intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục đạo đức và thẩm mỹ qua sử thi Xơ Đăng

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giáo dục đạo đức và thẩm mỹ qua sử thi Xơ Đăng" bàn về việc giáo dục đạo đức, thẩm mỹ thông qua sử thi cho học sinh Xơ Đăng là rất cần thiết, ngoài những khó khăn, bất cập hiện nay, cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống từ chính quyền địa phương, ngành giáo dục, ngành văn hóa, các nhà khoa học, sự đồng thuận của nhân dân để công việc này được tiến hành thuận lợi, mang lại kết quả thiết thực. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục đạo đức và thẩm mỹ qua sử thi Xơ Đăng

  1. GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC VÀ THẨM MỸ QUA SỬ THI XƠ ĐĂNG TS. Lê Ngọc Bính48 Mở đầu Sử thi Tây Nguyên được thế giới biết đến từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, khi L. Sabatier công bố khan Đăm San của dân tộc Êđê (1927). Quá trình ấy được tiếp nối bằng việc các nhà sưu tầm, nghiên cứu tiến hành điền dã và đã phát hiện rất nhiều sử thi của các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung. Từ 2001, được sự phê duyệt của Chính phủ, Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện, bước đầu đã công bố 06/106 tác phẩm sử thi Xơ Đăng (gọi là các hơ m’uan) sưu tầm được ở dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum. Các tác phẩm sử thi Xơ Đăng được in ở ba cuốn sách chính: Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu văn hóa (2006), Kho tàng sử thi Tây Nguyên (Sử thi Xơ Đăng), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội (trong đó có hai tác phẩm: Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ - Dăm Duông brọ dek wi; Dăm Duông cứu nàng Bar Mă – Dăm Duông dong bia Bar Mă). Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu văn hóa, Kho tàng sử thi Tây Nguyên (Sử thi Xơ Đăng), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội (có Dăm Duông hóa cọp – Dăm Duông jiâng kla bring brông; Dăm Duông trong lốt ông già – Dăm Duông bă akar kră). Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu văn hóa (2009), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (Tập 8 – sử thi Xơ Đăng), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội (Duông đi theo thần Tung Gur – Duông tiụ Tung Gur; Duông làm thủ lĩnh – Duông bro tơnôl). Khi đi sâu nghiên cứu các tác phẩm sử thi Xơ Đăng, chúng tôi đã đưa ra các đặc điểm về nội dung và nghệ thuật. Về đặc điểm nội dung trong sử thi Xơ Đăng, đó là sự phản ánh các vấn đề lịch sử - xã hội tộc người như chiến tranh, tổ chức xã hội, sự cố kết cộng đồng, quan hệ giữa các dân tộc; các biểu hiện văn hoá tộc người như sinh hoạt kinh tế truyền thống, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, văn hoá ẩm thực. Về đặc điểm nghệ thuật, sử thi Xơ Đăng là sự đan cài, cộng hưởng của ba loại hình nghệ thuật đó là tính tự sự, tính trữ tình và tính kịch. Từ đó đã đưa sử thi Xơ Đăng vào tương quan vùng sử thi Tây Nguyên để so sánh với sử thi một số dân tộc như Êđê, M’nông, Bahnar nhằm tìm ra những tương đồng và khác biệt giữa sử thi các dân tộc, khẳng định tính thống nhất trong đa dạng của vùng sử thi Tây Nguyên. Bên cạnh đó, với đời sống vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, qua sử thi, người dân Xơ Đăng đã thể hiện một hệ thống những quan niệm đạo đức, tư tưởng, thẩm mỹ độc đáo, đa dạng mang đầy tinh thần nhân văn, nhân bản. Điều này được nghệ nhân dân gian thể hiện qua việc sáng tạo một cách tài tình các hình tượng, các tình huống nghệ thuật độc đáo để nói lên tư tưởng, mơ ước, tình cảm của cộng đồng Xơ Đăng trong không gian và thời gian mà sử thi phản ánh. Cuộc sống với muôn vàn biểu hiện của nó đã câu thúc con người phải có 48 . Trường Đại học Đà Lạt 207
  2. những điều chỉnh và đặt ra những quan niệm đạo đức, những tư tưởng, thẩm mỹ để có thể hoàn thiện bản thân cũng như điều hòa các mối quan hệ xã hội. Từ đó đời sống xã hội mới trở nên nhịp nhàng, yên ổn, cộng đồng mới bình yên, hạnh phúc, chính những quan niệm này hướng con người vào những suy nghĩ và hành động tốt đẹp và nó trở thành nền tảng tư tưởng của cộng đồng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó cũng là cách truyền dạy, giáo dục rất hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống tốt đẹp của tổ tiên người Xơ Đăng đối với con cháu của họ cần được phát huy, đặc biệt cần có các giải pháp để ứng dụng vào việc giảng dạy và học tập trong các nhà trường, nơi có học sinh là con em đồng bào Xơ Đăng sinh sống và học tập. Đây chính là mục đích mà bài nghiên cứu của chúng tôi hướng đến. 1. Người anh hùng và sức mạnh đoàn kết cộng đồng Trước hết người Xơ Đăng đề cao sức mạnh cộng đồng, truyền thống đoàn kết muôn đời đã hun đúc cho họ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Sức mạnh con người được ví như núi rừng, do đó phải luôn gắn với cộng đồng, phải được nguồn sữa phù sa cộng đồng nuôi dưỡng. Sức mạnh chỉ có khi mọi người đoàn kết, lời thần Tung Gur nói với Dăm Duông: Con là con trai ví như ngọn núi cao. Có rừng le, có rừng cây cao to lớn… Núi to, trong đó là rừng cây, những cây to lớn đủ loại, đủ cỡ, nhiều loại cây khác nhau, có cả các bụi cây le và các loại cây khác, con ạ. Điều đó ý muốn nói chỉ sức mạnh của mọi người, sức mạnh của tất cả bà con dân làng, của cả làng… Đó chính là sức mạnh của người dân khi họ tập hợp lại (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 853 – 854). Một người khi lẻ loi sẽ không có sức mạnh mà phải biết đứng trong cộng đồng, làng buôn. Điều này như một triết lý bao đời của người Tây Nguyên nói riêng, người Việt Nam nói chung: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chỉ khi con người biết đoàn kết, tương trợ, gắn bó thì họ mới có sức mạnh tổng hợp, người anh hùng cũng vậy, muốn trở nên hùng mạnh, danh vang đến thần, tiếng đồn khắp xứ thì phải biết dựa vào cộng đồng, vào sức mạnh của tình đoàn kết. Điều này đã làm nên một mỹ tục ở người Xơ Đăng, đó là tục kết nghĩa anh em. Tục kết nghĩa không chỉ giữa cá nhân với nhau mà còn là sự kết nghĩa giữa làng này với làng khác, cộng đồng này với cộng đồng khác nhằm mục đích sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, giúp đỡ nhau trong công việc, tăng cường sức mạnh trong sản xuất và chiến đấu, với vật chứng kết nghĩa là vòng đồng, vòng bạc hoặc cườm, họ cùng vít cong cần rượu chân tình bên bếp lửa nhà rông. Dăm Duông kết nghĩa bang giao với tộc trưởng Rang Pa Ti trong Duông làm thủ lĩnh để tăng cường sức mạnh chiến đấu: Cháu muốn hai xứ sở, hai quê hương chúng ta có sự hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn hoạn nạn. Từ nay về sau, ví như quê hương của bác có gặp khó khăn nguy hiểm thì người dân bên xứ cháu sẽ đến giúp đỡ. Khi có giặc đến đánh phá xóm làng, chúng ta phải hợp nhau lại để có sức mạnh chống lại bọn chúng. - Hôm nay, chúng ta bàn nhau làm thế nào để siết chặt hơn tình anh em giữa hai quê hương xứ sở. Hai xứ ta chia rẽ, không giúp đỡ nhau, chúng ta sẽ không mạnh, quê hương làng xóm sẽ không giàu có được... (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2009, tr. 1329 – 1330 - 1410). 208
  3. Sử thi Tây Nguyên đã từng nhắc đến các cuộc kết nghĩa giữa hai chàng dũng sĩ Pơrong Mưng và Xing Mưn trong sử thi Xinh Nhã, Đăm Di; hay Đăm San hùng mạnh hơn khi có sự giúp sức của những người anh em kết nghĩa để chiến thắng Mtao Mxây, Mtao Grứ hùng mạnh… Trong cộng đồng phải có người đi đầu “cầm cân nảy mực” thì cộng đồng đó mới lớn mạnh, đó là thủ lĩnh của làng được mọi người trọng vọng, tin yêu giao trọng trách điều hành, quản lý mọi công việc lớn nhỏ của làng. Đó là người hội đủ mọi tiêu chí mà dân làng đặt ra, sử thi xây dựng hình tượng người anh hùng Dăm Duông, nhân vật trung tâm của sử thi Xơ Đăng, là thủ lĩnh tài ba đại diện sức mạnh, trí tuệ, đạo đức, mơ ước, tư tưởng, thẩm mỹ của người Xơ Đăng: Người đẹp trai ấy ví như một ngọn núi cao to, ngọn núi đó mới giữ được nhiều vật khác. Cũng như một người tài giỏi coi sóc dân chúng trong vùng, trong xứ. Không có núi rừng thì không có sinh vật, không có loài người. Và con người sinh sôi, đông đúc nhiều như thế phải có chủ, phải có thủ lĩnh. Cũng như người làm nông phải có người chủ của đám rẫy. Nếu không có người làm rẫy thì không thể có rẫy được, như thế đấy. Sống trên đời cũng thế, nếu như không có ai đứng đầu, làm chủ, làm thủ lĩnh để dẫn dắt dân chúng thì sẽ hỗn loạn, không thể sinh sống làm ăn được. Nếu ai cũng làm theo ý riêng của mình thì không được. Họ sẽ đánh nhau lung tung, mặc sức vắt kiệt sức lực nhau, tự do bừa bãi làm theo ý riêng của mình, cho nên phải có người làm chủ để coi sóc, để bảo ban, như thế thì mới ổn (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 855 – 856). Trên thực tế, xã hội Xơ Đăng đã ghi dấu ấn nhiều thủ lĩnh tài ba mà tên của họ được đặt cho tên làng bởi danh tiếng và những cống hiến cho cộng đồng. Với cương vị là thủ lĩnh của làng, Dăm Duông đã nêu ra quan niệm thấu tình đạt lý: “Sự thật là như thế này, nếu ta yêu mến dân làng mình thì ta phải làm những điều lành, làm điều phải, cho dân làng sống yên ổn. Phải biết nể trọng nhau, biết giữ tập tục của làng, có đúng như vậy không, thưa người già?” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 1111). Hình mẫu người anh hùng phải hội đủ các phẩm chất đặc biệt và đảm đương các vai trò như chiến đấu bảo vệ cộng đồng; lao động sản xuất để xây dựng, phát triển cộng đồng; vai trò tập hợp, định hướng và bình ổn cộng đồng… Việc xây dựng nhân vật anh hùng với tài trí và sức mạnh ngang với thần linh phải luôn nằm trong sự gắn bó mật thiết với cộng đồng: Tinh thần dân chủ, ý thức tập thể, mối quan hệ cộng đồng gắn bó giữa nhân vật anh hùng với nhân dân, đó là những nét đặc trưng nói lên ý nghĩa xã hội sâu sắc và tính nhân dân mạnh mẽ của các bản sử thi… Vì vậy, tính tập thể, tính cộng đồng rộng lớn là một trong những đặc trưng chính của sử thi các dân tộc, trong đó nổi lên hình tượng tiêu biểu của nhân vật anh hùng (Võ Quang Nhơn, 1983, tr. 353 – 379). Trong cộng đồng đoàn kết với một người đứng đầu ấy, họ đặt ra những tập quán pháp để bình ổn xã hội cũng như quy định ý thức, quyền và nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng. Những nền tảng cơ bản để hình thành nên tính cộng đồng, sự cố kết và tâm lý cộng đồng đó là dựa trên “sự cộng đồng về cư trú (cộng cư), cộng đồng về sở hữu và lợi ích (cộng 209
