intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: Xu hướng trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

22
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: Xu hướng trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam đề cập đến vấn đề giáo dục hòa nhập và tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non. Trên cơ sở những nghiên cứu lí luận tổng quan về tích hợp chương trình giáo dục hòa nhập trên thế giới, đề xuất bài học và khuyến nghị cho đào tạo giáo viên mầm non trong thực tiễn.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: Xu hướng trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0098 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 4A, pp. 110-119 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn TÍCH HỢP GIÁO DỤC HÒA NHẬP TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON: XU HƯỚNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM Hoàng Thị Nho1* và Nguyễn Thị Cẩm Bích2 1 Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội 2 Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Tóm tắt. Chương trình giáo dục là một trong những yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục, đáp ứng mục tiêu giáo dục. Một chương trình giáo dục có tính hòa nhập là chương trình giáo dục cho tất cả trẻ em, bao gồm giới tính và dân tộc, sự đa dạng về khả năng và nhu cầu học tập, cấu trúc và giá trị gia đình, tình trạng kinh tế xã hội và tôn giáo. Bài viết này đề cập đến vấn đề giáo dục hòa nhập và tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non. Trên cơ sở những nghiên cứu lí luận tổng quan về tích hợp chương trình giáo dục hòa nhập trên thế giới, đề xuất bài học và khuyến nghị cho đào tạo giáo viên mầm non trong thực tiễn. Từ khóa: giáo dục mầm non, giáo dục hòa nhập, quyền tham gia, tiếp cận đa văn hóa. 1. Mở đầu Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi. Mục tiêu chung của GDMN là: GDMN nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. (Điều 23 – Luật Giáo dục, 2019). Trong đó, Chương trình GDMN là một trong những yếu tố đảm bảo thực hiện mục tiêu chung mà Luật Giáo dục đã đề ra [1]. Nâng cao chất lượng GDMN là một trong những khuyến nghị để các quốc gia đóng góp vào hỗ trợ công bằng, ngăn ngừa thất bại học đường và mang lại lợi ích cho những người học có hoàn cảnh khó khăn (OECD, 2012b). GDMN được hướng dẫn theo khung các mục tiêu chung kết hợp giữa giáo dục và sức khỏe trẻ em ở giai đoạn giáo dục đầu tiên trong cuộc đời trẻ. Theo UNESCO (2005), GDMN đề cập đến một loạt các chương trình, tất cả đều tập trung vào sự phát triển thể chất, nhận thức và giao tiếp xã hội của trẻ trước khi các em đến trường tiểu học, từ khi sinh ra cho đến khi, 7 tuổi hoặc tám tuổi (ở 1 số quốc gia) [2]. Đầu tư vào các dịch vụ mầm non có tác động tích cực đến giáo dục, xã hội và các lĩnh vực kinh tế và lợi ích là cao nhất cho những người gặp bất lợi (UNICEF, 2012a). Các dịch vụ thực hiện giáo dục hòa nhập (GDHN) ở nhiều nước OECD phụ thuộc vào các cơ sở GDMN. Việc phân bổ các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDMN và đặc biệt để thúc đẩy quyền tiếp cận cho những người thuộc gia đình yếu thế đã được chứng minh là tiết kiệm chi phí (OECD, 2012b). Trên khắp các nước thuộc OECD, tỉ lệ trẻ ba tuổi nhập học vào các cơ sở GDMN đã tăng lên. Vì vậy, các quốc gia hiện phải đối mặt với những thách thức mới: đảm bảo mức độ bao phủ cho tất cả trẻ em và chất lượng của GDMN [2]. Ngày nhận bài: 2/8/2022. Ngày sửa bài: 22/8/2022. Ngày nhận đăng: 10/9/2022. Tác giả liên hệ: Hoàng Thị Nho. Địa chỉ e-mail: htnho@vnu.edu.vn 110
  2. Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: xu hướng trên thế giới… Các điều khoản của GDMN (OECD, 2015b, trang 47) cho thấy các nước OECD đã áp dụng các biện pháp để giải quyết những thách thức mới này. Các giải pháp bao gồm việc đưa ra các chiến lược chung về GDMN, cải thiện chất lượng của chương trình giảng dạy và xác định nhu cầu học tập thông qua đánh giá. Kết luận của Hội nghị Quốc tế về Giáo dục năm 2008 kêu gọi phát triển các chương trình GDMN hòa nhập và đầu tư nhiều hơn cho phát hiện sớm và can thiệp (UNESCO-IBE, 2008). Chương trình GDMN Việt Nam hiện nay được ban hành theo Thông tư số 17/2009/TT- BGDĐT ngày 25/07/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chương trình được sửa đổi, bổ sung hai lần (theo thông tư 28/2016/TT-BGDĐT 30/12/2016; thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020) và được hợp nhất tại Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/04/2021. [1]. Một trong những quan điểm khi xây dựng Chương trình GDMN chính là “Chương trình đảm bảo đáp ứng với sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ” . Chương trình GDMN là chương trình khung, gồm những nội dung cơ bản, cốt lõi, làm cơ sở cho việc lựa chọn những nội dung giáo dục cụ thể phù hợp với kinh nghiệm sống, khả năng của trẻ và thực tế của từng địa phương, vùng miền. Chính vì vậy, tích hợp các yếu tố trong Chương trình sao cho đảm bảo đáp ứng với sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu [3]. Bài viết tập trung làm rõ quan điểm tiếp cận, thực hiện triển khai tích hợp GDHN trong Chương trình GDMN ở các nước và những bài học kinh nghiệm khi triển khai tích hợp GDHN trong Chương trình GDMN ở Việt Nam. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Giáo dục hòa nhập lứa tuổi mầm non Thuật ngữ “Giáo dục hoà nhập” ngày càng được sử dụng phổ biến trong các tài liệu xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng. Hoà nhập là khái niệm tương đối mới ở Hoa Kỳ, được sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ XX. Khái niệm này dần được sử dụng nhiều hơn trong các tuyên ngôn của Liên hợp quốc chỉ một khái niệm linh hoạt để biểu đạt quan điểm “quây quần lại chúng ta sẽ tốt hơn lên”. Giáo dục hoà nhập được phân biệt với “trường hoà nhập” nhằm tránh nguy cơ hiểu giáo dục hoà nhập chỉ diễn ra và thực hiện ở nhà trường [4]. Theo Tony Booth và Mel Ainscow: Giáo dục hoà nhập được hiểu là giáo dục cho tất cả mọi trẻ, xây dựng môi trường giáo dục hoà nhập không chỉ là phương hướng hoàn thiện nhà trường theo các giá trị hoà nhập mà còn xây dựng các mối quan hệ hợp tác, cải thiện tốt hơn môi trường dạy và học hoà nhập [5]. Hội nghị quốc tế các Bộ trưởng Giáo dục thế giới (27-28/11/2008) tại Geneve, Thụy Sỹ, với tiêu đề “Giáo dục hoà nhập: Con đường của tương lai”, trong đó đã khẳng định:“Giáo dục hoà nhập là phương thức đảm bảo cơ hội học tập cho mọi trẻ em, đảm bảo cho sự phát triển đầy đủ tiềm năng, phẩm giá và giá trị của mọi người học và tăng cường sự tôn trọng nhân quyền, quyền tự do cơ bản và tính đa dạng của mỗi người học”. Khái niệm giáo dục hòa nhập đã được mở rộng theo hướng “giáo dục cho mọi đối tượng trẻ em” (hay giáo dục cho mọi người - Education For All - EFA) - “Giáo dục hòa nhập hỗ trợ mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học, phù hợp tại trường học nơi trẻ sinh sống, nhằm chuẩn bị cho các em trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội”. Đây là phương thức giáo dục mang tính nhân văn [4]. Điều 15. Luật Giáo dục năm 2019, xác định Giáo dục hòa nhập như sau: (1). Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử; (2). Nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa nhập cho người học là trẻ em có hoàn 111
  3. Hoàng Thị Nho* và Nguyễn Thị Cẩm Bích cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và quy định khác của pháp luật có liên quan. Giáo dục hòa nhập cho trẻ lứa tuổi mầm non là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học là trẻ em từ 0- 6 tuổi; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử. Định nghĩa giáo dục hòa nhập cho trẻ mầm non thể hiện các giá trị, các chính sách và thực tiễn hỗ trợ quyền mọi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và gia đình của trẻ, bất kể khả năng thế nào, đều có thể tham gia vào các hoạt động và bối cảnh với tư cách là thành viên đầy đủ của gia đình, cộng đồng và xã hội. Kết quả mong muốn trải nghiệm hòa nhập cho trẻ em với gia đình của trẻ là có cảm giác thân thuộc và là thành viên, tích cực trong tình bạn, học tập, các mối quan hệ xã hội để phát huy hết tiềm năng của trẻ. Các đặc điểm này bao gồm việc trẻ và gia đình trẻ có thể được sử dụng để xác định các chương trình và dịch vụ mầm non chất lượng cao là quyền truy cập, tham gia và hỗ trợ [7]. 2.2. Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non Trong GDMN, tích hợp là một cách tiếp cận, trong đó các quá trình giáo dục được xâm nhập đan xen nhau tạo thành một thể thống nhất, tác động đồng bộ đến trẻ trong một chỉnh thể toàn vẹn, kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ, nhờ đó hiệu quả giáo dục được nhân lên. Tiếp cận tích hợp luôn kết hợp với tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm, nó đòi hỏi mọi hoạt động sư phạm của nhà giáo dục đều phải lấy sự phát triển toàn diện của trẻ em làm mục đích, tạo điều kiện cho mỗi trẻ được hoạt động tích cực phù hợp với sự phát triển của trẻ, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của mọi đối tượng trẻ trong quá trình chăm sóc giáo dục. Các chương trình phát triển GDMN nằm trong những hoạt động đáp ứng quyền được giáo dục của trẻ em. Những hoạt động này có thể là các chương trình trước khi đi học bao gồm cả việc trao quyền và giáo dục