JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0224<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8C, pp. 58-65<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
GIÁO DỤC HOÀ NHẬP - GÓC NHÌN TỪ CHÍNH SÁCH<br />
Đào Thị Bích Thủy<br />
Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Bài báo phân tích một số văn bản pháp lí về giáo dục hòa nhập (GDHN) của quốc<br />
tế và một số văn bản pháp lí về GDHN tiêu biểu của Việt Nam để thấy rằng pháp luật Việt<br />
Nam đã cụ thể hoá pháp luật quốc tế đồng thời vận dụng phù hợp với điều kiện và bối cảnh<br />
tổ chức GDHN tại Việt Nam. Phân tích cũng cho thấy về cơ bản chính sách GDHN của<br />
Việt Nam đã phản ánh những nguyên tắc cốt lõi của luật pháp và các chính sách quốc tế về<br />
đảm bảo quyền “tham gia đầy đủ và hiệu quả vào xã hội” đối với người có nhu cầu đặc biệt<br />
đồng thời đảm bảo: Quyền đối với Tiếp cận giáo dục, Quyền đối với Chất lượng giáo dục<br />
và Quyền được Tôn trọng trong môi trường giáo dục.<br />
Từ khóa: Giáo dục hoà nhập, chính sách giáo dục hoà nhập, giáo dục cho mọi người.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Chính sách về giáo dục hòa nhập (GDHN) được thể hiện rõ ràng và đầy đủ nhất trong hệ<br />
thống các văn bản pháp lí. Hơn 30 năm qua, các tuyên bố và cam kết quốc tế đã có những tác<br />
động có ý nghĩa trong việc thúc đẩy GDHN cho người khuyết tật. Năm 1975, Tuyên bố của Liên<br />
Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật (UN Declaration of the Rights of Disabled Persons) đã<br />
kêu gọi các quốc gia khuyến khích hoà nhập cho người khuyết tật trong mọi khía cạnh cuộc sống<br />
cả về kinh tế và xã hội. Tuyên bố thế giới về Giáo dục cho mọi người (Education for All-EFA)<br />
được thông qua ở Jomtien, Thái Lan năm 1990 đã đưa ra một cái nhìn tổng thể: phổ cập tiếp cận<br />
giáo dục cho tất cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn,thúc đẩy bình đẳng. GDHN là một quá<br />
trình tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục để tiếp cận với mọi người học và vì thế, GDHN<br />
được coi là một chiến lược quan trọng để đạt được Giáo dục cho mọi người (EFA). Giáo dục là<br />
một quyền cơ bản của con người và là nền tảng cho một xã hội công bằng, bình đẳng hơn. Đây là<br />
nguyên tắc chung, đóng vai trò định hướng cho chính sách và thực tiễn giáo dục [12].<br />
Các chính sách GDHN của UNESCO được công nhận rộng rãi nhất ở phạm vi quốc tế và<br />
các quốc gia, điển hình là Tuyên bố Salamanca và Cương lĩnh hành động về giáo dục theo nhu<br />
cầu đặc biệt, được ban hành vào năm 1994 với sự nhất trí của 92 chính phủ và 25 tổ chức quốc<br />
tế về một mục tiêu chung hỗ trợ và thúc đẩy thay đổi chính sách GDHN. Đây được coi là bước<br />
ngoặt quan trọng trong sáng kiến về GDHN. Các hỗ trợ chính sách của UNESCO có một ý nghĩa<br />
vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về mức độ cần thiết của các chính sách và thực<br />
tiễn GDHN ở các quốc gia [8].<br />
<br />
Ngày nhận bài: 18/7/2015. Ngày nhận đăng: 20/9/2015.<br />
Tác giả liên lạc: Đào Thị Bích Thủy, địa chỉ e-mail: thuyjapans@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
58<br />
Giáo dục hoà nhập - Góc nhìn từ chính sách<br />
<br />
<br />
Các văn bản pháp lí quốc tế tiêu biểu trên đã có ảnh hưởng không nhỏ và góp phần quan<br />
trọng thúc đẩy cải thiện chính sách và luật pháp về giáo dục hoà nhập tại khu vực Châu Á Thái<br />
Bình Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đây là nội dung chính được phân tích trong bài<br />
viết này.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Tổng quan các văn bản pháp lí quốc tế về giáo dục hoà nhập<br />
Nhiều thập kỉ qua, hàng loạt các văn bản pháp lí quốc tế như các công ước, các tuyên bố và<br />