  4. lợi), cộng đồng về tâm linh (cộng mệnh), và cộng đồng về văn hóa (cộng cảm)” (Ngô Đức Thịnh, 2007, tr. 213, 220). Trên cái nền cộng đồng ấy, tình yêu thương giữa con người với nhau luôn được đề cao và coi trọng: “Nhờ có tình yêu thương giữa con người nên mới có được sự yên bình. Nếu chúng ta kình địch nhau, ghét bỏ nhau thì làm sao mà có được sự yên bình. Không được bình yên thì làm sao có hạnh phúc sung sướng” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2009, tr. 676). Tình yêu thương như một tiêu chí cho sự bình yên, hạnh phúc trong cộng đồng. Những người mắc sai trái cũng có thể được tha thứ nếu họ biết thay đổi mình, cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân bởi “sông có khúc, người có lúc” và người ta “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”: “Con người ta phải biết điều. Hôm nay họ sai trái, mai kia họ thành tốt, biết đâu ta lại mắc sai lầm… sống với anh em phải hiểu. Hôm nay, ta đang phải. Hôm nay, nó có lỗi. Nhưng mai mốt kia, lỡ ta mắc lỗi thì sao?” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 242 – 243). Từ đó, trong cuộc sống con người trở nên vị tha hơn. Đoàn kết cộng đồng thực sự là sức mạnh to lớn trong quá trình hình thành và phát triển các thị tộc, bộ lạc, là sợi dây gắn kết các cá nhân lại với nhau. Từ những vấn đề trong đời sống đã câu thúc mọi người đứng lại bên nhau, đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong không - thời gian mà sử thi Xơ Đăng phản ánh, tinh thần cố kết cộng đồng được biểu trưng bởi hình tượng người anh hùng Dăm Duông – nhân vật trung tâm của sử thi Xơ Đăng, là hình mẫu mang mơ ước, lý tưởng, là người đứng đầu mang dáng dấp, hơi thở, có vai trò quyết định đến vận mệnh chung cho cả cộng đồng. 2. Các chuẩn mực xã hội và đời sống gia đình Sống trong một cộng đồng có truyền thống gắn bó mật thiết, thế hệ này đi qua, thế hệ khác nối tiếp thừa hưởng những vốn quý văn hóa, những kinh nghiệm muôn đời. Thế hệ con cháu phải biết quý trọng những tinh hoa mà cha ông họ đã dày công vun đắp, từ đó kế thừa và phát huy bản sắc tốt đẹp. Thế hệ trước già đi, thế hệ trẻ tiếp bước, “tre già măng mọc”, từ đó lao động, làm chủ gia đình. Lời ông Bok Glaih nói với ông Tur Rơ Mur: “Chúng ta già yếu rồi, có con cái phải nhờ chứ ông. Chúng nó sẽ là người tiếp tục làm việc thay thế chúng ta. Nếu chúng nó có sức khỏe, có chí làm ăn thì tất nhiên chúng nó phải thay thế chúng ta làm việc nuôi sống gia đình. Như thế đấy, ông ạ!” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 916). Và thế hệ trẻ không ngừng tiếp thu những vốn sống của cha ông truyền lại: “Người già có vốn sống cho nên họ biết rõ, mới dạy bảo con cái, cho chúng mình, đứa nào khôn thì nhận lấy” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 917). Trong đời thực, người dân Xơ Đăng rất quý trẻ em, các tác giả trong cuốn Các dân tộc tỉnh Gia Lai – Công Tum cho rằng: “Người dân Xơ Đăng rất quý trẻ con. Mơ ước của họ vẫn là con đàn cháu đống” (Đặng Nghiêm Vạn & ctg., 1981, tr. 210). Ngoài ra, con cái, những người trẻ tuổi cũng phải biết yêu thương, quý trọng người già và những di sản mà họ để lại. Trong lốt ông già, Dăm Duông đã chỉ dạy cho những người trẻ tuổi cách ứng xử với những bậc cao niên theo kiểu “yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”: Xưa nay, con người ta sống ở buôn làng, nếu không có người già chỉ dẫn thì bọn trẻ có biết làm rẫy trồng lúa, trồng bắp không? Phải có người già dạy bảo lũ trẻ mới biết 210
  5. làm ăn, biết làm nhiều việc này, việc nọ. Tại sao lại chê người già? Chính người già sinh ra trẻ nhỏ. Từ nhỏ rồi lớn lên và già nua. Trước là trẻ, sau rồi cũng già như nhau. Thế sao lại khinh thường, ghê tởm người già? Chính lũ cháu cũng từ người già mà sinh ra (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2007, tr. 813 – 814). Lẽ đời là vậy, có ai không ai sinh ra từ bố mẹ của mình, được nuôi nấng từ nguồn sữa của mẹ, từ bàn tay chăm bẵm của cha, nên khi lớn lên phải biết kính quý cha mẹ, săn sóc khi họ về già là nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý của người con. Đó là truyền thống đạo lý tốt đẹp bao đời của người Xơ Đăng. Khi trưởng thành phải biết lao động và làm chủ gia đình, làng buôn. Hạt lúa không phải tự dưng mà có, phải lao động để đảm bảo cho cuộc sống đầy đủ: “Có làm mới có ăn để sống chứ, không làm lấy gì mà ăn. Nếu chúng ta ở không thì cơm đâu có để mà ăn” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 944). Người giàu không tự dưng mà có, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới đầy đủ sung túc. Lời của người già với con trẻ thật sâu sắc, đúng đắn: “Những người giàu có, sung sướng đâu phải tự dưng mà có. Ai cũng phải chịu cực chịu khổ, phải đổ mồ hôi, phải ra nước mắt, phải chịu vất vả Yang mới thương, mới ban cho ta của cải. Chúng ta luôn làm điều tốt, người tốt phải biết thương yêu, giúp đỡ mọi người” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2007, tr. 464). Do đó phải chăm chỉ làm việc, cần cù, siêng năng và không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Sống chết hay giàu nghèo là do Yang (thần linh) định đoạt, nhưng muốn được Yang phù hộ con người phải sống có chuẩn mực đạo đức, ứng xử hòa nhã, yêu thương, giúp đỡ mọi người. Do đó thần linh như một thứ “pháp luật lương tâm” ngăn cấm con người làm điều xấu, trừng phạt những việc làm trái đạo đức, phong tục…, hướng con người đến điều thiện, lẽ phải. Người Xơ Đăng kịch liệt lên án thói kiêu căng, khinh thường mọi người: “Thấy người ta nghèo thì phải rủ lòng thương, đó mới là cao đẹp, ai ai cũng coi trọng… Tại sao lại khinh thường người ta và tự cao tự đại. Tính tự cao là xấu… Trước hết phải làm ăn đàng hoàng tử tế. Thứ hai phải làm việc cần cù siêng năng. Thứ ba, phải đối xử tốt với các anh em, bà