JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0083<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6A, pp. 123-130<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN DƯỚI GÓC ĐỘ TIẾP CẬN<br />
SỰ GẮN KẾT CỦA SINH VIÊN VÀO GIỜ HỌC TRÊN LỚP<br />
<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Theo quan niệm dạy học hiện đại, hoạt động học trên lớp của sinh viên có thể<br />
được hiểu là sự gắn kết của họ vào các nhiệm vụ học tập trên lớp, biểu hiện ở ba khía cạnh<br />
bao gồm nhận thức, hành vi và thái độ. Trong môi trường đào tạo theo học chế tín chỉ, với<br />
những giờ học được giảng viên thực hiện một cách hợp lí theo tiếp cận sư phạm tương tác,<br />
bên cạnh hoạt động tự học, mức độ gắn kết vào hoạt động học tập của sinh viên trên lớp<br />
có thể được xem là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định chất lượng của giờ học.<br />
Dưới góc nhìn về sự gắn kết đó, hoạt động học tập của sinh viên trên lớp cũng cần được<br />
khái niệm lại một cách phù hợp, trên cơ sở đó, xác định cấu trúc của hoạt động học cũng<br />
như phân loại các kiểu học tập, làm căn cứ lí thuyết để đánh giá và nâng cao hiệu quả quá<br />
trình dạy học ở bậc đại học.<br />
Từ khóa: Hoạt động học tập của sinh viên trên lớp, sự gắn kết của sinh viên vào hoạt động<br />
học tập trên lớp.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Học tập thường được xem là hoạt động chủ đạo của sinh viên để chuẩn bị hành trang về<br />
kiến thức, kĩ năng và thái độ nghề nghiệp, giúp họ sẵn sàng bước vào môi trường lao động nghề<br />
nghiệp trong tương lai. Nguyễn Thạc (2009) đã định nghĩa về hoạt động học tập ở đại học là “một<br />
loại hoạt động tâm lí được tổ chức một cách độc đáo của sinh viên nhằm mục đích có ý thức là<br />
chuẩn bị trở thành người chuyên gia phát triển toàn diện sáng tạo và có trình độ nghiệp vụ cao”<br />
[2]. Là một loại hoạt động tâm lí, học tập ở đối tượng sinh viên mang những nét đặc trưng bao<br />
gồm sự căng thẳng mạnh mẽ về trí tuệ, các quá trình tâm lí cấp cao, các hoạt động khác nhau cũng<br />
như nhân cách người sinh viên nói chung. Học tập chỉ thực sự mang lại hiệu quả đối với người học<br />
khi và chỉ khi người đó chủ động, tích cực tập trung vào hành vi và thao tác học. Nói cách khác,<br />
hoạt động học tập với cấu trúc phức tạp bao gồm các yếu tố như nhận thức, thái độ và hành vi là<br />
biểu hiện rõ nét nhất của vấn đề sinh viên tham gia học hay không học. Do vậy, sự tham gia học<br />
tập trên lớp của sinh viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, hướng dẫn và hỗ<br />
trợ cho sinh viên cách thức tìm kiếm tri thức, hình thành và rèn luyện năng lực nghề cũng như hun<br />
đúc, củng cố tình cảm đối với công việc mình đã lựa chọn.<br />
<br />
<br />
Ngày nhận bài: 21/2/2015. Ngày nhận đăng: 2/5/2015.<br />
Liên hệ: Nguyễn Hoàng Đoan Huy, e-mail: nguyenhoangdoanhuy@gmail.com.<br />
<br />
123<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
<br />
<br />
Theo quan điểm hiện đại, hoạt động học trên lớp của sinh viên, có thể được hiểu là sự tham<br />
gia của sinh viên vào tiến trình dạy học trên lớp, có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ. Thứ nhất<br />
là sự tham gia biểu hiện bên ngoài, bề mặt, thông qua hành vi, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, hoặc đơn<br />
giản chỉ là sự có mặt của sinh viên trong lớp (classroom participation); và thứ hai là sự gắn kết vào<br />
tiến trình dạy học trên lớp (classroom engagement) thông qua hoạt động tâm lí thực sự đang diễn<br />
ra bên trong họ trong suốt giờ học. Một sinh viên gắn kết với hoạt động trong lớp học có thể được<br />
xem là người đóng vai trò chủ động trong việc học của mình [3]. Đồng tình với quan điểm đó, bài<br />