các khuyến nghị đã ra đời, thiết lập các tiêu chuẩn làm nền tảng cơ sở cho việc phát triển các chính<br />
sách và phương pháp tiếp cận cho giáo GDHN. Các văn bản này đề ra những yếu tố trung tâm cần<br />
phải giải quyết để đảm bảo: Quyền đối với Tiếp cận giáo dục, Quyền đối với Chất lượng giáo dục<br />
và Quyền được Tôn trọng trong môi trường giáo dục. GDHN được dựa trên những khung pháp lí<br />
thông qua các văn bản pháp lí quốc tế như các công ước, các khuyến nghị và tuyên bố quốc tế. Các<br />
vấn đề về người khuyết tật, GDHN ngày càng được chỉ rõ ra trong các văn bản pháp lí quốc tế theo<br />
dòng thời gian.<br />
Trước những năm 1950, tuyên bố Quốc tế về Nhân quyền đã được Đại Hội đồng Liên hiệp<br />
quốc thông qua ngày 10-12-1948 tại Paris, Pháp. Bản tuyên bố đã được dịch ra 375 ngôn ngữ.<br />
Tuyên bố phát sinh trực tiếp từ những kinh nghiệm của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II và là tuyên<br />
ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó gồm 30 điều, liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá<br />
nhân được hưởng. Các điều khoản này đã được đưa vào để xây dựng các Thoả ước quốc tế, thoả<br />
ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Tuyên bố nhấn mạnh việc “Mọi người<br />
có quyền về giáo dục. Giáo dục sẽ được miễn phí ít nhất là bậc tiểu học và các cấp học cơ bản.<br />
Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc” [8]. Mặc dù Liên Hợp Quốc tham gia vào các vấn đề người<br />
khuyết tật từ trước đây rất lâu (trước những năm 1950) và bất chấp sự ra đời của Tuyên bố quốc tế<br />
về Nhân Quyền vào năm 1948 thì các vấn đề của người khuyết tật tại thời điểm từ năm 1940 đến<br />
năm 1950 vẫn chỉ được nhìn nhận với quan điểm “phúc lợi”, “từ thiện” [10], tập trung vào vấn đề<br />
bảo vệ người khuyết tật và phục hồi chức năng.<br />
Những năm 1960 đến những năm 1970 các văn bản pháp lí về GDHN đã chuyển từ quan<br />
điểm cũ sang quan điểm tiếp cận dựa trên quyền. Tiêu biểu là sự ra đời của Công ước chống phân<br />
biệt đối xử trong giáo dục của UNESCO vào tháng 12 năm 1960. Công ước được thông qua trong<br />
cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO tại Paris, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 12 năm 1960<br />
đã nhắc lại Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người và khẳng định nguyên tắc không phân biệt<br />
đối xử và tuyên bố rằng mọi người đều có “Quyền Tiếp cận giáo dục” và “Quyền được hưởng giáo<br />
dục có chất lượng”[14]. Mặc dù Công ước này không đề cập cụ thể đến vấn đề người khuyết tật<br />
nhưng người đọc có thể nhận thấy khuyết tật là một thành tố được bao gồm trong “nguồn gốc xã<br />
hội” [10]. Bình đẳng trong giáo dục được đề cập cụ thể trong Công ước ở các Điều 1, Điều 3, Điều<br />
4 và Điều 6.<br />
Năm 1971, Tuyên bố về Quyền của người Chậm phát triển trí tuệ do Cao Uỷ liên hợp quốc<br />
thông qua. Tuyên bố gồm 7 điều, trong đó Điều 2 khẳng định mọi cá nhân có “quyền được giáo<br />
dục, đào tạo, phục hồi chức năng và được hướng dẫn đề đạt được những tiềm năm của bản thân<br />
một mức tối đa”. Tuyên bố này cũng kêu gọi “khuyến khích người chậm phát triển trí tuệ hội nhập<br />
tối đa vào cuộc sống bình thường”. Tuyên bố này mang tính bước ngoặt quan trọng không chỉ ở<br />
<br />
59<br />
Đào Thị Bích Thủy<br />
<br />
<br />
việc công nhận quyền được giáo dục của người khuyết tật mà nó còn đưa ra khái niệm mới về<br />
“tiềm năng tối đa”.<br />
Một trong các văn bản pháp lí quốc tế mang tính dấu ấn vào cùng thời điểm này, đó là Tuyên<br />
bố của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật, được thông qua vào ngày 9-12-1975, theo<br />
Nghị quyết số 3447. Nội dung chính nhằm bảo vệ quyền của người khuyết tật để họ có thể hoà<br />
nhập vào cuộc sống bình thường và thúc đẩy hội nhập trên mọi lĩnh vực như: việc làm, gia đình,<br />