con…” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2009, tr. 464). Và như thế, con người trong cuộc sống phải yêu thương đùm bọc, giúp đỡ nhau, nhất là bênh vực những người nghèo khổ, những người có hoàn cảnh khó khăn, phải “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. Có như vậy mới thấy yên lòng và mới mong được thần linh phù hộ, người khác yêu mến. Các cá nhân trong làng phải bình đẳng với nhau, được nhắc đến nhiều nhất là các già làng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các công việc của làng như Bok Glaeh, Nhâk Kân, Glang Jri: “Những thành viên trong một làng hoàn toàn bình đẳng với nhau, được cố kết bởi một tinh thần cộng đồng làng xóm thống nhất, dựa trên một tập quán pháp duy nhất” (Đặng Nghiêm Vạn & ctg., 1981, tr. 191). Do đó ai cũng thể hiện cao độ quyền lợi và trách nhiệm của bản thân, người già trong làng có quyền năng áp dụng các luật tục dựa trên sự tự nguyện của các cá nhân trong làng. Từ đó có thể thấy tinh thần đoàn kết gắn bó mật thiết mà Ngô Đức Thịnh gọi là “mật tập”. Xã hội Xơ Đăng trước đây, hình thức công xã là phổ biến. Đất đai, rừng rú, sông ngòi đều thuộc về mọi người và có quyền sử dụng ngang nhau. Tuy nhiên, ai khai phá người đó được hưởng và có quyền thừa kế, đổi bán nhưng phải với những người trong làng. Sử thi miêu tả cảnh lao động cộng đồng như lên rừng hái rau, săn bắn, xuống suối đánh cá, phát rẫy trỉa 211
  6. lúa, thu hoạch mùa màng. Các thành viên đều có ý thức tuyệt đối về trách phận công dân của mình trong buôn làng. Ai có kinh nghiệm, biết điều hay lẽ phải thì truyền dạy cho người khác, ai săn được con thú lớn thì thịt được chia đều cho từng bếp; lúa nhà này đầy kho cũng không để người thiếu gạo phải đói. Phân công lao động theo tuổi tác và giới tính, nam nữ trưởng thành đảm đương việc nặng, người già, trẻ em phụ giúp những việc nhỏ, đàn ông lên rừng săn bắn, phát rẫy, lấy gỗ làm nhà, phụ nữ đan lát, hái lượm, dã gạo, dệt vải, nuôi con. Trong đời sống vợ chồng cũng đặt ra những chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ nhất định. Sống trên đời phải có cặp có đôi, hai người yêu nhau nên đến với nhau nên vợ thành chồng, sinh con đàn cháu đống, như vậy mới là hạnh phúc, viên mãn. Lời ông Tur Rơ Mu, cha nàng Bar Mă: “Ta nghĩ sống trên đời này, ai cũng phải có chồng, có vợ, có cuộc sống riêng. Sống một mình đơn lẻ quạnh hiu buồn tẻ lắm! Có đủ đôi để chúng ta có thể nương tựa vào nhau mà sống” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2007, tr.436). Khi đã nên vợ chồng phải biết yêu thương, đùm bọc nhau, chia sẻ, chăm sóc nhau lúc “trái gió trở trời”, phải chung thủy và vun đắp hạnh phúc gia đình. Ngoài “đi chung một đường, ở chung một nhà”, tình nghĩa vợ chồng còn thể hiện lúc ốm đau hoạn nạn: “Vợ chồng cần phải chăm sóc trông nom nhau những lúc ốm đau là rất cần thiết” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 1067). Dăm Duông nêu lên triết lý vợ chồng thật sâu sắc: Đã là vợ, là chồng thì phải thương yêu nhau, cùng nhau phát rẫy, sinh con đẻ cái, cùng chăm lo cho cuộc sống vợ chồng. Cuộc sống vợ chồng như bếp lửa, muốn cho lửa cháy, bếp nồng thì phải có củi, có lửa, có người chăm sóc cho bếp lửa cháy mãi. Tình vợ chồng cũng như ngọn lửa trong bếp vậy thôi, Dăm Duông là bếp, Bar Mă là củi, tình yêu là ngọn lửa cháy mãi, cho cả nhà đầm ấm và sung sướng bền lâu (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2007, tr. 465 – 466). Quan niệm về vợ chồng là bếp lửa cháy mãi để sưởi ấm lòng nhau trong đời sống bộn bề ấy, từ đó gia đình mới thuận hòa vui vẻ: “…Ăn cơm chung một rá, ngủ chung một chiếu…/Suốt đời sánh đôi như cá rô lăng dưới suối/Chồng là nhà, vợ là cửa…” (Đặng Nghiêm Vạn & ctg., 1981, tr. 215). Những biểu hiện không chung thủy trong đời sống hôn nhân gia đình luôn bị phê phán và bị xử lý rất nặng theo luật tục của gia đình và cộng đồng. Chính những quy định ấy tạo cho vợ, chồng phải luôn biết giữ gìn, chăm lo cho hạnh phúc của mình, mọi biểu hiện trái chiều bị lên án kịch liệt. Do vậy: “Đã có nơi, có chỗ rồi làm sao mà còn có ý nghĩ đó nữa chứ, đã có chồng ở bên cạnh rồi mà” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 941). Nhưng trong tình yêu, hôn nhân, người Xơ Đăng cũng có cách nhìn nhận đa diện, phân biệt giữa đàn ông, đàn bà: “Người vợ yêu thương chồng thường như vậy, không phải như người đàn ông. Những người đàn ông một khi đã yêu thì cũng ghê gớm lắm, yêu nhất thời, còn đàn bà thì nhớ mãi muôn đời” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 936). Đó chỉ là cách nói, trên thực tế người đàn ông cũng phải luôn chung thủy với vợ mình, ở đây là cách nói quy định bổn phận của người vợ, vì người chồng Xơ Đăng trước đây như cách sử thi miêu tả có quyền được lấy vợ hai, vợ ba (?). Dăm Duông lấy Bar Mă và Bia Kơ Tơn, Bar Mă làm vợ cả, Bia Kơ Tơn làm vợ hai. Khi cưới hỏi đã có sự phân ngôi rõ ràng: “Dăm Duông ngồi ở giữa. Bar Mă ngồi bên tay phải. Bia Kơ Tơn ngồi bên tay trái. Theo luật tục xưa nay, người cũ quan trọng hơn được ngồi ở bên phải, người vợ mới ít quan trọng hơn, ở bên trái” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 212
