JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0151<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8, pp. 112-117<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
GIÁO DỤC ĐA VĂN HÓA<br />
TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP VÀ TOÀN CẦU HÓA<br />
<br />
Phan Thanh Long<br />
Phòng Tổ chức Cán bộ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Đa văn hóa là một hiện tượng tất yếu và phổ biến trong quá trình hội nhập và toàn<br />
cầu hóa. Để tránh các hiện tượng tiêu cực của toàn cầu hóa và hội nhập đối với văn hóa<br />
như: xung đột văn hóa, cưỡng bức văn hóa, xâm lăng văn hóa, đồng hóa văn hóa. . . thì cần<br />
phải tiến hành giáo dục đa văn hóa. Giáo dục đa văn hóa là quá trình làm cho mọi người,<br />
mọi dân tộc biết bảo vệ nền văn hóa của mình và tôn trọng văn hóa của các dân tộc khác,<br />
tạo ra sự thống nhất trong đa dạng, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển.<br />
Từ khóa: Đa văn hóa, giáo dục đa văn hóa.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Đa văn hóa là một hiện tượng tất yếu của đời sống xã hội. Khi có các nền văn hóa tiếp xúc<br />
và tiếp biến với nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng đa văn hóa. Có thể nói, trong xã hội hiện nay, hiện<br />
tượng đa văn hóa diễn ra trong từng con người, từng gia đình, từng hoạt động. Chính vì vậy, cần<br />
phải tiến hành giáo dục đa văn hóa cho mọi người. Đó là quá trình làm cho từng cá nhân, cộng<br />
đồng và dân tộc biết tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận nền văn hóa của nhau. Giúp cho các nền<br />
văn hóa khác nhau biết tự trọng mà không mặc cảm để hòa nhập với nhau một cách bình đẳng trên<br />
cơ sở hiểu biết lẫn nhau. Trên cơ sở đó tránh được sự xung đột văn hóa dẫn đến làm mất ổn định<br />
xã hội.<br />
Trên thế giới, việc nghiên cứu hiện tượng đa văn hóa nói chung và giáo dục đa văn hóa<br />
nói riêng đã được tiến hành nghiêm túc, trên nhiều góc độ từ lâu. Đặc biệt, trong giai đoạn<br />
cuối thể kỉ 20 đầu thế kỉ 21 có thể kể đến một số tác giả và công trình sau: Banks, James A.<br />
(1994), An introduction to multicultural education [2]; Banks, James A.; Banks, Cherry A. McGee<br />
(1995), Multicultural education: Issues and Perspectives [3]; Burnett, Gary (1998), Varieties<br />
of multicultural education: An Introduction [4]; Kitano, M. (1998), Multicultural curriculum<br />
transformation in higher education [10]; Paul C. Gorski (2001), Multicultural Education and the<br />
Internet: Intersections and Intergrations [12]; Banks, J. (2001), Multicultural education: Historical<br />
development, dimension and Practice [1]; Gloria M. Ameny-Dixon (2004), “Why Multicultural<br />
education is more important in Higher Education now than ever: a global perspective” [8]. . .<br />
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về hiện tượng đa văn hóa, đặc biệt là giáo dục đa văn hóa<br />
chưa nhiều và chưa hệ thống. Có thể kể đến một số công trình đáng chú ý sau: Chương trình giáo<br />
dục đa văn hóa ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ<br />
Chí Minh của tác giả Nguyễn Duy Mộng Hà [9]; Xung quanh vấn đề toàn cầu hóa văn hóa của tác<br />
Ngày nhận bài: 15/7/2015. Ngày nhận đăng: 10/10/2015.<br />
Liên hệ: Phan Thanh Long, e-mail: phanthanhlongqb@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
112<br />
Giáo dục đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa<br />
<br />
<br />
giả Nguyễn Thị Tuyến [13]; Phạm Xuân Nam, Cam kết với tính đa dạng văn hóa trong bối cảnh<br />
toàn cầu [11]. Trần Lê Bảo, Đối thoại giữa các nền văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa [5]...<br />
