intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

42
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Khách thể nghiên cứu là 288 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) và phụ huynh của trẻ 5 tuổi tại 13 trường mầm non quận Tân Phú.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh

  1. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 TUỔI Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON QUẬN TÂN PHÚ, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Phạm Thị Ngọc Ánh Trường Mầm non Hoàng Anh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh pn.thienthan@gmail.com Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Khách thể nghiên cứu là 288 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) và phụ huynh của trẻ 5 tuổi tại 13 trường mầm non quận Tân Phú. Kết quả khảo sát bằng bảng hỏi cho thấy nhìn chung các trường mầm non đã chú trọng giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi với nhiều nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục phong phú. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, nhiều kỹ năng sống của trẻ vẫn còn chưa tốt. Trên cơ sở đó, nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả của công tác GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Từ khóa: Kỹ năng sống, trẻ mẫu giáo 5 tuổi, trường mầm non. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Giáo dục Mầm non là mắt xích đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, nó góp phần không nhỏ trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Dựa trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn Chương trình giáo dục mầm non và ban hành theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016). Đây là căn cứ cho việc quản lý chỉ đạo và tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non với mục tiêu là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất cơ bản, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Với đặc thù của trẻ lứa tuổi mầm non là đang làm quen với thế giới tự nhiên và xã hội, trẻ bước vào cuộc sống xã hội với mọi thứ đều mới mẻ, cho nên đồng hành với việc dạy kiến thức cho trẻ, cần dạy các kỹ năng sống cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bảo vệ, kỹ năng tự phục vụ bản thân... Những kỹ năng này nhằm góp phần giúp trẻ phát triển những giá trị, nét tính cách, phẩm chất cần thiết phù hợp với lứa tuổi như mạnh dạn, tự tin, độc lập, sáng tạo, linh hoạt, tự giác, dễ hòa nhập, dễ chia sẻ...; hình thành nếp sống văn minh, có hành vi ứng xử, giao tiếp theo quy tắc, chuẩn mực... Không những vậy, nó còn rèn luyện cho trẻ biết cách xử lý tình huống trong từng hoàn cảnh cụ thể, bày tỏ tình cảm phù hợp, đúng lúc, biết tránh những vật, những nơi không an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng và cách phòng tránh, tự lập trong các tình huống quen thuộc, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Trong văn bản “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (Thủ tướng chính phủ, 2016), GDKNS cho học sinh là một trong những nội dung được Đảng và nhà nước quan tâm đặc biệt trong chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học và các bậc học. Theo đó, trong những năm gần đây, các trường mầm non đã đưa nội dung GDKNS vào trường học. Tuy nhiên, trong thực tế, kỹ năng sống của trẻ mẫu giáo còn hạn chế. Nhiều em thiếu tự tin vào bản thân mình, rụt rè, nhút nhát trong giao tiếp; một số lại ỷ lại, ích kỷ, không quan tâm đến người khác. Để có cơ sở thực tiễn cho việc tổ chức GDKNS cho trẻ mầm non hiệu quả, việc tiến hành các nghiên cứu thực trạng của công tác này là rất cần thiết. Chính vì vậy 42