cuộc sống xã hội và các cơ hội kinh tế. Tập trung vào việc hỗ trợ cá nhân để phát triển khả năng,<br />
năng lực và sự tự chủ của người khuyết tật [1]. Tuy nhiên ảnh hưởng của mô hình y tế trong giáo<br />
dục hội nhập đã thể hiện trong toàn bộ ngôn ngữ và cách hành văn của văn bản. Cụ thể, một người<br />
khuyết tật được xác định là một trong những người "không thể đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của<br />
đời sống xã hội bình thường do sự thiếu hụt". Mục tiêu đối với người khuyết tật được đưa ra trong<br />
tài liệu này là quyền "tận hưởng cuộc sống bình thường nhất có thể (do sự thiếu hụt gây ra)" và<br />
"khuyến khích hội nhập vào cuộc sống bình thường " [10].<br />
Tiếp theo đó ngày 20-11-1989 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Liên<br />
hợp quốc về quyền trẻ em có tham khảo Tuyên bố Quốc tế về Nhân quyền theo Nghị quyết số<br />
44/45, có hiệu lực từ ngày 2-9-1990. Hiện có 191 quốc gia thành viên tham gia Công ước. Công<br />
ước gồm 54 Điều, quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Các<br />
quốc gia phê chuẩn công ước này chịu ràng buộc của các quy định công ước này theo luật quốc tế.<br />
Công ước khẳng định quyền tham gia giáo dục tiểu học miễn phí mà không có bất kỳ sự phân biệt<br />
đối xử nào. Nhấn mạnh đến hạnh phúc và sự phát triển của trẻ em và các biện pháp hỗ trợ chăm<br />
sóc trẻ em [5]. Điều 23 của Công ước đã đề cập trực tiếp đến trẻ khuyết tật, là người “bị khuyết tật<br />
về thể chất hoặc trí tuệ" và quyền của chúng được "tiếp cận và hội nhập" [10].<br />
Cùng thời gian này Tuyên bố thế giới về “Giáo dục cho mọi người” do UNESCO tài trợ<br />
được ra đời tại Jomtien, Thái Lan năm 1990 và được 155 quốc gia phê chuẩn. Tuyên bố gồm 10<br />
điều và dịch chuyển gần hơn tới mô hình xã hội cho người khuyết tật với khái niệm hoà nhập. Văn<br />
bản này nhấn mạnh đến tiếp cận và bình đẳng. Bằng việc khẳng định rằng trẻ khuyết tật phải được<br />
tiếp cận một cách bình đẳng với giáo dục “hội nhập”, với giáo dục phổ thông. Các cụm từ trong<br />
vản bản đã đề cập đến việc GDHN phải được đưa vào hệ thống giáo dục hiện hành.<br />
Gần 5 năm sau, Tuyên bố Salamanca và Cương lĩnh hành động về giáo dục theo nhu cầu<br />
đặc biệt đã được thông qua Tại Hội Nghị thế giới về giáo dục theo nhu cầu đặc biệt tổ chức ở<br />
Salamanca (Tây Ban Nha) từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 6 năm 1994. Đây là văn bản duy nhất mà<br />
trong đó thanh thiếu niên và trẻ em khuyết tật là trọng tâm của văn bản chứ không phải là xuất phát<br />
điểm hay sự thêm vào. Tuyên bố khẳng định sự khác biệt của con người là bình thường và vì vậy<br />
việc học tập cần được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của người lớn và trẻ em khuyết tật. Mỗi<br />
người khuyết tật có quyền bày tỏ mong muốn của họ về giáo dục ngay khi nhu cầu được xác định.<br />
Cha mẹ có quyền được tư vấn về các hình thức giáo dục phù hợp nhất với nhu cầu, hoàn cảnh và<br />
nguyện vọng của con cái họ [11]. Tuyên bố Salamanca khẳng định rằng "mọi trẻ em có những đặc<br />
điểm, sở thích, khả năng và nhu cầu học tập riêng" [11]. Vì vậy, thay vì quan điểm cho rằng các<br />
cá nhân phải điều chỉnh để thích ứng với môi trường học tập thì trong Tuyên bố yêu cầu các chính<br />
phủ phải cung cấp không chỉ các chính sách và các nguồn tài lực như trong các tuyên bố trước đây<br />
mà cần có các biện pháp để giải quyết chất lượng đảm bảo môi trường hoc tập được điều chỉnh<br />
phù hợp với nhu cầu của cá nhân. Chính sách và các chương trình cần giải quyết toàn bộ vòng đời<br />
từ thời thơ ấu đến trưởng thành và giáo dục nghề nghiệp. Trong Tuyên bố các khái niệm về GDHN<br />
<br />
60<br />
Giáo dục hoà nhập - Góc nhìn từ chính sách<br />