Việt Nam có 54 tộc người anh em, mỗi tộc người đều có những nét văn hóa đặc trưng. Vì<br />
thế, vấn đề giáo dục đa văn hóa là vấn đề có tính bức thiết. Kinh nghiệm của những nước đa văn<br />
hóa như Mỹ, Úc, Canađa. . . cho thấy việc giáo dục đa văn hóa cho thanh thiếu niên là hết sức quan<br />
trọng để bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội có nhiều tộc người sinh sống. Để giáo dục đa<br />
văn hóa có hiệu quả, nhất là trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa thì cần phải có những nghiên<br />
cứu sâu sắc về chúng.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Hiện tượng đa văn hóa<br />
“Đa dạng văn hoá hết sức cần thiết đối với nhân loại, tương tự như sự cần thiết của đa dạng<br />
sinh học đối với thiên nhiên”. “Bảo vệ đa dạng văn hoá là điều thiết yếu về mặt đạo đức và không<br />
thể tách rời sự tôn trọng phẩm giá con người”. “Các quyền về văn hoá được coi là bộ phận không<br />
tách rời của các quyền con người và là sự đảm bảo cho đa dạng văn hoá”. “Mọi người đều được<br />
quyền tiếp cận với đa dạng văn hoá”. “Di sản dưới mọi hình thức phải được bảo vệ, phát huy và<br />
chuyển giao cho các thế hệ tương lai như là một hồ sơ lưu giữ kinh nghiệm và khát vọng của con<br />
người, nhằm khuyến khích tính sáng tạo ở mọi hình thức đa dạng của nó và thúc đẩy sự đối thoại<br />
thực sự giữa các nền văn hoá”. Đó là những nội dung cơ bản trong Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng<br />
văn hoá ngày 3/11/2002 của Đại hội đồng UNESCO với 188 nước tham dự. Ngày 9 tháng 12 năm<br />
2005 Ủy ban UNESCO Liên hiệp quốc lại họp Đại hội lần thứ 33 kí Công ước bảo hộ và xúc tiến<br />
các hình thức biểu hiện văn hóa đa dạng, gọi tắt là Công ước về đa dạng văn hóa (Convention on<br />
the Protection and Promotion of the Diversity of Cultural Expressions). Các văn kiện ấy đều nói<br />
lên tầm quan trọng của đa dạng văn hóa xét từ nhiều góc độ.<br />
Đa văn hóa là một hiện tượng xã hội đã có từ rất lâu. Khi có các nền văn hóa tiếp xúc, hội<br />
nhập với nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng đa văn hóa. Nhưng đa văn hóa trở thành một lí thuyết, thậm<br />
chí một cương lĩnh cho hành động thì phải đến xã hội hiện nay của chúng ta. Trước hết nó bắt<br />
nguồn từ xã hội đa văn hóa của Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) giữa những năm 60 thế kỉ XX. Vào<br />
thời đó, nhằm đem lại một giải pháp cho các xung đột ngôn ngữ Pháp - Anh, các giới cầm quyền<br />
liên bang ở Ottawa công khai nói lên ý định thừa nhận bản chất đa văn hóa của xã hội Canada.<br />
Cùng lúc đó, ở Hoa Kỳ, cuộc đấu tranh của người da đen vì các quyền công dân của họ.<br />
Với ý tưởng cho rằng các thiểu số ngôn ngữ, tộc người, tôn giáo là nạn nhân của một sự bất công,<br />
chừng nào văn hóa của họ chưa đạt tới trình độ được thừa nhận ngang với văn hóa của người đa số<br />
(người da trắng, nói tiếng Anh và theo đạo Tin lành). Đấu tranh giành cho được sự thừa nhận ấy,<br />
điều chỉnh những bất công và định ra những phương tiện để cho những văn hóa khác nhau ấy cùng<br />
tồn tại, đó là những lí tưởng chính thức thúc đẩy lí thuyết đa văn hóa ra đời, hiểu theo nghĩa một<br />
học thuyết. Và những quan điểm này đã vượt khỏi trường hợp riêng của Bắc Mỹ để đến với những<br />
nơi khác trên thế giới.<br />
Trong thực tế cuộc sống của nhân loại, các xã hội đa văn hóa bao giờ cũng có nhiều hơn.<br />
Các xã hội được coi là thuần nhất về mặt văn hóa chiếm dưới 10% số nước trên thế giới. Ngay<br />
trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng tồn tại đa văn hóa. Bởi vậy, tư tưởng đa văn hóa luôn trở<br />
thành một sự quan tâm thích đáng, thậm chí trở thành một đường lối chính sách lớn của các quốc<br />