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 mà tác giả đã tiến hành nghiên cứu thực trạng công tác GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của công tác này. 2. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để tìm hiểu vấn đề nghiên cứu, tác giả đã sử dụng phối hợp nhiều phương pháp, trong đó điều tra bằng bảng hỏi làm phương pháp chủ đạo. Khách thể khảo sát là 106 phụ huynh và 182 CBQL, GV dạy lớp 5 tuổi của 13 trường mầm non. Dữ liệu thu thập được được xử lý bằng phần mềm SPSS phiên bản 22.0. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU GDKNS là quá trình tác động sư phạm một cách có chủ đích nhằm hình thành cho trẻ mẫu giáo những hành vi tích cực nhằm giúp trẻ tồn tại, hòa nhập, thích nghi với cuộc sống. Trong nghiên cứu này, thực trạng công tác giáo dục kỹ năng sống được làm rõ thông qua các vấn đề: Nhận thức về vai trò của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, nội dung, phương pháp, hình thức, kết quả GDKNS. Dưới đây là thực trạng tiến hành những hoạt động này ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. 3.1. Nhận thức về vai trò của công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi Để đánh giá nhận thức của CBQL, GV và phụ huynh về vai trò của công tác GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, nghiên cứu đã thiết kế 8 nhận định về vấn đề này. Kết quả khảo sát được thể hiện ở Bảng 1. Bảng 1. Nhận thức của CBQL, GV và phụ huynh về vai trò của công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi CBQL, GV Phụ huynh Stt GDKNS giúp trẻ mẫu giáo 5 tuổi… ĐTB ĐLC ĐTB ĐLC 1 An toàn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khéo léo, bền bỉ, tháo vát. 4.71 0.54 4.00 0.87 2 Biết kiểm soát cảm xúc, giàu tình thương yêu và lòng biết ơn 4.71 0.48 4.27 0.77 Mạnh dạn, tự tin, tự trọng và tôn trọng người khác, giao tiếp có 3 4.80 0.50 4.29 0.83 hiệu quả. 4 Biết nói năng lịch sự, lắng nghe, hòa nhã và cởi mở. 4.74 0.49 4.37 0.73 5 Ham hiểu biết, sáng tạo. 4.45 0.58 4.26 0.83 6 Thích ứng với hoạt động học tập ở lớp Một. 4.75 0.48 4.27 0.86 7 Tồn tại, hòa nhập, thích nghi với cuộc sống. 4.55 0.56 4.35 0.88 8 Phát triển toàn diện nhân cách. 4.59 0.67 4.27 0.96 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình (1≤ĐTB≤5); ĐLC: Độ lệch chuẩn Thang đánh giá: 1. Hoàn toàn không đồng ý; 2. Phần lớn không đồng ý; 3. Phân vân (nửa đồng ý, nửa không đồng ý); 4. Phần lớn đồng ý; 5. Hoàn toàn đồng ý Dữ liệu ở Bảng 1 cho thấy các CBQL, GV và phụ huynh đều đánh giá cao vai trò của công tác GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Điểm trung bình của các ý kiến đánh giá đều nằm giữa hai phương án trả lời: “Phần lớn đồng ý” và “Hoàn toàn đồng ý”, trong đó hầu hết là nghiêng về phương án “Hoàn toàn đồng ý”. Các CBQL, GV và phụ huynh đều nhận thức được rằng GDKNS sẽ giúp trẻ “Mạnh dạn, tự tin, tự trọng và tôn trọng người khác, giao tiếp có hiệu quả”, “Biết nói năng lịch sự, lắng nghe, hòa nhã và cởi mở”, “Biết kiểm soát cảm xúc, giàu tình thương yêu và lòng biết ơn”, “An toàn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khéo léo, bền bỉ, tháo vát”, “Tồn tại, hòa nhập, thích nghi với cuộc sống”, “Ham hiểu biết, sáng tạo”, trên cơ sở đó “Phát triển toàn diện nhân cách”. Đặc biệt, các khách thể khảo sát đều nhấn mạnh đến vai trò giúp trẻ 43