  7. 2006, tr. 1015). Tuy vậy, người phụ nữ Xơ Đăng vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và tâm linh, họ là người đứng ra nuôi dạy con cái, quán xuyến các việc lớn nhỏ trong nhà, là chủ kho lúa, có vai trò chăm sóc hồn lúa, tiến hành lễ thức rước đón hồn lúa. Tóm lại, khi sống trong một nhà thì “chúng ta phải dựa vào nhau mà sống. Ai hay thì ta học, ai dở thì ta bảo ban nhau” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 1086). Thứ bậc chưa phải là yếu tố quyết định, cái quan trọng là cả hai người vợ phải đồng lòng cùng chồng mình trong lao động sản xuất, xây đắp hạnh phúc gia đình. Khi “dựng vợ gả chồng” người con gái phải chọn lựa cho mình một người chồng lý tưởng theo quan niệm đạo đức, thẩm mỹ, tư tưởng rất riêng, người Xơ Đăng có một câu hát: “Em tìm những chàng trai vắng nơi ăn uống/ Lại thường có mặt nơi việc chung của làng/ Xà nhà chàng xếp đầy đầu thú/ Bếp nhà chàng xếp đầu xương cá to/ Đồ sắt chàng rèn, cuốc bén, rựa sắc/ Dao như có mặt, rựa như có mũi/ Móng tay chàng mòn vì đan những chiếc gùi cho em” (Đặng Nghiêm Vạn & ctg., 1981, tr. 213). Có thể nói, cung cách ứng xử trong xã hội và gia đình mà sử thi Xơ Đăng đề cập đến là đề cao sự hiếu thuận và tôn trọng giữa cha mẹ và con cái, người lớn và trẻ nhỏ, là sự yêu thương, chung thuỷ trong đời sống vợ chồng, sự kết nối các giá trị nhân văn trong đời sống đã được hun đúc từ nhiều thế hệ, cung cách ứng xử hoà nhã, thân ái, đùm bọc, yêu thương giữa người với người. 3. Quan niệm về vẻ đẹp Quan niệm thẩm mỹ của người Xơ Đăng rất độc đáo, một con người đẹp phải vừa đẹp về thể chất lẫn tâm hồn, đó cũng là cách nhìn nhận phổ biến của sử thi nói riêng, văn học dân gian nói chung. Vẻ đẹp con người phải gắn với các sự vật trong thiên nhiên, vũ trụ; lấy vẻ đẹp thiên nhiên làm tiêu chí đánh giá vẻ đẹp con người. Văn học dân gian lấy nhiều biểu tượng như bến nước, con đò, hoa sen, thân cò, nàng tiên, dải yếm lụa đào…, văn học trung đại lấy tùng, trúc, cúc, mai, liễu,… thì trong sử thi cũng có những biểu tượng, chàng Đam Săn đẹp như con rắn huê, rắn roi… Sử thi Xơ Đăng khi miêu tả người anh hùng Dăm Duông lại lấy biểu tượng của con chim nhồng, chim két trống: Dăm Duông, dáng khỏe mạnh, đẹp như con chim nhồng, chim két trống. Đẹp trai từ hình dáng cho đến nụ cười. Mỗi khi chàng cười, để lộ hàm răng trắng đều. Chàng nói chuyện đã hay mà khi cười lại càng đẹp. Chàng ăn nói trôi chảy, hoạt bát. Dáng hình không thể chê chỗ nào, không cao, không thấp, không to, không nhỏ, không béo và cũng không gầy. Chàng có thân hình vừa vặn, đi đứng kiểu nào trông cũng đẹp, bước kiểu gì cũng hợp, không ai có thể chê vào đâu (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2007, tr. 451). Lối ví von trong sử thi được nghệ nhân kể hơ m’uan vận dụng một cách tinh tế. Dăm Duông là người đẹp nhất: “Hai bàn tay chàng trắng nõn/ Đôi cánh tay như bọc vàng/ Làn da láng bóng tựa bạc/ Người ta đẹp đến thế là cùng” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2009, tr. 458). Trong những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, trông Duông thật oai phong, mạnh mẽ: “Chàng lấy khố đính cườm xar xut/ Khố dệt hoa văn but lao/ Chàng búi lại tóc đàng hoàng/ Lấy cái lược đồng cắm trên tóc/ Lấy chiếc gương đặt trên đầu/ Lấy chiếc khăn nhỏ cột lại/ Nhìn oai phong như chim nhồng/ Mạnh mẽ như chim két trống” (Viện Nghiên cứu Văn 213
  8. hóa, 2009, tr. 1356). Ngoài hình thể, sự giàu có cũng góp phần tôn lên vẻ đẹp và tài năng của người anh hùng: “Của cải nhiều như lá tre/ Đồ đạc nhiều như lá rừng/ Cồng chiêng nhiều như lá cây đa/ Trâu bò đông như kiến, như mối” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2009, tr. 1408). Bên cạnh đó, người anh hùng Dăm Duông để trở thành hình mẫu cộng đồng phải hội tụ thêm các yếu tố: người anh hùng mang dòng dõi thần linh, tài năng và sức mạnh hơn người trong sản xuất và chiến đấu. Với những dũng sĩ Tây Nguyên, một trong những tiêu chí để đánh giá sức mạnh là tài khiên đao, chiến trận: “Dăm Duông vặn cái khiên hướng lên trời, từ khiên phát ra một luồng gió mạnh thổi vù vù khiến các đám mây trên trời tan biến nhanh, rồi phát ra những tiếng ầm ầm như muốn rung chuyển cả trời đất…” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2006, tr. 320 – 321). Anh hùng Dăm Duông ý thức rất rõ về trách nhiệm bảo vệ cộng đồng. Trong các tác phẩm, Dăm Duông đã chiến đấu với quỷ Te Tô, đười ươi Gluih, Hơ Mă Nơ Nâng, Tre Wet Krong Bung (Dăm Duông cứu nàng Bar Mă); chiến đấu với thủ lĩnh Tur Gôk ở dưới nước (Duông làm thủ lĩnh); với cọp vằn tám đuôi và một trăm cái tai, với thuồng luồng và những kẻ xấu đang tâm cướp vợ chàng như Ding Grang, Măng Lăng (Dăm Duông trong lốt ông già). Những trận chiến ác liệt, gay cấn nhưng thắng lợi cuối cùng luôn thuộc về người anh hùng vì chàng có sức mạnh vượt trội, lòng dũng cảm, trí thông minh, nhất là có lý tưởng cao cả. Người con gái Xơ Đăng đẹp như đồng bằng màu mỡ, đẹp như hoa, măng mới nhú, làn da như bạc, như vàng… Nàng Wang Ri con gái ông Nur Lao: “Nàng có làn da trắng nõn nà/ Nàng có đôi má đẹp hồng hào/ Không ai sánh bằng/ Đôi cánh tay tựa như cánh vàng/ Óng ánh như bạc, xinh đẹp vô cùng” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2009, tr. 410). Tuy nhiên, vẻ đẹp ngoại hình hay sự giàu có chưa phải là yếu tố quyết định mà quan trọng còn là vẻ đẹp tâm hồn. Những chàng trai, cô gái phải có tấm lòng chan chứa yêu thương, biết giúp đỡ người khác, cổ vũ cái đẹp, cái tốt, lên án cái xấu, cái ác, siêng năng trong lao động sản xuất. Dăm Duông là chàng trai hiền lành, đôn hậu: “Sao chàng hiền từ đến thế? Chàng hiền hơn tất cả những người hiền khác. Người ta