gia đa dân tộc. Vì thế, ngay từ thế kỉ XIX, những nhà nước đa dân tộc đã nỗ lực hướng vào việc<br />
giảm bớt những khác biệt văn hóa giữa các dân tộc, các cộng đồng người trong đất nước, tránh sự<br />
xung đột, nhằm tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển của xã hội.<br />
Vào những năm 70 của thế kỉ XX, các vấn đề xung đột văn hóa chủng tộc, nảy sinh các yêu<br />
<br />
113<br />
Phan Thanh Long<br />
<br />
<br />
sách trong các chế độ dân chủ phương Tây cũng như trong khối Liên bang Xô viết, đã tạo ra những<br />
biến đổi mạnh mẽ. Khắp nơi trên thế giới, các dân cư bản địa, các thiểu số tôn giáo, các nhóm<br />
nhập cư, đã biểu hiện một cách nhiều hay ít những mong muốn thấy văn hóa của mình được thừa<br />
nhận. Mặt khác, sự tồn tại của các thiểu số đặt ra một vấn đề về công bằng xã hội: trong một nước<br />
dân chủ, sự thực hành một tôn giáo hay một ngôn ngữ về nguyên tắc là tự do.<br />
Thuyết đa văn hóa chỉ tập hợp các học thuyết chính trị và triết học chủ trương rằng, trong<br />
một tinh thần công bằng xã hội và khoan dung, các văn hóa riêng của một nhóm xã hội phải được<br />
thừa nhận công khai. Đây là những vấn đề cần được giáo dục rộng rãi cho mọi người, đặc biệt là<br />
thế hệ trẻ.<br />
Lí thuyết đa văn hóa, do đó, tự coi mình như một sự thay thế cho ý tưởng nói rằng, sự cố kết<br />
dân tộc chỉ có thể có được bằng sự tham gia của tất cả mọi người vào một văn hóa thống trị hay<br />
chính thức. Trào lưu suy nghĩ và thực hành chính trị này khẳng định rằng tính đa dạng văn hóa là<br />
một điều rất tốt, tất cả các văn hóa đều ngang nhau về phẩm giá, một thiểu số không bắt buộc phải<br />
từ bỏ ngôn ngữ, phong tục, văn hóa của mình, và cuối cùng, việc bảo tồn văn hóa của mình là một<br />
quyền con người, ngang với sự tự do ngôn luận của cá nhân đó.<br />
Theo M.Walzer, đa văn hóa thật ra là một sự thực hiện những lí tưởng dân chủ nhằm để sửa<br />
chữa sự đối xử bất bình đẳng dành cho các thiểu số. Phải dành chỗ cho họ và chấp nhận rằng các<br />
nhóm này đóng một vai trò trong cộng đồng dân tộc. Ở châu Âu, lí thuyết đa văn hóa thường bị<br />
buộc tội thực hiện sự tan rã của các nhà nước dân tộc. Đúng là sự khẳng định một sự khác biệt văn<br />
hóa có những nguy cơ chính trị: nó có thể là cơ sở cho một yêu sách về quyền tự chủ của một cộng<br />
đồng. Nó cũng có thể bị khai thác vì những mục đích tội phạm như những cuộc tàn sát xảy ra giữa<br />
các cộng đồng ở Ruanda (châu Phi).<br />
Vì vậy, lí thuyết đa văn hóa không phải được đồng thuận ngay khi nó ra đời. Từ những góc<br />
nhìn khác nhau người ta có những quan điểm khác nhau. Từ đó mà dấy lên các cuộc tranh luận.<br />
Vào đầu những năm 80 thế kỉ XX, việc tìm kiếm một giải pháp đa văn hóa trở thành đối tượng của<br />
rất nhiều suy nghĩ và tranh luận trong các nhà triết học, xã hội học và chính trị học. Vấn đề đa văn<br />
hóa được đón nhận rất rộng rãi. Những vấn đề trung tâm là về một xã hội đa văn hóa với những lí<br />
tưởng tự do cá nhân, bình đẳng và khoan dung, nền tảng của xã hội dân chủ.<br />
Dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng lí thuyết đa văn hóa đã có một tác động rất lớn<br />
đến văn hóa thế kỉ XX ở khắp các châu lục. Ở châu Âu lí thuyết đa văn hóa đã được đón nhận từ<br />
những năm 80 thế kỉ XX, gắn liền với cách cư trú của lục địa này cũng như với những xu hướng<br />
cộng đồng xã hội của nó. Trên thực tế, những chính sách phân biệt đối xử tích cực đối với các<br />
thiểu số, nhất là sự thừa nhận văn hóa, cũng mới mẻ so với các ý tưởng trước đây. Ảnh hưởng<br />
của thuyết đa văn hóa đối với thế giới ý tưởng chính trị hiện nay là không thể phủ nhận được. Nó<br />
được thể hiện ở nhiều nước có hiến pháp đa văn hóa như: Canada, Australia, Nam Phi, Colombia,<br />