  3. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “Thích ứng với hoạt động học tập ở lớp Một”. Sáu tuổi - trẻ bước vào lớp Một, bước vào một môi trường hoàn toàn khác so với môi trường mẫu giáo. Hoạt động chủ đạo chuyển từ vui chơi sang học tập (Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Thị Kim Thoa, 2002); cùng với đó là một loạt thay đổi trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Những kỹ năng sống như tự phục vụ, giao tiếp, giữ an toàn cho bản thân, đồng cảm, chia sẻ, giải quyết vấn đề, ứng phó với sự thay đổi,… sẽ giúp trẻ hạn chế được những khó khăn trong môi trường mới. Bảng 2. Đánh giá của CBQL, GV và phụ huynh về mức độ cần thiết giáo dục các kỹ năng sống của trẻ mẫu giáo 5 tuổi CBQL, GV Phụ huynh Stt Kỹ năng sống ĐTB ĐLC ĐTB ĐLC 1 Kỹ năng tự phục vụ 3.78 0.58 3.46 0.52 2 Kỹ năng giữ an toàn cho bản thân 3.87 0.37 3.49 0.67 3 Kỹ năng thể hiện sự tự tin, tự trọng 3.67 0.54 3.46 0.64 4 Kỹ năng kiểm soát cảm xúc 3.65 0.50 3.35 0.61 5 Kỹ năng kết bạn 3.66 0.50 3.41 0.61 6 Kỹ năng đồng cảm, chia sẻ 3.60 0.51 3.50 0.66 7 Kỹ năng thể hiện lòng biết ơn 3.75 0.46 3.44 0.65 8 Kỹ năng thực hiện các quy tắc xã hội trong các mối quan hệ 3.53 0.54 3.27 0.66 9 Kỹ năng giải quyết xung đột 3.47 0.59 3.35 0.68 10 Kỹ năng lắng nghe 3.85 0.36 3.35 0.65 11 Kỹ năng trình bày ý kiến rõ ràng 3.71 0.50 3.30 0.72 12 Kỹ năng khởi xướng, duy trì và kết thúc cuộc giao tiếp 3.48 0.60 3.23 0.69 13 Kỹ năng thuyết phục 3.37 0.63 3.34 0.69 14 Kỹ năng hợp tác với bạn bè 3.64 0.57 3.51 0.60 15 Kỹ năng giải quyết vấn đề 3.51 0.59 3.47 0.55 16 Kỹ năng ứng phó với sự thay đổi 3.62 0.61 3.44 0.65 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình (1≤ĐTB≤4); ĐLC: Độ lệch chuẩn Thang đánh giá: 1. Không cần thiết; 2. Ít cần thiết; 3. Khá cần thiết; 4. Rất cần thiết Sự nhận thức về vai trò của việc GDKNS còn được thể hiện thông qua việc đánh giá mức độ cần thiết của việc GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Kết quả khảo sát ở Bảng 2 cho thấy các CBQL, GV và phụ huynh cho rằng hệ thống các kỹ năng đều cần thiết giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, trong đó các kỹ năng như kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giữ an toàn cho bản thân, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thể hiện lòng biết ơn được đánh giá cao hơn cả. Sự nhận thức về mức độ cần thiết của các kỹ năng sống sẽ định hướng cho CBQL, GV phụ trách lớp 5 tuổi đưa những kỹ năng sống này vào nội dung, chương trình hoạt động giáo dục của nhà trường, của từng lớp một cách cụ thể, linh hoạt để tổ chức giáo dục hiệu quả. Đây có thể nói là một trong những điểm tích cực đối với hoạt động GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn trong tương quan chung, dữ liệu ở Bảng 1 và 2 cho thấy CBQL, GV đánh giá cao các vai trò cũng như mức độ cần thiết của các kỹ năng sống cao hơn so với phụ huynh. Ở nội dung nhận thức về vai trò của công tác GDKNS, ý kiến trả lời của CBQL, GV nghiêng về phương án “hoàn toàn đồng ý” hơn, trong lúc đó ý kiến trả lời của phụ huynh lại nghiêng về phương án “phần lớn đồng ý” hơn. Tương tự ở nội dung đánh giá về mức độ cần thiết giáo dục các kỹ năng sống, phụ huynh nghiêng về phương án “khá cần thiết”, còn CBQL, GV nghiêng về phương án “rất cần thiết”. Để tổ chức tốt công tác GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, cần nâng cao nhận thức cho lực lượng phụ huynh về tầm quan trọng của công tác này để họ có thể phối hợp hiệu quả với nhà trường. 44
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 3.2. Mức độ giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi Với nhận thức khá đầy đủ về vai trò của công tác GDKNS, trong thực tế, đội ngũ đội ngũ GV mầm non đã giáo dục các kỹ năng sống với mức độ như thế nào. Kết quả khảo sát này được thể hiện ở Bảng 3. Nhìn chung, phần lớn các kỹ năng sống được giáo dục ở mức khá thường xuyên. Trong các kỹ năng, kỹ năng tự phục vụ được giáo dục thường xuyên nhất cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Trong chương trình giáo dục trẻ mầm non, tự phục vụ là kỹ năng được trường mầm non rất chú trọng, vì thế nó được thực hiện xuyên suốt từ lứa tuổi nhà trẻ đến mẫu giáo. Đặc biệt, ở giai đoạn này, trẻ chuẩn bị bước vào lớp Một thì việc giáo dục kỹ năng tự phục vụ càng cần thiết hơn nữa, vì