intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hình tượng “loại người mang trái tim chó” trong tác phẩm “Trái tim chó” của M. Bulgakov

Chia sẻ: Huyết Thiên Thần | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

47
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Những sáng tác của Bulgakov đã khiến cho ông trở thành một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga hiện đại. Trong đó “Trái tim chó” là một trong ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Bulgakov. Tác phẩm mượn đề tài khoa học viễn tưởng để nói lên vấn đề xã hội luôn tồn tại qua nhiều thời kỳ: những kẻ có trái tim của chó, sống như một con chó hoang và thậm chí suy nghĩ đồi bại còn hơn cả con chó. Để tìm hiểu chi tiết về hình tượng “loại người mang trái tim chó”, mời các bạn cùng tham khảo chi tiết nội dung bài viết!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hình tượng “loại người mang trái tim chó” trong tác phẩm “Trái tim chó” của M. Bulgakov

  1. HÌNH TƯỢNG “LOẠI NGƯỜI MANG TRÁI TIM CHÓ” TRONG TÁC PHẨM “TRÁI TIM CHÓ” CỦA M. BULGAKOV ThS Đỗ Thị Hồng Nhung Bước sang thế kỷ XX văn học nghệ thuật nói chung và văn học Nga nói riêng cũng trải qua những biến đổi sâu sắc. Quá trình biến đổi của văn học diễn ra rất phức tạp trong bối cảnh xã hội đương thời. Một mặt, văn học Nga phải gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của mình qua các thời kỳ, mặt khác nó phá vỡ những cái trói buộc, lạc hậu để hướng đến cái mới và nhanh chóng hoà nhập vào dòng chảy của văn học thế giới. Những tác phẩm của các nhà văn thuộc nhiều thế hệ, nhiều khuynh hướng nghệ thuật ở những giai đoạn lịch sử khác nhau như: A.Kuprin, I.Bunhin, M.Gorki, M.Sholokhov, M.Bulgakov, V.Platonov, A.Tolstoy, S.Esenin, V.Rasputin… đã phản ánh chân thực và sinh động hiện thực Nga muôn màu muôn vẻ với nhiều kịch tính, những biến động dữ dội của lịch sử xã hội mang tính bước ngoặt và trọng đại của dân tộc Nga. Trong giai đoạn này M. Bulgakov nổi lên nhờ cá tính độc lập, tài năng nghệ thuật độc đáo và thái độ thẳng thắn trước hiện thực. Những sáng tác của Bulgakov đã khiến cho ông trở thành một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga hiện đại. Trong đó “Trái tim chó” là một trong ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Bulgakov. Tác phẩm mượn đề tài khoa học viễn tưởng để nói lên vấn đề xã hội luôn tồn tại qua nhiều thời kỳ: những kẻ có trái tim của chó, sống như một con chó hoang và thậm chí suy nghĩ đồi bại còn hơn cả con chó. Từ khóa: thí nghiệm khoa học, vô sản, chủ nghĩa xã hội, luu manh, loại người mang trái tim chó. I. M. Bulgakov – “đứa con lạc loài” của văn học Nga thế kỷ XX Mikhail Afanasyevich Bulgakov (02/05/1891 – 10/03/1940) là một trong những nhà văn lớn nhất của nền văn học Nga thế kỷ XX. Ông cũng thuộc vào số ít những nhà văn Nga được làm bách khoa toàn thư. Từ những dữ kiện về cuộc đời của Bulgakov, chúng ta có thể rút một số điểm quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình sáng tác và tư tưởng của Bulgakov như sau: Đầu tiên, Bulgakov lớn lên trong một gia đình có cha là tiến sĩ thần học làm việc trong một trường dòng, mẹ là giáo viên và vốn là con gái của một mục sư. Hoàn cảnh gia đình nêu trên khiến Bulgakov được tắm mình trong không khí thiêng liêng của tôn giáo ngay từ nhỏ. Điều này có thể giải thích cho những yếu tố tôn giáo xuất hiện khá nhiều và mang một ý nghĩa nhất định trong các tác phẩm của Bulgakov [2]. Thứ hai, những kiến thức từ Khoa Y Trường Đại học Tổng hợp Kiev, thời gian làm việc tại các viện quân y trong chiến tranh, cùng với những ngày ông làm công việc nhân đạo của một thầy thuốc sau Cách mạng tháng Mười cho thấy Bulgakov hiểu biết rất rõ về cơ thể người, về sinh học, đặc biệt là y học. Và tất cả 27
