật trong vở diễn; hướng dẫn khán giả một số động tác múa cơ bản trong các tiết mục múa biểu diễn, hướng dẫn du khách chơi nhạc cụ; trưng bày và bán các sản phẩm liên quan đến nghệ thuật biểu diễn như: trang phục, mặt nạ,… cho khách du lịch khi họ có nhu cầu. Để có thể phát huy tối đa những nét độc đáo trong từng sản phẩm thì sự tham gia của nguồn lực địa phương, trong đó, cộng đồng người Khmer với tính cách ôn hòa, giản dị, sống dựa vào thiên nhiên và tính cộng đồng cao sẽ rất phù hợp khi họ tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng và thực hiện các công việc đơn giản như: hướng dẫn quy trình làm cốm dẹp, bánh ống,...bán quà lưu niệm, đặc sản địa phương; hướng dẫn viên tại điểm; biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống (biểu diễn nhạc Ngũ Âm, múa Apsara, Chây Dăm).... A. Đẩy mạnh chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với lực lượng lao động là người dân tộc Khmer tại địa phương - Hỗ trợ đầu tư làm du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Trà Vinh, hỗ trợ các gia đình đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chí tối thiểu như: có đèn chiếu sáng, nước sạch, có khu vực sinh hoạt chung, có khu vực lưu trú cho khách, có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh, giường, đệm, chăn, màn,...; được tập huấn về nghiệp vụ du lịch (Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh, 2018) để khuyến khích lực lượng sẵn có tại địa phương tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú (homestay) cho khách. - Hỗ trợ đào tạo lao động (ưu tiên lực lượng lao động địa phương là người dân tộc Khmer) phục vụ cho các dự án du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo về du lịch trong và ngoài tỉnh để mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên đã và đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch trong cộng đồng người Khmer tại các điểm du lịch cộng đồng. IV. KẾT LUẬN Là địa phương đang trên đà đẩy mạnh phát triển du lịch dựa vào văn hóa Khmer, với lợi thế là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nơi lưu giữ đậm nét giá trị truyền thống dân tộc bản địa và có cảnh quan tự nhiên đẹp hoang sơ, giản dị, nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo. Cộng đồng người dân tộc Khmer địa phương ủng hộ, tham gia và phối hợp thực hiện trong các dự án chỉ đạo từ các cơ quan ban ngành quản lý về du lịch; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành sẵn sàng tham gia phát triển du lịch trên nền tảng khai thác văn hóa cộng đồng Khmer. Tất cả, đang dần mở ra chặng đường phát triển mới cho du lịch cộng đồng tại thành phố Trà Vinh và cho cả tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho đội ngũ lao động là người dân tộc Khmer, hoạt động du lịch gắn với cộng đồng địa phương sẽ góp phần phát triển ổn định về đời sống kinh tế - văn hóa - môi trường cho cộng đồng dân tộc tại điểm đến. Để bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch một cách tốt nhất và bền vững thì cần hết sức quan tâm đến vai trò của cộng đồng người Khmer, thúc đẩy sự tham gia của họ vào các hoạt động phát triển nói chung cũng như ngành du lịch tại thành phố Trà Vinh nói riêng. Có như vậy, tiềm năng văn hóa của cộng đồng người Khmer tiếp tục được đánh thức, khai thác có hiệu quả di sản văn hóa gắn với du lịch, góp phần ổn định đời sống nhân dân. V. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Huỳnh Quốc Thắng (2013), Tổng quan về đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực du lịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, trang 159. [2] Trương Thị Kim Thủy (2019), Phát triển bền vững du lịch cộng đồng người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, Hội thảo quốc tế Du lịch cộng đồng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa, NXB. Khoa học và Kỹ thuật.
  7. Lê Yến Chi, Trần Thị Ngọc Thủy 259 [3] Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2019), Báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2012 - 2018. [4] Thủ tướng chính phủ (2013), Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. [5] Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. [6] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Quyết định 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt đề án “Xây dựng sản phẩm Du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. [7] Sơn Ngọc Khánh (2015), Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khmer trong hoạt động du lịch ở địa bàn thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Trà Vinh. [8] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Du lịch, Hà Nội. [9] Bùi Thị Hải Yến (cb) (2012), Du lịch cộng đồng, NXB. Giáo dục Việt Nam, trang 35-36. [10] Lê Yến Chi (2019), Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của người Khmer tại tỉnh Trà Vinh, Luận văn Thạc sĩ Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM. [11] Phan Huy Xu và Võ Văn Thành (2016), Vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng – Một số ý kiến về du lịch cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Hội thảo Khoa học quốc tế “Các loại hình du lịch hiện đại”, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, trang 340-341. [12] Trần Hồng Liên (2014), Sự chuyển đổi tôn giáo trong người Khmer ở Trà Vinh hiện nay, Nghiên cứu tôn giáo, số 5-2014, trang 48. INTEGRATING HUMAN RESOURCES IN THE KHMER COMMUNITY INTO TOURISM DEVELOPMENT ACTIVITIES IN TRA VINH CITY Le Yen Chi, Tran Thi Ngoc Thuy ABSTRACT: Integrating human resources into the local community through various forms of tourism has become popular and effective in improving the economic, cultural and environmental life of ethnic minority areas. As a locality with an advantage in Khmer culture, Tra Vinh province bravely socializes tourism activities into the lives of ethnic minority communities. They are the direct owners of all the natural and human ecological resources, are the key human resources to actively participate and play a decisive role in the process of creating the quality of tourism products at the destination. In this article, we refer to the Khmer community in Tra Vinh city, through the questionnaire combined with the fieldwork method, we get the comments and assessments on the status of development tourism in the Khmer community; since then, propose solutions to contribute to promoting the role and linking human resources in the Khmer community with tourism activities in Tra Vinh city.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2