báo đề cập đến hoạt động học tập dưới góc độ sự gắn kết của sinh viên vào hoạt động học trên lớp,<br />
qua đó khái niệm lại hoạt động học tập trên lớp của sinh viên, cấu trúc lại hoạt động đó, đồng thời,<br />
phân loại các kiểu hoạt động học tập của sinh viên trong giờ học trên lớp.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Khái niệm hoạt động học tập trên lớp của sinh viên dưới góc nhìn sự gắn<br />
kết<br />
Trong quá trình phát triển của giáo dục, kể từ khi nhà trường ra đời, hình thức dạy học lớp - bài với<br />
những lớp học nhiều học sinh cùng lứa tuổi và trình độ tương đồng, giáo viên sử dụng kiểu dạy học “thông<br />
báo - đồng loạt” mới có thể hoàn thành trách nhiệm của mình là truyền đạt toàn bộ nội dung quy định trong<br />
chương trình và kế hoạch giảng dạy do nhà trường quy định. Cũng từ đó, học sinh thường có xu hướng học<br />
theo kiểu thụ động, chú trọng ghi nhớ và ít thực hành, vận dụng và trải nghiệm. Nhận thấy hạn chế và bất<br />
cập trong xu hướng này cũng như thực tế chất lượng đào tạo yếu kém, không đáp ứng yêu cầu của xã hội<br />
đặt ra cho giáo dục, nhu cầu cần phải đổi mới vai trò của người dạy cũng như người học, đặc biệt là nhu<br />
cầu phát huy tính tích cực chủ động học tập của học sinh cũng như thực hiện dạy học phân hoá, quan tâm<br />
đến nhu cầu, khả năng của cá nhân người học... ngày càng trở nên cấp thiết. Các cách tiếp cận, quan điểm,<br />
phương pháp dạy học tích cực trong đó “dạy học lấy người học làm trung tâm” hay “dạy học hướng vào<br />
người học”... ra đã đời xuất phát từ những nhu cầu đó.<br />
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, tư tưởng nhấn mạnh vai trò tích cực, chủ động của người học,<br />
xem người học là chủ thể của quá trình dạy học đã xuất hiện từ rất lâu, ở thế kỉ XVII, A.Kômenski đã viết:<br />
“Giáo dục có mục đích đánh thức năng lực nhạy cảm, phán đoán, phát triển nhân cách... hãy tìm ra phương<br />
pháp cho phép giáo viên dạy ít hơn, học sinh học nhiều hơn”. Tiếp sau đó, rất nhiều nhà giáo dục học như<br />
John Dewey hay Carl Rogers... cũng đề cao nhu cầu, lợi ích của người học, đề xuất việc phát huy vai trò lựa<br />
chọn nội dung học tập cũng như vai trò tự tìm tòi, nghiên cứu của người học. Quan điểm dạy học hướng vào<br />
người học dần hình thành, phát triển và hiện vẫn được xem là cách tiếp cận đúng đắn và được sử dụng rộng<br />
rãi trong các nền giáo dục tiên tiến ở các quốc gia trên thế giới.<br />
Theo đó, với cách tiếp cận dạy học hướng vào người học, toàn bộ quá trình dạy học (giáo dục) đều<br />
hướng vào nhu cầu, khả năng, lợi ích của người học. Mục tiêu của dạy học là trang bị cho học sinh năng lực<br />
và phẩm chất để sớm thích ứng với cuộc sống xã hội, hoà nhập và phát triển cộng đồng; đặc biệt là tôn trọng<br />
nhu cầu, lợi ích, khả năng và tiềm năng của người học. Nội dung dạy học không chỉ là kiến thức phổ thông<br />
và khoa học mà cái chính là phương pháp tìm kiếm và tiếp thu kiến thức trong bể tri thức rộng lớn đang<br />
ngày càng gia tăng của nhân loại; bên cạnh đó, dạy học còn chú trọng hình thành và rèn luyện hệ thống kĩ<br />
năng thực hành, vận dụng cũng như phát triển các năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Với<br />
mục tiêu và nội dung đó, quá trình dạy học theo quan điểm này cũng phải sử dụng hệ thống phương pháp<br />
dạy học tích cực trong đó chủ yếu tổ chức cho người học hoạt động độc lập hoặc theo nhóm, qua đó các em<br />
có thể tự giác và chủ động chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng và thái độ đồng thời rèn luyện phương pháp tự học<br />