các vấn đề chăm sóc nuôi dạy trẻ cho bố mẹ và người chăm sóc. Những kinh nghiệm của trẻ nhỏ trong những năm đầu đời đã bắt đầu từ trước khi trẻ bắt đầu đi học đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc học tập sau này [7]. Thách thức đối với một chương trình giáo dục, đặc biệt là chương trình quốc gia cần thiết lập các hệ thống và quy trình có tính đến lứa tuổi, sự đa dạng về khả năng và nhu cầu học tập, bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ của trẻ em,... sao cho có thể đảm bảo rằng, với khung chương trình này, các địa phương, các cơ sở giáo dục có thể áp dụng linh hoạt với điều kiện thực tế để tất cả trẻ em trong các nhóm lớp đều được bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục và giáo dục có chất lượng. Khi đề cập đến GDMN hòa nhập, là đề cập đến các chương trình được thiết kế cho trẻ em và gia đình từ nhiều nền tảng khác nhau. Một chương trình có thể phục vụ các gia đình đa dạng, nhưng không thực sự bao gồm; có thể có các gia đình từ các hoàn cảnh khác nhau trong chương trình, nhưng các gia đình và trẻ có cảm thấy được chào đón không? Nhà trường có đang buộc họ phải thích ứng với một chương trình không được thiết kế cho họ hoặc không tính đến bối cảnh xã hội, văn hóa của gia đình trẻ không? Như vậy, Tích hợp GDHN trong chương trình GDMN là cách thiết kế một chương trình mầm non có ý nghĩa từ không gian vật chất đến cách tương tác với trẻ em và gia đình nhằm giúp tất cả trẻ em cần được tham gia đầy đủ vào môi trường GDMN [8, 9]. Các đặc điểm xác định của hòa nhập có thể được sử dụng để xác định các chương trình và chất lượng hỗ trợ cho trẻ mầm non tốt là: (+) Quyền tiếp cận: cung cấp quyền tiếp cận nhiều cơ hội học tập, hoạt động, hòa nhâp vào môi trường học tập; 112
  4. Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: xu hướng trên thế giới… (+) Quyền tham gia: ngay cả khi các môi trường và chương trình được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, một số trẻ em sẽ cần thêm các tiện nghi và hỗ trợ dành riêng cho từng cá nhân để tham gia đầy đủ vào các hoạt động vui chơi và học tập cùng bạn bè và người lớn. 2.3. Xu hướng quốc tế về tích hợp giáo dục hòa nhập trong Chương trình Giáo dục mầm non 2.3.1 Tất cả trẻ có quyền được tham gia hệ thống giáo dục chính thống Tích hợp GDHN trong GDMN đã được liên kết với các thuật ngữ khác nhau mà Devarakonda tóm tắt là: Đa dạng, xóa bỏ rào cản, cơ hội bình đẳng, tôn trọng, tôn trọng sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu, các quá trình học tập luôn diễn ra, vượt qua sự loại trừ, tiếp cận tốt hơn và ngày một tham gia hơn. Các cá nhân khác nhau ở nhiều khía cạnh và sự hòa nhập cho mỗi trẻ có thể có ý nghĩa khác nhau (2013, tr. 7). Nutbrown và cộng sự đã làm rõ việc cần thực hiện “hành động hơn là chỉ tập trung vào khái niệm” (2013, tr. 3–4) và để đảm bảo hòa nhập là ở "trạng thái thuộc về". Trong đó, gia đình và nhà trường liên tục làm việc với những điều tích cực và để đối mặt các nhân tố thách thức khác nhau. Tất cả trẻ em đều có quyền được tham gia vào hệ thống giáo dục chính thống. Việc thực hiện hòa nhập trải qua một quá trình liên tục nhằm phá bỏ các rào cản để trẻ được tham gia (Tedam, 2013) [8]. Tất cả trẻ em đều có quyền được tham gia vào hệ thống giáo dục chính thống. Tính đa dạng được khuyến khích trong một môi trường hòa nhập – mà nhằm mục đích trở thành một trải nghiệm toàn diện cho tất cả trẻ em trong giai đoạn giáo dục đầu tiên. Những thách thức trong việc thực hiện giáo dục có ý nghĩa có thể là do thực tế rằng hòa nhập là một vấn đề phức tạp và phụ thuộc vào bối cảnh. Giáo dục hòa nhập tuân theo một quá trình lịch sử và thực hành công cụ văn hóa khác nhau. 2.3.2. Tiếp cận chương trình mầm non có chất lượng và lấy trẻ làm trung tâm Với các mục tiêu có thể khác nhau của các bên liên quan, chất lượng GDMN sẽ được đo lường như thế nào? Mạng lưới OECD về GDMN (2013c) và Nhóm công tác chuyên đề về GDMN (Ủy ban Châu Âu, 2014) đã xác định ba cách để đảm bảo chất lượng của các dịch vụ GDMN. Đó là: tính trúc, chất lượng của quá trình GDMN và chất lượng của kết quả GDMN [9]. Tính cấu trúc đề cập đến cách mà tổng thể hệ thống GDMN đã được thiết kế và tổ chức, bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến việc công nhận và phê duyệt của từng tiêu chuẩn trong GDMN. Các tiêu chuẩn được áp dụng là: − Tiếp cận toàn diện các dịch vụ chất lượng; − Nhân viên, giáo viên có năng lực và được hỗ trợ; − Thiết kế chương trình giảng dạy có chất lượng; − Môi trường vật chất chất lượng; − Đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe và an toàn chất lượng; − Lãnh đạo và quản lí chất lượng - bao gồm giám sát và đánh giá. Chất lượng của quá trình GDMN đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến các hoạt động diễn ra hàng ngày của các cơ sở GDMN và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của chương trình giáo dục mà mỗi đứa trẻ trải qua. Bao gồm: − Chất lượng của các tương tác và mối quan hệ giữa trẻ em và nhân viên, giáo viên khi thực hiện chương trình GDMN; − Thực hiện có chất lượng các chương trình giảng dạy hòa nhập, hỗ trợ sức khỏe của tất cả trẻ em, học tập và phát triển tích cực; − Kết nối hợp tác toàn diện với gia đình và cộng đồng. Chất lượng của kết quả GDMN đề cập đến những lợi ích mà trẻ em, gia đình và xã hội nhận 113
