intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch ở Việt Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch ở Việt Nam" của tác giả gồm 3 nội dung, cụ thể như sau: (1) Đặt vấn đề; (2) Thực trạng chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch; (3) Đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch ở Việt Nam

  1. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGHỀ DU LỊCH Ở VIỆT NAM ThS. Nguyễn Thị Hồng Thanh1 Tóm tắt: Chuyển đổi số trong ngành du lịch được các chuyên gia nhận định là xu thế tất yếu trong năm 2024. Nền kinh tế số đang tạo động lực để thay đổi ngành du lịch chuyển dần cách thức tương tác cũng như nâng cao trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Do đó các trường đào tạo nghề du lịch cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm phát triển môi trường chuyển đổi số trong quá trình dạy và học để đáp ứng tốt xu thế phát triển của thời đại. Bài viết của tác giả gồm 3 nội dung, cụ thể như sau: (1) Đặt vấn đề; (2) Thực trạng chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch; (3) Đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch. Từ khoá: đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, du lịch, đào tạo nghề du lịch. SOLUTINS TO PROMOTE DIGITAL TRANSFORMATION IN TOURISM VOCATIONAL TRAINING SCHOOLS IN VIET NAM Abstract: Digital transformation in the tourism industry is identified by experts as an inevitable trend in 2024. The digital economy is creating a driving force to change the tourism industry, gradually changing the way of interaction and improving the experience of domestic and international tourists. Therefore, tourism training schools need to quickly come up with practical solutions to develop a digital transformation environment in the teaching and learning process to meet the development trend of the times. The article consists of 3 contents, specifically as follows: (1) Problem setting; (2) The status of digital transformation in tourism training schools; (3) Proposing solutions to promote digital transformation in tourism training schools. Keywords: human resource training, digital transformation, tourism, tourism vocational training. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ kể từ sau đại dịch COVID – 19, thu hút lượng lớn du khách quốc tế và nội địa. Trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao 1 Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang.
  2. 326 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... cho ngành du lịch ngày càng tăng thì chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phát triển ngành du lịch Việt Nam. Nếu chuyển đổi số trong ngành du lịch chính là việc tiến hành chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách du lịch theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu; nhờ vậy mà du khách sẽ được trải nghiệm những dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí thuận tiện, đẳng cấp và đáng nhớ thì chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thông tin Internet vào lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Trong đó bao gồm cải tiến phương pháp giảng dạy, cải tiến các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập, nâng cao trải nghiệm của học sinh, sinh viên và người tham gia đào tạo. Việc thực hiện chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch sẽ đem lại lợi ích to lớn trên nhiều phương diện, cụ thể như sau: - Nâng cao chất lượng đào tạo Chuyển đổi số giúp tạo môi trường học tập hiện đại, hiệu quả với các công nghệ tiên tiến như mô phỏng thực tế ảo, học tập trực tuyến, học viên được trao đổi với nhau ở khắp nơi trên thế giới; Học viên có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin, tài liệu học tập thông qua các kho dữ liệu trực tuyến, hệ thống quản lý học tập, kho học liệu số khổng lồ trên không gian mạng là một điều kiện lý tưởng để học viên tìm kiếm tài liệu hỗ trợ quá trình học tập; Chuyển đổi số cho phép cá nhân hóa trải nghiệm học tập, đáp ứng nhu cầu và khả năng của từng học viên thông qua hệ thống đề xuất thông minh, đánh giá năng lực tự động. - Tăng cường kết nối Chuyển đổi số giúp kết nối nhà trường với doanh nghiệp hiệu quả hơn thông qua các nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho học viên thực tập và trải nghiệm thực tế;
  3. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 327 Học viên có thể kết nối với các chuyên gia, giảng viên và các học viên khác thông qua các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội học tập; Các lớp học trực tuyến trên Zoom, Teams, Google Meets,... giúp học viên có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi, trao đổi kiến thức, thảo luận hoặc tương tác với nhau một cách dễ dàng; Thông qua các ứng dụng hay các trang mạng xã hội phổ biến khác, học viên có thể dễ dàng giao tiếp trong thời gian thực trên toàn cầu. Điều này giúp họ có thể mở mang tầm nhìn, cập nhật nhanh chóng các thông tin, kiến thức hữu ích. - Nâng cao hiệu quả quản lý Chuyển đổi số giúp tự động hóa các quy trình quản lý, tiết kiệm thời gian và chi phí, ví dụ: quản lý hồ sơ học viên, chấm điểm bài tập, quản lý tài chính; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thông qua hệ thống quản lý tài nguyên, phân tích dữ liệu; Chuyển đổi số sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho giáo viên trong việc chuẩn bị tài liệu, hoạt động lớp học, đồng thời giúp các bài học trở nên thú vị và có nhiều thông tin hữu ích hơn. - Đáp ứng được xu hướng phát triển của ngành du lịch Ngành du lịch đang thực hiện mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số bằng cách áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, du lịch thực tế ảo, tích hợp du lịch 4.0 trên thiết bị di động,… nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách; Doanh nghiệp du lịch ngày càng cần nhân lực có kỹ năng số để đáp ứng nhu cầu thị trường, điều này đòi hỏi sự đầu tư chuyển đổi số trong quá trình đào tạo tại các trường đào tạo nghề du lịch. - Nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế; Du khách quốc tế ngày càng ưa chuộng sử dụng các dịch vụ du lịch trực tuyến, do đó chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để thu hút lượng khách hàng tiềm năng này.