nó giúp trẻ có thể tự phục vụ bản thân trong môi trường đòi hỏi sự tự lập cao của trẻ. Đây có thể là lý do cơ bản khiến kỹ năng tự phục vụ được các GV chú trọng hơn cả. Bên cạnh kỹ năng tự phục vụ, các GV cũng chú trọng giáo dục các kỹ năng sau cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thể hiện lòng biết ơn, kỹ năng hợp tác với bạn bè, kỹ năng giữ an toàn cho bản thân, kỹ năng thể hiện sự tự tin, tự trọng, kỹ năng đồng cảm, chia sẻ... Các kỹ năng sống này sẽ giúp trẻ mẫu giáo 5 tuổi thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Bảng 3. Đánh giá của CBQL, GV về mức độ thực hiện các các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi CBQL, GV STT Kỹ năng sống ĐTB ĐLC 1 Kỹ năng tự phục vụ 3.86 0.35 2 Kỹ năng giữ an toàn cho bản thân 3.46 0.56 3 Kỹ năng thể hiện sự tự tin, tự trọng 3.35 0.68 4 Kỹ năng kiểm soát cảm xúc 2.99 0.72 5 Kỹ năng kết bạn 3.13 0.89 6 Kỹ năng đồng cảm, chia sẻ 3.34 0.64 7 Kỹ năng thể hiện lòng biết ơn 3.53 0.62 8 Kỹ năng thực hiện các quy tắc xã hội trong các mối quan hệ 3.10 0.81 9 Kỹ năng giải quyết xung đột 2.83 0.95 10 Kỹ năng lắng nghe 3.58 0.63 11 Kỹ năng trình bày ý kiến rõ ràng 3.29 0.69 12 Kỹ năng khởi xướng, duy trì và kết thúc cuộc giao tiếp 2.79 0.68 13 Kỹ năng thuyết phục 2.66 0.89 14 Kỹ năng hợp tác với bạn bè 3.53 0.50 15 Kỹ năng giải quyết vấn đề 3.23 0.54 16 Kỹ năng ứng phó với sự thay đổi 2.89 0.79 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình (1≤ĐTB≤4); ĐLC: Độ lệch chuẩn Thang đánh giá: 1. Không bao giờ; 2. Thỉnh thoảng; 3. Khá thường xuyên; 4. Rất thường xuyên Trong các kỹ năng sống được khảo sát, một số kỹ năng như thuyết phục, giải quyết xung đột, khởi xướng, duy trì và kết thúc cuộc giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, ứng phó với sự thay đổi ít được giáo dục hơn so với các kỹ năng khác. Mặc dù, ở trong nội dung 2.1, các CBQL và GV đều cho rằng đây là những kỹ năng cần thiết phải giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Tuy nhiên, trong thực tế, sự phân bố thời gian cho các kỹ năng này chưa nhiều. Qua phỏng vấn trao đổi trực tiếp, một số GV chia sẻ lý do các kỹ năng nói trên ít được giáo dục hơn so với các kỹ năng khác, vì đó là những kỹ năng khó, cần phải xây dựng tổ chức thành một hoạt động cụ thể nhưng phải tự nhiên không khiên cưỡng (kỹ năng ứng phó với sự thay đổi, kỹ năng thuyết phục, khởi xướng, duy trì và kết thúc cuộc giao tiếp); còn kỹ năng giải quyết xung đột thường 45
  5. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA thể hiện trong hoạt động vui chơi, khi có tình huống xảy ra không ít GV thường chủ động giải quyết thay trẻ mà chưa kiên nhẫn dành thời gian và tạo điều kiện cho trẻ giải quyết. Những kỹ năng này được giáo dục còn thiên về lý thuyết. Ngoài ra, GV nghĩ đó là những tình huống tiêu cực nên không nhất thiết phải đưa vào tổ chức các hoạt động trên lớp. Mỗi kỹ năng đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thích nghi với cuộc sống của trẻ. Vì vậy, các nhà trường mầm non cần tăng cường giáo dục đồng bộ các kỹ năng sống cho trẻ. 3.3. Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi Phương pháp giáo dục kỹ năng sống là một thành tố quan trọng của quá trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, bao gồm: Nhóm phương pháp trực quan (gồm phương pháp làm mẫu, phương pháp làm cùng, phương pháp làm gương), nhóm phương pháp dùng lời (bao gồm phương pháp trò chuyện, giảng giải ngắn gọn), nhóm phương pháp thực hành (gồm phương pháp trải nghiệm, trò chơi (trò chơi dân gian, đóng vai, xây dựng, đóng kịch, trí tuệ…), giao việc) (Lê Bích Ngọc, 2015). Hiệu quả của công tác giáo dục kỹ năng sống phụ thuộc rất lớn vào phương pháp giáo dục kỹ năng sống. Kết quả khảo sát về mức độ sử dụng các phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi được thể hiện ở Bảng 4. Bảng 4. Đánh giá của CBQL, GV về mức độ sử dụng các phương pháp giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi CBQL, GV STT Phương pháp ĐTB ĐLC 1 Phương pháp làm mẫu 3.04 0.79 2 Phương pháp cùng làm 3.62 0.51 3 Phương pháp làm gương 3.50 0.65 4 Phương pháp trò chuyện 3.82 0.41 5 Phương pháp giảng giải ngắn 3.30 0.68 6 Phương pháp trải nghiệm 3.15 0.73 Phương pháp trò chơi (trò chơi dân gian, đóng vai, xây dựng, đóng kịch, 7 3.43 0.57 trí tuệ,...) 