  2. những kiến thức lẫn kinh nghiệm làm việc như trên đã thể hiện phần nào trong các sáng tác của ông, cụ thể là “Trái tim chó” và “Những quả trứng định mệnh”. Thứ ba, có thể thấy Bulgakov sinh ra, lớn lên và làm việc trong một giai đoạn khốc liệt của đất nước Nga với hàng loạt những diễn biến dồn dập và phức tạp của lịch sử, từ Cách mạng tháng Mười, đến chiến tranh thế giới thứ nhất và sự nổi dậy của chính quyền Xô Viết. Những biến cố mạnh mẽ của lịch sử chính trị xã hội khiến Bulgakov từ bỏ con đường hành nghề y và chuyển hẳn sang viết văn vào năm 1920. Vào giai đoạn này Bulgakov khá hoang mang trước những thay đổi chóng mặt của thời cuộc và hiện thực xã hội. Và điều đó khiến ông muốn cầm bút để thể hiện tất cả. Hình ảnh đất nước và con người Nga trong các tác phẩm của ông, cái nhìn thẳng thắn và thái độ không e dè trước thực tế chính trị là minh chứng rõ ràng nhất cho lập trường và tư thế sáng tác của Bulgakov [3]. Cuối cùng, chính sự thẳng thắn trong suy nghĩ và lối châm biếm sâu cay những vấn đề xã hội của Bulgakov là nguyên nhân khiến những tác phẩm của ông bị cấm phát hành, bị kiểm duyệt gắt gao trong suốt thời gian ông còn sống. Tâm trạng của một người bị đè nén, bị ràng buộc, bị nghi ngờ cũng như thái độ bất mãn, bất hợp tác của Bulgakov cũng đi vào trong sáng tác của ông một cách rõ ràng [3]. Và đây cũng là điều chứng minh tài năng và bản lĩnh của Bulgakov khi ông không bao giờ bẻ cong ngòi bút của mình, khi ông không bao giờ đầu hàng và chịu khuất phục trước các quyền lực chính trị. Có thể thấy những đặc điểm quan trọng trong cuộc sống cá nhân ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sáng tác của Bulgakov. Từ đây, nước Nga đã có thêm một nhà văn xuất sắc, một tiếng nói đại diện cho sức mạnh chân chính và độc lập của văn học, một minh chứng điển hình cho sức sống của những tác phẩm văn học thực thụ. Với tư thế và tâm trạng nêu trên, Bulgakov đã để lại một di sản văn học khá đồ sộ và phong phú. Trong đó, “Trái tim chó” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, nơi tập trung nhiều nét đặc sắc về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện của Bulgakov, đồng thời là bước chuẩn bị cho tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông – “Nghệ nhân và Margarita”. II. “Trái tim chó” – câu chuyện giả tưởng về khoa học và đời sống “Trái tim chó” xoay quanh câu chuyện về một thí nghiệm khoa học sai lầm của giáo sư Philipp Philippovich Preobrazhensky. Nhà bác học xuất chúng Preobrazhensky qua thí nghiệm kết hợp thể xác chó hoang với tuyến yên não của người đã tạo ra một sinh vật biết sử dụng ngôn ngữ người. Ông hy vọng biến cải được nó thành người có trí tuệ. Từ một con chó hoang, Sharik biến thành Sharikov, một con người với tất cả những biểu hiện tệ hại nhất của con người về đạo đức. Nguyên nhân khoa học của những hành động lừa lọc, lưu manh và độc ác của Sharikov là do tuyến yên mà giáo sư dùng được lấy từ Klim Grigoryevich 28