Paraguay... Nó cũng trở nên nhạy cảm ở cấp quốc tế, nhất là qua ý tưởng cho rằng văn hóa có thể<br />
tạo thành một tài sản được luật pháp bảo vệ. Hiến chương về các quyền của trẻ em quy định rằng,<br />
mọi trẻ em có quyền được giáo dục theo văn hóa của mình.<br />
2.2. Giáo dục đa văn hóa<br />
Vào những năm 70 của thế kỉ trước, UNESCO đã tổ chức xúc tiến giáo dục hiểu biết quốc<br />
tế. Cụ thể, vào năm 1974 đã đưa ra “Khuyến cáo về giáo dục hiểu biết, hợp tác quốc tế, giáo dục<br />
vì hòa bình và giáo dục nhân quyền, tự do cơ bản”. Trong bản khuyến cáo này, với tư cách là một<br />
“nguyên tắc chỉ đạo” vì hiểu biết quốc tế, UNESCO đã đưa ra “sự lí giải và tôn trọng đối với văn<br />
hóa, văn minh, giá trị cùng mô hình đời sống của tất cả các dân tộc bao gồm cả văn hóa của dân<br />
tộc trong nước và văn hóa của nước khác”. Bằng sự chỉ ra này, người ta thay vì nhấn mạnh giáo<br />
dục hiểu biết quốc tế với tư cách là giáo dục “hiểu biết về nước khác” mà UNESCO đã xúc tiến,<br />
<br />
114<br />
Giáo dục đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa<br />
<br />
<br />
đã nhấn mạnh đến tính cần thiết của giáo dục hiểu biết quốc tế với tư cách là giáo dục “hiểu biết<br />
đa văn hóa”.<br />
Ngày nay, để mọi người với văn hóa khác nhau cùng chung sống và hợp tác thì cần phải<br />
nhận thức về những điểm chung và khác biệt giữa các nền văn hóa ở ý nghĩa như trên, tiếp nhận<br />
dung hòa và tôn trọng các giá trị quan và mô hình đời sống. Điều này được gọi chung là “hiểu biết<br />
đa văn hóa” và việc giáo dục các phẩm chất hướng tới điều đó được gọi là “giáo dục hiểu biết đa<br />
văn hóa”.<br />
Giáo dục đa văn hóa là một giải pháp chủ đạo cho sự bất ổn xã hội. Đây là vấn đề có tính<br />
tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế của mỗi dân tộc.<br />
Giáo dục đa văn hóa là sự tác động có mục đích, nội dung, chương trình, kế hoạch...của chủ<br />
thể giáo dục đến đối tượng giáo dục nhằm làm cho đối tượng giáo dục chấp nhận hiện tượng đa<br />
văn hóa trong mọi hoạt động của đời sống xã hội và có hành vi ứng xử phù hợp.<br />
Giáo dục đa văn hóa nhằm làm cho cá nhân, cộng đồng và xã hội đi đến khoan dung văn<br />
hóa, chấp nhận và tôn trọng văn hóa của nhau, tránh các hiện tượng xung đột, cưỡng bức văn hóa. . .<br />
dẫn đến làm mất ổn định xã hội.<br />
Dù ở thời đại nào, nguồn nhân lực cũng được xem là yếu tố quan trọng nhất quyết định sức<br />
mạnh của một quốc gia. Bởi vì mọi giá trị vật chất, tinh thần đều được làm ra từ bàn tay và trí óc<br />
con người. Quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy sự xuất hiện khái niệm “công dân toàn cầu” và vấn đề<br />
giáo dục đa văn hóa đang được đề cao. Đây là vấn đề còn khá mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà<br />
cả trên thế giới, cần được nghiên cứu tiếp tục sâu sắc phục vụ sự phát triển xã hội toàn cầu và giữ<br />
gìn sự hòa bình, ổn định thân thiện giữa các dân tộc.<br />
Ở Việt Nam những nghiên cứu về giáo dục đa văn hóa chưa được thực hiện nhiều và có hệ<br />
thống. Mặc dù, nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Điều này đã ảnh hưởng<br />
không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực. Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng chính<br />
là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người. Từ Nghị<br />
quyết Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 2, khóa VIII đã có những cảnh báo về sự lệch lạc trong định<br />
hướng giá trị của thanh thiếu niên làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.<br />
Vấn đề văn hóa đòi hỏi phải được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhằm củng cố lại hệ thống<br />