<br />
<br />
được xác định một cách rõ ràng. Đây được coi là văn bản xương sống của GDHN [10]. Tuyên bố<br />
định hướng cho việc ban hành chính sách và các hỗ trợ chính sách GDHN ở phạm vi quốc tế và<br />
các quốc gia.<br />
Năm 2001, ông Vicente Fox, Tổng thống Mexico, đã đưa ra một đề xuất về một quy ước<br />
cụ thể đối với quyền của người khuyết tật trong các cuộc tranh luận chung của Đại hội đồng Liên<br />
Hiệp Quốc. Một số các tuyên bố đã được đưa ra từ các hội nghị quốc tế trên thế giới nhằm hỗ trợ<br />
cho đề xuất này bao gồm Tuyên bố Bắc Kinh 12 tháng 3 năm 2000, Tuyên bố của Sapporo tháng<br />
10 năm 2002, Tuyên bố Beirut tháng năm 2003 và các Nghị quyết của người khuyết tật Alliance<br />
International tháng sáu năm 2003. Sau một loạt các cuộc họp và nhiều cuộc tranh luận, áp lực từ<br />
sự phối hợp của các tổ chức người khuyết tật, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước<br />
về Quyền của Người khuyết tật vào năm 2007. Công ước được kí kết bởi 80 quốc gia [1, 10]. Lần<br />
đầu tiên, Công ước này đã thiết lập quyền của 650 triệu người khuyết tật trên toàn thế giới. Đây là<br />
hiệp ước đầu tiên mang lại vị thế và quyền hợp pháp nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một<br />
vấn đề về quyền con người. Công ước này còn có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn đối với<br />
tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế và xác lập sự dịch chuyển<br />
từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền. Công ước gồm 50 điều [1].<br />
Nghiên cứu các văn bản pháp lí về GDHN quốc tế cho thấy tất cả các chính sách về GDHN<br />
được hình thành bởi các nhà hành động với nhiều cấp độ từ địa phương, quốc gia, hoặc toàn cầu<br />
theo các bối cảnh xã hội. Mỗi văn bản pháp lí được soạn thảo triển khai theo một mục tiêu cụ thể<br />
về cả lí thuyết và chiến lược trong một mạng lưới của các mối quan hệ quyền lực [13]. "GDHN có<br />
thể được thực hiện ở các cấp độ khác nhau, đạt được các mục tiêu khác nhau được dựa trên động<br />
cơ khác nhau và cung cấp dịch vụ trong các bối cảnh khác nhau” [12]. Tuy nhiên, các tài liệu này<br />
thường được dựa trên thực tế, đại diện cho quyền đạo đức của cộng đồng quốc tế và cung cấp cơ<br />
hội cho các phê chuẩn luật chống lại những người không thực thi theo chính sách và các văn bản<br />
hướng dẫn có liên quan.<br />
Phân tích còn cho thấy trong các văn bản pháp lí về GDHN quốc tế có sự tiến bộ hướng tới<br />
một mô hình xã hội của người khuyết tật thay vì mô hình y tế. Các văn bản pháp lí quốc tế được<br />
định hướng và điều chỉnh bởi mục tiêu cung cấp một nền giáo dục "phù hợp với tình trạng của trẻ"<br />
và một trong số đó là "hướng tới các nguồn lực sẵn có", hay chính là chuẩn bị trường học để tiếp<br />
cận với tất cả trẻ em và xây dựng một xã hội hoà nhập.<br />
<br />
2.2. Tổng quan các văn bản pháp lí về giáo dục hoà nhập ở Việt Nam<br />
Ở Việt Nam, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật<br />
đảm bảo các quyền và lợi ích như những người bình thường. Để hỗ trợ GDHN, Việt Nam đã xây<br />
dựng khung pháp lí vững vàng, thể hiện qua nhiều hình thức văn bản, các cam kết ở cấp quốc tế,<br />
khu vực và cấp địa phương trong nhiều công ước, tuyên bố và khuôn khổ khác nhau.<br />
Việt Nam đã kí tham gia Công ước Liên hiệp quốc về Quyền của Người khuyết tật<br />
(UNCRPD) ngày 22/10/2007 và thông qua Công ước này vào tháng 11 năm 2014. Đây là bước<br />
đi cần thiết để đưa Việt Nam trở thành nước thành viên của Công ước với đầy đủ quyền và nghĩa<br />
vụ thực hiện Công ước.<br />
Việt Nam cũng đã tham gia kí Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày<br />
26-1-1990 và phê chuẩn ngày 20-2-1990 theo Quyết nghị số 241/NQ-HDDNN7 của Hội đồng<br />
<br />
<br />
61<br />