  5. Hoàng Thị Nho* và Nguyễn Thị Cẩm Bích được từ GDMN. Các kết quả dài hạn đã được đánh giá bằng cách liên hệ các kinh nghiệm GDMN với thành tích ở trường học cấp tiểu học và trung học, cũng như việc đi học sớm và tỉ lệ việc làm (ví dụ, tham khảo Ủy ban Châu Âu / EACEA / Eurydice / Eurostat, 2014). Dự án IECE tập trung vào các tác động ngắn hạn đối với trẻ em nhằm phát triển hạnh phúc, tình cảm, xã hội, đạo đức, tinh thần và thể chất và học tập trong giai đoạn GDMN [6], [7]. Nghiên cứu hiện tại, giống như nghiên cứu của Nhóm công tác chuyên về GDMN xác định quan điểm “lấy trẻ vào trung tâm và từ những phản hồi của các em” (Ủy ban Châu Âu, 2014, trang 4). Mặc dù vậy, khái niệm về chất lượng GDMN có thể khác nhau, vì nó dựa trên các bên liên quan khác nhau với quan điểm về "cách trẻ em nên học tập và lớn lên trong xã hội" (sđd, tr. 7). Nghiên cứu này đồng tình quan điểm nhìn nhận về trẻ là: “...Trẻ em có khả năng, thích phiêu lưu và học tập tích cực, trẻ được hưởng lợi từ kết hợp giữa học tập, chăm sóc và vui chơi. Trẻ em được coi là những người tham gia tích cực vào việc học tập của các em và là trung tâm của quá trình giáo dục và chăm sóc. Trẻ em có vai trò tích cực trong việc định hình việc học của chính các em”. Quan điểm này chỉ ra rõ ràng rằng trẻ em là duy nhất và trẻ có các nhu cầu khác nhau về tình cảm, thể chất, xã hội nhận thức cần được công nhận. Quan điểm như vậy có lẽ dễ dàng phù hợp hơn với một mô hình sinh thái về sự phát triển của trẻ em (Bronfenbrenner và Ceci, 1994) đôi khi cũng được sử dụng trong nghiên cứu GDMN chất lượng (Odom và cộng sự, 2004) [9], [10]. Những ảnh hưởng này phát sinh từ sự tương tác của trẻ và mối quan hệ qua lại giữa trẻ và hệ thống bao quanh họ trong trường học/gia đình, cộng đồng và khu vực/quốc gia - được gọi là các hệ thống vi mô, trung gian, ngoại vi và vĩ mô - trong đó chúng hoạt động và phát triển. Odom và cộng sự. đã sử dụng mô hình để xem xét các báo cáo. Đầu tiên, các nghiên cứu tập trung vào “kết quả và các yếu tố liên quan đến các đặc điểm và khuyết tật khác nhau của trẻ em (hệ sinh thái)” (2004, trang 19). Sau đó, các nghiên cứu cũng xem xét đến các cấp độ khác nhau của hệ sinh thái: lớp học mẫu giáo như một hệ thống vi mô, tương tác giữa những người tham gia (gia đình và các thành viên, các nhóm hợp tác) bên ngoài lớp mẫu giáo với tư cách là hệ thống trung gian,ảnh hưởng từ bên ngoài hệ thống vi mô - chẳng hạn như các quyết định chính sách xã hội - như hệ thống ngoại vi, và các giá trị văn hóa và xã hội và nhân khẩu học dân số là hệ thống vĩ mô. Odom (2004) và cộng sự xem xét sự phát triển của các chương trình theo thời gian và các kết quả lâu dài cho trẻ em là hệ thống sinh thái và nhận thấy rằng “Với số lượng nghiên cứu nhỏ về trường mầm non bao gồm ở cấp độ hệ thống vĩ mô, rất ít ví dụ về nghiên cứu có sẵn”. Thực tế quan sát thấy rằng, các nghiên cứu như vậy sử dụng quan điểm sinh thái chỉ chú trọng vào lớp học đã hạn chế trọng tâm của ảnh hưởng sinh thái đến ‘hệ thống vi mô được đại diện bởi mẹ /cha mẹ/gia đình và môi trường GDMN '(Fenech, 2011, trang 112) [9], [10]. Cha mẹ trẻ đã không được xem xét đầy đủ trong tác động của các hệ thống rộng lớn hơn ở cộng đồng và khu vực hoặc chính sách quốc gia. Một thách thức phải đối mặt với các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các nhà thực hành là làm thế nào để giữ quan điểm của đứa trẻ ở trung tâm trong một mô hình sinh thái. Cũng cần phải nghiên cứu sự đa dạng về quan điểm về sự phát triển của trẻ em mà các bên liên quan khác nhau ở các quốc gia và những điều này liên quan như thế nào đến chính sách và thực tiễn, đặc biệt là liên quan đến chính sách GDHN và thực hành. 2.3.3. Sử dụng cách tiếp cận đáp ứng đa văn hóa Đội ngũ giáo viên có trình độ giúp trẻ có thể hòa nhập tốt hơn theo một cách khác: Giáo viên có thể đồng cảm với văn hóa của gia đình và trẻ em, nơi mà trẻ em xuất thân. Có nhiều bài học đã được đề cập về áp dụng cách tiếp cận đáp ứng văn hóa thông qua sự đánh giá cao và tôn trọng nền tảng văn hóa của trẻ em và gia đình. Điều này nhằm đảm bảo trẻ cảm thấy trường mầm non như ở 114