khinh chàng mà chàng không lấy làm giận. Người ta ghê tởm chàng mà chàng vẫn chịu đựng tất cả…” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2009, tr. 452 – 453). Chàng có đức tính khiêm tốn; có nghị lực phi thường, có ý chí vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách; có lòng tốt, luôn yêu thương mọi người: “Dân làng mọi nơi, hễ ai gặp khó khăn về mặt này, mặt khác hoặc thiếu lúa, thiếu gạo, không áo, không quần đều đến nhờ Dăm Duông cứu giúp…” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2006, tr. 710). Người anh hùng với đức tính vị tha, chàng sẵn sàng bỏ qua tội lỗi của kẻ xấu, cải hóa chúng thành những con người lương thiện, có ích. Dăm Duông còn thể hiện tình yêu nhất mực đậm đà với người vợ Bar Mă, là con người gần gũi với thiên nhiên, với cây cỏ, muông thú. Chàng còn siêng năng, có sức khỏe, giỏi săn bắn, hái lượm, làm rẫy, đan lát. Họ đề cao đức tính tốt đẹp của con người theo kiểu “cái nết đánh chết cái đẹp”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” Lời nàng Brăng Chăm nói với cha: “Con chỉ cần người tốt bụng, thật thà thôi. Con không cần gì đẹp trai, xấu trai cũng được, miễn sao người ấy chịu khó làm ăn. Cái đẹp không quan trọng, nếu đẹp mà lười biếng, không chịu khó làm việc thì lấy gì mà sống?” (Viện Nghiên cứu văn hóa, 2006, tr. 890). 214
  9. Người con gái ngoài vẻ đẹp ngoại hình còn phải có tâm hồn yêu thương trong sáng, sẵn sàng đánh đổi, hy sinh cho gia đình, cộng đồng. Những cô gái ấy phải giỏi việc gia đình như bổ củi, giã gạo, dệt vải, làm rẫy, đi rừng hái rau, xuống suối xúc tôm cá… Đồng thời giúp đỡ người đàn ông trong tất cả các công việc sản xuất và lễ hội. Đó là những cô gái biết gõ tơ rưng, biết thổi sáo để làm vui cho cuộc sống. Cả 06 tác phẩm đều xuất hiện rất nhiều nhân vật nữ mà nổi lên là nàng Bar Mă kết hôn với Dăm Duông và trợ giúp rất lớn cho người anh hùng trong lao động, sản xuất, chiến đấu. Theo quan niệm truyền thống của người Xơ Đăng, một người con gái đẹp phải đẹp về hình thể lẫn nhân cách, ứng xử. Đó là cái đẹp theo quan niệm: “Với một người đàn bà đẹp, mẫu mực là sự mềm mại, mềm mại như cây rau dớn (kxun)… Thật vậy, hình dáng cây rau dớn thật giản dị với những đường cong thật đẹp, nhất là khi trời hửng sáng hay xế chiều. Vì thế, hình tượng cây rau dớn giản dị này được chuyển hóa thành hình mặt trăng (hay mặt trời) rất độc đáo và đặc sắc” (Đặng Nghiêm Vạn, 1998, tr. 168 – 169). Họ còn ân cần, chu đáo khi khách khứa đến nhà, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ, trong tình yêu, hôn nhân họ rất chung thủy. Lời nàng Bar Mă: “Một khi đã lấy nhau sẽ không ân hận, không chán chê… Dù già, dù xấu, dù gì đi nữa đều chấp nhận cả” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2009, tr. 829). Ngoài ra họ còn biết bảo vệ lẽ phải, lên án kịch liệt thói xấu, cái ác. Do vậy, có được người vợ đẹp cũng như có được của quý, có được miếng rẫy màu mỡ phù sa: “Vợ đẹp có nghĩa là đất đai tốt, màu mỡ trồng cây gì cũng mọc, trồng thứ gì cũng tốt cả. Trồng hai cây, mọc tốt cả hai cây. Chúng ta cần có loại đất tốt như thế đó. Người ta gọi người con gái đẹp tựa như đất đồng bằng vùng ven sông phù sa màu mỡ như thế đó. Bây giờ có thể nói rằng con đã có được đất bằng phẳng màu mỡ” (Viện Nghiên cứu Văn hóa, 2006, tr. 853). Như vậy, quan niệm về vẻ đẹp của người Xơ Đăng đó là tổng hoà của vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp trong lao động sản xuất, chiến đấu và vẻ đẹp tâm hồn, xây dựng con người theo đích hướng chân – thiện – mỹ. 4. Thực trạng và một số giải pháp để giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên người Xơ Đăng thông qua sử thi Trong những năm gần đây, ngành giáo dục đang tiến hành chương trình giáo dục địa phương trong các cấp học, đó là việc phổ biến các kiến thức về địa lý, kinh tế, lịch sử, xã hội, văn hoá của địa phương, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn nhằm bổ sung các kiến thức cần thiết cho người học, từ đó có thái độ tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bước đầu, chương trình này đã ghi nhận một số thuận lợi như một bộ phận giáo viên đã được kinh qua các lớp học về ngôn ngữ, văn hoá dân tộc thiểu số; học sinh đồng bào luôn có ý thức, nhu cầu học hỏi, tiếp thu kiến thức từ nhà trường; chính quyền địa phương luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để công tác dạy học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả thực chất, sát với mục tiêu giáo dục của mỗi vùng. Về dạy tiếng dân tộc thiểu số, từ 1946, Hiến pháp nước ta đã quy định việc học tiếng dân tộc là một quyền của người dân tộc thiểu số. Do vậy từ những năm 60 của thế kỷ trước, ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã bắt đầu tiến hành dạy tiếng Hmông, Tày – Nùng, Thái trong các trường phổ thông. Ở miền Nam, sau khi đất nước thống nhất, một số tỉnh đã tiến hành 215