Đào Thị Bích Thủy<br />
<br />
<br />
Nhà nước ngày 20-2-1990. Liên hợp quốc công nhận phê chuẩn ngày 28-2-1990.<br />
Chính phủ Việt Nam cũng cam kết triển khai Khung hành động Thiên niên kỉ Biwako hướng<br />
tới một Xã hội hoà nhập, không rào cản, vì quyền của người khuyết tật tại Châu Á - Thái Bình<br />
Dương, giai đoạn 2003 - 2012. Điều này cho thấy sự cam kết đạo đức trong việc nâng cao quyền<br />
của người khuyết tật. Đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho chính phủ và các bên liên quan tại<br />
khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về việc giải quyết các vấn đề và xây dựng kế hoạch hành động<br />
vì một xã hội hoà nhập.<br />
Việt Nam cũng đã kí kết Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Thập kỉ của Người khuyết tật tại Khu<br />
vực Châu Á - Thái Bình Dương (2013 - 2022) và Chiến lược Incheon để “Hiện thực hoá quyền”<br />
cho người khuyết tật khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.<br />
Ở cấp quốc gia, điều này được thể hiện trong Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân<br />
chủ cộng hoà năm 1946. Các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 đều quy định việc đảm bảo các<br />
quyền công dân, nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, ngược đãi. Bên cạnh đó các Bộ Luật và<br />
Luật có các quy định riêng theo từng Chương, mục hoặc một số điều dành riêng cho người khuyết<br />
tật về các chế độ chính sách, giải pháp trợ giúp và chăm sóc [3]. Các văn bản pháp lí chính gồm:<br />
Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em (2004), luật này hiện đang được sửa đổi bổ sung và dự<br />
kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2015; Luật Giáo dục (2005), đã được sửa đổi vào năm<br />
2009; đặc biệt là luật người khuyết tật được thông qua vào tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực từ<br />
ngày 1 tháng 1 năm 2011. Luật người khuyết tật nêu rõ: Người khuyết tật được nhà nước tạo điều<br />
kiện để học tập phù hợp nhu cầu và khả năng (điều 27); Đa dạng hóa các phương thức giáo dục<br />
người khuyết tật như hòa nhập, bán hòa nhập và chuyên biệt (điều 28); Trung tâm hỗ trợ phát triển<br />
GDHN là cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ giáo dục người khuyết tật (điều 31).<br />
Việc thông qua Luật Người khuyết tật và Nghị định số 28/2010/NĐ-CP ban hành hướng dẫn<br />
thi hành luật này đã dẫn đến việc ban hành một số thông tư liên tịch do nhiều bộ chịu trách nhiệm<br />
đã góp phần hỗ trợ mạnh hơn nữa quyền của trẻ khuyết tật và khả năng tiếp cận GDHN như: Thông<br />
tư liên tịch số 58 (2012) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh xã hộivà Bộ Tài<br />
chính quy định về việc thành lập và điều hành Trung tâm Hỗ trợ Phát triển GDHN,các trung tâm<br />
này sẽ cung cấp các nguồn hỗ trợ cần thiết như hỗ trợ chương trình cho giáo viên, chương trình<br />
phát hiện sớm và hỗ trợ phụ huynh học sinh; Thông tư Liên tịch số 42 (2013) quy định các chính<br />
sách giáo dục cho người khuyết tật (có hiệu lực từ tháng 3/2014) đây là một chính sách quan trọng<br />
đóng vai trò chỉ đạo việc nhập học, tuyển sinh, miễn giảm học phí và một phần nội dung chương<br />
trình, cho phép các trường yêu cầu nguồn kinh phí để hỗ trợ hoạt động GDHN cho trẻ khuyết tật.<br />
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện GDHN, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số<br />
23 (2006) là văn bản chính thức của Chính phủ Việt Nam quy định về GDHN có hiệu lực từ năm<br />
2006. Quyết định này nêu rõ các quy định cụ thể về: tổ chức, hoạt động GDHN người khuyết tật;<br />
giáo viên, giảng viên, nhân viên; người khuyết tật trongGDHN; cơ sở vật chất; thiết bị và đồ dùng<br />
dạy học trong GDHN cho người khuyết tật. Bên cạnh đó có Quyết định số 9 (năm 2007) của Bộ<br />
