Giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ với việc nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên ở nước ta hiện nay
lượt xem 2
download
Bài viết "Giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ với việc nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên ở nước ta hiện nay" đề cập đến chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, từ đó góp phần bồi đắp niềm tin, lý tưởng, lòng yêu nước và tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm của sinh viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ với việc nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên ở nước ta hiện nay
- GIÁ TRỊ CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VỚI VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CHO SINH VIÊN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY Thiếu tá, ThS. Trần Thị Lệ Thanh - Thiếu tá, ThS. Phan Viết Thịnh* Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ) Email*: fanthinh84@gmail.com Tóm tắt: Cách đây 70 năm, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã nổ ra và giành thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Đến nay, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, những giá trị lịch sử đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên ở nước ta hiện nay. Từ khóa: Chiến dịch Điện Biên Phủ, giáo dục, quốc phòng và an ninh, sinh viên. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó có ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, từ đó góp phần bồi đắp niềm tin, lý tưởng, lòng yêu nước và tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm của sinh viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Bảy mươi năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về Nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến 393
- tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trên khía cạnh nghiên cứu giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với việc nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay, tác giả xin được đề cập đến một số nội dung cơ bản như sau: 2.1. Giáo dục cho sinh viên sự cần thiết của giáo dục quốc phòng và an ninh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Hiện nay, trong xã hội và trên mạng xã hội nói chung, một bộ phận sinh viên nói riêng đang dấy lên nhiều quan điểm cho rằng, thời bình thì làm gì phải bảo vệ Tổ quốc? Đất nước hòa bình rồi thì việc gì phải tổ chức ra quân đội? Nhiều người còn đưa ra quan điểm cho rằng bảo vệ đất nước là nhiệm vụ của Quân đội chứ không phải của người dân… Khi đánh giá về những hạn chế qua 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Nghị quyết trung ương 8 Khóa XI, Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XIII Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã chỉ ra: “Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chưa thật đầy đủ, sâu sắc, còn chủ quan, mất cảnh giác”1. Trên thực tế, nhiều sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay có biểu hiện xem nhẹ môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh, dẫn đến động cơ, trách nhiệm trong học tập chưa cao. Đây là những nhận thức đơn giản, chưa thấy hết về tính bức thiết của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chúng ta thấy rằng, dựng nước đi liền với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc, đó là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam chống lại thực dân Pháp. Mặc dù dân tộc Việt Nam chúng ta luôn thể hiện sự hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, thế nhưng với dã tâm của mình, thực dân Pháp đã gây chiến tranh, nhằm xâm lược nước ta. Trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tìm mọi cách hòa hoãn, nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Để tránh phải đương đầu với một cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp, rồi nhân nhượng để ký 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2024), Tài liệu học tập các Văn kiện hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.111-112. 394
- Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), sau đó ký Tạm ước (14/9/1946). Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp đại diện Chính phủ Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu. Nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta. Khi không còn sự lựa chọn nào khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”2. Và chúng ta chỉ bẻ gãy được ý chí xâm lược của thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hiện nay, mặt dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo của thế giới đương đại. Nhưng trên thực tế những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, hàng trăm vụ khủng bố, hàng nghìn cuộc xung đột, đảo chính, nội chiến, tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài hơn 2 năm đến nay vẫn chưa kết thúc, cùng với cuộc xung đột Israel – Hamas hiện nay vẫn chưa có hồi kết. Điều đó cho thấy, thế giới vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn. Đại hội XIII của Đảng nhận định “tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”3. Bên cạnh đó, sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với các âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, như “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, can thiệp từ bên ngoài kết hợp gây mất ổn định từ bên trong, lợi dụng, kích động vấn đề dân tộc, nhân quyền, tôn giáo hòng chống phá ta trên các lĩnh vực, tạo dựng lực lượng chống đối nhằm thủ tiêu chế độ, hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng... Đứng trước những 2 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.534. 3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.30-31. 395