cũng như làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học. Và như vậy, giờ học trên lớp của sinh viên trở thành<br />
khoảng thời gian các em thực sự tham gia vào hoạt động học tập, là chủ thể của quá trình dạy học dưới sự<br />
<br />
<br />
124<br />
Hoạt động học tập của sinh viên dưới góc độ tiếp cận sự gắn kết...<br />
<br />
<br />
hướng dẫn và điều chỉnh của giảng viên.<br />
Trong các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, hoạt động học tập của sinh viên trên lớp được<br />
tiếp cận với nhiều cách thức và khía cạnh khác nhau. Ở Việt Nam, hoạt động học tích cực, chủ động được<br />
nghiên cứu tập trung vào phương hướng, phương pháp, cách thức, công nghệ cụ thể mang tính sư phạm<br />
nhằm tạo ra hành vi và thao tác học tập, kích thích và nâng cao tính tích cực của chủ thể, đặc biệt là tính<br />
tích cực nhận thức của người học. Theo đó, mảng đề tài về tính tích cực học tập được nghiên cứu trên nhiều<br />
đối tượng bao gồm sinh viên đại học. Trên bình diện chung, tính tích cực học tập được nhìn nhận dưới góc<br />
độ là phẩm chất nhân cách của người sinh viên, thể hiện ý thức tự giác của họ về mục đích của hoạt động<br />
học tập, thông qua đó sinh viên huy động ở mức cao các chức năng tâm lí nhằm tổ chức và thực hiện hoạt<br />
động học tập có hiệu quả (Đỗ Thị Coong 2003, Lê Thị Xuân Liên 2007, Phạm Văn Tuân 2011) [4,5,6]. Và<br />
như vậy, hoạt động học thực sự chỉ được đề cập đến trên bình diện là một thuộc tính tâm lí của nhân cách<br />
thiêng về nhận thức, chưa bao hàm yếu tố xúc cảm, thái độ và hành vi của người học; đây có thể được xem<br />
là một hạn chế trong các nghiên cứu ở nước ta hiện nay về hoạt động học của sinh viên.<br />
Theo tiếp cận hiện đại, trong các công trình nghiên cứu đã và đang được thực hiện trên thế giới, các<br />
nhà giáo dục học nghiên cứu về hoạt động học tập của sinh viên trên lớp theo tiếp cận “sự gắn kết của sinh<br />
viên vào hoạt động học” (student engagement in classroom). Ở đây, hoạt động học của sinh viên, hay nói<br />
cách khác là sự gắn kết học tập của sinh viên được định nghĩa là “sự tham gia vào hoạt động giáo dục, ở<br />
cả trong và ngoài lớp học, nhằm đạt được những kết quả có thể đo lường được” (Kuh và cộng sự 2007), và<br />
là “mức độ sinh viên tham gia vào các hoạt động giáo dục được kết nối với những kết quả học tập có chất<br />
lượng cao” (Krause và Coates 2008), hay là “hiệu quả của những nỗ lực bản thân sinh viên cống hiến cho<br />
các hoạt động giáo dục nhằm góp phần trực tiếp tạo ra các kết quả họ mong đợi” (Hu và Kuh 2001). Coates<br />
(2007) cho rằng sự gắn kết học tập của sinh viên là “một cấu trúc tương đối rộng trong đó sinh viên nỗ lực<br />
trong lĩnh vực học thật để đạt mục tiêu đã định”, bao gồm các yếu tố như học tích cực và hợp tác, tham<br />
gia vào các hoạt động học thuật mang tính thách thức, giao tiếp chính thức với cán bộ giảng dạy và cán bộ<br />
trường đại học, tham gia trải nghiệm các hoạt động giáo dục, cảm thấy thuộc về và được hỗ trợ từ cộng đồng<br />
học tập trong nhà trường [7].<br />
Trong công trình nghiên cứu xây dựng hệ thống phiếu điều tra bằng bảng hỏi (survey) với tên gọi<br />
Điều tra quốc gia về sự tham gia của sinh viên (NSSE), được tiến hành hằng năm trong các trường đại học<br />
công lập và tư thục tại Hoa Kì, Canada và hiện được đưa vào sử dụng tại Úc, các nhà nghiên cứu đã định<br />
nghĩa về sự gắn kết học tập của sinh viên như là “trạng thái tham gia của người học vào các hoạt động và<br />
các điều kiện có khả năng kiến tạo việc học có chất lượng cao”, và được đánh giá trên 6 khía cạnh gồm:<br />
Thách thức học thuật, học tích cực, tương tác giữa sinh viên và cán bộ giảng dạy, trải nghiệm hoạt động giáo<br />