giáo dục đào tạo về việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục để họ có những<br />
kĩ năng cần thiết cho GDHN.<br />
Qua việc phân tích có thể thấy, tinh thần cơ bản của các văn bản pháp lí về GDHN ở Việt<br />
Nam đều khẳng định:<br />
- Quyền bình đẳng của mọi công dân Việt Nam trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn<br />
<br />
<br />
62<br />
Giáo dục hoà nhập - Góc nhìn từ chính sách<br />
<br />
<br />
hoá; khẳng định học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho<br />
các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được học văn hoá và học nghề phù hợp. Nhà nước và xã hội<br />
đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người và tạo ra phương thức giáo<br />
dục phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mọi đối tượng khó khăn.<br />
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trường, lớp dành cho người khuyết tật và đầu tư<br />
nguồn lực cho GDHN nhằm giúp các đối tượng này phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề,<br />
hoà nhập với cộng đồng. Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người khuyết<br />
tật có khó khăn về kinh tế; bảo đảm quyền của người khuyết tật tiếp cận bình đẳng đến dịch vụ y<br />
tế, giáo dục, học nghề, việc làm, chỗ ở, phương tiện giao thông, hoạt động văn hóa giải trí, hông<br />
phân biệt đối xử người khuyết tật trong việc được nhận vào trường học vì lí do khuyết tật.người<br />
khuyết tật được cung cấp các phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập [9].<br />
<br />
2.3. Ảnh hưởng của hệ thống văn bản pháp lí về GDHN quốc tế đến hệ thống<br />
văn bản pháp lí về GDHN ở Việt Nam<br />
Các văn bản pháp lí quốc tế đã có ảnh hưởng không nhỏ và góp phần quan trọng thúc đẩy,<br />
cải thiện chính sách và luật pháp về GDHN tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và<br />
ở Việt Nam nói riêng.<br />
Một minh chứng điển hình đó là: trong tổng số 30 điều khoản cơ bản của Công ước Liên hợp<br />
quốc về Quyền của người khuyết tật - Convention on Right of Persons with Disabilities (CRPD)<br />
thì có đến 25 điều khoản đã được đưa vào Luật về Người khuyết tật của Việt Nam và Kế hoạch<br />
hành động quốc gia [3]. Sự hài hòa giữa Luật và các nguyên tắc cơ bản của Công ước quyền của<br />
Người khuyết tật cho thấy chính phủ Việt Nam đang chuyển hướng từ cách tiếp cận nhân đạo trong<br />
chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật sang tiếp cận dựa trên quyền được đề cao trong Công ước liên<br />
hợp quốc về Quyền của người khuyết tật (CPRD) và được chấp nhận rộng rãi trên trường quốc tế<br />
như là một cách thức tiếp cận tốt nhất.<br />
Tuy nhiên, sự chuyển hướng này vẫn đang trong quá trình thực hiện. Điển hình là một vấn<br />
đề quan trọng như định nghĩa Người khuyết tật trong Luật về người khuyết tật của Việt Nam vẫn<br />
đang dùng khái niệm y tế thay vì các rào cản về chức năng và môi trường theo như các văn bản<br />
quốc tế, và như được đề cập trong Công ước Liên Hợp Quốc. Dưới đây là so sánh cụ thể:<br />
Công ước Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật (CPRD): người khuyết tật bao gồm<br />
những người có những khiếm khuyết lâu dài về thể chất, trí tuệ, thần kinh hoặc giác quan mà khi<br />
tương tác với các rào cản khác nhau có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ trong xã<br />
hội trên một nền tảng công bằng như những người khác trong xã hội [2, 10].<br />
Luật người khuyết tật Việt Nam: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc<br />
nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động,<br />
sinh hoạt, học tập gặp khó khăn” [2, 10].<br />
Các nội dung của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đã được biến thành những hành<br />