giá trị cho học sinh, sinh viên, giúp thế hệ trẻ có thể bước vào cuộc sống toàn cầu. Vì lẽ đó, định<br />
hướng “xây dựng văn hóa”, “xây dựng con người văn hóa”, “xây dựng nhân cách văn hóa” từ lâu<br />
đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, Nhà Nước, Bộ/Ngành. Yếu tố văn hóa bao giờ cũng<br />
được xem là một tiêu chí quan trọng để các tổ chức trong xã hội hướng đến trong quá trình thực<br />
hiện chức năng của mình. Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ<br />
Giáo dục và Đào tạo về việc phát triển Ngành Sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2007 đến<br />
2015 cũng đề ra trong lộ trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là “. . . đưa yếu tố văn hóa dân tộc,<br />
toàn cầu hóa vào giáo dục đào tạo. . . ”.<br />
Việt Nam, một quốc gia với 54 tộc người - đôi khi khá khác nhau về nhân chủng - có nhiều<br />
vấn đề riêng về chính sách văn hoá, song trên hết sẽ là những chính sách hoà hợp văn hoá dân tộc,<br />
tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích các cộng đồng người chung sống trong sự đa dạng về văn<br />
hoá. Đó là vấn đề đặt ra cho công tác giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.<br />
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ văn hóa Việt Nam có cơ hội tiếp thu những<br />
giá trị từ nhiều nền văn hóa, song cũng chứa đựng nhiều nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc của<br />
văn hóa như hiện nay. Để phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngoài<br />
việc củng cố những gì đã có, xây dựng, phát triển những cái mới cho phù hợp với thời đại thì việc<br />
giáo dục cũng hết sức quan trọng. Phải làm cho các thế hệ Việt Nam có ý thức bảo vệ nền văn hóa<br />
của mình và tôn trọng các nền văn hóa khác.<br />
<br />
<br />
115<br />
Phan Thanh Long<br />
<br />
<br />
Bản lĩnh của một nền văn hóa dựa trên sức đề kháng với những tác động từ bên ngoài trong<br />
quá trình phát triển và trong quan hệ giao lưu, hội nhập. Trong lịch sử, văn hóa Việt Nam luôn có<br />
sức đề kháng to lớn. Nhờ đó, văn hóa Việt Nam đã tạo dựng được bản lĩnh vững vàng trong việc<br />
giữ gìn bản sắc dân tộc. Trước sức mạnh xâm nhập của các giá trị văn hóa bên ngoài, văn hóa Việt<br />
Nam đã không bị đồng hóa, không đánh mất bản sắc của mình. Sức đề kháng đó của văn hóa Việt<br />
Nam còn có cội nguồn từ tầng sâu của tâm hồn, trí tuệ, lòng tự tôn dân tộc, không chịu khuất phục<br />
trong mỗi con người Việt Nam. Cội nguồn sức đề kháng của văn hóa Việt Nam là như vậy, nên<br />
chính sách đồng hóa về văn hóa trong suốt thời gian đô hộ cả ngàn năm của phong kiến phương<br />
Bắc, thậm chí cả của chủ nghĩa thực dân cũ và mới hơn một trăm năm vẫn không làm phai nhạt<br />
bản sắc văn hóa dân tộc. Có được như vậy, công tác giáo dục đóng vai trò cực kì quan trọng. Bởi<br />
vì, giáo dục thực hiện được các chức năng bảo tồn và phát triển văn hóa.<br />
Hiện nay, sức đề kháng trong bản lĩnh văn hóa Việt Nam lại một lần nữa đứng trước thử<br />
thách của sự xâm nhập với quy mô lớn của các giá trị văn hóa bên ngoài. Sự xâm nhập đó không<br />
chỉ giới hạn ở quy luật giao lưu, hội nhập văn hóa, mà còn ở chính sách xâm lược về chính trị, quân<br />
sự của các thế lực thù địch. Do vậy, giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta phải có chiến lược nâng cao<br />
sức đề kháng của văn hóa Việt Nam, làm cho cơ thể văn hóa Việt Nam được miễn dịch với mọi<br />
tác động của các phản giá trị đang làm băng hoại văn hóa. Sức đề kháng đó chỉ có thể có được khi<br />
các yếu tố bên trong cấu thành nền văn hóa Việt Nam cùng phát triển và tác động đồng thuận theo<br />
định hướng của Đảng ta.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Đa văn hóa là một hiện tượng tất yếu của xã hội khi có các nền văn hóa tiếp xúc với nhau.<br />