  10. công việc dạy tiếng Chăm, Khmer, Êđê, Bahnar, Jrai cho con em đồng bào. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý với chủ trương triển khai tổ chức dạy học tiếng Xơ Đăng cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum, việc xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, sách giáo khoa, chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Xơ Đăng đang trong quá trình thực hiện. Về giảng dạy lịch sử, văn hoá, văn nghệ dân gian cho học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung, dân tộc Xơ Đăng nói riêng hiện nay đang được tiến hành thông qua chương trình giáo dục địa phương các lớp, lớp 6 (với 9 chủ đề, trong đó có Truyện cổ các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, Kon Tum từ thời nguyên thủy đến thế kỷ X, Giai điệu quê em, Vẽ tranh lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Địa lý tự nhiên tỉnh Kon Tum, Nghề truyền thống ở Kon Tum…); lớp 7 (gồm các chủ đề: Tục ngữ, thành ngữ các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Kon Tum từ thế kỉ X đến Cách mạng tháng Tám 1945, Giai điệu quê em, Giới thiệu về điêu khắc, hội hoạ trang trí của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum…); lớp 8 và lớp 11 (có các chủ đề: Trích đoạn sử thi Xơ Đăng, Kon Tum từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX, Học hát bài: Dệt vải (dân ca Bahnar) giới thiệu cồng chiêng Tây nguyên, Nghệ thuật trang trí trong đời sống của một số dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Kon Tum…); lớp 10 (các chủ đề: Trích đoạn Sử thi Bahnar, Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, Hát về Kon Tum, Mỹ thuật tạo hình tạc tượng dân gian truyền thống ở Kon Tum…). Có thể nói, công tác giáo dục văn hoá, nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong nhà trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được sự đồng thuận cao giữa chính quyền địa phương, các sở ban ngành có liên quan, các nhà trường, đội ngũ giáo viên và học sinh, phần nào đó đã tích cực truyền đạt những kiến thức bổ ích về lịch sử, xã hội, văn hoá, văn nghệ của địa phương đến với người học. Bên cạnh đó còn có những khó khăn, bất cập: Về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, một số huyện, xã còn thiếu cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị dạy học. Để giảng dạy các chương trình địa phương, đặc biệt liên quan đến các môn học văn hoá, nghệ thuật dân gian, cần phải có cơ sở vật chất, các phương tiện và công cụ đặc trưng, chẳng hạn phải xây dựng mô hình thu nhỏ các buổi diễn xướng sử thi để học sinh nắm được bối cảnh của tác phẩm, để dạy về cồng chiêng, nhạc cụ dân gian, các nghề thủ công truyền thống cũng cần phải có sự kết hợp giữa kiến thức và trực quan. Về đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình còn thiếu về số lượng lẫn chất lượng, địa phương vẫn chưa thể bổ sung đầy đủ lượng giáo viên có kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, một bộ phận giáo viên cơ hữu hiện tại chưa trải qua các lớp học tiếng, các lớp tập huấn về tri thức của các tộc người tại chỗ trong tỉnh, điều này gây ra không ít khó khăn trong dạy học. Về các thiết chế xã hội, văn hoá, nghệ thuật đang ngày càng mai một, mất đi. Trong thực tế cho thấy, các thiết chế như nhà rông (nơi hội tụ của nhiều yếu tố xã hội, văn hoá, văn nghệ cộng đồng) hiện nay còn rất ít trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung, các lễ hội văn hoá cộng đồng truyền thống gắn với trình diễn cồng chiêng và các nhạc cụ, dân vũ cũng vì vậy càng ngày càng ít, thay vào đó là hơi thở của đời sống mới. Các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt vải, rèn sắt… đang tồn tại ở một vài nơi cũng đang gặp 216
  11. khó khăn vì để làm một sản phẩm, công sức bỏ ra rất nhiều nhưng giá trị bán lại thấp, khiến cho đời sống của các nghệ nhân không đảm bảo, nguy cơ mai một rất cao. Nghệ thuật diễn xướng dân gian như sử thi, dân ca, tục ngữ, thành ngữ cũng đang đứng trước những thách thức của phương tiện internet, điện thoại thông minh và các tiến bộ của công nghệ thông tin. Đặc biệt, ở bộ phận sử thi, thể loại văn học dân gian cách đây tầm hơn thế kỷ vẫn còn “sống”, được ngâm kể hàng đêm trong các buôn làng ở Tây Nguyên, cho đến nay, chúng ta chỉ còn được tiếp cận trên các cuốn sách đã được xuất bản, đội ngũ nghệ nhân hát kể được sử thi còn rất ít… đã gây không ít khó khăn trong việc bảo tồn, truyền bá, giáo dục các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số. Về tình hình nghiên cứu, định hướng giảng dạy các giá trị văn hoá, nghệ thuật các dân tộc thiểu số hiện nay tuy đã có nhiều thành công ở các địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu. Riêng sử thi Xơ Đăng, khi công tác sưu tầm dịch thuật kết thúc, đã có 11 sử thi trên tổng số hơn 100 sử thi được xuất bản nhưng công tác nghiên cứu còn khiêm tốn, do vậy chưa thể phát lộ nhiều giá trị của sử thi dân tộc này, việc giảng dạy chưa được tiến hành đầy đủ (mới đưa vào một đoạn trích nhỏ và chỉ mới có học sinh lớp 8 và 11 trên địa bàn tỉnh Kon Tum được tiếp cận) nên cần có những gợi mở, những giải pháp cần thiết để giảng dạy những giá trị trong sử thi Xơ Đăng, trong đó có đạo đức, thẩm mỹ đến với học sinh, sinh viên người Xơ Đăng, chúng tôi thử nêu ra một số giải pháp như sau: Thứ nhất, các cấp chính quyền và ngành giáo dục cần có những định hướng để phổ biến giá trị sử thi trong các trường học, xây dựng sử thi thành một chuyên đề bắt buộc trong các cấp học nơi có con em đồng bào Xơ Đăng sinh sống và học tập. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng cần đưa học phần Sử thi Tây Nguyên, Sử thi Việt Nam trở thành các học phần ưu tiên, vừa để sinh viên nắm được kiến thức, vừa qua đó định hướng nghiên cứu khoa học về một thể loại độc đáo, chứa đựng nhiều tri thức của văn học dân gian. Thứ đến, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi tiếng đồng bào, nắm vững tri thức về xã hội, văn hoá… dân tộc Xơ Đăng, thường xuyên thực hiện nghiên cứu khoa học về đề tài sử thi, nắm vững lý luận thể loại và việc áp dụng vào giảng dạy nhằm tăng trực quan sinh động giúp người học hiểu bài. Thường niên có các lớp tập huấn về lý luận sử thi, đặc trưng sử thi Tây Nguyên, sử thi Xơ Đăng để giáo viên có được cái nhìn đa diện hơn về sử thi và vùng văn hoá thể loại. Tăng cường cơ sở vật chất dạy học phù hợp với các môn học liên quan đến văn hoá, văn nghệ dân gian. Kịch hoá hoặc có thể làm phim hoạt hình các trích đoạn, các tác phẩm sử thi tạo khí thế và động lực học tập, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nắm bắt các kiến thức được truyền đạt. Bên cạnh đó, cần phải phục dựng các không gian văn hóa cộng đồng, không gian diễn xướng sử thi, có chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân dân gian nhằm lưu giữ các thiết chế “sống” phục vụ giảng dạy, học tập. Có thể nói, kết quả dạy học ngoài kiến thức trên sách vở còn là sự kết hợp với thực tế, thực hành, học sinh ngoài học các tiết học về sử thi, về văn hóa cồng chiêng, về các nghề thủ công truyền thống… thì việc tiếp cận thực tiễn, được nhìn, nghe nghệ nhân dân gian ngâm kể sử thi bên bếp lửa, được chiêm ngưỡng trình diễn cồng chiêng tại các lễ hội cộng đồng, được trực mục sở thị những người đang ngồi dệt vải, đan lát, thổi bễ rèn sắt… là hoạt động rất quan trọng làm gia tăng hiệu quả dạy học cả về chất và lượng. 217
  12. Ngoài ra, cần có kế hoạch truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ. Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng nghệ nhân diễn xướng sử thi không còn nhiều và trong thời gian tới sẽ không còn nữa, do vậy các ngành hữu quan cần quan tâm để việc truyền dạy sử thi trong cộng đồng dân tộc Xơ Đăng và các dân tộc Tây Nguyên được tiến hành sớm nhằm tạo ra đội ngũ kế cận biết hát, kể sử thi, lưu giữ lại thể loại văn học dân gian độc đáo, chứa đựng nhiều kinh nghiệm và tri thức dân gian truyền thống, để sư thì còn được “sống” và lưu truyền đến mai sau. Mặc dù công việc này hết sức khó khăn, cần có sự chung tay, đồng lòng của các cấp ngành, các nhà khoa học, người dân… công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá các sử thi mới trở thành hiện thực. Kết luận Sử thi Xơ Đăng chứa đựng những bài học về đạo đức, thẩm mỹ của người dân Xơ Đăng được lưu truyền từ xa xưa. Đó chính là những giá trị nhân văn về hình mẫu người anh hùng với những chiến công trong lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ cộng đồng; về sức mạnh đoàn kết cộng đồng làng buôn, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt giúp cho làng buôn vượt qua mọi chông gai, thử thách, chinh phục thiên nhiên, đánh thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng làng buôn giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc. Sử thi còn truyền tải hệ giá trị xã hội và gia đình, đó chính là sự hiếu thuận giữa con cái với cha mẹ, sự tôn kính giữa người trẻ với người già, là cung cách ứng xử hoà nhã giữa các thành viên trong cộng đồng, là tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; đó còn là mối quan hệ vợ chồng gắn bó keo sơn, chung thuỷ trong đời sống gia đình của người Xơ Đăng; quan niệm về vẻ đẹp con người hết sức biện chứng, nét đẹp ấy phải là sự cộng hưởng, hoà quyện giữa cái đẹp về mặt thể chất lẫn tâm hồn, vẻ đẹp bên trong lẫn bên ngoài. Việc giáo dục đạo đức, thẩm mỹ thông qua sử thi cho học sinh Xơ Đăng là rất cần thiết, ngoài những khó khăn, bất cập hiện nay, cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống từ chính quyền địa phương, ngành giáo dục, ngành văn hoá, các nhà khoa học, sự đồng thuận của nhân dân để công việc này được tiến hành thuận lợi, mang lại kết quả thiết thực. Cần đầu tư cả về nhân tài, vật lực cho việc giảng dạy các giá trị truyền thống trong sử thi cho học sinh, gắn dạy học kiến thức hàn lâm với trực quan sinh động, dạy học kết hợp bảo tồn và phát huy, quảng bá các giá trị sử thi trong đời sống của cư dân. Hy vọng, trong thời gian tới, việc giảng dạy đạo đức, thẩm mỹ thông qua sử thi nói riêng, giáo dục văn hoá – nghệ thuật dân tộc trong nhà trường sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp. TÀI LIỆU THAM KHẢO Võ Quang Nhơn. (1983). Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam. Hà Nội: NXB ĐH & THCN. Nhiều tác giả. (1999). Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn hóa dân tộc. Ngô Đức Thịnh. (2007). Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc. (1998). Sử thi Tây Nguyên. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. 218
  13. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) – Cầm Bình Trọng – Trần Mạnh Cát – Lê Duy Đại – Ngô Vĩnh Bình. (1981). Các dân tộc tỉnh Gia Lai – Công Tum. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, H. Đặng Nghiêm Vạn. (chủ biên) (1998). Người Xơ Đăng ở Việt Nam. Hà Nội: NXB KHXH. Viện Nghiên cứu văn hóa. (2006). Kho tàng sử thi Tây Nguyên – Sử thi Xơ Đăng. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. Viện Nghiên cứu văn hóa. (2007). Kho tàng sử thi Tây Nguyên – Sử thi Xơ Đăng. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. Viện Nghiên cứu văn hóa. (2009). Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 8 – Sử thi Xơ Đăng. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội 219
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2