  3. Chugunkin, một kẻ đang hưởng án treo vì tội trộm cắp, một kẻ đã ba lần ra tòa, một kẻ bị dao đâm chết trong một quán rượu. Khi giáo sư bắt đầu hoang mang trước những sai lầm của mình thì cũng là lúc ông dính vào một mớ rắc rối do Sharikov gây ra: đuổi theo mèo, gây gổ với hàng xóm, chọc ghẹo phụ nữ, uống rượu, ăn trộm, lừa đảo, vu khống, v.v… Đỉnh điểm căng thẳng là khi giáo sư nhận được thư tố cáo ông từ Sharikov, khi Sharikov nổ súng tìm cách giết người. Kết quả, giáo sư đã chọn cách phẫu thuật lần nữa để đảo ngược thí nghiệm của mình và đưa Sharikov trở về lại hình dạng của con chó hoang Sharik. Thế nhưng, tất cả vẫn chưa kết thúc, khi ông miệt mài trở lại với những thí nghiệm tìm hiểu về não người… Có thể thấy “Trái tim chó” có một cốt truyện đơn giản nhưng lại tập trung khai thác nhiều yếu tố, từ những chi tiết khoa học đến các hình thức châm biếm, đả kích và hài hước. Bên cạnh đó, “Trái tim chó” còn khai thác một số yếu tố từ huyền thoại Thiên Chúa giáo. Tuy là một tác phẩm giả tưởng về khoa học và đời sống nhưng nội dung của “Trái tim chó” chứa đựng nhiều sự chỉ trích ngầm về giới vô sản cũng như đả động tới chủ nghĩa xã hội khá nhiều. III. Hình tượng “loại người mang trái tim chó” trong tác phẩm Mở đầu tác phẩm nhà văn Bulgakov đã đặt mình dưới góc nhìn của Sharik - một con chó hoang, mà sau này trở thành Sharikov. Sharik là một con vật lang thang đầu đường xó chợ để tìm kiếm miếng ăn, đối tượng của những đánh đập và chửi bới từ thế giới con người. Trong khi đó, Sharikov lại đại diện cho bản chất xấu xa của con người, từ lưu manh, rượu chè, trộm cắp đến vu khống, lừa đảo, hống hách, lạm quyền. Sharik tuy có phần ranh mãnh, tham lam nhưng cũng là một con chó đáng thương khi nó là nạn nhân của những lời chửi rủa, của đánh đập và hành hạ, của bão tuyết và đói khát [3]. Qua những trang đầu tiên của tác phẩm, ta có thể thấy thông qua cái nhìn của Sharik, là cái nhìn tỉnh táo và phán xét đối với thế giới con người. Sharik hiểu rõ bản chất của Cửa hàng thực phẩm hay Khu ăn uống bình dân. Sharik cảm thông cho tình thế thương tâm và tủi nhục của cô nhân viên đánh máy. Và Sharik còn mang nhiều thói quen bản năng của loài chó như thích cắn xé thú nhồi bông, tham ăn, v.v… Lúc đầu, trong mắt những người ở trong căn hộ của Philipp Philippovich, Sharik là một con chó vô lễ. Nhưng chỉ đến khi Sharikov xuất hiện, hình ảnh Sharik lại trở nên dễ thương và đáng nhớ trong lòng họ. Sharikov là con người được tạo thành sau thí nghiệm làm “nhân hóa triệt để” Sharik. Bằng cách cấy ghép tuyến yên và tuyến tinh hoàn của Klim Grigoryevich Chugunkin, giáo sư Preobrazhensky đã biến Sharik thành một con người. Lúc này bản chất dễ mến của Sharik thay đổi để lộ ra một Sharikov là một tên lưu manh, hèn hạ điển hình trong xã hội với tất cả những hành động quá khích, phi chính phủ và trơ trẽn của hắn. Sự thay đổi và đối lập về bản chất giữa Sharik và 29
  4. Sharikov mang một ý nghĩa hàm ẩn khá rõ ràng. Hình tượng Sharik hiện lên đại diện cho một loại người mà Bulgakov muốn đề cập đến trong giai đoạn này – những kẻ có hình dáng của con người những bên trong lại là trái tim của loài chó: “Anh phải hiểu rằng toàn bộ sự khủng khiếp là ở chỗ trái tim của hắn ta bây giờ không còn là trái tim chó nữa, mà chính là trái tim người! Và là trái tim đốn mạt nhất trong số tất cả những trái tim tồn tại trong tự nhiên!” [1]. Thông qua hình tượng Sharikov Bulgakov đã khẳng định một triết lý sâu xa về bản chất xấu xa tiềm ẩn nơi con người. Sharikov, cái sinh vật đã tiếp