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, hiện tượng đa văn hóa lại càng phổ biến. Chính vì vậy,<br />
giáo dục đa văn hóa cho mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ là một yêu cầu bức thiết. Mục tiêu của<br />
giáo dục đa văn hóa là làm cho mọi người biết bảo vệ nền văn hóa của dân tộc mình và tôn trọng<br />
văn hóa của các dân tộc khác, thông qua đó tránh được sự xung đột văn hóa, bảo đảm sự ổn định<br />
xã hội. Giáo dục đa văn hóa giúp cho mỗi người, mỗi dân tộc biết cùng tồn tại, cùng phát triển<br />
trong sự đa dạng.<br />
Lời cảm ơn. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc<br />
gia (NAFOSTED) trong đề tài: Giáo dục đa văn hóa cho sinh viên các trường đại học phục vụ quá<br />
trình hội nhập và toàn cầu hóa; Mã số VI2.3-2013.07; PGS.TS. Phan Thanh Long làm chủ nhiệm.<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
<br />
[1] Banks, J., 2001. Multicultural education: Historical development, dimension and Practice.<br />
Handbook of research on multicultural education (pp.) San Francisco, CA Jossy Bass.<br />
[2] Banks, James A., 1994. An introduction to multicultural education. Boston: Allyn and Bacon.<br />
[3] Banks, James A.; Banks, Cherry A. McGee, 1995. Multicultural education: Issues and<br />
Perspectives. John Wiley & Sons Inc.<br />
[4] Burnett, Gary, 1998. Varieties of multicultural education: An Introduction. ERIC<br />
Clearinghouse on Urban Education New York NY.<br />
[5] Trần Lê Bảo, 2010. Đối thoại giữa các nền văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa.<br />
vns.hnue.edu.vn.<br />
[6] Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Huyên đồng chủ biên, 2002. Giá trị truyền thống trước<br />
những thách thức. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.<br />
[7] Dominique Wolton, 2006. Toàn cầu hóa văn hóa. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006.<br />
<br />
116<br />
Giáo dục đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa<br />
<br />
<br />
[8] Gloria M. Ameny-Dixon, 2004. McNeese State University “Why Multicultural education is<br />
more important in Higher Education now than ever: a global perspective”. Conference on<br />
Multicultural Affairs in Higher Education (nguồn internet).<br />
[9] Nguyễn Duy Mộng Hà, 2013. Chương trình giáo dục đa văn hóa ở trường Đại học Khoa học<br />
Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Đại học Thủ Dầu<br />
Một, Số 6/2013, tr. 30-37.<br />
[10] Kitano, M., 1998. Multicultural curriculum transformation in higher education. New York:<br />
Allen and Bacon.<br />
[11] Phạm Xuân Nam, 2007. Cam kết với tính đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu. Tạp chí<br />
Thông tin Khoa học Xã hội, Số 8, tr.1-10.<br />
[12] Paul C. Gorski, 2001. Multicultural Education and the Internet: Intersections and<br />
Intergrations. McGraw Hill.<br />
[13] Nguyễn Thị Tuyến, 2014. Xung quanh vấn đề toàn cầu hóa văn hóa. Tạp chí Văn hóa Nhệ<br />
thuật, Số 360, tr. 3 - 8.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
Multi-cultural education in the context of integration and globalization<br />
<br />
Multiculturalism is an inevitable phenomenon that has become popular in the integration<br />
and globalization process. To avoid negative phenomena that inevitably result from globalization<br />
and cultural integration, we should offer multi-cultural education. Multicultural education can<br />
help protect individual cultures while respecting other culture. This encourages social stability<br />
and development.<br />
Keywords: Multi-culture, multi-cultural education.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
117<br />