động cụ thể qua nhiều hoạt động vì trẻ em ở Việt Nam. Đặc biệt nó được đưa vào chương trình<br />
hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 1991 - 2000 với đầy đủ các mục tiêu cơ bản của Công ước<br />
Liên hợp quốc.<br />
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Luật phổ cập giáo dục tiểu học của Việt Nam<br />
cũng là một bước thực hiện Công ước Quyền trẻ em và Tuyên bố thế giới về quyền con người,<br />
<br />
<br />
63<br />
Đào Thị Bích Thủy<br />
<br />
<br />
trong đó quy định rõ: Mọi người có quyền về giáo dục. Bên cạnh đó Công ước còn được quán triệt<br />
và thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật có liên quan như Hiến Pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố<br />
tụng hình sự, Bộ luật Lao động.<br />
Tinh thần và định hướng của các văn bản pháp lí về GDHN quốc tế như: Công ước Liên<br />
hợp quốc về Quyền của người khuyết tật, Tuyên bố Slamanca, Công ước chống phân biệt đối xử<br />
trong giáo dục,. . . còn được cụ thể hoá trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam ở các vấn<br />
đề về tổ chức hoạt động GDHN người khuyết tật; đào tạo giáo viên, nhân viên; người khuyết tật<br />
trongGDHN; cơ sở vật chất; thiết bị và đồ dùng dạy học trong giáo dục hòa nhập. . . [9, 15].<br />
Sự khởi đầu của GDHN ở Việt Nam được hỗ trợ bởi hệ thống văn bản pháp lí cùng sự nỗ<br />
lực của ngành giáo dục và của toàn xã hội trong việc triển khai chính sách GDHN đã bước đầu đạt<br />
được những thành quả có ý nghĩa. Điều đó thể hiện ở sự gia tăng số lượng và tỉ lệ trẻ khuyết tật<br />
được tiếp cận giáo dục, sự hình thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách và phục<br />
vụ trong lĩnh vực giáo dục khuyết tật, việc hình thành hệ thống các cơ quan chỉ đạo công tác giáo<br />
dục khuyết tật từ Trung ương đến địa phương.<br />
Điều này cho thấy GDHN, ở tất cả các cấp là có thể thực hiện được tại Việt Nam như đã<br />
thực hiện ở các nước khác. Luật pháp và các chính sách quốc tế đã tạo ra hành lang pháp lí cho hệ<br />
thống GDHN ở Việt Nam [4, 6].<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Các văn bản pháp lí về GDHN dù ở phạm vi hay cấp độ nào đều hướng tới việc đảm bảo<br />
quyền “tham gia đầy đủ và hiệu quả vào xã hội” đối với người có nhu cầu đặc biệt, đảm bảo: Quyền<br />
đối với Tiếp cận giáo dục, Quyền đối với Chất lượng giáo dục và Quyền được Tôn trọng trong môi<br />
trường giáo dục.<br />
Những năm qua, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, Việt Nam đã từng<br />
bước xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến GDHN. Pháp luật Việt Nam đã cụ thể<br />
hoá pháp luật quốc tế đồng thời vận dụng phù hợp điều kiện và hoàn cảnh cụ thể trong nước. Về<br />
cơ bản các văn bản pháp lí về GDHN cuả Việt Nam đã phản ánh những nguyên tắc cốt lõi của luật<br />
pháp và các chính sách quốc tế về đảm bảo quyền “tham gia đầy đủ và hiệu quả vào xã hội” đối<br />
với người có nhu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều khó khăn thử thách phải đối mặt<br />
trước khi có thể phát triển và thực thi được một hệ thống GDHN. Chính sách phúc lợi xã hội nói<br />
chung và các cách tiếp cận về bảo vệ trẻ em nói riêng thường được mô tả như là một hoạt động “từ<br />
thiện” hơn là cách tiếp cận dựa trên các quyền của con người, và việc cung cấp các hỗ trợ xã hội<br />
cho những nhóm dễ bị tổn thương phần lớn dựa vào các nỗ lực hỗ trợ tự nguyện và vào các tổ chức<br />
phi lợi nhuận, hơn là đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp được trả lương và được đào tạo. Mặc dù các<br />
tổ chức quần chúng, chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện đã có những nỗ lực đáng kể<br />
trong việc chăm sóc, phục hồi và hòa nhập những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng dường như<br />