  4. 328 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Với rất nhiều lợi ích đem lại như vậy có thể thấy công tác chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch cần phải được đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ để đáp ứng kịp thời với nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong xu thế phát triển chung của ngành du lịch trên toàn thế giới. 2. THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGHỀ DU LỊCH Ở VIỆT NAM 2.1. Thực trạng Đến thời điểm hiện tại hầu như tất cả các trường đào tạo nghề du lịch ở Việt Nam đều đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong quá trình đào tạo, tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn chưa cao đối với một số trường, bên cạnh đó chưa có sự nhất quán và đồng bộ trong quá trình triển khai áp dụng chuyển đổi số, đặc biệt là thiếu sự kết nối trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch và chuyển đổi số của các trường đào tạo nghề du lịch. Qua thực hiện khảo sát, phỏng vấn đội ngũ cán bộ giảng viên và học viên của một số trường đào tạo nghề du lịch, cùng với phương pháp phỏng vấn chuyên gia là nhân sự đang làm ở vị trí quản lý các bộ phận trong các doanh nghiệp du lịch, tác giả đưa ra một số nhận định về thực trạng chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch, cụ thể như sau: 2.1.1. Cơ sở hạ tầng Hầu hết các trường đào tạo nghề du lịch đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm hệ thống mạng, máy tính, các phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý công tác học sinh sinh viên, phần mềm kế toán,… Tuy nhiên, mức độ đầu tư còn chênh lệch giữa các trường, một số trường còn thiếu các trang thiết bị hiện đại cần thiết cho đào tạo trực tuyến; Bên cạnh đó, qua khảo sát của tác giả thì thực tế tại một số trường ngay cả khi đã trang bị phần mềm thì việc sử dụng phần mềm vẫn còn chưa hiệu quả, có những phần mềm sử dụng cho quá trình quản lý đào tạo, nhập điểm cho giáo viên tuy nhiên còn một số bất cập khi phần mềm không tích hợp được trên tất cả các hệ điều
  5. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 329 hành ví dụ như phần mềm quản lý đào tạo UIS chỉ có thể sử dụng trên hệ điều hành Microsoft mà chưa triển khai được trên hệ điều hành MacOS nên gây khó khăn cho cán bộ, giảng viên hoặc người sử dụng máy tính của Apple. 2.1.2. Nội dung đào tạo Chương trình đào tạo hiện nay tại các trường đã đưa nội dung về công nghệ thông tin và du lịch số vào chương trình, tuy nhiên số lượng môn học/mô-đun cụ thể còn hạn chế, chủ yếu là các môn học/ mô-đun tự chọn hoặc sẽ lồng ghép chuyển đổi số trong các môn học/mô-đun tại lớp; Nội dung đào tạo đã được cập nhật liên tục nhưng vẫn còn chưa đáp ứng kịp thời xu thế phát triển du lịch theo hướng chuyển đổi số hiện nay. Trên thực tế các doanh nghiệp du lịch luôn phát triển và làm mới mình, sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới nên nguồn nhân lực phục vụ du lịch trong kỉ nguyên số cũng phải được đào tạo theo hướng cập nhật liên tục những cái mới của thời đại. 2.1.3. Phương pháp giảng dạy Phương pháp giảng dạy truyền thống như thuyết trình, diễn giải, dạy suông vẫn còn phổ biến, đặc biệt ở thế hệ các giáo viên lớn tuổi hoặc ở các trường còn thiếu điều kiện về cơ sở vật chất; Việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như E-learning, giáo trình điện tử, công cụ hợp tác trực tuyến như Google Classroom, Microsoft Teams, Zoom,... để giáo viên và học viên tương tác, học tập cùng nhau chưa linh hoạt và hiệu quả ở một số cơ sở đào tạo; Các ứng dụng hỗ trợ học tập như Quizlet,  Duolingo,...  giúp giáo viên có thể tạo cho học viên cách rèn luyện kỹ năng và kiến thức thông qua các bài tập và hoạt động trực tuyến thú vị thường chỉ áp dụng hiệu quả ở một số trường hoặc trong cùng 1 trường nhưng chỉ hiệu quả ở một số lớp; Những điều trên một phần là do đội ngũ giáo viên, giảng viên chưa có đủ kỹ năng sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại,
  6. 330 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... khả năng cập nhật công nghệ thông tin còn chưa kịp thời hoặc đối với một số cán bộ giáo viên là tâm lý ngại cập nhật, học hỏi những công nghệ mới trong thời đại kỹ thuật số và vẫn áp dụng giảng dạy theo lối mòn cũ. 2.2. Nguyên nhân của thực trạng 2.2.1. Thiếu kinh phí đầu tư Chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch là một quá trình lâu dài và liên tục. Để thực hiện chuyển đổi số toàn diện và có hiệu quả, các trường đào tạo cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mua sắm trang thiết bị hiện đại, phát triển chương trình đào tạo, và nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên,… nhưng hiện nay ngân sách của các trường còn hạn chế, cũng như kinh phí hỗ trợ từ phía nhà nước đối với các trường chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho chuyển đổi số; Có thể nói đây là nguyên nhân chính cản trở việc thực hiện chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch. 2.2.2. Đội ngũ giáo viên Đội ngũ cán bộ giáo viên trong