  6. Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: xu hướng trên thế giới… nhà, trường mầm non hòa nhập cần thực hiện tôn trọng sự đa dạng của trẻ về tôn giáo, dân tộc, ngôn ngữ và nhu cầu đặc biệt hàng ngày. Trường mầm non hòa nhập còn gặp thách thức trong điều chỉnh chương trình cá nhân theo nhu cầu khác nhau của trẻ, chẳng hạn như trẻ em của người nhập cư, di dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về mặt xã hội và trẻ em từ các gia đình nhận nuôi hoặc từ các trại chăm sóc trẻ. (Slovenia). Trường mầm non cũng là nơi tiếp nhận trẻ em từ các dân tộc, xã hội và văn hóa đa dạng đến học tập… Trong số đó, nhiều trẻ em không có ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ. Ví dụ, ở Botkyrka là một đô thị ở khu vực ngoại ô của Stockholm với hầu hết các 90.000 dân. Trong số này, 56% hoặc sinh ra bên ngoài Thụy Điển (39,8%) hoặc có hai cha mẹ được sinh ra bên ngoài Thụy Điển. … Khoảng 100 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng trong thành phố. … Botkyrka, Thụy Điển cũng có một số lượng lớn dân cư có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế - xã hội.. Với những trẻ em này, Thụy Điển và một số nước đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đi kèm với sự công nhận về nguồn gốc gia đình và trẻ em, đảm bảo rằng trẻ em và gia đình thuộc các nhóm thiểu số hoặc yếu thế được tham gia để cảm thấy mình là thành viên đầy đủ của môi trường học tập [10] 2.3.4. Khuyến khích sự đa dạng trong thành phần cán bộ, nhân viên Các trường mầm non đã đề cập đến mục đích đánh giá người học như nhau thông qua những nỗ lực có chủ đích để có được sự đa dạng về giới tính, sắc tộc và ngôn ngữ giữa các giáo viên, nhân viên. Đây là một cách để tăng cường sự hiểu biết và trao quyền cho các trẻ em và gia đình. Trường mầm non có thành phần giáo viên, nhân viên đặc biệt đa dạng so với các trường mầm non khác… Cả nam giới và phụ nữ đều có việc làm hoặc có thể sử dụng giáo viên là người dân tộc thiểu số. Các giáo viên, nhân viên nói được nhiều thứ tiếng ngôn ngữ khác nhau. (Iceland). Bối cảnh làm việc để phản ánh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng trong các sự kiện và để xác định và tôn vinh các khía cạnh văn hóa đặc biệt. (Vương quốc Anh - xứ Wales). 2.3.5. Phát triển sự hợp tác và chia sẻ trách nhiệm Làm việc hợp tác nhóm như một yếu tố chính để đoàn kết nhóm khi thực hiện các mục tiêu chung (Tây Ban Nha). Một trong những mục tiêu của cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên là phát triển GDMN dựa trên tinh thần hợp tác chuyên nghiệp và thúc đẩy trách nhiệm chung giữa tất cả nhân viên trong việc chăm sóc và giáo dục tất cả trẻ em. Nhiều chuyên gia làm việc cùng nhau chẳng hạn như giáo viên mầm non, các nhà giáo dục và trợ lí… Lực lượng lao động có kế hoạch ngày, nhân viên các cuộc họp, cuộc họp bộ phận và cuộc họp thông tin hàng ngày. Tất cả các bộ phận có một cuộc họp lập kế hoạch hàng tuần để phân chia trách nhiệm. (Iceland) [10] Có một số ví dụ về việc thiết lập các cấu trúc có chủ ý để đảm bảo sự cộng tác và chia sẻ kiến thức chuyên môn của các giáo viên và nhân viên khác: Công việc của giáo viên nhấn mạnh đến sự hợp tác với phụ huynh, các nhà giáo dục của nhóm trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày, cấp trên, nhà trị liệu cho trẻ em và giáo viên tương lai (Phần Lan) [10]. Bối cảnh có tính đến việc đáp ứng sự đa dạng văn hóa, nhân viên và phụ huynh đã được hỗ trợ để học Ngôn ngữ ký hiệu của Anh để đảm bảo rằng các gia đình có trẻ khiếm thính có thể được bao gồm đầy đủ không chỉ ở trung tâm mà còn ở cộng đồng rộng lớn hơn… Các gia đình được khuyến khích chia sẻ văn hóa của họ và ngôn ngữ ở trường học, tôn vinh sự đa dạng và phong phú của chương trình giảng dạy. (Vương quốc Anh - Scotland) [10]. Thúc đẩy sự tham gia tích cực của cha mẹ, vì chương trình GDMN là không bắt buộc, nên việc đảm bảo trẻ em được tiếp cận với cung cấp chương trình GDMN thường gắn liền với việc chủ động tìm kiếm sự tham gia của phụ huynh. Trường mầm non cần hỗ trợ phụ huynh ngay cả trước khi đứa trẻ được ghi danh. Giáo viên, nhân viên trường mầm non cần liên hệ với cộng đồng và khuyến khích cha mẹ cho con đi học mầm non: Trung tâm/trường mầm non cần được 115