8 Phương pháp giao việc 3.63 0.57 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình (1≤ĐTB≤4); ĐLC: Độ lệch chuẩn Thang đánh giá: 1. Không bao giờ; 2. Thỉnh thoảng; 3. Khá thường xuyên; 4. Rất thường xuyên Kết quả khảo sát cho thấy các GV đều sử dụng các phương pháp được trình bày ở Bảng 4 với các mức độ sử dụng khác nhau. Phương pháp được sử dụng nhiều nhất là trò chuyện. Kết quả phỏng vấn một số GV cho thấy sở dĩ phương pháp này được sử dụng nhiều là bởi vì 5 tuổi là thời kỳ phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ ở trẻ em. Do đó, trẻ thường tỏ ra hứng thú với phương pháp dùng lời nói được thể hiện sinh động thông qua giọng nói, cử chỉ, điệu bộ phù hợp. Bên cạnh đó, hệ thống câu hỏi gợi mở có thể phát triển tư duy cho trẻ. Phương pháp trò chuyện không chỉ được sử dụng trong phát triển các kỹ năng sống cho trẻ mà còn giúp GV và trẻ gần gũi, hiểu nhau hơn. Phương pháp được sử dụng nhiều tiếp theo là phương pháp cùng làm, phương pháp giao việc, phương pháp làm gương, phương pháp trò chơi, phương pháp giảng giải ngắn. Việc sử dụng các phương pháp này là phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ 5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ sẽ tiếp thu nhanh thông qua các hoạt động tương tác với các GV và bạn bè. Thêm vào đó, học thông qua các trò chơi sẽ giúp trẻ lĩnh hội các kỹ năng một cách nhẹ nhàng và hứng thú hơn. Ngoài ra, mỗi GV chính là tấm gương để trẻ học tập. Trong GDKNS, cho trẻ trải nghiệm vào các hoạt động thực tiễn là phương pháp hữu hiệu để 46
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 trẻ có thể ghi nhớ, khắc sâu bền vững các kỹ năng. Tuy nhiên, đây là phương pháp đòi hỏi nhiều thời gian và không gian tổ chức. Chính vì lẽ đó, so với các phương pháp khác thì trải nghiệm không được sử dụng nhiều. Đối với trẻ mẫu giáo, khi độ tuổi còn nhỏ, việc làm mẫu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong khảo sát này, phương pháp làm mẫu lại ít được sử dụng nhất. Với trẻ 5 tuổi, là lứa tuổi lớn nhất trong trường mầm non, ngôn ngữ phát triển khá hoàn thiện nên khả năng nghe hiểu lới nói của người khác rất tốt. Vì vậy, GV thường sử dụng phương pháp dùng lời để trò chuyện, giải thích, thuyết phục hay yêu cầu hay trẻ thực hiện một vấn đề nào đó mà ít dùng phương pháp làm mẫu. 3.4. Hình thức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi Hình thức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo là những hoạt động giáo dục trong trường mẫu giáo và gia đình, điều kiện sống của trẻ trong nhà trường và gia đình để giáo dục trẻ (Lê Bích Ngọc, 2015). Việc GDKNS được tiến hành thông qua nhiều hình thức khác nhau. Sử dụng hình thức giáo dục phù hợp, linh hoạt sẽ làm cho nội dung giáo dục kỹ năng sống được trẻ khắc sâu, ghi nhớ và rèn luyện hiệu quả, có cơ hội và điều kiện để trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Bảng 5. Đánh giá của CBQL, GV về mức độ sử dụng các hình thức giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi CBQL, GV STT Hình thức ĐTB ĐLC 1 Hoạt động chơi 3.65 0.48 2 Hoạt động giao tiếp 3.66 0.50 3 Hoạt động ngôn ngữ 3.49 0.56 4 Hoạt động nhận thức 3.57 0.54 5 Hoạt động lao động 3.48 0.56 Hoạt động học (tạo hình, âm nhạc, làm quen văn