các trường đào tạo nghề du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh việc giảng dạy chuyên ngành, đội ngũ giáo viên này đòi hỏi phải có kiến ​​ thức và kỹ năng công nghệ một cách toàn diện để sử dụng các công cụ và giải pháp kỹ thuật số trong hoạt động dạy và học. Việc nắm vững các kỹ năng công nghệ cơ bản có thể giúp giáo viên thiết lập nền tảng học tập trực tuyến, phân phối các bài tập kỹ thuật số và tạo động lực cho học viên của mình. Do đó, họ cần được đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn và các kỹ năng liên quan; Bên cạnh đó, một số cán bộ, giảng viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch. Thậm chí một số giáo viên còn lo lắng về vấn đề công nghệ thay thế hệ thống giáo dục truyền thống và ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn.
  7. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 331 2.2.3. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước Chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch còn thiếu và chưa cụ thể đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về kinh phí, đào tạo nhân lực và sử dụng công nghệ để khuyến khích các trường đào tạo mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số; Ngoài ra các chính sách hỗ trợ khi được đưa ra thường ở tầm vĩ mô và mang tính chung, chưa tính đến đặc điểm và sự phân hóa đối với những vùng miền, khu vực khác nhau trong cả nước; Trong quá trình áp dụng chuyển đổi số vào các trường học, kho học liệu số được xem như là kho tri thức khổng lồ với đầy đủ các tài liệu tìm kiếm liên quan dưới nhiều kiểu khác nhau từ tài liệu đến hình ảnh, âm thanh, video,… Kho tài liệu số chuẩn xác thì mới đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của giáo viên cũng như học viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực cũng như không được kiểm soát chặt chẽ về nội dung đã gây ra tình trạng không đồng nhất, thậm chí sai lệch về kiến thức. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy rất nghiêm trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong các trường. 2.2.4. Một số nguyên nhân khác Quá trình chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch sẽ gắn liền với chuyển đổi số của ngành du lịch. Nhưng trên thực tế hiện nay, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành du lịch diễn ra chưa được đồng bộ và thống nhất. Tại nhiều địa phương vẫn tồn tại sự khác biệt về công nghệ số. Các khu vực có điều kiện tốt để chuyển đổi số trong du lịch hầu hết là ở các tỉnh, Thành phố lớn.  Những hoạt động số hóa trong ngành du lịch còn diễn ra lẻ tẻ, rời rạc, chưa kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu thành công. Bởi vậy quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo cũng như thống kê dữ liệu trong ngành gặp nhiều khó khăn; Cơ sở hạ tầng Internet chưa phát triển đồng đều ở các khu vực cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là quá trình triển khai dạy và học trực tuyến;
  8. 332 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Sự phối hợp giữa các trường đào tạo,  doanh nghiệp  và chính phủ trong việc chuyển đổi số vẫn còn chưa đồng bộ và chặt chẽ để thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả trong các trường đào tạo du lịch. 3. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGHỀ DU LỊCH Ở VIỆT NAM 3.1. Phát triển cơ sở hạ tầng - Cần đầu tư hơn nữa vào hệ thống mạng, máy tính, phần mềm và các thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo trực tuyến; - Xây dựng hệ thống thư viện điện tử với đầy đủ tài liệu, sách giáo khoa và bài giảng trực tuyến và có sự liên kết giữa các trường đào tạo nghề du lịch trong cả nước để chia sẻ kho học liệu số này nhằm đưa hiệu quả sử dụng lên mức cao nhất; - Cần áp dụng các phần mềm quản lý, đây cũng là hình thức được nhiều trường học, cơ sở áp dụng. Bên cạnh đó, các phần mềm tích hợp tính năng vượt trội cũng giúp nhà trường tăng cường nghiệp vụ, quản lý hồ sơ, giảng dạy với các thao tác linh hoạt, nhanh chóng. Tuy nhiên, phải lựa chọn các phần mềm phù hợp với đặc điểm của đơn vị để phát huy hiệu quả sử dụng phần mềm. 3.2. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giáo viên, giảng viên - Chuyển đổi số là bước chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người. Do vậy, việc đầu tiên là cần thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập tầm quan trọng cho giáo viên, giảng viên, cán bộ nhà trường. Từ đó mới phối hợp cùng nhau thực hiện công cuộc chuyển đổi số trong nhà trường; - Tiến hành hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho tất cả những người làm công tác giảng dạy, như kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin,... trên môi trường số; - Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng giảng dạy trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin cho giảng viên; - Khuyến khích giảng viên nghiên cứu, sáng tạo các bài giảng trực tuyến, tổ chức các cuộc thi giảng dạy trực tuyến hoặc các sáng kiến ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình giảng dạy.