thu “ý thức” của Klim, không phải là đại diện cho loài người nói chung. Ở hắn cũng không có gì chung với giai cấp vô sản, cái nguồn gốc xuất thân mà hắn phô ra để đòi hỏi các đặc quyền đặc lợi. Hắn chỉ là điển hình tập trung những gì xấu xa, thấp hèn trong cái gọi là tầng lớp vô sản lưu manh, của cái phần bản năng tối tăm trụy lạc trong cuộc sống quần chúng nhân dân [4]. Cách mạng đã giải phóng những khả năng sáng tạo kỳ diệu của người lao động nhưng đồng thời cũng kích thích dậy những bản năng thấp hèn đó, chúng có khả năng tha hóa, phá hoại, thậm chí giết chết các lý tưởng cách mạng. Bằng phép mầu của mình, Philipp Philippovich trao cho Sharikov cái thành tựu vĩ đại nhất của tiến hóa, cái công cụ lợi hại nhất mà loài người có được là khả năng sử dụng ngôn ngữ, thì hắn lại dùng nó để làm những điều đốn mạt nhất – chửi rủa, dối trá, vu khống, đòi hỏi, và trốn tránh nghĩa vụ. Bản chất mà Sharik thể hiện ra khi trở thành con người đại diện cho phần đông những kẻ không muốn “tay làm hàm nhai”, chỉ muốn phân chia quyền lợi và thu nhặt tất cả những lợi ích cho bản thân bằng phương pháp vị kỷ, đáng xấu hổ. Nó cũng thể hiện rõ sự châm biếm của nhà văn đối với xã hội bấy giờ, với những con người mượn danh cái nghèo và sự công bằng để thực hiện những hành vi trộm cắp thiển cận. Hình tượng “loại người mang trái tim chó” không chỉ được thể hiện qua nhân vật Sharikov, mà còn được thể hiện qua các vị khách của bác sĩ Preobrazhensky. Bác sĩ Preobrazhensky dùng y học để khám chữa bệnh và chống lại quy luật tự nhiên của thời gian và lúc này bản chất con người của các vị khách đến với ông cũng được bộc lộ ra. Không phải ngẫu nhiên mà Bulgakov dành thời gian miêu tả buổi khám bệnh của Preobrazhensky. Buổi khám bệnh này một mặt hé lộ tài năng khoa học và uy quyền mà Preobrazhensky có nhờ khoa học (tiền bạc, địa vị, quyền lựa); mặt khác lại hé lộ những thói hư tật xấu của con người, đặc biệt đó lại là những con người lắm tiền nhiều của. Preobrazhensky đã dùng tài năng của mình để thỏa mãn dục vọng của những kẻ thừa tiền: “… hai mươi lăm năm chưa bao giờ như vậy cả, “thằng cha” túm lấy cúc quần, – ngài có tin không, thưa Giáo sư, đêm nào cũng hàng đàn con gái khỏa thân… Tôi như được bỏ bùa” [1]. Những bệnh nhân của Preobrazhensky tìm đến ông để thỏa mãn “khát vọng cuối cùng”, để che giấu những tội lỗi của mình, để bảo vệ danh dự và địa vị của mình. Trước Preobrazhensky, họ không chỉ cởi hết trang phục mà còn 30
  5. cởi bỏ luôn bộ mặt giả dối của mình [4]. Và thông qua điểm nhìn của Sharik, thế giới con người hiện lên mới thật khó hiểu, giả tạo và đáng khinh đến dường nào! Sharikov vì thế không phải là một trường hợp cá biệt. Hắn là trường hợp điển hình nhất, tập trung nhiều tật xấu nhất và trơ trẽn nhất trong xã hội đó. Ngoài nhân vật Sharikov, trong tác phẩm “Trái tim chó” còn một nhân vật khác chúng ta không thể không nhắc đến đó chính là vị giáo sư tài ba Preobrazhensky, nhân vật rất gần gũi với tác giả và thông qua ông, nhà văn phát biểu nhiều quan điểm tâm đắc của chính mình: luôn hướng đến sự phát triển tột bậc của khoa học và xã hội, đồng thời căm ghét những kẻ mượn danh công bằng làm vũ khí tước đoạt đi những gì người ta xứng đáng được có [3]. Tinh thần căm ghét những hành vi cào bằng xã hội của bác sĩ Preobrazhensky thể hiện rõ rệt nhất là lúc tranh luận với những người đến yêu cầu ông rút gọn diện tích căn hộ của mình để chia sẻ với