- khó khăn, thách thức như vậy, nên bảo vệ Tổ quốc thành một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bài học trong lịch sử cũng đã cho thấy, nhiều quốc gia, triều đại chỉ một phút lơ là, mất phòng bị đã bị kẻ thù phát động tấn công, xâm lược, nhanh chóng rơi vào hoảng loạn, thất thủ, đất nước rơi vào lệ thuộc, Nhân dân sống trong cảnh lầm than, cơ cực. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ Tổ quốc được xem là sứ mệnh quan trọng của mỗi công dân. Điều 45, Hiến pháp năm 2013 của nước ta khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Như vậy, mọi công dân, không phân biệt thành phần, dân tộc, giới tính đều có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Mỗi công dân tùy theo khả năng của mình đều có nghĩa vụ tham gia vào các công việc bảo vệ Tổ quốc. Điều 44, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rất rõ: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mọi công dân Việt Nam. Từ lâu, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm coi trọng đến công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho thế hệ trẻ. Ngay khi đất nước giành được độc lập, tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường, trong đó có đoạn: “Đối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”4. Bức thư này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Người đối với sự nghiệp giáo dục cho thế hệ trẻ, mà còn thể hiện rõ nét tư tưởng về giáo dục ý thức công dân trong giữ gìn và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Quan điểm nhất quán của Người là “dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. Nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong việc giáo dục cho sinh viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống của dân tộc; trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quốc phòng và an ninh và những kỹ năng quân sự cần thiết, để sinh viên nhận thức đầy đủ hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Điều 4, Chương 1 Luật giáo dục quốc phòng và an ninh cũng khẳng định: “Giáo dục cho công dân về kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt 4 (2019), Bác Hồ với giáo dục, Nxb. Giáo dục, tr.71-72. 396
- Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh” 5. Như vậy, có thể khẳng định rằng, với thực tiễn từ bài học của lịch sử dân tộc nói chung, qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho chúng ta thấy: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan, là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì phải nâng cao nhận thức cho mọi công dân, trong đó sinh viên là một lực lượng quan trọng. Qua môn học giáo dục quốc phòng và an ninh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta ngoài việc được trang bị các kiến thức, kỹ năng quân sự, còn trực tiếp được rèn luyện, trải nghiệm trong môi trường quân sự. Đây là điều kiện, cơ sở quan trọng để sinh viên hình thành nhân cách, tính tổ chức, tính kỷ luật, đảm bảo phát triển toàn diện. 2.2. Giáo dục cho sinh viên niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa Về so sá nh lực lươ ̣ng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta là cuộc kháng chiến của một dân tộc nhỏ, yếu chống lại sự xâm lược của một đế quốc lớn. Chiến thắng lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Chân lý đó đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chiến thắng này đã làm thay đổi cục diện thế giới, khẳng định sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam, của Nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập trên thế giới. Giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn đó có vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin, lý tưởng cho mọi người dân Việt Nam nói chung, sinh viên hiện nay đối với thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội... Đây cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ nhằm kích động, lôi kéo thế hệ trẻ. Các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã lấy danh nghĩa “yêu nước” để tuyên truyền, khuếch trương, tuyệt đối hóa sức mạnh, uy lực của các loại vũ khí thế hệ mới, công nghệ cao,… đã tác động không nhỏ tới nhận thức, niềm tin của sinh viên vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm xuất hiện tư tưởng hoài nghi, thiếu tin tưởng vào đường lối quân sự, quốc phòng, nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị hiện có của chúng ta. 5 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.278. 397