học, làm quen với 6 toán, thể dục, khám phá thế giới xung quanh) 3.35 0.65 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình (1≤ĐTB≤4); ĐLC: Độ lệch chuẩn Thang đánh giá: 1. Không bao giờ; 2. Thỉnh thoảng; 3. Khá thường xuyên; 4. Rất thường xuyên Kết quả khảo sát ở Bảng 5 cho thấy, các GV mầm non đều chú trọng sử dụng các hình thức giáo dục với mức độ khá cao. Trong các hình thức, hình thức được sử dụng nhiều là thông qua hoạt động giao tiếp và hoạt động chơi. Đặc trưng của trẻ mầm non là “học bằng chơi, chơi mà học”, thông qua vui chơi để phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, thẫm mỹ. Hoạt động vui chơi của trẻ mầm non đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển của trẻ, giúp trẻ tiếp thu những kinh nghiệm xã hội, phát triển những kỹ năng sống, đặt nền tảng cho sự nhân cách theo đúng quy luật phát triển của trẻ… Thông qua hoạt động vui chơi, trẻ có cơ hội được vận dụng nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau vào giải quyết nhiệm vụ chơi, biết điều hòa các mối quan hệ với 2 vai trò khác nhau: mối quan hệ với bạn cùng chơi (quan hệ thật) và quan hệ với các nhân vật trong trò chơi (quan hệ giả) đồng thời biết chia sẻ, hợp tác với các bạn khác. Hoạt động giao tiếp là nền tảng để tiến hành các hoạt động khác. Do vậy, đây là hoạt động quan trọng không thể thiếu trong giáo dục nói chung và trong GDKNS cho trẻ 5 tuổi nói riêng. Hình thức ít được sử dụng hơn là thông qua hoạt động học (tạo hình, âm nhạc, làm quen văn học, làm quen với toán, thể dục, khám phá thế giới xung quanh. Đây là những hoạt động 47
  7. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA nhằm hình thành những hiểu biết ban đầu cho các môn học như các cấp học tiếp theo. Chính vì lẽ đó, GDKNS cho trẻ ít được hình thành thông qua các hoạt động này. 3.5. Kết quả giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi Kết quả GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đánh giá thông qua thực trạng các kỹ năng sống của trẻ mẫu giáo. Các nội dung khảo sát ở phía trên cho thấy các trường mầm non cũng như phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc GDKNS cho trẻ. Việc GDKNS cho trẻ với nhiều kỹ năng sống đa dạng, được tiến hành thông qua nhiều phương pháp và hình thức khác nhau. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở Bảng 6 cho thấy các kỹ năng sống của trẻ mẫu giáo 5 tuổi hầu hết chỉ đạt gần mức khá. Như vậy, kỹ năng sống của trẻ vẫn còn nhiều hạn chế. Bảng 6. Đánh giá của CBQL, GV và phụ huynh về các kỹ năng sống của trẻ mẫu giáo 5 tuổi CBQL, GV Phụ huynh Stt Kỹ năng sống ĐTB ĐLC ĐTB ĐLC 1 Kỹ năng tự phục vụ 3.26 0.69 2.98 0.52 2 Kỹ năng giữ an toàn cho bản thân 2.95 0.73 2.88 0.67 3 Kỹ năng thể hiện sự tự tin, tự trọng 2.80 0.56 2.90 0.64 4 Kỹ năng kiểm soát cảm xúc 2.91 0.81 2.96 0.61 5 Kỹ năng kết bạn 3.37 0.75 3.23 0.61 6 Kỹ năng đồng cảm, chia sẻ 2.98 0.62 3.11 0.66 7 Kỹ năng thể hiện lòng biết ơn 2.83 0.76 2.95 0.65 8 Kỹ năng thực hiện các quy tắc xã hội trong các mối quan hệ 2.68 0.63 2.90 0.66 9 Kỹ năng giải quyết xung đột 2.51 0.73 2.67 0.68 10 Kỹ năng lắng nghe 3.04 0.68 2.87 0.65 11 Kỹ năng trình bày ý kiến rõ ràng 2.75 0.68 2.88 0.72 12 Kỹ năng khởi xướng, duy trì và kết thúc cuộc giao tiếp 2.68 0.66 2.95 0.69 13 Kỹ năng thuyết phục 2.66 0.76 3.02 0.69 14 Kỹ năng hợp tác với bạn bè 3.26 0.69 3.16 0.60 15 Kỹ năng giải quyết vấn đề 2.56 0.58 3.00 0.55 16 Kỹ năng ứng phó với sự thay đổi 2.73 0.80 3.08 0.66 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình (1≤ĐTB≤4); ĐLC: Độ lệch chuẩn Thang đánh giá: 1. Chưa có; 2. Còn kém; 3. Khá; 4. Tốt Trong các kỹ năng sống được khảo sát, những kỹ năng mà trẻ mẫu giáo được đánh giá tốt hơn cả là kỹ năng kết bạn, hợp tác với bạn, tự phục vụ. Một số GV dạy