những người khác, và từ tinh thần đó đã dẫn đến quyết định xử lý vật thí nghiệm của mình dứt khoát của ông. Như trên đã nói, bằng khoa học, Preobrazhensky gần như trở thành một vị thánh, một đấng sáng tạo có quyền năng biến đổi các sinh vật. Nhưng thông qua hình tượng Sharik và Sharikov, chúng ta có thể thấy mọi thực nghiệm khoa học diễn ra trên nền tảng thiếu đạo đức và nóng vội, chủ quan đều mang lại những hậu quả đáng tiếc. Preobrazhensky đã mù quáng tin tưởng vào sức mạnh của khoa học và cuối cùng phải thừa nhận “nhân loại biết tự mình quan tâm đến điều đó và trong quá trình tiến hóa hàng năm vẫn kiên trì từ trong đám quần chúng đủ thứ tạp nham tạo ra hàng chục thiên tài xuất chúng để tô điểm cho trái đất”. Ở “Trái tim chó” chúng ta thấy được tinh thần đả phá khoa học và tư duy duy lý trong những nỗ lực đi ngược lại quy luật tồn tại và phát triển của tự nhiên. Sự phủ nhận và châm biếm khoa học càng thấm thía hơn khi đến trang cuối cùng của tác phẩm, sau những sai lầm và hậu quả nghiêm trọng của nó, Preobrazhensky vẫn “kiên trì, bướng bỉnh, cứ cố đạt được một cái gì đó” trong các nghiên cứu của mình. Và đến cuối cùng, vị giáo sư tài năng này vẫn mộng tưởng vượt ra khỏi giới hạn của con người để “đến hai bờ sông Nil thần thánh…” Kết luận Tác phẩm “Trái tim chó” chỉ gói gọn trong vỏn vẻn vài chục ngàn từ, nhưng Mikhail Bulgakov đã lột tả được hoàn toàn thể loại “người lai chó” bằng những câu chữ châm biếm, mỉa mai đầy sự khinh thị. Rõ ràng, việc lai tạo ra một loài sinh vật “mới” và chứng kiến quá trình phát triển từ loài động vật tầm thường thành động vật cao cấp như con người là một thành công vang dội. Nhưng với bác sĩ Preobrazhensky – hiện thân của Mikhail Bulgakov thì đó là một sự sỉ nhục, khi con chó Sharik được ghép vào tuyến yên từ một kẻ vô sản đốn mạt, lưu manh và dối trá. Ngoài ra, tác phẩm này cũng vừa thể hiện cái nhìn của Bulgakov đối với 31
  6. khoa học và tôn giáo, vừa bộc lộ quan điểm về hiện thực và chính trị của ông. Bằng cách đặt những phát ngôn chống đối chính quyền vào lời của các nhân vật, vô hình trung, Bulgakov đã tách mình khỏi nhân vật. Bằng cách cho Sharikov máy móc lặp đi lặp lại những khẩu hiệu của chính quyền, Bulgakov đã giễu nhại chính những đường lối đó. Hơn thế nữa, qua Sharikov, Bulgakov còn chỉ ra được sự đáng sợ khi chính trị bị dùng vào mục đích cá nhân. Câu chuyện của Bulgakov không chỉ nói về một thí nghiệm thành công hay thất bại, không chỉ nói về cuộc sống của một con chó đã thay đổi ra sao khi vừa bước đến đỉnh tiến hóa của động vật cấp cao, Bulgakov cho người đọc thấy rất rõ con Chó – Người kia đã trở thành Người – Chó, một thể loại người vô cùng quen thuộc luôn tồn tại ở giữa chúng ta, và kết cục của bọn chúng, nên là giống như Sharik. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. M. Bulgakov (2011), Trái tim chó, Đoàn Tử Huyến dịch, NXB Lao động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. 2. Marina Flider (2011), Exhumed from Asterisks: From Commomplace Russian Tyrannies to the Dark Spaces of Bulgakov’s Heart of Dog, Report Presented to the Requirements for the Degree of Master of Art, The University of Texas ay Austin. 3. Lê Thị Kim Loan: “ “Trái tim chó” – câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại”. 4. Sanyschan: “Trái tim chó: Sự châm biếm sâu cay về một loại người trong xã hội”. 32
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2