dục, môi trường học tập được hỗ trợ và học đi đôi với vận dụng vào nghề nghiệp.<br />
Trong phạm vi lớp học, sự gắn kết của sinh viên vào hoạt động học trong giờ học còn được hiểu là<br />
“một quá trình người học chủ động gắn hoạt động của cá nhân vào hoạt động học tập trên lớp với những<br />
biểu hiện cụ thể ở các khía cạnh bao gồm: Tâm thế sẵn sàng cho hoạt động học, tham gia đóng góp vào<br />
thảo luận trên lớp, các kĩ năng làm việc theo nhóm, các kĩ năng giao tiếp và sự hiện diện trên lớp” (Dancer<br />
& Kamvounias, 2005) [8]. Trong một quan niệm khác, Fritschner (2000) đã chỉ ra được 6 mức độ tham gia<br />
hoạt động học trên lớp của sinh viên, từ mức đơn thuần chỉ là sự hiện diện đến mức cao nhất là trình bày<br />
bằng ngôn ngữ nói trước toàn thể lớp học [9]; và trong giờ học, sinh viên có thể lựa chọn im lặng hoặc tham<br />
gia hoạt động bằng cách thể hiện qua ngôn ngữ nói như đặt câu hỏi, tham gia thảo luận, trình bày trước<br />
nhóm, trước lớp,... nhưng khi sinh viên lựa chọn im lặng không có nghĩa là không tham gia vào hoạt động<br />
học trên lớp [10].<br />
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra những quan niệm khác nhau về các yếu tố thành<br />
phần tạo nên sự gắn kết. Chẳng hạn như, mô hình 2 thành phần bao gồm hành vi (sự tham gia, nỗ lực,<br />
thực hành một cách tích cực,...) và xúc cảm (hứng thú, cảm giác thuộc về, giá trị, các xúc cảm tích cực,...)<br />
(Finn 1989, Marks 2000, Skinner, Kindermann, & Furrer 2009); hoặc 3 thành phần bao gồm hành vi, xúc<br />
cảm và nhận thức (Archaumbault 2009, Fredricks 2004, Jimerson 2003, Wigfield 2008); hoặc 4 thành phần<br />
<br />
125<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
<br />
<br />
bao gồm học thuật, hành vi, nhận thức và tâm lí (Appleton, Christenson, Kim, & Reschly 2006, Reschly &<br />
Christenson 2006) [11]. Mặc dù vẫn tồn tại những khác nhau cơ bản về số lượng và dạng thức của các thành<br />
phần cấu thành nên sự gắn kết học tập của sinh viên trên lớp, các nhà nghiên cứu cũng đã có sự thống nhất<br />
tương đối về quan niệm cấu trúc đa thành tố của thuật ngữ này.<br />
Xuất phát từ phân tích trên, chúng tôi lựa chọn cách hiểu về thuật ngữ sự gắn kết của sinh viên vào<br />
hoạt động học như là một trạng thái hoạt động của người học bao gồm các mặt về nhận thức, thái độ và<br />
hành vi, khi người đó tham gia một cách tích cực, chủ động và sáng tạo vào các hoạt động diễn ra trên lớp<br />
nhằm đạt được các mục tiêu học tập một cách hiệu quả.<br />
Trên cơ sở lí thuyết dạy học lấy người học làm trung tâm và lí thuyết về sự gắn kết vào hoạt động<br />
học tập của sinh viên như đã trình bày ở trên, chúng tôi thống nhất quan niệm hoạt động học trên lớp của<br />
sinh viên như sau:<br />
Hoạt động học trên lớp của sinh viên là hoạt động trung tâm của quá trình dạy học trên lớp ở bậc<br />
đại học, trong đó sinh viên tham gia và gắn kết với các nhiệm vụ học tập trên cả ba bình diện bao gồm nhận<br />
thức, hành vi và thái độ.<br />
<br />
2.2. Cấu trúc hoạt động học tập của sinh viên trong giờ học trên lớp<br />
Với khái niệm hoạt động học như trên, mô hình cấu trúc của hoạt động học tập của sinh viên trong<br />
giờ học có thể được minh hoạ ở Hình 1 như sau:<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 1. Cấu trúc hoạt động học tập của sinh viên trên lớp<br />
<br />
Theo đó, các yếu tố cấu thành nên sự gắn kết học tập của sinh viên trên lớp bao gồm 3 khía cạnh:<br />
Về mặt hành vi, về mặt thái độ và về mặt nhận thức.<br />
Về mặt hành vi, đây có thể xem là khía cạnh biểu hiện rõ nét nhất của hoạt động học tập của sinh<br />
viên trong giờ học trên lớp, bao gồm cả hoạt động mang tính chất học thuật lẫn tính chất xã hội. Có 3 thành<br />