  7. Hoàng Thị Nho* và Nguyễn Thị Cẩm Bích cộng đồng địa phương biết đến và khuyến khích gắn bó với gia đình ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Những ứng dụng khác nhau giúp tiếp cận với cộng đồng và sự tham gia của cha mẹ/ cộng đồng vào chương trình tích cực hơn. Điều này hỗ trợ nhà trường tiếp cận với trẻ và gia đình để quá trình học tập và chuyển tiếp chăm sóc trẻ em từ sớm, và đảm bảo các gia đình có sự hỗ trợ trong khoảng thời gian tạm thời (Vương quốc Anh - Scotland). Hợp tác với gia đình cần phải bắt đầu ngay cả trước khi một đứa trẻ bắt đầu đi học. Lúc đầu, các nhà giáo dục gặp gia đình tại nhà của trẻ… “Nếu có thể, nên có một giáo viên giáo dục đặc biệt cùng tham gia trong buổi gặp. Chương trình giáo dục đặc biệt thời thơ ấu của con họ là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của cha mẹ trẻ và cần được tổ chức theo cách 'bình thường”. (Phần Lan). Sự tham gia của cha mẹ vào quá trình can thiệp mạnh mẽ hơn nhiều so với việc chỉ làm việc với đứa trẻ (Raver và Childress, 2014) [10]. Gia đình là chìa khóa quan trọng trong việc thực hiện hòa nhập thành công trong lớp học và trong giảng dạy trẻ em để coi trọng sự khác biệt của cá nhân (Stivers và cộng sự, 2008). Salend (2004) chỉ ra rằng giáo viên có thể giúp các gia đình có các chiến lược khác nhau để giao tiếp với trẻ emvề sự khác biệt cá nhân giữa họ và đồng nghiệp của họ. Ví dụ, họ có thể phê phán những định kiến tiêu cực, sử dụng sách dành cho trẻ em hoặc tài nguyên internet về trẻ em có nhu cầu đặc biệt, giải quyết các hành vi không phù hợp và cảm giác bị tổn thương, sử dụng những người lớn có nhu cầu đặc biệt như 1 nguồn lực, giải quyết các vấn đề về khả năng tiếp cận và dạy cách giao tiếp thay thế. Các học giả khuyến nghị các gia đình nhận thông tin về quyền trẻ em và giáo dục hòa nhập. Cha mẹ nên được thông báo đầy đủ về các tùy chọn khác nhau có sẵn và được trao quyền để đưa ra những quyết định phù hợp nhất cho con cái của họ. Các thông tin cần được cung cấp ở các cấp khác nhau (chính sách, hành chính, nhân viên trường học, Các tổ chức phi chính phủ). Odom và Wolery (2003) nhấn mạnh rằng gia đình là bối cảnh chính, nơi trẻ em học. Các gia đình phải tham gia vào thực hành chăm sóc giáo dục trẻ và cần được hỗ trợ từ các GVMN thông qua các chương trình tập huấn, hướng dẫn cha mẹ. 2.4. Bài học kinh nghiệm về tích hợp giáo dục hòa nhập trong Chương trình giáo dục mầm non ở Việt Nam 2.4.1. Đảm bảo quyền tham gia và thực hiện tiếp cận đa văn hóa trong tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng sự đa dạng của trẻ Chương trình GDMN là căn cứ để triển khai và chỉ đạo công tác chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN trong cả nước, đồng thời là căn cứ để đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình GDMN có chất lượng. Chương trình GDMN cần đảm bảo rằng tất cả trẻ em sẽ được trao quyền để học cùng và bên cạnh những người khác bằng cách tham gia vào các trải nghiệm có ý nghĩa đối với chúng. Điều này đòi hỏi chương trình phải đáp ứng với các điểm mạnh, sở thích, khả năng và nhu cầu của từng trẻ và đôi khi cung cấp cho các em những hỗ trợ bổ sung liên quan đến học tập, hành vi, phát triển hoặc giao tiếp. Việc thực hành đáp ứng văn hóa sẽ đáp ứng giảng dạy theo nhu cầu cá nhân của trẻ em đa dạng về văn hóa, dân tộc và ngôn ngữ và nhu cầu cá nhân của mỗi trẻ .Trong những năm gần đây, giáo viên đã quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đa văn hóa, với quan điểm cho rằng các cách tiếp cận này giúp trẻ em cảm thấy được chào đón, được xác nhận, được tham gia tích cực hơn, và có thể hợp tác với những người khác trong lớp học. Cần chú trọng đến sự tích hợp của thực hành đánh giá và chương trình giáo dục để vận dụng trong dạy học cho trẻ. GVMN thực hiện chương trình phải tìm hiểu về khả năng và sở thích cá nhân của từng trẻ em trong chương trình, sau đó tìm cách lập kế hoạch và thực hiện một chương trình giảng dạy 116
  8. Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: xu hướng trên thế giới… dựa trên nhu cầu của từng trẻ và sở thích. Ví dụ, giáo viên/cán bộ phụ trách có thể đến thăm gia đình trẻ để tìm hiểu về trẻ, quan sát cách cha mẹ tương tác với con mình, và bắt đầu thảo luận với gia đình về mong đợi đối với đứa trẻ, từ đó thống nhất được các mục tiêu giáo dục trẻ. GVMN cũng cần tìm kiếm thông tin từ các gia đình và các thành viên hiểu biết của cộng đồng để đóng góp ý kiến vào việc trang bị cho lớp học để phản ánh văn hóa và ngôn ngữ theo cách tôn trọng trẻ và gia đình trẻ. Có thể sử dụng nhiều hình ảnh đại diện cho tất cả trẻ em, gia đình trong nhà trường. Ngoài ra, các nhà trường và giáo viên cần tạo cơ hội tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm về văn hóa cho trẻ như tham gia kỷ niệm các ngày lễ, tìm hiểu về quần áo, thực phẩm, âm nhạc, nơi trẻ sinh sống… 2.4.2. Dạy học lấy trẻ làm trung tâm và đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non