vẫn còn thiếu một hệ thống chuyên nghiệp có thể đảm bảo có được sự hưởng ứng thích hợp trong<br />
mọi trường hợp. Để cải thiện tình trạng này Việt Nam cần thúc đẩy việc ban hành văn bản pháp lí<br />
dựa trên bằng chứng, thúc đẩy cách tiếp cận liên ngành và lồng ghép trong thực hiện chính sách<br />
GDHN.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
64<br />
Giáo dục hoà nhập - Góc nhìn từ chính sách<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Vũ Ngọc Bình, 2001. Quyền con người và người tàn tật. NXB Lao động-Xã hội.<br />
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013. Báo cáo quốc gia về kết quả khảo sát hệ thống trợ giúp người<br />
khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.<br />
[3] Bộ Giáo duc và Đào tạo, 2007. Quản lí giáo dục hoà nhập, Nxb Phụ nữ.<br />
[4] Bộ lao động thương binh xã hội, UNICEF, 2009. Xây dựng môi trường bảo vệ trẻ em Việt<br />
Nam: Đánh giá pháp luật và chính sách bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc<br />
biệt ở Việt Nam. Nxb Văn hóa - Thông tin.<br />
[5] Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, 1992. Nxb Chính trị Quốc Gia<br />
[6] Eric Rosenthal và UNICEF, 2009. Quyền của trẻ em khuyết tật tại Việt Nam: Đưa Luật pháp<br />
của Việt Nam phù hợp với Công ước liên hiệp quốc và Quyền của người khuyết tật. Nxb Hồng<br />
Đức.<br />
[7] Fulcher, G, 1999. Disabling policies? A comparative approach to education and disability.<br />
Sheffield, UK: Amstrong.<br />
[8] Ian và Stuart Woodcock, 2015. Inclusive education policies: discourses of difference,<br />
diversity and defict. International Journal of Inclusive Eucation, Vol. 19, No. 2, pp 141-164.<br />
[9] Nguyễn Thị Quý Sửu, Vài nét về chính sách phát triển giáo dục người khuyết tật.<br />
nccd@molisa.gov.vn, nccd@fpt.vn.<br />
[10] Susan I.Peters, A hisotrical Analysis of International Inclusive Education Policy and<br />
Individuals with disabilities, Education for All. Journal of disability policy studies Vol<br />
18/No.2/2007/pp. 98-108<br />
[11] Tuyên bố Salamanca và Cương lĩnh hành động về giáo dục theo nhu cầu đặc biệt, Hội Nghị<br />
thế giới về giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt: khả năng tiếp cận và chất lượng, Salamanca,<br />
Tây Ban Nha, 1994 (2002). Nxb Chính trị Quốc Gia.<br />
[12] Tallinn Guidelines for Action on Human Resources Development. Retrieved from<br />
http://www.un.org/documents/ga/res/44/a44r070.htm<br />
[13] UNESCO, 1994. The Salamanca Statement and Framework for Action on Special Needs<br />
Education. Paris: UNESCO. Retrieved from UNESCO website. http://www.unesco.org/<br />
education/pdf/SALAMA_E.PDF<br />
[14] UNESCO, 2009. Policy Guidelines on Inclusive Education. Paris: UNESCO<br />
[15] Nguyễn Thị Hoàng Yến, 2012. Lịch sử về vấn đề người khuyết tật và những vấn đề liên quan<br />
đến thuật ngữ. Hội thảo Việt Nhật, tr. 121-154.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
Inclusive education - Viewpoints of policy<br />
The article analyzes aspects of UNESCO International’s Inclusive Education policy and<br />
some of Vietnam’s policies. It was found that Vietnam’s inclusive education policies incorporated<br />
international policies while applying practices which are appropriate to local conditions and<br />
specific circumstances in the country. The analysis suggests that the inclusive education policies of<br />
Vietnam reflect the core principles of Vietnamese law and international policy to ensure the right<br />
of people with special needs "to participate fully and effectively in society" ensuring the right to<br />
access Education, the right to quality education and the right to respect in an educational setting.<br />
Keywords: Inclusive education, inclusive education policy and education for all.<br />
<br />
65<br />