phần hoat động học tập được biểu hiện về mặt hành vi: Hành động tích cực (tuân thủ nội quy lớp học),<br />
tham gia vào các nhiệm vụ học tập (chú ý, tập trung, kiên trì, nỗ lực, trình bày thắc mắc, đóng góp cho thảo<br />
luận...) và tham gia vào các hoạt động khác của lớp (chơi trò chơi, giúp đỡ bạn bè trong học tập...). Như vậy,<br />
với những phương pháp và kĩ thuật dạy học được giảng viên sử dụng trong giờ học, có thể dễ dàng quan<br />
sát được sinh viên học hay không học thông qua những hành vi thông thường như sau: Hiện diện trong lớp,<br />
lắng nghe lúc giảng viên thuyết trình hoặc bạn bè thảo luận, ghi chép bài học, làm bài tập, tham gia thảo<br />
luận, trình bày trước nhóm, cả lớp, tham gia các hoạt động được giảng viên tổ chức trên lớp,... Ngoài ra,<br />
hoạt động học tập trên lớp của sinh viên còn cho thấy sự gắn kết thực sự hay không còn bộc lộ qua mối quan<br />
hệ tương tác giữa sinh viên với giảng viên và giữa sinh viên với nhau.<br />
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, sinh viên im lặng và không bộc lộ một hay nhiều hơn trong số<br />
những biểu hiện đã liệt kê ở trên không đồng nghĩa với việc họ không gắn kết vào hoạt động học tập. Bởi<br />
vì, sinh viên tham gia hoạt động học hay không còn có thể biểu hiện trên khía cạnh xúc cảm. Đó là những<br />
<br />
126<br />
Hoạt động học tập của sinh viên dưới góc độ tiếp cận sự gắn kết...<br />
<br />
<br />
biểu hiện về mặt thái độ của sinh viên trong suốt giờ học khi họ cho thấy mức độ chú ý, sự hứng thú hay thờ<br />
ơ, háo hức hay buồn chán, và cảm giác thuộc về hay không thuộc về cộng đồng học tập trong lớp thông qua<br />
quá trình tương tác với giảng viên, bạn cùng lớp, hoặc những biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể như nét mặt,<br />
ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ...<br />
Về mặt nhận thức, đây là khía cạnh khó quan sát nhất nhưng lại chính là thành phần quan trọng nhất<br />
trong hoạt động học tập của sinh viên trên lớp. Chúng tôi cho rằng, thành tố này tương đồng với quan niệm<br />
về tính tích cực nhận thức vốn được nghiên cứu rộng rãi trong ngành Tâm lí học, Giáo dục học ở nước ta<br />
hiện nay. Sinh viên biểu hiện tính tích cực nhận thức khi họ huy động các quá trình tâm lí như tư duy, tưởng<br />
tưởng, trừu tượng hoá, tổng hợp, phân tích, sáng tạo,... vào hoạt động học của mình, họ tìm cách để đáp ứng<br />
những yêu cầu, đòi hỏi của giảng viên về bài học và cố gắng vượt qua các thử thách do vấn đề học thuật<br />
mang lại. Như vậy, sự gắn kết về mặt nhận thức là sự tổng hợp của 2 thành phần chính: Tâm lí và nhận thức.<br />
Thành tố tâm lí bao gồm mục tiêu, động cơ học, và khả năng tự quản lí của người học liên quan đến những<br />
vấn đề như tâm thế sẵn sàng, nỗ lực cố gắng để thông hiểu các vấn đề khoa học trừu tượng cũng như hình<br />
thành và rèn luyện các kĩ năng nghề nghiệp phức tạp. Thành tố nhận thức liên quan đến khả năng tự quản lí<br />
của người học về đến những vấn đề như ý thức học tập, vận dụng các phương pháp học phù hợp cũng như<br />
có chiến lược trong tư duy và học tập. Nói cách khác,<br />
Các khía cạnh biểu hiện hoạt động học tập của sinh viên còn có thể được phân chia thành các mức<br />
độ khác nhau qua đó cho thấy người học tích cực, không tích cực, hay thậm chí có những biểu hiện tiêu cực<br />
trong việc thực hiện các thao tác học trên lớp. Bảng 1 cho thấy một số ví dụ về các mức độ như sau:<br />
<br />
Bảng 1. Ví dụ về mức độ tham gia hoạt động học tập của sinh viên<br />
Gắn kết tích cực Không gắn kết Tham gia tiêu cực.<br />
Có mặt ở lớp, tham<br />
Tẩy chay, ngắt quảng hoặc<br />
gia các hoạt động<br />
Vắng mặt trong giờ học phá phách khi giảng viên và<br />