Dạy học lấy trẻ làm trung tâm là hướng các hoạt động đáp ứng nhu cầu của trẻ, tôn trọng sở thích, điểm mạnh của mỗi trẻ. Đối với đứa trẻ, chơi và trò chơi về cơ bản là về quyền tự quyết, quyền tự chủ và sự kiểm soát. Khi chơi, trẻ em chủ động khám phá sức mạnh xã hội và thể chất của mình, trong mối quan hệ với thế giới và với những trẻ khác. Khi trẻ tham gia cùng với các bạn trong bối cảnh xã hội để chơi, cùng khám phá và thử nghiệm và đưa ra quyết định theo khả năng của chúng, trẻ hiểu được điều gì là kiểm soát và ý nghĩa của việc mất kiểm soát. Nếu được kiểm soát quá trình chơi của riêng mình, trẻ sẽ khám phá được ý nghĩa về quyền của mình trước người khác, đồng thời chấp nhận các cơ hội và thách thức khác nhau trong giao tiếp. Vì vậy, giáo viên cần tạo điều kiện cho trẻ có nhiều cơ hội chơi và tự khám phá trong các hoạt động ở trường học. Dạy học lấy trẻ làm trung tâm trong môi trường hòa nhập, giáo viên mầm non cần chú ý nắm bắt đươc: Những điều đã biết về sự phát triển và học tập của trẻ: Kiến thức về các đặc điểm của con người liên quan đến độ tuổi cho phép dự đoán chung trong một độ tuổi về những hoạt động, vật liệu, tương tác hoặc trải nghiệm nào sẽ an toàn, lành mạnh, thú vị, có thể đạt được và thách thức đối với trẻ em; Những gì được biết về điểm mạnh, sở thích và nhu cầu của từng trẻ trong nhóm: Để có thể thích nghi và đáp ứng với sự khác biệt không thể tránh khỏi của cá nhân. Khi hiểu về sự phát triển và bối cảnh gia đình của trẻ, GV và nhà trường cần xây dựng các chương trình sử dụng kiến thức phù hợp về bối cảnh văn hóa và xã hội của trẻ em như một phần quan trọng trong các quyết định về môi trường giảng dạy cũng những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu riêng của mỗi trẻ. Triển khai dạy học lấy trẻ làm trung tâm là đảm bảo các hoạt động trong nhà trường đều hướng đến trẻ bao gồm cả việc GVMN và nhà trường cần điều chỉnh nội dung, phương pháp, thiết bị đồ dùng đáp ứng nhu cầu cá nhân của trẻ, nhất là đối với trẻ khuyết tật. Nhà trường cần chú ý đến các nhu cầu đặc thù của trẻ như: sử dụng ngôn ngữ kí hiệu/ máy trợ thính với trẻ khiếm thính, chữ nổi Braille; hệ thống giao tiếp tranh với nhóm trẻ có khó khăn về về giao tiếp,… Trường mầm non phải có cam kết chất lượng giảng dạy và học tập cho tất cả trẻ, điều này cũng giúp đảm bảo đạt được các mục tiêu của kế hoạch giáo dục cá nhân trẻ có nhu cầu đặc biệt. Quyền tiếp cận chương trình học là một yếu tố chính cho sự tham gia của trẻ. Cần đảm bảo các hình thức hỗ trợ sau đây được coi là rất quan trọng trong việc tạo điều kiện tiếp cận chương trình giảng dạy: hỗ trợ cho giáo viên đứng lớp dưới hình thức các giáo viên khác với chuyên môn về giáo dục nhu cầu đặc biệt; hỗ trợ từ các giáo viên đến thăm gia đình và các nhà chuyên môn khác, hỗ trợ từ các cha mẹ, hỗ trợ cả Ban giám hiệu nhà trường. Ware và đồng nghiệp (2011) đã chỉ ra rằng, có một số các rào cản đối với việc tiếp cận chương trình học tập của trẻ, là “ GV thiếu hỗ trợ, thiếu thời gian để lập kế hoạch hợp tác và không có lãnh đạo rõ ràng liên quan đến các vấn đề về giáo dục hòa nhập. Ngoài ra, họ chỉ ra rằng giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp hơn” [11], Điều này cho thấy khi áp dụng 117
  9. Hoàng Thị Nho* và Nguyễn Thị Cẩm Bích với điều kiện ở Việt Nam, cần chú ý đến hỗ trợ GVMN có quỹ thời gian cho chuyên môn, và có sự chỉ đạo trong nhà trường về GDHN, và tăng cường các khóa bồi dưỡng có tính thực hành, vận dụng tốt về GDHN cho GVMN. 2.4.3. Hợp tác trong trường học, cộng đồng và hỗ trợ trẻ, gia đình trẻ Để đảm bảo một xã hội công bằng và bình đẳng, một trong những đặc điểm xác định có khả năng là tất cả các cá nhân đều có cơ hội bình đẳng để nhận ra tiềm năng của mình, bất kể hoàn cảnh mà họ sinh ra, giáo dục là đòn bẩy hoặc phương tiện quan trọng để thông qua đó có được cơ hội công bằng và bình đẳng. Hòa nhập thể hiện các giá trị, chính sách và thực hành hỗ trợ quyền của mọi trẻ em và gia đình của các em, được tham gia vào nhiều hoạt động và bối cảnh với tư cách là thành viên đầy đủ của gia đình, cộng đồng và xã hội. Kết quả mong muốn của trải nghiệm hòa nhập cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt và gia đình của trẻ là cảm giác thân thuộc và trở thành thành viên, các mối quan hệ xã hội và tình bạn tích cực, phát triển và học tập để phát huy tối đa tiềm năng của trẻ. Nhà trường cần đảm bảo các gia đình dễ dàng tiếp cận các chương trình GDMN. Điều này có nghĩa là đảm bảo: có đủ chỗ cho tất cả trẻ em; có sự linh hoạt trong chương trình; các chương trình có mức phí hợp lí; có sự hỗ trợ các thủ tục đăng ký và các thủ tục khác khi trẻ vào học. Cần