  9. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ 333 3.3. Đổi mới nội dung đào tạo và phương pháp giảng dạy - Chương trình đào tạo cần cập nhật thường xuyên và đưa vào các nội dung về công nghệ thông tin và du lịch số; - Tăng cường đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho học viên; - Tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, các bài giảng điện tử, áp dụng các công cụ và phần mềm hỗ trợ quá trình giảng dạy như Kahoot, Canvas,… vào quá trình dạy học; - Khuyến khích giảng viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, cải thiện và phát triển các giờ dạy tích hợp đặc biệt là trong giờ giảng dạy chuyên ngành bằng cách kết hợp dạy thực hành và chuyển đổi số. 3.4. Tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp - Trong thời gian qua luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các doanh nghiệp du lịch về mảng hợp tác đào tạo và phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, để thích nghi nhanh hơn trong thời đại công nghệ số đòi hỏi sự hợp tác chiến lược và mạnh mẽ hơn nữa giữa nhà trường và các doanh nghiệp du lịch trên tinh thần hợp tác và sẵn sàng chia sẻ tài nguyên. Sự phối hợp và chia sẻ của cả hai bên trên nền tảng công nghệ số có thể được thể hiện ngay trên trang web của từng đơn vị hoặc trên các diễn đàn, cũng như hợp tác để tạo ra cơ hội học hỏi và phát triển tốt hơn cho đội ngũ giáo viên cũng như học viên của nhà trường; - Đẩy mạnh tìm kiếm hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp nước ngoài tiến đến trao đổi chương trình, mời giảng trực tuyến từ các chuyên gia nước ngoài và tìm kiếm cơ hội trải nghiệm cho học viên của trường mình. Tóm lại, chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch là một quá trình lâu dài và cần sự phối hợp của các bên liên quan bao gồm nhà trường, doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức quốc tế với những cải cách quyết liệt, triệt để trong giảng dạy, học tập, quản lý đào tạo. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cần xác định rằng
  10. 334 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... bên cạnh yếu tố công nghệ thì sự quyết tâm cao độ của đội ngũ lãnh đạo cơ sở giáo dục, tư duy, nhận thức tiến bộ và sẵn sàng thay đổi của đội ngũ cán bộ giáo viên viên trong nhà trường sẽ mang tính quyết định đến việc triển khai có hiệu quả quá trình chuyển đổi số, từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phát triển ngành du lịch Việt Nam, nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. TS. Đoàn Mạnh Cương (2022); Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và yêu cầu đặt ra đối với đào tạo nhân lực du lịch; Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. 2. TS. Nguyễn Thị Loan (2023); “Nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”; Tạp chí Kinh tế và dự báo. 3. Đăng Nguyên (2023); Chuyển đổi số là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá; Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 4. TS. Đào Duy Tuấn, ThS Trần Thị Lan; (2022); Nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong kỷ nguyên số; Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục du lịch. 5. PGS.TS. Lê Anh Tuấn; (2023); “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn hiện nay”; Tham luận tại Hội thảo Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng. 6. Phương Thảo (2021); Bức tranh chuyển đổi số ngành Du lịch; Trung tâm dữ liệu du lịch Việt Nam. 7. FSI (2024); “Chuyển đổi số ngành du lịch là xu thế tất yếu trong năm 2024”; https://fsivietnam.com.vn/giai-phap-chuyen-doi-so- nganh-du-lich/ (18/02/2024). 8. Alecxandrina Deaconu, Ramona S; (2018); The Use of Information and Communications Technology in Vocational Education and Training- Premise of Sustainability, Sustainability. 9. Jingjie Zhu, Mingming Cheng & Ying Wendy Wang (2021); Digital Transformation in the Hospitality Industry
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2