Mặt hành vi được tổ chức trên lớp<br />
không lí do cả lớp đang thực hiện hoạt<br />
một cách nhiệt tình,<br />
động dạy và học.<br />
tích cực<br />
Hứng thú với các Buồn chán, ủ rủ trong Gắt gỏng, cáu kỉnh, dè bỉu<br />
Mặt thái độ<br />
hoạt động trên lớp giờ học giảng viên hoặc bạn bè.<br />
Đáp ứng hoặc vượt Thay đổi, làm khác đi so với<br />
qua yêu cầu của Không thực hiện các yêu cầu của giảng viên và tổ<br />
Mặt nhận thức giảng viên về các nhiệm vụ học tập, hoặc chức của nhóm khi thực hiện<br />
nhiệm vụ học tập thực hiện không đầy đủ các nhiệm vụ học tập trên<br />
trên lớp lớp.<br />
<br />
<br />
Như vậy, một sinh viên có thể bộc lộ cho thấy một số biểu hiện ở mức độ tích cực về một hoặc nhiều<br />
khía cạnh của hoạt động học tập nhưng đồng thời cũng có thể cho thấy sự không gắn kết hoặc thậm chí tham<br />
gia một cách tiêu cực ở các khía cạnh khác. Chẳng hạn, trong lớp học thuộc học phần Xã hội học, một sinh<br />
viên nữ chăm chỉ tham gia tất cả các hoạt động học trên lớp như lắng nghe giảng viên thuyết trình, đặt câu<br />
hỏi cho giảng viên về những vấn đề chưa hiểu, tham gia thảo luận với bạn cùng lớp... là những biểu hiện về<br />
mặt hành vi của sự gắn kết của sinh viên này trong hoạt động học trên lớp. Tuy vậy, trong suốt buổi học,<br />
người sinh viên bộc lộ ánh mắt thờ ơ và nét mặt không hứng thú. Không những vậy, khi tham gia vào hoạt<br />
động thảo luận nhóm, cô đã không đồng ý sự phân công của nhóm khi được đề xuất là người thuyết trình<br />
sản phẩm hoạt động của cả nhóm vì cô cho rằng giảng viên giao nhiệm vụ không công bằng cho các nhóm.<br />
Đó là một ví dụ cho thấy sự phong phú và đa dạng về mức độ gắn kết của sinh viên trong hoạt động học<br />
tập trên lớp. Thấy được một cách cụ thể và chi tiết từng loại mức độ trong mỗi khía cạnh của sự gắn kết này<br />
sẽ cho phép giảng viên cũng như cán bộ giáo dục có được cái nhìn chính xác và khách quan hơn trong việc<br />
đánh giá hoạt động học tập của sinh viên nói riêng và đánh giá chất lượng quá trình dạy học nói chung.<br />
<br />
127<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
<br />
<br />
Bên cạnh đó, hoạt động học tập của sinh viên trong giờ học trên lớp còn được xem xét dưới 2 góc độ<br />
bao gồm: Tính chất học thuật (academic) và tính chất xã hội (social) (Coates 2007) [12]. Sự phân chia này<br />
được chúng tôi sử dụng làm cơ sở để phân loại các kiểu gắn kết của sinh viên sẽ trình bày ở phần tiếp theo.<br />
Từ những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, hoạt động học tập của sinh viên trong giờ học trên<br />
lớp theo tiếp cận lí thuyết “dạy học lấy người học làm trung tâm” và lí thuyết “sự gắn kết vào hoạt động học<br />
của sinh viên” có thể được hiểu là một tổ hợp các biểu hiện về mặt nhận thức, thái độ và hành vi của sinh<br />
viên khi họ tham gia một cách tích cực, chủ động và sáng tạo vào các hoạt động diễn ra trong giờ học nhằm<br />
đạt được các mục tiêu học tập một cách hiệu quả và chất lượng.<br />
<br />
2.3. Các kiểu hoạt động học tập của sinh viên trong giờ học<br />
Từ khái niệm và cấu trúc đã phân tích ở trên, chúng tôi phân chia hoạt động học tập của sinh viên<br />
trên lớp thành những kiểu được minh hoạ ở Hình 2 dưới đây.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 2. Các hoạt động học của sinh viên trong giờ học trên lớp<br />
<br />
Khi phân chia cấu trúc hoạt động học tập của sinh viên trong giờ học thành 2 yếu tố chính mang tính<br />
chất học thuật và tính chất xã hội, những kết hợp giữa các mức độ cao hay thấp của 2 ngưỡng này cho thấy<br />
rõ các kiểu học tập sinh viên thực hiện trong giờ học trên lớp.<br />
- Kiểu học tập tích cực. Đây là hình thức trong đó người học tham gia sâu vào hoạt động học để<br />
trang bị kiến thức khoa học, tri thức chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp đồng thời phát triển các kĩ năng xã<br />
hội khác như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình trước đám đông, rèn luyện khả năng lãnh đạo... Những<br />
sinh viên thuộc loại này thường không ngần ngại tiếp xúc với giảng viên cũng như bạn cùng lớp, họ xem<br />
lớp học là môi trường thích hợp, được hỗ trợ và đầy thử thách để tạo điều kiện cho họ phát huy và phát triển<br />
năng lực của bản thân.<br />
- Kiểu học tập độc lập. Sinh viên tham gia vào hoạt động học trên lớp một cách độc lập cho thấy<br />
tinh thần học thuật cao độ nhưng cách thức tiếp cận với hoạt động học theo hướng hoà nhập với tập thể lại<br />
tương đối hạn chế. Họ có thể rất chăm đến lớp, chú ý, lắng nghe giảng viên thuyết trình, thực hiện đầy đủ<br />
các yêu cầu về nhiệm vụ học tập... Tuy nhiên, trong mối quan hệ tương tác với giảng viên cũng như với bạn<br />
học cùng lớp, họ tỏ ra e ngại hợp tác, kĩ năng giao tiếp hạn chế làm họ không phát huy được vài trò chủ<br />
động của mình trong việc phát triển các kĩ năng xã hội cần thiết.<br />
- Kiểu học tập tập thể. Với thế mạnh về khả năng hoà nhập tốt với tập thể thông qua năng lực giao<br />
tiếp và tính tích cực, chủ động trong tham gia hoạt động, sinh viên thuộc kiểu học tập tập thể thường cho<br />
thấy xu hướng linh hoạt và năng động trong việc chứng tỏ cái tôi của mình trong đám đông. Tuy vậy, càng<br />
nghiêng về các kĩ năng mềm, họ lại càng ít lưu tâm đến bản chất của việc học là trang bị kiến thức và rèn<br />
luyện năng lực chuyên môn. Tính chất học thuật không rõ nét trong sự tham gia này có thể làm kết quả học<br />
tập của người học không cao như mong đợi.<br />
<br />
128<br />
Hoạt động học tập của sinh viên dưới góc độ tiếp cận sự gắn kết...<br />
<br />
<br />
- Kiểu học tập thụ động. Đây là hình thức học tập trong đó sinh viên không bộc lộ hứng thú, tính<br />
tích cực nhận thức đối với nội dung học tập cũng như cách thức tiến hành hoạt động học. Sự thờ ơ việc trang<br />
bị tri thức, rèn luyện năng lực và phát triển các kĩ năng xã hội làm cho họ không cảm thấy mình thuộc về<br />
cộng đồng học tập trong lớp học. Sự im lặng này không chỉ biểu hiện ở bề mặt qua hành vi mà ngay cả về<br />
mặt hành vi và nhận thức đều không tích cực, chủ động. Kiểu gắn kết này có thể dễ dành nhận thấy và cần<br />
thiết được nghiên cứu để xây dựng tác động phù hợp.<br />
Sự phân chia các kiểu học tập của sinh viên trong giờ học trên lớp chỉ mang tính tương đối và biểu<br />
hiện của các kiểu học của sinh viên cũng hết sức đa dạng và phong phú tuỳ thuộc vào từng điều kiện khách<br />
quan và chủ quan khác nhau; trong đó, các tác nhân bao gồm người dạy, nội dung bài học, phương pháp dạy<br />
học, tâm trạng và sức khoả của sinh viên cũng có những ảnh hưởng nhất định đến kiểu học tập của từng<br />
sinh viên trong lớp.<br />
Việc xác định kiểu học tập của sinh viên trong giờ học có vai trò quan trọng đối với người giảng<br />
viên. Bởi vì trên cơ sở nắm bắt được đối tượng của hoạt động dạy mà mình hướng đến, xác định chính xác<br />
và kịp thời kiểu học của từng đối tượng, sẽ giúp cho giảng viên có thể thiết kế và điều chỉnh phương pháp<br />
giảng dạy, nội dung bài học cũng như cách thức tiếp cận để phù hợp hơn với lớp học, mang lại hiệu quả cho<br />
quá trình dạy học trong đó nâng cao chất lượng học tập của sinh viên là mục tiêu trên hết.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Hoạt động học tập của sinh viên trong giờ học trên lớp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chất<br />