tăng cường và có sự liên lạc thường xuyên giữa nhà trường và gia đình về những trao đổi về việc học tập hang ngày của trẻ ở trường; có sự thống nhất về các mục tiêu giáo dục trẻ, nhất là các mục tiêu trong kế hoạch giáo dục cá nhân. Nhà trường cần khích lệ sự tham gia của phụ huynh trong hỗ trợ các hoạt động chương trình học tập của trẻ. 3. Kết luận GDHN đã được đặc biệt quan tâm trong quan điểm giáo dục của thế giới cũng như các chính sách cụ thể ở mỗi quốc gia. GDHN là phương thức, là con đường chủ yếu nhằm thực hiện giáo dục cho mọi người được tiến hành trong các nhà trường. Quá trình phát triển trong những nghiên cứu về GDHN là quá trình mở rộng đối tượng được giáo dục và phương thức giáo dục.Tích hợp GDHN trong chương trình GDMN là hướng đến việc thiết kế chương trình ở cấp quốc gia nhằm đảm bảo quyền được tha gia học tập của mọi trẻ em. Nhìn chung, các xu hướng tích hợp GDHN trong GDMN hiện nay chú trọng đến: Lấy người học làm trung tâm, tiếp cận đa văn hóa và hỗ trợ, chia sẻ giữa các giáo viên và gia đình trẻ. Từ những nghiên cứu tổng hợp ở trên, chúng tôi đề xuất cần có các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ về phát triển chương trình theo lấy trẻ làm trung tâm, các khóa bồi dưỡng đào tạo năng lực tổ chức tích hợp GDHN trong chương trình GDMN cho giáo viên. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021. Chương trình giáo dục mầm non. Nxb Giáo dục. [2] United Nations Children’s Fund (UNICEF), 2020. Guidance on the Importance of Quality in Early Childhood Learning and Education in Latin America and the Caribbean, Panama City, January 2020. [3] Bộ GD-ĐT, 2018). Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/01/2018 quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật. [4] Lê Văn Tạc (chủ biên), 2006. Giáo dục hoà nhập học sinh khuyết tật bậc tiểu học. Nxb Lao động xã hội, Hà Nội. [5] Lipsky.D & Gartner A, 1997. Inclusion, School Reform: Transforming America's Classroom, Baltimore: Paul H, Brookes Publishing Company. 118
  10. Tích hợp giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non: xu hướng trên thế giới… [6] Johanna Lundqvist, 2022. Putting preschool inclusion into practice: a case study. European Journal of Special Needs Education, https://doi.org/10.1080/08856257.2022.2031096 [7] Hoàng Thị Nho, Lưu Thị Chung, 2019. Giáo dục hòa nhập ở mầm non hướng tới mục tiêu vì sự phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Khoa học Giáo dục - ISSN 2354 - 1075 - Volume 63, Issue 9AB [8] Alexandra C.Gun, Coralanne Child, Barbara Madden, Kerry Purdue, Nicola Surtees, Bronwyn Thurlow & Paula Todd, 2004. Christchurch College of Education, New Zealand, Building Inclusive Communities in Early Childhood Education: diverse perspectives from Aotearoa/New Zealand, Contemporary Issues in Early Childhood, Volume 5, Number 3, [9] European Agency for Special Needs and Inclusive Education, 2017. Inclusive Early Childhood Education: Literature Review. (F. Bellour, P. Bartolo and M. Kyriazopoulou, eds.). Odense, Denmark [10] European Agency for Special Needs and Inclusive Education, 2016. Inclusive Early Childhood Education: An analysis of 32 European examples. (P. Bartolo, E. Björck- Åkesson, C. Giné and M. Kyriazopoulou, eds.). Odense, Denmark. [11] European Agency for Development in Special Needs Education, 2013). Organization of Provision to Support Inclusive Education – Literature Review, Odense, Denmark: European Agency for Development in Special Needs Education. ABSTRACT Integrating inclusive education into preschool education curriculum: Global trends and the lesson learned for Vietnam Hoang Thi Nho1* and Nguyen Thi Cam Bich2 1 Faculty of Educational Sciences, VNU University of Education, Vietnam National University 2 The Vietnam Institute of Educational Sciences The education curriculum is one of the factors affecting the quality of education and meeting education goals. An inclusive education curriculum is for all children, including all genders and ethnicities, the diversity of learning abilities and education needs, the structures and values of family, the socioeconomics, and religions. This article deals with the issue of inclusive education and integrating inclusive education into the preschool education curriculum. On the basis of the theoretical overview of integrating inclusive education programs worldwide, the paper will summarise experience and provide recommendations for teacher training in practice. Keywords: early childhood education, inclusive education, the right to participate, approaching multi-culture. 119
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2