trẻ 5 tuổi chia sẻ rằng, đây là những kỹ năng tối thiểu nhất cần thiết, phù hợp cho trẻ trong trường mầm non, còn những kỹ năng khác trẻ sẽ được học từ từ ở cấp học Tiểu học và các cấp học khác. Khi trẻ được 5 tuổi, trẻ gần như hoàn toàn tự làm những công việc liên quan đến phục vụ bản thân: Tự dọn bàn ghế, lấy bát và tự xúc và chia thức ăn, đi dép, kéo khóa áo, cất dọn đồ dùng cá nhân... Điều này có thể giúp cho trẻ sớm tự lập hơn. Những kỹ năng sống được đánh giá hạn chế là kỹ năng giải quyết xung đột và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây là những kỹ năng khá phức tạp, đòi hỏi các em phải có vốn trải nghiệm cuộc sống cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc tốt. Tuy nhiên, ở lứa tuổi mẫu giáo, các em còn hạn chế về những điều này. Đây là có thể là lý do cơ bản khiến kỹ năng giải quyết xung đột và kỹ năng giải quyết vấn đề của các trẻ chưa tốt bằng những kỹ năng khác. Nhìn chung, các kỹ năng sống của trẻ mẫu giáo 5 tuổi còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này cho thấy, kết quả công tác GDKNS chưa cao, đòi hỏi có những biện pháp nâng cao hiệu quả công 48
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 tác này. Để có sở xây dựng biện pháp phù hợp, nghiên cứu cũng đã tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến việc giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi còn hạn chế. Bảng 7. Đánh giá của CBQL, GV về các nguyên nhân dẫn đến việc giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi còn hạn chế CBQL, GV STT Nguyên nhân ĐTB ĐLC 1 Nhận thức của CB-GV, CMHS, các LLXH chưa cao. 3.64 1.18 2 Năng lực GDKNS của gíao viên còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm. 3.50 1.10 3 Lập kế hoạch giáo dục KNS chưa phù hợp. 3.51 1.05 4 Nội dung GDKNS chưa thiết thực và cập nhật kịp thời. 3.34 1.18 5 Phương pháp, hình thức GDKNS đơn điệu, chưa phong phú hấp dẫn trẻ. 3.84 0.92 Cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian, tài liệu dành cho hoạt động GDKNS 6 4.16 0.80 chưa đáp ứng. 7 Chưa có sự phối hợp giữa cha mẹ của trẻ với nhà trường. 4.15 0.79 8 Ít có điều kiện thực hành giao tiếp, trải nghiệm trong cuộc sống. 4.20 0.87 9 Thời gian dành cho việc học văn hóa quá nhiều. 4.02 0.93 10 Việc kiểm tra đánh giá hoạt động GDKNS chưa hiệu quả. 3.73 0.95 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình (1≤ĐTB≤5); ĐLC: Độ lệch chuẩn Thang đánh giá: 1. Hoàn toàn không đồng ý; 2. Phần lớn không đồng ý; 3. Phân vân (nửa đồng ý, nửa không đồng ý); 4. Phần lớn đồng ý; 5. Hoàn toàn đồng ý Dữ liệu ở Bảng 7 cho thấy những nguyên nhân cơ bản nhận được sự đồng ý cao của CBQL và GV là: “Ít có điều kiện thực hành giao tiếp, trải nghiệm trong cuộc sống”; “Cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian, tài liệu dành cho hoạt động GDKNS chưa đáp ứng”; “Chưa có sự phối hợp giữa cha mẹ của trẻ với nhà trường”; “Thời gian dành cho việc học văn hóa quá nhiều”. So với các lứa tuổi khác trong trường mầm non thì nội dung chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ lớp Lá 5 tuổi có phần nghiêng về trang bị kiến thức cho trẻ chuẩn bị bước vào lớp Một như: Tạo hình (một số kỹ năng gấp), làm quen với Toán (tách gập, tìm điểm khác nhau, đọc hiểu sơ đồ...), làm quen chữ viết, nghe hiểu yêu cầu bằng lời nói của GV... Để đáp ứng nhu cầu của nhiều phụ huynh, khá nhiều trường mầm non tập trung nhiều vào dạy văn hóa hơn là dạy kỹ năng sống. Đây là một trong những lý do cơ bản khiến công tác GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi còn bộc lộ những hạn chế nhất định. 4. KẾT LUẬN Kết quả nghiên cứu thực trạng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở các trường mầm non quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhìn chung các trường mầm non đã chú trọng giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi với nhiều nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục phong phú. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, nhiều kỹ năng sống của trẻ vẫn còn chưa tốt. Để nâng cao hiệu quả công tác GDKNS, các trường mầm non quận Tân Phú cần lưu ý một số vấn đề sau: - Cần tăng cường nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia vào công tác GDKNS cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, đặc biệt là phụ huynh của trẻ. - CBQL các trường mầm non cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể về hoạt động GDKNS cho trẻ trong trường theo từng năm học/tháng trên cơ sở rà soát, bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch đã có; cần chú trọng đến việc giáo dục đồng bộ các kỹ năng sống cho trẻ. - Bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động GDKNS cho các GV mầm non thông qua tập huấn về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục. 49
  9. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Chủ động, sáng tạo trong quá trình phân công nhân sự tham gia hoạt động GDKNS. Chủ động ban hành các quy định, hướng dẫn GV, nhân viên, cha mẹ học sinh tham gia GDKNS cho trẻ. - Đầu tư điều kiện cơ sở vật chất: Trang bị các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thời gian cho hoạt động GDKNS. Huy động sự hỗ trợ tài chính, trí tuệ từ CMHS và các lực lượng xã hội cùng tham gia. - Xây dựng tiêu chí, cơ chế kiểm tra đánh giá, khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc. - Theo dõi, kiểm tra, rút kinh nghiệm kịp thời để có kế hoạch chỉ đạo GV tổ chức các hoạt động GDKNS chưa thực hiện, ít thực hiện, kỹ năng của trẻ còn yếu. Bên cạnh đó, CBQL xây dựng các hoạt động mẫu khó: Giải quyết xung đột và kỹ năng giải quyết vấn đề, từ đó, khuyến khích GV thường xuyên tổ chức thực hiện. - GV chủ động, sáng tạo trong tổ chức các HĐGDKNS, mạnh dạn đề xuất với CBQL những nội dung và cơ sở vật chất cần thiết phải giáo dục KNS cho trẻ. Tận dụng các điều kiện sẵn có trong trường, lớp tổ chức hoạt động GDKNS cho trẻ tập luyện thường xuyên. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 về sửa đổi bổ sung một số nội dung của chương trình giáo dục mầm non bàn hành kèm theo Thông tư số 17/2009-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2] Lê Bích Ngọc (2015). Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo, Module 39. [3] Thủ tướng Chính phủ (2016). Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020. [4] Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên), Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Thị Kim Thoa (2002). Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm. Title: LIFE SKILLS EDUCATION FOR 5-YEAR-OLD CHILDREN AT KINDERGARTENS IN TAN PHU DISTRICT, HO CHI MINH CITY Pham Thi Ngoc Anh Hoang Anh Kindergarten, Tan Phu District, Ho Chí Minh City pn.thienthan@gmail.com Abstract: This is the research evaluating the actual situation of life skills education for 5-year-old preschoolers at the kindergartens in Tan Phu District, Ho Chi Minh city. There were 288 survey respondents including in administration officials, teachers and parents (for 5 year old children) at 13 kindergartens. The result shows that kindergartens have focused on educating life skills for 5-year-old preschoolers with many contents, methods and forms of education. However, the life skills education still revealed some limitations, many children's life skills were still not good. The study also provided some recommendations to improve the effectiveness of life skills education for 5-year-old preschoolers. Keywords: Life skills, 5-years-old children, kindergarten. 50
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2