lượng giáo dục đại học. Quan niệm hiện đại về hoạt động học tập của sinh viên theo tiếp cận sự gắn kết của<br />
học trong giờ học trên lớp cho thấy bản chất của quá trình học tập của sinh viên biểu hiện ở 3 khía cạnh bao<br />
gồm nhận thức, hành vi và thái độ của họ đối với các nhiệm vụ học tập trên lớp. Nghiên cứu nội hàm của<br />
các khía cạnh này, đồng thời xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến chúng có thể xác định những tiêu chí đánh<br />
giá hoạt động học của sinh viên trên lớp, qua đó có thể đánh giá được hiệu quả của quá trình dạy học cũng<br />
như cải thiện được chất lượng hoạt động học của sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Charles T. Towley, 2005. Tập huấn đào tạo tín chỉ. Trường Đại học Vinh.<br />
[2] Nguyễn Thạc, Phạm Thành Nghị, 2009. Tâm lí học sư phạm đại học. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.<br />
[3] Weaver and Qi, qtd. inRogers, Susan L., 2013. Calling the question: Do college instructors actually<br />
grade participation? College Teaching, pp. 11-22.<br />
[4] Đỗ Thị Coong, 2003. Nâng cao tính tự giác, tích cực trong hoạt động học tập của sinh viên. Tạp chí<br />
Tâm lí học, số 3, tr. 60-63.<br />
[5] Lê Thị Xuân Liên, 2007. Phát huy tính tích cực của học sinh - sinh viên trong dạy học Toán ở các<br />
trường Cao đẳng Sư phạm. Kỉ yếu Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, tr.14-15.<br />
[6] Phạm Văn Tuân, 2011. Một số biện pháp nâng cao tính tích cực học tập của sinh viên trường Đại học<br />
Trà Vinh. Tạp chí Tâm lí học, số 02, tr.74-78.<br />
[7] Vicki Trowler, 2010. Student engagement literature review. The Higher Education Academy,<br />
Innovation Way. York Science Park, Heslington. https://www.heacademy.ac.uk.<br />
[8] Dancer, D., Kamvounias, P., 2005. Student involvement in assessment: A project designed to assess<br />
class participation fairly and reliably. Assessment & Evaluation in Higher Education, 30, pp. 445-454.<br />
[9] Fritschner, L. M., 2000. Inside the undergraduate college classroom: Faculty and students differ on<br />
the meaning of student participation. The Journal of Higher Education, 71, pp. 342-362. (LR).<br />
<br />
129<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
<br />
<br />
[10] Kevin R. Meyer, 2009. Student classroom engagement: Rethinking participation grades and student<br />
silence. Scripps College of Communication.<br />
[11] Jennifer A. Fredricks, Wendy McColskey, 2012. The measurement of student engagement: A<br />
comparative analysis of various methods and students self-report instruments. Handbook of research<br />
on Student engagement. Spinger.<br />
[12] Coates, H., 2007. A Model of online and general campus-based student engagement. Assessment and<br />
evaluation in higher education. 32 (2), pp. 121-141.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
College student learning in perspective approaching of student engagement in classroom<br />
<br />
In modern perspective of teaching theories, college student learning in classroom is also supposed<br />
to be the student engagement in learning tasks during classtime, seen by three aspects including cognitive,<br />
behavioural and affective engagement. To credit based system training situation, along with self-learning,<br />
student engagement plays the most important role in deciding student learning quality. Thus, learning of<br />
student in classroom should be redefined to identify its structure and classtify its types as well, so that they<br />
could be used to evaluate and improve teaching quality in college.<br />
Keywords: Student learing in classroom, student engagement in classroom.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
130<br />