- Thực tế trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, thực dân Pháp với sự viện trợ, giúp đỡ của Mỹ đã xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút, làm tiêu hao quân chủ lực của ta, đồng thời khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc nước ta và Thượng Lào. Thực dân Pháp bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 16.200 quân và nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại tại 49 cứ điểm, với 3 phân khu. Xác định cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Tính đến thời điểm đầu tháng 3/1954, quân Pháp tại Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 07 đại đội bộ binh, phần lớn là những đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của quân đội viễn chinh Pháp. Về pháo binh, Pháp có 02 tiểu đoàn pháo 105mm (24 khẩu), 02 tiểu đoàn súng cối 120mm (20 khẩu), 01 đại đội pháo 155mm (04 khẩu). Về thiết giáp, Pháp có 01 đại đội xe tăng (18 chiếc). Lực lượng không quân thường trực tại sân bay Mường Thanh có 07 máy bay khu trục, 05 máy bay trinh sát, 04 máy bay vận tải và 01 máy bay trực thăng. Ngoài ra, Navarre khẳng định sẽ dành 2/3 lượng máy bay ném bom, máy bay tiêm kích và 100% máy bay vận tải trên toàn Đông Dương để yểm trợ trực tiếp cho Điện Biên Phủ trong trường hợp tập đoàn cứ điểm bị tiến công. Tổng số quân địch tại Điện Biên Phủ lúc này khoảng 12.000 người. So sánh lực lượng bộ binh, ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12 tiểu đoàn), nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 quân số tiểu đoàn địch và trang bị yếu hơn rất nhiều. Về pháo binh, ta hơn địch về số lượng (64/48 khẩu), nhưng đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế. Ta hoàn toàn không có lực lượng thiết giáp. Ngoài ra, chỉ một trung đoàn pháo cao xạ 37mm của ta phải đương đầu với toàn bộ không quân hùng mạnh của địch. Như vậy, về so sánh lực lượng lại chỉ ra rằng, ta không có ưu thế về binh lực trước kẻ địch. Ngay về số lượng bộ binh đơn thuần, ta cũng không hơn địch bao nhiêu. Theo lý thuyết chiến tranh, bên phòng ngự bao giờ cũng nắm phần lợi thế hơn so với bên tấn công. Muốn giành thắng lợi, quân số bên tấn công bao giờ cũng phải đông vượt trội so với bên phòng ngự. Thêm vào đó, hầu hết các đơn vị chủ lực của ta còn thiếu kinh nghiệm đánh công kiên, khả năng tác chiến còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp, phân tích cục diện chiến trường và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và hình thành 5 đòn tấn công nhằm tiêu diệt sinh lực cũng như buộc địch phải phân tán lực lượng. Đến ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch. Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm...”, thông qua phương châm tác chiến phù hợp, đầy thông minh, sáng tạo, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, sự tập trung lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, bằng quyết tâm cao độ; với 3 đợt tấn công bất ngờ, sấm sét; thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” các lực lượng của quân đội ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một pháo đài mà thực dân Pháp khẳng định là “không thể công phá” và “bất khả xâm phạm”. Kết quả, bắt sống 398
- tướng De Castries (Đờ-cát-xtơ-ri), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16 nghìn tên địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, phương tiện của địch và giành thắng lợi vang dội. Ngày nay, đất nước ta đã được hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây chính là cơ sở quan trọng để tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước, củng cố niềm tin của toàn dân, trong đó có sinh viên vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. 2.3. Giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước cho sinh viên qua chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một trong những biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược sau này, hàng nghìn, hàng vạn người con ưu tú của đất nước đã lên đường nhập ngũ. Nhiều thanh niên, sinh viên đã viết đơn tình nguyện bằng máu, gác lại những ước mơ trên giảng đường, xếp bút nghiên lên đường ra chiến trường. Nhiều thương nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa ở nước ngoài, theo tiếng gọi của Tổ quốc, gia nhập quân đội, ủng hộ kháng chiến. Nhờ đó, Quân đội được củng cố và phát triển ngày càng lớn mạnh, đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước. Cũng chính vì bao lớp người đã hi sinh xương máu, bao ước mơ tuổi thanh xuân bị gác lại, chúng ta mới có được cuộc sống hòa bình hôm nay. Sự ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong những câu thơ hết sức nổi tiếng: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn! Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm... Những tấm gương chiến đấu và hi sinh anh dũng vì độc lập tự do cho Tổ quốc như: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... chính là biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó, miền Tây Bắc, kinh tế còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và 399
- diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc. Nhưng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” tính chung trong chiến dịch, Nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”6. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy. Nghị quyết của Bộ Chính trị và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được quân dân cả nước tích cực hưởng ứng sôi nổi, đồng lòng, dốc sức cho Chiến dịch. Bên cạnh 55.000 quân chủ lực, hơn 10 vạn người gồm: lực lượng dân công, thanh niên xung phong, và các lực lượng khác đã tham gia Chiến dịch, trên tinh thần tất cả tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Theo các tài liệu, sách báo... ghi lại, trong 210 ngày, từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, có hơn 261 nghìn dân công hỏa tuyến, trong đó có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia, làm mới 89km đường và sửa chữa hơn 500 km đường giao thông...”7 Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện tinh thần đoàn kết và bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Truyền thống đoàn kết dân tộc, tư tưởng đại đoàn kết trong thời đại Hồ Chí Minh đã được phát huy mạnh mẽ, thể hiện tinh thần cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc. Bên cạnh tinh thần đại đoàn kết và những đóng góp sức người, sức của to lớn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, đặc biệt là các chiến sỹ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu với quân thù. Tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 6 Tổng cục Hậu cần (1993), Lịch sử hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-1954), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội. 7 Tuấn Anh (2022), Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2022), nguồn: https://www.quangngai.dcs.vn/tin-oc-nhieu/-/asset_publisher/9F2li5r5FPQI/content/-ien-bien-phu-chien-thang- cua-suc-manh-tri-tue-va-long-dan-viet-nam. 400
- Như vậy, để có được chiến thắng lịch sử đó chính sự lãnh đạo tài tình, đầy sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy cao độ lòng yêu nước, thương nòi của Nhân dân ta, dân tộc ta; làm cho Nhân dân ta thấy rõ lợi ích sống còn của dân tộc mà đoàn kết chiến đấu chống thực dân xâm lược, giành độc lập tự do, đã tạo nên sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh nhân dân và chính nghĩa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, còn là bài học về tinh thần đoàn kết, sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh kiên cường và truyền thống yêu nước, bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam, bài học về nghệ thuật quân sự; bài học về phát huy, hiệu triệu sức mạnh của toàn dân tộc và sự ủng hộ của Nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhất là 2 nước Lào và Campuchia; bài học về thế trận lòng dân, sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân để làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Ngày nay, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, thế hệ trẻ được sống trong môi trường hòa bình, độc lập và tự do. Tuy nhiên, trước những chuyển biến nhanh chóng, đầy bất trắc khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang tạo ra nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng ta xác định thanh niên là lực lượng quan trọng để hướng tới. Chính tác động tiêu cực đó đã làm cho một bộ phận không nhỏ thanh niên phai nhạt về lý tưởng sống, rơi vào tình trạng phai nhạt niềm tin, lý tưởng cách mạng. Vì vậy, phải giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ nói chung, cho sinh viên nói riêng. Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”8. Trong đó, giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ góp phần quan trọng đối với việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho sinh viên hiện nay. Lý tưởng sống cao đẹp là yếu tố đặc biệt quan trọng, giúp con người có sức mạnh tinh thần to lớn để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sẵn sàng hi sinh phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho sinh viên hiện nay. 3. KẾT LUẬN Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại là trận quyết chiến chiến lược đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của Nhân dân ta, chấm dứt ách xâm lược của thực dân Pháp gần 100 năm trên đất nước ta. Những giá trị lịch sử to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục được Đảng ta phát huy trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt 8 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.168. 401
- Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Trong đó, những giá trị lịch sử đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay. 4. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Tuấn Anh (2022), Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2022), nguồn: https://www.quangngai.dcs.vn/tin-oc-nhieu/- /asset_publisher/9F2li5r5FPQI/content/-ien-bien-phu-chien-thang-cua-suc-manh-tri-tue-va- long-dan-viet-nam. [2] (2019), Bác Hồ với giáo dục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2024), Tài liệu học tập các Văn kiện hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [5] Nguyễn Mạnh Hà (2014), 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. [7] Vũ Văn Phúc, Ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/27142/y-nghia-thoi- dai-cua-chien-thang-dien-bien-phu.aspx. [8] Quốc hội Việt Nam (2013), Luật giáo dục quốc phòng và an ninh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội [9] Tổng cục hậu cần (1993), Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944- 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 402
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
BÁC HỒ VỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ
109 p | 567 | 193
-
Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới: Phần 1
152 p | 65 | 24
-
"Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" (1972) và thông điệp cho hậu thế
6 p | 103 | 9
-
Ebook Từ An toàn khu (ATK) Thái Nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ
154 p | 9 | 4
-
Ebook Chiến thắng Ba Gia-Vạn Tường: Phần 2
145 p | 9 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn